Miền Nam mưa nắng hai mùa


Hình (Trần Công Nhung): Miền Nam mưa nắng hai mùa (cảnh lụt lội ở đường Bùi Viện, Saigon).


Miền Nam ở đây tôi muốn dùng để chỉ vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long, thế nhưng ở bài này tôi không có ý định phân tích về điều kiện thời tiết của vùng đất trên mà chỉ muốn dùng tựa đề để nhấn mạnh đến tính chất đặc thù của vùng đất ruộng thẳng cánh cò bay và sông rạch chằng chịt, ở nơi ấy tôi có khá nhiều kỷ niệm thời trai trẻ. Tôi sinh ra ở miền Bắc, di cư vào Nam năm 12 tuổi sau Hiệp Ðịnh Geneve, ăn học và lớn lên ở Sài Gòn.

Nhưng mãi đến khi tôi trở thành một phóng viên mặt trận vào lúc khói lửa chiến tranh bắt đầu lan rộng ở vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long, người thầy của tôi là Giáo Sư Wyndham (người Úc) cũng muốn tôi thử lửa trong những trận đánh trên những cánh đồng lúa mênh mông ở Cà Mau và Bạc Liêu nên mới có dịp “lội” khắp vùng.

Thời gian tôi đi lại và sống với trọn những mùa chinh chiến tại miền Nam là khoảng thời gian từ 1964 cho tới cuối năm 1967. Trong suốt những khoản thời gian ấy, tôi đã có dịp tham dự và tường thuật những trận đánh khá lớn ở dọc theo con kinh Thác Lác (Bạc Liêu) và ở Bãi Sào (Sóc Trăng), nhiều cuộc tấn công vào Thạnh Phú Kiến Hòa, những cuộc đụng độ tại Cao Lãnh, vùng Mỏ Vẹt... Sinh hoạt và dân tình ở lục tỉnh khác hẳn Sài Gòn. Họ chơn chất và chan hòa tình chòm xóm hơn Sài Gòn nhiều.

Nếu có theo chân một cuộc hành quân nào ở Chương Thiện hay Rạch Giá, khi chấm dứt hành quân, tôi cũng tìm cách để có chỗ ngồi trong những chuyến trực thăng về lại Cà Mau. Những người không quen không khí sinh hoạt tại những thành phố nhỏ, có thể chán Cà Mau. Nhưng riêng tôi, mỗi lần thoát ra khỏi được vùng khói lửa chiến tranh, ngồi trên chuyến trực thăng, nhìn đồng ruộng phía dưới xanh rì, những cánh cò trắng in rõ trên nền xanh thẳm ấy, rồi đến lúc máy bay hạ thấp độ cao, lướt trên dòng sông nhỏ đỏ ngầu nước phù sa để sẽ đáp xuống phi trường trực thăng nhỏ sau tòa hành chánh tỉnh, tôi bỗng thấy niềm vui bùng dậy như một cơn sóng dù biết rằng ở thành phố này, người dân tám giờ tối đã đi ngủ. Về tới khách sạn, tắm rửa trút hết bùn phèn trên người, thay một bộ đồ sạch sẽ hơn và đến quán canh chua bà Sáu Mập làm một tô canh chua lươn, một tộ cá bống kho tiêu, đĩa xoài tượng thái chỉ, mới cảm thấy hết niềm hạnh phúc nhỏ, bình dị nhưng rất quan trọng trong đời sống. Quán đầy lính tráng với những chai bia hay xị rượu đế và ở đó “tứ hải giai huynh đệ”, chuyện trò, chửi thề, chuyện chết chóc, chuyện bị thương, chuyện quả phụ, cô nhi tử sĩ, chuyện đồng áng, và dĩ nhiên có chuyện lính. Cái quán canh chua này đã trở thành một nơi hẹn cho những chuyến đi đánh đố với súng đạn của tôi ở vùng cực Nam miền Nam.

Còn ở Bạc Liêu là nhà lồng chợ. Bạc Liêu mưa nắng hai mùa thật rõ rệt và mùa mưa, những cơn mưa làm cho “thối đất”. Thành phố là nơi đặt bản doanh của Sư Ðoàn 21 Bộ Binh cho nên cũng đầy lính, đủ các sắc lính thường xuất hiện ở một thành phố chỉ có vài ba khu phố và một bến sông. Con đường chính là nơi tập trung những quán bánh in rất nổi tiếng của người Triều Châu, những quán mì và nhà hàng. Mùa chim ốc cao hay mỏ nhác, mồi nhậu ở đây hấp dẫn lính tráng ngồi chật nhà lồng chợ. Người Khmer ở Bạc Liệu chiếm 4.7% dân số phần lớn tập trung tại vùng Ðông Bắc Bạc Liêu và huyện Giá Rai, người Triều Châu chiếm khoảng 3.3%.

Tôi lang thang ở Bạc Liệu khoảng 4 năm trời, không thường trực nhưng ở định kỳ những thời gian dài nhất định, tùy theo tình hình chiến sự nặng hay nhẹ. Những tháng mưa nếu không có trận đụng độ lớn để có thể đi tường thuật thì làm gì cho hết ngày? Tại sao không lợi dụng những ngày giờ trống đó để tìm hiểu thêm văn hóa đặc thù của Bạc Liêu.

Trước hết, tại sao lại không ghé thăm sân chim Bạc Liêu, vườn nhãn Bạc Liêu, tháp cổ Việt Hưng, chùa Xiêm Cán? Nếu đến Bạc liêu đúng vào dịp lễ hội, có thể xem cúng Kỳ Yên tạo đình làng, coi hát bội cũng vui đáo để, và từ đó thấy cái đặc thù của Bạc Liêu trong miền lục tỉnh. Hãy đến nơi đó thử xem sao nào!

Tháp cổ Vĩnh Hưng

Nằm cách thị xã Bạc Liêu khoảng 20 cây số. Khoảng thời gian 1964, 1965 vùng này còn yên lành, nhưng sau Tết Mậu Thân đến vùng này hơi nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi có nhiều bạn nông dân tại Vĩnh Hưng nên thường hay đến thăm ngôi tháp cổ này. Tháp Vĩnh Hưng là di tích kiến trúc cổ duy nhất còn lại của người Khmer ở Nam Bộ, dấu vết của một vùng dân cư đã tồn tại và phát triển cách đây nhiều thế kỷ.

Tháp cổ ở gần chùa Vat Bhah Dhat. Người dân quanh vùng truyền miệng nhau rằng trong tháp có chứa cốt tro di hài của Vua Khmer Pudum Surivam, người từng có mặt ở vùng này khá lâu. Thời gian đó, tôi có chụp rất nhiều hình ngôi tháp này, nhưng biến cố chính trị vừa qua, do hoàn cảnh đặc biệt, tôi không còn trong tay một bức ảnh nào.

Vào năm 1966, kẻ trộm đã toan tính đào tháp để lấy những bảo vật, nhưng dân chúng trong vùng nói rằng tất cả 6 tên cướp mới chỉ bổ những nhát cuốc đầu tiên vào chân tháp là lăn quay ra, sùi bọt mép, người tím bầm như bị điện giật và chết khi được đưa về bệnh viện.

Một người quản lý tháp đọc được chữ Phạn đã đọc được trên tấm bia có ghi tháng Karhila năm 814 tương ứng với năm 892 (sau Công Nguyên) và tên ông Vua Yacovan Man (thế kỷ thứ 9). Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi mỗi lần đến thăm vùng tháp cổ này, mấy ông bạn Miên của tôi cho ăn món mắm “prohoc” người Việt Nam thường phiên âm ra tiếng Việt một cách đơn giản là “mắm Bò Hóc” và nói một cách không chính xác về mắm prohoc. Thật ra, prohoc chỉ là một loại mắm giống như mắm cá sặt hay cá linh, nhưng người Khmer trong vùng làm bằng loại cá trèn (rất giống cá trê, nhưng không phải cá trê). Người dân quê dùng món mắm này với bún và rau thơm. Nhưng dân giàu có hơn nấu lẩu mắm để ăn với bún và rau. Ở Nam Vang, một bữa lẩu mắm prohoc được dọn ăn với những món phụ tùng rất cầu kỳ, thường là nấu với nhiều loại hải sản khác nhau.

Chùa Xiêm Cán

Trên đường ra vườn chim, nếu rời khỏi Bạc Liêu và đi chừng 7 cây số, chúng ta có thể thấy một ngôi chùa cổ rất đẹp, đó là chùa Xiêm Cán, một ngôi chùa của người Khmer và kiến trúc hoàn toàn Khmer. Ngay vào thời đó, tức năm 1966, ngồi chùa đã có số tuổi gần 70. Năm nay thì ngôi chùa này đã trên 100 tuổi. Chùa được xây cất rất đồ sộ, chạm trổ và trang trí theo phong cách Khmer. Trong ngày lễ trọng, dân chúng ăn mặc đẹp đẽ đến chùa dâng thực phẩm cho các sãi, cầu nguyện, lễ bái và ca múa

Sân chim Bạc Liêu

Sân chim này có thể coi là kỳ quan của vùng cực Nam Nam Bộ, cách Bạc Liêu không xa. Sở dĩ gọi là sân chim vì đây là vùng sinh thái hấp dẫn nhất của vùng Ðồng Bằng Sông Cửu Long. Khoảng giữa thập niên 1960, vùng sinh thái này là nơi tụ tập của rất nhiều giống chim lạ cho nên khi lang thang vào sân chìm thỉnh thoảng chúng ta có thể bắt gặp loài chim có sải cánh dài tới 2 thước, nặng trên 10 kí lô. Trứng chim rải rác khắp đó đây. Nhưng không phải lúc nào chim cũng tụ tập về sân chim. Từ Tháng Năm đến hết Tháng Mười là thời gian thích hợp nhất cho các loài chim tập trung. Chúng làm tổ trên cây khoảng 1 tháng, đẻ trứng và ấp, rồi lại bay đi các nơi khác đến Tháng Năm hàng năm thì chim trở lại

Quần thể kiến trúc Tây

Nhưng đến Bạc Liêu mà không xem quần thể kiến trúc nhà Tây thì kể cũng là một điều thiếu sót. Không giống như Long Xuyên hay Cần Thơ, tại thành phố nhỏ bé Bạc Liêu, còn khá nhiều dinh thự, biệt thự được cất theo kiến trúc Tây Phương. Trong thời kỳ chiến tranh, nhất là hồi Tết Mậu Thân, có một số biệt thự cổ bị bắn sập trong các cuộc giao tranh trong thành phố. Những tòa nhà, dinh thự hay biệt thự đó là của một người rất nổi danh: Công Tử Bạc Liêu, đa số trải dọc theo bờ sông. Các vật liệu dùng để xây dựng các ngôi nhà này được nhập từ Pháp qua. Các ngôi nhà Tây có kiến trúc của những năm đầu thế kỷ 20, nghĩa là mỗi ngôi nhà đều có một khoảng không gian rất khoáng đãng chứ không tối, mái ngói hình bát giác, các xá nối ngang như ở chùa. Vì thế, quần thể kiến trúc Tây Phương tại Bạc Liêu có một sắc thái riêng biệt không giống các biệt thự Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn hay Ðà Lạt.

Theo tài liệu du lịch hiện nay của chính quyền đương tại ở Việt Nam, Bạc Liêu còn khoảng 30 dinh thự và biệt thự kiến trúc kiểu Tây Phương và nó được bảo tồn như một di sản đặc biệt ở vùng ruộng đất thẳng cánh cò bay này.

Cà Mau

Bạc Liêu-Cà Mau là vùng đất ở cực Nam đồng bằng sông Cửu Long có thể nói là vùng tôi gắn bó nhất trong thời gian chiến tranh. Lý do chính hai tỉnh này thường xảy ra những trận đánh lớn và hay có các cuộc hành quân của Sư Ðoàn 21 Bộ Binh tấn công vào các mật khu Việt Cộng. Trong bài trước tôi đã nói tới một vài nét văn hóa của Bạc Liêu, nay vùng đất mũi ở cuối con sông Gành Hào này cũng có những nét văn hóa riêng của nó.

Là vùng đất được khai hoang tương đối trễ, vào cuối thế kỷ 17, dân số được thành hình muộn màng hơn. Do dân hầu hết là những người di dân từ nhiều nơi khác trên đất nước Việt Nam tới, cho nên nền văn hóa ở đây tương đối đa dạng hơn các vùng khác. Vùng đất cực Nam của Việt Nam là một bức tranh hài hòa giữa rừng và biển, với một quần thể động và thực vật phong phú, nhất là hai khu rừng U Minh Thượng và U Minh Hạ.

Hơn bất cứ một nơi nào khác, Cà Mau Ðất Mũi cũng là nơi con người còn giữ được nét hồn nhiên, chất phác và hào phóng. Ngay từ giai đoạn khẩn hoang, cuộc sống của người Cà Mau đã gắn liên với ghe thuyền, kinh rạch, sông nước. Tới thăm Cà Mau, khách du lịch có thể thưởng thức những làn điệu ca nhạc tài tử và những món ăn thời khẩn hoang, hoặc tìm hiểu tác giả bài vọng cổ đầu tiên “Dạ cổ hoài lang” là Cao Văn Lầu.

Cũng như Bạc Liêu, một sinh hoạt văn hóa hầu như không thể thiếu được là lễ cúng Kỳ Yên, thường được tổ chức hàng năm vào các ngày 15, 16, 17 Âm Lịch. Như chúng ta đã biết, mỗi làng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có một ngôi đình thờ thần. Thần có thể là người có công lớn với địa phương được dân chúng lập đình thờ phụng, hoặc được nhà vua sắc tứ ban tặng, hoặc chỉ là nhân vật thần thoại được suy tôn (điều này hiếm).

Tập tục của lễ cúng

Lễ cúng bắt đầu là lễ thỉnh thần về (ngày Rằm) với nghi lễ rước kiệu về đình làng. Theo các nhà nghiên cứu, đồ cúng là heo quay, mâm xôi lá cẩm tím, bánh hỏi trắng tinh. Theo sau đám rước là các đội múa lân và ông địa, tiếng trống vang lên rộn rã hòa lẫn với tiếng nhạc lễ thâu đêm. Khách vào cúng xong, xuống trai đường ăn cỗ làng, sau đó coi hát bội với những vở kéo dài từ trưa đến tối, từ tối đến nửa đêm, qua bữa sau hát tiếp. Trong ba ngày hội vui với tiếng thần linh, với con người, với tiếng đàn, tiếng trống, dân làng lại quay sang làm ăn và đời đến mùa lễ hội Kỳ Yên năm sau.

Vườn chim Ðầm Dơi

Vườn chim Ðầm Dơi Cà Mau nằm cách thành phố tới 45 cây số về phía Nam thuộc huyện Ðầm Dơi là nơi tụ tập và sinh sống của đàn cò đông đúc nhất Việt Nam. Cò làm tổ trên cao, buổi sáng đi khắp nơi tìm thức ăn, buổi chiều chúng lại tù tập về đây. Ðến thăm vườn chim Ðầm Dơi, du khách có thể có những bức hình rất đẹp về đàn cò ở đây. Thời chiến tranh, quận Ðầm Dơi là quận mất an ninh với rừng đước và mật khu lõm của Việt cộng. Tỉnh lộ 12 từ Cà Mau xuống Ðầm Dơi thường bị đắp mô và chiến tranh cũng tàn phá khá nhiều đình đình chùa cổ trong vùng vùng này. Thời chiến, súng đạn trong vùng khiến đã có lúc vườn chim Ðầm Dơi vắng bóng cò. Mãi sau khi chiến tranh chấm dứt, loài cò mới hội tụ lại và ngày nay chính quyền Cà Mau biến vườn chim Cà Mau trở thành địa điểm du lịch.

Ðất Năm Căn

Thời chiến tranh, dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Năm Căn không phải là một quận mà chỉ là một xã thuộc quận Cái Nước. Sau khi chiếm được miền Nam, chính quyền Cộng Sản phân định lại ranh giới nên biến Năm Căn thành một thị trấn thuộc một huyện mới lập là huyện Ngọc Hiển, cách Cà Mau 53 cây số về phía Nam. Thị trấn Năm Căn nằm ở phía Ðông một vịnh lớn nơi có các cửa sông Bảy Háp và Cồn Lớn. Trước đây Việt Nam Cộng Hòa có một căn cứ hải quân rất lớn ở Năm Căn. Ngày nay căn cứ này biến thành một chợ nổi và cảng Năm Căn nay biến thành chợ xuất khẩu trực tiếp của tỉnh. Theo các tài liệu từ hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ, Năm Căn hiện đang phát triển đường giao thông, thiết lập thêm hệ thống cầu tầu, đường giao thông, nhà máy chế biến thủy sản. Bên cạnh than đước, Năm Căn hiện đang phát triển ngành chế biến đặc phẩm cho gia súc từ cây mắm trắng, nguồn nguyên liệu vô tận của rừng ngập mặn.

Thời chiến tranh, Năm Căn là vùng súng đạn và cũng là nơi cả hai bên Việt Nam Cộng Hòa và Cộng Sản đấu trí với nhau trên mặt trận giao liên và tình báo. Tuy thế, thời đó, cá lóc nướng trui truyền thống cũng không đâu bằng Năm Căn.

Rừng U Minh

Có lẽ không người miền Nam nào là không nghe nói đến rừng U Minh. Thời chiến tranh, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chia khu rừng đước và rừng mắm mênh mông từ sông Ông Ðốc đến tận Rạch Giá thành U Minh Thượng (phần trên) và U Minh Hạ (phần dưới). Giữa U Minh Thượng và U Minh Hạ là sông Trẹm và sông Cái Tàu. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ, chủ yếu là cây tràm và cây mắm mọc khắp nơi. Xen vào đó chỉ có rất ít cây thân thảo hoang dại. Rừng U Minh luôn luôn tối vì lá cây tràm, đước, mắm đan nhau. Có lẽ vì thế mà khu rừng này có tên là U Minh chăng?

Cây tràm nhỏ và thấp hơn cây đước, vỏ xốp và trắng, nhưng gỗ bên trong thật rắn chắc. Thân cây có khi cao tới 20 thước, tàn lá tràm thường thưa, lá thon nhỏ, có thể sống từ 20 tới 30 năm. Lúc đó, nó trở thành tràm cổ thụ, gỗ có thể dùng làm nhà. Mùa khô trái tràm rụng xuống đất và mùa mưa những cây tràm con đã lên xanh tốt. Hạt tràm có thể nằm lại khu đất cháy cho đến 5-10 năm sau, nếu có điều kiện vẫn nảy mầm thành cây con. Hương tràm có mùi thơm dịu như hương sen hay mật ong cho nên nó là sản phẩm được nhiều người thích.

Trong thời gian chiến tranh, khắp vùng rừng tràm Cà Mau, lúc nào cũng có khói lửa. Khói lửa có thể do các cuộc đụng độ giữa du kích Cộng Sản và lực lượng của Sư Ðoàn 21 Bộ Binh hoặc khói lửa là do cháy rừng do đốt than. Tôi cũng có khá nhiều dịp tường thuật những cuộc hành quân của các Trung Ðoàn 31, 33 vào vùng U Minh Thượng. Cũng chính tại nơi đây, tôi chứng kiến tận mắt mặt trái của cuộc chiến tranh chống Cộng. Những cuộc hành quân Dân Chí vào những năm 1966, 1967, 1968 và 1972 tấn công vào các mật khu lõm, công binh xưởng và quân y viện của Việt Cộng ở đây, khi khui các hầm bí mật lên, tôi đã thấy lẫn trong chiến lợi phẩm súng đạn là những bao gạo sấy của còn nguyên nhãn hiệu của các hãng sản xuất ở Sài Gòn có khế ước cung cấp cho quân nhu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, âu dược cũng mang hai nhãn hiệu của hai viện bào chế nổi tiếng ở Sài Gòn trước đây là TVA và LT, và khẩu phần C-Ration của quân đội Mỹ. Không có cách nào khác hơn là những hàng tiếp liệu này có những nguồn cung cấp cho kinh tài, cho giao liên

Việt Cộng, nhưng do ai cung cấp thì cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Rừng Sác

Là rừng ngập mặn ở vùng sát bờ biển, thành phần chủ yếu gồm cách cây mắm, cây đước, dừa nước và chà là. Muốn tận mắt nhìn thấy rừng sác bạt ngàn, người ta phải xuống tận đất mũi, miệt Năm Căn, Ông Bọng, Bà Hương, Láng Tròn, Ông Ðốc, Ông Sào. Do ảnh hưởng của Thủy Triều, rừng Sác trở thành môi trường lý tưởng cho các loài tôm, cá, chim, cò. Thời chiến tranh, đơn thương độc mã xuống vùng này là chỉ làm mồi cho du kích Việt Cộng. Nhưng nay đây là vùng nuôi tôm lý tưởng. Dân chúng trong vùng hiện nay chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy sản. Chỉ có điều đáng nói: đám kinh doanh thủy sản thì giàu, nhưng người làm ra tôm cá vẫn nghèo xác xơ.