Nhạc sĩ Lê Dinh từ trần

  Huỳnh Duy Lộc

Nhạc sĩ Lê Dinh vừa từ trần lúc 4g sáng ngày 9 tháng 11 năm 2020 ở tuổi 86.

Lê Dinh đã kể về thân thế của mình: “Tôi sinh năm 1934 tại làng Vĩnh Hựu, Gò Công. Cha là nhà giáo, mẹ nội trợ. Thuở nhỏ, tôi học trường Gò Công, sau đó lên Mỹ Tho học Collège Le Myre de Vilers rồi học Trường Cao Đẳng Vô Tuyến Điện (École Supérieure de Radio Électricité) tại Sài Gòn. Thời gian theo học Trường Cao đẳng Vô tuyến điện, tôi học hàm thụ âm nhạc tại trường École Universelle de Paris của Pháp. Năm 1954, tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Vô tuyến điện; vì chưa có việc làm, tôi dạy Pháp văn và âm nhạc tại các trường tư thục ở Gò Công và Chợ Lớn. Năm 1956, tôi làm việc tại Đài Phát thanh Sài Gòn cho đến đầu năm 1975 với chức vụ Chủ sự Phòng Sản xuất (Production Section) rồi Phòng Điều hợp (On Air Section) của Đài. Từ tháng 1 năm 1975, tôi xin nghỉ việc vì lý do riêng nên sau tháng 4 năm 1975, tôi không phải đi “học tập cải tạo”.

Từ sau ngày 30-4-1975, tôi bị tù ở trại Phan Đăng Lưu vì vài lần vượt biên bị thất bại; nhưng vì tôi ghi nghề nghiệp là “bán thuốc Tây” cho nên cũng không bị đưa đi “cải tạo”. Đến năm 1978, tôi vượt biên thành công… Tôi bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1956. Nhạc phẩm đầu tiên là “Làng anh, làng em”, rồi sau đó là những bài như “Ngày ấy quen nhau”, “Ngang trái”, “Xác pháo nhà ai”, “Cánh thiệp hồng”, “Tấm ảnh ngày xưa”, “Thương đời hoa”…

47 năm gắn bó với âm nhạc của Lê Dinh chia ra làm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 (1956-1966) có những sáng tác:

– “Ngày ấy quen nhau” (1959) – “Thương đời hoa” (1960) – “Hôm nào anh đi” (1960) – “Có nhớ không anh” (1960) – “Tấm ảnh ngày xưa” (1961) – “Cánh thiệp hồng” (1961) – “Ga chiều” (1962) – “Xác pháo nhà ai” (1964) – “Chiều lên bản Thượng” (1964) – “Tình yêu trả lại trăng sao” (1964) – “Thương về xứ Thượng” (1965) – “Ngang trái” (1965)…

Trong giai đoạn này, có những sáng tác chung với Minh Kỳ : “Ðường chiều sơn cước” – “Tiếng hát Mường Luông” – “Người em xứ Thượng” – “Ðường về khuya” – “Tôi đã gặp” – “Hạnh phúc đầu xuân” – “Cánh thiệp đầu xuân” – “Một chuyến xe hoa”…

Giai đoạn 2 (1966-1975):

Thành lập nhóm Lê Minh Bằng (Lê Dinh – Minh Kỳ – Anh Bằng).

– 1966: “Ðêm nguyện cầu” (sáng tác đầu tiên của nhóm)

Nhóm Lê Minh Bằng còn có những tên nữa như : Mạc Phong Linh, Mai Thiết Linh (“Truyện tình Lan và Ðiệp” 1, 2 & 3), Mai Bích Dung (“Linh hồn tượng đá”, “Cho người tình nhỏ”), Dạ Ly Vũ (“Hồi tưởng), Dạ Cầm (“Tình đời”, “Trở về cát bụi”, “Ðêm vũ trường”, “Kiếp cầm ca”) và rất nhiều tên khác nữa như : Vũ Chương, Phương Trà, Tây Phố, Tôn Nữ Thụy Khương, Trúc Ly, Huy Cường, Mặc Vũ).

Giai đoạn 3 (từ năm 1979):

Có những sáng tác như “Bài hát của người điên” – “Nắng bên này sông” – “Thương về Gò Công” – “Sao anh không nhớ Gò Công?” – “Dòng kỷ niệm” – “Chữ tình” – “Huế buồn” – “Chỉ là phù du” (2003).

Lê Dinh có chia sẻ rằng một cô gái ông yêu hồi còn trẻ đã nói với ông những lời rất chân thành và ông đã lấy một câu nói chân tình của cô làm một câu hát trong ca khúc “Biển dâu” rất được yêu thích của ông: “Tôi yêu người còn hơn yêu tôi”.

BIỂN DÂU

Thôi rồi anh đã xa em
Tìm đâu lại thuở êm đềm
Chỉ còn lại nhớ nhung thêm
Và chỉ còn nghe đắng cay thêm
Thôi rồi anh đã quên em
Tình yêu đổi trắng thay đen
Mộng mơ giờ biết đâu tìm
Cho nên đành đau đớn riêng em.
Đâu ngày xưa ở bên nhau
Tình yêu rồi cũng phai màu
Lời thề trôi với trăng sao
Rồi còn gì ta nói cho nhau
Thôi vòng tay nhỏ mai sau
Tìm đâu tình đã bay cao
Tìm đâu được phút ban đầu
Nên em đành một mình thương đau.
Anh ơi duyên tình mình vậy sao
Từ ly không một câu nào
Bàng hoàng như giấc chiêm bao
Gặp nhau mà không nói một câu
Quay mặt thay tiếng chào
Lời tha thiết còn đâu.
Em về ôm phận thương đau
Tình vui được buổi ban đầu
Tình buồn không biết bao lâu
Lệ nhạt nhòa qua những đêm thâu
Cho dù dâu biển chia phôi
Chiều nao nhìn áng mây trôi
Người ơi còn nhớ nhung lời:
“Tôi yêu người còn hơn yêu tôi”.

Ngày Ấy Quen Nhau (1970) - Lê Dinh

Ngang Trái (1965) - Lê Dinh

Như Quỳnh - Xác Pháo Nhà Ai (Lê Dinh)

Hà Vân - Biển Dâu (Lê Dinh)