II. Huế và nơi chốn trận Tổng Công Kích Tết 1968 (Tiếp theo kỳ trước)
Douglas Pike, một trong những học giả chuyên về các chiến lược của Việt Cộng, người có tác phẩm sẽ được bàn tới dưới đây, đã chia thời kỳ Cộng Sản kiểm soát Huế ra làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, vừa mới kiểm soát được thành phố, “các cán bộ dân sự, cùng với các tổ hành hình, vây bắt và xử tử những cá nhân quan trọng mà việc loại trừ những người này sẽ làm suy yếu đi bộ máy điều hành chính quyền sau khi Cộng Sản rút đi.” Những người đó bị bắt bị đưa ra trước những tòa án vô thẩm quyền và bất hợp pháp. Những vụ xử của họ là công khai, kéo dài khoảng mười phút cho mỗi phiên xử, và “không có bản án nào được biết là không có tội. Sự trừng phạt, hành hình không thay đổi, được đưa ra ngay tức thì.”(26)
Alje Vennema là một người đàn ông Hòa Lan đã ở Việt Nam từ năm 1962, thiện nguyện viên y khoa điều hành một bệnh viện tỉnh và sau đó làm giám đốc tổ chức Tài Trợ Y Tế Cho Việt Nam của Canada. Tác phẩm của ông chứng thực những gì Pike đã viết. Theo Vennema, các tòa án được thực hiện tại “một trường đạo nhỏ trong khu phố Công Giáo,” trong Thành, và trong một xóm nằm ở phía đông của bức tường Thành gọi là Gia Hội, một địa điểm được nhắc đến nhiều lần trong Giải Khăn Sô Cho Huế. Vennema cũng viết về những người xuất hiện trong sách của Nhã Ca:
“Tại trường đạo, một phiên tòa dã chiến được chủ trì bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường, một sinh viên tốt nghiệp Đại Học Huế, và vào năm 1966 là lãnh đạo sinh viên nổi tiếng của Ủy Ban Đấu Tranh Chính Quyền Phật Giáo. Tại Gia Hội, một người đàn ông, Nguyễn Đắc Xuân, điềm chỉ viên Việt Cộng đột nhiên xuất hiện lại, chủ trì, và trong Thành hai sinh viên, Nguyen Doc [không có dấu] và Nguyễn Thị Đoan Trinh, một cô gái, đã phụ trách. Tại những phiên tòa này những lời lẽ đe dọa thường pha trộn với các khẩu hiệu tuyên truyền, cáo trạng, đe dọa, và cảnh báo là chuyện bình thường. Hầu hết những người bị bắt đến đó đều bị trói trước khi phiên tòa kết tội mà không cần biết lý do. Tất cả đều bị tuyên án; một số người bị tuyên án tử hình ngay tại chỗ.(27)
Giai đoạn thứ hai bắt đầu sau nhiều ngày Cộng Sản có mặt tại Huế. Khoảng 68,000 người tị nạn từ thành phố bỏ chạy và tạm cư trong những trại tị nạn, và nhiều báo cáo về những vụ tàn sát bắt đầu xuất hiện trên báo chí Sài Gòn.(28) Pike định nghĩa Giai đoạn 2 như là khoảng thời gian của “tái cấu trúc xã hội, theo kiểu cộng sản,” tức là, bố ráp những ai có thể gây nguy hiểm cho chế độ Cộng Sản. Tuy nhiên, chỉ một số nhỏ vụ hành hình được thực hiện công khai để làm gương, trong khi “hầu hết những vụ giết người được thực hiện bí mật với cố gắng khác thường để giấu thi thể.”(29) Trong số những người bị xử tử không chỉ là những viên chức chính quyền, cảnh sát, và quân nhân mà cũng có các tu sĩ Phật Giáo, linh mục Công Giáo, các nhà trí thức, và những lãnh đạo các phong trào xã hội. Đôi khi các gia đình của họ cũng bị vây bắt và xử hình chung với họ.
Don Oberdorfer, ký giả của báo the Washington Post có mặt ở Việt Nam lúc đó, cho biết thêm rằng không chỉ người Việt mà còn có người Mỹ, Đức, Phi Luật Tân, Đại Hàn, và các người ngoại quốc khác cũng bị Cộng Sản xử hình.(30) Một trong những thí dụ mà ông ấy đã đưa ra là Bác Sĩ Horst Gunther Krainick và phu nhân. Bác Sĩ Krainick là bác sĩ nhi khoa và giáo sư nội khoa người Đức đến Việt Nam vào năm 1960 để giúp thành lập trường y khoa tại Đại Học Huế. Trong ngày thứ 5 của Cộng Sản chiếm Huế, lính Việt Cộng đến nhà họ: “Elizabeth Krainick la lên và khi bà và chồng bị dẫn đi thì bà la lớn bằng tiếng Anh rằng, ‘Buông tay khỏi chồng tôi.’ Đôi vợ chồng này và hai bác sĩ người Đức khác trong chung cư, Bác Sĩ Raimund Discher và Bác Sĩ Altekoester, cũng bị bắt đi khỏi xe buýt Volkswagen. Bốn thi thể được tìm thấy sau đó tại một ngôi mộ chôn cạn trong một vườn trồng khoai tây cách chỗ ở gần một kílômét, tất cả nạn nhân đều bị bắn chết bằng đạn của người hành hình.”(31)
Giai đoạn 3 khởi đầu khi Cộng Sản bắt đầu mất kiểm soát Huế và cố gắng thủ tiêu các nhân chứng. “Có lẽ rất nhiều vụ sát hại xảy ra trong thời điểm này và vì lý do này. Những người được xem như thấm nhuần tuyên truyền chính trị có thể được lên danh sách trở lại. Nhưng họ là những người địa phương từng đóng vai là những người đi bắt kẻ khác; tên và bộ mặt là quen thuộc. Như thế cuối cùng họ không những trở thành gánh nặng mà còn nguy hiểm nữa.”(32) Quyết định xem những vụ sát hại đó được thực hiện vì giận dữ, làm thất bại, và hoảng sợ hay là kết quả của những quyết định tính toán sẽ đòi hỏi sự nghiên cứu thêm, nếu và khi các tài liệu tại Việt Nam về những biến cố của Huế đã sẵn sàng cho các học giả.
Các biến cố tại thành phố không chỉ gây thiệt hại nhân mạng đối với người dân mà còn tạo ra sự đổ vỡ tinh thần sâu nặng. Như một ông già đã kể lại với một phóng viên của báo Sống sau cuộc chiến, người dân Huế như những con chim sợ hãi bởi vì những gì họ đã trải qua, họ đã chứng kiến cách mà các bộ đội Cộng Sản giết bạn bè và thân nhân của họ thế nào. Ông ấy đặt câu hỏi một cách cảm xúc: “Bây giờ còn có thể tin ai?”(33)
Dương Nghiễm Mậu, nhà văn Việt Nam nổi tiếng, như nhiều nhà văn khác từ Bắc di cư vào Nam năm 1954, ban đầu sống ở Huế. Năm 1967 ông ấy gia nhập Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và trở thành phóng viên chiến trường. Ông có mặt tại Huế vào đêm trước Trận Tấn Công Tết và trong thời gian nhiều ngày đầu, và hai lần ông viếng thăm thành phố thời gian sau trận tấn công năm 1968. Đầu năm 1969 ông xuất bản nhật ký, Địa Ngục Có Thật, mà trong đó ông phản ảnh sự hoang mang khó chịu của người dân sau khi họ chứng kiến cách mà những người láng giềng và bạn bè của họ trở thành một người hoàn toàn khác trong những ngày sau Tết Mậu Thân tại Huế: “Bây giờ khi người dân nhìn thấy điều gì, họ đều nghi ngờ, họ không dám tin bất cứ điều gì, không dám tỏ bày quan điểm của họ với bất cứ ai, không dám nói chuyện với người nào bởi vì có thể người khác này có một sự thật khác.”(34) Ông ấy so sánh bức tranh của Huế trước và sau Trận Tấn Công Tết. Trước Tết Mậu Thân, “giữa cuộc vui với rượu, thuốc lá và bánh kẹo Mỹ, mọi người đều nói về chiến tranh và hòa bình, về chống chiến tranh. Tôi sống trong không khí này lúc tôi viếng thăm Huế. Cố đô linh hoạt với những buổi xế trưa nhậu nhẹt và vui đùa - người dân Huế trở lại làm việc và rồi về nhà với những gương mặt tươi vui.”(35) Nhưng trong lần viếng thăm sau này ấn tượng của ông về thành phố đã thay đổi khủng khiếp:
Tình cảnh này trở nên trầm trọng hơn bởi sự kiện hàng ngàn người bị mất tích. Người ta không biết người thân của họ ở đâu. Họ đi lang thang ngoài đường phố, tìm ở những tòa nhà, đào bới, và phát hiện thi thể. Người ta đào lên những xác chết ngay cả ở trung tâm cố đô, trong Thành, và chung quanh lăng mộ của các vị vua bên ngoài thành phố. Một phóng viên, Huyền Anh, viết vào đầu tháng 4 năm 1968: “Những xác chết của nạn nhân được đào lên đã thối rữa và vấy bùn. Sau khoảng mười phút những thi thể được đào lên tiếp cận với không khí đã biến dạng thành màu xám đen và phình ra, rồi từ từ rỉ nước bốc mùi thối.”(37)
Vào ngày 1 tháng 5 năm 1968, báo Chicago Tribune trích phúc trình của chính phủ công bố tại Sài Gòn về số nạn nhân thường dân tại Huế gia tăng tới 1,000: “Chứng cứ cho thấy rằng nhiều nạn nhân đã bị đánh đập tới chết, bị bắn, bị chặt đầu, hay bị chôn sống… Một số thi thể cho thấy dấu hiệu của sự cắt xẻo. Hầu hết được tìm thấy với tay bị trói trái ra sau lưng. Người ta phỏng đoán rằng gần một nửa nạn nhân thường dân được tìm thấy trong các điều kiện chỉ ra họ bị chôn sống. Một số bị trói chung thành nhóm hơn mười người hay tương đương, với mắt còn mở, với bụi hay quần áo nhét vào miệng của họ.”(38)
Số tử thi tiếp tục gia tăng; vào tháng 4 năm 1969 báo Trắng Đen tường trình rằng với 580 xác chết tìm được, nâng số lượng lên tới 2,000. Bài báo cũng cho biết rằng người dân chỉ có thể nhận dạng bạn bè và người thân của họ bằng cách nhìn áo quần trên thi thể.(39) Người dân Huế tiếp tục đào xới và tìm xác chết qua tới mùa thu năm 1969. Điều kiện của thi thể ngày càng bị thoái hóa tới mức trầm trọng đến nỗi chỉ còn có xương và sọ là có thể lấy lên từ các ngôi mộ chôn tập thể.(40) Vào cuối năm 1969 tổng số thi thể được đào lên khắp Huế đã gia tăng tới khoảng 2,800.(41)
Ngoài những cái chết khủng khiếp và sự tàn phá do trận chiến gây ra, cuộc tàn sát những người dân không có tấc sắt trên tay trong quy mô như thế tại Huế bởi lực lượng Cộng Sản đã để lại vết hằn sâu trong ký ức của những người còn sống bởi vì nó nói lên rằng chiến tranh đưa tới nghi ngờ và thù hận làm mất đi tình cảm chung thiêng liêng giữa những người Việt Nam.
Như trong một số vấn đề khác liên quan đến các biến cố tại Huế, có những quan điểm khác nhau về ai là những thủ phạm của tội ác giết người tập thể. Stephen Hosmer, nhà nghiên cứu làm việc cho Công Ty RAND Corporation, vào năm 1970 cho rằng “tính dã man và bừa bãi của sự đàn áp quy mô tại Huế có vẻ không phải là đặc tính của Cơ Quan Mật Vụ của Việt Cộng. Có thể là một số trong những vụ giết người tàn bạo không được tiến hành bởi các cán bộ an ninh mà được thực hiện bởi người Bắc hay những lực lượng quân sự khác.”(42) Ngược lại, cùng năm đó Dougles Pike cho rằng:
Vẫn chưa ai biết.
(còn tiếp theo)
*
CHÚ THÍCH
(26) Douglas Pike, The Viet-Cong Strategy of Terror [Chiến Lược Khủng Bố của Việt Cộng] (Saigon: For the United States Mission, Vietnam, February 1970), trang 54-55. Cũng có tập tài liệu dựa trên tác phẩm này: Massacre at Hue [Cuộc Tàn Sát Tại Huế] (SEATO, Bangkok, Thái Lan, 1970).
(27) Alje Vennema, The Viet Cong Massacre at Hue [Cuộc Tàn Sát Tại Huế Của Việt Cộng] (Nxb Vantage Press, New York, 1976), trang 90-94.
(28) “Huế vẫn tiếp tục chiến đấu dù bị Việt Cộng tàn phá,” Sống, ngày 19 tháng 2 năm 1968. Tờ báo tiếp tục tường trình về những tàn bạo tại Huế qua suốt tháng 2.
(29) Pike, Viet-Cong Strategy of Terror [Chiến Lược Khủng Bố của Việt Cộng], trang 53.
(30) Oberdorfer, Tet! [Tết!], trang 232. (31) Sách đã dẫn trên, trang 214.
(32) Pike, Viet-Cong Strategy of Terror, trang 58.
(33) Huyền Anh, “Một ngày đi moi những hầm xác ở Huế,” Sống, ngày 3 tháng 4 năm 1968. Tờ báo này đăng một loạt bài về những phát hiện tại Huế.
(34) Dương Nghiễm Mậu, Địa Ngục Có Thật (Văn-Xã Xuất Bản, Sài Gòn, 1969), trang 16.
(35) Sách đã dẫn trên, trang 86.
(36) Sách đã dẫn trên, trang 87.
(37) Huyền Anh, “Một ngày đi moi những hầm xác ở Huế,” Sống, ngày 1 tháng 4 năm 1968.
(38) “Find: Reds Murdered 1,000 Hue Civilians” [Phát Hiện: 1,000 Thường Dân Huế Bị Tàn Sát Đẫm Máu], Chicago Tribune, ngày 1 tháng 5 năm 1968, trang C10.
(39) Trắng Đen, ngày 17 tháng 4 năm 1969, trang 1.
(40) Với thời gian biểu súc tích của những khám phá các thi thể tại Huế, xin xem Massacre at Hue [Cuộc Tàn Sát Tại Huế], trang 10-14.
(41) Stephen Hosmer, Viet Cong Repression and Its Implications for the Future [Cuộc Trấn Áp Của Việt Cộng và Những Liên Can Của Nó Đối Với Tương Lai] (Heath Lexington Books, RAND Corporation, Lexington, MA, 1970), trang 50. RAND Corporation (RAND standing for Research and Development) là nhóm chuyên gia nghiên cứu chính sách toàn cầu bất vụ lợi được thành lập trước hết để cung cấp nghiên cứu và phân tích cho Quân Đội Hoa Kỳ. Mai Elliot giúp phỏng đoán từ 2000 tới 3000 nhân viên công chức, cảnh sát, và thường dân bị hành hình bởi quân đội Cộng Sản trong thời gian trận tấn công. Mai Elliot, RAND in Southeast Asia: A History of the Vietnam War Era [RAND tại Đông Nam Á: Lịch Sử Thời Kỳ Chiến Tranh Việt Nam] (RAND Corporation, Santa Monica, CA, 2010), trang 294. David Anderson đưa số lượng cao hơn (tới 6,000). David L. Anderson, The Columbia Guide to the Vietnam War [Hướng Dẫn của Đại Học Columbia Về Chiến Tranh Việt Nam] (Nxb Columbia University Press, New York, 2004), trang 98-99.
(42) Hosmer, Viet Cong Repression, trang 50.
(43) Pike, Viet-Cong Strategy of Terror, trang 52-53.