Người ta có thể nghe tiếng nói rõ và lớn của Nhã Ca chống lại sự hung tàn, mà bà đã chứng kiến sự giết hại giữa người Việt với nhau trong cuộc nội chiến này.
Tiếng nói của bà trở nên cay đắng đặc biệt khi bà mô tả những tàn bạo được thực hiện bởi những người Cộng Sản và những kẻ gia nhập vào lực lượng với họ. Sự hung tàn của Cộng Sản và những tên tay sai của chúng trong Trận Tấn Công Tết thúc đẩy Nhã Ca lần đầu tiên chuyển từ đổ lỗi chiến tranh đối với thảm kịch của người dân Việt Nam, mà bà đã viết trong Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, tới việc ngày càng bày tỏ rõ lập trường chống Cộng. Nó cũng đẩy bà lìa xa hơn ý nghĩa ban đầu của bút hiệu Nhã Ca và những chủ đề mà nó dựng lên, rất gần gũi với trái tim của bà trước giữa thập niên 1960s.(10) Tuy nhiên, bà đã không xóa đi những sự thật phổ quát đối với những người Cộng Sản, những nhà Dân Tộc Chủ Nghĩa, hay người Mỹ bằng việc miêu tả họ trong đen và trắng. Dù giữa cơn ác mộng của Huế, và sau đó viết về nó, bà đã mô tả những điển hình tích cực của lòng nhân đạo trong từng nhóm chiến binh. Trong “Lời Tựa Nhỏ” viết cho Giải Khăn Sô Cho Huế, bà gánh lấy trách nhiệm cho thế hệ của bà đối với thảm cảnh của Việt Nam và của Huế, đã để cho đất nước rơi vào nội chiến đổ nát để lại di sản đổ vỡ cho các thế hệ tương lai. Như tôi sẽ bàn đến trong phần sau, nó là và nó không là quan điểm được mọi người chấp nhận, từ đó đến nay.
Tác phẩm của Nhã Ca đăng báo lần đầu vào năm 1969, được đăng thành nhiều kỳ liên tiếp trong nhật báo Hòa Bình tại Nam Việt Nam từ ngày 30 tháng 3 tới ngày 18 tháng 8. Bà còn nhớ đã bị đe dọa bởi Cộng Sản, họ gửi cho bà nhiều lá thư đòi ngưng đăng loạt bài đó, nhưng bà vẫn tiếp tục cho đăng. Cuối năm 1969 loạt bài đăng nhiều kỳ này được phát hành thành sách bởi nhà xuất bản Thương Yêu, do chính Nhã Ca đã sáng lập.(11) Cùng năm đó nhà xuất bản nói trên cũng đã xuất bản Một Mai Khi Hòa Bình và Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, và sau đó, năm 1970 cũng nhà xuất bản này đã xuất bản tác phẩm tiếp theo, Tình Ca Trong Lửa Đỏ.
Nhưng Giải Khăn Sô Cho Huế là (và vẫn là) tác phẩm nổi tiếng nhất của Nhã Ca. Tác giả tặng tất cả tiền thu nhập từ các ấn bản tiếng Việt đầu tiên và sau này của Giải Khăn Sô Cho Huế cho thành phố Huế thân yêu của bà để đóng góp vào sự tái thiết thành phố này sau tàn phá của Trận Tấn Công Tết. Năm 1970 Nhã Ca nhận được sự vinh danh của chính quyền cho Giải Khăn Sô Cho Huế – giải thưởng thứ 3 trong Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc của Tổng Thống trong lãnh vực “Truyện Dài.”(12)
Hoàn cảnh văn học tại Miền Nam vào thời điểm đó thì đa dạng lạ thường. Như đã được đề cập ở trên, hàng trăm tờ báo, tạp chí, và tạp chí chuyên đề được xuất bản, và nhiều nhà xuất bản ấn hành các tác phẩm mới và cũ. Một nhà văn Việt Nam nổi tiếng, Võ Phiến, mô tả sự đa dạng đâm chồi nảy lộc: trong khi những nhà văn như Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng, Vũ Hoàng Chương, và chính Võ Phiến “đã vượt qua những quan tâm và đề tài chính trị để suy tư về thế giới xa cách với những biến cố hiện thời… Phan Nhật Nam, Nhã Ca, và Dương Nghiễm Mậu lên án sự hung tàn của Cộng Sản, trong khi Thế Nguyên, Nguyễn Ngọc Lan, Nhất Hạnh, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, v.v… thì tiếp tục tố cáo chính quyền (miền Nam) độc tài và tham nhũng và xã hội (miền Nam) bất công và suy đồi.”(13)
Trong khi một vài người, như Võ Phiến, nhìn thấy Giải Khăn Sô Cho Huế như là sự lên án Cộng Sản tàn ác, thì nó cũng là một thứ chống chiến tranh không thể chối cãi, và một cách nào đó là tác phẩm chống Mỹ. Mối quan hệ giữa Nhã Ca và chính quyền Sài Gòn không êm ấm. Chính quyền thường kiểm duyệt một số ấn phẩm của bà, như họ đã làm với nhiều tác giả khác. Nhưng sự kiện Giải Khăn Sô Cho Huế không chỉ được xuất bản mà còn thắng giải của chính quyền toàn quốc cho thấy các tác giả tại Miền Nam được hưởng tự do tư tưởng nhiều hơn các đồng nghiệp của họ tại Miền Bắc.
Đoàn làm phim Đất Khổ nghỉ trưa, từ trái: Trịnh Công Sơn, Trần Lê Nguyễn (đang ăn), Nhã Ca, Minh Trang, Lê Trọng Nguyễn... và Đạo diễn Hà Thúc Cần, mũ, kính đen.
Năm 1971 đạo diễn Hà Thúc Cần bắt đầu cho quay cuốn phim có tên Đất Khổ một phần dựa trên Giải Khăn Sô Cho Huế và Đêm Nghe Tiếng Đại Bác.(14) Nhã Ca viết kịch bản phim và tham gia vào nhóm sản xuất. Một nhạc sĩ nổi tiếng, Trịnh Công Sơn, người quý mến Nhã Ca, cũng sống qua ác mộng Tết Mậu Thân tại Huế và là người, cũng như Nhã Ca, ghét chiến tranh, làm diễn viên trong phim. Cuốn phim được hoàn tất vào năm 1972 lúc mà Miền Nam rơi vào hoàn cảnh khốc liệt giữa cuộc tấn công khác của Cộng Sản và những thương lượng giữa Hoa Kỳ và Bắc Việt để dẫn tới cuộc rút quân của Mỹ mà không cần đếm xỉa gì tới số phận của người dân Miền Nam Việt Nam.(15) Chính quyền Miền Nam cấm cuốn phim nói trên bởi vì thông điệp chống chiến tranh mạnh mẽ của nó.
Năm 1972 đạo diễn Lê Dân thực hiện cuốn phim có tên Hoa Mới Nở dựa trên tiểu thuyết của Nhã Ca là cuốn Cô Hippy Lạc Loài. Cuốn sách này vẽ ra bức tranh rõ ràng về sự biến thái của các nhóm thanh niên Việt Nam gây ra bởi chiến tranh, sự có mặt của người Mỹ, và Mỹ hóa nền văn hóa Việt.
Nhã Ca vẫn ở Sài Gòn cho đến khi chiến tranh chấm dứt, xuất bản hơn 30 tác phẩm thơ, truyện, và tiểu thuyết. Hơn nữa, bà và chồng là chủ bút của báo Báo Đen, có mặt từ năm 1971 đến 1973. Họ cũng xuất bản tạp chí có tên Nhà Văn, nhưng chỉ ra được mấy số thì Miền Nam thất thủ trong biến cố tháng 4 năm 1975.
Sau khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, và theo sau là sự thống nhất Việt Nam dưới ách cai trị của Cộng Sản, Giải Khăn Sô Cho Huế bị chính quyền đốt cùng với nhiều tác phẩm của Miền Nam khác mà chính quyền cho là phản động. Tuy vậy, các viên chức chính quyền đã để tác phẩm này trưng bày trong Viện Bảo Tàng Tội Ác Chiến Tranh Của Mỹ Ngụy, được thành lập vào tháng 9 năm 1975 tại Sài Gòn, được đổi tên là Thành Phố Hồ Chí Minh. Cuốn phim Đất Khổ cũng đã bị cấm.(16)
Tác giả, như sách của bà là Giải Khăn Sô Cho Huế, bị cho là phản động. Vào tháng 3 năm 1976 chính quyền Cộng Sản mở chiến dịch chống các nhà trí thức Miền Nam. Neil Jamieson, một học giả chuyên về văn học Việt Nam, mô tả tình cảnh tại Miền Nam Việt Nam sau năm 1975 đã ảnh hưởng đến các nhà văn, nhà thơ, và nhà báo của Việt Nam Cộng Hòa: “Vào tháng 4 năm 1976 các văn nghệ sĩ nào chưa thoát ra khỏi đất nước hay bị bắt giữ đều bị bố ráp trong nhiều cuộc đột kích chớp nhoáng, như thể họ [các nhà trí thức] là những tội phạm nguy hiểm, và bị lùa lên xe tải chở đi các trại lao động như chở heo tới chợ.”(17)
Trong cuốn sách thú vị Bên Thắng Cuộc, nhà báo Việt Nam Huy Đức, đã phỏng vấn nhiều người tham dự vào các biến cố lúc bấy giờ, bàn về thời kỳ đau thương này trong cuộc sống của Miền Nam Việt Nam. Ông kể lại rằng vào ngày 3 tháng 4 năm 1976, Nhã Ca và chồng, Trần Dạ Từ, bị bắt trong chiến dịch này và, giống như hàng trăm nhà trí thức khác được cho là nguy hiểm đối với chế độ mới, đều bị đẩy vào các trại học tập cải tạo.(18) Vào lúc đó họ đã có 6 người con, tuổi từ 1 tới 13, vì cha mẹ bị bắt và tài sản bị tịch thu, đã mất hết phương tiện để sống còn. Người con gái lớn tuổi nhất, thì cũng vẫn còn là con nít ở tuổi 13, phải chăm sóc cho các em của mình. Cuối cùng các em phải tới ở với những người thân. Sau 14 tháng, Nhã Ca được thả ra,(19) nhưng Trần Dạ Từ vẫn còn bị giam cho đến 12 năm. Để sống còn trong thời gian đó, gia đình bắt đầu bán dạo thức ăn. Trong khi Nhã Ca không có ý định rời Việt Nam mà không có chồng bà, bà thường xuyên cố gửi một vài đứa con theo các nhóm người đi vượt biên đường biển mà lúc ấy đã có hàng ngàn người ra đi. Tuy nhiên, mỗi lần như thế đều thất bại với những đứa con của bà bị bắt và đôi khi bị đẩy vào các trại lao động.(20)
Năm 1977, một khuôn mặt văn học nổi tiếng là Mai Thảo, người Miền Bắc di cư vào Nam vào năm 1954 và là người sáng lập kiêm chủ bút các tạp chí và báo văn học như Sáng Tạo, Văn, và Nghệ Thuật, tổ chức vượt biên bằng thuyền từ Việt Nam, với sự trợ lực của Nhã Ca. Khi ông ấy được định cư tại Hoa Kỳ, ông đã công bố tình cảnh thảm khốc của các nhà văn và nhà trí thức Miền Nam tới Văn Bút Quốc Tế (PEN), hội các nhà văn trên toàn thế giới. Phó Chủ Tịch Văn Bút Quốc Tế lúc đó là Thomas von Vegesack, cũng là chủ tịch Văn Bút Thụy Điển. Qua ông ấy, truyền thông Thụy Điển biết rõ về hoàn cảnh các nhà văn Miền Nam, và Tom Hansson của nhật báo Thụy Điển Svenska Dagbladet tới Việt Nam để tìm hiểu thêm. Năm 1982 Tom Hansson gặp Nhã Ca và một số nhà trí thức khác. Ông thu thập thông tin về hoàn cảnh đau thương của những nhà trí thức: không chỉ nhiều người vẫn còn bị bỏ tù trong các trại học tập cải tạo mà một số đã bị chết, như nhà văn tài hoa Nguyễn Mạnh Côn... Hansson phúc trình những phát hiện của ông cho truyền thông và thông tri những điều đó cho Văn Bút Thụy Điển.
Vào tháng 11 năm 1985 người con trai lớn của Nhã Ca và Trần Dạ Từ, lúc đó 20 tuổi, đã trốn khỏi Việt Nam và vào tháng 9 năm 1986 đã đến Thụy Điển, và được Văn Bút Thụy Điển giúp đỡ.(21) Do các nỗ lực của những người này, cũng như Hội Ân Xá Quốc Tế và các thủ tướng Thụy Điển là Olof Palme và Gosta Ingvar Carlsson, chồng của Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, được thả ra vào năm 1988, và gia đình được phép đi định cư tại Thụy Điển.
Ở đó Nhã Ca bắt đầu lại việc viết lách. Tại Thụy Điển bà viết 3 cuốn sách, một trong 3 cuốn đó là cuốn Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, mô tả kinh nghiệm của gia đình từ lúc hai ông bà bị bắt vào ngày 3 tháng 4 năm 1976, tới khi họ rời Việt Nam vào ngày 8 tháng 9 năm 1988.(22) Năm 1992 Nhã Ca và Trần Dạ Từ dời qua California để sống và sáng lập tờ nhật báo tiếng Việt là Việt Báo Daily News, hiện có thêm các chi nhánh tại Houston, Texas, và Tacoma, Washington. Hiện nay họ có 7 người con trong gia đình, 5 người sống ở Hoa Kỳ và 2 người sống ở Thụy Điển.
Kỳ tới: Huế và diễn tiến, nơi chốn cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân
*
CHÚ THÍCH
(10) Nhà văn và nhà phê bình văn học Việt Nam nổi tiếng Võ Phiến và Thế Uyên mô tả việc chính trị hóa của Nhã Ca và những tác giả khác trong tạp chí văn học Bách Khoa. “Nói chuyện với Võ Phiến về Tác Phẩm Văn Học và Cuộc Đời,” Bách Khoa số 302 (ngày 1 tháng 8 năm 1969), trang 59-72; “Vài vấn đề với Thế Uyên,” Bách Khoa số 303 (ngày 15 tháng 8 năm 1969), trang 72-74.
(11) Nó được tái bản vào năm 1970 và 1973 tại Sài Gòn bởi cùng nhà xuất bản, và một bản được sửa chữa lại được xuất bản tại California bởi nhà xuất bản Việt Báo vào năm 2008.
(12) Giải đầu và giải thứ hai được trao cho 2 nhà văn nữ khác: giải thứ nhất trao cho Túy Hồng cho tác phẩm Những Sợi Sắc Không; giải thứ hai trao cho Nguyễn Thị Thụy Vũ cho tác phẩm Khung Rêu.
(13) Võ Phiến, Văn Học Miền Nam, 1954-1975 (Nhà xuất bản Vietnamese Language and Culture Publications, Victoria, Úc, 1992), trang 137.
(14) Phim có sẵn trên YouTube và Amazon. Về lịch sử sáng tạo và đóng góp của phim ảnh, xin xem Nguyễn Xuân Nghĩa, “Ngậm ngùi với Đất Khổ,” Việt Báo, Mùa Xuân 2008, trang 56-57.
(15) Xem Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and Betrayal in Vietnam [Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự: Nixon, Kissinger, và Sự Phản Bội tại Việt Nam] (Nxb Free Press, New York, 2001).
(16) Xin xem điển hình là Trần Trọng Đăng Đàn, Văn Hóa, văn nghệ phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại Việt Nam 1954-1975 (Nxb Thông Tin, Long An, 1990), trang 618-72.
(17) Jamieson, Understanding Vietnam [Hiểu Việt Nam], trang 364.
(18) Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, cuốn 1, Giải phóng (Nxb OsinBook, Sài Gòn, New York, 2012), trang 51.
(19) Tuyên bố của Neil Jamieson là rằng Nhã Ca đã bị tù nhiều năm là không đúng. Jamieson, Understanding Vietnam, trang 364.
(20) Tom Hansson, “Han flydde fran Vietnam – men familjens halls kvar” [Ông rời khỏi Việt Nam – Nhưng Gia Đình Vẫn Còn Bị Giữ Ở Đó], Svenska Dagbladet, ngày 19 tháng 4 năm 1987, được mô phỏng lại trong Nhã Ca, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng (Nxb Thương Yêu, Westminster, CA, 1991), trang 524-33.
(21) Hansson, “Han flydde fran Vietnam – men familjens halls kvar,” 524-33.
(22) Hai tác phẩm khác là một cuốn tiểu thuyết, Hoa Phượng, Đừng Đỏ Nữa (Nxb Thương Yêu, Westminster, CA, 1989), và một tuyển tập truyện ngắn, Sài Gòn Cười Một Mình (Nxb Thương Yêu, Westminster, CA, 1990).