Tin tôi đi, thật không dễ gì giải thích hợp lý việc dẫm đạp vườn nho nơi chất chứa những trái nho thịnh nộ.
(Kurt Vonnegut, Trận Chiến Ác Liệt Cuối Cùng Trong Hồi Ức)
Có nhiều cách khác nhau để ứng phó với thảm kịch: Có thể thảo luận về nó và qua việc thảo luận này bắt đầu một tiến trình trị liệu, hay có thể giả vờ xem như nó chưa bao giờ xảy ra và quên hẳn nó đi, cứ cho là nếu nó không được bàn tới thì nó sẽ biến mất. Có nhiều thí dụ điển hình về cả hai phương thức này trong lịch sử nhân loại trong việc đối phó với những thảm kịch thuộc nhiều phạm vi khác nhau.
Đã từng có sự sẵn lòng và cởi mở tại Đức để thảo luận và phân tích các chính sách và thực tế của Đức trước và trong Thế Chiến Thứ Hai đã dẫn đến những đau khổ không thể tưởng tượng được và những cái chết của hàng triệu người. Đã từng có nhiều sự chống đối và không sẵn lòng để làm điều tương tự như thế tại Nhật Bản, và điều này đã tạo ra nhiều khó khăn và căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và nhiều nước Á Châu khác, đặc biệt với Trung Quốc và Đại Hàn. Các cơ quan thẩm quyền quân đội Hoa Kỳ đã nỗ lực quét sạch thảm kịch Mỹ Lai năm 1968, và nếu họ đã thành công thì không bao giờ trở thành trọng điểm mà người Mỹ điếm xỉa tới nữa.
Cần đến năm mươi năm cho chính quyền Sô Viết nhận thức điều gì đã xảy ra vào năm 1940 tại Katyn Forest, khu vực rừng núi gần làng Gneizdovo ngoại ô thành phố Smolensk, nơi Stalin ra lệnh cho Bộ Nội Vụ bắn chết và chôn hàng ngàn quân nhân và thường dân Ba Lan đã bị bỏ tù khi Liên Bang Sô Viết xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9 năm 1939 trong liên minh với Đức Quốc Xã. Những người Sô Viết đổ tội người Đức tàn ác cho mãi đến năm 1990, sau khi tổng thống Mikhail Gorbachev thừa nhận tội lỗi của Sô Viết và, kết quả là, các tài liệu mật đã được công khai để giúp hình ảnh đầy đủ hơn về những gì đã xảy ra ở đó. Gorbachev nói rằng sự thật những gì xảy ra trong rừng Katyn là một trong những “gút thắt lịch sử” gây phức tạp các mối quan hệ giữa Sô Viết và Ba Lan.(71)
Hoàn cảnh tại Việt Nam thì còn nhiều phức tạp hơn bởi vì các sự kiện tại Huế phô bày cho thấy không những chỉ chống lại bối cảnh chiến tranh giữa quân đội Cộng Sản Việt Nam và Hoa Kỳ mà cũng còn trong bối cảnh của nội chiến với các thế lực đang tranh giành tại Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam. Từ đó, một trong những bên của Việt Nam (Cộng Sản) chiến thắng; còn bên kia (những người chống Cộng tại Miền Nam) thua cuộc. Cái giá mà hai bên đã phải trả rất lớn. Cộng Sản bị tổn hại vì sự phá hủy kinh tế và hạ tầng cơ sở tại miền Bắc do bom đạn và sau đó bị vướng vào một cuộc chiến lâu dài và tàn phá khác như là một con tốt trong sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Liên Sô để thống trị Đông Dương sau khi Mỹ rút ra.
Đối với những người chống Cộng, sự tổn thất tiếp tục kéo dài sau chiến tranh qua các trại tù cải tạo, các chính sách kỳ thị trong giáo dục và nghề nghiệp, hay bỏ nước ra đi bằng thuyền từ nước Việt Nam thống nhất với sự đánh mất quê hương, nếu sự vượt biên của họ thành công, hay với việc bỏ mạng trên biển, bị hải tặc tấn công, hay những điều kiện nghiệt ngã, nếu vượt biên của họ thất bại. Hiện nay hoàn cảnh có vẻ đã ổn định với một nước Việt Nam và hàng triệu người Việt tại hải ngoại. Khả năng của sự hòa giải hay ít nhất là việc trị liệu một phần nào đó vết thương là có thể có đối với nhiều người Việt, nhưng không thể không có sự thảo luận về chiến tranh nói chung và về Tết Mậu Thân tại Huế nói riêng mà có thể thông qua được. Nếu [là vết thương] cực kỳ đau đớn, thì điều đó [sự hòa giải] chỉ có thể trở thành hiện thực không phải qua sự im lặng mà qua sự cởi mở trong việc thảo luận về lịch sử và diễn trình của chiến tranh. Trong cuộc thảo luận như thế, Giải Khăn Sô Cho Huế và quan điểm được trình bày trong đó sẽ trở thành một trong những tiếng nói.
Nhà nước miền Bắc
Khi các sự kiện tại Huế được phơi bày, chính quyền Việt Nam tại Miền Bắc và lực lượng Cộng Sản tại Miền Nam đã không cho đó là thảm kịch.
Ngày 2 tháng 2 năm 1968, chỉ vài ngày sau khi bắt đầu Trận Tấn Công Tết, bộ chỉ huy các Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam đã công bố sự thành công của lực lượng Cộng Sản: “Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế ra đời để đảm nhận trách nhiệm vinh quang của chính quyền nhân dân tại tỉnh và thành phố.”(72)
Ngày 3 tháng 3 năm 1968, sau khi Cộng Sản đã bại trận tại Huế, Ủy Ban Trung Ương của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam vẫn còn tuyên bố chiến thắng kẻ thù, nói rằng đã giáng trả thêm thiệt hại nặng nề cho Mỹ và quân lực và các căn cứ của chính quyền Miền Nam, lực lượng Cộng Sản cũng “đã giết nhiều tên địch, diệt sạch những kẻ ác ôn, đặc biệt giải phóng toàn đất nước, thiết lập chính quyền cách mạng, và mở rộng sự đoàn kết dân tộc để chống Mỹ và bảo vệ tổ quốc.” Tài liệu nói trên cho biết tiếp rằng: “Thành Phố Huế đã chứng tỏ một thí dụ sáng chói của tinh thần và khả năng thực hiện trận tấn công chống lại kẻ thù, với sức chịu đựng và ý thức mục đích, đánh bại tất cả những trận phản công của kẻ thù, áp dụng một cách sáng tạo các chiến thuật chiến tranh nhân dân trong thành phố để chống lại kẻ thù, kết hợp tuyệt vời giữa tấn công quân sự với tấn công chính trị.”(73)
Ngày 19 tháng 3,1968, bộ chỉ huy Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam củng cố thêm quan điểm này, bằng cách tuyên dương không chỉ cử chỉ anh hùng và thành công của lực lượng Cộng Sản trong chiến lược mà cũng là "tính cách phong phú trong sáng tạo và mưu trí” trong việc áp dụng các chiến lược đó.(74) Nhà xuất bản quốc doanh của chính quyền tại Hà Nội đã xuất bản những tài liệu này vào tháng 4 năm 1968, như thế là đóng dấu chấp thuận chúng.
Ngày 27 tháng 4 năm 1969, theo sau hàng loạt những khám phá các mồ chôn tập thể tại Huế và những vùng phụ cận, Đài Phát Thanh Hà Nội đã phản ứng: “Để che đậy hành động tàn bạo của chúng, chính phủ bù nhìn tại Huế đang đóng trò khôi hài dựng lên cái gọi là ủy ban để tìm kiếm và mai táng những tay sai côn đồ những người mang nợ máu với đồng bào Thừa Thiên-Huế và những kẻ bị quân đội và người dân miền nam thủ tiêu vào đầu mùa xuân Mậu Thân.”(75) Trong tuyên bố này, cũng như một tuyên bố từ lực lượng Cộng Sản miền nam được trích ở trên, những thừa nhận công khai về các vụ giết ít nhất một số người nhưng không phản ảnh bất cứ thiện chí nào của bên Cộng Sản để gánh trách nhiệm đối với những hành vi này; ngược lại, Cộng Sản đã miêu tả các vụ giết người như là hành động cần thiết để chống lại “những kẻ thù sát nhân,” “những kẻ ác ôn,” và “những tay sai côn đồ.”
Kể từ khi chiến tranh kết thúc, chính quyền [cộng sản] Việt Nam vẫn chưa công nhận, hay ít nhất thảo luận cởi mở, về những sự kiện của Tết Mậu Thân tại Huế. Vào đầu thập niên 1980s, Stanley Karnow phỏng vấn Tướng Trần Độ, một trong những kiến trúc sư cao cấp của Cộng Sản đối với Trận Tấn Công Tết, đã thẳng thừng phủ nhận rằng những tàn ác tại Huế đã từng xảy ra, cho rằng những phim và hình ảnh của các thi thể là “giả tạo.”(76)
Những Quan Điểm Cá Nhân từ phía Cộng Sản: Trường hợp Trương Như Tảng và Bùi Tín
Hai cán bộ cao cấp từ Bắc và Nam Việt Nam, trong khi không trực tiếp tham dự vào các biến cố tại Huế, đã đưa ra những cái nhìn của họ về chúng. Trước hết là Trương Như Tảng, thành viên sáng lập của phong trào Cộng Sản tại Miền Nam và cựu bộ trưởng tư pháp của Chính Quyền Cách Mạng Lâm Thời, chính quyền bí mật tại Nam Việt Nam được thành lập vào năm 1969 để chống lại chính quyền Sài Gòn và bao gồm chủ yếu các thành viên của Mặt Trận Giải Phóng, Việt Cộng. Đã vỡ mộng với các chính sách của Cộng Sản sau khi Sài Gòn thất thủ và thống nhất đất nước, Trương Như Tảng trốn thoát khỏi nước bằng thuyền vào năm 1978 và hiện đang cư ngụ tại Pháp. Trong hồi ký được viết lúc lưu vong, Trương Như Tảng mô tả cuộc đối thoại của ông với chủ tịch Chính Quyền Cách Mạng Lâm Thời, Huỳnh Tấn Phát. Theo Trương Như Tảng, Huỳnh Tấn Phát đã bày tỏ sự đau buồn và thất vọng về những gì đã xảy ra và giải thích rằng sự trừng phạt tại Huế là hoàn toàn không thích đáng, mà kết quả là trong các vụ bắn giết người bừa bãi bởi những tên lính trẻ cuồng tín và các người dân địa phương hận thù là những người ủng hộ cách mạng trong những trường hợp khác nhau đã nắm công lý trong tay họ. Huỳnh Tấn Phát phát biểu rằng không có chính sách hay chỉ thị từ Mặt Trận để thực hiện bất cứ vụ thảm sát nào: “Nó chỉ đơn giản là một trong những thảm kịch tự phát khủng khiếp chắc chắn đi cùng với chiến tranh.” Khi Trương Như Tảng nghe lời giải thích này, ông đã không thấy “thỏa mãn chút nào cả,” nhưng ông đã “không tiếp tục đề cập thêm vấn đề này.”(77)
Không giống Trương Như Tảng là người Miền Nam, Đại Tá Bùi Tín phục vụ trong ban tham mưu của Quân Đội Bắc Việt, người mà trong thời điểm Sài Gòn thất thủ vào năm 1975 đã tiếp nhận sự đầu hàng từ vị tổng thống sau cùng của Nam Việt Nam, Dương Văn Minh. Sau chiến tranh, Bùi Tín làm việc với chức vụ phó tổng biên tập của nhật báo chính thức của Đảng Cộng Sản là báo Nhân Dân. Cũng vỡ mộng với nhà cầm quyền Cộng Sản, ông đã xin và được nhận tị nạn chính trị tại Pháp khi tham dự hội nghị được tổ chức bởi tờ báo Pháp L’Humanité vào năm 1990.
Từ hồi ký của Bùi Tín được xuất bản vào năm 1993, người đọc có thể suy luận ra quan điểm của Bùi Tín là gì, mà đã tạo thành 3 yếu tố đóng góp chính của thảm kịch tại Huế. Yếu tố thứ nhất xuất phát từ sự thất bại của lực lượng Việt Cộng. Theo ông, “Lúc đó trong bầu không khí căng thẳng tràn ngập thành phố [Huế], chứng kiến người dân không nổi dậy [chống lại chính quyền Miền Nam], nhưng trái lại bỏ trốn, với rất ít người chào đón [lực lượng Cộng Sản], để tiếp tay quân đội [Cộng Sản], là lý do khi quân đội [Cộng Sản] chiếm thành phố, họ đã có sẵn thành kiến đối với người dân Huế.”(78)
Yếu tố thứ hai được xem như là sự tổn thất của Cộng Sản tại Huế. Như Bùi Tín giải thích, trong lúc rút lui, quân đội muốn loại trừ các nhân chứng bởi vì họ có thể nằm trong vị trí tiết lộ tin tức mà quân đội [Cộng Sản] muốn giữ bí mật.
(Kỳ tới: Lê Minh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân)
Ghi Chú
(71) Esther B. Fein, “Upheaval in the East [Biến Động Miền Đông], Gorbachev Hands Over Katyn Papers [Gorbachev Bàn Giao Hồ Sơ Katyn], New York Times, ngày 14 tháng 4 năm 1990, trang 1.
(72) Bộ Chỉ Huy Các Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, “Thông cáo đặc biệt số 3 của Bộ Chỉ Huy Các Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, ngày 2 tháng 2 năm 1968, Tiến công đồng loạt, nổi dậy đều khắp, quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược! (Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1968), trang 48.
(73) Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, “Quyết định của Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam tuyên dương công trạng quân và dân toàn miền Nam trong những ngày tiến công toàn diện đầu xuân 1968”, ngày 3 tháng 3 năm 1968, như sách dẫn trên, trang 60.
(74) Bộ Chỉ Huy Các Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, “Thông báo đặc biệt số 4 của Bộ Chỉ Huy Các Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam,” ngày 19 tháng 3 năm 1968, sách dẫn trên, trang 79.
(75) Hồ Sơ Quốc Hội, ngày 19 tháng 5 năm 1970, trang 16079.
(76) Karnow, Vietnam, trang 530.
(77) Trương Như Tảng, A Vietcong Memoir: An Inside Account of the Vietnam War and Its Aftermath [Hồi Ký Của Một Người Việt Cộng: Miêu Tả Nội Bộ Của Chiến Tranh Việt Nam và Hậu Quả Của Nó] (Vintage, New York, 1986), trang 154.
(78) Thành Tín, Mặt Thật: Hồi Ký Chính Trị Của Bùi Tín (Nxb Saigon Press, Irvine, CA, 1993), trang 184-85.