Hoàng Phủ Ngọc Tường (khi trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê, Đài RFI tại Paris) nhận rằng người tiếp xúc với ông cho cuộc phỏng vấn trong loạt Việt Nam: Thiên Sử Truyền Hình là Burchett. Ông ấy rõ ràng nói đến William Burchett, một nhà báo Úc và là người hậu thuẫn mạnh mẽ phong trào Cộng Sản, những người mà trong thời chiến tranh đi theo lực lượng Cộng Sản tại miền Nam khi họ chiến đấu với quân đội Mỹ và Nam Việt Nam.(89)
Hoàng Phủ Ngọc Tường nhớ lại: “Thời gian dài trước đây, tôi ứng khẩu [khi tôi trả lời phỏng vấn]; Tôi không nhớ chính xác tôi đã nói gì.”(90) Vì Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không có cơ hội xem cuộn phim, ông không biết “ý kiến của ông đã được sao chép lại có đúng không.” Ông chỉ nhớ rằng lúc phỏng vấn cho loạt phóng sự đó, ông đã phân biệt ba loại nạn nhân. Loại đầu là những người đã chết vì các hành động trừng trị bởi Quân Giải Phóng, dành cho những người có tội. Loại thứ hai gồm các nạn nhân của bất công. Loại thứ ba gồm các nạn nhân chết vì bom đạn Mỹ hay những người bị bắn và bị giết bởi quân đội của chính quyền Nam Việt Nam trong sự trả thù những người trong thời gian phản công. Việc phân loại này, như Hoàng Phủ Ngọc Tường đã giới thiệu lại trong cuộc phỏng vấn với Thụy Khuê vào năm 1997, khác nhiều với cách ông trình bày quan điểm của ông với Karnow vào đầu thập niên 1980s.
Sự khác nhau giữa hai cuộc phỏng vấn thì rõ ràng cả trong nội dung và giọng điệu. Giọng điệu của ông thay đổi từ xúc phạm đến trầm ngâm. Sự khác biệt sâu hơn nữa khi Hoàng Phủ Ngọc Tường nói về sự thống khổ của người dân Huế. Theo cuộc phỏng vấn của Đài RFI, rất đau khổ cho ông, khi là một người con xứ Huế, khi ông nghĩ “về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.”
Ông cũng dừng lại, một cách miễn cưỡng, ở vấn đề trách nhiệm. Căn bản, ông đi theo Lê Minh. Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng những người chịu trách nhiệm đối với thảm kịch là những viên chỉ huy địa phương, rằng chính sách của cách mạng là không chịu trách nhiệm đối với điều này bởi vì những thảm kịch tương tự đã không xảy ra ở những nơi khác. Ông cũng, lập lại theo Lê Minh, đề nghị rằng “điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế phảithi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ.” Hoàng Phủ Ngọc Tường rõ ràng đã rút ra rất nhiều điều từ bài viết của Lê Minh. Ông cho rằng chính ông “không đủ khả năng [trong sự hiểu biết về các sự kiện] để xét đoán bất cứ cá nhân nào.” Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn giữ khoảng cách với thảm kịch tại Huế.
Hoàng Phủ Ngọc Tường thật sự có mặt hay không tại Huế trong thời gian Tết Mậu Thân là một vấn đề tranh cãi. Vennema, như đã trích ở trên, và đa số người Việt Nam sống tại Huế và với những ai mà tôi thảo luận về vấn đề này đều cho thấy rằng, trong quan điểm của họ, ông đã ở đó. Tuy nhiên, chính Hoàng Phủ Ngọc Tường không đồng ý về điểm này. Theo ông, ông “không có mặt ở Huế trong thời gian Tết Mậu Thân, vì tham gia Kháng Chiến trong rừng, từ mùa hè năm 1966, và trở lại Huế chỉ sau ngày 26 tháng 3 năm 1975,” khi Huế bị lực lượng Cộng Sản chiếm. Ông nói rằng cho đến khi đó ông là tổng thư ký của Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc, Dân Chủ và Hòa Bình của Huế đóng trụ sở tại Quận Hương Trà Tỉnh Thừa Thiên, mà ông cho biết nằm cách Huế năm mươi kilômét.
Nghi vấn về cuốn sách của Hoàng Phủ Ngọc Tường Ngôi Sao Trên Đỉnh Phu Văn Lâu: Biên Niên Sử, được viết vào năm 1969 và được xuất bản vào năm 1971, không bao giờ được nêu lên trong sách này hay các cuộc phỏng vấn khác, cho đến khi tôi biết. Nhưng sự có mặt của cuốn sách này dường như là quan trọng vì nó nêu ra một số câu hỏi: dựa trên căn bản gì mà ông viết biên niên sử năm 1969 về các sự kiện tại Huế nếu ông thực sự không có mặt tại Huế từ năm 1966 tới năm 1975? Không biết xuất xứ của các nguồn [thông tin], thì có thể nào cuốn sách này thực sự được xem là biên niên sử? Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường ở Huế nhưng không muốn thừa nhận điều này? Hay là ông đã ở cách xa Huế, viết tác phẩm, một loại phản ứng đối với tác phẩm của Nhã Ca (người thực sự ở Huế trong thời gian Tết và giải thích các nguồn [thông tin]), phân biệt giữa tác phẩm của ông và những gì chính bà chứng kiến và những gì bà đã nghe?
Tôi cố gắng tiếp cận Hoàng Phủ Ngọc Tường để nhờ ông giúp làm sáng tỏ một số điểm nêu trên nhưng đã thất bại. Sức khỏe của Hoàng Phủ Ngọc Tường suy sụp.
Trong một xuyên tạc khá lạ lùng trong cuộc phỏng vấn với Thụy Khuê, ông nói rằng trong Giải Khăn Sô Cho Huế, Nhã Ca đã giải oan cho ông, “rằng là ông đã không trở lại Huế trong thời gian Tết Mậu Thân, nhưng nếu ông có trở lại, thì chắc chắn ông cũng đã không giết người.” Ông bày tỏ sự cám ơn Nhã Ca vì sự chia xẻ với ông cái điểm hoàn cảnh khách quan rất quan trọng này. Sự thực, trong chương 7 của “Giải Khăn Sô Cho Huế,” Nhã Ca kể lại lời của một người con gái trẻ tên Hường là người tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường không trở lại Huế, nhưng sau đó đồng chí của Hoàng Phủ Ngọc Tường là Nguyễn Đắc Xuân, xác định ngược lại, rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ở Huế và ở tại Trường Gia Hội. Trường Gia Hội là địa điểm của một trong những tòa án ô nhục nhất thực hiện các phiên tòa vô thẩm quyền và bất hợp pháp và kết án hành hình ngay tức thì. Trong khi người ta có thể muốn biết thông tin mà Nhã Ca truyền đạt gián tiếp có đúng hay không, cuốn sách [của bà] không hậu thuẫn cho lời tuyên bố của ông rằng ông không có mặt tại Huế.
Đối với tôi vẫn còn chưa rõ điều gì đã khiến Hoàng Phủ Ngọc Tường đưa ra ước định sự miêu tả của Nhã Ca về ông. Có thể là trí nhớ của ông phản bội ông. Tôi bất đắc dĩ nghĩ rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã không đọc kỹ cuốn sách hay ông nghĩ rằng sự khả tín của bà như là một nhân chứng là sai trong khi cùng lúc ông cho là những gì Nhã Ca đã viết thì không giống điều được biết bởi hay được kiểm chứng bởi những thính giả nghe cuộc phỏng vấn của ông.
Tuy thế, Hoàng Phủ Ngọc Tường đánh giá rất tích cực về Giải Khăn Sô Cho Huế: “Dù có một số sự việc không đúng sự thực, do có hay không có dụng ý của tác giả, Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi vẫn là một bút ký hay viết về Huế trong thời gian Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại tôi vẫn còn thấy quặn lòng.”
Trường hợp Nguyễn Đắc Xuân
Một người khác xuất hiện trong nhiều trang của “Giải Khăn Sô Cho Huế” là Nguyễn Đắc Xuân, có quan điểm rất khác với tác phẩm của Nhã Ca.
Trong khi còn là sinh viên, như được mô tả bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường, ông là một trong những khuôn mặt lãnh đạo của Phong Trào Đấu Tranh năm 1966 và là chỉ huy của “Đội Cảm Tử” chiến đấu chống lại chính quyền Nam Việt Nam. Đội này chủ yếu gồm các sinh viên Phật tử.(91) Ông và đội của ông gánh phần rất tích cực trong cuộc đối đầu giữa Tướng Nguyễn Chánh Thi và chính quyền Sài Gòn trong năm 1966, được biết như là Cuộc Nổi Dậy Của Phật Giáo. Khi cuộc nổi dậy bị đàn áp, ông bỏ trốn và theo Việt Cộng. Hiện nay, Nguyễn Đắc Xuân, cũng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, là những nhà nghiên cứu lịch sử Huế và lịch sử triều đại nhà Nguyễn, đã xuất bản hàng chục cuốn sách. Cả hai ông này đều là thành viên của Hội Nhà Văn.
Từ những bài viết và hồi ký của ông, rõ ràng Nguyễn Đắc Xuân không chia xẻ cảm nghĩ tích cực về Giải Khăn Sô Cho Huế. Năm 1999 và trong một số tác phẩm sau đó, gồm tác phẩm mới nhất vào năm 2012, Nguyễn Đắc Xuân hồi tưởng ấn tượng đầu tiên của ông khi đọc tác phẩm của Nhã Ca.(92) Ông cho là không cảm thấy giận dữ tác giả vì sự miêu tả của bà về ông bởi lẽ ông hiểu rằng đó là “một câu chuyện để phục vụ [mục đích của] chiến tranh tâm lý rẻ tiền.”(93)
Nguyễn Đắc Xuân thẳng thừng bác bỏ mô tả của Nhã Ca về ông trong điều mà, theo ông, ông được mô tả như “giết người trong cách bi thảm” với chính người bạn học Trần Mậu Tý của ông.(94)
Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường sai trên mặt tích cực trong sự hiểu sai hay trình bày sai về miêu tả của Nhã Ca về ông, thì Nguyễn Đắc Xuân lại đi vào hướng đối nghịch. Sự thật, Nhã Ca không nói trong Giải Khăn Sô Cho Huế rằng Nguyễn Đắc Xuân đã giết Trần Mậu Tý. Khi bà đề cập tới ông trong “Lời Tựa Nhỏ” của bà và sau đó trong chương 7, bà mô tả cảnh tượng nơi mà Nguyễn Đắc Xuân tra tấn tàn bạo Trần Mậu Tý bằng việc giam giữ ông ấy bên bờ vực cái chết. Bà không hề viết rằng Đắc giết Trần Mậu Tý*. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Nguyễn Đắc Xuân đã hiểu nó như là lời buộc tội giết người, mà, như ông nói, đã ảnh hưởng đến mối quan hệ với nhiều người trong quá trình của cuộc đời ông.(95)
Ông cho rằng không phải ông nhưng là người khác mà Nhã Ca đã mang vào trong các trang sách của Giải Khăn Sô Cho Huế bởi vì trong cuốn sách Nhã Ca đề cập đến ông như Đắc, không phải Xuân, mà ông nói là tên riêng của ông.(96)
(còn tiếp)
Ghi Chú
(89) Sau chiến tranh, Burchett đi du lịch tới Cam Bốt, nơi mà ông đã ca ngợi Khờ Me Đỏ, một nhóm Cộng Sản chiếm Cam Bốt sau khi chấm dứt chiến tranh và được biết chịu trách nhiệm việc thực hành chính sách diệt chủng đối với dân tộc Cam Bốt. Sau đó, Burchett lên án Khờ Me Đỏ. Một trong những nguồn tài liệu về Burchett là tác phẩm Burchett Tường Trình Khía Cạnh Khác Của Thế Giới, từ năm 1939 tới 1983 của Ben Kienan (Nxb Quartet Books, London, 1986).
(90) Thụy Khuê, thông tín viên, “Nói Chuyện Với Hoàng Phủ Ngọc Tường Về Biến Cố Mậu Thân Ở Huế,” RFI, ngày 12 tháng 7 năm 1997, http://www.nguoivietatlanta.com/index.php?option=com_content&view=article&id-769:thy-khue-noi-chuyn-vi-hoang-ph-ngc-tng-v-bin-c-mu-than-hu&catid=72:xuan-quy-t&Itemid=128 (vào truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2013). Tất cả trích dẫn từ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong bản văn vài đoạn là từ nguồn thông tin này.
(91) Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngôi Sao Trên Đỉnh Phu Văn Lâu, trang 65.
(92) Đối với bài viết mới nhất gần đây, xin xem Nguyễn Đắc Xuân mô tả con đường của ông trở thành thành viên của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam trong một trong những tờ báo có lượng độc giả nhiều nhất, Tuổi Trẻ, trong một loạt bài đăng từng kỳ với tựa đề “Huế – Những Tháng Ngày Sục Sôi” từ ngày 8 tháng 1 năm 2012 tới ngày 14 tháng 1 năm 2012, với lần đăng cuối cùng có tựa đề “Trở Thành Việt Cộng” và 3 số hồi ký, Từ Phú Xuân Đến Huế (Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012).
(93) Nguyễn Đắc Xuân, “Hậu Quả Của ‘Cái Chết’ Của Tôi,” Nghiên Cứu Huế 1 (1999): trang 255; Nguyễn Đắc Xuân, Từ Phú Xuân Đến Huế, 3: trang 136.
(94) Nguyễn Đắc Xuân, Từ Phú Xuân Đến Huế, 3: trang 145.
(95) Sách đã dẫn trên, 2: trang 259-60; 3: trang 142-150.
*Ghi chú thêm: Sách Giải Khăn Sô Cho Huế, chương Bẩy: Chuyện từ Thành Nội” có đoạn kể theo hai anh em nhân vật tên Hường, việc họ nghe Đắc xử tội Mậu Tý, bằng cách ra lệnh “Mày xuống đứng dưới cái hố tao hỏi tộâi.” Câu cuối đoạn kể, nguyên văn “Sau đó, Đắc kéo Tý lên rồi dẫn đi.”
Đó là lần sau cùng sách Giải Khăn Sô Cho Huế đề cập tới nhân vật Đắc.
Chính Nguyễn Đắc Xuân sau này cũng xác nhận trong hồi ký của ông rằng ông có được giao cho xử Mậu Tý, có bắt Tý đứng đưới cái hố nhưng không hề giết mà sau đó còn kéo Tý lên khỏi hố, mang Tý đi giao cho một người khác.
(96) Sách đã dẫn trên, 3: trang 135.