Học giả, dịch giả Olgar Dror viết về Nhã Ca & ‘Giải Khăn Sô Cho Huế’ (kỳ 06)
III. Tết Mậu Thân tại Huế và Giải Khăn Sô cho Huế trong bối cảnh chính trị của Mỹ

Ngày 12 tháng 11 năm 1969, ký giả Seymour Hersh báo tin câu chuyện Mỹ Lai cho hãng thông tấn AP, và ngay tức thì sau đó tin tức này đã xuất hiện trong nhiều báo chí lớn, gồm báo Time và Newsweek. Tin tức về biến cố kinh hoàng tại Mỹ Lai, đi theo với những hình ảnh đồ họa của tội ác, đã chiếm lĩnh sự chú ý của quần chúng Mỹ. Người Mỹ tức thì thất kinh vì những hành động của những gã đàn ông đồng hương với họ tại Việt Nam, và các nạn nhân Mỹ Lai của người Mỹ đã đẩy các nạn nhân của Cộng Sản tại Huế ra khỏi truyền thông Mỹ, và xa hơn nữa, ra khỏi sự chú ý của quần chúng Mỹ và thế giới.(49)
Stanley Karnow, ký giả và nhà sử học, tác giả cuốn sách được trích thuật và khen ngợi rất nhiều là cuốn Vietnam: A History [Việt Nam: Thiên Lịch Sử], và sau đó làm phóng viên trưởng cho loạt truyền hình 13 giờ PBS về cuộc chiến tại Việt Nam, đã mô tả phản ứng của công dân Mỹ đối với bi kịch Huế trong thời gian chiến cuộc: “Một cách nghịch lý, quần chúng Mỹ không nhìn thấy những tội ác này, mà bận tâm đến sự kiện tại Mỹ Lai [nguyên văn].”(50)

Tết Mậu Thân, Douglas Pike, Gareth Porter, và Chính Trị Mỹ Trong Thời Chiến Tranh

Thay vì trở thành hiểu biết thông thường, như được xảy ra với Mỹ Lai, và thay vì trở thành một điểm phán xét nghiêm túc về bản chất của chiến tranh, các sự kiện tại Huế lại trở thành một quả bóng chính trị. Cả hai cánh chính trị Mỹ đều sử dụng nó trong các đấu đá liên tục.
Trong khi đó cuốn sách của Don Oberdorfer về Trận Tấn Công Tết, được xuất bản năm 1971, cung cấp thông tin tự nhiên hơn về các sự kiện tại Huế, hai người khác chứng thực là có uy thế đặc biệt trong việc cung cấp những lý lẽ đối với các cuộc vận động tranh cử. Một là Douglas Pike, đã góp phần vào việc đưa ra ánh sáng các sự kiện đã xảy ra tại Huế. Là một ký giả chuyên nghiệp, Pike gia nhập vào Cơ Quan Thông Tin Hoa Kỳ tại Việt Nam vào năm 1960 và ở đó nhiều năm. Vào năm 1968, ông cũng đang làm việc cho Bộ Ngoại Giao và vào thời điểm Trận Tấn Công Tết đã thu thập nhiều tài liệu và đã viết một số tác phẩm quan trọng về Việt Nam, về các chiến lược của Cộng Sản, và về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng.(51) Sau Tết ông thực hiện cuộc nghiên cứu, sử dụng các tài liệu lấy được từ Việt Cộng, và đưa ra những khám phá được phổ biến trong các cuộc phỏng vấn và trong các cuốn sách viết đặc biệt về Tết và, sau chiến tranh, về Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam nói chung.(52) Ông cho rằng Cộng Sản chịu trách nhiệm về cuộc thảm sát tại Huế, giết chết hàng ngàn người khi họ kiểm soát thành phố.

Các chính trị gia dùng quan điểm của Pike, cũng như một số phúc trình được công bố lúc bấy giờ, để cho rằng một cuộc tàn sát đẫm máu chắc chắn xảy ra sau đó tại Việt Nam nếu Cộng Sản thôn tính cả nước.(53)

Trong bài diễn văn nổi tiếng “hòa bình với danh dự” đọc vào ngày 3 tháng 11 năm 1969, Richard Nixon dùng Huế như sự bào chữa cho việc bác bỏ cuộc rút quân bất ngờ khỏi Việt Nam: “Chúng ta đã chứng kiến màn mở đầu của những gì xảy ra tại Nam Việt Nam khi Cộng Sản vào thành phố Huế hồi năm rồi. Trong thời gian ngắn mà họ cai trị ở đó, có một triều đại khủng bố sắt máu mà trong đó 3,000 thường dân bị đánh đập, bị bắn chết, và bị chôn trong các mồ tập thể.”(54) Một tháng sau, Thượng Nghị Sĩ George Murphy từ California đưa ra cùng ý tưởng tại Quốc Hội,(55) trích thuật một bài báo trong tờ the Los Angeles Times, mà Douglas Pike lấy làm nguồn tài liệu chính.(56)
Đối thủ của Pike là Gareth Porter, nhà hoạt động phản chiến, nhà khoa học chính trị, và ký giả. Ông này làm việc tại Việt Nam trong vai trò trưởng văn phòng tại Sài Gòn cho Cơ Quan Gửi Tin Tức trong năm 1970 và 1971.

Ngay cả trước khi rời Việt Nam, ông cũng không chịu xem các sự kiện tại Huế như là thảm sát. Năm 1969, khi là sinh viên hậu đại học tại Đại Học Cornell, ông là đồng tác giả một bài báo trong sách Christian Century [Thế Kỷ Thiên Chúa Giáo] cho rằng các vụ giết người tại Huế được thực hiện trên phạm vị nhỏ hơn như được tường trình và là “sự trả thù của một quân đội đang rút lui và không phải là chính sách chủ tâm của Hà Nội.”(57) Như với những phát hiện của Pike, quan điểm của Porter đã bị các chính trị gia nắm lấy. Ngày 19 tháng 5 năm 1970, trong phản ứng lại lý lẽ của Nixon về cuộc tàn sát có thể xảy ra trong trường hợp Cộng Sản chiến thắng, được lập lại bởi tổng thống trong thời gian họp báo vào ngày 8 tháng 5 năm 1970, Thượng Nghị Sĩ Mark Hatfield của tiểu bang Oregon gợi lại quan điểm của Porter bằng việc trích bài báo của phóng viên Tom Wicker của báo New York Times về các sự kiện tại Huế, chỉ dựa trên một phần về năm 1969 trong sách Christian Century của Porter.(58)

Sau khi trở lại từ Việt Nam vào năm 1972, nhà nghiên cứu tại Đại Học Cornell, xuất bản tác phẩm bác bỏ lời tuyên bố rằng Cải Cách Ruộng Đất tại Việt Nam từ năm 1953 tới 1955 đã đưa đến một cuộc tắm máu lấy mạng của hàng ngàn người dân.(59) Trong tác phẩm sau đó ông tiếp tục bày tỏ quan điểm về các sự kiện tại Huế và cố bác bỏ quan điểm của Pike.

Năm 1973 Porter viết rằng: “Đối với những nhà biện hộ chuyên nghiệp của chủ nghĩa đế quốc của Mỹ, Huế rõ ràng đã phục vụ như là khẩu hiệu giúp họ bào chữa những năm tháng của tội ác chiến tranh của Mỹ. Nhưng đó là công việc của Cơ Quan Tình Báo Hoa Kỳ và Ban Giám Đốc Chiến Tranh Chính Trị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, những người sử dụng cả cuộc vận động công khai và chính thức và nhiều phương cách thủ đoạn nửa úp nửa mở, như xuyên tạc các tài liệu tịch thu được với báo chí và bịa đặt ra những chứng cớ của các người lính đào ngũ để hậu thuẫn cho báo cáo chính thức.”(60) Năm 1974 ông viết rằng: “Một nghiên cứu cẩn thận của câu chuyện chính thức về ‘cuộc thảm sát’ tại Huế trên một mặt, và về chứng cứ từ các nguồn độc lập hay chống Cộng trên mặt khác, cung cấp một cái nhìn tổng quan vào các nỗ lực của báo chí Hoa Kỳ để giữ lại những sợ hãi kinh hoàng về một cuộc tàn sát ‘đẫm máu.’”(61) Các chính trị gia phản chiến sử dụng tác phẩm năm 1974 này trong những cuộc tranh luận của họ để thoát ra khỏi Việt Nam. Chẳng hạn, Thượng Nghị Sĩ George McGovern của tiểu bang South Dakota tố cáo chính phủ Nixon dùng những sự kiện tại Huế như là cái cớ để tiếp tục chuyện người Mỹ liên lụy ở đó [Việt Nam]; ông đi xa tới mức quy chụp những vụ giết người tại Huế như “được gọi là thảm sát tại Huế.”(62)

Để hậu thuẫn cho lập luận của mình, Porter trích dẫn bản thảo chưa được ấn hành bởi Alje Vennema, như được đề cập ở trên.(63) Sự thực là cho đến các sự kiện Tết Mậu Thân tại Huế, Vennema đã là người có cảm tình nồng hậu với Cộng Sản. Theo Vennema, ông kinh hãi bởi chiến tranh và sự liên lụy của Mỹ. Ông cảm thấy rằng, “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng chỉ đưa ra giải pháp đối với sự tham nhũng và chiến tranh triền miên.” Nhưng Vennema đã ở Huế khi bi kịch mở ra, và nó đã thay đổi đáng kể quan điểm của ông. Ông nhớ lại sau đó rằng, “Tuy nhiên, việc tôi ở lại Huế cho tôi thấy một khía cạnh khác của chiến tranh, mà kẻ thù đã không cần biết đến sinh mạng con người – qua việc bắt những người ngoài cuộc vô tội, loại trừ họ bằng máu lạnh, hay để họ chết dần chết mòn trong các trại tù ở rừng sâu nước độc cho đến chết mới cứu họ.”
(Còn tiếp)


(49) Có một vài ngoại lệ. Thí dụ, báo Time ở London đã đăng một phúc trình điều tra được thực hiện bởi Stewart Harris, một phóng viên của báo the London Times, dưới tựa đề “An Efficient Slaughter” [Cuộc Tàn Sát Dữ Dội], xác nhận những vụ hành hình tại Huế (xem số báo ngày 5 tháng 4 năm 1968, trang 36).
(50) Stanley Karnow, Vietnam: A History [Việt Nam Thiên Lịch Sử] (Nxb Viking Press, New York, 1983), trang 530; sách được tái bản vào năm 1987 và 1997.
(51) Thí dụ, Douglas Pike đã viết trong các tác phẩm như sau: Documents on the National Liberation Front of South Vietnam (1959-1966) [Tài Liệu Về Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam] (Chicago: Center for Research Libraries, 1967); National Development in Vietnam: 1967 [Sự Phát Triển Quốc Gia Tại Việt Nam: 1967] (U.S. Information Service, Sài Gòn, 1967); Viet Cong: The Organization and Technique of the National Liberation Front of South Vietnam [Việt Cộng: Tổ Chức và Kỹ Thuật của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Miền Nam Việt Nam] (Altma Ram and Sons, Delhi, 1966); Politics of the Viet Cong [Quan Điểm Chính Trị Của Việt Cộng] (Saigon, 1968).
(52) Pike cũng viết Catalog of Viet Cong Documents [Danh Mục Tài Liệu Của Việt Cộng] (Saigon, 1969) và Hanoi’s Strategy of Terror [Chiến Lược Khủng Bố Của Hà Nội] (Bangkok: South-East Asia Treaty Organization, 1970). Thêm các tác phẩm tổng quát của ông: War and Peace and the Viet Cong [Chiến Tranh và Hòa Bình và Việt Cộng] (Cambridge, MA: MIT Press, 1969); History of Vietnamese Communism, 1925-1976 [Lịch Sử Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam Từ Năm 1925 tới 1976] (Nxb Hoover Institution Press, Stanford, CA, 1978); PAVN: People’s Army of Vietnam [Quân Đội Nhân Dân Việt Nam] (Nxb Presidio Press, Novato, CA, 1986).
(53) Các vụ tàn sát tại Huế cũng được trình bày trong Oberdorfer, Tet! Một chương trong sách này có đề mục “Death in Hue” [Chết Chóc Tại Huế] (trang 197-235) đề cập đến một phần với những kinh nghiệm của người dân trong thời gian trận chiến. Don Oberdorfer sau đó là phóng viên cho báo the Wahington Post. Công tác lần thứ 3 của ông tại Đông Dương trùng hợp vào Trận Tấn Công Tết. Hosmer, Viet Cong Repressiion, [Sự Đàn Áp Của Việt Cộng], cũng cung cấp số lượng thông tin và phân tích đáng kể.
(54) “Televised Address to the Nation” [Diễn Văn Truyền Hình Toàn Quốc], vào ngày 3 tháng 11 năm 1969, được đăng lại trong nhiều tờ báo. Trích thuật ở đây là từ báo New York Times, ngày 4 tháng 11 năm1969, “Text of President Nixon’s Address to the Nation on U.S. Policy in the War in Vietnam” [Bản Văn Bài Diễn Văn Của Tổng Thống Nixon Với Toàn Quốc Về Chính Sách Của Hoa Kỳ Trong Chiến Tranh Việt Nam].
(55) Hồ Sơ Quốc Hội, ngày 10 tháng 12 năm 1969, trang 38223.
(56) Robert S. Elegant, “Hue Massacre Effort to Destroy Entire Society – Authority Says Murders Were According to Plan and Perhaps 6,000 Died” [Thảm Sát Huế Nỗ Lực Tiêu Diệt Toàn Xã Hội – Giới Chức Thẩm Quyền Nói Rằng Những Kẻ Sát Nhân Có Kế Hoạch Và Có Lẽ 6,000 Người Chết], Los Angeles Times, ngày 6 tháng 12 năm 1969.
(57) D. G. Porter và L. E. Ackland, “Vietnam: The Bloodbath Argument” [Việt Nam: Trận Chiến Đẫm Máu], Christian Century, ngày 5 tháng 11 năm 1969.
(58) Hồ Sơ Quốc Hội, ngày 19 tháng 5 năm 1970, trang 16061; Tom Wicker, “In the Nation: Mr. Nixon’s Scary Dreams” [Chuyện Quốc Gia: Những Giấc Mơ Hãi Hùng Của Nixon], New York Times, ngày 12 tháng 5 năm 1970, trang 38.
(59) Gareth Porter, The Myth of the Bloodbath: North Vietnam’s Land Reform Reconsidered [Huyền Thoại Tắm Máu: Xét Lại Cải Cách Ruộng Đất Tại Bắc Việt] (Cornell University, International Relations of East Asia Project [Quan Hệ Quốc Tế Của Kế Hoạch Đông Á], Ithaca, NY, 1972).
(60) “National Liberation Front Political Operations (DV): Hue ‘Massacre’” [Hoạt Động Chính Trị của Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc: Vụ Tàn Sát Tại Huế], Porter MSS on the Hue Massacre – Tháng 4 năm 1973, trang 6, tập hồ sơ 13, hộp 13, Douglas Pike Collection: Unit 05 – National Liberation Front, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University, http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=2311313038 (truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2013).
(61) D. Gareth Porter, “The 1968 ‘Hue Massacre’” [Thảm Sát Tại Huế Năm 1968], IndochinaChronicle 33 (Ngày 24 tháng 6 năm 1974). Cũng xin xem D. Gareth Porter và Edward S. Harman, “The Myth of the Hue Massacre” [Huyền Thoại Vụ Thảm Sát Tại Huế], Ramparts 13, số 8 (Tháng 5 và 6 năm 1975), trang 1-4.
(62) Hồ Sơ Quốc Hội, ngày 19 tháng 2 năm 1975, trang 3515.
(63) Porter, “The 1968 ‘Hue Massacre’” [Thảm Sát Tại Huế Năm 1968], trang 1.