Bước đầu tìm hiểu về nhân vật lịch sử Dương Ngạn Địch

Huỳnh Ngọc Đáng

Sử liệu Việt nam ghi chép về Dương Ngạn Địch (楊彥迪) không nhiều. Các công trình nghiên cứu trong nước trước nay viết về Dương Ngạn Địch cũng ít ỏi. Bài viết này bước đầu đi sâu tìm hiểu về tiểu sử, thân thế của Dương Ngạn Địch dựa trên những thành tựu nghiên cứu của nhiều tác giả trong và ngoài nước về nhân vật lịch sử này.

Từ khóa: Dương Ngạn Địch, cướp biển người Hoa, Long Môn tướng quân, Yang yandi, 楊彥迪.

Dương Ngạn Địch là nhân vật lịch sử gắn với sự kiện năm Kỷ Mùi, khi những nhóm người Hoa di cư đến quy phục Đàng Trong và được chúa Nguyễn bố trí vào định cư sinh sống, khai khẩn vùng Đông Phố. Tìm hiểu về Dương Ngạn Địch nhằm góp phần bổ sung hiểu biết lịch sử về người Hoa ở miền Nam.

Về các nguồn tư liệu:

Trước tiên, cần xem xét các sử liệu Việt Nam ghi chép về Dương Ngạn Địch ra sao.

Tài liệu Việt Nam đầu tiên có ghi chép về Dương Ngạn Địch là Nam triều công nghiệp diễn chí (viết tắt là NTCNDC)của Nguyễn Khoa Chiêm. Sách này được soạn và khắc in vào năm thứ 22 đời chúa Minh Vương tức năm Kỷ Hợi, dương lịch là năm 1719. Bảng trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm là một đại thần của Đàng Trong, phụng sự nhiều đời chúa Nguyễn. Sách Nam triều công nghiệp diễn chí của ông ghi chép về quá trình khai cơ dựng nghiệp của họ Nguyễn ở Đàng Trong, bắt đầu từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa đến hết năm Kỷ Tỵ 1689, đời chúa Nghĩa vương. Không hiểu vì sao Nguyễn Khoa Chiêm chỉ viết đến năm ấy mặc dù ông vẫn còn sống gần 40 năm sau đó, đến năm 1736 mới qua đời. NTCNDC không phải là một tác phẩm sử học mà là một trước tác văn học nên các nhà nghiên cứu tạm xếp nó là tiểu thuyết lịch sử tương tự như Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái xuất hiện trước đó. Trong NTCNDC, Nguyễn Khoa Chiêm kể lại bằng ngôn ngữ văn học sự kiện Dương Ngạn Địch cùng binh thuyền đến Đàng Trong:


Tướng quân Dương Ngạn Địch.

“…Lại nói năm ấy (Kỷ Mùi 1679), người nước Đại Minh nguyên là đảng khấu tướng quân Dương Ngạn Địch cầm quân trấn thủ thành Long Môn đến nước ta. Mùa đông năm trước, Ngạn Địch thống lĩnh quân thủy bộ của thành Long Môn đánh lại quân Thanh của vua Khang Hy, vì quân ít không chống cự nổi nên đại bại phải bỏ thành chạy trốn…Thế chạy không thoát, Ngạn Địch bèn đưa hơn 200 chiến thuyền chạy ra biển Đông trốn tránh gần vùng bờ biển nước ta rồi viết biểu văn sai người về kinh tâu về triều đình nhà Minh xin sai quân đến cứu viện. Đoàn thuyền của Ngạn Địch cứ bồng bềnh trên mặt biển hon một tháng, không thấy viện binh đến cứu…” [1]

Viện binh không đến, đoàn thuyền của họ Dương lại gặp phải trận bão to, tan tác trôi dạt khắp nơi, nhiều thuyền bị đắm, quân lính chết đuối vô kể. Đến khi sóng yên gió lặng “…Dương Ngạn Địch thu thập số còn lại điểm thấy mất đến quá nửa, tất cả chỉ còn hơn 50 chiến thuyền với hơn 3.000 quân sĩ…”[2]

Đến đoạn này thì văn chương tiểu thuyết của tác giả NTCNDC bắt đầu diễn tả tâm trang thống khổ, tuyệt vọng của họ Dương trong tình cảnh thuyền tan, lương cạn, sống dở chết dở, đến nổi binh sĩ phải xé da giày mà ăn, hứng nước sương mà uống, người chết thì quăng thây xuống biển…Trong cảnh tuyệt vọng đó, nhìn thấy bờ biển cát trắng miền Trung hỏi ra mới biết đó là xứ Đàng trong của nước An Nam mà binh sĩ trong thuyền là Quách Tam Kỳ đã từng qua lại buôn bán trước đây. Người này nói rằng đó là xứ nước giàu dân thịnh, binh tướng hùng cường. Trươc đây có bọn giặc Ô Lan (chỉ giặc cướp người Tây phương) ỷ có tàu to súng lớn đem hơn chục chiến thuyền vào cướp phá đã bị quân dân nước này đánh cho tan tành “…Từ đó về sau quân Ô Lan không dám xâm phạm nữa. Bọn chúng còn như thế, huống hồ là quân ta?...”[3] Nhận thức tình hình thấy không còn con đường sống nào khác ngoài việc hàng phục An Nam, họ Dương đã cho đoàn thuyền neo đậu ngoài bờ biển từ cửa Nại Hải đến cửa Đà Nẵng, chuẩn bị sẵn cờ trắng tỏ ý đầu hàng. Binh thuyền Đàng Trong do Trí Thắng hầu phát hiện hạch xét. Dương Ngạn Địch viết biểu văn xin hàng, “…Sai Hoàng Tiến và Quách Tam Kỳ theo Trí Thắng hầu vào vương đình dâng lễ, tâu bày đầu đuôi việc thua trận và tình cảnh khốn bức muốn xin đầu hàng để có chốn nương thân…”[4]. Chúa Hiền đã “…lấy làm thương xót, bèn truyền chỉ cho phép được đầu hàng. Lại ban cho tiền gạo, vải vóc, rượu thịt để an ủi cho binh chúng khỏi sợ hãi…”[5].

Bằng ngôn ngữ văn học, với một đoạn văn không dài, Nguyễn Khoa Chiêm đã miêu tả sinh động tình cảnh, tâm lý, động cơ và các chi tiết khác liên quan đến sự kiện Dương Ngạn Địch dẫn đoàn chiến thuyền đến Đàng Trong hàng phục xin tỵ nạn. Qua ghi chép này có mấy điểm đáng lưu ý: thứ nhất, Chỉ có đoàn binh thuyền của Dương Ngạn Địch, không có nhóm của Trần Thượng Xuyên; thứ hai, đoàn binh thuyền ban đầu khá đông, hơn 200 chiến thuyền, sau bị bão đánh chìm chỉ còn 50 chiếc và 3.000 quân; thứ ba, động cơ hàng phục Đàng Trong chỉ là tìm một con đường sống cho mình và đoàn quân binh. Bởi vì đi tiếp thì không còn đủ sức, đánh cướp đất liền để sống chắc chắn sẽ thất bại và bị tiêu diệt, chỉ còn cách đầu hàng…; thứ tư, các ghi chép không có chi tiết chúa Nguyễn đã cử người đưa nhóm Dương Ngạn Địch vào khai khẩn xứ Mỹ Tho, nhưng ở đoạn sau, gần cuối của cuốn sách Nguyễn Khoa Chiêm có chép việc Hoàng Tiến sát hại Dương Ngạn Địch mưu đồ cát cứ dẫn đến sự kiện Đàng Trong phải mấy lượt mang quân binh vào trấn áp; thứ năm, qua đoạn ghi chép ta chỉ biết khá ít về Dương Ngạn Địch: chỉ huy đội quân thành Long Môn, nguyên là đảng khấu (giặc cướp), đang trực thuộc lực lượng chống lại nhà Thanh của quân đội họ Trịnh ở Đài Loan, đang chờ xin viện binh từ Đài Loan.

Cũng qua đoạn văn ghi chép ta thấy Nguyễn Khoa Chiêm có nhầm lẫn hoặc sai sót khá rõ: Đến lúc này (1679) ở Trung Quốc không còn triều đình nhà Minh nào cả. Sau năm 1644, các vương gia họ Chu của triều Minh tiếp tục tôn phò hết người này đến người khác lên ngôi hoàng đế, hình thành triều đình Nam Minh lưu vong để giương cờ khôi phục nhà Minh nhưng tất cả đều thất bại, hoặc bị bắt, bị giết, bị đày. Đến năm 1661 có thể xem là dấu móc chấm dứt các hoạt động của triều đình Nam Minh lưu vong, thay vào đó là lực lượng chống Thanh (nhưng không hẳn là muốn phục Minh) của Trịnh Thành Công. Cùng với Tam Phiên và cuộc nổi dậy phản Thanh của Ngô Tam Quế, cả vùng Hoa Nam rơi vào máu lửa nhưng sau đó, lần lượt Mãn Thanh đã dẹp được Tam Phiên, xóa bỏ nước Đại Chu của Ngô Tam Quế và đẩy lực lượng Trịnh Thành Công ra co cụm ở Đài Loan. Dương Ngạn Địch là tướng quân Long Môn của họ Trịnh Đài Loan, không phải là tướng của triều Minh…

Như vậy NTCNDC của Nguyễn Khoa Chiêm dù không nói nhiều về Dương Ngạn Địch, thậm chí còn vài chi tiết chưa chính xác về nhân vật này nhưng có vị trí là tài liệu đầu tiên và đáng tin cậy của Việt Nam viết về họ Dương, về sự kiện có thật là họ Dương đã giương cờ trắng đầu hàng chính quyền Đàng Trong để tìm một con đường sống. Những tài liệu khác sau này của Việt Nam đều có ảnh hưởng từ tài liệu của Nguyễn Khoa Chiêm.

Tài liệu Việt Nam khác ghi chép về Dương Ngạn Địch là Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Tác phẩm này xuất hiện 60 năm sau khi NTCNDC ra đời, ngay khi chế độ Đàng Trong vừa sụp đổ. Tên của tài liệu cho thấy đây không phải là một công trình sử học bài bản, hoàn chỉnh mà chỉ là một tập hợp những ghi chép, sưu tập, sao lục những gì tác giả có được về vùng đất Đàng Trong. Tuy nhiên, với tư cách là nhà bác học của trí thức Việt nam đương thời, lại tiếp quản các tàng thư của Đàng Trong ở Thuận Hóa, Lê Quý Đôn đã cống hiến cho đời sau những sử liệu có giá trị về Đàng Trong, trong đó có những ghi chép sơ lược về Dương Ngạn Địch.

“…Hy-tôn Vĩnh-trị năm thứ 4 (1679), bày tôi trốn tránh của nhà Minh là Long-môn tướng quân Dương-ngạn-Địch đem chiến thuyền hơn 50 chiếc, quân 3000 đậu ở ngoài cửa bể Tư-dung, Đà-nẵng, sợ Thuận-hóa không dám vào. Tướng trấn thủ ở Tư-dung cho quân ra hỏi, Ngạn-Địch kéo cờ trắng xin hàng. Phúc-Tần liền cho đến đất Cao-miên và bảo vua Cao-miên chia đất cho Ngạn-Địch đóng ở cửa Mỹ-thu, kết làm anh em, hằng năm phải đem lễ cống hiến…”[6].

Sự kiện Hoàng Tiến làm phản giết Dương Ngạn Địch cũng được ghi chép khá rõ:

“… Khi ấy, Long-môn thuộc tướng là Hoàng-Tiến giết Dương-ngạn-Địch ở cửa bể Mỹ-thu, rời đồn đến Rạch-than là nơi hiểm trở. Cao-miên chính vương là Nặc-Thu cũng đến đắp lũy ở nam Nam-vang, Gò-bích, Ngã-ba-kiều, dùng vòng sắt tròng thuyền bè để ngăn ngang cửa sông, làm chiến thuyền, đúc súng lớn, ngăn cản người đi lại buôn bán. Phó vương Nặc-Nộn cho nguời phi báo, Hoằng quốc công khiến trấn biên Nha-trang doanh, Phó tướng Vạn-long-hầu làm Thống binh, Thắng-long-hầu làm tả hữu Vệ tướng quân đi đánh…”[7].

So với ghi chép của nguyễn Khoa Chiêm trong NTCNDC thì Lê Quý Đôn có ghi rõ việc chúa Hiền cử người đưa nhóm của Dương vào khai phá vùng đất Mỹ Tho 美萩[8]. Ngoài ra mọi chi tiết đều không có gì khác, kể cả niên đại năm Kỷ Mùi 1679, số lượng binh thuyền, chi tiết kéo cờ trắng xin hàng và chi tiết không có mặt nhóm Trần Thượng Xuyên…Điều đó cho thấy Lê Quý Đôn đã kế thừa khá trọn vẹn các nội dung ghi chép của Nguyễn Khoa Chiêm khi tạp lục cho nên cũng chẳng cung cấp gì hơn các chi tiết đã có trong NTCNDC về tiểu sử của Dương Ngạn Địch. Hạn chế này của hai đại thần của chế độ Đàng Ngoài và Đàng Trong đã được một tác giả người Minh Hương là Trịnh Hoài Đức, cũng là một đại thần của triều Nguyễn sau này bổ khuyết trong tác phẩm Gia Định thành thông chí, quyển địa chí tốt nhất cho đến bây giờ của vùng đất Nam bộ. Trịnh Hoài Đức soạn xong sách Gia Định chí vào cuối thời Gia Long, đầu triều Minh Mạng thì dâng lên vua và được cho khắc in, như vậy là sau Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn xấp xỉ 40 năm. Cấn Trai tiên sinh đã viết về Dương Ngạn Địch như sau:

“… Tháng 4 mùa hạ năm thứ 32, Kỷ Mùi (1679) (Lê Hy Tông niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, Đại Thanh Khang Hy thứ 18), quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn thuộc Quảng Đông nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tấn, quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, Phó tướng Trần An Bình dẫn quân và gia nhân hơn 3000 người cùng chiến thuyền hơn 50 chiếc xin được vào Kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẵng…Triều đình cử họ vào định cư, khai thác xứ Đông Phố… Bọn tướng Long Môn họ Dương đem binh thuyền tiến nhanh vào cửa Xoài Rạp [nay gọi là Lôi Lạp (Soi Rạp)] và cửa Đại cửa Tiểu (thuộc trấn Định Tường) dừng trú tại xứ Mỹ Tho (nay là trấn lỵ của Định Tường). Bọn tướng các xứ Cao, Lôi, Liêm họ Trần thì đem binh thuyền tiến vào cửa Cần Giờ rồi đồn trú tại xứ Bàn Lân thuộc Đồng Nai (nay là lỵ sở trấn Biên Hòa). Họ lo mở mang đất đai, lập thành phố chợ, giao thông buôn bán. Tàu thuyền người Hoa, người phương Tây, người Nhật, người Đồ Bà (Chà Và), tụ tập tấp nập, phong hóa Trung Quốc dần dần lan ra thấm đượm cả vùng Đông Phố…”[9]

Sự kiện Hoàng Tiến nổi loạn cũng được ghi lại:

Tháng 6 mùa hạ năm thứ 2, Mậu Thìn (1688) đời Anh Tông Hiếu Nghĩa hoàng đế (Chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn) (Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 9, Đại Thanh Khang Hy thứ 27), Phó tướng Long Môn là Hoàng Tấn sinh lòng kiêu mạn, y cầm quân tấn công giết Dương Ngạn Địch rồi dời đến đóng ở xứ Rạch Năn (thuộc huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường), chiếm cứ vùng hiểm yếu, đóng thuyền chiến, đúc thêm súng lớn, không cho thương nhân qua lại, quấy nhiễu cướp bóc người Cao Miên…[10]

Với các ghi chép như trên, Trịnh Hoài Đức đã chính thức đặt nhóm quân binh của Trần Thượng Xuyên vào sự kiện qui thuận năm Kỷ Mùi 1679 và nói rõ vị trí hai địa bàn sinh sống khai khẩn của hai nhóm quân binh. Vì sao có sự bổ sung đó, Trịnh Hoài Đức đã căn cứ vào đâu để bổ sung các chi tiết này…phần sau của bài viết sẽ đề cập chuyên sâu.

Những ghi chép về Dương Ngạn Địch như trên của Trịnh Hoài Đức đã là cơ sở tư liệu chính thống để Quốc sử quán triều Nguyễn sau này viết về họ Dương cả trong Đại nam thực lục tiền biên, Đại Nam liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí đồ sộ của triều Nguyễn. Tuy nhiên, với sử quán triều Nguyễn, tên tuổi Dương Ngạn Địch chỉ được ghi chép sơ sài. Nếu như Trần Thượng Xuyên được triều Nguyễn tôn vinh là một trong các bầy tôi có công, được Đại nam liệt truyện (tiền biên) ghi chép thành một đề mục tiểu sử riêng với nội dung cụ thể về thân thế, hoạt động hẳn hoi thì Dương Ngạn Địch không có đề mục riêng mà chỉ được phụ ghi chung vào đề mục Bầy tôi Trần Thượng Xuyên. Trong Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Định Tường, Dương Ngạn Địch chỉ được nhắc đến với mấy dòng ngắn ngủi: “…Năm Kỷ Mùi thư 32, đời Thái Tông, bọn Dương Ngạn Địch là tướng Long Môn nhà Minh, lấy tư cách là bầy tôi nhà Minh xin quy phụ, cho họ ở địa phương Mỹ Tho, dựng nhà cửa, họp người Kinh, người Di, kết thành làng xóm…”[11] Trong khi đó với Trần Thượng Xuyên, ngoài phần ghi chép ở mục Dựng đặt và diên cách còn được đưa vào đứng đầu đề mục Nhân vật của tỉnh Biên Hòa (cùng với Hồ Văn Bôi, Nguyễn Văn Nghĩa…) ghi chép tiểu sử thân thế riêng khá trân trọng. Đại nam thực lục tiền biên ghi chép về Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên trong sự kiện năm Kỷ Mùi, nội dung không có gì khác so với ghi chép trong Gia Định chí của Trịnh Hoài Đức trước đó nhưng đã có một nhầm lẫn hay sai sót[12] đáng tiếc là lại ghi “…Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi lạp, đến đóng ở Bàn Lân (lẽ ra phải là Mỹ Tho)…”[13].

Nhìn chung, hầu hết các sử liệu Việt Nam đã nêu trên, từ Nguyễn Khoa Chiêm, Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức đến cả Quốc sử quán triều Nguyễn sau này, các tác giả đều chỉ ghi chép ít về Dương Ngạn Địch. Trong cách ghi chép cũng có sự chuyển đổi vị trí của Dương Ngạn Địch. Từ là nhân vật chính, nhóm duy nhất trong sự kiện năm Kỷ Mùi (trong tài liệu của Nguyễn Khoa Chiêm và Lê Quý Đôn) chuyển đến vị trí một trong hai nhóm có mặt trong sự kiện (trong tài liệu của Trịnh Hoài Đức), và rồi trở thành nhân vật chỉ được phụ ghi sơ sài trong ngòi bút của sử quan triều Nguyễn. Nguyên nhân của hiện tượng đó rất cần được xem xét lý giải.

Các sử liệu nói trên vừa chứa ít thông tin về tướng quân Long Môn lại vừa có một số chi tiết đáng lưu ý:

Thứ nhất, nhầm lẫn khi cùng đều cho rằng Dương Ngạn Địch (và cả Trần Thượng Xuyên) là tướng của triều Minh. Như đã lý giải ở đoạn trên, đến lúc này, năm 1679, triều Minh đã không còn, cả triều Nam Minh lưu vong kháng chiến cũng đã chấm dứt hoạt động. Cả Dương và Trần đều chỉ là tướng của họ Trịnh Đài Loan[14]. Họ có “phản Thanh” nhưng có thật sự “phục Minh” hay không còn phải xem xét thêm và cần lý giải thuyết phục.

Thứ hai, niên đại năm Kỷ Mùi 1679 không chính xác, có thể muộn hơn, năm 1682 chẳng hạn; sẽ đi sâu phân tích ở phần sau.

Thứ ba, cả hai nhóm của Dương và Trần cùng lúc đến Đàng Trong hay nhóm đến trước, nhóm đến sau? Vì sao các tài liệu sớm nhất chỉ có nhóm của Dương, phải đến Trịnh Hoài Đức viết Gia Định chí thì mới có tên của nhóm Trần Thượng Xuyên?

Thứ tư, Vì sao nhóm của Dương và cả Trần lại tìm đến quy phục Đàng Trong mà không đến nơi khác như Đàng Ngoài hay xa hơn là các quốc đảo ở phía Nam hoặc nước Xiêm…

Thứ năm, hành trạng của Dương trong khoảng thời gian từ khi vào vùng

đất Mỹ Tho đến khi bị Hoàng Tiến giết chết năm 1688.

Và cuối cùng, thứ sáu, Triều Nguyễn đánh giá về Dương như thế nào trong so sánh với Trần Thượng Xuyên. Người đương đại chúng ta hiện nay nên nhìn nhận về Dương Ngạn Địch sao cho phù hợp…

Tất cả những vấn đề nêu trên chỉ nhằm làm rõ thêm tiểu sử, thân thế, hoạt động của Dương Ngạn Địch, người mà hiện nay ở quê hương của ông, vùng bán đảo Lôi châu, nhất là vùng đảo Long Môn đã xem ông như một anh hùng phản Thanh phục Minh, một Dương tướng quân nghĩa dũng bất tử (một Rightous Yang, một Dương Nghĩa 楊義) trong lòng nhân dân.

Tiếc rằng sử liệu tiếng Việt như đã phân tích ở trên đã không đủ, buộc ta phải tham khảo, sử dụng các tài liệu khoa học của các đồng nghiệp ở nước ngoài.

Các tài liệu nước ngoài có chú ý ghi chép về Dương Ngạn Địch khá phong phú, nhất là tài liệu tiếng Anh. Về cơ bản có thể phân thành mấy nhóm:

Nhóm thứ nhất là các công trình nghiên cứu, các báo cáo khoa học về lịch sử thương mại, hàng hải…Đông Nam Á. Ở nhóm này các tác giả không tập trung chuyên sâu nghiên cứu về Dương Ngạn Địch mà chỉ đề cập đến họ Dương trong các chương mục hay các đoạn ghi chép ngắn, dài nhất định. Có thể kể đến là:

- Li Tana trong báo cáo khoa học có tựa đề Epidemics, Trade and local Wooorship in Vietnam, Leizhou peninsula and Hainan island[15]. Trong bài viết này, khi khảo sát về tình hình dịch tả hoành hành ở vùng đồng bằng và duyên hải Bắc bộ, Li Tana chứng minh có dấu hiệu cho thấy chính nhóm binh thuyền của Dương Ngạn Địch làm tăng sự lây lan nạn dịch nghiêm trọng ra khắp vùng…

- Niu Junkai và Li Qingxin trong báo cáo khoa học Chinese “Political Pirate” in the seventeenth-century Tonking Gulf [16]. Trong tài liệu này, hai tác giả đã khảo sát về các hoạt động có tính cướp biển của Dương Ngạn Địch trong vùng biển Bắc bộ, nhất là trong hành lang vận tải biển từ Bắc Việt Nam qua Giang Bình, Long môn, đến Hải Nam và xa hơn đến Đài Loan. Tiếp theo là quá trình Dương trở thành một Political Pirate đồng thời là một tùy tướng của thế lực họ Trịnh ở Đài Loan. Đặc biệt, hai tác giả còn xem xét riêng về mối quan hệ giữa nhóm binh thuyền của Dương với các chính quyền địa phương ở Đàng Ngoài trong những thời điểm nhất định.

- Xin Hang trong The seventeenth-century Guangdong pirates and their transnational impact,[17]. Xing Hang 杭行, là Phó Giáo sư lịch sử Đại học Brandeis của Hoa Kỳ, chuyên nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, nhất là lịch sử về các vùng biển châu Á. Trong bài viết này, Xin Hang cung cấp các chi tiết về quá trình hoạt động cướp biển rồi sau đó trở thành bộ tướng của họ Trịnh Đài Loan của Dương Ngạn Địch. Theo tác giả, dù sử liệu VN ghi chép nhóm Dương Trần đến Đàng trong năm Kỷ Mùi, 1679, nhưng theo các nguồn tư liệu khác, hầu hết đều khẳng định thời gian muộn hơn, có thể vào năm 1682. Nhóm của Dương đã đến Chân Lạp không chỉ một đợt mà đến hai đợt, trong hai năm 1682 và 1683. Tác giả cũng cho biết các sử liệu khác chứng minh rằng vua Xiêm đã cử sứ giả đến thuyết phục Dương về với mình nhưng cuối cùng Dương đã về Đàng Trong. Đồng thời, cũng trong bài viết này, tác giả cũng cung cấp tư liệu về một tổ chức có tên gọi là shahbandar ở đồng bằng sông Cửu Long những năm 1660. Tổ chức này do những tên cướp biển cùng nhóm với Dương được phái đến để thiết lập căn cứ chính trị quân sự và kinh tế cho lực lượng họ Trịnh Đài Loan. Điều đáng nói là chính Shahbandar, theo Xin Hang đã tiến hành những cuộc tàn sát di dân Việt Nam sinh sống trong vùng. Liệu họ Dương có quan hệ gì với tổ chức Shahbandar? Cái chết của Dương năm 1688 có liên quan gì đến các thế lực người Hoa là tàn dư của Shahbandar?

- Charles J. Weeler với bài viết: 1683- An Offshore Perspective on Vietnamese Zen[18]. Nghiên cứu về lịch sử các thiền phái Trung Hoa đi vào Đàng Trong, tác giả đã viện dẫn nhiều sử liệu, trong đó có liên quan đến hoạt động của Dương ngạn Địch. Tác giả cho rằng nhóm của Dương không xa lạ gì đối với vùng Đông Phố, nơi ông sau này đến tỵ nạn, bắt đầu cuộc đời mới. Khi họ Trịnh Đài Loan đầu hàng, Thi Lang 施琅, người đã chỉ huy quân Thanh tấn công áp đảo, buộc họ Trịnh Đài Loan phải đầu hàng đã báo cáo với vua Thanh là bọn Dương Ngạn Địch đang ở Chân lạp, xứ Quảng Nam (Đàng Trong). Thi Lang còn báo cáo rằng, trước khả năng sẽ đại bại, họ Trịnh Đài Loan dự định rút lui về các cứ điểm không chỉ ở Chân Lạp mà cả ở các nước Đông Nam Á nhưng cuối cùng họ đã đầu hàng, riêng Dương thì không, đã rút chạy về phương Nam. Cũng như nhiều tác giả khác, bài viết cũng cho rằng thời điểm nhóm của Dương đến Đàng Trong không phải là năm Kỷ Mùi 1679…

- Nhiều tài liệu khoa học khác bằng tiếng Anh cung cấp những hiểu biết chung về bối cảnh lịch sử thời Dương Ngạn Địch sinh sống và hoạt động, đặc biệt là ở vùng duyên hải từ vịnh Bắc bộ qua Lôi Châu, đến Đài Loan. Đó là một thời kỳ nhiễu loạn với những nhóm cướp biển lớn nhỏ, các lực lượng phản Thanh và thế lực của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Trong đó đáng chú ý là 2 luận án tiến sĩ: War, trade and piracy in the China Seas (1622-1683) của Wei- chung Cheng, xuất bản năm 2012 bởi Institute of History, Faculty of the Humanities, Leiden University; và Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the 15th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia của Brian A. Zottoli, Đại học Michigan năm 2011. Các tài liệu dạng này cung cấp cho ta những căn cứ chính xác để xác định khoa học và biện chứng về nhiều chi tiết trong thân thế và sự nghiệp của Dương Ngạn Địch. Qua các tài liệu dạng này, các tác giả đã tái hiện khá rõ nét một không gian thương mại, hàng hải rộng lớn trải dài từ eo biển Malacca qua vịnh Bắc bộ, bán đảo Lôi Châu, eo biển Đài Loan, ven biển Phúc Kiến rồi vươn tới Nhật Bản. Từ thời Trịnh Chi Long 鄭之龍 (là bố ruột của Trịnh Thành Công 鄭成功), vùng này là lãnh hải của các nhóm cướp biển Trung Hoa. Đến thời Trịnh Thành Công, trong hoàn cảnh Minh mạt Thanh sơ, các nhóm cướp biển nhuốm màu sắc chính trị (political pirate) ngày càng liên kết thành những tập đoàn có khi lên đến hàng ngàn thuyền chiến với hàng vạn chiến binh hung tợn. Các tập đoàn liên hiệp cướp biển này vừa đánh nhau với quan quân nhà Thanh vừa hợp tác và đấu tranh (thường xuyên tranh giành nhiều hơn) với các thương thuyền vũ trang của Công ty Đông Ấn Hà Lan (VOC). Cũng qua các tài liệu này, một hệ thống các cứ điểm có tính chất như các thuộc địa của tập đoàn chính trị-vũ trang họ Trịnh Đài Loan hiện hình khá rõ nét, trong đó Chân Lạp, cụ thể là đồng bằng sông Cửu Long là một trong những căn cứ quan trọng đã được thiết lập từ đầu những năm 1660. Trong bối cảnh đó, hình ảnh Dương Ngạn Địch dần dần rõ nét với vị thế là một chỉ huy của nhóm cướp biển chính trị (political pirate) thuộc tập đoàn họ Trịnh, có nhiệm vụ trấn giữ vùng căn cứ rộng lớn bao gồm bán đảo Lôi Châu, đảo Hải Nam và vùng vịnh Bắc bộ.

- Nhóm tài liệu thứ ba có vị trí khá quan trọng vì nghiên cứu chuyên về

Dương Ngạn Địch. Thuộc nhóm này phải kể đến hai báo cáo khoa học của học giả nổi tiếng Robert J. Antony, giáo sư khoa lịch sử, đại học Macau: Violence and Predation on the Sino-Vietnamese Maritime Frontier, 1450–1850[19]“Righteous Yang”: Pirate, Rebel, and Hero on the Sino-Vietnamese Water frontier, 1644–1684[20]. Robert J. Antony là chuyên gia về lịch sử văn hóa-xã hội Trung Hoa, lịch sử hàng hải Asian và các nhóm cộng đồng người Hoa di cư; ông lại đang trực tiếp nghiên cứu về lịch sử xuyên biên giới vịnh Bắc bộ, lịch sử các tổ chức băng đảng, hội kín nam Trung Quốc vào cuối thời đế chế và lịch sử, văn hóa tôn giáo dân gian vùng nam Trung Quốc. Với bề dày nghiên cứu đó, trong hai báo cáo khoa học nêu trên, ông đã có những kết quả nghiên cứu sắc sảo về tiểu sử và cuộc đời của Dương Ngạn Địch. Đặc biệt khi chuẩn bị tư liệu cho báo cáo khoa học “Righteous Yang”: Pirate, Rebel, and Hero on the Sino-Vietnamese Water frontier, 1644–1684 ông đã lặn lội điền dã khắp vùng Lôi Châu, Ngô Xuyên, Hải Nam và đảo Long Môn…lắng nghe các bô lão chuyện trò về họ Dương, tìm hiểu, khảo sát các di tích thành trì, kênh suối, bến thuyền gắn liền với tên tuổi Long Môn tướng quân…Chính ông đã mang đến cho giới nghiên cứu lịch sử một tên khác của Dương Ngạn Địch là Dương Nghĩa (trong tiếng Anh là Righteous Yang, chữ Hán là 楊義, đọc là Yang Yi). Đó chính là tên mà nhân dân trong vùng đã trân trọng trao tặng cho tướng quân họ Dương.

Qua các nguồn tài liệu từ Việt nam và nước ngoài, bước đầu chúng ta có thể khái quát về tiểu sử và thân thế, sự nghiệp của Dương Ngạn Địch.

>Đôi nét về tiểu sử:

Dương Ngạn Địch còn có tên khác là Dương Nhị 楊二, có người em tên là Dương Tam 楊三. Ông sinh năm nào không rõ, chưa có nguồn tài liệu nào đề cập đến chi tiết này. Cả Robert J. Antony, người dày công nghiên cứu chuyên sâu về Dương cũng cho rằng không biết Dương sinh năm nào[21]. Tuy nhiên dựa vào mối quan hệ của ông với Trần Thượng Xuyên, đặc biệt dựa vào chi tiết năm 1656 ông đã nổi danh trong các báo cáo quân sự của nhà Thanh với trận chỉ huy tấn công cướp bóc vùng bờ biển Lăng Thủy 陵水 ở Hải Nam thì có thể tạm xác định họ Dương ngang tuổi với Trần Thượng Xuyên hoặc chỉ nhỉnh hơn Trần Thượng Xuyên một, hai tuổi, có nghĩa là ông sinh khoảng năm 1625[22]. Từ một tên cướp biển tầm thường, Dương phải có quá trình hoạt động nổi bật dưới trướng của nhiều thủ lĩnh của các nhóm lớn, nhỏ, rồi sau đó trở thành thuộc cấp của chỉ huy cướp biển Đặng Diệu (鄧耀). Dương đã được đồng bọn tôn vinh để rồi khi Đặng Diệu bị bắt thì Dương thay thế chỉ huy nhóm hải tặc. Quá trình đó phải mất ít nhất là 5, 10 năm nếu như ông bắt đầu trở thành hải tặc năm 17 tuổi. Dương mất năm 1688 do bị phó tướng của mình là Hoàng Tiến giết. Tất cả các tài liệu từ mọi nguồn đều khẳng định chi tiết đó. Như vậy là ông chết khi chừng 63 tuổi nếu tạm chấp nhận ông sinh vào khoảng năm 1625 như trên.

Quê quán của Dương Ngạn Địch chưa được khẳng định chính xác. Hiện nay ba huyện trong vùng bán đảo Lôi Châu là Toại Khê 遂溪, Ngô Xuyên (nay thuộc tỉnh Quảng Đông) và vùng duyên hải cạnh Khâm Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Tây) đều tự nhận Dương là người con của quê hương mình. Tên tuổi của Dương được nhắc đến trân trọng trong các sách vở truyền thống của các địa phương trong vùng. Như vậy, về mặt quê quán, Dương Ngạn Địch là đồng hương với Trần Thượng Xuyên nếu tính cả ở cấp huyện (Ngô Xuyên) và cấp vùng bán đảo Lôi Châu. Không có tài liệu nào cho biết tên họ cha mẹ và những người thân khác của Dương, chỉ biết Dương Tam là em ruột của ông. Hai anh em của Dương đều xuất thân là cướp biển nhưng họ chỉ sống bên nhau trong giai đoạn đầu. Sau này khi Dương trở thành bộ tướng của họ Trịnh Đài Loan, Dương Tam không ở bên anh mình nữa. Khi nhóm của Dương đi về Đàng Trong và tỵ nạn ở Mỹ Tho đã không có Dương Tam đi cùng. Người em đã ở lại, tiếp tục hoạt động ở vùng Lôi Châu để rồi sau đó, theo Thanh thực lục thì Dương Tam đã bị quân Thanh bắt giết năm 1700.

Vùng bán đảo Lôi Châu đất đai khô cằn, mọi nguồn sống đều tìm kiếm từ biển. Không có tài liệu nào cho thấy anh em nhà Dương xuất thân từ gia đình khá giả; chắc chắn họ thuộc tầng lớp dưới của xã hội đương thời.

Hai anh em nhà Dương sinh ra vào cuối thời nhà Minh. Đó là thời kỳ suy đồi, chứa đựng mâu thuẫn gay gắt giữa các tầng lớp xã hội, nạn đói xảy ra khắp nơi, dân chúng ly tán khổ sở, người ta thường gọi đó là thời kỳ “Minh mạt dân biến”. Ở vùng bán đảo Lôi Châu và duyên hải Quảng Đông, cũng không tránh khỏi nạm đói, dân chúng nông thôn đổ ra biển gia nhập các thuyền buôn tìm miếng cơm hoặc sống dật dờ bên lề các cảng khẩu dọc từ Giang Bình qua Long Môn đến Lôi Châu. Trong những đoàn người ly tán tìm phương kiếm sống đó có anh em nhà họ Dương. Năm 1644 quân Thanh nhập quan, triều Minh sụp đổ. Các tôn thất nhà Minh lần lượt dựng cờ kháng chiến đều thất bại, tiếp đến là loạn Tam Phiên và cuộc kháng chiến của họ Trịnh ở Đài Loan…vùng Hoa Nam trở thành bãi chiến trường khốc liệt, đẫm máu. Quân Thanh do Thượng Khả Hỷ 尚可喜 tấn công càn quét các lượng lượng kháng chiến khắp các vùng Quảng Đông kể cả vùng duyên hải quê hương của anh em nhà họ Dương…Từ đây xã hội chuyển tiếp sang thời kỳ mới được gọi là Minh mạt Thanh sơ. Đặc trưng của 40 năm trong thời kỳ này là trên vùng duyên hải Quảng Đông, nhất là vùng vịnh bắc bộ xuất hiện một khoảng trống quyền lực. Nơi đây thế lực quân Thanh chưa đủ mạnh để cai trị nhưng những người kháng chiến chống Thanh cũng không đủ sức làm chủ. Đó là hoàn cảnh chín muồi cho sự hình thành và hoạt động của các băng đảng thổ phỉ địa phương và cướp biển. Vòng xoáy xã hội đó có sức hấp dẫn mãnh liệt những người lưu lạc kiếm sống, trong đó có anh em nhà họ Dương. Thổ phỉ hoặc cướp biển trở thành một nghề thời thượng cho những người trai trẻ. Anh em họ Dương đã lao vào vòng xoáy đó bằng tất cả sức lực tuổi trẻ của mình. Kể từ đây, từ những năm của thập kỷ 1640[23] trên sân khấu cướp bóc địa phương đã xuất hiện nhân vật nổi bật là anh em nhà họ Dương. Dương Ngạn Địch trở thành thổ phỉ rồi sau đó thành hải tặc từ đó.

Đôi nét về hoạt động và thân thế, sự nghiệp:

Sử liệu Việt Nam khẳng định họ Dương xuất thân là “đảng khấu” (giặc cướp). Tất cả các tác giả trong ngoài nước cũng đều khẳng định xuất thân là cướp biển của Dương Ngạn Địch. Trong các ghi chép của sách vở nhà Thanh đều viết ông là hải phỉ 海匪, hải khấu 海冦 trong giai đoạn đầu, và từ sau 1661 thì ghi là hải tặc 海賊 hay hải nghịch 海逆. Trong tiếng Anh các tác giả đều thống nhất gọi Dương là Pirate (cướp biển) nhưng sau đó thì trong một số chuyên đề có ý kiến gọi những cướp biển như Dương là rebel hoặc political pirate (cướp biển nhưng trong hành động, tư tưởng có động cơ hay màu sắc chính trị). Trước hết ta sẽ đi sâu khảo sát về một cướp biển Dương Ngạn Địch, còn các vấn đề khác liên quan đến, sẽ tìm hiểu ở phần sau.

Sự nghiệp cướp bóc của Dương có thể chia thành 3 giai đoạn: trước năm 1661, từ năm 1661 đến 1667, và từ 1667 đến khi Dương sang Đàng Trong quy phục, về định cư ở Mỹ Tho.

Giai đoạn trước năm 1661, anh em Dương bắt đầu tiến hành những vụ cướp bóc nhỏ. Đầu tiên anh em Dương hoạt động chung với nhóm của Hoàng Chiêm Tam 黄占三 và Hoàng Minh Phiêu 黄明票. Sau đó thì tách ra hoạt động độc lâp. Quy mô các vụ cướp ngày càng lớn dần theo số thuyền chiến và số thuộc hạ mà Dương sở hữu. Địa bàn cướp bóc chủ yếu là vùng biển vịnh Bắc bộ và các làng mạc, thị trấn, cảng khẩu ven bờ, sau dần mở rộng cả vùng đảo Hải nam và bờ biển Lôi Châu. Trong nhiều vụ cướp bóc của giai đoạn này đáng lưu ý là năm 1656, nhóm của Dương đã tấn công cảng biển Thông Khê (Tongxi 通溪)vùng bờ biển Lăng Thủy, Hải Nam. Chúng không chỉ cướp của các thuyền buôn đang đậu trong cảng mà còn vơ vét sạch các cửa hàng buôn bán trong bờ, tàn sát các thương gia chống cự cùng với gia đình của họ. Từ năm 1658, Dương chỉ huy 7 thuyền chiến với nhiều thủ hạ cướp bóc các thuyền buôn qua lại trong vịnh Bắc bộ và tấn công các làng mạc, thị trấn ven biển Hải Nam và Lôi Châu. Năm 1661, anh em Dương chỉ huy khoảng 20 thuyền chiến tấn công một làng của người thiểu số Li ở phía Nam đảo Hải Nam, bắt đi theo người trưởng tộc và hàng tá phụ nữ, trẻ em để đòi tiền chuộc. Sự nghiệp cướp biển của Dương ngày càng dày thêm với các hành động cướp của, giết người, đốt phá thuyền buôn, làng phố, bắt người tống tiền…Anh em Dương hiện nguyên bản chất tàn ác của bọn cướp.

Từ sau năm 1661, lực lượng của triều đình Nam Minh hoàn toàn bị đánh bại, các hoàng thân họ Chu được tôn lên ngôi lần lượt bị bắt, bị giết, đánh dấu sự chấm hết của phong trào kháng chiến phục Minh. Tướng Thượng Khả Hỷ chỉ huy quân Thanh làm chủ vùng tỉnh Quảng Đông, vừa thực hiện lệnh thiên giới 遷界 (dời dân xa bờ biển), vừa ra sức truy đánh các băng nhóm cướp biển. Tình hình này ảnh hưởng đến hoạt động của bọn cướp biển trong vùng. Lúc này, các tài liệu cho thấy anh em Dương liên kết và trở thành đàn em của Đặng Diệu, vốn cũng là thủ lãnh của một nhóm cướp biển mạnh hơn đã từng hợp tác với các tướng lãnh của triều đình Nam Minh. Đặng Diệu sau đó bị quân Thanh đánh bại phải rút chạy khỏi Long Môn[24]. Anh em Dương Ngạn Địch kế tục sự nghiệp của Đặng Diệu và nghiễm nhiên trở thành một thủ lãnh cướp biển có tinh thần phản Thanh phục Minh, một political pirate như đã nói ở trên. Lực lượng của nhóm Dương lúc này đã rất lớn mạnh. Có lẽ chính khẩu hiệu chính trị phản Thanh phục Minh đã giúp cho Dương thu hút thêm đông lực lượng. Tuy nhiên hoạt động của anh em Dương vẫn chủ yếu là cướp biển. Họ đánh quân Thanh thì ít và thường xuyên thất bại nhưng cướp bóc thuyền buôn và cảng khẩu thì luôn nổi trội với hàng loạt cuộc chém giết, cướp bóc, đốt phá, bắt con tin tống tiền. Không hề có nguồn sử liệu nào cho thấy nhóm của Dương đã từng cướp của nhà giàu chia cho người nghèo theo mô tip các anh hùng trượng nghĩa phương Đông. Dù tự nhận là lực lượng phản Thanh, chống lại quân Thanh (không chắc đã có ý thức phục Minh) nhưng nhóm của Dương, giờ đã trở thành một hạm đội hùng hậu, vẫn thực chất là một tập đoàn cướp biển.

Địa bàn cướp bóc của Dương lúc này chủ yếu là vùng biển Bắc bộ và đảo

Hải Nam. Năm 1663, Dương đã chiếm lại Long Môn và giữ được một thời gian ngắn nhưng sau đó đã bị quân Thanh đánh bại, lực lượng tan tác, phân tán khắp vùng biển. Quân Thanh vẫn tiếp tục tấn công truy bức, nhóm của Dương túng thế đã rút chạy sang Đàng Ngoài, Việt Nam vào năm 1666. Ở đây, nhóm của Dương được một viên chức địa phương Việt Nam, chẳng những che chở, cho nơi trú đóng, giúp đỡ lương thực, vũ khí mà còn ra sức bảo vệ. Khi quân Thanh đến đòi giao nộp nhóm của Dương, viên quan này với lực lượng hùng hậu của mình đã chẳng những không giao người mà còn nổ súng xua đuổi quân Thanh. Nhà Thanh dùng áp lực ngoại giao đòi chúa Trịnh phải giao nộp nhóm của Dương[25]. Trước tình hình đó, năm 1667, Dương đã nhanh chân chạy trốn. Cả nhóm dong thuyền đi ngược về Đài Loan, Phúc Kiến và cuối cùng, anh em Dương đã xin gia nhập lực lượng kháng chiến chống Thanh của họ Trịnh ở Đài Loan.

Từ 1667, cuộc đời Dương bước sang một giai đoạn mới: hoạt động trong vai trò một bộ tướng của triều đình họ Trịnh Đài Loan. Trong suốt 10 năm tiếp theo, từ 1667 đến 1677, không có nhiều tư liệu về hoạt động của anh em Dương, chỉ có sự kiện nổi bật là không lâu sau khi đã gia nhập lực lượng Đài Loan, Dương Ngạn Địch đã dẫn đầu hàng ngàn quân lính trên 80 chiến thuyền từ Đài Loan quay về tấn công và tái chiếm Long Môn. Dương đã xây dựng Long Môn thành một căn cứ quan trọng để kiểm soát toàn bộ vùng biển vịnh Bắc bộ, kiểm soát tuyến đường vận chuyển hàng hóa thương mại từ Bắc Việt Nam đến Quảng Đông, Hải Nam lên Đài Loan, Phúc Kiến. Có lẽ chức vụ Tổng binh Long Môn của ông hình thành trong thời gian này và cũng có lẽ các sự tích, huyền thoại thêu dệt truyền khẩu trong dân chúng về ông cũng đã hình thành trong giai đoạn này. Nhưng các sử liệu cũng ghi nhận từ căn cứ Long Môn, trong các năm cuối của thập niên 1670, Dương Ngạn Địch đã tấn công cướp bóc các thuyền buôn và các hải cảng phồn thịnh trong vùng. Robert J. Antony và Li Tana dẫn nguồn từ Thanh thực lục Quảng Đông sử liệu 青實錄廣東史料, Lôi Châu phủ chí 雷府志, địa phương chí các huyện Phương Thành 方城, Trừng Mại 澄邁, Lâm Cao 臨高 cho thấy Tổng binh họ Dương đã đem mỗi lần vài chục thuyền chiến đi cướp bóc nhiều nơi, chặn cướp nhiều thuyền buôn, bắt hàng trăm phụ nữ và trẻ em đòi tiền chuộc[26]. Li Tana, như đã nêu ở trên, còn cho rằng cùng với những trận cướp bóc đó, nhóm của Dương đã trực tiếp làm lan truyền dịch bệnh từ Ngô Xuyên đi khắp nơi, cả đảo Hải Nam và sau này là Việt Nam…Bản chất cướp biển trong Dương vẫn không thay đổi dù ông đã khoác trên mình quan phục Tổng binh của triều đình họ Trịnh Đài Loan.

Như vậy, suốt cả 3 giai đoạn trên, từ khi trai trẻ tập tễnh làm thổ phỉ đến khi có trong tay vài chục chiến thuyền, hàng trăm thuộc hạ, lại treo cờ kháng Thanh, rồi làm Tổng binh cho họ Trịnh Đài Loan, chỉ huy hàng trăm thuyền chiến, hàng ngàn binh sĩ, trong suốt 40 năm, anh em nhà Dương vẫn không ngừng nghỉ hoạt động cướp biển. Cướp biển là xuất thân và cũng là bản chất của Dương. Về điều này, Robert J. Antony cho rằng Dương phải cướp bóc là vì nạn đói, vì nhu cầu lương thực để nuôi sống bản thân và quân lính, thuộc hạ. Dương vây thành chỉ để yêu cầu lương thực; bắt phụ nữ, trẻ em làm con tin cũng chỉ để đòi lương thực hoặc tiền, vàng để mua lương thực…khi mà khắp cả vùng đều khan hiếm, khó khăn về lương thực. Tất cả chỉ là vì sự sống còn[27]. Ý kiến này không chắc gì được mọi người chia sẻ, đồng ý để rồi có cái nhìn khoan dung đối với anh em nhà Dương.

Dương có phải hoàn toàn là một political pirate không? Một số học giả vẫn băn khoăn về điều này, trong khi đa số các tác giả Trung Quốc, nhất là ở thời kỳ Trung Quốc trở thành nước cộng hòa, với chủ nghĩa dân tộc dâng cao, đều một mực cho rằng Dương là chiến sĩ phản Thanh phục Minh. Robert J. Antony đề nghị không nên xem Dương là người phản Thanh phục Minh hay một political pirate chỉ vì Dương hợp tác với những người chống Thanh mà cần xem xét qua hành động thực tế của Dương. Antony đã dẫn nhiều tư liệu cho thấy Dương đã nhiều lần tấn công các căn cứ quân sự, giết nhiều quân tướng và quan lại dân sự, gây nhiều thiệt hại cho quân Thanh…nhưng theo Antony: “…Không có nhiều bằng chứng cho thấy Dương muốn lật đổ triều đình Mãn Thanh. Những cuộc tấn công quân sự chỉ nhằm tự vệ hoặc phòng thủ, bảo đảm sự sống còn của lực lượng. Nếu Dương là một người phản Thanh thì cuộc chiến đấu của ông không có mục đích rõ ràng. Ông chiến đấu không vì khác ngoài chính mình. Dương là một người thực dụng, không phải là người có lý tưởng”[28]. Nói cách khác, về bản chất Dương chỉ là một cướp biển dù triều đình Mãn Thanh có gọi Dương là hải tặc hay hải nghịch (phân biệt với hải phỉ, thổ phỉ)[29] thì tính chất cướp biển vẫn là yếu tố chi phối nổi trội con người Dương dù ông ta có tiến hành các hoạt động kháng chiến chống Thanh. Anh em Dương đã tự nhận mình là nghĩa sĩ phản Thanh phục Minh chỉ nhằm gây dựng, phát triển thanh thế, lực lượng mà thôi.

Anh em họ Dương có thật sự muốn “phục Minh”?

Không hề có bất cứ tư liệu nào chứng minh Dương có ý thức đó. Bản thân Dương và gia đình không có ân sủng gì với triều Minh ngoài một cuộc sống đói nghèo, lưu lạc từ nhỏ mà chế độ Minh thời “Minh mạt dân biến” mang lại. vậy thì đối với Dương “phục Minh” chẳng có ý nghĩa thơm tho gì, càng không có giá trị gì hơn những thứ của cải cướp bóc được để bảo đảm sự sống còn của mình và thuộc hạ. Tuy nhiên, việc tự nhận hành động phục Minh có lợi cho Dương và đồng bọn. Đó là một sự thật. Còn một sự thật thứ hai là những học giả Trung Quốc sau này đã cố gắng nâng Dương lên vị trí những người Minh Hương, hoạt động phản Thanh phục Minh vì điều này có lợi cho họ, ít nhất là về phương diện tô điểm thanh danh cho những người Trung Hoa lưu lạc sang Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á. Đối với giới học giả này, người đã có công lao tên tuổi trong công cuộc khai khẩn xứ Mỹ Tho, đồng bằng sông Cửu Long như Dương Ngạn Địch không phải là “đảng khấu” mà là một nghĩa sĩ kháng Thanh phục Minh. Tuy nhiên các sử liệu hiện còn đã khách quan khẳng định, về bản chất, Dương Ngạn Địch chỉ là một đầu sỏ cướp biển. Dương chưa bao giờ muốn và hành động để thực sự trở thành một nghĩa sĩ phản Thanh phục Minh, kể cả khi nắm chức Tổng binh.

Từ khi nhận lãnh nhiệm vụ và chức tước của triều đình họ Trịnh Đài Loan, bản chất cướp biển trong con người Dương vẫn không thay đổi. Bằng chứng là ở giai đoạn này Dương có nhiều binh thuyền hơn nên tổ chức đánh cướp nhiều nơi hơn, quy mô lớn hơn. Mặc áo Tổng binh nhưng họ Dương vẫn chỉ huy cướp bóc…Vừa tấn công đồn trại quân Thanh vừa vây cướp thuyền buôn, vơ vét của cải các thị trấn hải cảng ven bờ, bắt cả đàn bà, trẻ em, trai tráng dân thường và binh lính quân Thanh để đòi tiền chuộc, chém giết quan tướng quân Thanh đồng thời giết hại bất cứ thương gia nào xót của chống cự…Đó hoàn toàn không phải là hành động của nghĩa sĩ phản Thanh phục Minh.

Triều đình họ Trịnh Đài Loan dựng cờ phản Thanh phục Minh nhưng chưa bao giờ có hành động phục Minh thật sự. Họ Dương ở Long Môn cũng vậy, tất cả các sử liệu cho thấy Dương sẵn sàng tấn công quân Thanh nhưng chưa bao giờ thật sự muốn phục Minh. Đó là bản chất của Dương. Vì vậy sử liệu Việt Nam, từ Nguyễn Khoa Chiêm, Lê Quý Đôn đến Trịnh Hoài Đức và sử quán triều Nguyễn đều sai lầm tai hại khi cho Dương Ngạn Địch là tướng cũ của nhà Minh. Họ Dương cũng là tướng nhưng chỉ là một tướng cướp. Bản chất đó có thể đã thay đổi khi Dương rời vịnh Bắc bộ đi về phương Nam quy phụ chúa Nguyễn rồi định cư ở Mỹ Tho…

Sau khi dẹp được Tam Phiên, quân đội Mãn Thanh dồn mọi nỗ lực vào việc bình định vùng Hoa Nam và chuẩn bị lực lượng để tấn công tiêu diệt cứ điểm cuối cùng của triều đình họ Trịnh ở Đài Loan. Một chiến thắng toàn diện và thực chất dang dần dần thuộc về Khang Hy. Năm 1681, quân Thanh với thế

thượng phong tấn công Long Môn và chiếm được căn cứ này, đẩy lực lượng của Tổng binh họ Dương ra biển. Đội quân thua trận của Dương ngày đêm lênh đênh trên biển, rắp tâm đánh chiếm lại Long Môn nhưng thế lực không đủ nên đã nổi giận tấn công cướp phá các huyện ven biển của Đài Loan như đã nêu ở đoạn trên, theo liệt kê của Robert J. Antony và Li Tana. Thủy quân của quân Thanh lập tức truy tìm đánh dẹp với sức mạnh vượt trội. Núng thế và ý thức được hiểm họa sắp tới, nhóm của Dương và các nhóm phản Thanh khác trong vịnh Bắc bộ đã tháo chạy về phương nam vào đầu năm Nhâm Thân 1682. Hầu hết các tác giả đều cho rằng lúc ra đi, nhóm quân binh này có trên 200 chiến thuyền với số quân binh đông đảo. Một cơn bão khủng khiếp đã đánh chìm hơn 2/3 số thuyền, vùi chôn xuống biển hàng ngàn chiến binh. Đoàn người còn sống sót rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Túng cùng, tìm con đường sống, họ đã quy phục chính quyền Đàng Trong và sau đó được bố trí vào định cư ở Mỹ Tho. Sử liệu Việt Nam đã ghi chép về sự kiện này với niên đại là năm Kỷ Mùi 1679.

Về sự kiện này, Li Tana dẫn các nguồn tư liệu, cả các báo cáo và thư từ trao đổi nội bộ của Công ty Đông Ấn Hà Lan VOC, cho rằng trước khi vào Đàng Trong và gặp bão, đoàn thuyền của Dương đã ghé Đàng Ngoài tìm mua lương thực và chính họ đã làm lây lan dịch bệnh mà họ đã mắc phải từ Lôi Châu, Long Môn[30]. Li Tana cũng có ý kiến như nhiều nhà nghiên cứu khác về niên đại của sự kiện này. Tất cả đều cho rằng phải muộn hơn năm Kỷ Mùi 1679, có thể là năm Nhâm Thân 1682. Niên đại này đã được Chen Ching Ho (tức giáo sư Trần Kinh Hòa), cách nay 58 năm trong bài viết Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và cổ tích tại Hội An đăng trong Việt Nam khảo cổ tập san ở Sài Gòn năm 1960 đã nêu ra và có ghi chú về sự khác biệt với niên đại theo các sử sách Việt Nam[31]. Hầu hết cá tác giả gần đây đều đồng ý với Chen Ching Ho về niên đại năm Nhâm Thân,1682. Xét toàn bộ diễn biến tình hình vịnh Bắc bộ và bán đảo Lôi Châu, có liên hệ đến tình hình chung của toàn vùng Hoa Nam với các động thái chính trị quân sự của quân Thanh và các lực lượng phản Thanh, ta thấy niên đại năm Nhâm Thân, 1682 hợp lý hơn[32].

Tại sao Dương Ngạn Địch và nhóm binh thuyền đi về phương nam, không xin định cư ở Đàng Ngoài hay không đi xa hơn đến định cư ở Xiêm hoặc các quốc đảo phía nam? Cũng tương tự, tại sao nhóm của Dương Tổng binh không rút về Đài Loan, góp phần bảo vệ triều đình họ Trịnh nơi đã phong chức tước và trang cấp binh, thuyền cho Dương?

Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất thật đơn giản: Dương hoàn toàn không muốn lại bị triều đình Khang Hy dùng sức ép ngoại giao buộc chúa Trịnh bắt nộp cho Mãn Thanh. Tình huống này Dương đã có kinh nghiệm sinh tử vào thời điểm năm 1666 lúc nương náu ở Đàng Ngoài lần trước. Câu hỏi thứ hai trực tiếp đề cập đến bản chất của Dương và nhóm thủ hạ cướp biển của ông. Kinh nghiệm trận mạc giúp Dương hiểu rằng vận số của triều đình họ Trịnh Đài Loan đã tận, quân Thanh đang chiến thắng khắp nơi. Lúc trước, có sự liên minh với lực lượng Tam Phiên mà họ Trịnh vẫn bị quân Thanh đẩy ra cô lập ở Đài Loan, giờ Tam Phiên đã bị diệt, số phận Đài Loan chỉ tính được từng ngày…Dương đã đúng, ngay năm sau, vào tháng 6 năm Quý Dậu 1683, quân Thanh do Thi Lang (vốn là tướng cũ của họ Trịnh) đã đánh bại thủy quân Đài Loan, buộc Trịnh Khắc Sảng 鄭克塽 (con của Trịnh Kinh 鄭經, cháu nội của Trịnh Thành Công 鄭成功) phải dẫn toàn bộ gia tướng đầu hàng vào tháng 8 cùng năm. Triều đình họ Trịnh Đài Loan bị xóa sổ từ đó. Vốn là một cướp biển, bản chất đó dẫn dắt Dương phải tránh xa hiểm họa, tìm nơi an toàn cho mình trước, không bị trói buộc, vướng vấp bất kỳ đạo lý nào, cho dù phải bỏ rơi chủ tướng của mình. Mặt khác, có lẽ Dương là người thức thời khi nhận ra những mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ triều đình họ Trịnh Đài Loan. Là người từng trải, Dương hiểu rằng số phận của mình phải do chính mình tự lo, không thể nương tựa, phó mặc cho một tập thể quan liêu đang rã rời vì tranh giành quyền lợi và địa vị ở Đài Loan. Lịch sử nếu có phán xét hành động bỏ ra đi của Dương chắc cũng sẽ khoan dung vì như mọi việc nêu trên, Dương đã phán đoán chính xác diễn biến thời cuộc.

Nhóm của Dương gặp bão, thiệt hại nặng nề, không còn sức đâu để đi tiếp nên ghé vào quy phục Đàng Trong là thượng sách cấp bách để sống còn. Vả lại, như đã nói ở trên, nhóm của Dương đã từng qua lại vùng biển này khi làm nhiệm vụ tuần duyên vận chuyển phục vụ kinh tế, hậu cần cho Đài Loan, nên Dương thật ra không xa lạ gì vùng đất Đàng Trong và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà họ Trịnh Đài Loan đã từng dự định thiết lập các căn cứ như là những thuộc địa khi nguy cấp thì rút về ẩn náu. Nhóm của Dương hiểu sâu sắc sự tương đồng văn hóa giữa Trung Hoa và Việt Nam, một yếu tố thuận lợi nếu đến định cư so với ở các quốc đảo hay ở Xiêm. Do vậy việc Dương toàn tâm, toàn ý quy thuận Đàng Trong và về định cư ở Mỹ Tho là hoàn toàn có chủ ý. Kể từ đó, lịch sử đã có một Dương Ngạn Địch khác, không phải là một đầu sỏ cướp biển, một chiến binh phản Thanh phục Minh hay một Tổng đốc Long Môn nữa. Bây giờ, ông là một Dương Ngạn Địch trung thành với Đàng Trong, Việt Nam; tích cự xây dựng cuộc sống mới bình dị, lành mạnh nhưng ấm no, hạnh phúc; đồng thời sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các thành quả khẩn hoang và phát triển kinh tế, văn hóa của lưu dân Việt, Hoa trong vùng. Ông là người có công lao to lớn trong sự hình thành và phát triển của Mỹ Tho đại phố một thời vang bóng, phồn thịnh[33].

Vì sao Dương Ngạn Địch bị phó tướng của mình là Hoàng Tiến sát hại? Câu trả lời đã được sách sử Việt Nam nói rõ: do Hoàng Tiến mưu đồ cát cứ, Dương Ngạn Địch trung thành với Đàng Trong sẽ là trở ngại chính, cần phải diệt trừ. Sách sử Việt nam cho biết ngay sau khi giết chủ tướng, Hoàng Tiến đã xây đồn, đắp lũy, đúc súng, luyện binh và đặc biệt nghiêm trọng là đã hung hăng vây chặn thuyền buôn qua lại để cướp bóc…Các chi tiết này cho thấy rõ ràng, nếu bản chất cướp biển của họ Dương có phôi phai để chuyên tâm lập nghiệp trên vùng đất mới thì phó tướng Hoàng Tiến vẫn mơ màng về một quá khứ cướp biển tung hoành. Và y đã hành động ngay khi có cơ hội, bắt đầu bằng việc hạ sát chủ tướng của mình, người mà theo y, sẽ là một trở ngại chính cần loại trừ. Điều đó có nghĩa là trước đó, Dương Ngạn Địch đã từng ngăn cản, răn đe Hoàng Tiến khi y bộc lộ ý đồ cát cứ , muốn thiết lập vùng cứ điểm vững mạnh riêng để hoạt động cướp biển và áp chế cư dân, cả người Việt, người Chân Lạp trong vùng (như hành động trước đây của bọn Tiễn Bưu và tổ chức shabandar đã nêu ở đoạn trên). Nói cách khác, Dương Ngạn Địch chết vì muốn bảo vệ sự nghiêp phát triển của vùng đất Nam bộ trong những ngày đầu khai phá. Lịch sử Việt Nam cần nhận thức rõ và tôn vinh công lao đó của ông.

Về mối quan hệ giữa Dương Ngạn Địch và Trần Thượng Xuyên?

Sách vở ghi rõ, Dương là Tổng binh Long Môn còn Trần là Tổng binh ba châu Cao, Lôi, Liêm. Chức vụ đó do triều đình họ Trịnh, Đài Loan phong. Xét về chức vụ thì hai người đồng cấp. Nếu Dương thuở nhỏ thất học, gần cả đời chỉ làm cướp biển thì Trần thuở nhỏ được học hành hẳn hoi, lớn lên đã có quá trình tham gia hàng ngũ kháng chiến phục Minh của Quế vương Chu Do Lang, triều Nam Minh lưu vong; sau khi Quế vương bị quân Thanh giết, năm 1663, ông tham gia lực lượng Trịnh Thành Công và sau đó được phong chức Tổng binh[34]. Có lẽ điều này đã làm cho sử gia triều Nguyễn có cái nhìn ưu ái hơn về họ Trần. Tuy nhiên nhiều tác giả nghiên cứu đều cho rằng Trần Thượng Xuyên là phó tướng của Dương, cả sử triều Nguyễn cũng ghi như vậy[35]. Có lẽ vì vậy mà cả Nguyễn Khoa Chiêm và Lê Quý Đôn đều chỉ ghi chép tên của Dương (người chỉ huy cao nhất) trong sự kiện năm Kỷ Mùi. Điều đó cũng có nghĩa là Trần Thượng Xuyên đã có mặt trong đoàn thuyền đến Đàng Trong năm đó và là phó tướng của Dương, cùng với Hoàng Tiến[36]. Đến khi Trịnh Hoài Đức viết Gia Định chí, họ Dương phận số hẩm hiu, đã chết trước đó hơn 100 năm, còn Trần Thượng Xuyên trước đó lúc còn sống đã thống lĩnh đội quân Long Môn lập nhiều công tích, đến mức được chúa Nguyễn ban tặng danh hiệu cao quý “Nguyễn vi vương Trần vi tướng, đại đại công thần bất tuyệt”. Do đó, động tác ghi rõ tên của Trần bên cạnh Dương trong sự kiện năm Kỷ Mùi vừa là thể hiện lòng tôn quý của Trịnh Hoài Đức với tướng quân họ Trần vừa là ghi thêm cho đủ và đúng với sự thật hơn, so với bản ghi trước của Nguyễn Khoa Chiêm và Lê Quý Đôn. Đến khi sử quán triều Nguyễn biên soan bộ Thực lục, Liệt truyện và Đại Nam nhất thống chí thì tình cảm tôn quý đối với Trần Thượng Xuyên càng thể hiện mạnh mẽ hơn. Mặt khác như đã nêu ở trên, xuất thân vừa là người có học, vừa là nghĩa sĩ phản Thanh phục Minh của Trần Thượng Xuyên được các sử gia triều Nguyễn ưu ái nhiều so với xuất thân thất học và chỉ đặc sệt là cướp biển của Dương Ngạn Địch. Vì vậy mà có hiện tượng chỉ ghi vắn tắt, hoặc chỉ phụ ghi tên tuổi họ Dương vào các đề mục trong Đại Nam nhất thống chí hay trong Liệt truyện. Đó cũng có thể là biểu hiện tính tôn ti trật tự trong quan điểm viết sử phong kiến của sử quán triều Nguyễn.

Dương Ngạn Địch cùng với Trần Thượng Xuyên là hai nhân vật lịch sử tiêu biểu của lớp người Hoa di cư đến Việt Nam từ vùng duyên hải nam Trung Hoa thời Minh mạt Thanh sơ đầy loạn lạc. Cuộc đời của Dương rất đậm tính biểu tượng: dân nghèo thất học, đầu lĩnh cướp biển, bạo lực vũ trang phản kháng chính quyền, di cư tìm vùng đất sống xây dựng cuộc đời mới…Chính ở Việt Nam, Dương đã thay đổi chính mình, toàn tâm xây dựng cuộc sống mới yên bình, lương thiện, nhân nghĩa với vùng đất và con người ở quê hương mới. Họ Dương đã chủ trì hình thành Mỹ Tho đại phố và ông đã nằm lại, ngủ yên trên vùng đất mới. Tên tuổi ông được ghi vào sử sách Việt Nam. Người Việt Nam đời sau vẫn nhớ đến ông, trân trọng công lao và thông hiểu tâm tư, khát vọng xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp của ông.

Bài viết này chỉ mới bước đầu tìm hiểu về họ Dương, rất cần có nhiều nỗ lực nghiên cứu tiếp theo bổ sung, điều chỉnh cho hoàn thiện. /.

――――――――――――――――――

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Brian A. Zottoli, Reconceptualizing Southern Vietnamese History from the 15th to 18th Centuries: Competition along the Coasts from Guangdong to Cambodia, luận án tiến sĩ, Đại học Michigan xuất bản năm 2011.

  2. Charles J. Weeler, “1683- An Offshore Perspective on Vietnamese Zen”. Trong sách: Asia Inside Out…Changing Times, biên tập bởi Eric Tagliacozzo, Helene F. Siu, and Peter C. Perdue. Harvard College xuất bản năm 2015.

  3. Cheng Ching Ho, “Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và cổ tích tại Hội An”, Việt Nam khảo cổ tập san số 1, Sài Gòn 1960, trang 1-30.

  4. Joseph MacKay, “Pirate Nations: Maritime Pirates as Escape Societies in Late Imperial China”. Social Science History, Volume 37, Number 4, Winter 2013, pp. 551-573 (Article).
  5. Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, người dịch Ngô Lập Chí, khoa xã hội trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1959. Người đánh máy: Đỗ Huy, đưa lên trang điện tử năm 2009. Trang 18. https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/phu-bien-tap-luc. Truy cập ngày 18/10/2018.

  6. Li Tana, “Epidemics, Trade and local Wooorship in Vietnam, Leizhou peninsula and Hainan island”, được in trong Imperial China and Its Southern Neighbors/edited by Victor H. Mair and Liam C. Kelley. First published in Singapore in 2015 by ISEAS publishing Institute of Asian Studies.

  7. Li Tana, “The Tongking Gulf though History: A Geo-Political Overview” in book: The Tongking Gulf through History. Publisher: University of Pennsylvania Press, US/Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, Editors: Cooke, Li Tana, James A. Anderson, pp.1-21.

  8. Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, chú và giới thiệu. NXB. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2003.

  9. Niu Junkai và Li Qingxin,” Chinese “Political Pirate” in the seventeenth-century Tonking Gulf ”. In trong The Tongking Gulf Through History, biên tập bởi Nola Cooke, Li Tana, and James A. Enderson. University of Pennsylvania Press xuất bản, 25/5/2011.

  10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1992.

  11. Quốc sử quán triều Nguyễn,Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Đại Nam thực lục, NXB. Giáo dục, 2004.

  12. Robert J. Antony, “ ‘Righteous Yang’: Pirate, Rebel, and Hero on the Sino-Vietnamese Water Frontier, 1644-1684,” Cross-Currents: East Asian History and Culture Review (University of California, Berkeley), 2014. (available on-line at https://cross- currents.berkeley.edu/e-journal/issue-11/antony ).

  13. Robert J. Antony, “Violence and Predation on the Sino-Vietnamese Maritime Frontier, 1450-1850,” Asia Major 27.2 (Fall), forthcoming 2014.

  14. Tonio andrade, “The Company’s Chinese Pirates: How the Dutch East India Company Tried to Lead a Coalition of Pirates to War against China, 1621–1662”. Journal of World History, Vol. 15, No. 4, © 2005 by University of Hawaii Press.

  15. Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch (2006), Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Biên Hòa, 2004.

  16. Wei-chung Cheng, War, trade and piracy in the China Seas (1622- 1683), luận án Tiến sĩ, xuất bản năm 2012 bởi Institute of History, Faculty of the Humanities, Leiden University.

  17. Xin Hang, “The seventeenth-century Guangdong pirates and their transnational impact”, in trong sách Early Modern East Asia: War, Comerce, and Cultural Exchange. Biên gập bởi Kenneth M. Swope and Tonio Andrade. Taylor and Francis group xuất bản năm 2017.

――――――――――――――――――

CHÚ THÍCH:

[1] Nguyễn Khoa Chiêm, Nam triều công nghiệp diễn chí, Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga dịch, chú và giới thiệu. NXB. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2003, trang 599.

[2] Nguyễn Khoa Chiêm, tài liệu đã dẫn, trang 600.

[3] Nguyễn Khoa Chiêm, tài liệu đã dẫn, trang 601.

[4] Nguyễn Khoa Chiêm, tài liệu đã dẫn, trang 602.

[5] Nguyễn Khoa Chiêm, tài liệu đã dẫn, trang 603.

[6] Lê Quý Đôn, Phủ Biên tạp lục, người dịch Ngô Lập Chí, khoa xã hội trường Đại học Tổng hợp Hà Nội 1959. Người đánh máy: Đỗ Huy, đưa lên trang điện tử năm 2009. Trang 18. https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/phu-bien-tap-luc. Truy cập ngày 18/10/2018.

[7] Lê Quý Đôn, tài liệu đã dẫn, trang 18.

[8] Trong tài liệu nêu trên, dịch giả đã dịch sai thành Mỹ Thu. Ghi lại chính xác là Mỹ Tho với chữ Hán viết như trên. Trong chữ hán không có âm Tho nên người ta đã lấy chữ Thu thêm bộ thảo ở trên để đọc thành Tho. Cũng như tên Lái Thiêu được viết thành 𦰡篠 đọc them âm nôm là Na Thiêu trại thành Lái Thiêu.

[9] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch (2006), Nxb Tổng hợp Đồng Nai, Biên Hòa, 2004, trang 20-21.

[10] Trịnh Hoài Đức, tài liệu đã dẫn, trang 22.

[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, NXB. Thuận Hóa, Huế, 1992. Trang 88.

[12] Hay đây là sai sót trong khâu phiên dịch và in ấn xuất bản?

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn,Tổ phiên dịch Viện Sử học phiên dịch, Đại Nam thực lục, NXB. Giáo dục, 2004. Trang 91.

[14] Cách nay mấy năm, tác giả bài viết này đã có dịp chứng minh một cách thuyết phục rằng Trần Thượng Xuyên không phải là tướng cũ của triều Minh mà chỉ là bộ tướng của Trịnh Thành Công. Xem thêm Huỳnh Ngọc Đáng, Những tư liệu mới về Trần Thượng Xuyên, Tập san Khoa học Lịch sử Bình Dương số 27. Hoặc đọc bài cùng tựa trên website sugia.vn của Hội Khoa học Lịch sử Bình Dương.

[15] Li Tana, “Epidemics, Trade and local Wooorship in Vietnam, Leizhou peninsula and Hainan island”, được in trong Imperial China and Its Southern Neighbors/edited by Victor H. Mair and Liam C. Kelley. First published in Singapore in 2015 by ISEAS publishing Institute of Asian Studies.

[16] Niu Junkai và Li Qingxin, Chinese “Political Pirate” in the seventeenth-century Tonking Gulf. In trong The Tongking Gulf Through History, biên tập bởi Nola Cooke, Li Tana, and James A. Enderson. University of Pennsylvania Press xuất bản, 25/5/2011.

[17] Xin Hang trong “The seventeenth-century Guangdong pirates and their transnational impact”, in trong sách Early Modern East Asia: War, Comerce, and Cultural Exchange. Biên gập bởi Kenneth M. Swope and Tonio Andrade. Taylor and Francis group xuất bản năm 2017.

[18] Charles J. Weeler, “1683- An Offshore Perspective on Vietnamese Zen”. Trong sách: Asia Inside Out…Changing Times, biên tập bởi Eric Tagliacozzo, Helene F. Siu, and Peter C. Perdue. Harvard College xuất bản năm 2015.

[19] “Violence and Predation on the Sino-Vietnamese Maritime Frontier, 1450-1850,” Asia Major 27.2 (Fall), forthcoming 2014.

[20] “‘Righteous Yang’: Pirate, Rebel, and Hero on the Sino-Vietnamese Water Frontier, 1644-1684,” Cross- Currents: East Asian History and Culture Review (University of California, Berkeley), 2014. (available on-line at https://cross-currents.berkeley.edu/e-journal/issue-11/antony ).

[21] Robert J. Antony, Righteous Yang…tài liệu đã dẫn, trang 6.

[22] Trần Thượng Xuyên sinh năm 1626. Đọc thêm Những tư liệu mới về Trần Thượng Xuyên, tài liệu đã dẫn ở chú thích trên.

[23] Theo Robert J. Antony là những năm 1640 hoặc 1650. Đọc “Violence and Predation on the Sino- Vietnamese Maritime Frontier, 1450-1850,”, Asia Major 27.2 (Fall), forthcoming 2014. Trang 109 (23).

[24] Có tài liệu nói Đạng Diệu chạy trốn sang Đàng Ngoài, Việt Nam, cạo đầu giả đi tu, một thời gian sau lẻn về Lôi Châu, bị quân Thanh bắt giết.

[25] Tài liệu của Robert J. Antony, Niu Junkai và Li Qingxin (đã dẫn ở trên) ghi rõ nơi nhóm của Dương đến là vùng Hải Nha, Hải Dương (có lẽ đó là vùng Hải Ninh đương thời), còn viên quan địa phương che chở cho nhóm của Dương có tên là Phan Phú Quốc. Sử Việt nam không có ghi chép nào liên quan đến sự kiện này. Chi tiết về cách hành xử của viên quan địa phương càng không đáng tin. Các chúa Trịnh ở Đàng Ngoài luôn giữ lập trường không liên hệ với các nhóm phản Thanh phục Minh để giữ yên quan hệ ngoại giao với Mãn Thanh là một thế lực mà Đàng Ngoài luôn e ngại.

[26] Li Tana và Robert J. Antony, tài liệu đã dẫn.

[27] Robert J. Antony, “Righteous Yang”…tài liệu đã dẫn, trang 19.

[28] “…There is no evidence that Yang ever intended to overthrow the Qing dynasty, and his battles against the Qing can best be viewed as self-defensive or preemptive attacks carried out for his own survival. If Yang was a rebel, he was a rebel without a clear cause. He apparently fought for no cause other than his own. He was a pragmatist, not an idealist”. Robert J. Antony, Righteous Yang…, tài liệu đã dẫn trang 22.

[29] Chữ nghịch hay tặc trong chế độ phong kiến bao gồm ý nghĩa chống lại, nhằm đi đến lật đổ triều đình, có thể sát hại cả quan lại và vua chúa hoặc là thông mưu với nước ngoài, được nước ngoài che chở, hỗ trợ để hành động chống lại triều đình trong nước, khác với phỉ , hoặc khấu chỉ cướp bóc thông thường. Hành động của Dương Ngạn Địch bao gồm cả chống lại, giết hại quan quân, thậm chí chạy sang nước ngoài (Việt nam) trốn lánh…đủ để gọi là nghịch, tặc. Tuy nhiên, chiến đấu chống lại vì mục đích chính trị gì thì ở Dương hoàn toàn không rõ ràng.

[30] Li Tana, tài liệu đã dẫn, trang 195-200.

[31] Cheng Ching Ho, Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và cổ tích tại Hội An, Việt Nam khảo cổ tập san số 1, Sài Gòn 1960, trang 1-30.

[32] Tác giả bài viết này trong nhiều bài viết trước đây đã có ý kiến nghi ngờ về tính chính xác của niên đại năm Kỷ Mùi 1679 của sự kiện này. Đọc thêm Huỳnh Ngọc Đáng, Đôi điều trao đổi về nhân vật Trần Thượng Xuyên, tập san Khoa học Lịch sử số 2/2006. Có thể tìm đọc trên website sugia.vn của Hội Sử học Bình Dương.

[33] Robert J. Antony cho rằng khi định cư ở Mỹ Tho, thỉnh thoảng nhóm của Dương cũng chặn đường cướp bóc các thuyền buôn qua lại (Robert, tài liệu đã dẫn, trang 15). Điều này không đáng tin vì không có tài liệu chứng minh và vô lý trong hoàn cảnh họ Dương cần thu hút đông đảo thương thuyền các nước đến buôn bán ở Mỹ Tho đại phố.

[34] Đọc thêm bài viết của Huỳnh Ngọc Đáng, Những tư liệu mới về Trần Thượng Xuyên, tài liệu đã dẫn.

[35] Thực lục tiền biên (tài liệu đã dẫn, trang 100) ghi rõ : “ …Tiến bỏ thuyền chạy, nhắm lẩn vào cửa biển Lôi Lạp. Vạn Long vào lũy, bắt được vợ con Tiến đều chém cả, chiêu tập dư chúng quân Long Môn, sai bộ tướng của Dương Ngạn Địch là Trần Thượng Xuyên quản lãnh để làm tiên phong…”.

[36] Dương tham gia lực lượng họ Trịnh Đài Loan từ sau năm 1666. Trần Thượng Xuyên đã tham gia từ trước đó, năm 1663. Có lẽ khi Dương đầu quân với họ Trịnh, tên tuổi lừng lẫy của ông đã tạo được ấn tượng tốt với chính quyền Đài Loan nên đã được phong ngay chức Tổng binh Long Môn, dẫn 80 chiến thuyền về tái chiếm Long Môn và làm chủ, áp đảo toàn vùng vịnh Bắc bộ và đảo Hải Nam. Có thể từ lúc đó, Trần tuy đã là Tổng binh ba châu Cao, Lôi, Liêm nhưng được Đài Loan giao là phó tướng, phụ tá cho Dương.