Bóng rỗi - Địa Nàng có hồi sinh?

Huỳnh Văn Tới

Tục thờ cúng nữ thần là tín ngưỡng dân gian quen thuộc của cư dân nông nghiệp ở các nước Đông Nam Á. Mỗi cộng đồng cư dân có niềm tin và cách thờ cúng khác nhau, có quan hệ tiếp biến với nhau phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu như ở phía Bắc tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ là phổ biến thì ở các tỉnh, thành phía Nam là tín ngưỡng thờ Bà.

Nghệ nhân bóng rỗi (Trung tâm Văn hóa tỉnh) biểu diễn tạp kỹ nâng ghế và mâm vàng bằng nhân trung. Ảnh: THANH THÚY.

Cũng gắn với tín ngưỡng thờ nữ thần, nếu ở đồng bằng Bắc Bộ là nghi lễ chầu văn thì ở Nam bộ là Bóng rỗi - Địa Nàng.

* Hình thức diễn xướng dân gian thú vị

Bóng rỗi - Địa Nàng là hình thức diễn xướng dân gian thường tổ chức tại các lễ cúng miễu Bà ở khu vực Nam bộ, vừa mang tính nghi lễ (để cúng) vừa để giải trí, vui chơi trong lễ hội. Bóng rỗi - Địa Nàng tổng hợp gồm nhiều tiết mục liên hoàn, đồng thời cũng có thể phân chia thành các tổ hợp tiết mục tùy chọn. Tiến trình của các tiết mục cũng có thể thay đổi thứ tự hoặc cấu thành nhiều chương trình khác nhau.

Sức sống của diễn xướng Bóng rỗi - Địa Nàng nằm ở các nghệ nhân biểu diễn, dân gian thường gọi là “bóng”. Các bóng phải có giọng hát hay, trí nhớ tốt và tài ứng tác nhanh, múa dẻo khiến người xem tán thưởng. Điệu hát trong bóng rỗi thường vận dụng các bài lý, vè, nói rỗi (nói lối), thời gian gần đây còn sử dụng phổ biến các làn điệu tuồng và nhạc tài tử. Về múa bóng rỗi, phổ biến là múa bông, múa mâm vàng.

Múa bông nhằm dâng cúng bông như để mở đầu cuộc múa bóng. Với chén (hoặc tô) bông trên đầu, các bóng múa xoay người, xoay vòng trước điện thờ rồi dừng để cho người thủ từ nâng chén bông đặt lên bàn thờ Bà. Múa mâm vàng thì chiếc mâm được trang trí bằng giấy vàng, bạc hoặc ngũ sắc, thành hình tháp (có lẽ mô phỏng tháp Chàm). Mâm vàng được bóng đội đầu, nâng, lật trên tay, trên trán, có bóng tự nhích được mâm vàng từ chân lên đầu.

Biểu diễn tạp kỹ là tiết mục không thể thiếu trong bóng rỗi. Bóng biểu diễn tạp kỹ không khác gì nghệ sĩ xiếc: dùng đầu, trán, mũi, nhân trung nâng giữ vật nặng, vật phức tạp (ghế, khạp da bò, xe đạp, dao, nhánh bông huệ, lông công…) vừa giữ thăng bằng vừa di chuyển thành vũ điệu uyển chuyển theo nhịp nhạc lúc mau lúc chậm. Có nhiều tiết mục khiến người xem thích thú và thán phục với những mảng trò đạt trình độ kỹ xảo không kém các tiết mục xiếc chuyên nghiệp, như: nâng bằng cằm hàng chục chiếc ghế đẩu chồng lên nhau; cọng dừa, nhành bông mang vật nặng dựng đứng trên chiếc que giữ bằng răng... Nhiều lúc ngẫu hứng, có bóng còn nâng và xoay trên đầu chiếc lu da bò nặng hàng chục ký, hoặc nâng cả chiếc xe đạp bằng môi, bằng đầu. Thực chất đây là những tiết mục xiếc dân gian độc đáo, người xem cảm thấy phi thường mà không xa lạ, vừa hào hứng, vừa thú vị với cái hay nảy mầm từ cuộc sống bình dân. Vui nhất là tiết mục rót rượu bằng đầu. Một chai rượu bất kỳ đặt khéo trên đầu, trước mặt là hàng ly to nhỏ khác nhau, bóng dùng đầu rót đầy từng ly rượu, không tràn, không rớt giọt nào ra ngoài. Người xem hứng khởi uống rượu, thưởng tiền.

Với cách biểu diễn như thế, dễ dàng nhận ra nguồn gốc Chăm của múa bóng với vũ điệu dựa vào kỹ năng đội đầu. Nhà nghiên cứu Quách Tấn đã chỉ ra lò đào tạo các bóng múa là xóm Bóng ở trước Tháp Bà (TP.Nhà Trang, tỉnh Khánh Hòa) “nhưng lệ múa bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời Bảo Đại, trước đệ nhị thế chiến”; ngày nay còn lưu truyền lại câu ca dao: Ai về xóm Bóng thăm nhà/ Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn không?


... và biểu biễn múa dù.

Chặp Địa - Nàng là chặp tuồng hài hước tổng hợp kiểu cách diễn của bóng rỗi lẫn tuồng (hát bội), thường gắn với lễ cúng miễu Bà hoặc miễu Thổ Địa. Cuộc hát chỉ có 2 nhân vật (Địa và Nàng) theo cốt truyện đơn giản: Tiên nữ Hằng Nga (Nàng) vâng lệnh Tây Vương mẫu xuống trần để hái lộc cầu an cho dân chúng, nhờ Thổ Địa (Địa) dẫn đi đến huê viên để ‘’khai mạch giếng tưới cây huề”. Địa được dịp làm khó, vòi vĩnh, đùa giỡn với tiên nữ. Lối diễn vừa theo bài bản vừa ứng tác; hát, nói, kể kết hợp với nhạc và vũ đạo tuồng; các bài hát chắt lọc từ tuồng và các làn điệu dân ca quen thuộc; hóa trang cũng theo phong cách tuồng hài; ứng đối giữa Địa và Nàng vui nhộn, dẫn dắt câu chuyện tài tình khiến cho cốt truyện đơn giản trở nên thú vị. Các đoạn: Địa vòi vĩnh, Địa đau đẻ, Địa chấm chè... làm nở rộ tiếng cười sảng khoái. Tính cách của Địa không chỉ vui vẻ, còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Với một manh chiếu trước điện Bà, xung quanh là dân làng không phân thứ bậc, Địa bộc lộ hết mình, đùa giỡn với tiên nữ, châm biếm cả chư tiên, chư phật. Địa còn mang ý nghĩa đại diện cho khát vọng thịnh vượng, bình đẳng, có tính nhân bản của dân làng.

* Nỗi lo mai một

Như vậy, hát múa bóng rỗi gắn liền với nghi lễ cúng tế thần linh nhưng bản thân nó không phải do sức mạnh thần thánh, chẳng thể gọi là mê tín dị đoan. Đây đích thực là nghệ thuật diễn xướng dân gian, vốn quý trong kho tàng văn hóa dân tộc cần được trân trọng, giữ gìn. Thế nhưng, có một thời gian dài hát múa bóng rỗi bị đánh đồng với các hủ tục đồng bóng, như: bóng cốt, bóng xá, bóng rí, bị xem là mê tín dị đoan và bị ngăn cấm. Đến nay, việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc đã có phần chú ý đến hát bóng rỗi trong dân gian. Điều ấy đáng vui nhưng chưa đủ, vì con đường gìn giữ, làm phát triển loại hình nghệ thuật này chưa mấy sáng sủa.

Ở hát múa bóng rỗi, phải rèn luyện công phu mới thành nghệ nhân thiện nghệ. Trước đây, nghệ nhân bóng rỗi dù hiếm hoi, có thể đếm trên đầu ngón tay, như: Địa Hữu Lợi, Địa Tí, Nàng Nên, Nàng Hóa, Nàng Hồng, bóng Thu Hồng, bóng Tuấn, bóng Quít... nhưng vẫn có. Còn hiện nay do các nhóm bóng rỗi gần như hoạt động “ngoài luồng”, tự phát, ít có cơ hội kiếm sống; một số bóng do đặc điểm thuộc giới tính thứ 3 bị xã hội kỳ thị, e dè dẫn đến ít người muốn theo nghề… Cứ như thế, nghệ thuật bóng rỗi hầu như đối diện nguy cơ thất truyền.

Ông Phạm Lơ, một trong những nghệ nhân tham gia liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian “Bóng rỗi - Địa Nàng” diễn ra tại Đồng Nai (ngày 22-5), cho biết cả tỉnh hiện nay không tìm được nghệ nhân diễn vai Địa, còn thủ vai Nàng là một nghệ nhân đã cao tuổi. Trong các nhóm bóng rỗi của các tỉnh, thành phía Nam tham gia liên hoan, nhiều nhóm xin ý kiến chỉ đạo của ngành văn hóa địa phương nhưng rơi vào “sự im lặng đáng sợ” hoặc bị xem là “ngoài luồng” nên không được hỗ trợ, đành phải tự bỏ tiền túi tham dự, hoặc bỏ cuộc.

Những băn khoăn của nghệ nhân hát múa bóng rỗi khiến phải nghĩ đến “đường dẫn” từ nghệ thuật dân gian đến sân khấu hiện đại, từ hình thức tự phát trong nghi lễ đến chương trình có bài bản của các trường nghệ thuật. Thiết nghĩ, hát múa bóng rỗi cần được nghiên cứu, cách tân, bảo tồn và phát huy trong “gia đình” nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nghệ sĩ nhân dân Thái Ly chỉ mới khai thác một phần trong bóng rỗi nâng thành điệu múa Mâm vàng đã đạt nhiều giải cao, được công chúng trong và ngoài nước hoan nghênh, chứng tỏ nếu biết vận dụng tốt, Bóng rỗi - Địa Nàng vẫn còn có duyên với đời sống nghệ thuật thời nay.

Ngày 1-12-2016, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, hình thức diễn xướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là hát chầu văn cũng “lên ngôi”, trong khi đó số phận của hát múa bóng rỗi trong tín ngưỡng thờ Bà vẫn còn lênh đênh.

Liên hoan nghệ thuật diễn xướng dân gian “Bóng rỗi - Địa Nàng” do Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Trường đại học văn hóa TP.Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức trong ngày 22-5 với mong muốn góp phần “thắp lửa” nghệ thuật bóng rỗi trong các nghệ nhân dân gian và công chúng.