Nam kỳ thế kỷ 19 qua ghi chép của người Pháp: Lễ hội Rồng ở Chợ Lớn

J.C.Baurac
(Huỳnh Ngọc Linh dịch)

Thành phố Chợ Lớn ngày nay có vô số đường phố và đại lộ nguy nga xuyên qua, các kè cảng mở rộng thêm vài cây số đã nâng cao hình ảnh của thành phố người Hoa rộng lớn này.

Nếu so với hai mươi năm trước đây thôi, người ta sẽ thấy thành phố Chợ Lớn đẹp hơn biết bao. Hai con đường nối với Sài Gòn [đường Dưới (route Basse, chạy dọc kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé), đường Trên (route Haute, nay là Nguyễn Trãi) - ND] nay đã thay đổi hoàn toàn về diện mạo […].


Người Trung Hoa hút thuốc phiện.
J.C.BAURAC

Kể từ giai đoạn đó, mọi thứ đã thay đổi, từ những tòa nhà nhiều tầng lộng lẫy và nguy nga, có thể nhìn thấy giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, đến phương tiện giao thông giữa hai thành phố, được đảm bảo bởi ba tuyến đường sắt. Chẳng bao lâu nữa, giao thông trong vùng Chợ Lớn sẽ được thực hiện bằng tuyến xe điện cỡ lớn, sau khi ngang qua thành phố ở phần rộng nhất, và phục vụ toàn bộ dân cư đông đúc nhất, sẽ kết thúc tại Bình Tây […].

Chợ Lớn có tòa tham biện rất đẹp do một chánh tham biện bản xứ vụ hạng nhất cư trú, trợ giúp cho ông là một viên phó tham biện, một phòng thu thuế, một phòng bưu chính và điện báo, một trại thuốc phiện, một trại lính tập An Nam do một đại úy thủy quân lục chiến chỉ huy, một lô cốt đặt tại Cây Mai do một trung đội thủy quân lục chiến đóng giữ.

Cạnh lô cốt này có xưởng gốm Cây Mai. Nó gồm một nhà kho và một lò gạch thô. Thợ người Hoa làm việc ở đó khá khéo, một số đồ vật xuất xưởng thực sự rất tốt, chẳng hạn như một số tượng, đĩa, bình hoa, các loại cá không kém phần độc đáo. Với những phương tiện rất thô sơ, họ đã chế tác những đồ vật tương đối hoàn thiện […].

Lễ hội Yun-cô của người Hoa Chợ Lớn

Chúng ta chưa thể rời Chợ Lớn, đi vào bên trong hạt [từ đầu năm 1900 đổi hạt thành tỉnh], mà không nói một lời về lễ hội lớn hằng năm, nổi tiếng, linh đình nhất mà đô thị người Hoa tổ chức: đó là Lễ hội Rồng.

“Một sự kiện, đầy trang trọng, khiến người ta trong giây lát quên đi tính tham tàn có tiếng của người Hoa, sự khắc nghiệt để đạt lợi nhuận phi thường của họ, đó là sự kiện lễ rước Rồng lớn hằng năm. Lễ hội không hề tầm thường, quả thực đám rước xa hoa này lôi kéo hàng trăm ngàn Hoa kiều từ trẻ nhỏ đến những người già yếu tham dự. Lễ hội Rồng, mà họ gọi là Yun-cô, cũng là dịp tổ chức yến tiệc linh đình xa hoa trong những nhà giàu có. Có thể nói, đây là ngày lễ quốc gia, một dịp để lòng yêu nước được thay thế bởi sự cố kết tôn giáo, bằng sự hóa thân của mê tín dị đoan nâng đỡ đám đông đồng nhiệt huyết…” (Theo L.Jammes) […].


Đường Gia Long năm 1921, nay là Trịnh Hoài Đức (Chợ Lớn).
MẠNH HẢI FLICKR

Giống như mọi đô thị, hay cả các nơi con người tập trung đông đúc, thành phố Chợ Lớn hẳn phải gây phiền phức cho các cuộc điều tra của cảnh sát. Nhưng những phiền phức này còn thuộc dạng đặc biệt, vì sự đông đúc ở đây không như bình thường mà cũng không tạp nhạp.

Vào lúc chiều tối, khi thợ thầy trở về chỗ trú, bạn nên thả bước đến quan sát các con hẻm giáp với chợ lớn trung tâm.

Các nhà xã hội học châu Âu đã phát hiện một quy luật liên quan đến khối không khí cần thiết cho một cá thể tồn tại, quy luật này sẽ hiển lộ trước bạn dưới những hình thức độc nhất vô nhị, và đã đạt đến một mức độ nghiêm trọng đối với vấn đề thể chất được thừa nhận. Một cái buồng, dài khoảng 10 m và rộng khoảng 5 m, trước mặt chúng tôi và hai người bạn, đã nuốt chửng 74 cá thể rất khỏe mạnh và đòi hỏi một lượng ô xy cần thiết cho phổi của họ […].

Vấn đề nhà ở, thoạt nhìn rất khó giải quyết, lại được xoay xở bằng tài khéo của người Hoa, khiến chúng tôi bật cười thích thú.

Vì căn phòng của 74 người di cư quá nhỏ để từng người có thể nằm dài trên những chiếc chiếu bẩn thỉu nên chủ nhà đã xếp ba tầng trong căn phòng.

Các lỗ, đục trên tường và đỡ bằng thanh ngang, cho một khoảng trống định sẵn.

Những tấm ván mỏng manh của Singapore lót chiếu, cho phép khoảng 20 người Hoa thoải mái ngủ trong nhiều ngăn xếp này. Có vẻ như họ không bận tâm đến vệ sinh!!

Họ có yếu hơn những người phương Tây vốn được sống thoải mái trong ngôi nhà châu Âu không? Thực tế là việc ăn ở tạm bợ quá kỳ lạ như vậy thường kéo dài vài tuần và vài tháng.

Không lẽ chúng ta không có lý khi thấy việc chen chúc này là thấp kém, trong bậc thang cư trú của con người?...