Thèm cà phê vợt, nhớ người xưa

Khải An

PNO - Khi tôi rủ đứa bạn người Hoa đi cà phê vợt ông Thanh, nó bảo rằng ông đã giải nghệ. Sài Gòn lại mất đi một địa chỉ cà phê vợt dễ thương. Tự dưng bao cảm xúc bồi hồi, tiếc nhớ, luyến thương... cứ thế ùa về.

Sài Gòn hẻm quán, từ ẩm qua thực, hẳn là vô thiên lủng, tôi ví đấy là miền “thiên đường” để rong ruổi, khám phá và đã đời hơn cả là ngộ ra nhiều chuyện người - chuyện đời thú vị. Trong số ấy, món cà phê vợt cũng là điểm đến hấp dẫn, nơi gợi lại nhiều kỷ niệm chốn hẻm quán Sài Gòn xưa và nay.

Món ẩm trứ danh

Ở góc độ kinh doanh trên đất Sài thành, hàng quán một khi đã rúc tít trong hang cùng ngõ hẻm, hẳn phải có gì đó đặc biệt, thậm chí là siêu đặc biệt, nếu không chỉ có nước dẹp tiệm sớm. Lọ mọ săn tìm quán hẻm, cũng là cơ hội bắt gặp những bất ngờ thú vị.

Hẻm càng khó đi, càng nhỏ hẹp nhưng món ngon bổn quán khiến người ta thổn thức nhớ, khi ấy độ bí hiểm của vị trí quán lại trở thành “đặc sản” cộng thêm. Quán hẻm cũng có hơn một lợi thế, ấy là ít thay đổi, chủ nhân không quá nặng nề bon chen kinh doanh (nếu không, họ đã dời quán ra mặt tiền phố thị), nhờ thế mà thực khách dù đi xa, thậm chí hơn cả nửa đời người mà khi quay lại, vẫn y xì một không gian quán như ngày đầu hội ngộ.

Thế nên, quán hẻm Sài Gòn, người ta đi uống, đi ăn, không chỉ là ẩm thực thông thường, mà còn tận hưởng cả một miền hoài niệm đầy thương nhớ.

Món ẩm trứ danh bén rễ sâu vào đời sống thị dân từ mái chính (giới thương buôn), đến thầy cai, qua cả giới bình dân khắp vùng Sài Gòn - Chợ Lớn xưa, chính là cà phê vợt. Quán cóc nhỏ xíu, bộ đồ nghề lóc cóc leng keng với cái siêu đất, hỏa lò, đôi ấm nấu nước, cùng cái vợt chế từ vải màn, tọng đầy cà phê vào, đen như hắc quẩy (hắc quỷ), xióng lường (tắm mát) trong cái siêu đất con con.

Cái đặc dị của cà phê vợt, đầu tiên phải kể, chính là rẻ. Nói tới ngay thời cà phê công nghệ, pha máy hà rầm, ngon đáo để theo thị hiếu bây giờ, cà phê vợt vẫn có chỗ đứng riêng và rẻ nhứt xứ. So giá thị trường, đen nóng chưa quá 10.000 đồng, vậy là đủ nhâm nhi những quán hẻm mang thương hiệu cà phê vợt kinh điển, hiếm hoi còn sót lại của Sài Gòn như ở hẻm 330 Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, hay hẻm 109 Nguyễn Thiện Thuật, Q.3…

Thứ đến, lối phục vụ cà phê vợt cũng quái chiêu. Cà phê ủ ấm trong cái siêu đất, rót ra chiếc ly nhỏ xây chừng kiểu dân miền Tây lai rai, bổn quán tiện chế thêm ít cà phê vào lòng đĩa rồi mới đặt cái ly vào. Hỏi cái sự nhiễu nhão cà phê ra đĩa lót làm chi, các cụ cao niên Chợ Lớn tôi có dịp hầu chuyện thế sự, bảo làm thế để giới bình dân, khi vào cà phê sáng, hay cầm theo đồ ăn - thường là túm dầu chá quẩy (người Việt gọi giò cháo quẩy), bánh bột chiên, ăn sáng. Miếng cà phê nơi đĩa lót được tận dụng chấm ăn kèm với dầu chá quẩy, ngon tới mức dzách lầu mậu phô (nhất lưu vô hóa - số một, không gì bằng).

Riêng Châu Quang - một thời làm phỏ kê (phục vụ) cho tiệm nước gia đình ở Tân Sanh Hoạt, đưa ra lý giải nghe có lý hơn: “Khách uống cà phê vợt, nghiện cái ấm nóng và mùi thơm quen thuộc của cà phê mỗi khi rót ra đĩa lót, đó là cà phê đen để mộc. Mục đích rót ra đĩa cho khách nhâm nhi thưởng thức chất cà phê lưu nguyên hương vị trước rồi mới uống đến cà phê có pha đường hoặc sữa trong ly”.

Tận hưởng nhịp đời chậm trôi

Trong đám cà phê hẻm, gắn với chữ vợt, quán tôi ưa tìm là của ông Lưu Nhân Thanh, núp mình trong hẻm 313 đường Tân Phước, Q.11, phía sau chợ Thiếc. Quán cũ mèm, ám khói bụi thời gian từ chi tiết đến tổng thể, phục vụ giới lao động bình dân nơi xóm chợ. Khi phong trào hoài cổ rần rần xô nhau đến, cà phê vợt của ông Thanh khiến dân thơ văn, báo chí, du khách… nức lòng đến nỗi ông từng được công nhận là “nhân vật gìn giữ vẻ đẹp” của Sài Gòn xưa.


Ngồi nơi góc quán ông Thanh, tôi nhận ra đôi liễn ông dán trước cửa, y chang như tính cách và lối kinh doanh cà phê vợt của ông: “Thiên giáng phúc lộc tùy xuân đáo - Chủ tứ tài nguyên thuận ý lai” (Trời ban phúc lộc cùng mùa xuân đến. Chúa cho của đầy dư thuận ý người).

Mỗi chuyến ghé chơi cà phê vợt của ông Thanh, tôi hay đi cùng lão ông họ Lý đã ngoài bát tuần, cũng người Chợ Lớn xưa. Tìm đến ly cà phê vợt chỉ là cái cớ, điều thích thú hơn là được ngồi nghe hai ông già kể chuyện, luận về món xá xíu chỗ nào ngon, hôm kể chuyện vịt quay Chợ Lớn trước cả thời con đường Tạ Uyên nổi tiếng, lúc lại gợi về phá lấu cơm Tiều…

Ngồi nghe có khi chỉ tôi và hai ông già, bữa xôm tụ thêm dăm ba khách xóm chợ. Chuyện tầm phào giản đơn nhưng rôm rả, mở ra cả miền ký ức Chợ Lớn xưa. Đến khi tính tiền, bao giờ ông Thanh cũng miễn phí một ly, dành tặng cho lão Lý, với lối căn dặn: “Bác còn khỏe đến tui uống cà phê, vậy là quý, tiền bạc gì”.

Tôi biết ông Thanh gốc Quảng Đông, là người theo Công giáo, sinh hoạt ở nhà thờ Cha Tam. Mỗi lần ghé quán, tôi hay ngồi phía hàng hiên, trước cửa ra vào. Nhìn ông lúc thủng thẳng pha cà phê, lúc đủng đỉnh tính tiền cho khách, ly cà phê đen có 5.000 đồng, cà phê sữa 7.000 đồng, gặp khách lâu ngày ghé quán, vui khỏi tính tiền.

Lui tới quán nhiều lần, tôi ngộ ra, không gian quán cũ kỹ, vương màu thời gian ấy hấp dẫn người ta không chỉ bởi món cà phê vợt, không chỉ bởi sự bừa bộn dễ thương trong nhịp sống người Hoa xóm chợ, mà còn bởi chất chứa trong ấy là tình cảm, là sự níu kéo dòng chảy của thời gian. Ngồi nhâm nhi cà phê vợt, cảm tưởng như được rũ bỏ những bon chen để tận hưởng nhịp đời chậm trôi bên ly cà phê đầy ý vị.

Chỉ sau vài bước chân ra khỏi quán, người ta đã có thể cảm ngay được những hối hả, bề bộn của cuộc sống thường ngày nơi con hẻm nhỏ. Không gian quán cũ ở chỗ ông Thanh, tưởng chẳng có gì đặc biệt, hóa ra lại trở thành “đặc sản” chốn thị thành. Nhìn lối kinh doanh của ông Thanh, biết rằng chẳng mấy lời lãi, ông kinh doanh chỉ vì thói quen.

Ngay cả cái cũ kỹ, ọp ẹp, cùng bộ đồ nghề pha cà phê mốc meo thời gian, nhiều lần hỏi chuyện, tôi hiểu thực tình trong thâm tâm ông cũng đâu muốn giữ, chỉ vì không đủ tiền thay mới, tôn tạo, xây dựng lại cho… đàng hoàng hơn – to đẹp hơn mà thôi.

Bẵng đi một thời gian, lão Lý nay đã thành người thiên cổ. Khi tôi rủ đứa bạn người Hoa đi cà phê vợt ông Thanh, nó bảo rằng ông đã giải nghệ. Sài Gòn lại mất đi một địa chỉ cà phê vợt dễ thương. Tự dưng bao cảm xúc với bồi hồi, tiếc nhớ, luyến thương... cứ thế ùa về. Những ngày nhâm nhi cà phê vợt nơi không gian quán cũ như được tái hiện rõ mồn một.

Dẫu biết đời quán - đời người, rồi cũng phải khép lại, sang trang; quán này đóng cửa, còn đầy lựa chọn khác nhưng ở thời thị trường, kiếm được chốn lui tới đủ duyên ngầm mang lại xúc cảm như hẻm quán cà phê vợt ông Thanh, thật không có nhiều lựa chọn.