Hội nghị thống nhất 20 bài bản Tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ

Kim Ngân

Nam Kỳ Lục Tỉnh:
Trong phiên họp ngày 5 tháng 12 năm 2013 tại thành phố Baku nước Cộng hòa Azerbaijan, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo Vệ Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể lần thứ 8 của UNESCO đã công nhận “Nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ” của Việt Nam được đưa vào danh sách “Di Sản Văn Hoá Phi Vật Thể Đại Diện của Nhân Loại”. Để giới thiệu và phổ biến bộ môn nghệ thuật ĐCTT này, năm 2014 Viện Âm Nhạc (Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam) đã cho thực hiện một bộ CD gồm 20 bài bản Tổ của Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ và giao cho các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ, mỗi miền phụ trách 10 bài. Bộ CD 5 đĩa đã được hoàn thành vào mùa hè năm 2015 và trái với kỳ vọng của mọi người chờ đợi, bộ CD về âm nhạc truyền thống này có nhiều sai sót sơ đẳng đáng lẽ không thể có do một cơ sở giáo dục về âm nhạc ở tầm cỡ quốc gia là Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam sản xuất.

Bộ CD này gồm 5 đĩa do Tiến sĩ Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm Nhạc làm chủ tịch “Hội Đồng Nghệ Thuật”, tổng cộng gồm có 23 clip nhạc, tuy mục lục giới thiệu là “đờn”“ca” nhưng có 2 bài chỉ có nhạc hòa tấu và có một số tên bài bản ghi sai. Kèm theo bộ CD là 1 cuốn sách giới thiệu về Nhạc Tài Tử với tựa đề là “Lời Giới Thiệu” do Thạc sĩ Huỳnh Khải, hiện nay (2015) là Trưởng khoa “Âm Nhạc Dân Tộc” của “Nhạc Viện Thành Phố Hồ Chí Minh” (trước 1975 là trường “Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ” Sàigòn) soạn.

Nam Kỳ Lục Tỉnh xin giới thiệu bài viết “Hội nghị thống nhất 20 bài bản Tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ” của nhà báo Kim Ngân về quyết định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam về việc sản xuất bộ CD “20 bài bản Tổ Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ”.

Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về trình độ hiểu biết về bộ môn Đờn Ca Tài Tử của Thạc sĩ Huỳnh Khải, Trưởng khoa “Âm Nhạc Dân Tộc” của “Nhạc Viện Thành Phố Hồ Chí Minh”, Nam Kỳ Lục Tỉnh xin kính mời quý độc giả đọc bài nhận xét về “Lời Giới Thiệu” của Thạc sĩ Huỳnh Khải do soạn giả Tấn Nhì là một thành viên trong “Hội Đồng Nghệ Thuật” viết: “Nhận xét về bộ CD “20 Bài Bản Tổ Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ Việt Nam” của Viện Âm Nhạc Việt Nam – 2014”.
NKLT: 12-12-2015

(VOH) - Sáng nay, 9/1, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM đã tổ chức “Hội nghị thống nhất 20 bài bản Tổ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và sản xuất đĩa CD 20 bài bản bản Tổ”.


Biểu diễn Đờn ca tài tử trên sông - (Nguồn: Nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử).

Chương trình do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam tổ chức. Dưới sự chủ trì của Tiến sĩ – NSƯT – Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Đây được xem là một cột mốc đáng nhớ, mở màn cho những hoạt động để bảo tồn và phát triển Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - bộ môn nghệ thuật vừa được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Để thống nhất 20 bài bản Tổ, ban tổ chức đã tuyên bố quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật gồm 10 thành viên, là các nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, nghệ nhân, danh ca, danh cầm nổi tiếng, có kiến thức chuyên sâu cũng như thâm niên gắn bó với đờn ca tài tử.

Hội đồng này sẽ bàn thảo và thống nhất về quy chuẩn của các bài bản Tổ cũng như lựa chọn ra các đại diện để thể hiện 20 bài bản đó và tiến hành sản xuất đĩa CD. Sản phẩm này có thể xem như “cuốn sách mẫu mực” để cơ quan quản lí đưa vào tuyên truyền, giáo dục cũng như tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển môn nghệ thuật tinh hoa này. Tâm huyết với những bước đi đầu tiên của chặng đường còn nhiều thử thách này, Tiến sĩ – NSƯT Nguyễn Bình Định – Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ quốc gia đã cam kết với UNESCO về vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa này. Việc thống nhất lòng bản của 20 bài bản Tổ của đờn ca tài tử Nam Bộ trước hết chứng minh rằng nó vẫn có nguyên tắc, có tính khoa học, bên cạnh đó vẫn tôn trọng phong cách của từng vùng miền, từng nghệ nhân, từng âm nhạc. Thứ hai nữa là để truyền bá, lưu truyền và phát huy thì tốt nhất là có sách, có đĩa để làm mẫu tham khảo. Hội nghị hôm nay có tính lịch sử đấy. Trước hết là lần đầu tiên đã xuất bản đĩa và sách về 20 bài bản Tổ để người ta có cơ sở tham khảo, nghiên cứu, học tập, thưởng thức thì có cái mẫu ban đầu như thế. Tôi cho rằng việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này sau khi được công nhận”.