Từ “Vũ khúc Đông Dương”, bản ký âm đầu tiên của đờn ca tài tử…

  Kỳ Phương

Đờn ca tài tử là những cuộc chơi đầy ngẫu hứng, phong lưu và tao nhã. Người đờn phải có người ca. Đờn càng hay thì tiếng ca càng mùi mẫn. Khi hai cái điệu tâm hồn ấy hòa quyện vào nhau thì người nghe không thể muốn rời. Soạn giả Ngô Hồng Khanh đã mô tả như thế. Và, những nghệ sĩ lừng danh trên sân khấu cải lương xưa nay, xuất thân từ tài tử, luôn in đậm phong cách của riêng mình, từ tiếng đờn, điệu ca, cách diễn đã làm say đắm lòng người…

Thú chơi có gốc gác quý tộc

Từ đầu thế kỷ XIX, ở Nam Bộ cơ bản chỉ có hai loại hình nghệ thuật chính là tuồng và nhạc lễ. Tuồng là sân khấu điển tích, phần âm nhạc lấy trống kèn làm chủ đạo. Còn nhạc lễ phục vụ cho việc hành lễ, đáp ứng nhu cầu tâm linh, lấy nhạc cụ dây kéo, bộ gõ làm chủ đạo.

Bước vào những năm đầu thế kỷ XX, nhiều quan viên nhà Nguyễn vào Nam theo phong trào Cần Vương, đã sớm kết hợp âm hưởng nhạc Nam Bộ với nhã nhạc cung đình Huế tạo ra hình thức âm nhạc cổ truyền mới gọi là đờn ca tài tử. Về cơ bản các nhạc cụ thường sử dụng: đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, đờn bầu, về sau có sự tiếp biến của cây guitare phím lõm. Từ đây, nhanh chóng hình thành phong trào “đờn cây” và phát triển khắp Nam Bộ. Lúc bấy giờ có các nhạc sư tiêu biểu: Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) ở Long An, Trần Quang Diệm ở Mỹ Tho, Lê Bình An ở Bạc Liêu…


Cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê trong một buổi nói chuyện về đờn ca tài tử.

Ban nhạc tài tử được biết đến sớm nhất ở vùng đất Nam Bộ là của ông Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) với cô Ba Đắc ở Mỹ Tho, Tiền Giang. Ban nhạc này không chỉ biểu diễn trong nước, vào đầu năm 1900, ban nhạc này còn tham gia diễn tấu tại Hội chợ quốc tế Paris, và Hội chợ đấu xảo thuộc địa ở Marseille (Pháp) năm 1906. Tại Hội chợ quốc tế Paris, ban nhạc này đã diễn tấu bản nhạc tài tử nổi tiếng là “Vũ khúc Đông Dương”.

Theo tài liệu mới nhất vừa được công bố, bản “Vũ khúc Đông Dương” được nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên (Đại học Quốc gia Australia) phát hiện vào tháng 3/2013, tại Thư viện Quốc gia Pháp. Bản “Vũ khúc Đông Dương” đã được nhà nghiên cứu dân tộc học, nhạc học nổi tiếng người Pháp là ông Julien Tiersot ký âm lại năm 1900, khi nó được một ban nhạc tài tử của Việt Nam sang biểu diễn tại Hội chợ quốc tế ở Paris với tư cách đại diện cho văn hóa Đông Dương. Nó được thể hiện làm nhạc nền cho một cô đào nổi tiếng người Pháp là Cléo de Mérode múa tại sân khấu hội chợ.

“Khi hay tin nhà nghiên cứu Nguyễn Lê Tuyên tìm thấy bản nhạc tài tử cổ xưa này (“Vũ khúc Đông Dương” được coi là bản ký âm cổ nhất trong lịch sử âm nhạc đờn ca tài tử - PV) chúng tôi thật sự vui mừng, vì như vậy từ hơn 100 năm trước, thế giới đã biết đến nhạc tài tử của Việt Nam”, nhạc sĩ Huỳnh Khải xúc động chia sẻ.

Theo Nghệ nhân dân gian Phạm Công Tỵ, đây là một bản nhạc hay và lạ đối với nhạc tài tử. Vì hầu như rất ít bản nhạc tài tử được dùng để múa. Theo nghệ nhân Tỵ, bản “Vũ khúc Đông Dương” có thể là tiết mục ngẫu hứng của ban nhạc tài tử ngày xưa khi đến Pháp biểu diễn. Phát hiện này với nhạc tài tử lại càng giá trị và thú vị.

Đề cao tính ngẫu hứng

Tuy vậy, nếu có người hỏi điểm cốt yếu nhất của nghệ thuật trình diễn đờn ca tài tử là gì? Có lẽ họ sẽ nghe câu trả lời không ngần ngại của giới đờn ca tài tử đó là phong cách sáng tạo và ngẫu hứng trong biểu diễn. Không chỉ đàn ca sao cho đúng với tính chất, hơi điệu của bài, người nghệ sĩ tài tử còn phải biết thêm thắt, biến tấu ngẫu hứng sao cho bay bổng, vì đối với nhạc tài tử, sự cố định sẽ làm mất tính tài tử. Một nốt đàn được thêm thắt, tô điểm đúng mức sẽ trở thành phong cách riêng của nghệ sĩ.

Nói rộng hơn, ngẫu hứng, ứng tấu vừa tạo phong cách nhạc sĩ, vừa là phong cách của thể loại nhạc tài tử. Nhưng nếu thêm thắt, tô điểm để cho câu nhạc có nhiều chữ đàn, để cho “rậm đám” hay xôm tụ thì không phải phong cách tài tử, bởi mỗi câu ca, mỗi nốt nhạc, mỗi nét nhấn nhá, luyến láy… càng lão luyện trong nghề chơi thì tiếng đàn càng tinh tế, sang trọng, đặc sắc, đậm đà…


Các nghệ sĩ trong một buổi liên hoan đờn ca tài tử.

Kể từ sau các lần diễn tấu tại Hội chợ quốc tế ở Pháp, loại hình nghệ thuật này bắt đầu được nhiều người chú ý. Những lần hội chợ ở Sài Gòn tiếp theo sau đó, đều có sự hiện diện của đờn ca tài tử, nở rộ nhất vào thập niên 30 của thế kỷ trước. Nhiều hãng sản xuất đĩa nhựa trong và ngoài nước như: Việt Hải, Hồng Hoa, BéKa… đã thu âm đờn ca tài tử và phát hành rộng rãi ở miền Nam.

Những danh ca, danh cầm được nhiều người biết đến cũng nhờ vào cách phổ biến này. Những bản nhạc lúc ấy không chỉ gồm 20 bài tổ mà còn có một số bản vọng cổ nhịp 8, 16, 32… Nhạc giới thường nhắc đến băng Nam Bình I & II do nhạc sư Vĩnh Bảo biên tập và diễn tấu. Đây chính là may mắn cho hậu thế vì còn giữ được tiếng đờn tài hoa, ngẫu hứng của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ tài tử lừng danh. Nổi tiếng trong làng đĩa nhựa khi ấy có Chín Kỳ (Nguyễn Văn Kỳ), Tư Nghi (Phạm Văn Nghi), Bảy Hàm (Trương Văn Đệ), Sáu Quý (Nguyễn Thế Quý)… Về ca có các nghệ sĩ Năm Nghĩa, Hồng Châu, Tám Thưa, Út Trà Ôn, Bảy Cao, Sáu Thoàng, Hai Đá, Năm Cần Thơ, Bạch Huệ…

Sự chơi của người tri âm, mộ điệu

Theo soạn giả Ngô Hồng Khanh, trước khi ca bản thuộc hơi nào, nhạc công (tài tử đờn) luôn có câu “rao” theo hơi đó. Câu “rao” thường có nét nhạc cố định, đờn theo những câu “rao” của thầy dạy mà không thay đổi. Mỗi thầy có một cách “rao”, lúc đầu dạy học trò, thì học trò đờn theo thầy, nhưng khi học trò đạt được một trình độ nghệ thuật tương đối cao thì thầy cho phép học trò tạo những câu “rao” đặc biệt cho mình.

Người đờn “rao”, nhằm dẫn người nghe đi dần vào điệu, vào hơi để nghe bản đờn. Đồng thời “rao” cũng nhằm thử cây đờn có phím nào chênh lệch hay không, dây đờn cứng quá hay mềm quá không, để lúc biểu diễn nhờ chữ nhấn mà làm cho tiếng nhạc hoàn chỉnh hơn. Giống như người kị mã trước khi cưỡi ngựa biểu diễn cần phải biết tính nết con ngựa mình đang cưỡi.

Trong lúc “rao” người đờn có thể đem ra thử nghiệm những câu “rao” mà mình sáng tác có được thính giả tán thưởng hay không. Đồng thời cũng là cách phô trương những ngón đờn đặc biệt mà người đờn tìm tòi để tạo ra. Nhiều bậc thầy có những cách “rao” đa dạng, phong phú, được người nghe thích hơn lúc vào bản. Nghe qua câu “rao”, thính giả sành điệu có thể biết được tính tình của người đờn, có tiếng “rao” thanh tao, đài các; có tiếng “rao” ô trọc, tục tằn; có tiếng “rao” khiêm tốn, cũng có tiếng “rao” xấc xược (ngày xưa gọi là tiếng đờn “hỗn”).

Một buổi đờn thường không theo chương trình sắp đặt trước. Anh em gặp nhau cao hứng muốn đờn bản gì thì tất cả đồng ý hòa với nhau. Vì là một cuộc chơi chứ không phải một chương trình nghệ thuật để giới thiệu cho quần chúng, nên không có vấn đề trang trí sân khấu hay chỗ đàn. Cũng không có những trang phục đặc biệt, ăn mặc thường ngày như thế nào thì lúc gặp đờn ca tài tử cứ thế mà chơi!

Nghệ nhân Minh Lời, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử Bến Tre trăn trở: Đờn ca tài tử còn là “cái sự chơi”, là tri âm mộ điệu. Nhưng do đời sống kinh tế càng lúc khó khăn, một ngày đờn ở khu du lịch được 200.000 - 300.000 đồng, trong khi đờn cho câu lạc bộ được bồi dưỡng nhiều nhất 100.000 đồng. Đây là điều mà những người có trách nhiệm bảo tồn đờn ca tài tử không thể làm ngơ.

Sau vinh danh là nỗi lo bảo tồn

Theo thống kê sơ bộ về đờn ca tài tử của các tỉnh, thành phía Nam mới đây cho thấy tín hiệu khá lạc quan: hiện có trên 2.000 CLB, nhóm đờn ca tài tử, với gần 23.000 thành viên tham gia và 2.800 nhạc cụ được sử dụng. Riêng ở TP HCM có khoảng 100 CLB, nhóm đờn ca tài tử với hơn 1.000 nghệ nhân, tài tử được đánh giá là có năng lực hoạt động nghệ thuật.

Trước kia, những người chơi đờn ca tài tử là những người được dân gian gọi là “nghệ sĩ tài tử”, họ không sống bằng nghề đàn hát. Họ chơi đờn một mình hoặc hòa đờn với nhau chỉ nhằm mục đích tiêu khiển lúc nông nhàn. Khi chơi họ chọn những người tri âm, tri kỷ, hiểu nhau từ cuộc sống đến “gu” thưởng thức nghệ thuật. Bởi với họ, chơi nhạc tài tử là chơi bằng tất cả lòng mình. Để có được điều đó, việc chọn bạn đờn và nơi để chơi đờn là điều vô cùng quan trọng.}Ngày nay, mặc dù hầu hết những người chơi đờn ca tài tử không xem đây là nghề chủ yếu để mưu sinh, nhưng do điều kiện kinh tế ít nhiều ảnh hưởng đến tính chất đặc trưng của nó. Từ sự yêu thích của một bộ phận người thưởng thức và điều kiện kinh tế của mình mà có những nghệ nhân đờn ca tài tử đã trở thành người phục vụ trong các nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí hoặc, khu du lịch sinh thái miệt vườn... Những bài bản tài tử ngẫu hứng dần bị quên lãng và nghệ nhân biến thành “thợ đờn”, tấu những khúc nhạc thành thạo một cách vô hồn. Khiến cho các nghệ nhân chân chính phải trăn trở, tự vấn về thực trạng và tương lai của đờn ca tài tử.

Dẫu vậy, ông Lư Hội - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bến Tre và cũng là thành viên CLB đờn ca tài tử của địa phương tỏ ra khá lạc quan, cho rằng đờn ca tài tử có sức lan tỏa nhanh, phát triển sâu rộng trong cộng đồng là do nó đáp ứng kịp thời nhu cầu tình cảm, tâm lý của mọi đối tượng yêu thích trong xã hội, vừa thỏa mãn được nhu cầu giao lưu văn hóa trong và ngoài địa bàn cư trú. Mặt khác, còn do tác động tích cực từ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và nhu cầu phát triển du lịch sinh thái đã góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững bộ môn nghệ thuật này.

Tuy vậy, cũng cần phải xác định đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản tinh thần của bao thế hệ người Việt ở Nam Bộ hình thành, nâng niu, chắt chiu, nuôi dưỡng và trao truyền lại cho người đời sau. Nó mang bản sắc văn hóa độc đáo góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú thêm cho nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy vấn đề bảo tồn, phát huy, phát triển giá trị di sản này cần được nhìn nhận ở quy mô cấp nhà nước.

Từ đó mới có thể huy động sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, trên cơ sở khuyến khích các địa phương mở lớp dạy đờn ca tài tử cho người mộ điệu, nhất là giới trẻ. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên quan tâm phát hành băng đĩa và tài liệu giấy nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ về nội dung và phương pháp tự học đờn ca tài tử. Các tỉnh, thành, khu vực, định kỳ tổ chức liên hoan, giao lưu nhằm kịp thời tôn vinh nghệ nhân đờn ca tài tử, đồng thời phát hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ cho tài tử đờn, tài tử ca, đáp ứng yêu cầu phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống xã hội.

Một chính sách thỏa đáng về vật chất và tinh thần cho các bậc thầy, nghệ nhân làm công việc truyền dạy nhằm ghi nhận công lao của họ trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Bởi các bậc thầy tên tuổi về đờn ca tài tử hiện nay đa phần đã lớn tuổi, trong khi lớp nghệ nhân kế tục không nhiều. Trong bối cảnh bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử vừa mới được Unesco vinh danh, thì trách nhiệm của những người trong cuộc là phải làm sao nuôi dưỡng đờn ca tài tử giống như một mạch nước ngầm, len lỏi, lan tỏa ngày càng sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Một nền văn hóa, một bộ môn nghệ thuật luôn giữ trong mình bản sắc riêng là nền văn hóa ấy, nghệ thuật ấy sống mãi trong lòng dân tộc.

Cuối năm 2013, bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Một phần thưởng vô giá dành cho những ai yêu thích bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

Nhưng ít ai biết, hơn 100 năm trước trong hành trang đi mở cõi phương Nam, các bậc tiền nhân đã mang theo nhạc lễ và nhã nhạc cung đình Huế. Khi vào đến vùng đất mới phương Nam, nó dần được cải biên cho phù hợp với giọng nói, tình cảm, phong cách của người Nam Bộ để hình thành một loại hình âm nhạc gọi là đờn ca tài tử, với 20 bài bản tổ được người dân Nam Bộ yêu thích và lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay.