Lâm Điền
Thời gian gần đây, nhiều bài viết trên báo và mạng xã hội đặt nghi vấn về hài cốt đang được chôn cất trong ngôi mộ của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực - Ông Nguyễn (1838 - 1868) toạ lạc trong khuôn viên Di tích Lịch sử - Văn hoá Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực (TP.Rạch Giá, Kiên Giang). Tuy nhiên, cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang và giới nghiên cứu sử lại giữ im lặng. Vì làm sai nên không dám phản biện, hay vì lý do nào đó? Nhằm tìm kiếm sự thật đằng sau sự im lặng “không bình thường” này, PV Báo Lao Động tra cứu nhiều tài liệu và tìm gặp nhiều nhân chứng, nhà nghiên cứu.
“27 năm thờ người lạ”, “Ngôi mộ giả”, “Một cuộc khai quật 2 biên bản”… là những cụm từ được một số bài viết trên báo và mạng xã hội sử dụng để giải mã nghi vấn hài cốt Ông Nguyễn trong thời gian qua. Nhiều báo dành tới 2-3 kỳ xuất bản để chứng minh: Hài cốt trong ngôi mộ không phải của Ông Nguyễn, mà do một số người “dàn dựng” lên…
Ồn ào với chứng cứ… nhẹ
Các bài viết giải mã chủ yếu căn cứ vào tài liệu của một vài cán bộ ở Kiên Giang và ông Nguyễn Khương Ninh (Tiền Giang) - người “tự xưng” là hậu duệ của Ông Nguyễn (“tự xưng” là chữ của ông Nguyễn An Thọ ở xóm Nghề, Thạnh Đức, Bến Lức, Long An, sử dụng trong văn bản gửi nhiều cơ quan chức năng Trung ương và tỉnh Kiên Giang tố cáo ông Ninh mạo nhận con cháu Nguyễn Trung Trực. Ông Thọ là người từng được Tập san Sử Địa số đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Trung Trực (1968), ghi nhận là cháu Ông Nguyễn). Theo đó, các bài viết dẫn lời ông Lê Trung Khá (cán bộ nhân chủng học tham gia buổi khai quật) cho rằng: “Chủ nhân của hài cốt không phải tộc Việt, hài cốt còn đến 7 đốt xương cổ, xương hàm vẫn còn nguyên, chứng tỏ người này không bị chết do chém đầu như Ông Nguyễn. Thứ hai, có dấu hiệu chỉnh sửa tuổi của chủ nhân bộ hài cốt trong biên bản khai quật mộ ngày 19.4.1986 (biên bản). Cụ thể là chỉnh sửa từ 50 tuổi xuống còn 40 để sát tuổi Ông Nguyễn lúc mất là 30”.
Đáng nói, các chứng cứ trên rất hỗn loạn. Không chỉ lộn xộn trong nhận định chủ nhân hài cốt: Lúc là tây, khi là người Hoa, Mông Cổ, rồi tay sai ác ôn, hoặc trung tính hơn là người lạ… mà nhiều cứ liệu quan trọng khác cũng có phần mơ hồ, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điển hình là nhận định về chỉnh sửa tuổi Ông Nguyễn. Theo nhóm phản biện, biên bản ghi tuổi Ông Nguyễn 50 là đúng sự thật và đúng lời kể của ông Lê Trung Khá, để phản bác văn bản 40 tuổi. Ông Khá đã mất từ nhiều năm trước nên không thể xác tín nhận định mà nhiều bài báo đã trích dẫn, nhưng qua bút tích ngày 18.11.1998 cho thấy vị cán bộ nhân chủng học này tỏ ra khá dè dặt khi được hỏi về kết quả giám định bước đầu tại hiện trường: “Đã từng ghi trong biên bản giám định bước đầu ở Kiên Giang năm 1986. Xương cốt ắt hãy còn, xin nhờ người khác (một nhà nhân chủng) giám định tiếp”.
Điều này cho thấy ông Khá chưa có nghiên cứu thêm kể từ lần giám định bước đầu vào năm 1986. “Nếu thật vậy thì tôi tin chắc không chỉ riêng ông Khá, mà với nhiều nhà nhân chủng học khác cũng không dám đưa ra kết luận chính xác về tuổi của con người thông qua kết quả giám định bước đầu tại hiện trường từ một vài xương cốt” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang) nhấn mạnh - “Vì thế, tuổi của chủ nhân bộ hài cốt 40 hay 50 chỉ là cơ sở tham khảo, chứ không thể là căn cứ khoa học”. Trong khi đó, nhiều nội dung tại biên bản ghi 50 tuổi chống lại “nhóm phản biện” trong việc nhận định chủ nhân của bộ hài cốt là tây như “chỉ cao khoảng 1,6m” và cũng không dễ bác bỏ đó là người bị chết chém với thông tin “chỉ còn những mảnh xương sọ có thể ghép lại được, còn 3 cái răng mòn vẹt, 1 đốt xương cổ…”.
Tù mù tư liệu cũ
Thật ra đây không phải là phát hiện mới, bởi chuyện phản biện hài cốt Ông Nguyễn manh nha từ năm 1986. Chuyện bắt đầu khi nhà văn Sơn Nam chỉ dẫn vị trí chôn xác Ông Nguyễn trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh, Sở VHTT Kiên Giang xin ý kiến và được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho phép đào thăm dò. “Lúc đó nấm mộ đã san bằng, đầu mộ có một mảng tường gạch trát vôi hình vòng cung dài khoảng 1m, cao khoảng 0,8m, có hình dạng tấm bia và có dạng tự trên bề mặt, nhưng do đã hư cũ nên không đọc được. Bên cạnh mảng tường gạch, có một gốc đa đã chết” - ông Trần Văn Ba - Phó BQL Di tích tỉnh Kiên Giang - nhớ lại thời khắc đào thám sát ngôi mộ Ông Nguyễn: “Vì được phân công đào thăm dò nên tôi nhớ rất rõ, huyệt mộ bằng đất, dài trên 2m, rộng khoảng 1m, khi đào xuống độ sâu khoảng 2m thì thu được một số mảnh xương sọ có thể ghép lại được, còn 3 cái răng, 1 đốt xương cổ… còn hòm rương thì đã mục nát, không phát hiện vật lễ trong huyệt”.
Sau khi bàn thảo và được sự nhất trí của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Kiên Giang, Sở VHTT Kiên Giang, hài cốt này được cất bốc và an táng tại phía trước Đình Nguyễn Trung Trực với nghi thức trang trọng. Hai năm sau (1988), Bộ VHTT chính thức công nhận Mộ và Đình Nguyễn Trung Trực là di tích cấp quốc gia. Sự kiện này làm nức lòng người dân, giới sử học… nhưng lại nhen nhóm ý kiến “nghi vấn” hài cốt Ông Nguyễn trong một vài cán bộ đang công tác trong bộ máy tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến này xuất phát từ sự suy luận dựa trên hiểu biết cá nhân, hoặc đậm sắc thái lưu truyền dân gian như “căn cứ vào truyền thuyết, sau khi thực dân Pháp hành quyết cụ và đã chôn thì có một nhóm nghĩa quân đi ghe bầu đến cắp xác cụ đưa về hướng sông Cái Lớn”… Thậm chí, ngay cả khi đặt vấn đề cực kỳ quan trọng về “sự tồn tại xác Ông Nguyễn” cũng được nhóm này suy đoán: “Một kẻ tử tội của nhà nước “Đại Pháp”, bị bêu đầu, thây một nơi, đầu một ngả; một con người bị chôn dập, chôn vùi… thì liệu còn gì để lại cho đời về phần cốt nhục?”.
Ông nói gà, bà nói vịt
Ngay trong nhóm phản biện cũng xuất hiện nạn “ông nói gà, bà nói vịt”. Điển hình là ý kiến được nhiều báo xác định là quan trọng: Những người trong gia đình ông Nguyễn Tấn Thanh - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang (giai đoạn 1976 - 1983) - với tư cách là người trong cuộc. Cụ thể là bản tường trình do chính ông Thanh viết vào ngày 19.10.1988 và tường trình của con trai ông (NTD) lập vào 2.2.2002 cùng thuật lại nguồn gốc ngôi mộ Ông Nguyễn. Theo đó, sau tháng 4.1975, gia đình ông Thanh cư ngụ trong ngôi nhà nằm trong khuôn viên Dinh Tham biện thời Pháp, tức trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang và ngôi mộ được khai quật nằm sát ngôi nhà của ông. Tuy nhiên theo ông Thanh, nơi đây vào năm 1979, con trai ông và người cận vệ của ông là Hà Văn Sìl tổ chức khai quật đào và phát hiện hài cốt dưới mộ còn đầy đủ cả đầu, mình tay chân. Ông NTD còn cho biết thêm: “Tôi dùng cây nhấc sọ đầu lên, khi ấy sọ đầu vẫn còn nguyên và sau đó bỏ xuống lấp lại, tráng nền làm chuồng heo”.
Tuy nhiên độ tin cậy của bản tường trình này cũng không cao. Trước hết đây là văn tự do một cá nhân tự viết sau khi sự kiện khai quật mộ Ông Nguyễn kết thúc 16 năm. Mặt khác giữa hai văn bản này và lời khai của người trong gia đình không thống nhất về chủ nhân của bộ hài cốt. Người thì nói đó là hài cốt của tên “tay sai làm cho nhà Dol Tây”, người thì nói là “sĩ quan Pháp”, lúc nói là “địa chủ”, thậm chí khi lại cho đó là hài cốt của người Hoa, tên là Dương Văn Xiềm. Ngoài ra, ngày 22.11.1988, Giám đốc Bảo tàng Kiên Giang đã có công văn số 16/CV.BT giải đáp và chứng minh các thắc mắc mà ông Thanh đặt ra liên quan đến hài cốt Ông Nguyễn là không có căn cứ. Điển hình như ý kiến bộ xương khai quật vừa qua còn nguyên vẹn là không đúng vì thực tế chỉ thu được “một nắm xương tàn”…
Tuy nhiều chứng cứ, tư liệu xuất phát từ sự hồ nghi, giàu sắc thái truyền thuyết, suy đoán…, nhưng thái độ đấu tranh của vài người này rất quyết liệt. Có người chỉ trích không tiếc lời: “Người nằm xuống tưởng chừng đã yên, nhưng vì có những hành động nào đó thiếu chín chắn, vội vã, hám danh, trục lợi… của người nào đó đang sống mà làm cho “chưa yên” chăng?”, hoặc cao hơn là đề xuất “can thiệp với Bộ VHTT rút lại quyết định công nhận ngôi mộ Ông Nguyễn”. Thậm chí như ông Thanh, 10 năm sau (1998) lại tiếp tục có đơn. Có người lý giải, sở dĩ ông Thanh phản đối quyết liệt và kéo dài vấn đề “hài cốt Ông Nguyễn” là để “chữa cháy” cho việc gia đình mình đã từng cất chuồng heo lên trên mộ của vị Anh hùng dân tộc. Chúng tôi không muốn võ đoán nhưng đồng tình với ý kiến xem cách phản biện này là khởi nguồn cho những ồn ào chuyện hài cốt Ông Nguyễn sau này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuần (TPHCM) nhận định: “Công trình về Nguyễn Trung Trực đã được công bố thì khá nhiều, nhưng ít ai tiến hành khảo sát thực địa để thu thập thêm nguồn tài liệu. Tuy nhiên, những kết quả khảo sát này lại phản ánh yêu cầu cũng như thói quen riêng của người viết văn, người làm công tác nghiên cứu văn hoá dân gian hơn là yêu cầu và thói quen của người làm công tác nghiên cứu lịch sử”.