NSND Văn Giỏi: Dâng tặng tiếng đàn cho đời

  Lâm Hữu Tặng

BPO - Vai trò của người nhạc sĩ (sân khấu cải lương hay gọi là “thầy đờn” hoặc “nhạc công”) vô cùng quan trọng, quyết định sự thành công của vở diễn, bài ca. Có những nhạc sĩ dành trọn tâm huyết với công việc của mình, không ngừng nghiên cứu, trau dồi góp phần cho nghệ sĩ thăng hoa qua từng vai diễn. Gần 60 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ - nghệ sĩ nhân dân (NSND) Văn Giỏi đã có nhiều đóng góp cho sân khấu nước nhà. Ông cũng từng là khách mời trong chương trình “Dấu ấn tài hoa” của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV).

NSND Văn Giỏi tên thật là Trần Văn Giỏi, sinh năm 1947, trú huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông đam mê tiếng đờn từ thuở nhỏ và trau dồi học tập không ngừng. Năm 14 tuổi, ông đã đàn rành 3 Nam, 6 Bắc, 4 oán. Sau đó, ông tiếp tục học đàn với các thầy tại quê nhà. Đến năm 18 tuổi, Văn Giỏi đã đàn thông thạo để có thể hoạt động chuyên nghiệp tại các sân khấu lớn lúc bấy giờ.

Năm 1964, Văn Giỏi rời Tiền Giang lên TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp. Thời gian đầu, ông đi theo các danh cầm nổi tiếng lúc bấy giờ để đúc kết kinh nghiệm như: Văn Vĩ, Tư Thiên, Năm Cơ, Bảy Bá... Năm 1966, ông được nghệ sĩ Chín Sớm giới thiệu đờn ca cho các ban ca kịch lớn như: Thành Công, Trăm hoa miền Nam, Hương Thanh Bình. Thỉnh thoảng ông được mời thu đĩa. Sau đó, ông được các nghệ sĩ cải lương chú ý đến và 2 hãng đĩa lớn nhất lúc bấy giờ là Việt Nam và Continental ký hợp đồng dài hạn. Tiếng đàn của Văn Giỏi đã góp phần làm nên sự thành công của hàng trăm bài ca, hàng trăm vở thu thanh thời ấy.

Sau năm 1975, tài năng của ông ngày càng được tỏa sáng qua những vở cải lương của các đoàn cải lương như: Thanh Nga, Trần Hữu Trang, Nhân dân Kiên Giang. Đồng thời, ông dạy đàn, ca tại nhà và đàn chính cho Đài Tiếng nói nhân dân TP .Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn năm 1976-1980, tuy bị sự cố về đôi mắt nhưng ông đã phấn đấu không ngừng trong việc trau chuốt và gửi gắm tình cảm của mình vào tiếng đàn như sự khẳng định “tàn nhưng không phế”.


“Tôi vô cùng hãnh diện khi những đứa con tinh thần của mình được đông đảo nghệ sĩ, công chúng đón nhận và trân trọng trong quãng thời gian dài như thế. Hy vọng những thể điệu này sẽ còn được yêu mến lâu dài theo thời gian”. – Nghệ sĩ nhân dân Văn Giỏi.

Bên cạnh chăm chút cho tiếng đàn của mình qua các bài ca, vở diễn, NSND Văn Giỏi đã góp phần đào tạo hơn ngàn học trò từ Bắc đến Nam. Ông còn không ngừng sáng tạo để mang đến sân khấu cải lương những thể điệu mới. Năm 1976, ông sáng tạo 3 thể điệu là “Đoản khúc lam giang” và “Phi vân điệp khúc”. 2 thể điệu có âm sắc lạ, vừa rộn rã lại man mác, đậm chất trữ tình. Ngay khi ra đời, 2 thể điệu này đã nhanh chóng được các soạn giả, tác giả áp dụng vào các vở diễn, bài vọng cổ tạo nên nét mới trong sân khấu cải lương. Tính đến nay, qua hơn 40 năm nhưng 2 thể điệu này vẫn phát huy giá trị đối với nghệ thuật cải lương và đang được công chúng yêu thích. Không chỉ thế, Văn Giỏi còn có công cùng với NSND Thanh Hải cải biên bài Vọng kim lang (làn điệu dân ca của Liên khu 5) trở thành thể điệu được sử dụng phổ biến trong các vở cải lương, bài vọng cổ.

Hiện tại, nhạc sĩ - NSND Văn Giỏi vẫn tham gia đóng góp tiếng đàn của mình trong một số chương trình, đồng thời ông tích cực truyền nghề đến với những ai đam mê công việc này. Với cách làm việc nghiêm túc, đặt trọn tâm huyết của mình vào nghệ thuật, năm 2007, Văn Giỏi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Qua quá trình hoạt động nghệ thuật hăng say, ông được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2019.