Góp phần tìm hiểu về sự ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” chuẩn của nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Lâm Thành Đắc

Vào ngày 29/7/2010, tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh, được sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc Hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang”. Hội thảo đã đánh giá rất tích cực về sức sống diệu kỳ của bản Dạ cổ hoài lang khi ra đời, phát triển từ năm 1919 đến nay.

Bản Dạ cổ hoài lang, tiền thân của bản Vọng cổ từ khi ra đời đã nhanh chóng lan rộng trong Nam, ngoài Bắc và lan tỏa ra khắp năm châu, bốn biển, chinh phục biết bao trái tim người hâm mộ. Bản Dạ cổ hoài lang thực sự không thể thiếu trong phong trào Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Ngày nay, bản nhạc đã trở thành biểu tượng của tình yêu thương con người và tình yêu quê hương đất nước.

Do có sự lưu truyền và lan tỏa rộng rãi hơn 90 năm dưới nhiều hình thức từ truyền miệng, chép tay, đánh máy, thậm chí chế tác, chỉnh sửa ca từ, giai điệu để phù hợp với chất giọng của người ca…, nên đã tạo ra rất nhiều di bản. Thực tế đã đòi hỏi phải có một bản Dạ cổ hoài lang chuẩn, thống nhất về bài bản, khắc phục sự tùy nghi khi sử dụng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong các hoạt động truyền bá, nghiên cứu giảng dạy, bảo tồn, phát huy giá trị của bài ca này trong phong trào Đờn ca Tài tử và sân khấu Cải lương Nam Bộ.

Tại cuộc Hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang” tổ chức tại Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/7/2010, GS-TS Trần Văn Khê đề nghị cần có một Ủy ban để xác định dị bản nào là “chuẩn”, phù hợp với tinh thần của bản Dạ cổ hoài lang và đúng với ngôn ngữ người Việt thời đó, từ đó có thể dịch ra nhiều thứ tiếng để quảng bá bản Dạ cổ hoài langra tận nước ngoài. Tiếp theo cuộc Hội thảo trên, ngày 16 tháng 8 năm 2010, tại cơ quan Văn phòng phía Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức cuộc tọa đàm “Xác định bản Dạ cổ hoài lang chuẩn”. Cuộc tọa đàm đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ nhân, nhạc sĩ nổi tiếng của Nam Bộ và cả nước… Tại cuộc tọa đàm này, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phát biểu mong muốn phục hiện Dạ cổ hoài lang về cả ca từ và thanh nhạc và mong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu chính thức có được một bài ca Dạ cổ hoài lang chuẩn, công bố nó như một giá trị văn hóa phi vật thể quý giá mà chỉ tỉnhBạc Liêu mới có được. Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận thì yêu cầu chọn bản Dạ cổ hoài lang in trong quyển sách Ca nhạc cổ điển của Trịnh Thiên Tư làm bản chuẩn, vì tài liệu này có nhiều căn cứ pháp lý thuyết phục. Tác giả Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng việc xác định bản chuẩn Dạ cổ hoài lang phải căn cứ vào các dị bản của chính tác giả, so sánh các dị bản này để chọn lấy các ca từ đẹp hơn, giai điệu hay hơn, chứ không nên lấy các dị bản không rõ nguồn gốc hoặc không phải của chính nhạc sĩ Cao Văn Lầu trực tiếp sáng tạo ra. Cuộc tọa đàm cơ bản thống nhất ý kiến này của tác giả Lê Duy Hạnh và giao cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức thực hiện việc làm tốt đẹp này.

Sau khi sưu tập gần như tất cả các dị bản Dạ cổ hoài lang, chúng tôi có được một số dị bản quan trọng như sau:

  1. Bản in trong sách Ca nhạc cổ điển của tác giả Trịnh Thiên Tư xuất bản năm 1962.

  2. Tập bản thảo bản Dạ cổ hoài lang bằng bút tích của nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết năm 1973.

  3. Bản của cô Ba Vàm Lẽo năm 1921.

  4. Bản của Nhà xuất bản Đĩa hát Việt Nam - Hà Nội, thập niên năm 1950.

  5. Bản in trong nguyệt san Bách khoa, số 62 ngày 13 tháng 8 năm 1959 của tác giả Nguyễn Tử Quang.

  6. Bản in trong Đặc san Quý Dậu 1993 của Hội Ái Hữu Bạc Liêu bang California.

  7. Bản do nghệ sĩ Hương Lan ca trong và ngoài nước.

  8. Bản của GS-TS Trần Văn Khê đưa ra tại cuộc Hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang” ngày 29/7/2009.

  9. Bản của Thạc sĩ Huỳnh Khải cung cấp.

  10. Bản Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Phạm Duy in trong sách Dân nhạc.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã có văn bản gửi đến nhiều học giả, tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh để tiếp tục xin ý kiến mở rộng về việc xác định bản chuẩn Dạ cổ hoài lang này. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng các dị bản Dạ cổ hoài lang cơ bản giống nhau về nội dung, hình tượng nhân vật, giai điệu âm nhạc, nhưng có một số dị bản khác nhau về ca từ, nhịp nội, nhịp ngoại, thậm chí khác nhau cả về số câu (bản của Thạc sĩ Huỳnh Khải cung cấp có đến 24 câu…). Nguyên nhân của sự khác nhau thì có rất nhiều: từ việc truyền miệng, chép tay nên dẫn đến sự tam sao thất bản, hoặc do các nghệ sĩ, nghệ nhân chế tác, thêm thắt để phù hợp với bản đờn hay chất giọng của mình…

Thực hiện quan điểm xác định bản chuẩn Dạ cổ hoài lang trên tinh thần cuộc tọa đàm 16 tháng 8 năm 2010, tại cơ quan Văn phòng phía Nam của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời kết hợp với các ý kiến đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc sĩ… trong và ngoài tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã chọn ra hai dị bản để tạo ra bản chuẩn:

  1. Đối với bản Dạ cổ hoài lang in trong tập sách Ca nhạc cổ điển của tác giả Trịnh Thiên Tư xuất bản năm 1962. Sách này được xuất bản chính thức và phát hành rộng rãi từ năm 1962. Trong sách có lời giới thiệu của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và lời xác nhận của ông là tác giả của bản Dạ cổ hoài lang, bên cạnh có chân dung của ông với lời ghi chú về quyền tác giả. Bản Dạ cổ hoài lang này đã ăn sâu vào lòng nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ và được nhiều người hâm mộ ưa thích. Bản này 20 câu, nhịp 4.

  2. Đối với bản thảo bằng bút tích của nhạc sĩ Cao Văn Lầu được viết lại từ năm 1973 nhưng không công bố, chỉ được tìm thấy và công bố vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày ra đời của bản Dạ cổ hoài lang. Đây là bản chép tay, chỉ có lời chứ không có nhạc. Bản này 20 câu, nhịp 2, có 2 nhịp ngoại (nhịp chánh).

Đối với các dị bản khác như: cô Ba Vàm Lẽo công bố năm 1921; dị bản của Nhà xuất bản Đĩa hát Việt Nam - Hà Nội, phát hành năm 1950; dị bản in trong nguyệt san Bách khoa số 62, ngày 13 tháng 8 năm 1959 của tác giả Nguyễn Tử Quang; bản in trong Đặc san Quý Dậu 1993 của Hội Ái hữu Bạc Liêu bang California; bản do nghệ sĩ Hương Lan ca trong và ngoài nước… thì chỉ có lời chứ không có nhạc, không thấy căn cứ pháp lý thuyết phục về nguồn gốc và quyền tác giả, không có người chịu trách nhiệm hay xác định thuyết phục là bản của chính tác giả; bản do Thạc sĩ Huỳnh Khải cung cấp nội dung có quá nhiều khác biệt so với nội dung của các dị bản khác, thậm chí có đến 24 câu.

Chúng tôi đã đối chiếu, chọn ra các ca từ trong phần lời và nhịp điệu (nhịp nội, nhịp ngoại) trong phần nhạc của hai bản Dạ cổ hoài lang in trong sách Ca nhạc cổ điển của tác giả Trinh Thiên Tư và bản thảo viết tay có bút tích của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là hai bản có căn cứ thuyết phục nhất của chính tác giả đưa ra. Việc xác định được thực hiện cụ thể như sau:

  • Đối với ca từ: trong 20 câu, những ca từ nào giống nhau thì giữ nguyên, những ca từ nào khác nhau thì chọn ca từ hay hơn, hợp hơn.

  • Đối với nhịp điệu: cơ bản lấy nhịp điệu bản Dạ cổ hoài lang in trong sách Ca nhạc cổ điển của tác giả Trịnh Thiên Tư làm nền tảng, song do bản này là nhịp 4 nên đã chuyển đổi nhịp 4 sang nhịp 2.

Trên cơ sở của việc xác định này, được sự đồng thuận cao của nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, tác giả trong và ngoài tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 2257/QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2010 công bố chính thức bản Dạ cổ hoài lang chuẩn. Vào dịp Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2011 ngày 15/8/2011 âm lịch,Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã cho in ấn và phát hành rộng rãi bản nhạc này, phổ biến trong giới văn nghệ sĩ, giới học sinh, sinh viên của tỉnh và khách du lịch. Bạc Liêu đã đưa bản Dạ cổ hoài lang này vào hồ sơ Đờn ca Tài tử Nam Bộ trình UNESCO xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

DẠ CỔ HOÀI LANG

(BẢN CHUẨN)

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Phần lời:

  1. Từ là - từ phu tướng
  2. Báu kiếm sắc phán lên đàng
  3. Vào ra luống trông tin nhạn
  4. Năm canh mơ màng
  5. Em luống trông tin chàng
  6. Ôi! Gan vàng thêm đau
  7. Đường dầu xa, ong bướm
  8. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang
  9. Đêm luống trông tin bạn
  10. Ngày mỏi mòn như đá vọng phu
  11. Vọng - phu vọng luống trông tin chàng
  12. Lòng xin chớ phụ phàng
  13. Chàng là chàng có hay
  14. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây
  15. Bao thuở đó đây sum vầy?
  16. Duyên sắt cầm đừng lợt phai
  17. Là nguyện cho chàng
  18. Hai chữ an - bình an
  19. Trở lại gia đàng
  20. Cho én nhạn hiệp đôi

Phần nhạc:

  1. là xang xê cống
  2. Ú liu cổng liu cổng xê xang
  3. líu cống xê xang là
  4. Xê xang xang là
  5. Liu xáng u liu xàng
  6. Liu xáng xàng xề liu“ú liu
  7. là xang xê cống
  8. Xê líu xừ cống xê líu xừ xang
  9. cống xê xang xự
  10. Xê líu xừ cống xê xừ xang
  11. Xự - xang xự cống xê xang là
  12. Xề xang xề là hò “xề là
  13. Cống xê xàng hò xang cống
  14. Xê líu xừ cống xê líu xừ xang
  15. Ú liu cộng liu cộng xề xàng
  16. Liu xáng xàng xề phạn liu “ú liu
  17. xự cống xê xang là
  18. Xê líu xừ cống xê líu xừ xang
  19. Ú liu cộng liu cộng xê xàng
  20. Liu xáng xàng xề phạn liu “ú liu”.

Để tiếp tục bảo tồn, phát huy bản Dạ cổ hoài lang chuẩn cũng như góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn nghệ thuật Đờn ca Tài tử Nam Bộ (2014-2020); chúng tôi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan đẩy mạnh việc xây dựng giáo trình Đờn ca Tài tử thống nhất, trong đó có bản Dạ cổ hoài lang chuẩn để giảng dạy Đờn ca Tài tử cho các thế hệ trẻ; xúc tiến việc dịch bản Dạ cổ hoài lang chuẩn của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra nhiều thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc… để phục vụ khách du lịch, để bài ca này theo chân các du khách quảng bá giá trị của bài ca cũng như quảng bá hình ảnh của xứ sở, con người Bạc Liêu ra khắp năm châu, bốn biển.