Gió chướng ở đồng bằng sông Cửu Long

Lâm Vĩnh Thế

Ở Miền Nam, đặc biệt là trong Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), mọi người đều có nghe nói tới hai chữ “Gió chướng.”[1] Từ “chướng” được dùng để mô tả loại gió này đã nói lên được tính cách “không bình thường”[2] của nó. Bài viết này cố gắng tìm hiểu các tác động của Gió chướng trong đời sống của người dân ĐBSCL.

Gió Chướng là Loại Gió Gì?

Gió chướng (từ sau đây xin viết tắt là GC) là gió mát, đôi khi ấm, thổi theo hướng Đông Nam từ ngoài biển vào vùng châu thổ sông Cửu Long, khởi sự từ tháng 11 cuối năm cho đến khoảng tháng 3 của năm sau. Chúng ta đều biết rằng Việt Nam thuộc khu vực gió mùa, một năm có hai mùa gió ngược chiều nhau như sau:

Gió mùa Tây Nam – Đông Bắc: từ phía Nam thổi lên, thường được gọi là Gió Nồm, ấm và ẩm, từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 10, mang đến nhiều mưa, gần như mưa mỗi ngày vào buổi chiều

Gió mùa Đông Bắc – Tây Nam: từ phía Bắc thổi xuống, thường gọi là gió Bấc, lạnh và khô, từ đầu tháng 11 đến cuối tháng 4, không có mưa

Do đó, GC là một loại gió không bình thường, trái mùa vì nó thổi từ hướng Đông Nam và mang lại cái ấm áp, mát mẻ nhưng lại diễn ra trong khoảng thời gian thuộc về gió mùa Đông Bắc mang đến cái lạnh.

Kết quả hình ảnh cho Đồng bằng sông cửu long


Bản Đồ Các Tỉnh ĐBSCL (Nguồn: Internet).

Hằng năm, mùa GC thường gồm 3 giai đoạn như sau:[3]

GC non: thường xảy ra vào tháng 10, hướng đông bắc, tốc độ yếu (khoảng 2 - 3 m/s)

GC phát triển: vào tháng 1 - tháng 3, có hướng từ đông đến đông nam, tốc độ tương đối mạnh (khoảng 6 - 10 m/s có khi tới 10 - 15 m/s hoặc hơn) nhất là ở vùng ven biển

GC tàn: vào cuối mùa khô, có hướng từ đông nam đến nam, cường độ yếu như GC non

Như vậy, GC thật sự đúng là GC diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, đặc biệt là tại các vùng ven biển. Nhìn vào bản đồ trên của vùng ĐBSCL, chúng ta thấy ngay là GC thổi từ hướng Đông Nam tức là từ phía các cửa sông Cửu Long vào bên trong đất liền, nên đặc biệt các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre và Trà Vinh là những địa phương chịu nhiều ảnh hướng nhứt của GC.

Gió Chướng Trong Văn Học Miền Nam

GC là một hiện tượng thiên nhiên, diễn ra hằng năm, nên ảnh hưởng rất sâu đậm đến đời sống của người dân vùng ĐBSCL, và, vì vậy, đã trở thành một đề tài rất quen thuộc của văn học Miền Nam.

Ca Dao:

Đèn lồng treo cột phướng,
Gió chướng thổi hao dầu.
Em có thương thì để dạ,
Chớ có rầu mà hư thân.

Hoa thơm trồng dựa cành rào,
Gió nam, gió chướng, gió nào cũng thơm.
Gió chướng lạnh lùng, mưa rung lá hẹ,
Cảm thương nàng có mẹ không cha.
Gió chướng lao xao khúc sông nào, sóng nấy,
Xuồng em bơi giữa dòng, anh thấy anh thương.

Thi Ca:

Em nhận ra dòng sông quen thuộc quá,
Hương phù sa châu thổ của quê mình,
Mùa gió chướng hoa lục bình nở rộ,
Chuyến đò chiều chở tím cả hoàng hôn.
(Thơ của
Ngọc Hiệp)[4]

Con về thăm Mẹ mùa gió chướng,
Gió tự đồng xa thổi mát lòng,
Nghe trong ngọn gió mùi rơm rạ,
Có chút mùi hương tóc Mẹ già.
(Thơ của
Phùng Quang Thuận)[5]

Tản văn:

“Những ngọn gió chướng bắt đầu xạc xào trên mái lá. Buổi sáng bước ra sân, tôi đã nghe hơi lạnh từ đêm qua như vẫn còn quanh đây. Tôi cố rút mình vào chiếc áo mỏng manh, đôi vai cứ khẽ run lên bần bật. Vậy là một mùa gió chướng nữa lại đi ngang qua đời mình...”
(Trích: Những mùa gió chướng xôn xao… tản văn của Huỳnh Thị Kim Cương[6])

“Gió chướng về, ta bất chợt bâng khuâng màu trắng của hương đồng cỏ nội, cái màu đơn sơ mà bình dị rất duyên. Đó là những bông lau, bông sậy mọc thành bụi, thành hàng xa tít ngoài bờ đê hay bãi đất. Khi cái lạnh vừa chạm ngõ hiên nhà thì bông lau cũng vươn cao trắng xóa, ngả nghiêng trong ngọn gió chướng thổi sòng, đám sậy bạc đầu cũng lao xao đón chào nắng mới…”
(Trích: Mùa gió chướng, tản văn của Hứa Phát Đại[7])

Gió Chướng Trong Sinh Hoạt Của Người Dân ĐBSCL

GC về lo đào hầm bắt cá:

Khi gió chướng bắt đầu thổi mạnh, mùa mưa đã qua, Miền Nam chuyển sang mùa nắng, thì cũng là lúc lúa bắt đầu ngậm sửa, trĩu hạt. Trên các cánh đồng lúa, nước bắt đầu rút xuống các sông, rạch, ao, đìa. Cá cũng theo dòng nước rút về các sông rạch để có thể sinh sống qua mùa khô sắp đến. Đây cũng chính là lúc người dân ĐBSCL bắt đầu đào hầm để bắt cá:[8]

“Có được chỗ thuận lợi, xế chiều người ta vác dá đi đào hầm. Hầm có thể đào theo hình chữ nhật rộng chừng 5-7 tấc, ngang chừng 3-4 tấc, hoặc khoét một lỗ tròn đường kính cỡ 4-5 tấc, có khi người ta chôn xuống đó cả khạp, hũ sành nhỏ. Xung quanh miệng hầm phải ngụy trang sình, bùn hay các dề cỏ giống như môi trường xung quanh để cá không phát hiện ra “bẫy” đang chờ chúng…”

Tùy theo cuộc đất tại chổ, tùy theo dòng nước chảy, và tùy theo ý thích cá nhân cũng như dụng cụ sẳn có trong nhà, người dân ĐBSCL có nhiều cách thức làm hầm để bắt cá, nhiều nhứt là cá lóc, cá trê và cá rô đồng, như chúng ta thấy trong các tấm hình sau đây:




Hình các loại hầm bắt cá (Nguồn: Từ bài viết).

GC là mùa bông so đũa:

Mùa GC, với hơi ấm mang từ biển vào, cũng lại là mùa nở rộ của nhiều loài bông, trong đó, đặc biệt phải kể đến bông so đũa.


Hình bông so đũa (Nguồn: Internet).

Với cá rô đồng và bông so đũa, người dân ĐBSCL có được bửa cơm ngon với tô canh chua nấu với bông so đũa, cá rô đồng và các loại rau cải tươi như rau om, ngò gai, rau nhút, rau tần dày lá, đặc biệt là cọng bông súng (cũng nở rộ trong mùa GC), và, dĩ nhiên, không thể thiếu những lát ớt đỏ tươi. Nước chấm thì chỉ cần 1 chén nước nắm tươi, nguyên chất không pha, với ớt đỏ xắc lát.


Hình tô canh chua bông so đũa cá rô đồng (Nguồn: Internet).

GC cũng là gió Tết

Như ở trên đã nói, GC là loại gió bắt đầu thổi trong thời gian cuối năm nên GC cũng chính là gió Tết. Nghe GC bắt đầu thổi là biết Tết sắp đến nên đối với người dân ĐBSCL, GC đã in đậm trong trí nhớ của họ từ thuở còn bé thơ, và vĩnh viễn trở thành một phần không thể thiếu được trong gia tài ký ức của họ. Lớn lên, sống ở thành phố, xa quê nhà, mỗi khi Tết về họ cứ cảm thấy thiếu thốn một cái gì, và đó chính là GC mà họ không còn được cảm nhận nữa. Chúng ta hãy nghe những lời tâm sự của một vài tác giả có gốc gác ở vùng ĐBSCL:

“Ở miền Nam gió Tết là gió chướng. Cái tên gió gợi lên những rắc rối mà gió này gây ra, nhưng hể thấy gió chướng là cảm nhận được thời tiết cuối năm nên thiếu nó thì nhớ. Cho đến khi lên ở thành, những ngày gần Tết không nghe được cái hơi gió chướng tôi mới biết mình đang thiếu. Cái thiếu làm con người ta bồi hồi, nhớ đến không biết bao nhiêu là thứ khác nữa đi cùng với Tết. …”[9]

“Mỗi khi đến gần Tết, miền quê biển Ba Tri lại đón những cơn gió chướng thổi lồng lộng từ ngoài biển vào. Điều này làm cho không khí ngày Tết ở quê tôi có đặc trưng thật khó tả! ...”[10]

“Ở quê tôi cứ độ gần Tết là gió chướng về. Quả tình cơn gió này "chướng" thiệt! Đang trên cao tự nhiên lại sà xuống, đang thổi hướng xuôi bỗng dưng lộn ngược trở lại. Đối với đứa trẻ nít vô tư là tôi ngày xưa, cơn gió như đang nhào lộn reo vui chào đón mùa xuân về. Đây cũng là lúc chuẩn bị đón Tết…”[11]

Nói đến Tết, ở Miền Nam nói chung và ở vùng ĐBSCL nói riêng, thì không thể không nói đến biểu tượng thiên nhiên rực rỡ nhứt: đó là bông mai 5 cánh.


Hình bông mai 5 cánh (Nguồn: Internet).

Từ bao đời, người dân ĐBSCL đã lưu truyền việc lặt lá cây mai trước Tết. Mục đích của việc lặt lá là để cho cây mai dồn tất cả chất dinh dưỡng để nuôi các nụ hoa. Thời điểm tiến hành việc lặt lá rất quan trọng để đạt mục tiêu là giúp cho cây mai nở rộ bông vào đúng dịp Tết. Dĩ nhiên, nói chung chung thì việc lặt lá phải diễn ra sau khi cây mai đã ra nụ rồi. Cụ thể hơn thì thường là khoảng thời gian từ ngày mùng 10 đến ngày 20 Tháng Chạp. GC là một yếu tố quan trọng trong quyết định về thời điểm lặt lá mai:

“Năm có nắng nóng nhiều hoặc có gió chướng mạnh thì mai sẽ nở sớm hơn vì thế phải tước lá mai trễ hơn. Tùy theo kích thước của nụ mai mà có thể tước lá mai vào khoảng từ 17-20 tháng Chạp. Năm mưa nhiều và chấm dứt muộn, thời tiết tháng Chạp lạnh nhiều, ít gió chướng thì mai sẽ nở trễ hơn, vì thế phải tước lá mai vào trước ngày rằm tháng Chạp, khoảng 10-13 tháng Chạp tùy theo kích thước nụ mai đã lớn hay nhỏ.”[12]

GC đưa nước mặn vào ĐBSCL

Do hướng thổi từ Đông Nam lên, GC là nguyên nhân chính đưa nước mặn từ các cửa sông Cửu Long vào vùng ĐBSCL. Tại thời điểm GC thổi mạnh, từ tháng 1 đến tháng 3 đầu năm, là lúc dòng chảy của sông Cửu Long cạn kiệt nhứt (vì mùa mưa đã qua), nên, tùy theo sức mạnh của GC, nước mặn có thể vào sâu trong nội địa nhiều hay ít, và độ mặn của nước sông cũng thay đổi cao hay thấp:

“Nghiên cứu tương quan giữa gió chướng và mặn cho thấy, khi có gió chướng cấp 5,6 trở lên thì độ mặn sẽ rất cao. … Thông thường, gió chướng thổi từng đợt, mỗi đợt kéo dài từ 2 đến 10 ngày, trong đó các vùng ven biển, cửa sông là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.”[13]

Từ lâu, người dân sinh sống ở các vùng cửa sông Cửu Long của các tỉnh Bến Tre và Trà Vinh đều đã biết rõ việc nước mặn xâm nhập vào và họ cũng đã biết tìm cách thích nghi với tình trạng khí tương thủy văn này. Một trường hợp rất thành công trong việc sống thích nghi với điều kiện thiên nhiên này đã diễn từ bao nhiều đời tại Cồn Chim, nằm trên sông Cổ Chiên, thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh:

“… Sáu tháng nước ngọt thì bà con trồng lúa, sáu tháng nước mặn thì nuôi tôm, nuôi cua trên nền ruộng lúa. Nói con tôm “ôm” gốc lúa là vậy.” Sau khi thu hoạch lúa, trên đồng chỉ còn gốc rạ, nông dân bắt đầu giở bọng (cống) cho nước mặn từ sông Cồn Chim chảy vô đồng để bắt đầu thả nuôi vụ tôm mới…”[14]

Từ nhiều năm nay, lưu lượng sông Cửu Long sụt giảm rất nhiều do các đập thủy điện xây trên thương nguồn (Trung Quốc, Lào), khiến cho hiện tượng hạn mặn tại ĐBSCL ngày càng trầm trọng trong mùa khô, GC có thể trở thành một yếu tố tiêu cực cho đời sống người dân ĐBSCL, và đây sẽ là một điều thật đáng tiếc.

Thay Lời Kết

GC là một hiện tượng thiên nhiên diễn ra hằng năm tại các tỉnh của ĐBSCL thuộc khu vực các cửa sông Cửu Long. Nó tạo nên những tác động rất mạnh trong đời sống tinh thần và vật chất của người dân ĐBSCL, và để lại những ấn tượng rất sâu sắc trong tâm hồn và ký ức của họ. Vì vậy, từ lâu, GC đã là một đề tài quen thuộc trong nền văn học của Miền Nam qua ca dao, thi ca, và truyện ký. Bên cạnh những tác động mang tính tich cực đó, GC đồng thời cũng là nguyên nhân tạo ra một tác động tương đối tiêu cực là việc đưa nước mặn xâm nhập vào các đồng ruộng của các tỉnh ven biển của ĐBSCL.

_____________

Ghi Chú:

[1] Bùi Thanh Kiên. Phương ngữ Nam Bộ: ghi chép & chú giải. Tập I: A - K / Nam Chi Bùi Thanh Kiên. T/p Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015. Tr. 639. Gió chướng: gió mát mùa xuân thổi từ hướng Đông Nam tới. “Đèn lồng treo cột phướng, gió chướng thổi hao dầu / Em có thương thì để dạ, chớ có rầu mà hư thân. (cd) [viết tắt cho ca dao].

[2] Nguyễn Hy Vọng. Từ điển nguồn gốc tiếng Việt = Vietnamese cognatic dictionary = Dictionnaire cognatique vietnamien. Quyền 1. Irvine, Calif.: Tác giả xuất bản, 2012. Tr. 310-311. CHƯỚNG: khó chịu, khó tính, bất bình thường, ngược ngạo, ngược đời. gắt gỏng, đòi hỏi vô lý/ hay khóc nhè khi đau (con nít) = grouchy, cranky, surly, sour tempered, bad tempered, ill humoured / to have a tantrum (child), eccentric, unreasonable, non conforming = revêche, mausade, de mauvaise humeur / piquer une crise de nerf // eccentrique, irraisonable, non conformist.

[3] Gió chướng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn trong Trang Web Từ điển Tiếng Việt online tại địa chỉ Internet sau đây: https://vtudien.com/viet-viet/dictionary/nghia-cua-tu-gi%C3%B3%20ch%C6%B0%E1%BB%9Bng

[4] Khi mùa gió chướng về, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.facebook.com/nhipsongdongbang.vn/posts/445834255493602/

[5] Phùng Quang Thuận. Về thăm Mẹ (thơ), tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn trong Trang Web Vườn thơ Tkaraoke tại địa chỉ Internet sau đây: https://poem.tkaraoke.com/48371/Ve_Tham_Me.html Có tất cả 152 bài thơ về Gió chướng trong Trang Web này.

[6] Huỳnh Thị Kim Cương. Những mùa gió chướng xôn xao…, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/tan-van-nhung-mua-gio-chuong-xon-xao-cua-huynh-thi-kim-cuong-1573785977.html

[7] Hứa Phát Đại. Mùa gió chướng, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://baobaclieu.vn/van-hoa-nghe-thuat/mua-gio-chuong-41220.html

[8] Tửu Hoàng. Khi gió chướng thổi, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://doanhnhanplus.vn/khi-gio-chuong-thoi-349161.html

[9] Lê Đại Trí. Gió Tết, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.facebook.com/notes/le-dai-tri/gi%C3%B3-t%E1%BA%BFt/1040385209353326/

[10] Minh Phúc. Thấy gió chướng là biết Tết về, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://giacngo.vn/tetcanhty2020/tetanlanh/2020/01/16/165298/

[11] Nguyển Thị Hương. Có ai còn nhớ mùa gió chướng Tết năm xưa? tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://tuoitre.vn/co-ai-con-nho-mua-gio-chuong-tet-nam-xua-20180208133646449.htm

[12] Xử lý mai nở đúng Tết nguyên đán, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://tstcantho.com.vn/?mod=article&id=450&section_id=20

[13] Gió chướng làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://baotainguyenmoitruong.vn/gio-chuong-lam-gia-tang-tinh-trang-xam-nhap-man-o-dbscl-241257.html

[14] Bùi Quốc Dũng và Đặng Văn Bường. Sống thuận thiên theo mùa, tài liệu trực tuyến có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.nhandan.com.vn/cuoituan/thoi-su-chinh-tri/item/42811602-song-thuan-thien-theo-mua.html