Lê Cần Thơ
Con người suốt đời lo gìn vàng giữ ngọc
(1925-1996) |
“Trong lãnh vực sưu khảo, đòi hỏi phải tốn nhiều công phu nghiên cứu, đòi hỏi nhiều sách vở, và phải chịu khó nhọc dài hạn (...). Dân tộc nào cũng cần có một nền văn hóa. Di sản văn hóa dân tộc là điều đáng trân trọng. Do đó vấn đền sưu khảo tôi say mê hơn hết, nhằm cống hiến cho đời sau, để khỏi phải nhọc lòng đi tìm những cái di sản văn hoá còn rải rác nhiều nơi. Làm lãnh vực công tác khảo cứu văn học giúp ích cho người sau đỡ vất vả đi tìm, và di sản văn hóa dân tộc được bảo toàn”.
(Nguyễn Bá Thế)
Trên BNS DÂN TA số 100 xuất bản tại Houston, Texas, Hoa Kỳ (Bộ mới, năm thứ 14 ra ngày 11-03-1995 - 24-03-1995), chúng tôi có giới thiệu đến bạn đọc, đôi nét về Nhà sưu khảo văn học NGUYỄN BÁ THẾ – một gương nghị lực phi thường, vượt mọi bệnh tật để làm nên tác phẩm cho đời với một công trình sáng tác, biên khảo liên tục trên 54 năm cầm viết, kể từ năm ông mới 18 tuổi. Suốt nhiều năm qua, nhất là những đầu thập niên 1980 về sau, sức khoẻ mỗi ngày giảm sút, đến những năm 1985 thì ông không thể đi đứng bình thường do chứng bệnh bán thân bất toại. Nặng nhất là những năm gần đây sức khoẻ của ông thường xuyên báo động, vậy mà ông vẫn đọc sách báo, vẫn cố gắng nhờ người nhà khiêng ra bàn viết để ông ghi chép lên bất cứ tờ giấy trắng nào để ghép vào các bìa chemise lưu giữ cho từng thể loại bài. Nay thì ông đã vĩnh viễn ra đi, dứt hẳn nợ đời, nợ văn... trong khi hoài bão mà ông ôm ấp vẫn còn đầy ắp bên cuộc sống vốn dĩ khó chiều chuộng một ai. Tôi cũng đã viết bài “Vĩnh biệt nhà sưu khảo văn học NGUYỄN BÁ THẾ” trên DÂN TA số 128 (ra ngày 13-04-1996 - 26-04-1996).
Tôi biết và quen ông Nguyễn Bá Thế từ thời tôi mới vô bậc trung học Phan Thanh Giản tại Cần Thơ. Những năm đầu thập niên 1960, vào một ngày Chủ nhật, tôi theo một người bạn đi ngang qua nhà ông trong hẻm Vú Sữa, bất chợt rủ tôi vào nhà của một nhà báo (!). Tò mò, tôi cùng vào và đã gặp ông đang ngồi tại bàn viết. Thấy hai chúng tôi là học trò, ông cũng vui vẻ ngưng viết và mời ngồi trò chuyện. Những câu hỏi ông và những chuyện ông kể càng lúc càng tạo cho tôi sự mến phục về sự nghiệp viết của ông. Ông nói với chúng tôi là ông viết văn chớ không phải nhà báo. Dặn chúng tôi hôm nào nghỉ học cứ ghé chơi, ông cho mượn sách báo để đọc và nghiên cứu. Và, tôi đã kéo dài thời gian tới lui nhà ông, trở nên thân thuộc, và đã học được ở ông những đức tính nhẫn nại, bền chí khi đối diện với cuộc đời sau nầy. Có lẽ nhờ tiếp xúc với ông, mà tự nhiên tôi có ý nghĩ tập tành “sáng tác”. Những bài thơ, những bài văn ngắn tôi viết được, gởi đi các báo Sài Gòn, và... đã được chọn đăng trong niềm vui khôn tả của tôi. Lúc đó, tôi ký bút hiệu VT. Thanh Giang, và một thời gian sau tôi chọn bút hiệu Huyền Vân Thanh để kỷ niệm một truyện ngắn đầu tay được chọn đăng trên nhật báo TIẾNG CHUÔNG có ba nhân vật là Huyền, Vân và Thanh. Đột nhiên biết được tôi có thơ văn đăng báo, ông Thế đọc và góp ý, phần nhiều là khen tôi có triển vọng, cố gắng trau giồi chắc sẽ thành đạt. Từ đó, mối giao tình giữa tôi với ông càng bền chặt. Lúc ông cộng tác với ông Huỳnh Minh (chủ trương NXB Cánh Bằng) để viết cho ông ấy những quyển sách về đất nước con người, tôi biết rất rõ. Ngay như quyển CẦN THƠ Xưa và Nay, ông Thế viết tại Cần Thơ dựa theo những tài liệu sưu tập của ông Huỳnh Minh, và trong quyển đó, có những phần vì gấp rút quá, ông đã đưa tài liệu và bảo tôi viết tiếp, viết xong đưa lại ông sửa chữa cho hoàn chỉnh, và đừng để ông Huỳnh Minh biết. Tôi đã viết các phần trong quyển sách đó: Cần Thơ qua thi ca, Bến Lê Lợi ngày xưa, Bến Ninh Kiều ngày nay, Bến Nhị Kiều, Vườn Thầy Cầu... Nhưng quyển nầy khi mang về Sài Gòn, ông Huỳnh Minh đã nhờ một người khác sắp xếp xáo trộn đôi chút nội dung, thêm vào mấy bài nữa, khiến cho quyển sách mất hẳn sự dàn dựng của ông Thế. Riêng quyển GIA ĐỊNH Xưa và Nay thì ông Huỳnh Minh đã điện mời ông Nguyễn Bá Thế lên Sài Gòn, ở hẳn tại nhà ông trong một hẻm trên đường Phan Đình Phùng để viết liền một mạch trong mấy đêm, xong thì mang đi nhà in nên quyển nầy còn đúng với sự sắp xếp của ông Thế. Như vậy, việc xuất hiện những quyển sách trong tủ sách nhà xuất bản Cánh Bằng của ông Huỳnh Minh phần nhiều có sự biên soạn của ông Nguyễn Bá Thế nhưng không có ông đứng tên.
Tôi còn được biết, khi cộng tác với nhà xuất bản Tân Việt Sài Gòn của ông Lê Văn Văng, ông Nguyễn Bá Thế đã xuất bản nhiều đầu sách. Riêng bộ THỦY HỬ in nhiều tập mỏng, không đứng tên ông là dịch giả và bình giải, mà ghi là Ban Tu Thư Tân Việt. Nhiều tài liệu bản thảo của ông đã bị người ta mượn rồi sử dụng và xuất bản mà không hề cho ông hay biết, vậy mà khi biết được, ông cũng mỉm cười, lắc đầu rồi... bỏ qua!
Những ngày cùng ông thực hiện tạp chí MIỀN TÂY THĂNG HOA, ông thường nói với tôi, cố gắng làm sao thực hiện đúng tôn chỉ đề ra, tô điểm non sông VIỆT, bồi dưỡng văn hoá VIỆT, và ông muốn tôi nghiên cứu cách trình bày cụm từ nầy bên góc phải bìa 1. Tôi đã trình bày hai hàng chữ tô điểm non sông và bồi dưỡng văn hoá... cùng đọc với một chữ VIỆT lớn. Những bài vở chọn đăng trong tạp chí phải chọn lọc và tiêu biểu cho hướng đi của mình: văn hóa dân tộc. Tôi còn nhớ, ông đã đề xuất các chuyên mục TRẦM TƯ, LỐI KIM CỔ LẮNG TIẾNG ĐÀN LÒNG, THI ĐÀN TÂY ĐÔ... thu hút sự theo dõi và đóng góp bài vở của các bạn văn nghệ gần xa. Anh Tiêu Văn Kía (hoạ sĩ Giao Thủy) đã giúp đỡ chúng tôi ngay từ buổi đầu với mẫu bìa thật văn nghệ. Qua số thứ hai và thứ ba thì tôi đồng ý đưa ảnh các nhân vật được ông viết bài trọng tâm trong mỗi kỳ báo: số 2, ảnh NGUYỄN THẦN HIẾN, số 3 ảnh TRẦN CHÁNH CHIẾU. Riêng số 4 tôi chọn ảnh chụp dòng rạch Cái Khế của Trần Văn Bé vì đề tài tập trung viết về quê hương, nhưng đưa đi in thì gặp cơn quốc nạn 30-4-75 (sẽ nhắc lại ở phần sau).
Tôi đi tù cải tạo mất sáu năm. Khi trở về và gặp lại ông, sức khoẻ của ông có phần giảm súc, nhưng ông vẫn tiếp tục viết. Những loại bài của ông viết thì khó mà được chế độ mới chấp nhận, nên bản thảo của ông chất đầy cả ngăn tủ trong nhà. Nhà quá chật, ông phải lựa tuyển những sách báo nào cần giữ, còn lại thì “cân ký” cho những người mua ve chai lông vịt. Ông đành đoạn vứt bỏ đi nhiều tài liệu mà đúng ra ông cần phải lưu giữ bởi nghề nghiệp biên khảo của ông, bởi vì gia đình ông quá nghèo, nhà chật hẹp, và mưa ẩm, mối mọt... Tôi thì không thể giúp được ông, bởi mới ra tù, còn đang bị quản chế và lúc nào cũng có những cặp “mắt khóm” để tâm theo dõi, đành chỉ ghé thăm ông trong tình nghĩa ngày xưa. Đến khi tôi ít bị theo dõi, thì sức khoẻ của ông lại bị giảm sút trầm trọng, không còn đi đứng bình thường nữa, tôi đâm lo cho mạng sống của ông giữa cảnh đời nghiệt ngã và chẳng có chút quý trọng công trình biên khảo mà ông đã đeo mang.
Khoảng năm 1990, tôi đã có những dòng viết về ông cho một đoạn phim tư liệu với nhan đề GÌN VÀNG GIỮ NGỌC, mà phần mở đầu tôi còn nhớ:
“Giữa cái ồn ào náo nhiệt chan chát những tạp âm làm đinh tai nhức óc sáng chiều; giữa cái tĩnh lặng đến rợn người của thời gian khuya khoắt yên lành sau một ngày lao động bởi chén cơm manh áo, bởi nhu cầu cần thiết trong cuộc sống đời thường của mỗi con người tại thành phố Cần Thơ trên dưới ba trăm ngàn dân, vẫn còn có một sự trăn trở, suy tư, miệt mài, thầm lặng làm việc theo nhịp gõ thời gian và độ dầy trang viết. Tôi muốn trân trọng nói đến sức lao động quí hiếm của nhà sưu khảo văn học NGUYỄN BÁ THẾ…”.
“Ông NGUYỄN BÁ THẾ sinh ngày 19-11-1925 tại làng Thường Thạnh, Cái Răng, Cần Thơ. Căn nhà nơi ông được sinh ra nằm trên bờ sông Cần Thơ, một nhánh của dòng Hậu Giang hiền hòa, quanh năm mang phù sa nước ngọt tưới mát vườn xanh cây trái, đồng ruộng bao la. Câu hát dân gian “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền...” có lẽ đã in sâu trong tiềm thức ông từ thuở nằm nôi nên ông đã sớm đi vào con đường sáng tác văn học từ thời rất trẻ”.
Ông có cuộc sống nghèo khổ, thanh bần. Căn nhà lá lụp xụp trong hẻm Vú Sữa, nay mang số 15/59 đường Hoàng Văn Thụ (Duy Tân cũ), gắn bó với ông đến mấy mươi năm, kể từ khi nhạc phụ là cụ Lý Cẩm Hỷ đã mua cho vợ chồng ông sinh sống: ông thì viết sách, vợ ông thôi dạy học, đi buôn bán để phụ giúp việc sinh kế gia đình. Hầu như cả quãng dài thời gian sống ông chỉ tập trung đến viết. Đời sống gia đình hoàn toàn do vợ ông cáng đáng với gánh hàng rong mà thời hàn vi bạn bè ông ai cũng xúc động trước hình ảnh thân cò lặn lội của bà đối với chồng, với đàn con đông. Cụ Lý Cẩm Hỷ (đã mất vào dịp Tết 1994), lúc còn sinh tiền, đã có dịp kể lại thuở hàn vi của ông NGUYỄN BÁ THẾ như sau:
“Tôi với anh Tư Thụ (Nguyễn Bá Thọ) bạn từ thuở nhỏ cho tới lớn. Sau nầy, năm 1945 tôi về Cần Thơ, tôi không còn ở Cái Răng nữa. Một thời gian, Thế ra cho tôi hay là anh Tư đã qua đời rồi. Tôi nghe nói vậy tôi buồn nao nao. Nhưng mà tôi với ảnh là bạn cố giao với nhau cho nên chia buồn mà man mác trong lòng. Từ đó, thằng Thế thường ra nhà tôi, mang sách báo ra biếu. Tôi với nó cũng thường xướng họa với nhau. Tôi thấy rằng, thằng Thế càng ngày tư tưởng càng cao, viết văn càng rộng. Mà tôi nhớ lời ký thác của anh Tư, nó nghèo, có hiếu lại thêm có chí có tài, nên tôi thật tình thương nó. Tôi chợt nghĩ, trời đất sinh ra cây hoa thì hoa nào cũng nở; mà trời đất sinh ra con người, người nào cũng có một lúc nở như hoa. Người ta có đất trồng cây để mong ăn quả, còn tôi không có đất thì tôi cũng tìm cách trồng người để mong một ngày thấy được nguồn hạnh phúc thì thôi.”
“Tôi dặn Thế về nói lại với chị Tư, tôi gả con Năm cho Thế. Hai tháng sau con Năm về làm dâu nhà họ Nguyễn. Con Năm đi dạy học, thằng Thế viết sách. Một thời gian nó ra nói với tôi cuộc sống khó khăn, muốn ra Cần Thơ ở. Tôi lên đường Vú Sữa tìm mua cho nó một cái nhà. Và tôi nói với vợ tôi là hãy tìm cách giúp cho nó về vật chất, về tiền bạc, giúp thế nầy, giúp thế khác để cho qua những cơn khủng hoảng. Con Năm nghỉ dạy, đi buôn bán để phụ lo việc sinh kế gia đình....”
Và, cụ Lý Cẩm Hỷ cũng đã kết thúc suy nghĩ của mình về đứa con rể, như sau: “Thằng Thế năm nay (28-4-1991) có tật mà cũng có bệnh nhiều, nhưng cái tài viết sách, nếu không bị bạc đãi cũng có tiền, có sự đóng góp với quê hương, đất nước. Viết rất hăng say, viết không mệt mỏi như con tằm nhả tơ để dệt gấm thêu hoa, như nhả ngọc phun châu để cái hay cái phải lại cho đời sau, cho đất nước, Vợ chồng tôi cũng mãn nguyện”.
Mấy năm sau nầy sức khoẻ yếu, không đi lui tới được, phần nhiều nằm tại chỗ, ông đọc sách và luôn trăn trở, suy tư. Cần ra bàn viết phải có hai người khiêng chớ không thể dìu đỡ. Mỗi tuần lễ chỉ có một hoặc hai ngày ông ra bàn ngồi viết được. Những lúc đó ông cố gắng làm việc như sợ thời gian khắc nghiệt sớm cướp đi những hoài bão mà ông đã ôm ấp đam mê.
Quí trọng một con người có sức lao động bền bỉ, có sức làm việc phi thường, tháng 4-1991, tôi có dịp đến thăm ông và hỏi ông một số chuyện liên quan đến lãnh vực văn học mà ông trót đã vương mang. Được biết, từ năm 18 tuổi ông đã có bài đăng trên nhật báo ĐIỆN TÍN (năm 1943), phụ trang văn chương. Đến năm 20 tuổi viết rất nhiều trên các nhật báo, tuần san, tạp chí... Hầu hết các báo có lượng bạn đọc chọn lọc đều in bài viết của ông ký các bút hiệu THẾ NGUYÊN, NAM XUÂN THỌ, NHẤT TÂM, NGUYỄN BÁ THẾ...(các bút hiệu nầy đều có đứng tên trên các đầu sách đã xuất bản, ngoài các báo). Tôi đã hỏi vì sao có các bút hiệu đó, ông giải thích:
“Tên họ thật của tôi là NGUYỄN BÁ THẾ, ký tên THẾ NGUYÊN, tức là tên THẾ với họ NGUYỄN bỏ bớt dấu ngã. NAM XUÂN THỌ là một cửa hiệu của thân phụ tôi, cũng là nhà thơ, nhà soạn kịch, tên thật là NGUYỄN BÁ THỌ, bút hiệu Nam Sơn. Năm 1945 ông thân tôi mất. Do tấm lòng hiếu thuận, tôi mang danh NAM XUÂN THỌ để biểu dương tinh thần thân phụ tôi sống mãi với đời. Còn bút hiệu NHẤT TÂM, vì tên tôi là THẾ, về mặt chữ Hán, chữ THẾ có một nét ngang, tượng trưng cho chữ NHẤT; vòng chữ THẾ tượng trưng cho chữ TÂM, vì vậy NHẤT TÂM tức là chữ THẾ chiết ra. Lại nữa, tôi dùng phương châm với câu “NHẤT sanh háo đức TÂM như thạch”, và “Thường bả NHẤT TÂM hành chánh đạo”...
Năm 1943, Hội Khuyến học Cần Thơ mở cuộc thi văn chương mang tên Bùi Hữu Nghĩa, ông đã gởi hai tác phẩm dự thi là Tiểu thuyết LÒNG SON và Tập biên khảo GIA ĐỊNH TAM HÙNG nhưng không may mắn; lần nầy tác phẩm ĐỒNG QUÊ của PHI VÂN (Lâm Thế Nhơn 1918-1977) được trao giải nhất. Năm 30 tuổi ông bắt tay vào công trình biên soạn hai bộ sách giá trị: TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM và TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRUNG QUỐC cùng nhiều lãnh vực sáng tác khác.
Nhà xuất bản Tân Việt (Sài Gòn trước năm 1975) của ông Lê Văn Văng đã in của ông nhiều đầu sách về danh nhân Việt Nam trong tủ sách NHỮNG MẢNH GƯƠNG, dùng tham khảo trong chương trình bậc Trung học như: PHAN BỘI CHÂU, PHAN CHU TRINH, NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, NGUYỄN KHUYẾN, HUỲNH MẪN ĐẠT, VÕ TRƯỜNG TOẢN, NGUYỄN VĂN VĨNH, TÔN THỌ TƯỜNG, PHAN VĂN TRỊ, SƯƠNG NGUYỆT ANH... Ban Tu Thư Tân Việt cũng in tác phẩm của ông như TAM QUỐC BÌNH GIẢI, KIM CỔ KỲ QUAN, THỦY HỬ.
Truyện dịch TẾ ĐIÊN HÒA THƯỢNG đã được xuất bản ngay tại Cần Thơ những năm cuối thập niên 1940 (Được biết tác phẩm nầy tại Houston, báo The Viet Nam Post đã in lại rất nhiều kỳ, mang tựa TẾ CÔNG HÒA THƯỢNG dù trong nước ông đã hay biết việc nầy, nhưng chẳng ai thèm chi trả tiền nhuận bút cho ông!).
Nhà xuất bản Nguồn Sáng năm 1949 đã in nhiều tiểu thuyết của ông: TÌNH VÀ NGHĨA VỤ, LÁ CỜ HỒNG THẬP, CÔ KÝ (HIỀN), LỘT VỎ,... Nhiều báo ngày đã in feuilleton các tiểu thuyết NGHỊ LỰC, SON SẮT MỘT LÒNG, CÔ GIÁO ÁNH, MỘT CHỮ ĐỒNG, OÁN TÌNH, GIÓ NGHĨA TRĂNG TÌNH, CHIM VIỆT CÀNH NAM, CHIM VIỆT VỀ NAM...
Các loạt bài đăng nhiều kỳ trên các báo ngày ở Sài Gòn thu hút lượng độc giả đáng kể như: Chí sĩ trên đường Duy tân cứu quốc, Tinh hoa nòi Việt, Những bậc Cao tăng, Những bậc Tiết nghĩa, Phụ nữ lỗi lạc, Nước non nhà, Lối kim cổ, Lắng tiếng đàn lòng. Tuần báo Văn Đàn của Phạm Đình Tân đã in nhiều bài biên khảo giá trị của ông như NGUYỄN TRƯỜNG TỘ... và loạt bài KHẢO VỀ TIẾNG VIỆT gây sự chú ý của nhiều người khoảng năm 1963. Ông đã cộng tác rất nhiều báo ở miền Nam trước năm 1975 như ĐIỆN TÍN, THỜI CUỘC, CHUÔNG MAI, VIỆT THANH, VIỆT BÚT, LẼ SỐNG, BUỔI SÁNG, ĐUỐC NHÀ NAM, DÂN NGUYỆN, TIẾNG DÂN, DÂN TIẾN, TINH THẦN, HOÀ ĐỒNG, VĂN ĐÀN, THẾ GIỚI, PHỔ THÔNG v.v... Năm 1973, tại Cần Thơ, ông đứng tên chủ biên tạp chí MIỀN TÂY THĂNG HOA với ý niệm – đúng hơn là tôn chỉ: “Tô điểm non sông VIỆT, Bồi dưỡng văn hóa VIỆT”, phụ trách kỹ thuật là Huyền Vân Thanh, ra được 3 số, đến số thứ tư đang lên khuôn ở nhà in Cần Thơ ấn quán thì gặp phải quốc nạn 30-4-1975 đành hủy bỏ. Ngay trong MIỀN TÂY THĂNG HOA số 3 đã khởi đăng bộ sách VIỆT SỬ NHÂN DANH TỪ ĐIỂN (tức TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM).
Bộ TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM được ra đời (chỉ trong vòng vài tháng lại được tái bản lần 2), ông cho biết là nhờ công lao của ông Nguyễn Q. Thắng lo mọi việc (chạy lo giấy phép, lo vốn in v.v...). Hỏi ý kiến ông sau hai lần in tác phẩm nầy, ông tâm sự: “Bộ TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM đúng ra có tới hơn bốn ngàn năm trăm nhân vật, nhưng lúc đầu mới hợp tác với ông Nguyễn Q. Thắng, chỉ đưa ra khoảng 1/3 số lượng mà thôi. Bản in lần 2 có bổ sung một số nhân vật nhưng không phải ông đưa vô (mà do ông Thắng đưa vô các nhân vật cận đại của chế độ!). Hy vọng sau nầy sẽ phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc hơn!”. Ông đánh giá ngắn gọn: “Còn nhiều sai sót, sắp xếp lộn xộn, mẫu tự không tiện tra cứu; sai nhiều chi tiết so với bản thảo ban đầu; một số sai sót khác về kiến thức mà đúng lý ra không thể có đối với cuốn từ điển”.
Trong khi đó, báo TUỔI TRẺ số 143/91 (1832) ra ngày 5-12-1991 đã viết: “(...) Với 1.128 trang sách, quyển từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam đã tập họp giới thiệu khoảng 1.500 tiểu sử nhân vật từ thời cổ cho đến những thời gian gần đây nhất. Khác với loại từ điển danh nhân, quyển TĐNVLSVN giới thiệu cả người tốt lẫn kẻ xấu, những nhân vật đã từng có một vai trò nhất định nào đó trong sự hình thành thực tế lịch sử của mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Vì thế chúng ta có thể tìm thấy trong công trình biên khảo nầy đủ hạng loại nhân vật, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đã từng xây dựng và phá hoại, trong số có những nhân vật ta chỉ thường nghe nói tên nhưng không rõ lai lịch, hành trạng mỗi khi cần đến. Sách có in kèm khoảng 300 chân dung nhân vật, tóm lại, là một quyển sách để đọc và để tra cứu rất tốt, rất cần cho các bạn trẻ hiếu học...”.
Nhiều nhà văn, người nghiên cứu giảng dạy văn học có nhận xét: “NGUYỄN BÁ THẾ là người lao động văn học nghệ thuật hết mình, sống có tình và dễ tin người”. Đến với ông ai cũng choáng ngợp bởi những chồng bản thảo đầp ắp. Ngay như bộ TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRUNG QUỐC đã được ông biên soạn công phu, cùng lúc với bộ TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM, với hơn mười ngàn nhân vật từ cổ xưa đến cận đại, in ra phải hàng vạn trang sách, đang được hoàn chỉnh, chép sạch trong hưng phấn của ông (ông rất sợ sức khoẻ nghiệt ngã cướp đi sự sống khi chưa làm xong công trình !). Còn việc in ấn? Theo ông và cả chúng tôi đều cảm nhận chắc còn lâu! Bởi đâu ai chịu bỏ ra khoản tiền “kếch sù” để in một tác phẩm “đồ sộ” nhưng khó bán trong cơ chế thị trường trong nước hiện nay? Nhưng khó phủ nhận công trình lớn lao, đúng ra phải do một tập thể trí thức, học giả đông đảo cùng hợp tác, thì chỉ môt mình ông thui thủi mày mò, tra cứu, tìm kiếm, chắt lọc để hoàn thành trong điều kiện nghèo túng của gia đình, sức khoẻ thì ngày càng giảm sút, không đồng tình với ý chí và tâm huyết của ông.
Biết ông đam mê với những công trình sưu khảo văn học, tôi đã hỏi ông vì sao, ông nói: “Vì nghĩ rằng, viết tiểu thuyết hay làm thơ, nếu có trình độ văn hóa, tích lũy vốn sống nhiều, cộng thêm năng khiếu... thì ai cũng có thể làm được. Nhưng trong lãnh vực sưu khảo, đòi hỏi phải tốn nhiều công phu nghiên cứu, đòi hỏi nhiều sách vở, và phải chịu khó nhọc dài hạn, có thể hàng chục năm mới có thể xong được tác phẩm. Riêng tôi, tuổi đã cao, ngồi tại nhà dễ làm những lãnh vực sưu khảo hơn, nên tôi đã lao vào công tác nầy mà bớt đi phần sáng tác. Tất cả chỉ vì với mục đích phụng sự văn hoá dân tộc, tôi nghĩ vấn đề sưu khảo văn học là quan trọng. Hơn thế nữa, dân tộc nào cũng cần có một nền văn hóa. Di sản văn hóa dân tộc là điều đáng trân trọng. Do đó vấn đề sưu khảo tôi mê say hơn hết, nhằm cống hiến cho đời sau, để khỏi phải nhọc lòng đi tìm những cái di sản văn hóa còn rải rác nhiều nơi. Làm lãnh vực công tác khảo cứu văn học giúp ích cho người sau đỡ vất vả đi tìm, và di sản văn hóc dân tộc được bảo toàn”.
Chính vì vậy mà trong chồng bản thảo của ông, đã có những bộ sách rất quý được hoàn thành. Trước khi rời Việt Nam, tôi đến chào tạm biệt, ông NGUYỄN BÁ THẾ đã đưa tôi xem các bộ sách đó trong dạng bản thảo sửa chữa xong:
- GƯƠNG CHÍ SĨ: sưu tập tất cả các tấm gương chí sĩ VIỆT NAM.
- GƯƠNG NGHĨA LIỆT: sưu tập tất cả các gương nghĩa liệt VIỆT NAM.
- GƯƠNG NỮ LƯU: sưu tập tất cả gương nữ lưu tài tuấn VIỆT NAM.
- CAO HIỀN XỬ SĨ: Theo ông, trong lịch sử VIỆT NAM, từ xưa đến nay ông chỉ chọn ra được 6 nhân vật là Tiều Ẩn CHU AN, Băng Hồ TRẦN NGUYÊN ĐÁN, Tuyết Giang Phu Tử NGUYỄN BỈNH KHIÊM, La Sơn Phu Tử NGUYỄN THIẾP, Hải Thượng Lãn Ông LÊ HỮU TRÁC, và Sùng Đức VÕ TRƯỜNG TOẢN.
- GIỌT LỆ CHUNG TÌNH: nói về tình sử của các đôi văn nghệ sĩ, anh hùng liệt sĩ, chí sĩ, là bộ sách tâm đắc nhất của ông dành cho thanh thiếu niên...
Và rất nhiều loại bản thảo khác như HỢP TUYỂN THƠ VĂN ĐỀ VỊNH: Di tích, Thắng cảnh, Danh nhân Việt Nam v.v...
Nhận xét về nhà sưu khảo NGUYỄN BÁ THẾ, giáo sư dạy Quốc Văn LÊ VĂN QUỚI (đã dạy tại trường Phan Thanh Giản liên tục trên 33 năm) đã nói:
“Tôi về Cần Thơ năm 1964, đến nhà anh THẾ năm 1966. Đến nhà là có chuyện về văn học, tức lúc đó tờ TRIỀU SỐNG XANH trường PHAN THANH GIẢN muốn đặt lại nghi án tao đàn vụ TTKH. Đến là do sự giới thiệu của Lê Hoàng Viện và Tiêu Văn Kía, và đến gặp anh THẾ.
Tôi nói chung, dạy học nghiên cứu sách vở kỹ lưỡng, đầu tiên đến nhà anh THẾ, cái mà choáng ngợp là tủ sách và kế đó là nhân cách của một nhà văn, một nhà nghiên cứu. Trước đó ở Sài Gòn, tôi đi sưu tầm những quyển trong tủ sách NHỮNG MẢNH GƯƠNG của Nhà xuất bản Tân Việt, tôi lại thấy công trình sưu khảo của một nhà văn miền Nam quá lớn nhưng mà chưa thấy được con người. Và lần đầu tiên gặp một con người ốm yếu, bệnh hoạn mà làm việc như vậy, đó là bậc thầy của mình.
Từ chuyện vụ án tao đàn TTKH, ông THẾ giúp cho tôi một số tài liệu, rồi sau đó vụ Thần Liên LÊ VĂN TẤT thì cũng nhờ anh THẾ. Chính hai bài đó tuy không phải là công trình nghiên cứu sâu, kỹ, nhưng cũng giúp tôi đi vào con đường văn học qua hai cái đó – nhờ anh THẾ – Từ đó tôi coi anh, ngoài người thầy để dẫn đường mình đi trong sáng tác, trong dạy học, thì còn là người anh thân thiết. Tôi đến tôi thăm và gặp gỡ nhiều lần. Và ngay lần đầu tiên đến anh, tôi xúc động quá, về nhà tôi có viết bài thơ KIẾP TẰM để tặng cho anh. Sau nầy vì cơm áo tôi không có dịp thường xuyên đến thăm anh.
Năm 1982, anh Sơn Nam xuống Cần Thơ nói với tôi: “Thôi mầy dẫn tao đi thăm ông THẾ chơi”. Hai anh em tôi đã đến căn nhà nghèo nàn như thuở nào để gặp anh. Tôi dòm ảnh trong hình thể ốm o còm cõi, bệnh tật mà vẫn làm việc. Tôi rút ra suy nghĩ như thế nầy:
Con người nầy cách đây mười mấy năm mà tôi gặp so với bây giờ không khác bao nhiêu. Nổi bật ở anh THẾ có ba nét mà tôi thấy:
- Nét thứ nhứt: là dễ tin người.
- Nét thứ hai: là yêu đời.
- Nét thứ ba: là nhiệt tình làm việc mà không phải ai cũng có nhiệt tình đó”.
Anh giải thích: “Anh THẾ dễ tin người lắm. Nói chung những sách vở, những bài sưu khảo, những sáng tác của anh, dù là bạn văn ở Nam, Trung, Bắc ở xa đến, hễ nói một vài lời là anh cho mượn. Cho mượn mà không cần biết có trả lại hay không. Cho nên từ đó mới thất thoát một số rất nhiều. Tôi cũng được biết, nhưng điều nầy có lẽ phải đặt lại, và tôi muốn rằng trong văn học thì lấy sự chân thực làm phương châm , cho nên “Cái gì của NGUYỄN BÁ THẾ phải trả về cho NGUYỄN BÁ THẾ”.
Theo tôi được biết, và biết rất chính xác, là những công trình sưu khảo của những người nổi tiếng về quê hương đất nước, trong đó có CẦN THƠ Xưa và Nay, Mỹ THO Xưa và nay, GIA ĐỊNH Xưa và nay, VĨNH LONG Xưa và nay..., thì trong đó có phần đóng góp của anh THẾ rất lớn. Và vì dễ tin người nên anh dễ bị ngưòi ta lợi dụng. Đó là những điều mà chúng ta cần nên đặt lại nếu có dịp nào đặc biệt nói về anh THẾ.
Kế đó là yêu đời. Anh Sơn Nam khi rời khỏi hẻm Vú Sữa, đã nói “Anh THẾ ảnh khoẻ hơn tụi mình, bởi bấy lâu nay ảnh sống trong nhà, ảnh thấy cái gì cũng đẹp. Ảnh không đi ra ngoài nên sống hạnh phúc hơn tụi mình !”. Tôi nghĩ anh Sơn Nam nói hạnh phúc đó là nói với sự kính trọng thật sự. Hạnh phúc ở đây là nhìn đời đẹp và qua tâm hồn rất đẹp. Anh THẾ dù còn có mặt hay sau nầy không còn có mặt nữa, thì rõ ràng những công trình anh để lại cho đời rất đẹp. Đó là gương những danh nhân; đó là gương của người mà tôi gọi là học giả, làm việc khoa học, làm viêc nghiêm túc, làm việc nhiệt tình, và làm việc bằng tất cả tấm lòng của mình dù trong cái cũ hay cái mới. Anh THẾ vẫn là anh THẾ - vẫn là một con người mà tôi nghĩ rằng cái từ anh dùng ĐAN TÂM - tấm lòng son - “Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”, tức là để tấm lòng son muôn đời cho sử sách - cái đó là cái mà tôi bao giờ cũng trân trọng. Và, tôi thấy trong những người quen biết, những người làm công tác văn học, thì anh THẾ là người xứng đáng nhứt với cái từ ĐAN TÂM để lại cho đời... Đó là những suy nghĩ bước đầu của tôi về anh NGUYỄN BÁ THẾ”.
Ông NGUYỄN BÁ THẾ bị bệnh lãng tai từ nhỏ, nay hoàn toàn không còn khả năng nghe được. Tiếp xúc với ông phải dùng bút đàm. Chúng ta hỏi ít, nhưng ông đọc và hiểu nhiều để sẵn sàng trao đổi không ngưng nghỉ. Nhiều bạn văn nghệ khắp nơi, có dịp về qua Cần Thơ đều tìm cách đến gặp và thăm ông. Quyển sổ ghi cảm nghĩ lưu niệm của riêng ông có đến mấy cuốn, đã lưu giữ lại những suy nghĩ riêng tư, rất thật và cũng rất quí đối với riêng ông, đối với con đường sưu khảo văn học mà ông đã trót vương mang.
Trong quan hệ nghề nghiệp, ông đã tiếp xúc rất rộng từ Nam chí Bắc, nhiều chức danh và nhiều thế hệ cầm bút mà bây giờ trong tủ sách của ông còn lưu lại những phong bì vàng úa màu thời gian. - đây xin tạm kể ra (dù không thể đầy đủ), như các cụ Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Phạm Văn Diêu, Phạm Đình Tân (tuần báo Văn Đàn), Thái Văn Kiểm (Văn hoá Nguyệt San), Đông Hồ Lâm Tấn Phác (BNX Bốn Phương và Yễm Yễm Thư Trang), Trần Tấn Quốc (Buổi sáng, Tiếng Dội, Đuốc Nhà Nam), Huỳnh Hoài Lạc (Chuông Mai, Thời Cuộc), Nguyễn Vỹ (Phổ thông, Dân Ta, Thằng Bờm), Huỳnh Minh (NXB Cánh Bằng), Tương Phố, Vũ Anh Khanh, Yến Lan, Thuần Phong Ngô Văn Phát, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hầu, Sơn Nam, Thanh Việt Thanh, Thiên Hà, Nguyễn Tài Năng, Hà Thủy, Việt Chung Tử, Huyền Vân Thanh, Lê Hà Uyên, Lê Trúc Khanh, Phương Giang, Nguyễn Bạch Dương, Lưu Quốc Bình, Trịnh Bửu Hoài, Võ Minh Đường, Quyên Ca, Hải Âu Lương Diệu Phương, Khế Iêm... Đặc biệt Nhà văn Bác sĩ Huỳnh Hữu Cửu ở Cali, là người cùng quê Cái Răng, cũng là bạn của ông, trước đây cũng có thư từ trao đổi và cũng có dịp giúp đỡ ông trong những lần khốn khó. Chính sự liên hệ nầy mà ngay từ trong nước, tôi đã đọc được tác phẩm SÔNG Mỹ SÔNG VIỆT của BS Huỳnh Hữu Cửu gởi về tặng ông NGUYỄN BÁ THẾ.
Với một con người có tâm hồn và ý chí, luôn cố vượt lên sức khoẻ mình để viết, viết nhiều trong lãnh vực biên soạn, sưu khảo văn học, đúng là mẫu người lao động cần cù, quí hiếm, nêu gương sáng cho người cầm viết không chịu buông xuôi trước hoàn cảnh. Anh LÊ TRÚC KHANH, một giáo sư dạy văn, cũng là nhà thơ, lúc gặp gỡ ông NGUYỄN BÁ THẾ thời còn rất trẻ (năm học Đệ Tứ PTG - 1964), đã nói về ông NGUYỄN BÁ THẾ như sau:
“Tôi quen với anh THẾ từ năm 1964. Và có lẽ kỷ niệm mà không bao giờ quên được là những lần gặp gỡ ở một ngôi nhà rất nhỏ ở đường Vú Sữa trong những năm 60 đó, anh em chúng tôi làm văn nghệ, phải nói rằng suốt những thời gian đó anh NGUYỄN BÁ THẾ lúc nào cũng là bậc đàn anh xứng đáng, đã tận tình giúp đỡ và luôn luôn quan tâm đến việc làm văn nghệ của chúng tôi trong những năm đó. Từ sau năm 1975 trở về sau nầy, do nhiều công việc khác và bận lo sinh kế nên tôi đã không còn thường xuyên công tác và làm văn nghệ nữa, nhưng bao giờ cũng vậy, tôi vẫn nghĩ anh mãi mãi là tấm gương cho tôi noi theo. Đó là tấm gương của một đời sống trong sạch, vô cùng cao quí mà chỉ cần nhìn là chúng ta đã xúc động chớ không cần phải tìm hiểu nhiều. Và với anh NGUYỄN BÁ THẾ, trong lòng tôi vẫn nghĩ rằng, dù bây giờ hay sau nầy nữa, chắc chắn rằng những tác phẩm của tác giả để lại cho đời vẫn là những điều làm cho chúng ta suy nghĩ về một con người lao động nghệ thuật hết sức chân chính, rất là cao quí, nhưng lại rất gặp nhiều cái không may mắn trong cuộc sống. Và nhất là những tác phẩm anh để lại cho đời, từ những bài thơ, bài văn, các cuốn sách mà anh sáng tác, biên soạn đều rất cao quí. những con người được đưa vào tác phẩm đó, đều mang dáng vẽ đẹp đẽ về tư cách, về nhân phẩm, và tôi nghĩ rằng, đó là điều mà anh THẾ muốn ký thác vào trong đó...”.
Qua những ý kiến trích dẫn trên đây, tôi vẫn nghĩ rằng, ông NGUYỄN BÁ THẾ thật sự là người GÌN VÀNG GIỮ NGỌC, một kho báu văn hóa dân tộc quí hiếm cần được trân trọng. Thế nhưng, qua mấy dòng thư ngắn ngủi, có lẽ cô Nguyễn Thị Băng Trinh (người con gái mà có dịp tôi đề cập là sẽ lưu giữ cái sản nghiệp vô giá của thân phụ để lại) cũng không thể viết dài hơn được:
“Ba Băng Trinh mất rồi. Ông NGUYỄN BÁ THẾ mất thật rồi. Vĩnh viễn. Anh V. có nhớ lời chúc trong thiệp Xuân gởi Ba tết nầy không? “Chúc Băng Trinh luôn can đảm vượt qua mọi thử thách để xứng đáng với con đường mà chú THẾ đã chọn đi” Ba em nói: “Thằng V. nó chúc đúng lắm đó con, để vài bữa Ba khoẻ, Ba đọc cho con viết thư gởi cho nó”. Rồi đó căn bệnh cứ hành đau đớn hoài đến 27 Tết thì Ba mất sức trầm trọng, muốn đi bệnh viện, Ba bảo – Ráng qua Tết để tụi con còn lo làm ăn. Tụi em mời bác sĩ điều trị tại nhà. Đến tối mùng 1 Tết, Ba hôn mê chết đến 8 phần, sức khoẻ không cho phép Ba đi bệnh viện nữa. Bác sĩ nói, vào viện cũng kéo dài thêm ít ngày đau đớn thể xác thêm chứ không cứu vãn nỗi. Sáng mùng 4 Tết, một số bạn bè đến thăm Ba: Phương Giang, Thầy Quới, Nghiệp, Hà Huy Thanh. Bác Hoàng Lạc Uyển ở Sài Gòn cũng có xuống thăm Ba. Và sau những ngày hành xác đến 11 giờ 1o phút sáng ngày 2-3-1996 (13 tháng giêng Bính Tý) Ba trút hơi thở cuối cùng. An táng tại nghĩa trang Từ thiện, bót số 10, Châu Thành, Cần Thơ... (...). Nhớ ngày anh đến từ giã. Ba buồn lắm, nghẹn ngào Ba nói: Chúc vợ chồng em và hai đứa nhỏ ra đi thành công... Có lẽ ngày về chỉ còn thắp cho tôi nén nhang thôi”.
Đúng, tôi vẫn còn nhớ rất rõ lần chia tay đó, bên ngoài ông vẫn nói chuyện vui tươi, chúc lành tôi đủ điều, nhưng qua ánh mắt đối diện, tôi tìm thấy chút thoáng hiện cái buồn mênh mang, khó tả. Câu nói cuối cùng trong thư của Băng Trinh gởi cho tôi, thực sự ông THẾ nói rất sẽ sàng mà tôi như muốn che giấu đi, không dám lặp lại... vì đinh ninh nghĩ rằng, ông vẫn còn đủ nghị lực tiếp tục vượt qua bệnh tật để làm nên tác phẩm cho đời. Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Ông NGUYỄN BÁ THẾ, người mà tôi luôn kính trọng về nhân cách và sức làm việc đã vĩnh viễn ra đi. Một con người luôn lạc quan, yêu đời, không hề than van, trách móc bất cứ ai, kể cả số phận mình. Ông chưa bao giờ khiến người xung quanh có cảm giác buồn lòng, chán nản... vì sự sôi nổi, nhiệt tình đóng góp của ông liên quan đến nghề nghiệp sáng tác, biên khảo và cả cuộc sống thực ngoài đời.
Bây giờ ông hoàn toàn buông tay trước cuộc sống. Xin vĩnh biệt và nghiêng mình tưởng nhớ đến ông, thành tâm cầu nguyện trong cõi đời miên viễn, khi đã dứt được nợ đời, nợ văn, ông NGUYỄN BÁ THẾ thật sự tìm được bình an cho chính bản thân và tâm hồn mình bằng cả nhân cách con người mà lúc nào, vì nghiệp dĩ, ông luôn muốn gởi lại cho đời sau, minh chứng rõ ràng qua từng tác phẩm của chính ông đã viết ra và ký thác bao tâm huyết ở đó.
Trong chiều hướng trân trọng những công trình quý hiếm mà ông Nguyễn Bá Thế đã dành suốt cả cuộc đời vương mang, theo đuổi, đến khi vĩnh viễn xuôi tay vẫn chưa hoàn tất, như kiếp con tằm mãi mãi nhả tơ, tôi đã liên lạc với bạn đồng quê với ông là Nhà văn, Bác sĩ Huỳnh Hữu Cửu ở California, và cũng được sự ủy nhiệm của gia đình ông ở quê nhà qua cô Nguyễn Thị Băng Trinh, đã chính thức đưa lên trang báo BNS DÂN TA tại Houston, Texas, Hoa Kỳ (kể từ số báo 158, bộ mới, năm thứ 16, phát hành từ 28-6-1997 đến 11-7-1997), tác phẩm di cảo của ông đầu tiên giới thiệu ở hải ngoại: Bộ sách GƯƠNG CHÍ SĨ, trong tủ sách TINH HOA VIỆT NAM. Và, nếu không gì trở ngại, và được các văn nghệ sĩ, các mạnh thường quân, độc giả cảm thông và chia sẻ với ông, một con người đã dành hết tâm huyết theo đuổi con đường sưu khảo văn học và làm nên tác phẩm cho đời – một con người làm công tác gìn vàng giữ ngọc, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu di cảo còn lại của ông, để kho tàng di sản văn hoá dân tộc được bảo toàn như ý nguyện của ông trong điều kiện có được của mình.
Viết thêm về Nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế
Hãy trả về đúng sự thật
Một công trình tim óc
* tưởng nhớ hương linh Hà Huy Thanh
* tặng GS Lê Văn Quới và GS Lê Phước Nghiệp đã từng ray rứt về vấn đề chua xót nầy trong văn học.
Trong bài viết về nhà sưu khảo văn học NGUYỄN BÁ THẾ, tôi có đề cập đến một số công trình lớn mà ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu để biên soạn, trong đó có hai bộ sách TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM và TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRUNG QUỐC từ những năm ông mới ở vào độ tuổi 30. Có tài liệu bị một số người mượn không trả và lại lấy làm “của riêng” để xuất bản. Tôi tận mắt chứng kiến tập bản thảo do ông Nguyễn Bá Thế viết tay trên giấy học trò loại 200 trang “THƠ VỊNH KIỀU”, do một GS từ Sài Gòn xuống “mượn” sau đó được in và xuất bản hẳn hoi với tên GS là tác giả, nên tôi ngại loạt bài trong bộ từ điển NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM đang có người từ Sài Gòn muốn mượn rải rác một số trang về tham khảo… có thể bị sử dụng như Thơ Vịnh Kiều, nên tôi đề nghị ông Nguyễn Bá Thế đưa trước vô tuyển tập sinh hoạt văn học nghệ thuật MIỀN TÂY THĂNG HOA số 3 để “trước bạ”, (do ông Nguyễn Bá Thế chủ biên, tôi lo bài vở và phụ trách kỹ thuật). Tuyển tập nầy có xin kiểm duyệt và Giấy phép xuất bản số 73/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP ngày 27 tháng 8 năm 1974, dầy 100 trang. Trong đó từ trang 53 đến trang 93, khởi đăng bộ: VIỆT SỬ NHÂN DANH TỪ ĐIỂN, bên dưới ghi TUYỂN TẬP “Miền Tây Thăng Hoa” 1974. Số nầy đã phổ biến: Biêp tập đại ý, Lời nói đầu, Phàm lệ, Bản liệt kê danh hiệu các vị Hoàng đế, vương công cự khanh (gồm A. Đế hiệu, B.Vương hiệu, Vương tước, C. Công tước, D. Hầu tước, Đ. Bá tước, E. Tử tước, Ê. Nam tước, Phụ chú (tước hiệu các nhân vật Trung Hoa và các Võ quan Pháp có mặt trên lịch sử ta, có phong tước).
Tôi còn được biết, ông Nguyễn Bá Thế cũng đã viết một số đầu sách địa phương chí các tỉnh nhưng không đứng tên của ông. Cho nên, Giáo sư Lê Văn Qưới dạy Quốc Văn trường Phan Thanh Giản khi được tôi hỏi, ông đã nói: “Anh Thế dễ tin người lắm. Nói chung những sách vở, những bài sưu khảo, những sáng tác của anh, dù là bạn văn ở Nam, Trung, Bắc ở xa đến, hễ nói một vài lời là anh cho mượn. Cho mượn mà không cần biết có trả lại hay không. Cho nên từ đó mới thất thoát một số rất nhiều. Tôi cũng được biết, nhưng điều nầy có lẽ phải đặt lại, và tôi muốn rằng trong văn học thì lấy sự chân thực làm phương châm, cho nên “Cái gì của NGUYỄN BÁ THẾ phải trả về cho NGUYỄN BÁ THẾ”. Theo tôi được biết, và biết rất chính xác, là những công trình sưu khảo của những người nổi tiếng về quê hương đất nước, trong đó có CẦN THƠ xưa và nay, MỸ THO xưa và nay, GIA ĐỊNH xưa và nay, VĨNH LONG xưa và nay…, thì trong đó có phần đóng góp của anh THẾ rất lớn. Và vì dễ tin người nên anh dễ bị người ta lợi dụng. Đó là những điều mà chúng ta cần nên đặt lại nếu có dịp nào đặc biệt nói về anh THẾ…”.
Trở lại bộ TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM (lúc khởi soạn, ông dùng chữ VIỆT SỬ NHÂN DANH TỪ ĐIỂN), ông có tiết lộ là “có tới hơn bốn ngàn năm trăm nhân vật, nhưng bước đầu hợp tác với ông Nguyễn Quyết Thắng, chỉ đưa khoảng 1 phần 3 số lượng mà thôi. Bản in lần 2 có bổ sung một số nhân vật cận đại của ông Thắng đưa vô chớ không phải ông. Hy vọng sau nầy sẽ phối hợp chặt chẽ hơn”. Điều tiết lộ nầy đã cho thấy, ông Nguyễn Quyết Thắng đã không trung thực khi xác nhận sự hợp tác soạn thảo bộ sách nầy ngay từ đầu. Ông ta chỉ gặp gỡ ông Nguyễn Bá Thế lần đầu tiên vào gần giữa thập niên 1980 (chính xác là 31 tháng giêng năm 1984). Tôi khẳng định sự giao tiếp giữa ông Nguyễn Bá Thế và ông Nguyễn Quyết Thắng vào thời điểm đó. Còn nói rằng hai ông cùng hợp soạn là không đúng. Nếu nói khi gặp được nhau, biết được công trình soạn sẵn và ông Thế muốn nhờ giúp in ấn phổ biến, ông Thắng có bổ sung thêm tài liệu hoặc hiệu đính và lo việc xin phép in ấn có thể chấp nhận được.
Khi bộ TỰ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM do nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội cấp phép và in ấn phát hành năm 1991 (tái bản 1992), nhà xuất bản Văn Hoá tái bản lần thứ ba (1993) lần thứ tư (1997), công lao giao dịch là ông Nguyễn Quyết Thắng, tôi không chối cãi. Nhưng ông Nguyễn Quyết Thắng đã viết và trả lời báo chí trong nước khi ông Nguyễn Bá Thế qua đời, tôi có được đủ tài liệu để chứng minh là ông “gian dối” về thời gian tính cách hợp tác biên soạn bộ sách nầy từ ban đầu.
Để quý bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin in lại những bài báo liên quan đến vấn đề nầy.
1. Trước hết là bài viết của ông Nguyễn Quyết Thắng, trang Văn Hoá Văn Nghệ của báo Phụ Nữ số ra ngày 13-4-1996, với tựa: “Ai Sẽ In Những Công Trình Còn Lại?”. Ông Thắng viết [(những chữ in đậm nét hoặc gạch dưới là do tôi - LCT muốn nhấn mạnh)]: “Tôi quen ông Nguyễn Bá Thế (1925-1996) vào đầu năm 1971 (khi tôi về làm nhân viên giảng huấn tại ĐH Văn Khoa Cần Thơ) cho đến những năm cuối đời ông.
Dạy ở ĐH Văn Khoa và Sư phạm Cần Thơ hơn một năm, tôi qua lại nhiều lần với ông do cái duyên văn tự vì tôi vừa xuất bản cuốn Huỳnh Thúc Kháng, Con người và thơ văn, tôi gửi tặng ông ngay. Tôi gọi là duyên văn tự vì trước đó, ông là tác giả cuốn Huỳnh Thúc Kháng do nhà Tân Việt in lối năm 1958. Có lẽ do nghiên cứu về các danh nhân mà ông và tôi lập tức thân nhau, và cũng từ đó chúng tôi cùng nhau nghiên cứu về một vài công trình, trong đó có các đề tài về Nguyễn Thượng Hiền, Phan Văn Trị, Điển cố Văn học… nhất là bộ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam được NXB Văn Hoá in lần thứ ba (1993).
Trước khi quen thân ông, tôi đã theo dõi các loạt bài: Gương chí sĩ, Tinh hoa nòi Việt, Các chí sĩ trên đường duy tân… của ông đăng trên các báo ở Sài Gòn từ những năm 60. Từ khi tôi về dạy học ở Cần Thơ, việc tiếp xúc giữa ông và tôi thường xuyên hơn và công việc hợp soạn giữa chúng tôi được tiến hành khá suôn sẻ và nhanh vì lúc đó ông còn mạnh khoẻ và thính tai (từ những năm 80 tai ông đã bị liệt).
Sau khi bộ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ra đời được độc giả đón nhận nồng hậu, dù bịnh nặng (ông vừa bị liệt tai, vừa liệt thân phải ngồi hoặc nằm một chỗ), ông vẫn thường viết thư đôn đốc tôi (vì tôi đã chuyển về ĐH. SP Sài Gòn) cùng ông lo hoàn tất các đề tài đã làm, nhất là bộ Từ điển nhân vật lịch sử Trung Quốc [(ông Thế đã hoàn tất bộ sách nầy từ lâu (trước năm 1975) với hơn mười ngàn nhân vật và nếu in phải hàng vạn trang sách khổ lớn – LCT)], nhưng do tôi bận các công trình biên khảo riêng, nên tôi cứ lần lữa mãi và chỉ hứa với ông là tôi sẽ chỉ xin làm cái việc bổ sung, hiệu đính cho tác phẩm. Tuy vậy, ông vẫn tha thiết với việc hợp tác, nên trong các thư viết cho tôi, ông luôn nhắc: “chờ khi tay bắt mặt mừng với nhau, chúng ta sẽ bàn việc hợp tác biên soạn và xuất bản những bộ sách rất công phu và giá trị hơn nữa” (tháng 3-1992) hoặc trong thư ngày 4-10-1994 ông viết: “ Về bộ Từ điển nhân vật lịch sử Trung Quốc sẽ là tác phẩm xứng đáng vào kho tàng văn học trong niềm gắn bó cộng tác nhiệt thành, nhiệt tâm của chúng ta. Đã hiểu nhau, xin ông hãy tận tình giúp đỡ tôi hoàn thành chí nguyện tha thiết cống hiến và phụng sự văn hoá dân tộc, tổ quốc thân thương. [Tôi nghĩ ông Thế có viết thư đó, nhưng không hoàn toàn hợp tác biên soạn, mà chỉ muốn nhờ ông đứng tên chung để xin phép in và xuất bản như cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam – LCT].
Hôm nay đọc lại những dòng chữ trên, tôi vô cùng xúc động và cảm thấy áy náy vì chưa góp đủ công sức hạn hẹp của tôi vào bộ Từ điển nhân vật lịch sử Trung Quốc vì “lực bất tòng tâm” [Đúng, ông đâu có tài liệu gì về nhân vật TQ để đưa vô, trong khi bộ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ông đưa vô quá dễ dàng các nhân vật CS đương đại để lấy lòng đảng và nhà nước để xin phép in – LCT]. Nay ở nơi thăm thẳm của thế giới bên kia, mong hương hồn ông niệm thứ, vì có lúc tôi thoáng nghĩ, giá tôi bỏ công việc riêng thì biết đâu bộ sách trên có thể ra mắt độc giả trước khi ông vể cõi vĩnh hằng! [chưa chắc! – LCT].
Và tôi càng buồn hơn khi biết trước lúc ra đi ông còn để lại ngồn ngộn những công trình sưu khảo đang biên soạn dở dang như: Gương chí sĩ, Giai thoại văn học, Cao hiền xử sĩ Việt Nam, Chí sĩ trên đường duy tân cứu nước, Tên tự, hiệu danh nhân, Cây, hoa trái… [không phải biên soạn dang dở, mà ông Thế đã sửa chữa, bổ sung xong, đang chép sạch lại hầu hết các bộ sách trên – LCT].
Tôi viết mấy dòng này, trước là để tưởng niệm ông – một bậc đàn anh mà cũng là một người bạn vong niên trong duyên hàn mặc, sau là lời tâm nguyện, mong các cơ quan văn hoá, nhất là chính quyền tỉnh Cần Thơ nghĩ đến số bản thảo đồ sộ và các công trình dở dang của ông nói trên để chúng có thể ra mắt công chúng?
Tấm lòng của kẻ đến sau hay thốn tâm người quá cố!
Sài Gòn cuối tháng 3/1996.
2. Nhà báo Nguyễn Giao Thủy [(tức nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ mà trước đây tôi có dịp đưa anh đến gặp và thăm ông Nguyễn Bá Thế (đầu thập niên 1990) trước khi tôi rời VN)] của tuần báo Thanh Niên (Sài Gòn) số 31 ra ngày 2 tháng 8 năm 1992, đã làm cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quyết Thắng với bài viết “VỚI TINH THẦN TÔN TRỌNG SỰ THẬT”, có lời viết mở đầu của tác giả trước khi ghi hỏi đáp:
“Trong khi chúng ta chưa có một cuốn Tự điển Bách khoa toàn thư – công trình của một Viện Hàn Lâm – thì việc biên soạn những công trình giá trị, nhất là về lịch sử, nhằm chuẩn bị cho sự ra đời tất yếu của bộ Tự điển Bách khoa là vô cùng cần thiết.
“Tháng 11-91 cuốn TỰ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM do Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên soạn, Nxb Khoa học Xã hội xuất bản ra mắt công chúng, là một trong những đóng góp đáng quí đó; và đã được người đọc đón nhận nồng nhiệt.
Chưa đầy sáu tháng sau, cuốn sách này được in lần thứ hai. Đối với một công trình biên soạn công phu, có giá trị, dày đến 1.132 trang, viết về hơn 1.500 nhân vật lịch sử Việt Nam từ cổ đại cho đến năm 1988, là năm các nhân vật đương đại được đề cập qua đời, quả thật đây là một hiện tượng đáng mừng cho ngành xuất bản. Theo chúng tôi, tất cả những đóng góp cho nền văn hoá dân tộc, dù lớn hay nhỏ, đều rất đáng trân trọng. Chính vì thế, chúng tôi có cuộc gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Q. Thắng, một trong hai tác giả TỰ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM”.
TN: Xin ông vui lòng cho biết quá trình biên soạn và sự ra đời của bộ sách?
Ông Nguyễn Q. Thắng (N.Q.T.): Đây là công trình dài hơi và cũng là mối duyên hàn mặc của anh Nguyễn Bá Thế và tôi. Từ trước 1970, khi về giảng dạy ở Đại học Văn khoa Cần Thơ, tôi gặp anh Nguyễn Bá Thế, và chúng tôi nảy ra ý định cùng nhau hợp soạn bộ tự điển này. Công việc được tiến hành khá thuận lợi. Lúc đó anh Nguyễn Bá Thế (N.B.T.) cũng còn mạnh và tai chưa nặng. Cho đến năm 1975, công việc đã đạt kết quả khả quan. Nhưng rồi chúng tôi phải tự dừng lại… Có điều đáng nói là thời gian sau này chúng tôi làm việc rất vất vả vì anh N.B.T. bị nặng tai trầm trọng, chúng tôi phải trao đổi bằng bút đàm nên rất mất thì giờ. Cuối cùng, tôi nhận viết lại văn bản lần chót.
TN: Giữa việc biên soạn và việc xuất bản, chắc hẳn khó khăn cũng không kém gì nhau? Dẫu sao, sách cũng đã được in lại trong một thời gian ngắn. Và hẳn ông cũng phải thừa nhận là đối với loại sách nghiên cứu, tình hình gần đây có khá hơn?
N.Q.T.: Chúng tôi đưa bản thảo cho một số bạn bè đọc. Hầu hết đều đánh giá tốt, nhưng những người thận trọng lại cho rằng có lẽ phải cắt bỏ phần viết về “những tên tay sai bán nước” mới mong in được. Tuy nghe thế, nhưng chúng tôi vẫn nghĩ như điều đã nghĩ, đã làm; và sau cùng Nxb Khoa học Xã hội nhận bản thảo. Nhưng đưa sắp chữ từ đầu năm 1989 mà phải đến tháng 11-1991 sách mới ra được. Trong thời gian đó, giữa Nxb và chúng tôi đã có nhiều lần trao đổi, thậm chí tranh cãi rất ngay thẳng dựa trên các sử liệu. Và cuối cùng hai bên đã nhất trí về nhiều điểm (cách viết, cách xưng hô, cách sử dụng tài liệu…). Thiển nghĩ, ở đây chúng tôi đã dựa trên tinh thần khoa học, sử học để viết mà không chút tự ái, mặc cảm. Ở lần in thứ hai này, chúng tôi có bổ sung 80 nhân vật, phần lớn là các văn nhân, với đầy đủ tên các tác phẩm của họ. Sách phát hành ngày 27-5-1992, đến nay gần 2 tháng đã bán hơn nửa số lượng, như vậy là mãi lực khá cao.
TN: Còn về mặt tinh thần, ông nghĩ gì về sự tiếp nhận của công chúng?
N.Q.T.: Chúng tôi nhận được rất nhiều thư của độc giả, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, nơi phát hành sách rộng. Đặc biệt, trong một thư riêng, GS Dương Thiệu Tống viết cho chúng tôi có đoạn: “Lần đầu tiên sau nhiều chục năm tôi có được trên tay một cuốn Từ điển nhân vật lịch sử VN biên soạn công phu với tinh thần tôn trọng sự thật và khách quan tối đa, đính chính và bổ túc được nhiều sai lầm, thiếu sót của các từ điển, các sách giáo khoa gần đây. Tôi rất tán đồng quan điểm viết của quí ông (…) nhất là tinh thần khách quan trong việc lựa chọn các sự kiện liên quan đến cuộc đời của các bậc tiền bối và thái độ kính trọng của các ông đối với người xưa đã khuất, dù họ là những vị anh hùng, hay những kẻ bị dư luận ngày nay lên án, một điều mà một số nhà viết sách giáo khoa và từ điển gần đây ít quan tâm” (trích thư riêng đề ngày 20-1-92).
TN: Dù ông cho biết là tác giả có tham gia sửa bản in, và những lỗi ở lần in đầu đã được sửa chữa, nhưng vẫn còn một vài sơ sót, chẳng hạn như: Ca Văn Thỉnh (tr 65) quê làng Tân Bình Thành, nhưng con cụ là Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) lại quê ở Tân Thành Bình (tr 64). Không biết có phải Tân Thành Bình mới đúng?
N.Q.T.: Vâng, quả là còn một vài sơ sót không tránh khỏi, do anh N.B.T. đã ở tuổi
70, tai hỏng, nên chỉ có một mình tôi phải lo tất cả. Tuy nhiên, anh cũng thấy sự cố gắng cải tiến của chúng tôi, như việc in ảnh của các nhân vật ngay ở mục từ chứ không in riêng như lần xuất bản trước. Cũng trong tháng 7-92 này, tôi sẽ phát hành 2 cuốn sách đã in xong là Phan Chu Trinh – cuộc đời và tác phẩm (Nxb Văn học, Hà Nội) và Huỳnh Thúc Kháng – Tác phẩm (Nxb TP.HCM) Rất mong sẽ được báo TN giới thiệu; và qua báo, cho phép tôi được cảm ơn tất cả bạn đọc.
TN: Xin chân thành cám ơn ông.
NGUYỄN GIAO THỦY (thực hiện)
3. Xin hãy nói đúng sự thật.
Trước sau, công của ông Nguyễn Quyết Thắng đóng góp để xuất bản được cuốn TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM (do 2 NXB in và tái bản, đến năm 1997 là lần thứ 4) chúng tôi không phủ nhận. Nhưng ông Nguyễn Quyết Thắng đã “quanh co” và thật sự “gian dối” về mối giao tình giữa ông Nguyễn Bá Thế và Nguyễn Quyết Thắng. Công trình biên soạn bộ sách được in và tái bản vừa nêu, sẽ còn bộ sách TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRUNG QUỐC do chính ông Nguyễn Bá Thế khởi công biên soạn từ năm 30 tuổi như ông đã kể và chính tôi đã phỏng vấn ông khi thực hiện cho ông những thước phim tài liệu: “NHÀ SƯU KHẢO VĂN HỌC NGUYỄN BÁ THẾ - CON NGƯỜI SUỐT ĐỜI LO GÌN VÀNG GIỮ NGỌC” (năm 1991). Ông Nguyễn Quyết Thắng có bổ sung vô một số nhân vật lịch sử CS đương đại và hình thành như bộ sách đang lưu hành (không hoàn toàn là tâm huyết của ông Nguyễn Bá Thế).
Ông Nguyễn Quyết Thắng khi lặp đi lặp lại nhiều lần mối liên lạc giữa ông với ông Nguyễn Bá Thế và bàn bạc hợp soạn bộ từ điển trước năm 1970 (khi ông về dạy tại ĐH Cần Thơ) là hoàn toàn SAI. Ông quên rằng, ông Nguyễn Bá Thế là một người làm công tác biên khảo văn học rất có tình, bất cứ văn nghệ sĩ dù ở đâu, mới đến tìm gặp ông lần đầu tiên, ông đều trao cho xem cuốn sổ KÝ TÊN và VIẾT LỜI LƯU NIỆM cùng ngày giờ gặp nhau. Ông Thế đã có đến mấy cuốn sổ kỷ niệm đó với không biết bao nhiêu chữ viết tay chứa đầy kỷ niệm như vậy, trong đó có ông Nguyễn Quyết Thắng. Để bạn đọc thấy rõ sự thật, vì tôi nghĩ, ông Nguyễn Quyết Thắng chắc đã quên ông đã viết gì trong cuốn lưu niệm đó, và tôi cũng miễn nói thêm tính TRUNG THỰC của ông Nguyễn Quyết Thắng về mối giao tình nầy với một người quá cố mà lúc nào tôi cũng tôn kính, là ông Nguyễn Bá Thế. Đó là chưa kể việc ông Thắng đã xem thường bạn đọc hai báo Phụ Nữ, Thanh Niên khi ông viết bài và trả lời phỏng vấn liên quan đến sự quen biết của ông với ông Nguyễn Bá Thế cùng diễn tiến sự “bàn bạc hợp soạn”… và cả độc giả bộ sách ông cho là hợp soạn từ ban đầu nầy. Làm sao ông không cho phép tôi được nghĩ rằng: “Lần đầu tiên ông đến gặp ông Nguyễn Bá Thế (ngày 31-1-1984), ông Thế khoe chồng bản thảo bộ từ điển nầy và có ý mong muốn được phổ biến, nên ông đã hứa hẹn và đã “cào bằng tim óc của ông ấy” để đi đến kết quả ra đời của bộ từ điển mà ông hãnh diện khoe khoang là hợp soạn từ ban đầu”?
Tôi xin đánh máy lại nội dung lời ghi trong cuốn sổ lưu niệm của ông Nguyễn Bá Thế, và để cho trung thực, tôi scan lại chính “bút tự và chữ ký” của một giáo sư Đại Học là người tự nhận cùng bàn bạc và hợp soạn bộ TỪ ĐIỂN NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM khoảng năm 1970, trong khi hai người mới thật sự gặp mặt nhau lần đầu tiên ngày 31-1-1984 – có nghĩa là mãi đến 14 năm sau!
Cần Thơ 31-1-84
Nguyễn Bá Thế tiên sinh kính mến!
Nghe tiếng ông từ lâu, nhưng chưa gặp mặt, hồi gần đây mới gặp nhau nên càng quí mến ông nhiều hơn. Tuy có trễ, vẫn hơn.
Với tấm lòng quí mến văn học, văn hoá… tôi tin sẽ có nhiều người trong chúng ta sẽ noi gương ông.
Kính
(ký tên)
Nguyễn Q. Thắng
(ĐH Cần Thơ).
Trích biên khảo
Hương sắc Cần Thơ cuối thế kỷ XIX
Nguyễn Bá Thế
(Kỷ niệm 185 năm sinh – 120 năm mất của Bùi Hữu Nghĩa)
Nửa thế kỷ XIX, khoảng thập kỷ 40-50, trong lúc Vĩnh Long – Sa Đéc chưa có Văn Thánh Miếu và Văn Xương Các, trong lúc Gia Định mới hình thành nhóm Bạch Mai Thi Xã, có ai ngờ nơi làng Long Tuyền tục gọi Bình Thủy, thuộc huyện Vĩnh Định (tức vùng Cần Thơ xưa) sớm có một phụ nữ tài hoa để tiếng trên lịch sử văn học với Tao Đàn Bà Đồ trong xóm Bà Đồ.
Đi khảo sát thực địa, tìm gặp thân quyến của Bà Đồ hiện còn ở Cần Thơ, trước đây đã có hai người yêu văn học góp công sức đáng kể về việc công bố lai lịch Bà Đồ với Tao Đàn Bà Đồ. Người thứ nhất là cụ Hà Thủy Nguyễn Sanh Kim – một nhà thơ lão thành đã qua đời cách đây trên 10 năm, viết bài và làm thơ tán tụng tài hoa của Bà Đồ đăng trong tập san “Kỷ niệm Bùi Hữu Nghĩa” quay Ronéo do nhà in Tri Tân ở Cần Thơ ấn hành năm 1974. Người thứ hai là nhà giáo Trần Văn Mười – cán bộ trường Đại học Cần Thơ (cũng vừa qua đời), viết bài “Tao Đàn Bà Đồ, một trong những trung tâm văn hóa lâu đời ở Hậu Giang” (xem Văn Nghệ Cần Thơ số 17 - 1986 từ trang 101 - 103), ghi đầy đủ chi tiết qua lời kể của bà giáo Nguyễn Thị Sồ Hoanh, cháu năm đời của Bà Đồ.
Sau khi Bà Đồ Nguyễn Thị Nguyệt mất, sự nghiệp của Bà vẫn được các cụ Thủ Khoa Nghĩa, Cử Trị và cả Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt cùng với một số văn nghệ sĩ khác tiếp nối, làm nổi bật, gợi cho các thế hệ sau luôn nhắc nhớ đến Tao Đàn Bà Đồ.
Chúng tôi cho rằng chính Bùi Hữu Nghĩa và Phan Văn Trị đã nối tiếp sự nghiệp của Bà Đồ và làm sáng danh xóm Bà Đồ với Tao Đàn Bà Đồ. Nhân tiện đính chánh những sai lầm nặng trong tư liệu của cụ Hà Thủy Nguyễn Sanh Kim, và một số người nghe truyền khẩu rồi thuật lại thiếu nhận xét nghiêm cẩn. Như bảo rằng: “Thủ Khoa Nghĩa và Cử Trị có góp mặt trong Tao Đàn Bà Đồ” lại truyền tụng một bài ngũ ngôn bát cú, bảo rằng do cuộc hội họp liên ngâm giữa Bà Đồ và Thủ Khoa Nghĩa, Cử Trị, mà Bà Đồ đã mở đầu bằng hai câu:
Nghĩa, Trị đến Tao Đàn
Hoạ thơ? hay vấn an?
Rồi Thủ Khoa Nghĩa xuống tiếp một câu, Cử Trị nối theo một câu, luân lưu thành một bài thơ tám câu. Đó là một bài thơ ngoa truyền từ trước, hay là một tác phẩm ngụy tạo của ai đó lúc gần đây? Nghe truyền sai ngoa vẫn là đáng trách, đến sự ngụy tạo thì tội đến mức nào?
Tư liệu của nhà giáo Trần Văn Mười rành mạch đáng tin cậy. Chúng ta biết rằng Bà Đồ Nguyễn Thị Nguyệt, bút hiệu Hằng Nga, sinh năm Mậu thân 1788, mất năm canh tuất 1850, thọ 62 tuổi. Cử nhân Phan Văn Trị sinh năm 1830, nhỏ hơn Bà Đồ 42 tuổi, khi Bà Đồ mở Tao Đàn (1833), Cử Trị còn là đứa bé mới 3 tuổi ! Năm 1849 Phan Văn Trị đỗ Cử nhân mới 19 tuổi thì năm sau Bà Đồ qua đời, làm sao có cuộc góp mặt trong Tao Đàn lúc Bà Đồ còn sống? Dù là kết bạn vong niên đi nữa cũng không thể có được khi chênh lệch tuổi tác quá nhiều.
Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa sinh năm 1807 nhỏ hơn Bà Đồ 19 tuổi, năm 1833 Bà Đồ mở Tao Đàn, Bùi Hữu Nghĩa còn ăn học ở Biên Hoà và đang kẹt cuộc dấy binh chống triều đình của nhóm Lê Văn Khôi. Qua cơn loạn lạc, Bùi Hữu Nghĩa đỗ Thủ Khoa (1835), làm Tri huyện ở Phước Long, rồi đổi xuống Trà Vang (Vĩnh Long), mắc nạn về vụ Láng Thé ở Vĩnh Thông vào khoảng cuối năm 1849, năm sau thì nghe tin Bà Đồ mất. Như thế Thủ Khoa Nghĩa làm sao có mặt thường trực trong Tao Đàn Bà Đồ được?
Cho nên, dứt khoát Thủ Khoa Nghĩa, Cử Trị không thể là thành viên của Tao Đàn Bà Đồ, và cả cụ Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt nữa, cả ba là nhân tố đã làm cho xóm Bà Đồ bừng sắc hương văn học từ năm 1868 về sau. (Đó là thời điểm cụ Tuần phủ Đạt và Cử Trị tị địa xuống miền sông Hậu, Kiên Giang sau khi Vĩnh Long thất thủ, cả ba tỉnh miền Tây bị giặc Pháp xâm chiếm nốt. Cũng là thời điểm mà cụ Thủ Khoa Nghĩa được giặc trả tự do sau khi bị bắt giam ở Vĩnh Long lần II).
Trùng hợp lý thú là gia đình cụ Thủ Khoa Nghĩa và gia đình Bà Đồ Nguyệt đều là người định cư ở xóm Bà Đồ. Thời thơ ấu chắc chắn Thủ Khoa Nghĩa có học với Thầy Đồ Nguyễn Viễn Mô, em Bà Đồ Nguyệt. Cũng có thể chính Thầy Mô gợi ý cho gia đình Bùi Hữu Nghĩa, cho cậu Nghĩa lên Biên Hòa học với cụ đồ Nguyễn Hàm tức Hoành, nhân tiện gia đình bên ngoại của cậu Nghĩa có quen biết với gia đình ông hộ trưởng Nguyễn Văn Lý ở Biên Hòa. Thế là tiện cả đôi đàng ăn học của Bùi Hữu Nghĩa. Để rồi nhân duyên gặp gỡ tại Biên Hòa, lịch sử được ghi thêm nét vàng son cho người tiết phụ Nguyễn Thị Diệu tức Tồn. Và đến khoảng cuối đời, người của xóm Bà Đồ quay về tô điểm cho xóm Bà Đồ.
Đặc biệt hơn, xóm Bà Đồ thuộc làng Long Tuyền tức Suối Rồng, cho nên nhân dân truyền tụng ca dao, xưng tụng con người của Suối Rồng là “Rồng Vàng”, kể cũng là khế hợp cơ duyên vô cùng thú vị.
Ngôi sao Bùi Hữu Nghĩa chói rạng trên vòm trời văn học xóm Bà Đồ, cuốn hút các văn tinh Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Đỗ Minh Tâm, Mai Đằng Phương cùng hướng về góc trời Long Tuyền phát quang rực rỡ. Các học trò của Thủ Khoa Nghĩa và Cử Trị như Nguyễn Phước Dương bút hiệu Tử Hiên, Nguyễn Giác Nguyên bút hiệu Long Khê, Lê Quang Chiểu, Trần Ngọc Lầu, Nguyễn Hữu Đức, Phạm Bá Đại v.v... là những nhân tố góp phần tỏa sáng văn học miền sông Hậu.
Sự nghiệp văn chương của các danh sĩ ấy, có thể mượn lời thơ của cụ Cử Trị làm tiêu biểu:
“Tòng bá cao xây giữa bốn mùa”
(Cảm hoài)
Phong cách, tiết tháo, hướng đi của các danh sĩ ấy vẫn cùng chung một con đường, một tấm lòng thủy chung yêu nước, yêu sắc thái Chân - Thiện - Mỹ, mà lời thơ của Cử Trị đã kéo bộc bạch, khiến cho các đời sau mãi mãi còn nhắc nhở, lưu luyến xóm Bà Đồ:
Quan san dặm thẳng đường liền bước
Tùng cúc vườn xưa cảnh nhớ người.
(Cảm hoài)
Và lời “Tuyệt bút” của cụ Thủ Khoa Nghĩa khi nằm bệnh sắp qua đời, cũng hãy còn đồng vọng về sau mãi mãi:
Kho phong nguyệt hỡi chan chan đó
Vườn cúc tùng còn thới thới đây
(...)
Mặc dầu ngâm ngợi mặc sầu say.
Đừng nghĩ rằng những mỹ từ “Tòng bá cao xây”, “Tùng cúc vườn xưa”, “Vườn cúc tùng còn”... là những lời trùng lặp, sáo mòn. Bởi, thân thế và ước vọng của danh nhân nói chung, các danh sĩ trong Tao Đàn Bà Đồ nói riêng, bao giờ cũng xứng đáng là cội tùng, cội bá. Những tác phẩm của danh sĩ bao giờ cũng vẫn là vườn ươm văn hóa để cung cho đời những loài cây, loài hoa thẳng tắp, thanh cao mà tùng cúc là biểu hiện nhân cách tuyệt vời.
Xét cho cùng, cuộc đời Bùi Hữu Nghĩa liên quan với xóm Bà Đồ là nơi sinh quán cũng là nơi làm rạng rỡ thêm tên tuổi của nhà thơ yêu nước ấy. Xóm Bà Đồ quả thật là Vườn Ươm Văn Hóa mang đầy hương sắc ở thế kỷ XIX, chia làm hai giai đoạn: Nửa trước thế kỷ XIX, anh em Bà Đồ Nguyễn Viễn Mô và Nguyễn Thị Nguyệt mở đầu gây dựng vườn ươm. Nửa sau thế kỷ XIX, Bùi Hữu Nghĩa rồi Phan Văn Trị cùng nhau chăm sóc vườn ươm hơn lên, rộ nở biết bao đóa hoa thắm sắc nồng hương.
Phấn khởi cho Cần Thơ và cả miền Tây Nam Việt Nam, khi Bùi Hữu Nghĩa qua đời (1872), 22 năm sau ông Bùi Quang Nhơn thân nhân trong họ Bùi cho xuất bản vở Kim Thạch Kỳ Duyên do nhà in Claude et Compagnie ở Sài Gòn ấn hành (1895) như là mốc thời gian chấm dứt thế kỷ XIX trong sự hào hứng đón nhận tác phẩm đầu tiên của xóm Bà Đồ. Tiếp theo, học trò Cử Trị là Cai tổng Lê Quang Chiểu cũng cho xuất bản tập Quốc Âm Thi Hiệp Tuyển (1803) mở đầu thế kỷ XX rồi cũng học trò Cử Trị, ông Bá Đại Phạm Kỳ Xương nắm quyền Chủ bút tờ An Hà Báo ra đời tại thị xã Cần Thơ.
Được biết bản tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên ấn hành lần đầu ở Sài Gòn năm 1895, nhà in Trung Bắc Tân Văn tái bản tại Hà Nội năm 1919, nhà in Miền Tây (tức Imprimerie de l’Ouest, sau đổi là nhà in An Hà) ấn hành lần thứ ba tại Cần Thơ năm 1924.
Thế là sự nghiệp của Thủ Khoa Nghĩa, Cử Trị, xóm Bà Đồ đã phát huy đáng tán thưởng vô cùng. Nếu Hà Tiên tự hào với nhóm Chiêu Anh Các, Vĩnh Long trân trọng với Văn Xương Các, thành phố Sài Gòn đang khoanh vùng và tôn tạo khu vực chùa Cây Mai với nhóm Bạch Mai Thi Xã, thì Cần Thơ nên nghĩ đến việc sửa sang hoặc phục chế lại di tích xóm Bà Đồ. Bởi gợi truyền thống yêu nước, yêu văn hóa dân tộc, không gì bằng bảo tồn các di tích lịch sử xứng đáng.
Bản tường trình
của Nguyễn Thị Băng Tâm
Do máy scane của tôi bị hư nên tôi không scane được BẢN TƯỜNG TRÌNH của cô Nguyễn Thị Băng Trinh, con gái cũng là người có trách nhiệm lưu giữ, bản quản toàn bộ sự nghiệp văn học của thân phụ mình, viết năm 2005 nhưng không ghi ngày tháng, nên phải đánh máy lại (cam kết là đánh máy lại đúng hoàn toàn, không thêm bớt câu chữ nào), để quý bạn đọc hiểu được sự thật mà chúng tôi đã viết bài trên. Nội dung bài viết:
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BẢN TƯỜNG TRÌNH (V/v xác minh lại quyền đồng tác giả Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam)
Kính gởi: -
-
-
-
-
Tôi đứng tên dưới đây là Nguyễn Thị Băng Trinh, sinh năm 1959 hiện cư ngụ số nhà 15/59 đường Hoàng Văn Thụ phường An Hội, Q. Ninh Kiều - TP. Cần Thơ.
Tôi tha thiết kính nhờ Quý báo giúp tôi chuyển tải nội dung sự việc như sau:
Từ khi quyển “Từ điển NHÂN VẬT LỊCH SƯ VIỆT NAM” của 2 ông NGUYỄN Q. THẮNG và NGUYỄN BÁ THẾ được NXB KHoa Học Xã Hội in lần thứ nhất năm
1991 cho đến ngày tái bản lần thứ 5 của NXB Văn Hoá tháng 11/1999 thì sự việc đã rõ ràng nghiêm trọng. Nên hôm nay, Tôi, người con có trách nhiệm giữ gìn sự nghiệp văn học của cha mình. Người trợ lý suốt từ ba chục năm qua, đã không thể lặng im mãi. Tôi chân thành bày tỏ nỗi lòng của người cha đã quá cố qua bản tường trình sau đây:
“Từ điển NHÂN VẬT LỊCH SỬ VIỆT NAM” trước khi được xuất bản, còn là những tập bản thảo chép tay với tên gọi là “VIỆT NAM NHÂN DANH Từ điển” là một công trình biên soạn công phu, cần cù khó nhọc của Ba tôi (ông Nguyễn Bá Thế) và cơ bản đã gần xong từ năm 1971. Tuy nhiên, chưa có cơ hội in được nhưng đã giới thiệu trên các sách báo, ấn phẩm từ trước năm 1975. Sau đó, Ba tôi tiếp tục soạn thảo, công trình xem như đã hoàn thành mỹ mãn...
Đến năm 1984, khi ông Nguyễn Q. Thắng đi cùng các bạn ông ở Trường Đại Học Cần Thơ đến thăm và làm quen với ba tôi, đó là thời điểm bắt đầu “mối duyên hàn mặc” và cùng nẩy ra “ý định hợp soạn” (theo cách nói của ông Nguyễn Q. Thắng). Trong thư của ông Nguyễn Q. Thắng gởi cho Ba tôi ngày 12/12/1988 và thư gởi ngày 12/6/1989 đã chứng minh rõ thời gian và cách hợp soạn của 2 tác giả.
Tháng 11/1991 sách được phát hành. Đứa con mang nặng đẻ đau từ rất lâu của Ba tôi đã được chào đời. Đó là niềm vui rất lớn cho Ba tôi trong những ngày cuối đời đau đớn vì căn bệnh thể xác hoành hành. Ba tôi xem ông Thắng như vị ân nhân, như Bà đỡ cho đứa con tinh thần của mình, vì thế, khi ông Thắng đề nghị số tiền nhuận bút chia 6/4 (ông Thắng 6 và Ba tôi 4), Ba tôi vẫn chấp nhận được.
Tháng 5/1992, NXB Khoa Học Xã Hội in lần 2, Ba tôi càng vui vì sách có tiếng vang tốt và Ba tôi có thêm một chút tiền nhuận bút để mua sách báo và mua thuốc uống.
Không có gì đáng nói. Nhưng trên báo Thanh Niên số 31 ngày 2/8/1992 có bài của tác giả Nguyễn Giao Thủy “trao đổi với ông Nguyễn Q. Thắng, một trong 2 tác giả “Từ điển NVLSVN”. Ông Thắng đã mặc nhiên trả lời: “Đây là một công trình dài hơi và cũng là mối duyên hàn mặc của anh Nguyễn Bá Thế và tôi từ trước 1970... Tôi gặp anh Nguyễn Bá Thế và chúng tôi cùng nảy ra ý định cùng nhau hợp soạn bộ Từ điển này”..v.v...
Tôi đưa bài báo cho Ba tôi đọc. Ông rất buồn. Sau đó ông nói với tôi và bạn bè của ông: “Suy cho cùng, ông Thắng có công hơn có tội. Dù sao, ông Thắng đã cho tôi thấy mặt cuốn Từ điển đã được ra đời trước khi tôi nhắm mắt”. Ông dặn tôi cứ để việc đó qua đi, và đến tháng 8/1993 NXB Văn Hoá in lần 3.
Ngày 2/3/1996 Ba tôi mất, sau 9 năm cuối đời vật vã vì cơn bệnh triền miên. Các bạn của Ba tôi đến viếng rất đông, rất thương tiếc một con người tài hoa, đức độ. Có nhiều bài viết tưởng niệm Ba tôi trên các báo. Trong đó, bài viết của ông Nguyễn Q. Thắng đăng trên báo Phụ Nữ ngày 13/4/1996 ông Thắng cũng đã lặp lại sự quen biết cùng hợp soạn bộ Từ điển NVLSVN.
Vẫn chưa có gì đáng nói. Nhưng ngày 8/9/1998 tôi đi TP. Hồ Chí Minh, tình cờ mua được quyển Từ điển NVLSVN in lần 4, đã tái bản cách đó 1 năm do NXB Văn Hoá in tháng 9/1997. Tôi đến nhà gặp ông Thắng, trước khi đưa quyển sách ra tôi hỏi: “Thưa chú, lâu nay, sách có in được nữa không?”, ông Thắng trả lời tôi và chị bạn đi cùng tôi rằng: “không! vẫn chưa in được”. Tôi đưa quyển sách ra, ông nín bặt. Một lúc sau bảo vợ lên lầu lấy cho tôi 4 quyển sách tặng phần tác giả và hẹn tôi ngày trở lại nhận tiền nhuận bút.
Tháng 11/1999 NXB Văn Hoá in lần 5. Tôi lại tình cờ mua được sách trong hội chợ triển lãm ở Cần Thơ. Sách cũng đã in từ một năm trước. Tôi lại lên gặp ông Thắng. Lần này, ông sốt sắng hơn và cho tôi nhận tiền cùng sách biếu ngay.
Và đến thời điểm năm 2001 - 2002. Trên những trang cuối ở các tác phẩm của ông Nguyễn Q. Thắng như “Lược khảo Hoàng Việt Luật lệ” hoặc các tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê do ông Thắng được ủy nhiệm in lại như “Quẳng gánh lo đi và vui sống”. Người đọc sẽ tìm thấy ở mục Tìm đọc hay Thư mục thì quyển “Từ điển NVLSVN chỉ còn tên tác giả Nguyễn Q. Thắng chứ không còn là đồng tác giả nữa.
Kính thưa quý báo.
Qua các sự việc đã nêu. Qua quá trình thời gian đã có nhiều biến đổi.
Tôi có còn nên giữ lòng tin nơi ông Thắng nữa hay không? Thế hệ của Ba tôi và ông Thắng đã qua và sẽ qua đi. Thế hệ con cháu chúng tôi sẽ còn hay biết gì?
Những gì tôi tường trình trên đây đều là tôn trọng sự thật. Tất cả thư từ, giấy tờ có liên quan đến quyển Từ điển NVLSVN tôi còn lưu giữ để chứng minh được. Tôi biết rằng tiếng nói của riêng tôi không đủ sức lay tỉnh cái sự thật nơi ông Nguyễn Q. Thắng. Thông qua quý báo, tôi mong ông Thắng sẽ nhìn lại mình trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Và, thông qua quý báo các bạn hữu gần xa của Ba tôi sẽ hài lòng, biết rằng nơi cõi vĩnh hằng nỗi ngậm ngùi của Ba tôi đã được phân giải.
Sau cùng thay mặt cho gia đình ông Nguyễn Bá Thế, tôi chân thành tri ân quý báo. Kính chúc Ban biên tập báo dồi dào sứa khoẻ. Chúc tờ báo ngày càng khởi sắc và được sự mến mộ của mọi người.
Trân trọng kính chào.
Cần Thơ, ngày tháng năm 2005
NGƯỜI VIẾT
Nguyễn Thị Băng Trinh