Cách hiểu mới về địa danh Đôi Ma

1. Chuyện hai hồn ma quấn quýt

Ở Nam Bộ hiện nay có tới 3 con rạch mang tên Đôi Ma: rạch Đôi Ma ở xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An; rạch Đôi Ma ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và rạch Đôi Ma ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Mặc dù các con rạch này nằm ở những nơi tương đối hẻo lánh nhưng lại được nhiều người biết đến bởi cái tên lạ tai và những câu chuyện kể lâm li về mối tình son sắt giữa hai hồn ma này. Sách Gia Định thành thông chí (1820?) – cuốn địa chí đầu tiên về đất Nam Bộ – ghi chép sự tích rạch Đôi Ma ở Cần Đước, Long An như sau: Tương truyền xưa có người con gái nhà giàu họ Phạm, tuổi vừa cập kê, đem lòng yêu phong cách cậu học sinh họ Nguyễn nọ, nhưng hổ thẹn về việc tự ước hẹn, còn cậu học sinh thì vì nhà nghèo hèn, không dám nhờ mai mối cầu hôn. Cô gái sinh ra tương tư, u buồn rồi chết. Cha mẹ cô thương tiếc, không nỡ vội chôn, bèn làm lều sau vườn tạm để khơi quan tài ở đấy. Cậu học sinh nghe tin cô gái vì mình mà chết cũng đến thắt cổ tự tử chết bên cạnh cô. Nhân đó người ta quàn 2 quan tài cạnh nhau, do âm khí kết tụ, lâu ngày thành ma phá phách. Ban đầu còn nương hồng tựa lục, hiện bóng dật dờ trong canh khuya, đêm vắng. Sau lại loan nghiêng phụng ngửa, ngả ngớn hiện hình trong lúc ban ngày, ban mặt ở chỗ đông người, nhưng khi ấy cũng chưa làm hại đến ai. Mãi sau cha mẹ cô chết, nhà cửa suy tàn, 2 cái quan tài ấy rốt lại không ai chôn cất, lùm bụi mọc phủ lên thành gò, vong hồn ấy có khi hoá làm du nữ đi lừa ghẹo người ta, hoặc giả bóng thuyền buôn bỡn người qua lại, dân ở đấy rất phiền khổ nên gọi tên chỗ ấy là Song Ma (Đôi Ma) để biết mà tránh. Khi Tây Sơn vào chiếm, đi qua chỗ nầy, ghét nghe chuyện ma quỷ ấy bèn xả súng lớn bắn liền vào mấy phát rồi đốt lều để quan tài ấy, từ đó ma quái mới diệt hẳn[1].

Mối tình sống chết có nhau đó đã gây xúc động lòng người nên con rạch chảy ngang qua được đặt tên là rạch Đôi Ma (hai con ma quấn quýt). Cũng vì ca ngợi mối tình son sắt đó mà có người gọi rạch Đôi Ma này là Tình Trinh giang và sự tích về hai con ma này được nhiều thi nhân xướng vịnh (như ông chủ hiệu thuốc Nhơn Ái đường và nhà thơ Thượng Tân Thị[2]). Điều này quả có tác dụng ca ngợi tình người thắm thiết ở vùng đất vừa mới khai phá, khi xung quanh còn hoang vu mờ mịt.

Tuy nhiên, giai thoại trên chỉ gắn với địa danh Đôi Ma ở Long An, vì nó sớm được ghi trong Gia Định thành thông chí. Còn địa danh Đôi Ma ở Tiền Giang và Vĩnh Long thì sao? Xưa nay chẳng có giai thoại nào kể về hai hồn ma làm nên địa danh Đôi Ma ở hai nơi này cả.

Hơn nữa, để ý sẽ thấy cả ba địa danh Đôi Ma nói trên đều trước hết là tên con rạch. Ma thì đã rõ nghĩa, còn Đôi – do đó – ngoài nghĩa là hai (số từ), cũng cần phải liên tưởng đến khả năng nó có nghĩa khác liên quan đến sông rạch.


Cống Đôi Ma nằm trên rạch Đôi Ma ở xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ảnh: Lê Công Lý.


2. Từ Doi Ma đến Đôi Ma

Thật vậy, gần âm với Đôi chính là Doi, chỉ các mõm đất gie ra sát mé sông mé rạch. Trong ngữ âm Nam Bộ, ôioi được phát âm như nhau, còn dđ được phát âm rất gần nhau[3]: D là âm mặt lưỡi[4] còn đ là âm quặt đầu lưỡi. Do đó mà trong phương ngữ Nam Bộ có nhiều từ dùng âm đầu d hay đ đều được. Thí dụ:đòn đông – đòn dông; dĩa – đĩa; cây đa – cây da; dưới – đáy; dứt – đứt; đao – dao; dùn – đùn ; đằng đẵng – dằng dặc; dẫm – đạp; đăng đăng – dăng dăng; ướt dầm – ướt đầm; dựng – đứng; dà – đà (màu nâu đỏ); đính – dính[5], v.v. (Phương ngữ Nam Bộ thường chọn d thay cho đ trong các trường hợp có thể vì d dễ phát âm hơn đ).

Đặc biệt, âm Nôm doi 堆 được ghi bằng cách mượn âm chữ Hán đôi 堆. Do đó, nếu sách ghi 堆魔 thì có thể đọc là Đôi Ma theo chữ Hán, những cũng có thể đọc là Doi Ma theo chữ Nôm[6]. Hoặc là theo chữ Nôm cứ đọc là Đôi Ma nhưng phải hiểu Đôi ở đây là biến thể của Doi.

Như vậy, có khả năng rất cao 3 địa danh Đôi Ma ở Nam Bộ vốn là địa danh Nôm Doi Ma (tức doi đất có ma), nhưng do chữ Nôm doi mượn âm đôi của chữ Hán nên bị đọc nhầm thành Đôi Ma. Chữ Hán Đôi 堆 có nghĩa là đống còn chữ Nôm Đôi 堆 vừa có nghĩa là hai/ cặp, vừa có nghĩa là doi đất. Ba địa danh nói trên đều gắn với sông nước nên cần được hiểu 堆魔 là doi đất có ma hơn là hai hồn ma. Do dân gian hiểu lầm Đôi 堆 này là hai nên mới biện sự ra câu chuyện hai hồn ma quấn quýt như trên. Rồi sau đó câu chuyện đến tai các quan triều, họ bèn dịch nghĩa hai hồn ma sang chữ Hán là Song Ma giang 雙魔江 cho đúng với ngữ pháp chữ Hán, thậm chí còn thi vị hoá thành Tình Trinh giang 情貞江[7] (con sông gắn với mối tình son sắt). Từ đây, sự hiểu lầm coi như đã được chính thống hoá.

Tóm lại:

Chữ

Đọc theo chữ Hán

Nghĩa chữ Hán

Đọc theo chữ Nôm

Nghĩa chữ Nôm

堆魔

Đôi Ma

Đống ma [sic]

1. Đôi Ma

2. Doi Ma

1. Hai hồn ma

2. Doi đất có ma



3. Tại sao phải là Doi Ma?

Nam Bộ là địa bàn sông nước nên giao thông ngày trước chủ yếu là đường thuỷ. Đặc biệt vào ban đêm, bơi ghe xuồng tới khúc quanh (nơi có doi đất gie ra mé sông hay mé rạch), tầm nhìn bị che khuất thì người ta thường sợ hơn, bởi vậy mới có câu ca dao:

Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi,
Kẻo dông gió tới rồi bờ bụi tối tăm.

Có sợ tất có ma. Do đó mà ma hay xuất hiện tại các doi này, làm nên địa danh Doi Ma.

Doi MaDoidanh từ đơn vị chỉ một dạng địa hình sông nước. Hiểu như vậy sẽ thấy nó tương thích với nhiều địa danh khác ở Nam Bộ cũng vừa có Ma vừa có từ chỉ địa hình sông nước như:lung Ma (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), ngọn[8] Ma (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), rạch Ma (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)…

Không lạ gì các câu chuyện dân gian biện sự để giải thích một sự tích hay một địa danh. Cách biện sự đó chính là một phương thức sáng tạo của văn hoá dân gian, thể hiện tâm tình và cách lí giải của người xưa. Nhưng văn hoá dân gian vốn mang nhiều dị bản – nếu không muốn nói là chỉ tồn tại dưới hình thức các dị bản – do đó, lí giải một cách khoa học bằng cách hệ thống và loại hình hoá như trên vẫn là cần thiết.

Tóm lại, Đôi (Ma) và Doi (Ma) nên được xem là hai biến thể của cùng một từ vị, trong đó Doi (Ma) nên được chọn làm tiêu thể để giải thích nguồn gốc địa danh Đôi Ma. Sở dĩ ở đây có hiện tượng dùng Đôi với đ khó phát âm thay cho Doi với d dễ phát âm là do tác động của khuynh hướng chính thống hoá: Ngay từ đầu thế kỉ XIX địa danh này đã được ghi vào sử sách của triều Nguyễn bằng chữ Hán 堆, mà chữ Hán chỉ có âm Đôi, không có âm Doi. Đây cũng chính là một bằng chứng về việc địa danh dân gian bị chính thống hoá làm cho sai lệch đi.

Địa danh luôn mang tính bảo thủ, nên không thể mà cũng không nên thay đổi (vì sẽ dẫn đến xáo trộn xã hội), nhưng việc xác định nghĩa gốc để giải thích nguồn gốc địa danh như trên luôn là cần thiết.

Ngoài ra, truy nguyên nguồn gốc của Đôi (chính từ Doi) như trên cũng góp phần giải thích địa danh Cái ĐôiCái Đôi Vàm ở Cà Mau.

________________________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Quang Định (1808, tái bản 2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch dịch, chú giải và giới thiệu, Nxb Thuận Hoá, Huế.

2. Nguyễn Văn Khang chủ biên (2002), Từ điển Mường Việt, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

3. Thiều Chửu (1942, tái bản 1999), Hán Việt tự điển, Nxb TP.HCM.

4. Thượng Tân Thị (1942), Nam Kì lục tỉnh địa dư chí, Nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn.

5. Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Tổng hợp Đồng Nai.

6. Vũ Văn Kính (2002), Đại tự điển chữ Nôm, Nxb Văn nghệ, TP.HCM.


CHÚ THÍCH:
[1] Trịnh Hoài Đức (1820?, tái bản 2005), Gia Định thành thông chí, Lý Việt Dũng dịch và chú giải, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, tr.46 – 47.

[2]
Bài của ông chủ Nhơn Ái đường:
Vực thẳm cây cao chiếm một tòa,
Sống không lẻ cặp, chết đôi ma.
Hồn hoa đem gởi chòm mây bạc,
Phách quế nương theo bóng nguyệt tà.
Con nước chảy ròng rồi kế lớn,
Tấm lòng có bậu lại cùng qua.
Căn duyên ai khiến xui cho đấy,
Tiếng để ngàn thu cũng cũng là.

Bài của Thượng Tân Thị:
Trải qua Rạch Kiến ác chinh chinh,
Nghe nói đôi ma bắt lạnh mình.
Thảm nỗi con nhà sanh bất hiếu,
Ngán cho giọt nước khéo vô tình.
Sống thề chưa vẹn duyên kim cải,
Thác nguyện cùng theo chốn thủy tinh.
Ai hỏi hồn thiêng như có biết,
Tiếng đời lượn sóng nỗi linh đinh.

Thượng Tân Thị (1942), Nam Kì lục tỉnh địa dư chí, Nhà in Thạnh Mậu, Sài Gòn, tr.40.

[3] Tiếng Mường chính là tiếng Việt cổ. Trong tiếng Mường có rất nhiều từ có đ đầu tương ứng với từ tiếng Việt có d đầu.

[4] Cần lưu ý: D trong phương ngữ Bắc Bộ được phát âm là /z/, còn trong phương ngữ Nam Bộ được phát âm là /j/. Chính vì d được phát âm là /j/ nên mới gần âm với đ.

[5] Trong bài “Tôn thiệt học, biếm Dung y” trên Lục tỉnh tân văn số 8 (1908), Sa Quang Tâm dùng từ Dung y thay vì Đông y. Cám ơn nhà nghiên cứu Lưu Hồng Sơn đã chỉ dẫn tư liệu này.

[6] Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1808) ghi tên con rạch này (ở Cần Đước, Long An) bằng chữ Nôm là Đuôi Ma rạch 𡳪麻瀝. Có lẽ chữ Đuôi 𡳪 này dùng để ghi âm Nôm Doi. Lê Quang Định (1808, tái bản 2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch dịch, chú giải và giới thiệu, Nxb Thuận Hoá, Huế, tr.1578.

[7] Gia Định thành thông chí (1820?), Sđd, tr.71 (phần chữ Hán).

[8] Ngọn đây là phần ngọn của con rạch.