Đọc hai bài nghiên cứu về nghề đươn đệm của TS. Ngô Thị Thanh

  Lê Công Lý

Trong những năm vừa qua, TS. Ngô Thị Thanh công bố đến 3 công trình nghiên cứu về nghề đươn đệm, bao gồm 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh (năm 2015) cùng 2 bài báo khoa học: “Nguồn gốc hình thành nghề thủ công truyền thống đươn đệm, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang” (Tạp chí Khoa học, Đại học Tiền Giang[1], sau đây gọi là “Bài 1”) và “Nghề thủ công truyền thống đươn đệm, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang” (Tạp chí Nguồn sáng dân gian, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam[2], sau đây gọi là “Bài 2”). Tôi chưa được đọc báo cáo khoa học của đề tài nói trên, nên chỉ có thể nêu nhận xét về 2 bài báo khoa học vừa nêu.

Trước hết, việc ra công nghiên cứu về nghề thủ công dân dã như đươn đệm quả là một việc làm đáng quý, chẳng những nhằm bảo tồn và giới thiệu bản sắc văn hoá vùng mà còn thông qua đó, có thể tạo điều kiện để xúc tiến các dự án kinh tế, du lịch và việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, đây là một nghề dân dã nên đòi hỏi người nghiên cứu phải có độ dấn thân cao, chứ không thể chỉ quan sát như người ngoại cuộc, nếu muốn tránh cái nhìn phiến diện và sai lầm.

Quả vậy, đọc 2 bài nói trên của TS. Thanh, tôi thấy có rất nhiều kết luận thiếu căn cứ và cả nhiều nhận định sai lầm cần phải được cải chính.

1. Trước hết là việc chọn sai điểm nghiên cứu. Ở cả 2 bài nói trên, TS. Thanh đều chọn điểm nghiên cứu là địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Ngay từ năm 2005, tôi đã có bài “Nghề đươn đệm ở Đồng Tháp Mười” in trong Kỉ yếu Hội nghị Thông báo Văn hoá dân gian[3] (Viện Nghiên cứu Văn hoá). Do trong bài nghiên cứu này, tôi chọn điểm nghiên cứu là tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tức tiểu vùng địa lí gồm một phần diện tích của 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, trong đó có xác định trung tâm của nghề đươn đệm thuộc địa bàn huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) và huyện Thủ Thừa (tỉnh Long An).

Việc xác định trung tâm của nghề đươn đệm như trên là trong phạm vi vùng trũng Đồng Tháp Mười, chứ nếu mở rộng địa bàn ra khỏi Đồng Tháp Mười thì sẽ có nhiều trung tâm khác của nghề đươn đệm. Vậy mà không ngờ, đến năm 2016 và 2019, khi chọn điểm nghiên cứu nghề đươn đệm nói chung, TS. Thanh lại lấy địa bàn huyện Tân Phước làm điển hình cho công trình nghiên cứu trường hợp của mình, rằng đây là “cái nôi hình thành và phát triển nghề thủ công truyền thống đươn đệm”[4], đơn giản chỉ dựa trên nhận định “huyện Tân Phước… nằm ở trung tâm của vùng” [Đồng Tháp Mười[5]].

Tuy nhiên, nếu huyện Tân Phước nằm ở trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, thì chính điều này đã tích cực bác bỏ việc chọn Tân Phước làm điểm nghiên cứu đối với nghề đươn đệm. Bởi lẽ, ai cũng biết, trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười là vùng trũng phèn, suốt mấy trăm năm hoang vu, chỉ rải rác có những tốp dân cư ‘vô định hình’, sống bằng các nghề khai thác những nguồn lợi có sẵn như: đánh bắt cá, ăn ong, đập lúa ma, v. v. Họ chỉ sống lưu động trên ghe xuồng, nếu có cất nhà thì cũng chỉ nhà đá, nhà đạp (tức chỉ co giò đá, đạp một cái là ngã sập), nên ở đây có phương ngôn “Khôn cất trại, dại cất nhà”.

Lí do vì nước phèn ứ đọng cùng với vô số muỗi mòng, rắn rít, môi trường rất khắc nghiệt, đặc biệt là nạn thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô, nên trong suốt gần 100 năm xâm chiếm Việt Nam, trong con mắt của thực dân Pháp, Đồng Tháp Mười chỉ là ‘Cánh đồng không sinh lợi’, không được đầu tư lớn, mãi cho đến khoảng năm 1979, khi nhà nước mở cuộc ‘tổng tiến công’ vào Đồng Tháp Mười thì quang cảnh vùng này mới có chuyển biến và các khu dân cư mới bắt đầu phát triển.

Do đó, suốt mấy trăm năm trước, mặc dù Đồng Tháp Mười, trong đó có địa bàn huyện Tân Phước hôm nay, có nguồn nguyên liệu cỏ bàng phong phú, nhưng nghề đươn đệm vẫn không thể phát triển trong vùng này được. Đơn giản vì dân cư quá thưa thớt, cộng với chiến tranh liên miên mà vùng này là ‘vùng trắng’ (trong bản đồ của Nha Địa dư quốc gia, 1970 ghi chú khu vực xã Hưng Thạnh, Mĩ Phước là Destroyed, tức vùng huỷ diệt).

Các xóm nghề thủ công luôn làm ra các sản phẩm để bán, nên địa bàn dân cư thưa thớt như vậy thì không thể phát triển nghề thủ công, bởi vì sức mua sẽ vô cùng yếu. Hơn nữa, dân cư thưa thớt thì lấy đâu ra đông đảo lực lượng làm nghề thủ công? Vả lại, nghề đươn đệm thu nhập rất thấp nên chỉ dành cho những người thất nghiệp (“Cùng nghề đươn thúng, túng nghề đươn mê”), trong khi vùng Đồng Tháp Mười luôn đầy dẫy tài nguyên và công việc chực chờ con người khai thác.

Do đó, cũng như mọi xóm nghề thủ công khác, thực tế nghề đươn đệm chỉ phát triển mạnh ở ven Đồng Tháp Mười, nơi những giồng đất cao ráo, được lưu dân định cư từ sớm, nơi đất chật người đông, thiếu đất canh tác dẫn đến nạn thất nghiệp thường xuyên, cần có nghề thủ công để giải quyết việc làm.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các xã thuộc huyện Châu Thành như Tân Lí Đông, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương, Tân Hội Đông… có nghề đươn đệm phát triển lâu đời, vì nằm vùng đất giồng nói trên. Chính vì vậy mà những người đàn ông ở các vùng này ngày xưa phải bơi xuồng vào khu vực địa bàn huyện Tân Phước hôm nay để nhổ bàng về bán. Bởi vậy nên mỗi chuyến nhổ bàng của họ phải kéo dài nhiều ngày, chính bà Thanh cũng gọi là ‘ở ủ’[6] (nghĩa là phải neo lại nhiều ngày), chứ nếu họ là dân tại chỗ thì sẽ sáng đi trưa/ chiều sẽ về chứ không cần phải ‘ở ủ’.

Có lẽ chính vì tự thấy điểm yếu trong lập luận của mình như thế nên bà Thanh đã tự ý giới thiệu rằng“đình Dương Hoà ở xã Tân Hoà Thành, vốn là ngôi đình của dòng họ Dương tồn tại trên 400 năm nay”[7], mặc dù bà không hề đưa ra được bất kì bằng chứng nào.

Nếu quả thật đình Dương Hoà có lịch sử hơn 400 năm thì chắc hẳn thôn Dương Hoà phải có lịch sử xa xưa hơn nữa, thì không biết là từ năm nào? Trong khi đó, địa bạ Minh Mạng năm 1836 (tức là hơn 220 năm sau khi thành lập thôn, theo nhận định của bà Thanh [sic]) lại ghi nhận toàn thôn Dương Hoà chỉ có 55 người ‘bổn thôn phân canh’không có một người họ Dương nào[8]. Theo Minh Điều hương ước (1852), điều kiện xin lập một thôn là phải có từ 50 đến 200 dân đinh[9]. Do đó, không thể tưởng tượng được rằng sau 220 năm thành lập mà toàn thôn Dương Hoà chỉ có 55 người phân canh, tức dân số chẳng những không tăng mà lại có phần giảm như vậy.

2. Kế đến là việc thiếu hiểu biết về địa bàn nghiên cứu. Chính vì không hiểu rõ về lịch sử địa bàn, tức điểm nghiên cứu, nên bà Thanh mới nhận định võ đoán rằng đình Dương Hoà có lịch sử hơn 400 năm; không hiểu rõ về đặc điểm tự nhiên của địa bàn huyện Tân Phước và cả Đồng Tháp Mười nên bà Thành mới nhiều lần giới thiệu đây là vùng ‘nước mặn’, cần được ‘rửa mặn’[10] [sic], trong khi thực tế đây là vùng sinh thái nước phèn chứ không phải nước mặn.

Cũng chính vì không hiểu biết về lịch sử dân cư nên bà Thanh mới “giả định người Khmer sinh sống giai đoạn cuối thế kỉ XIX gọi tên cái bao đựng lúa gạo của người Việt là bao cà ròn… trong quá trình giao lưu văn hoá giữa các dân tộc cùng sống trên một địa bàn”[11], mà không biết rằng trong Monographie de la province de Mỹ Tho (1902), phần Dân số người Pháp và người bản xứ, các chủng tộc khác[12], trên địa bàn tỉnh Mĩ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) không có người Khmer nào. Cũng như, do không nắm rõ đặc điểm dân cư địa bàn huyện Tân Phước nên bà Thanh mới nói “nhiều hộ trên địa bàn huyện không có cục đất cắm dùi”, trong khi đây chính là địa bàn mới được khai hoang, và mãi đến năm 2000, nhà nước vẫn còn thực hiện chính sách giao đất canh tác và cấp vốn cho các hộ định cư.

Riêng về thu nhập và mức sống của người dân đươn đệm, bà Thanh cũng chưa nắm rõ, cho nên có đoạn bà nói “cuối thế kỉ XX trở về trước, các sản phẩm bàng buôn bán khá đắt, có chỗ lại nói “người dân… đa số cũng còn nghèo khó, vất vả vì giá bán các sản phẩm rẻ mạt[13].

Đặc biệt, cũng do không hiểu biết về địa bàn huyện Tân Phước nên bà Thanh mới ‘sưu tầm’ được câu ca dao “Lấy chồng về Bàu Gõ, nước mắt nhỏ hai hàng,/ Tay bưng mâm cơm để đó, giã tám chín neo bàng mới được ăn” nói về địa danh ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh mà tôi đã giới thiệu trong bài viết của mình hồi 2005.

3. Hệ quả tất yếu là những kết luận không có cơ sở. Do thiếu hiểu biết về địa bàn và chọn sai điểm nghiên cứu trong khi lại buộc phải đưa ra kết luận, nên bà Thanh đã không tránh khỏi có những kết luận võ đoán về vấn đề nghiên cứu.

3. 1. Về lịch sử nghề đươn đệm ở huyện Tân Phước, trong Bài 1, bà Thanh đi đến kết luận: Nghề đươn đệm ở huyện Tân Phước có lịch sử khoảng 400 năm[14], dựa trên nhận định không có cơ sở rằng đình Dương Hoà ở xã Tân Hoà Thành có lịch sử trên 400 năm.

Thực ra, lịch sử định cư của người Việt trên đất Dương Hoà muộn hơn nhiều. Bởi lẽ, mãi đến năm 1623, sau khi gả công chúa cho quốc vương Chân Lạp (1620), chúa Nguyễn Phước Nguyên mới ‘mượn’ đất Chân Lạp để lập hai trạm thu thuế tại Sài Gòn (nay là Chợ Lớn) và Bến Nghé (nay là Sài Gòn). Đây là cái mốc ghi dấu thời điểm lưu dân người Việt chính thức đặt chân lên đất Đồng Nai/Gia Định.

Đến năm 1674, theo sự cầu viện của phó vương Chân Lạp là Nặc Nộn, chúa Nguyễn sai Diên Lộc hầu (Nguyễn Diên) đem quân dẹp loạn Bô Tâm. Nhờ chiến thắng lừng lẫy tại luỹ Mô Xoài mà quân chúa Nguyễn có điều kiện củng cố doanh trại tại đây (gọi là luỹ Phước Tứ) để bảo vệ dân Việt vốn đã tới đây khai phá từ trước đó.

Năm 1679 có quan Tổng binh các xứ ở Long Môn thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) là Dương Ngạn Địch cùng với quan Tổng binh các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài (tức Trần Thượng Xuyên) vì không chịu thần phục nhà Mãn Thanh, dẫn 3. 000 quân và gia nhân cùng 50 chiến thuyền đến xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần cho nhóm Dương Ngạn Địch đến tả ngạn hạ lưu sông Tiền lập Mĩ Tho đại phố, nhóm Trần Thắng Tài đến tả ngạn hạ lưu sông Đồng Nai lập Biên Hòa đại phố (nay là cù lao Phố, xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Sau đó, với sự đồng ý của vua nước Thủy Chân Lạp, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu phái quan Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Gia Định (thuộc đất Thủy Chân Lạp) đặt phủ Gia Định, lấy đất Đồng Nai đặt làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lấy đất Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn và đặt các sở thu thuế đường sông, bảo trợ cho thương thuyền người Việt vào buôn bán trên đất Thủy Chân Lạp. Vì vùng đất Nam Bộ giai đoạn này hãy còn hoang vu nên lưu dân người Việt dần dần khai hoang và mở rộng địa bàn.

Như vậy, nếu vào thời điểm năm 2016 mà bà Thanh khẳng định thôn Dương Hoà cùng với ngôi đình có lịch sử hơn 400 năm để qua đó khẳng định nghề đươn đệm ở đây có lịch sử hơn 400 năm, tức từ trước năm 1616, thì điều đó có nghĩa là lưu dân đã đến đây trước khi chúa Nguyễn Phước Nguyên mượn đất Sài Gòn và Bến Nghé của Chân Lạp ít nhất 7 năm, trước Mĩ Tho đại phố ít nhất 63 năm và trước khi Nguyễn Hữu Cảnh sắp đặt bộ máy hành chính trên đất Nam Bộ ít nhất 82 năm.

Và đến đây, một câu hỏi rất tự nhiên và đơn giản sẽ được đặt ra: Nếu lưu dân định cư tại Dương Hoà trước khi hình thành bộ máy hành chính đến hơn 82 năm thì chính quyền nào công nhận thôn Dương Hoà và đình Dương Hoà?

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa, giả sử thôn Dương Hoà có lịch sử hơn 400 năm đi nữa, thì làm sao để xác định nghề đươn đệm ở đây cũng có lịch sử tương đương?

3. 2. Còn về nguồn gốc của nghề đươn đệm ở Tân Phước, bà Thanh kết luận như là một ‘phát hiện khoa học’ lớn rằng nó có nguồn gốc từ Huế. Nhưng điều đáng tiếc là nhận định này lại cũng chỉ dựa trên các căn cứ hết sức vu vơ là do Huế cũng có làng nghề đươn đệm (ở Phò Trạch) và ở tỉnh Tiền Giang có địa danh xóm Huế.

Bà Thanh chỉ cho biết địa danh xóm Huế thuộc tỉnh Tiền Giang mà không nói cụ thể ở xã huyện nào. Tôi đã cố tìm hiểu vẫn không tìm ra được địa danh xóm Huế này, mà chỉ biết địa danh cống Quế ở xã Mĩ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy[15]. Giả sử cứ cho cống Quế là biến âm của cống Huế, thì địa danh này cũng không thuộc địa bàn huyện Tân Phước, nên làm sao có thể dùng làm căn cứ để chứng minh cho lịch sử dân cư ở huyện Tân Phước được? Đó là chưa nói tới việc, trong thực tế phương ngữ Nam Bộ, người ta thường dùng từ Huế để chỉ chung địa bàn từ Bình Thuận trở ra phía bắc, chứ không phải chỉ riêng địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Do đó, cứ đà suy luận dễ dãi như bà Thanh, không lẽ người ta cũng có thể kết luận rằng nghề đươn đệm ở huyện Tân Phước có nguồn gốc từ Thái Lan, do ở tỉnh Tiền Giang có địa danh Bàu Xiêm?

Tóm lại, tác giả là TS. Ngô Thị Thanh thực hiện đề tài nghiên cứu trọng điểm của tỉnh nhưng lại không nghiên cứu kĩ địa bàn, dẫn đến chọn sai điểm nghiên cứu và đi đến những kết luận hết sức võ đoán về nghề đươn đệm, không thể coi là ‘những luận cứ khoa học’[16], càng không thể “làm cơ sở khoa học bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống đươn đệm… trước bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”[17] như bà Thanh mong muốn.


Hình 1: Tác giả (Lê Công Lý) đươn đệm cùng bà cụ, năm 2020. Ảnh: Lê Tấn Khanh.



Hình 2: Đình Dương Hoà, xã Tân Hoà Thành, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang được TS. Ngô Thị Thanh xác định có lịch sử ‘hơn 400 năm’ [sic]. Ảnh: Lê Công Lý (2016).



Hình 3: Trang đầu của Địa bạ thôn Dương Hoà, 1836. Ảnh: Lê Công Lý.

___________________

CHÚ THÍCH:

[1] Số 4/2016, tr. 109 – 116

[2] Số 1/2019, tr. 79 – 86, 78.

[3] Đăng lại trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 1/2006 và tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 2/2006.

[4] Bài 1, tr. 109.

[5] Bài 1, tr. 111.

[6] Bài 2, tr. 81.

[7] Bài 1, tr. 114.

[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Địa bạ thôn Dương Hoà, tổng Hưng Nhơn, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Kí hiệu: 15893.

[9] Minh Điều hương ước (1852), bản chữ Hán chép tay năm Đinh dậu 1897, tr. 4.

[10] Bài 1, tr. 110; Bài 2, tr. 79, 81.

[11] Bài 1, tr. 114.

[12] Societe des ÉtudesIndo-Chinoises, p. 83.

[13] Bài 2, tr. 85.

[14] Bài 1, tr. 109,

[15] Lê Công Lý (2018), “Huế trong tâm thức Nam Bộ hay là kí ức lưu dân”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1(144)/2018, tr. 90.

[16] Bài 1, tr. 109.

[17] Bài 2, tr. 79.