Lễ hội chuyển mùa tháng Tư

  Lê Công Lý

Nếu để ý sẽ thấy rằng, trên thế giới có sự trùng hợp đặc biệt về thời điểm diễn ra các lễ hội lớn vào giữa tháng 4 dương lịch.

Vào thời điểm này, ở Việt Nam có lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ cầu ngư (10/3 âm lịch), Tết năm mới (Bund Chôl Chnăm Thmây) của đồng bào Khmer, lễ hội Xứ sở (Rija Nưgar) của đồng bào Chăm và rất nhiều lễ hội chào đón năm mới của các dân tộc ở Tây Nguyên như: Bana, Giẻ-triêng, Xơ-đăng, Gia-rai, v.v. Ngoài ra, trên thế giới cũng có nhiều nước ăn Tết năm mới vào dịp này như Cam-pu-chia, Thái Lan, Lào, Miến Điện, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, một số bang của Ấn Độ và nhiều khu vực ở Nam Dương. Nói chung, phần lớn các cộng đồng cư dân bản địa ở Đông Nam Á đều ăn Tết năm mới vào khoảng giữa tháng tư dương lịch.

Điều đáng lưu ý là, Tết năm mới ở các nước này luôn có lễ hội té nước cực kì sôi nổi để cầu mùa và cầu may nói chung.

Đồng thời, cũng vào thời điểm này, tín đồ Ki-tô giáo hầu khắp thế giới đều tổ chức lễ Phục sinh – một trong các lễ lớn nhất của Ki-tô giáo – để mừng sự kiện đức Chúa Jesus sống lại sau khi chết do bị đóng đinh trên thập giá


Quảng trường Thánh Peter.

Ở Trung Quốc và các nước có sử dụng lịch âm dương như Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan thì đây là giai đoạn sơ khởi của tiết Cốc vũ. Ngoại trừ ngày lễ Phục sinh thường được xác định thiếu thống nhất, tất cả các nước vừa nêu trên mặc dù sử dụng lịch pháp khác nhau nhưng điều tổ chức Tết năm mới hoặc lễ hội lớn hầu như thống nhất vào giữa tháng 4 dương lịch. Lí do là vì lịch pháp mà các nước này sử dụng đều căn cứ vào thực tế của diễn biến thời tiết trong năm còn cách xác định ngày lễ Phục sinh của Ki-tô giáo thì không căn cứ chặt chẽ vào diễn biến thời tiết này .


Lễ hội đền Hùng Phú Thọ.

Vậy xét về mặt tự nhiên, giai đoạn giữa tháng 4 dương lịch có chuyển biến gì đặc biệt để làm cơ sở cho việc chào đón năm mới và các lễ hội lớn khác của nhiều nơi trên thế giới?

Khoa học thiên văn đã chỉ ra rằng, kể từ tiết Xuân phân (20 – 21/3 dương lịch), mặt trời đã không còn lệch về phía nam bán cầu nữa mà đã di chuyển (nói theo lối biểu kiến) về ngay xích đạo của trái đất. Do đó, lúc này mặt trời mọc ở hướng chính đông và lặn ở hướng chính tây, dẫn đến ngày và đêm có độ dài bằng nhau. Và sau đó mặt trời tiếp tục di chuyển (nói theo lối biểu kiến) về phía bắc bán cầu. Vì phần lớn lục địa trên thế giới nằm ở bắc bán cầu nên kể từ đây thời tiết ở phần lục địa này bắt đầu chuyển từ mùa khô sang mùa mưa.

Chính vì vậy mà theo lịch âm dương của Trung Quốc thì liền sau tiết Xuân phân là tiết Thanh minh rồi Cốc vũ. Ở nhiều nơi trên thế giới, tiết Thanh minh có mưa phùn lất phất nên cây cối đâm chồi nảy lộc (“Cỏ non xanh rợn chân trời” – Truyện Kiều). Nhưng phải đến tiết Cốc vũ (20 – 21/4 dương lịch) thì mới có mưa rào để bắt đầu có thể gieo sạ cốc loại như: lúa, ngô, kê, đậu, vừng… (Cốc vũ 穀雨 = mưa [gắn với] cốc loại).

Trên thế giới, cốc loại là lương thực quan trọng số một của con người. Chính vì thế, những cơn mưa rào trong tiết Cốc vũ vào giữa tháng 4 dương lịch chính là món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng con người, là cái duyên “hạnh ngộ” của cốc loại, đem lại sự sống cho con người.

Dù gì đi nữa thì con người sống trước hết vẫn là sống phần thể xác, nên thực tế không gì quan trọng bằng ăn uống. Ăn uống chẳng những là biểu hiện của sự sống mà còn là sự khởi đầu của mọi sáng tạo.

Do xuất phát từ đầu óc thực tế như thế nên, cũng như hầu hết cư dân nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á, ở Việt Nam, tháng 3 âm lịch là cao điểm của mùa lễ hội , trong đó chủ yếu là lễ cầu nước:

“Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè…”
(Ca dao).

Nếu tin theo các truyền thuyết dân gian được ghi chép lại trong Lĩnh Nam chích quái [cuối thời Trần] và Đại Việt sử kí toàn thư [1479], rằng các vua Hùng là cháu nhiều đời của vua Thần Nông thì cũng phải thừa nhận nguồn gốc nông nghiệp trồng lúa nước của các vua Hùng. Lễ hội đền Hùng đã có từ lâu đời, được tổ chức kéo dài từ mùng 7, mùng 8 đến 16, 17/3 âm lịch chính nằm trong lịch trình cầu nước của cư dân nông nghiệp.


Tục té nước trong dịp Tết ở một số nước Đông Nam Á.

Mặc dù sự chuyển mùa như vừa nói trên chỉ thực sự rõ nét ở khu vực Đông Nam Á gió mùa, nhưng ở các khu vực khác trên thế giới cũng vẫn có những chuyển biến nhất định. Đó chính là cái lí cốt lõi của Tết năm mới và các lễ hội ăn mừng lớn nói chung của nhiều tộc người, nhiều quốc gia, thậm chí nhiều tôn giáo trên khắp thế giới vào giữa tháng tư dương lịch. Cái lí đó tuỳ theo từng nền văn hoá mà biện sự ra thành nhiều lễ hội khác nhau, nhưng chung quy vẫn chỉ có duy nhất một cốt lõi, đó là lễ hội chuyển mùa để chào mừng một vận hội mới trong năm: bắt đầu một vụ trồng trọt để nuôi sống con người. Do đó, hầu hết các lễ hội tháng tư nói trên luôn có các nghi thức cầu mưa bằng nhiều hình thức mà nghi thức té nước là phổ biến nhất.


Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer.

Như vậy, suy cho cùng, dù là lễ giỗ tổ Hùng Vương, lễ cầu ngư, Tết năm mới, tết Xứ sở hay lễ Phục sinh, dù ở phương Đông hay phương Tây, dù thuộc tộc người nào hay tôn giáo nào, thì các lễ hội tháng tư này cũng đều dựa trên nền tảng nông lịch và gắn chặt với bước chuyển mùa của thiên nhiên, hay nói cách khác, chỉ là sự miêu tả “ý đồ của vũ trụ”. Và đây mới chính là ý nghĩa thiêng liêng nhất của các lễ hội tháng tư trên khắp thế giới.

Riêng đối với Việt Nam, nhất là tộc Việt, thì lễ giỗ tổ Hùng Vương và cầu ngư vào ngày 10/3 âm lịch, tức giữa tháng tư dương lịch, có thể coi như tàn tích của Tết năm mới mang tính truyền thống bản địa trước khi chuyển sang ăn Tết Nguyên đán theo đà Hán hoá. Nói cách khác, các lễ hội này chính là những hồi quang của kí ức dân tộc dựa trên nguồn cội văn hoá bản địa Đông Nam Á.