Lê Công Lý
Thường nghề gì cũng để kiếm sống, nhưng nghề nghiên cứu, nhứt là ở Việt Nam, thời không phải để kiếm sống. Bởi vậy, thầy Sển mới hô trên đời có 5 cái ngu: cái thứ 5 là… nghề nghiên cứu.
Thế nhưng, để ý sẽ thấy ở Việt Nam giờ rất nhiều người mần nghiên cứu: Số cao học, nghiên cứu sanh tăng đột biến là gì nếu hổng phải nghiên cứu? Nhiều hội thảo khoa học cũng rộ lên như núm, sách tham khảo cũng ra hàng loạt, dù số bổn in chỉ vài trăm. Nếu nghiên cứu là cái ngu thứ 5 của đời người thời tại sao nó lại phát dương dữ vậy?
Lí do vì các nghiên cứu viên và giảng viên nhà nước bị giao chỉ tiêu ‘nghiên cứu’, các giáo viên phổ thông bị giao chỉ tiêu ‘sáng kiến kinh ngiệm’ nếu muốn tồn tại. Thành ra, nói như NNC Huỳnh Ngọc Trảng, hiện nay Việt Nam ‘nhà nhà nghiên cứu, người người nghiên cứu’.
Nhưng nếu chịu khó, coi sẽ thấy phần lớn các ‘công trình nghiên cứu’ đó đều có nội dung như nhau, vì chung nguồn. Nhiều tạp chí ra số chuyên đề, kiếm đỏ mắt mới ra bài chất lượng và mới, mặc dầu MỚI MẺ vốn là yêu cầu bắt buộc của bài nghiên cứu. Chợ trên thiệt địa và trên mạng tràn ngập dịch vụ mần luận văn luận án mướn, ‘sáng kiến kinh nghiệm’ mướn.
Lạ là, mặc dầu tràn lan vậy nhưng số vụ mần ‘nghiên cứu’ mướn lại rất ít bị phát hiện, đơn giản vì các thầy thẩm định không coi kĩ mần chi để mang tiếng oán và chuốc lấy tai nạn, mà nếu có phát hiện thời cũng không dễ gì tố cáo, nếu muốn cầu an. Hầu hết các vụ đạo văn bị phát hiện và phanh phui hiện nay đều do những người NGOÀI NGÀNH hoặc không có ngôi vị trong ngành.
Tình trạng vậy nên giấy mực cứ hàng hàng hao tổn nhưng ít ai thèm đọc các ấn phẩm. Riết rồi sách vở trở thành thứ trưng bày hơn là để đọc, thể hiện rõ ràng ở cỡ chữ to đùng, cách dòng thưa, chừa lề rộng và bìa gáy vuông cứng như cái bánh chưng, cầm trên tay giống như cầm… cục gạch. Xưa hô ‘cuốn sách’/ ‘quyển sách’ ý là người ta thường cuốn nó lại cầm trên tay để coi, nay hiếm tới mức ít còn ai có thể tưởng tượng ra nghĩa ban đầu của nó.
Khổ cái, lạc loài giữa núi hàng ‘nghiên cứu giả’ đó, người nghiên cứu thiệt hiện nay đương phải sống và mần việc ngắc ngoải đã đành, mà độc giả muốn kiếm đồ thiệt để coi cũng phải trầy vi tróc vảy để gạn đục khơi trong, bòn tro đãi trấu, đãi cát tìm vàng.
Các vị mần đồ giả thời la liệt chức tước, danh vị, tiền bạc, đệ tử, thét lửa mửa khói, còn các thầy mần đồ thiệt thời phải quy điền, quy sơn, ‘Tắm mây chải gió trong vời Hàn Giang’ (Lục Vân Tiên) hoặc đại ẩn giữa đất châu thiềng, trên răng dưới dép, ‘Một mình mình biết, một mình mình hây’ (Kiều), không có gì để tự vệ huống hồ gì mà ‘thế thiên hành đạo’, diệt ác trừ gian, có chăng vài trái bom thúi tự cài vô công trình của mình như là một thứ khổ nhục kế.
Tình trạng ‘hữu danh vô vị, hữu vị vô danh’ đó khiến thị trường nghiên cứu ở Việt Nam rơi vô vòng luẩn quẩn: ‘Người mần không tên, người tên không mần’, nặng hơn nữa là ‘người biết không mần, người mần không biết’. ‘Hội thảo khoa học’ cấp trường, cấp tỉnh, cấp quấc gia và cấp quấc tế liên tục nhưng diễn giả hầu hết chỉ chép cái có sẵn rồi lên bục đọc ê a mà chẳng ai thèm nghe, sách vở ngàn ngập nhưng ít ai coi và đụng vô cái gì hầu như cũng phải mần lại từ đầu.
Chừng nào Việt Nam có cơ quan quản lí thị trường học thuật và hội bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm nghiên cứu?