Nha Mân hay Nha Bân?
Mặc dù không phải địa danh hành chính nhưng địa danh (rạch, chợ) Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) rất nổi tiếng, trước hết là do câu ca dao:
Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân[1]
Địa danh Nha Mân từ lâu đã được nhiều sách vở giải thích, nhưng hầu hết đều dựa theo Di cảo Trương Vĩnh Ký: Đây là địa danh gốc Khmer (prếk Oknha Mân → rạch Nha Mân; Srốk Oknha Mân → thị trấn Nha Mân)[2].
Từ đó, các tác giả theo hướng này giải thích: Oknha Mân là ông quan[3] tên Mân (hay Mun, Moon). Nghĩa là, đây vốn là tiếng Khmer, nhưng khi chuyển sang tiếng Việt thì âm tiết Ok bị nhược hóa, rụng mất, chỉ còn lại Nha và Mân.
Tuy nhiên, quan điểm này cần phải được xét lại. Bởi lẽ, ngay trong danh sách đối chiếu 179 địa danh Việt – Khmer ở Nam Bộ (Di cảo Trương Vĩnh Ký, Sđd, ngoài địa danh Nha Mân nói trên còn có đến 6 địa danh Việt ứng với 6 địa danh có từ Oknha trong tiếng Khmer: sông Trước/ sông Tiền: tonlé Onha Mun; sông Vũng Gù: tonlé Onha Kou; rạch Trà Hôn: prếk Onha Han; sông Long Hồ: tonlé prếk Onha Decô; sông Vũng Liêm: prếk kompon Oknha Lin; Trảng Bàng: srốk Oknha Păn).
Xét danh sách 6 địa danh đối chiếu trên, không hề có trường hợp nào âm tiết Ok và/ hoặc Nha còn giữ lại trong địa danh Việt. Như vậy, việc giải thích Nha Mân (Việt) từ Oknha Mân (Khmer) là chưa có tiền lệ.
Hơn nữa, danh sách đối chiếu 179 địa danh nói trên cũng tỏ ra không đáng tin cậy lắm, bởi ít nhất có 2 điểm phi lí sau:
- Địa danh [Srốk] Tức Khmau (Khmer) được cho rằng Việt hóa thành Cà Mau, nghĩa là rụng mất âm tiết Tức và âm tiết hóa phụ âm Kh, trong khi Tức là âm tiết mạnh còn Kh là âm gốc lưỡi yếu. Điều phi lí ở chỗ: Âm tiết mạnh lại cho rằng bị rụng đi trong khi âm yếu được giữ lại[4].
- Địa danh Vũng Liêm ở tr.258 giải thích từ prếk kompon Oknha Lin, nhưng đến tr.264 (Sđd) lại giải thích từ Mé Lim.
Tương tự như trường hợp Cà Mau không thể từ Tức Khmau mà ra, Nha Mân không thể từ Oknha Mân mà ra. Bởi vì Ok/ Óc phiên sang tiếng Việt sẽ mang thanh sắc, có âm vực cao hơn Nha và Mân. Do đó, trước áp lực song tiết hóa của tiếng Việt, nếu quả thật ở đây vốn có địa danh Oknha Mân thì sẽ được Việt hóa thành Óc Mân (tương tự như Óc Eo), tức rụng mất Nha do nó mang âm vực thấp hơn Óc.
2. Nha Mân hay Nha Bân?
Phần trên là nói về địa danh đương đại và được ghi bằng chữ quốc ngữ: Nha Mân. Tên Nha Mân (chữ quốc ngữ) được ghi chép khá muộn, có thể tìm thấy sớm nhất trong bản đồ Cochinchine (1868)[5]. Tuy nhiên, ngay trong bản đồ này cũng dễ dàng phát hiện hàng loạt địa danh Nam Kì bị kí âm Latin sai, chẳng hạn: Cần Giuộc, Cai Lậy, Cai Tài, Cái Tàu Hạ, Chơn Thành, Cửa Cổ Chiên, Cửa Trấn Di[6], Lái Thiêu, Mỉ Quý, Sóc Sãi, Rạch Kiến, R. Mương Đào, R.Thứ Chín, v.v. bị kí âm sai thành Can Gioc, Cai Lai, Cai Tay, Cai Thau Ha, Chon Tanh, Cua Co Kien, Cua Trang De, Lai Thiou, Mi Cui, Suc Sai, Rach Kiem, R. Muon Dao, R.Thu Chanh, v.v. Do đó, bản đồ này ghi “Nha Mân” chưa chắc đã kí âm đúng ngữ âm địa phương đương thời.
Trước đó, sử sách nhà Nguyễn đều chép là Nha Bân 牙斌 (Gia Định thành thông chí [1820?], Đại Nam nhất thống chí [1865–1882]) hoặc Nha Bân 芽斌 (Hoàng Việt nhất thống dư địa chí [1808], Địa bạ Minh Mạng [1836]). Ngoài ra, sách địa dư chí bằng chữ Nho do tư nhân soạn đương thời như Nam Kì lục tỉnh địa dư chí [1872] của Duy Minh Thị cũng viết Nha Bân 牙斌. Mặc dù hai cách ghi này khác nhau về chữ Nha 牙 (răng) và Nha 芽 (mầm), nhưng đều thống nhất ở chữ 斌 Bân. Xưa nay, chưa thấy sách nào ghi địa danh Nha Mân bằng chữ Nho cả. Nói cách khác, sử sách xưa chưa từng ghi nhận địa danh Nha Mân mà chỉ ghi nhận địa danh Nha Bân.
Hình 1: Từ trái sang: 芽斌 [Nha Bân] trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí và Địa bạ Minh Mạng, thôn Tân Hựu, tổng An Mỹ, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Ảnh: Lê Ngọc Quốc.
Hình 2: Từ trái sang: 牙斌 [Nha Bân] trong Gia Định thành thông chí, Đại Nam nhất thống chí và Nam Kì lục tỉnh địa dư chí. Ảnh: Lê Công Lý (1), Lê Ngọc Quốc (2,3).
Chữ Bân gồm hai chữ Văn 文 và Võ 武 ghép lại[7], hàm nghĩa lịch sự vừa phải (vừa có văn vừa có võ, tức không quá văn vẻ, cũng không quá thô lỗ). Điều này cũng tỏ ra thích hợp trong mối liên tưởng đến người con gái đẹp ví như nụ hoa xinh xắn: Bân 斌.
3. Tại sao dân gian vẫn nói Nha Mân?
Xưa nay, chuyện sử sách ghi địa danh một đàng, dân gian nói một nẻo không phải hiếm. Chẳng hạn: sử sách ghi Bàn Lân, Bình Nhan, Khuê Mĩ Thạnh, Hảo Đức, Định Quan, Hùng Ngự, Lại Uyên, Tân Tú, Tấn Đức, Trấn Di, v.v.; dân gian vẫn nói Bằng Lăng, Bình Nhâm, Quê Mĩ Thạnh, Hảo Đước, Định Quán, Hồng Ngự, Lai Uyên, Tân Túc, Tân Đức, Trần Đề, v.v. Thậm chí rất nhiều địa danh ghi sai theo dân gian lại được chính thống hóa thành địa danh hành chính, đủ thấy sức mạnh của dân gian đến mức nào[8].
Các trường hợp bất nhất giữa địa danh ghi bằng chữ Nho trong sử sách nhà Nguyễn với thực tế hiện nay vốn có nhiều nguyên nhân. Riêng trường hợp sử sách ghi Nha Bân nhưng dân gian lại nói Nha Mân, có thể giải thích như sau:
Đó là do quy luật đồng hóa ngữ âm (Assimilation) gây ra: Các âm tiết đi liền nhau có khuynh hướng thay đổi cho (gần) giống nhau về ngữ âm nếu có thể, để cho dễ phát âm.
Thật vậy, trong Nha Bân có NH và N là âm mũi, nên gây áp lực đồng hóa, biến B thành M. Bởi lẽ, B và M có rất nhiều điểm tương đồng về đặc điểm ngữ âm: i. Âm tắc; ii. Âm 2 môi; chỉ khác nhau ở chỗ: B là âm ‘không mũi’ còn M là âm mũi. Nói cách khác, trường hợp này âm B bị mũi hóa (Nasalized) thành M, biến Nha Bân thành Nha Mân.
Trường hợp B và M có thể dùng thay cho nhau vốn không phải hiếm trong tiếng Việt. Chẳng hạn: bàn/ mâm, báng vốn/ mắng vốn; bạo/ mạo; bập/ mấp; bột bình tinh/ bột mì tinh; bồ côi/ mồ côi; bồ hòn/ mồ hòn; bù hóng/ mù hóng; buồn/ muốn, bệu bạo/ mếu máo, bùn/ mùn, bồ tạt/ mù tạt; bò om/ mò om (rau), bu/ mụ; bổ/ mổ; bọng/ mọng (nước); bù trất/ mù trất, v.v.
Nam Bộ vốn thích ăn to nói lớn, nên trong các trường hợp có thể, sẽ chọn giải pháp mũi hóa, tức dùng M thay B để tăng độ vang cho lời ăn tiếng nói, như trường hợp Nha Bân được nói thành Nha Mân.
_________________
[1] Giai thoại kể, khi xưa chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn rượt đuổi. Chạy đến đây, chúa túng thế phải bỏ lại rất nhiều phi tần cung nữ xinh đẹp và di duệ đến sau này. Giai thoại này tỏ ra khó tin. Bởi lẽ, buổi mông trần, có lúc ngay cả thân quyến chúa còn không mang theo được huống gì phi tần cung nữ.
[2] Dẫn theo Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Tác giả xb, Sài Gòn, tr.259, 262.
[3] Lê Hương giải thích: Oknha là “tước quan trong triều vua Cao Miên” (Sđd, tr.257).
[4] Hơn nữa, ở Nam Bộ có đến 7 địa danh Khmer được Việt hóa vẫn giữ lại âm tiết Tức: rạch Mây Tức, đồi Tức Dụp, sóc Tức, rạch Phú Tức, núi Tức Khót, rạch Tức Nở, xã An Tức.
[5] Và sau đó là Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine [Tiểu giáo trình địa lí Nam Kì] (1875) của Trương Vĩnh Ký, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của, Monographie de la province de Sadec (1903) [Chuyên khảo tỉnh Sadec] của Société des Études Indochinoises [Hội Nghiên cứu Đông Dương], v.v.
[6] Nay viết sai “ổn định” thành cửa Trần Đề.
[7] Trong cuốn Gia-Dinh-Thung-Chi (1863), bản dịch Gia Định thành thông chí ra chữ Pháp sớm nhất của G.Aubaret, dịch giả chép thiếu chữ Văn 文 trong 牙斌 nên chỉ còn lại 牙武 [Nha Võ] và được phiên sang chữ quốc ngữ là “[le] Nha-vo” (p.240).
[8] C.f. Lê Công Lý (2018), “Một số địa danh hành chính bị viết sai ở Nam Bộ”, T/c Văn hoá và Nguồn lực, ĐH Văn hoá TP.HCM, số 2(14).2018, tr.36 – 40.