Thủ Khoa Huân quê ở đâu?

1. Đặt vấn đề

Không lạ gì việc nhiều anh hùng chống Pháp thời cận đại tới nay không rõ lai lịch. Lí do vì nhiều vị vốn xuất thân là nông dân hay dân chài, lai lịch ít được biết đến. Hơn nữa, hầu hết các cuộc kháng chiến chống Pháp đều nhanh chóng thất bại và tan rã, trong khi triều đình không nhìn nhận nên rất hiếm hoi được sử sách biên chép. Nhưng trường hợp đỗ đạt như Thủ khoa Huân mà lai lịch đến nay vẫn bất nhất thì quả thật lạ lùng.

Thật vậy, chỉ riêng vấn đề quê quán của ông, sử sách ghi cũng không thống nhất:

- Đại Nam thực lục ghi ông quê ở tỉnh Bình Thuận: Khi trước Cử nhân ở Bình Thuận là Nguyễn Hữu Huân và Âu Dương Lân cùng với văn thân 6 tỉnh hội với người nước Thanh triệu tập quân được 3.000 người nhiều lần chống đánh với người Pháp, được thắng. Đến nay tướng Pháp bắt được giết đi. (Huân năm trước mộ nghĩa quân, bị đày ra nước ngoài cho về, lại cùng bọn Lân khởi sự, bị tướng Pháp bắt được, Huân, Lân và đầu mục hơn trăm người đều bị giết)”[1].

- Đại Nam liệt truyện ghi ông quê huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường (không nói thôn nào): “Nguyễn Hữu Huân, người Kiến Hưng, Định Tường. Đỗ hương giải Tự Đức năm thứ 5 (1852), qua chức Giáo thụ thăng lên Phó quản đạo. Năm thứ 21 (1868), Lục tỉnh hữu sự, Hữu Huân chiêu mộ nghĩa binh mưu đồ khôi phục, việc tiết lộ bị quan Pháp bắt đưa đi đày ở hải ngoại. Sau 7 năm được tha về, lại cùng với Âu Dương Lân tập hợp 3.000 quân, kháng cự với quân Pháp nhiều lần rồi lại bị bắt. Hữu Huân với hơn 100 người đầu mục đều bị chết”[2]. Tuy không ghi rõ thôn nào, nhưng phải hiểu sách này xác định ông quê ở thôn Tịnh Giang, vì đương thời thôn này thuộc huyện Kiến Hưng, còn thôn Tịnh Hà thuộc huyện Kiến Hoà.

- Quốc triều hương khoa lục ghi ông quê thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường[3];

- Sách Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn cũng ghi nhận Nguyễn Hữu Huân quê thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường[4].

- Nhưng Định Tường thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện[5] của Vô danh thị lại ghi ông quê thôn Tịnh Hà, tổng Thạnh Quơn, huyện Kiến Hoà, tỉnh Định Tường[6];

- Rồi nhiều tác giả trong kỉ yếu hội thảo Nguyễn Hữu Huân – tấm gương kiên trung bất khuất của người trí thức yêu nước (1976)[7] theo đó cũng ghi ông quê thôn Tịnh Hà.

- Nhưng hồ sơ di tích mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân của Ban Quản lí Di tích Lịch sử - Văn hoá Tiền Giang lại ghi ông quê ở thôn Tịnh Giang.

Có thể tóm lược các tài liệu hiện có về quê quán Thủ khoa Huân như sau:

Thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường

1. Đại Nam liệt truyện;

2. Quốc triều hương khoa lục;

3. Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn;

4. Hồ sơ di tích mộ và đền thờ Thủ Khoa Huân.

Thôn Tịnh Hà, huyện Kiến Hoà, tỉnh Định Tường

1. Định Tường thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện;

2. Kỉ yếu hội thảo Nguyễn Hữu Huân – tấm gương kiên trung bất khuất của người trí thức yêu nước.

Tỉnh Bình Thuận

1. Đại Nam thực lục.

Cho đến năm 2001, cuốn Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất (Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức)[8] ra đời như là bản tổng kết những nghiên cứu về Thủ Khoa Huân, nhưng nguyên quán ông ở thôn nào thì cuốn sách này không đề cập.

Ngoài ghi chép của Đại Nam thực lục (rằng Thủ khoa Huân quê quán ở Bình Thuận) rõ ràng không có căn cứ[9], còn lại hai chủ kiến về quê quán của ông (thôn Tịnh Giang và thôn Tịnh Hà) vẫn song song tồn tại. Nên đến hôm nay, người nói Thủ Khoa Huân quê ở thôn Tịnh Giang, kẻ nói ông quê ở thôn Tịnh Hà. Mặc dù hai thôn này chỉ cách nhau có con kinh Bảo Định rộng 40m, nhưng đương thời thuộc hai huyện khác nhau (thôn tịnh Giang thuộc huyện Kiến Hưng, thôn Tịnh Hà thuộc huyện Kiến Hòa), và hôm nay thuộc hai xã khác nhau (xã Hòa Tịnh và xã Mĩ Tịnh An) nên không có thể coi như là một được. Do đó, việc truy nguyên bản quán của Thủ Khoa Huân là đều cần thiết.

2. Tính phức tạp của vấn đề

Việc xác định quê quán của Thủ Khoa Huân không đơn giản, vì thực tế đương thời ông có ruộng đất ở cả hai thôn Tịnh Giang, Tịnh Hà và hiện nay có hai đình thờ ông: một ở xã Mĩ Tịnh An (tức thôn Tịnh Hà xưa), một ở xã Hoà Tịnh (tức thôn Tịnh Giang xưa). Đồng thời mộ phần của thân phụ ông (là ông Nguyễn Hữu Lý/ Cả Cẩm) lại nằm ở địa phận thôn Tân Hương kề bên.

Việc ông có ruộng đất tại thôn Tịnh Giang thì đã rõ, vì sau khi bị xử chém, ông được chôn tại đất ruộng nhà, chứ không người dân nào dám nhận ông về chôn trong phần đất của mình vì sợ thực dân trừng phạt. Ngày 05/7/1875, tức chỉ hơn 1 tháng sau khi ông hi sinh, Thống đốc Nam Kì ra công văn CP.6358, nội dung trừng phạt 48 thôn trong tỉnh Mĩ Tho đã trực tiếp hoặc gián tiếp ủng hộ, che giấu cuộc khởi nghĩa của Thủ khoa Huân. Những thôn này bào gồm khu vực rộng lớn từ Tân An đến Chợ Gạo và Vĩnh Kim[10]. Do đó, không thể có việc quê ông vốn ở thôn Tịnh Hà mà khi xử chém xong chính quyền thôn Tịnh Giang lại nhận về chôn cất trong địa bàn thôn mình, nếu không muốn thực dân trừng phạt thêm.

Còn việc ông có ruộng tại thôn Tịnh Hà thì tờ văn khế bán thục gần 4 mẫu ruộng của Cai Danh, nguyên là Thường sai, giữ nhà việc thôn Tịnh Hà, tổng Thạnh Quơn, huyện Kiến Hoà vào năm 1875 có ghi nhận đám ruộng này: 北近阮有勲田半畔爲限 Bắc cận Nguyễn Hữu Huân điền bán bạn vi hạn (phía bắc giáp nửa bờ ruộng của Nguyễn Hữu Huân).

Hiện tại mộ Thủ khoa Huân ở ấp Hoà Quới, xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Vào những năm 1830, tức lúc ông chào đời, khu đất này thuộc thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, trấn Định Tường[11]. Tuy nhiên, nhà thờ ông (tức nhà ông Hội đồng Thông – cháu ngoại ông) mộ thân mẫu ông và phu nhân ông (bà Lê Thị Lộc) lại nằm ở thôn Tịnh Hà, nay thuộc ấp An Thị, xã Mĩ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, từ sau 1954, ông được chính thức thờ tại đình Tịnh Hà, xã Mĩ Tịnh An (nay có tên chính thức là Đình thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Huân), trước cả đền thờ hiện nay ở xã Hoà Tịnh do chính quyền lập vào năm 1995.

Điều đó có nghĩa là, thực tế chẳng những Thủ khoa Huân có ruộng đất ở cả hai thôn Tịnh Giang và Tịnh Hà, mà ông còn được thờ tại cả hai làng Tịnh Giang và Tịnh Hà, mồ mả của gia đình cũng ở cả hai làng này.

Điều phức tạp nữa là, mặc dù quan điểm cho rằng ông quê ở thôn Tịnh Giang được ghi trong nhiều bộ sách chính thống của triều Nguyễn (như Đại Nam liệt truyện, Quốc triều hương khoa lục, mộc bản triều Nguyễn, v.v.) nhưng quan điểm cho rằng ông quê ở thôn Tịnh Hà lại chủ yếu xuất phát từ hậu duệ ông là ông Hội đồng [Trần Văn] Thông, cháu ngoại ông, là người phụ trách việc thờ cúng ông, đồng thời cũng là người “sao chép” cuốn Tiểu sử Thủ Khoa Huân 1830 – 1875, mà khả năng rất cao ông (Hội đồng Thông) chính là tác giả.

Tuy nhiên, trong bản tiểu sử được viết bằng thủ bút của mình, ông Hội đồng Thông có ghi rõ “làng Tịnh Hà, nay là Mĩ Tịnh An”, cho thấy rõ nó được viết sau ngày 24/10/1925, vì từ ngày này mới có tên làng Mĩ Tịnh An do sáp nhập ba thôn Tịnh Hà, Mĩ Trung và An Khương.

Có thể tóm lược di tích về Thủ khoa Huân ở hai thôn Tịnh Giang và Tịnh Hà như sau:

Thôn Tịnh Giang (nay là xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)

Thôn Tịnh Hà (nay là xã Mĩ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang)

Mộ Thủ khoa Huân

Di tích pháp trường xử chém Thủ khoa Huân

Đình thờ Thủ khoa Huân

Đình thờ Thủ khoa Huân

Ruộng đất của Thủ khoa Huân

Ruộng đất của Thủ khoa Huân


Nhà thờ Thủ khoa Huân (nhà Hội đồng Thông)


Mộ phu nhân Thủ khoa Huân (bà Lê Thị Lộc), con gái (Nguyễn Thị Vạn) và cháu ngoại (Trần Văn Thông).

Ông Trần Văn Thông sinh năm 1890, năm 1908 nhập quốc tịch Pháp, đến năm 1925, ông 35 tuổi, là người có học thức và là cháu thừa tự của Thủ khoa Huân, nên có đủ khả năng và tâm huyết để viết cuốn tiểu sử về một người anh hùng dân tộc là ông ngoại mình.

Tuy nhiên, vì lúc đó thực dân Pháp còn mạnh và đang thống trị nên ông Hội đồng Thông (vốn đang là Cai tổng của chính quyền đương thời) nên không thể chính thức đề tên mình là tác giả.

Ông Trần Văn Thông mất ngày 22/4/1955, tức khi Pháp rút khỏi Nam Kì không bao lâu, nên thiết nghĩ bản tiểu sử này phải được ông viết từ trước đó. Mà cho dù trước đó thì cũng khoảng những năm 1950, nghĩa là sau cuộc khởi nghĩa Thủ khoa Huân đến 75 năm. 75 năm đó, trong tình trạng Thủ khoa Huân là tử tội của nhà cầm quyền, nên một người hậu duệ như Trần Văn Thông, dù có dụng công nhiều cũng khó ghi chép được chính xác các sự việc. Bởi vậy, đọc hết bộ tiểu sử này, ngày nay dễ dàng nhận ra rất nhiều sự kiện lịch sử bị chép sai vì chỉ theo chủ ý và trí nhớ của một người vốn không phải chuyên gia nghiên cứu như Trần Văn Thông.

Do đó, việc bản tiểu sử này chép Thủ khoa Huân quê ở “làng Tịnh Hà, nay là Mĩ Tịnh An” tự thân nó đã có độ khả tín không cao.

3. Xác lập một ghi nhận đúng đắn về quê quán của Thủ khoa Huân

Như đã nói, sử liệu có nhiều ghi chép bất nhất về quê quán của Thủ khoa Huân, nhưng chủ yếu là sự lấn cấn giữa thôn Tịnh Giang và thôn Tịnh Hà. Tuy nhiên, nói một cách khoa học, tất cả những ghi chép xưa nay đều không chính xác, vì đều phi lịch sử. Lí do là Thủ khoa Huân sinh năm 1830, lúc đó chưa có thôn Tịnh Giang lẫn Tịnh Hà.

Thực vậy, tra địa bạ triều Nguyễn năm 1836 không hề thấy thôn Tịnh Giang hay Tịnh Hà, mà chỉ thấy có thôn Lợi Thạnh thuộc tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường[12]. Đến đời Thiệu Trị, thôn Lợi Thạnh mới được tách ra thành hai thôn Tịnh Giang, Tịnh Hà. Tất cả các tài liệu ghi chép về quê quán của Thủ khoa Huân xưa nay đều ghi theo tên thôn về sau, thay vì phải ghi theo tên thôn hiện hữu lúc ông chào đời.

Do đó, từ các dữ liệu nêu trên, chúng tôi thấy cần xác định và ghi chép chính xác, khoa học về quê quán của Thủ khoa Huân như sau: Ông sinh năm 1830 [?] tại thôn Lợi Thạnh, tổng Hưng Xương, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Năm 1832, vua Minh Mạng cải cách hành chính, đổi 5 trấn ở Nam Kì thành 6 tỉnh. Tổng Hưng Xương tách thành 2 tổng Hưng Nhượng và Hưng Nhơn. Theo đó, thôn Lợi Thạnh thuộc tổng Hưng Nhượng, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường. Đến đời Thiệu Trị, thôn Lợi Thạnh tách ra thành thôn Tịnh Giang (huyện Kiến Hưng) và thôn Tịnh Hà (huyện Kiến Hoà).

Nơi chôn nhau cắt rún của Thủ Khoa Huân thuộc thôn Tịnh Giang; địa chỉ hiện nay: ấp Hoà Quới, xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Điều này đã được xác nhận rõ ràng trong tờ xác nhận tông chi của Thủ Khoa Huân ngày 12/8/1895 có hương chức thôn Tịnh Giang đóng dấu và kí tên cùng với chữ kí của 4 người trong gia đình và thân tộc (xem hình).

Thiết nghĩ, một nhân vật lịch sử nổi tiếng như Thủ khoa Huân thì việc xác định quê quán cũng phải khoa học, chính xác như vậy.

__________________________

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

1. Cao Xuân Dục (1892, tái bản 2011), Quốc triều hương khoa lục, Nxb Lao Động, Hà Nội.

2. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Định Tường, Nxb TP.HCM.

3. Nhiều tác giả (1976), Kỉ yếu hội thảo Nguyễn Hữu Huân – tấm gương kiên trung bất khuất của người trí thức yêu nước, Viện Khoa học xã hội miền Nam

4. Phạm Thiều, Cao Tự Thanh, Lê Minh Đức (2001), Nguyễn Hữu Huân – nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất, Nxb Trẻ, TP.HCM.

5. Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản chữ Hán 1968), Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhất kỉ , The Oriental Institute, Keio University, Tokyo, Japan.

6. Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821–1909, bản dịch 2006), Đại Nam thực lục, tập 8, Bản dịch Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn (1852, tái bản 1997), Đại Nam liệt truyện chính biên, Nhị tập, Nxb Thuận Hóa, Huế.

8. Trần Văn Thông sao lục (1952?), Tiểu sử Thủ Khoa Huân 1830 – 1875, bản chép tay.

9. Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (2012), Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.


Hình 1: Đình thờ Thủ khoa Huân ở xã Mĩ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lê Công Lý.


Hình 2: Đình thờ Thủ khoa Huân ở xã Hoà Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lê Công Lý.


Hình 3: Nhà ông Hội đồng Thông, nơi thờ Thủ khoa Huân ở xã Mĩ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lê Công Lý.



Hình 4: Tranh thờ Thủ khoa Huân tại nhà ông Hội đồng Thông. Ảnh: Lê Công Lý.