Nhạc sư Vĩnh Bảo và bí quyết trên 100 tuổi vẫn ung dung dạy đờn, dạo nhạc

Lê Đại Anh Kiệt

NKLT: Trong bài viết này, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo kể với nhà báo Lê Đại Anh Kiệt là ông đã từng gặp nhạc sư Nguyễn Quang Đại nhưng không biết ai là ông tổ của Đờn Ca Tài Tử, ngoài ra, ông cũng hoài nghi về việc nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người sáng tác ra bài Dạ Cổ Hoài Lang.

Những người quan tâm và tìm hiểu về cổ nhạc miền Nam, đặc biệt là về bộ môn Đờn Ca Tài Tử và bài Vọng cổ đều biết nhạc sư Nguyễn Quang Đại, tục gọi Ba Đợi là người đã có công đào tạo nhiều danh cầm, nhạc sư miền Nam đầu thế kỷ 20. Thuở sanh tiền ông đã đi nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Đước, Cần Giuộc, Tân An… để truyền nghề và sau này được coi như là một trong các vị hậu tổ của Đờn Ca Tài Tử. Riêng về nhạc sư Cao Văn Lầu thì ai cũng biết ông là người sáng tác ra bài Dạ Cổ Hoài Lang và báo giới còn ghi lại chi tiết này từ năm 1934.

Khi trả lời phỏng vấn trên báo Bách Khoa số 157, ngày 15-71963, nhạc sĩ Vĩnh Bảo cho biết: Sau khi được vào dạy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn thì ông “mới bắt đầu nghiên cứu và tìm học thêm về âm nhạc cổ truyền” với sự nâng đỡ của nhạc sư Nguyễn Văn Thinh (Giáo Thinh) và chắc ông cũng chẳng học hỏi được bao nhiêu vì người thầy dạy đờn thường chỉ chuyên chú về dạy truyền ngón, có lẽ vì vậy mà nhạc sư Vĩnh Bảo không biết nhiều về lịch sử cổ nhạc cũng như tên tuổi của vị Tổ này. Bản Dạ Cổ Hoài Lang xưa nay có lai lịch rất rõ ràng, ai cũng biết, nhưng có lẽ ông không hiểu rõ nên đã nói khác đi.

NKLT xin cám ơn nhà báo Lê Đại Anh Kiệt đã ghi rõ đầy đủ chi tiết những gì nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo từng phát biểu lúc sanh thời và NKLT cũng xin lưu lại bài này để các nhà nghiên cứu có thêm tài liệu để tìm hiểu thêm về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. (Jan. 7, 2024)

—————————————

LTS: Tài hoa, tinh thông, điệu nghệ tất cả các cung bậc nhạc cụ dân tộc; lại am tường điêu luyện trình tấu Piano. Giao tiếp thông thạo 5 ngôn ngữ. Nghệ nhân gióng đờn xuất sắc đã cải tiến đờn tranh từ 16 dây lên 17, 19, 21 dây. Đại thọ đến 104 tuổi vẫn ung dung dạo nhạc, nói chuyện đời trước công chúng, ống kính truyền hình… Có rất nhiều đỉnh cao, phẩm hạnh trong con người nhạc sư Vĩnh Bảo. Vì sao ông có đươc điều kỳ diệu ấy?

Nhân dịp 49 ngày mất của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, Người Đô Thị giới thiệu những cảm nhận đầy mới mẻ về con người đặc biệt này.


Nhạc sư Vĩnh Bảo ra đi tiếng đờn còn ở lại. Ảnh: TL.

Sống thọ trên trăm tuổi xưa nay là chuyện hiếm, sống thọ mà vẫn minh mẫn, khang kiện càng hiếm. Càng hiếm hơn nữa khi tuổi trên 100 mà tiếng đờn vẫn khoan thai díu đặt, vẫn bùi ngùi điệu Nam, tươi vui điệu Bắc, nồng ấm điệu Xuân dẫn dắt tâm tư người nghe người nghe đến cõi đắm say mà nhàn lạc.

Tiếng đờn như không chỉ âm vang từ dây tơ mà lan tỏa từ nguồn năng lượng tích tụ từ trăm năm.

Tôi ĐỜN như là tôi THIỀN

Tiếng đờn, mà nhất là giai điệu, nhạc cụ ngũ cung dân tộc Việt Nam vốn quan trọng ở sự nhấn nhá thấp cao từ bàn tay trái đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Ngón tay manh, nhẹ, sâu, cạn chút thôi tiếng đờn đã khác. Cố nhạc sư Ba Tu nói theo kinh nghiệm của các thế hệ nghệ sĩ tiền bối, trên 75 tuổi đã khó đờn dù vẫn còn mạnh khỏe.

Ấy vậy mà khi vượt qua gần gấp đôi số tuổi giới hạn ấy, nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn đờn, đờn với người mộ điệu, đờn trên trường quay sân khấu truyền hình, đờn trong ngôi nhà nhỏ của mình. Tiếng đờn với ông như là nhịp thở. Theo lời chị Thu Anh, trưởng nữ của ông, ngay lúc đang hôn mê trong phòng bệnh chăm sóc đặc biệt, học trò tới thăm và dạo đờn, nhạc sư từ từ mở mắt và mấp máy môi nói chuyện. Tiếng đờn với ông nhiệm mầu như phép lạ.


Tiếng đờn với nhạc sư Vĩnh Bảo như là nhịp thở. Ảnh: future.edu.vn.

Năm 98 tuổi, trong buổi diễn thuyết với sinh viên trường đại học Hoa Sen do đích thân hiệu trưởng Bùi Trân Phượng làm MC, nhạc sư Vĩnh Bảo đã chia sẻ một kinh nghiệm, một quan niệm về nhạc với cuộc sống của bản thân ông: “Mỗi khi tôi đờn là đặt mình trong trạng thái tĩnh lặng, nó gần với Thiền. Chính nhờ cái Thiền đó giúp tôi có nghị lực bằng lòng với cái tối thiểu mà cuộc sống mang lại. Chính Thiền giúp cho tôi nhún nhường đứng sau lưng mọi người, cho tôi thấy đời sống không phải là để thụ hưởng mà là chế ngự. Nhạc có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, nhạc làm dịu nhẹ lòng người, nên trong đờn phải có chữ Tâm. Nhạc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn cả cỏ cây thực, động vật…”. Điều tâm đắc này nhạc sư còn chia sẻ nhiều lần trong các câu chuyện riêng tư với người đồng điệu như GS-TS Nguyễn Thuyết Phong…

Thật vậy, quan niệm sống với cái tâm dung dị, nhún nhường đã thành cách hành xử của ông suốt cả cuộc đời.

Hồn nhiên nói về cái tham của mình!

Trong các lần nói chuyện hoặc trả lời phỏng vấn, giải thích vì sao biết quá nhiều môn, giỏi quá nhiều lãnh vực, nhạc sư Vĩnh Bảo hồn nhiên: “Tại cái tánh tôi tham. Cái gì cũng muốn biết, cái gì cũng muốn học”. Ông còn khoe mình có đến 200 người thầy, chính là những bạn bè đồng điệu, ông đều học được từ họ cả điểm yếu điểm mạnh, cả điểm hay, điều dở.

Tham, sân, si là nguồn gốc khổ đau, nhưng ác thay ba chất liệu mà ai cũng có nhưng ít khi nhận ra nếu có nhận ra thì cũng ít dám thừa nhận dù ngay với chính mình. Nhạc sư Vĩnh Bảo nhận biết và nói về cái "tham" của mình một cách hồn nhiên, chân thành là điều hiếm có, đó là sự đốn ngộ, liễu tri bản ngã hiếm ai có được.


Nhạc sư Vĩnh Bảo cho biết mình có đến 200 người thầy, chính là những bạn bè đồng điệu, ông đều học được từ họ cả điểm yếu điểm mạnh.

Chính sự minh triết ấy, nhạc sư cũng hồn nhiên trong suốt không bị vướng mắc trong biển lợi danh. Lần đến thăm cuối năm 2019 ở Cao Lãnh, nhạc sư nói cũng thật hồn nhiên: “Mấy ông ở đây kêu tôi làm hồ sơ để phong danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân!”. Tôi bộp chộp vọt miệng can, ông chỉ im lặng mỉm cười ý nhị. Chừng như xưa nay ông chưa từng xin xỏ một đặc ân nào mà luôn vui vẻ chấp nhân những điều mình đang có. Ngôi nhà cuối đời của ông ở Cao Lãnh là do nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp vận động mạnh thường quân tài trợ và gia dình nhạc sư đóng gop một phần năm 2018.

Một thời gian rất dài trước đó, nhạc sư Vĩnh Bảo sống trong căn nhà trong hẻm sâu ở Bình Thạnh, bề ngang chỉ hơn 3m. Thế giới của ông là căn gác hẹp chỉ 20m. Nhưng chính căn phòng ấy đã là nơi truyền lửa, truyền nghề, truyền kiến thức và cả những tiếng đờn sâu lắng của ông ra khắp thế giới. Chiếm dung lượng lớn trong hồ sơ trình UNESCO phong danh hiệu Văn hóa phi vật thể cho Đờn ca tài tử của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong được tập hợp từ tư liệu sống Vĩnh Bảo, chính ở căn phòng này. Căn phòng nhỏ luôn đầy tiếng nhạc và đã góp phần vinh danh âm thạc Việt Nam cụ thể là đờn ca tài tử.


Ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, hiện là Thứ trưởng bộ NN&PTNT và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong một lần thăm nhà nhạc sư Vĩnh Bảo. Ảnh: TL.

Phòng lưu niệm nhạc sư Vĩnh Bảo trong khu bảo tàng tỉnh Đồng Tháp hiện nay đã phục dựng không gian căn gác của ông đúng theo diện tích, vật dụng, cách bố trí.

Nhạc sư Vĩnh Bảo vẫn vui hạnh phúc với tất cả điều đó vì nó thỏa mãn cái lòng "tham" của ông là đờn ca tài tử được trân trọng, nâng níu và phỏ cập ra thế giới. Lành thay cho cái tham đẹp đẽ.

Trái tim lớn và cái tôi bé nhỏ

Bên trong dáng người mảnh khảnh của nhạc Sư Vĩnh Bảo lại chứa một trái tim rất lớn, chứa mênh mông những tình thương yêu. Tình thương yêu đậm đà chung thủy với người thân, nhất là người với người vợ quá cố là điều hiếm hoi với giới văn nghệ sĩ vốn đào hoa lãng tử. Tất cả các người con đều được ông đặt tên Anh theo tên của mẹ: Thu Anh, Tâm Anh... Tuổi ngoài trăm nhưng trái tim ấy vẫn còn đủ độ rung để làm thơ tặng vợ ngọt ngào như thủa đôi mươi.

Ông thương, chăm sóc bạn chân thành từ điều nhỏ nhặt. Học giả vương Hồng Sển gởi cho ông thư đánh máy, mặt lưng của bìa tư mà ruy-băng đã hết mực, chữ mờ căm. Ông lẳng lặng mua bao thư giấy viết thư và cả ruy-băng tới cho ông Sển. Học giả cám ơn, nhạc sư cười xòa: “Đừng cám ơn. Tôi thương con mắt tôi chứ không phải thương anh”.


Học trò (trái) và chị Thu Anh - trưởng nữ của nhạc sư Vĩnh Bảo trước bàn thờ nhạc sư.

Nhưng mênh mông, nồng ấm là tình thương bao la cho đờn ca tài tử và những ai yêu thương đờn ca tài tử. Yêu thương bao dung, đại lượng. Tôi hân hạnh có duyên được tiếp nhận tình thương đó. Vốn là lớp hậu sinh tuổi chỉ quá nửa tuổi ông, ngoại đạo về đờn ca tài tử, chỉ võ vẽ biết nghe, chủ yếu là cảm nhận tiếng đờn, gặp ông chỉ một đôi lần, ấy vậy mà cũng được ông chở che, bảo vệ.

Hồi ông còn mở Facebook, trên trang của ông có cuộc tranh luận quy tụ nhiều bậc trí giả, nghệ sĩ lẫn các bạn trẻ. Tôi cũng bộp chộp tham gia và thất thố mất lòng một ai đó có vẻ cũng là người vai vế và bị phản pháo. Ông đã đỡ đòn cho tôi bằng một comment nhẹ nhàng nhưng vững như núi Thái Sơn: “Chú K là bạn tôi”. Tôi bàng hoàng trước tầm vóc quá lớn của ông.

Tình yêu lớn đến nỗi 102 tuổi ông vẫn còn dạy đờn miễn phí cả online và offline cho mọi người yêu nhạc tài tử ở khắp nơi trên thế giới. Không chỉ dạy cho những nhạc sĩ nhạc công tên tuổi như Hải Phượng mà cả với những người mới học vỡ lòng.


Trong ngôi nhà nhỏ giản dị của nhạc sư Vĩnh Bảo ở Cao Lãnh, có gì quý nhất ngoài tiếng đàn và không gian tràn ngập tình thầy trò mỗi lần có dịp tụ họp? Ảnh: TL.

Hai điều kiện để học là phải biết một trong 5 thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh, Nhật và Campuchia để giao tiếp và phải thể hiện lòng ham mê vượt qua bài kiểm tra thử thách. Cách dạy của ông cũng tận tâm, công phu kỳ lạ. Không như người thầy khác đờn mẫu cho học trò thị phạm rồi ra bài tập, nhận xét đúng sai, ông cùng chơi đờn với người học để họ tự nghe, tự nhận ra sự non già, sai đúng của mình. Quan niệm của ông không phải là học đờn, mà là chơi với cây đờn. Tôi tình cờ được biết hai học trò vỡ lòng như vậy, một là bạn thân của tôi, một là bà Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Đồng Tháp.

Một nhạc sư, thầy của những người thầy đủ kiên nhẫn để dạy những điều sơ đẳng nhất cho những người chưa biết gì về nhạc quả là sự chia sẻ, khai tuệ của hành giả có tâm bồ đề.

Biết về những điều chưa biết

Trong suốt nhìn lại chính mình, rộng mở yêu thương với tha nhân, nhạc sư Vĩnh Bảo không tự tôn về tài năng hiểu biết, cũng không dễ dãi chấp nhận, thõa mản với những điều đã biết hoặc đã được mọi người thừa nhận. Ông vẫn vô tư bộc bạch về những điều mà mình chưa biết. Nhiều người tôn vinh Nguyễn Quang Đại là ông tổ của đờn ca tài tử. Nhạc sư Vĩnh Bảo đã từng gặp mặt ông Đại nhưng vẫn chưa biết ông tổ đờn ca tài tử là ai.

Bản Dạ cổ hoài lang được nhiều người cho là do nghệ sĩ Cao Văn Lầu sáng tác nhưng nhạc sư Vĩnh Bảo dù giao tiếp với hầu hết các nghệ sĩ, nhạc sĩ đờn ca tài tử đương thời, thuộc cả bản Dạ cổ hoài lang hơi Bắc lẫn hơi Nam vẫn chưa biết được tác giả là ai. Có lần ông hỏi tôi: Theo chú, cải lương bắt đầu từ đâu? Tôi nói vo theo cái hiểu ba mớ của mình là nhiều người cho rằng nhóm Tiền Giang, Vĩnh Long phối hợp từ Ca Ra Bộ và Hát Bội; anh Nguyễn Tuấn Khanh có viết về nhóm Long Xuyên phối hợp giữa thoại kịch Pháp và đờn ca tài tử. Ông chỉ im lặng trầm ngâm. Đằng sau sự im lặng ấy có lẽ còn những ánh sáng nào đó còn đang chìm khuất. Sự im lặng ấy như nhắc nhở mọi người cuộc hành trình về sự thật là vô tận.


Tuổi đại thọ nhưng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo vẫn dạy đàn cho các học trò qua mạng internet bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: TL.

Nhạc sư Vĩnh Bảo ra đi tiếng đờn còn ở lại, dấu ấn nhân cách, phẩm hạnh cuộc đời ông vẫn còn mông mênh trong tâm tư, ký ức của người thân, học trò và người hâm mộ. Nguyễn Trãi từng nói với vua Lê: “Nhạc là lễ, là lòng dân”. Với nhạc sư Vĩnh Bảo thì nhạc chừng như đã nâng lên thành Đạo. Chơi đờn không chỉ là hứng thú mà là sự trải lòng. Tiếng đờn không chỉ là âm ba mà còn mang ánh sáng của yêu thương nhận biết sẻ chia. Yêu kính nhạc sư, hiểu và hành xử theo phẩm hạnh của ông sẽ là khai mở bí quyết trường thọ và minh triết.

Nhân trung thất nhạc sư, tôi mạo muội kính viếng người hai dòng chữ: “Cung đờn trăm năm, ngón tài hoa đưa hồn tài tử ngân vang khắp trời Âu, đất Mỹ - Nhịp loan từng phách, âm tri ngộ gieo phách tri duyên tiêu dao qua bến Giác, bờ Mê”.