Đạo diễn Lê Mộng Hoàng – Cây đại thụ của điện ảnh miền nam đã ra đi
Kha Thùy Châu, Lương Trạch Hưng (Hãng Mỹ Vân phim), Thẩm Thúy Hằng, đạo diễn Lê Mộng Hoàng, đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc - đoàn phim Yêu tại Huế.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng, một tên tuổi lớn của điện ảnh miền Nam đã qua đời ở tuổi 88 vào lúc 3 giờ sáng 23/2/2017 tại nhà riêng trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận. Lúc 14 giờ chiều 23/2, thi thể của ông đã được tẩm liệm, sau đó linh cữu đạo diễn Lê Mộng Hoàng được đưa đến chùa Vĩnh Nghiêm.
Lễ viếng bắt đầu từ 15 giờ chiều cùng ngày. Lễ động quan sẽ diễn ra lúc 8 giờ ngày 28/2 và chôn cất tại nghĩa trang Củ Chi.
Quê ông tại Phú Xuân (Huế), tỉnh Thừa Thiên (miền Trung Việt Nam), là con trai của một gia đình nho giáo, điền chủ ở tỉnh Thừa Thiên. Cha tên là Lê Viết Mưu, mẹ tên là Hồ thị Ngô. Có tất cả 7 anh chị em theo thứ tự lớn nhỏ: Lê Mộng Tùng, Lê Mộng Ðào , Lê Thị Tố Huệ, Lê Thị Tố Vân và các em là Lê Mộng Nguyên và Lê Mộng Quán.
Ông du học tại Pháp và theo học tại trường IDHEC, sau này về nước trở thành một đạo diễn lừng danh ngay từ tác phẩm đầu tay của ông là Bụi Đời do chính Lê Mộng Nguyên viết nhạc phim.
Ông làm đạo diễn cho những phim hay trong thập niên 1960 – 1970 với các nữ minh tinh tài ba như: Bẽ Bàng (Kim Cương đóng), Nhạc Lòng Năm Cũ (Kim Cương, Túy Phượng), Chiều Kỷ Niệm(Thẩm Thúy Hằng), Gánh Hàng Hoa (Mộng Tuyền, Thanh Lan), Mãnh Lực Đồng Tiền (Thanh Nga, Mai Lệ Huyền)…
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng từng được mệnh danh là “đạo diễn mát tay” nhất khi đã phát hiện các tài năng và ”nhào nặn” ra nhiều ngôi sao sau khi họ đóng các phim ăn khách của ông. Những tên tuổi lớn như: Thẩm Thúy Hằng, Thanh Tú, Mộng Tuyền, La Thoại Tân, Thanh Lan, Huỳnh Thanh Trà, Thanh Nga, Trần Quang, Hùng Cường, Mai Lệ Huyền, Nguyễn Chánh Tín, Phương Hồng Ngọc,… và sau này là những: Lê Tuấn Anh, Lý Hùng, Diễm Hương,Việt Trinh, Mộng Vân, Y Phụng, Giáng My… đều nổi tiếng từ phim ông, hoặc càng nổi tiếng hơn khi làm việc với ông nên họ đều dành tình cảm yêu quý ông cho đến tận bây giờ.
Phim Bụi Đời (1957)
Phim do hãng Trường Sơn thực hiện. Đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Diễn viên: Bạch Xuyến, Bích Sơn, Minh Giao…
Câu chuyện về quãng đời trôi nổi của một đứa bé. Từ chuyện “bụi đời” của nó, đứa bé đã khám phá biết bao nỗi đau, tình thương gia đình đến cuộc sống: Cha chết vì tai nạn ô tô ngoài kinh thành Huế, một mình quán xuyến mọi thứ mà gia đình vẫn sa sút, mẹ phải bán cả tư trang, đồ đạc trong nhà nhưng vẫn không đủ xoay sở. Nhơn được mẹ gửi vào Nha Trang ăn học ở nhà người bác. Cuộc sống đưa đẩy, mẹ Nhơn tái giá. Gia đình bác làm ăn thua lổ và ghét em dâu nên đối xử tệ bạc với Nhơn. Tuy tủi hổ và cơ cực, nhưng Nhơn vẫn thương bác, thương chị họ Thu và rất nhớ thương cũng như thông cảm cho mẹ. Có một lần Bà Minh (mẹ của Nhơn) ghé Nha Trang thăm con, Nhơn đòi theo mẹ, nhưng vì người chồng sau của bà rất tệ bạc, sợ con khổ, người mẹ gạt nước mắt từ chối và ra đi. Nhơn ở nhà bác chẳng khác người làm công không được ăn lương. Có lần vì làm vỡ đồ đạc nhà bác, Nhơn sợ bị hành hạ nên bỏ trốn. Lang thang, đói khát sống kiếp bụi đời…Cùng một người bạn từng cưu mang mình là Chát, hai đứa nhảy xe lên Đà Lạt tìm mẹ của Nhơn. Tìm được nhà của mẹ chung sống với người chồng kế, Nhơn biết được sự thật đau lòng là Mẹ cũng bị người cha dượng đày ải đến bỏ trốn vào Sài Gòn….Hai đứa bé nhà quê lạc vào thành phố Hòn Ngọc Viễn Đông với biết bao bỡ ngỡ. Chúng kiếm việc làm để sống qua ngày..Rồi Nhơn gặp mẹ trong hoàn cảnh quá ngỡ ngàng, bà hiện là một gái điếm hạng sang. Nhơn gọi Mẹ nhưng bà đã vờ như không thấy vì xấu hổ với con. Rồi cũng có lúc mẹ phải nhìn con. Hai mẹ con ôm nhau khóc giữa đêm khuya, trong một căn phòng tội lỗi, đầy những lọ nước hoa và son phấn ô nhục….Bên ngoài trời, ánh bình minh sáng dần trên thành phố.
Vai chính trong phim, Nhơn- một đứa bé 10 tuổi, do bé Minh Giao đóng. Minh Giao giống nhân vật ở hoàn cảnh mồ côi cha cộng với năng khiếu và sự thông minh, đã diễn rất tròn vai.Vai bà mẹ do Bạch Xuyến đóng. Đoạn bà mẹ gặp lại con mình sau bao ngày tháng thương đau, Bạch Xuyến diễn rất đạt, làm cho khán giả xem phim phải rơi nước mắt.
Bối cảnh phim được quay ở nhiều nơi như: Huế, Nha Trang, Đà Lạt,, Sài Gòn…mất 2 tháng. Những hình ảnh đẹp trong phim do nhà quay phim Trần Văn Lịch cầm máy. Phần thu thanh bộ phim được thực hiện tại Hồng Kông.. Đây là sản phẩm đầu tiên của Trường Sơn điện ảnh nhưng đã đánh dấu một bước tiến đáng kể của nghệ thuật thứ bảy tại Việt Nam. Cuốn phim lên án xã hội, cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhưng đầy tính nhân văn.
Vụ Án Tình (1959)
Phim do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Quay phim: Trần Văn Lịch. Diễn viên chính; Huỳnh Khanh vai Dung, Lê Quỳnh vai Liêm, Mai Hiếu vai Khanh…
Phim có cốt truyện hấp dẫn…Gia đình vợ chồng Liêm và Dung đang sống hạnh phúc ấm êm bên cạnh người mẹ già và hai con gái cùng một con trai tại Phan Thiết. Tình cờ Dung gặp lại Khanh, một người bạn thân thiết sau bao năm xa cách, Khanh và Dung từng có lời hẹn ước thuở chung trường. Khanh âm thầm tìm cách chiếm đoạt người phụ nữ đã có chồng. Dung vẫn thương yêu chồng con nên cô nài nỉ van xin Khanh hãy quên mình, Khanh vẫn không chấp thuận và dùng mọi thủ đoạn kể cả thư nặc danh hòng làm cho Dung điêu đứng, trở lại với mình. Chồng của Dung vô tình biết được câu chuyện này, quá tức giận, Liêm tìm Khanh để giải quyết. Vụ án tình xảy ra, kẻ bị giết chết chính là Khanh. Liêm bị bắt chờ ngày ra tòa. Dung bị mẹ chồng xua đuổi, nhưng người vợ trẻ vẫn cố công tìm kiếm luật sư giỏi để cứu chồng….Phim dài 1h 45 phút, được quay bằng phim trắng đen 35 ly. Vụ Án Tình quay sau Trọn Với Tình hơn 15 năm, nhưng diễn xuất của Huỳnh Khanh vẫn giàu tình cảm và rất chân thật trong vai Dung. Hai ca khúc “Quê Mẹ” của Thu Hồ và “Con
Thuyền Không Bến” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong rất hợp cảnh, hợp tình trong bộ phim. Bộ phim đã thu hút khán giả trong thời gian phim Việt Nam đang điêu đứng.
Đôi Mắt Huyền (1960)
Phim quay và trình chiếu năm 1960 do hãng Mỹ Vân của ông Lưu Trạch Hưng sản xuất. Đạo diễn do Ba Vân và Lê Mộng Hoàng dàn dựng.
Bộ phim dựa theo vở cải lương Thuyền Ra Cửa Biển rất nổi tiếng của bộ ba Thành Được – Út Bạch Lan – Thanh Nga. Lên phim, có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ như: Kim Cương (vai Chiêu Trúc Lệ), Thẩm Thúy Hằng( Công chúa Mỹ Ly), La Thoại Tân( vai Diệp Băng Đình), Ba Vân (vai Diệp Chấn Phong), Nam Hùng (vai Hoàng Hiệp Thái Lang), Thanh Thanh Hoa (Công chúa Chiêu Lan Đài), Xuân Phát (vai Kiến Phương), Kiều Nhung (vai Tiểu Thư Phương Dung), Quỳnh Hoa (vai Tuyết Hoa), Ảnh Ảnh Tuyết (vai Tuyết Lan), Minh Đạt (vai Đại Thần), Sáu Trọng (vai ông chèo đò)… Chuyện tình yêu éo le, tay ba, tay tư….rất lôi cuốn, bi kịch, ấn tượng. Bộ phim tốn kém chi phí rất nhiều, là một cố gắng cao của hãng phim Mỹ Vân thời bấy giờ. Trong cuốn phim này, Thẩm Thúy Hằng rất đẹp trong trang phục kimono…
Đò Chiều (Năm 1961)
Phim dựa theo vở cải lương nổi tiếng Lỡ Bước Sang Ngang. Nữ nghệ sĩ Kim Cương vai Cẩm Nhung, Thẩm Thúy Hằng vai Ánh Tuyết, La Thoại Tân vai Lam Sinh, Vân Hùng vai Trịnh Đình Tân, Hữu Phước vai Vạn Ninh, Bảy Nhiêu vai ông Vạn Kim, Túy Hoa vai bà Vạn Kim, Thanh Lan vai Ánh Vân, Tâm Đan vai Hồng, Bích Huyền vai Lý, Phương Lan vai Lam Thúy, Ngọc Phu vai Tạo, Hoàng Mai vai Tùng, Lê Thương vai Văn Phước… Phim trắng, đen do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Kịch bản do Quốc Hưng phóng tác theo vở cải lương Lỡ Bước Sang Ngang, một vở tuồng xã hội đầu tay do soạn giả Hoàng Khâm viết chung với Thu An và tạo nhiều uy tín cho Hoàng Khâm ở sân khấu Thanh Minh, Thanh Nga hồi đầu năm 1960.
Tình yêu, thù hận, éo le…đã làm cho Lam Sinh và Cẩm Nhung phải xa nhau và làm cho cả hai đều phải đau khổ.
Tơ Tình (1963)
Sau thành công của Con Gái Chị Hằng, Đò Chiều, hãng Mỹ Vân làm tiếp Tơ Tình. Thành phần diễn viên gồm có: La Thoại Tân vai Dũng, một thanh niên con nhà giàu từ tỉnh lẻ lên Sài gòn học trường Quốc gia Âm nhạc, đã yêu Lệ Trinh (Thẩm Thúy Hằng) là một ca sĩ nổi danh tại các phòng trà ở Sài Gòn, thông qua sự giới thiệu của Thu Hà (Mai Ly). Tình yêu và sự ngăn cấm của gia đình Dũng trước thành kiến “xướng ca vô loài” đã làm cho đôi tình nhân này nhiều phen đau khổ, chia ly. Phim do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Các diễn viên khác gồm: NS Năm Châu, Tâm Đan, Lê Thương… Bộ phim thực hiện trong thời gian kỷ lục 25 ngày. Tơ Tình là một bộ phim nặng về ca nhạc qua các nhạc phẩm như: Đường Tơ Thôi Lưu Luyến của Nguyễn Hiền, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn của Văn Phụng, Tình Đêm Liên Hoan của Hoàng Thi Thơ, Tơ Vương và Chuyện Chúng Mình của Trúc Phương.
Chiều Kỷ Niệm (1969)
Diễn viên:Thẩm Thúy Hằng, Thanh Tú, Năm Châu, Kim Cúc, Phùng Há, Huy Cường, Việt Hùng, Ngọc Nuôi… Đạo diễn: Lê Mộng Hoàng. Phim đầu tay của nhóm Thẩm Thúy Hằng thực hiện năm 1969. Phim dài 1h45 phút chiếu, màn ảnh 35 ly, đen trắng.
Phim thuộc thể loại tình cảm xã hội cũng là cuốn phim đầu tiên mà Thẩm Thúy Hằng sản xuất, ra mắt quần chúng. Thẩm Thúy Hằng mời đào kép cải lương đảm nhận các vai trong phim của mình, và người ta đã thấy một dàn nghệ sĩ cải lương: Năm Châu, Phùng Há, Bảy Ngọc, Thanh Tú…
Trong phim, Thanh Tú và Thẩm Thúy Hằng là một cặp tình nhân lý tưởng, nhưng vì nghịch cảnh éo le,Thẩm Thúy Hằng trở thành người vợ bất đắc dĩ của Huy Cường. Để làm phim này, Thẩm Thúy Hằng cùng một nhóm bạn bè thân thiết đã bỏ vốn, đồng cam cộng khổ thực hiện bộ phim.
Đạo diễn Lê Mộng Hoàng có nhiều sáng kiến trong lúc quay, ông đã tạo ra một vườn hoa giả, hoặc tòa biệt thự nguy nga, có đường xe hơi chạy vào tới phòng khách ngay trong phim trường, mặc dù trong thực tế phim trường chỉ là một khu nhà tôn chật hẹp.
Ðây là cuốn phim đầu tay của hãng Việt Nam phim, với lời đối thoại do nghệ sĩ Năm Châu viết, chuyện phim ở mức tầm thường. Báo chí lúc bấy giờ phê bình rằng nội dung phim là chuyện xã hội Việt Nam không phản ảnh được gì nếp sống của người Việt Nam đương thời, nên phim không thành công về mặt nghệ thuật, mà thành công về tài chính. Nhờ sự có mặt của các nghệ sĩ cải lương danh tiếng, phim đã lôi kéo số khán giả cải lương thuần túy đi coi rất đông, do đó mà phim Chiều Kỷ Niệm hốt bạc khá nhiều, chiếu ra mắt mấy tuần đầu thu vào trên 10 triệu, Thẩm Thúy Hằng lời to!
Chiều Kỷ Niệm ăn khách và có số doanh thu thuộc hàng kỷ lục đã làm cho giới làm phim tại Sài gòn phải ngạc nhiên. Chỉ riêng tuần lễ đầu trình chiếu tại rạp Rex, con số thu vào đã đến 1 triệu đồng (chúng ta cũng biết thời này, tổng chi phí đầu tư chỉ khoảng 4 triệu dành cho phim mầu, 35 ly, màn ảnh đại vĩ tuyến).
Nàng (1970)
Phim đen trắng. Thành phần diễn viên: Thẫm Thuý Hằng, La Thoại Tân, Xuân Dung, Trần Quang, Cao Huynh, Việt Hùng, Phương Hoài Tâm, Đoàn Thiên Kim, Diễm Kiều, Mỹ Chi, Tôn Thất Cần, Vân Giai, Lý Quốc Mậu, Cẩm Hồng, Thuỳ Linh, Kim Liên, Bé Xuân Thuý …đóng.
Phim kể về cuộc đời của cô gái mồ côi rất khó khăn để hòa nhập cuộc sống, nhưng bằng nghị lực của mình, cô đã vượt qua mọi trở ngại, mọi gian khổ để tồn tại và sống cho đúng “chữ nhân” trong cuộc sống. Phim tình cảm, hội tụ nhiều ngôi sao. Đây là giai đoạn sung sức nhất của Thẩm Thúy Hằng trong diễn xuất và sắc đẹp… Bản trắng đen phim này từng được trung tâm hải ngoại Làng Văn phát hành DVD.
Trống Mái (1971)
Phim trắng đen do Hương Giang Phim sản xuất. Nhà sản xuất đã đánh trúng tâm lý của khán giả nhiều giới nên đã thành công. Ðặc biệt khá đông học sinh và trí thức cũng dành thì giờ đi coi cuốn phim này.
Phim “Trống Mái” phóng tác theo cuốn tiểu thuyết bất hủ của cố văn hào Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Ðây là sản phẩm điện ảnh đầu tiên có một giá trị văn học nghệ thuật, do đã hướng về việc xây dựng giáo dục văn hóa dân tộc.
Phim được đạo diễn Lê Mộng Hoàng dàn dựng và phần hình ảnh do Trần Văn Lịch đảm trách, thành phần diễn viên: Thanh Tú, Ngọc Hạnh, Huỳnh Thanh Trà, Cẩm Hồng, Vương Vũ, Diễm Hương, Thùy Linh, Việt Hùng, Anh Ðào, hai bà Bảy Ngọc và Hồng Hà…
Phim kể về một cô nữ sinh tên Hiền, con gái một nhà tỷ phú ra Nha Trang nghỉ mát cùng mẹ. Một hôm khi dạo biển, đến một làng chài, cô gặp và thích một thanh niên khoẻ mạnh đang đẩy một chiếc thuyền nặng mà cả 6 người khác đẩy không nổi. Người thanh niên có ngoại hình đẹp như pho tượng này tên Vọi. Hiền làm quen với Vọi khi biết được anh hiền lành, chất phát…Rồi Hiền chia tay Vọi về Sài Gòn học. Vọi buồn bã sống trong những kỷ niệm với Hiền. Hè năm sau, Hiền lại trở về vùng biển cũ, cô nhớ đến Vọi nên ghé thăm. Khi nhìn cảnh nhà điêu tàn, Hiền lo lắng tìm kiếm mẹ Vọi. Bà đau khổ báo tin Vọi đã chết trên hòn Trống Mái vì quá nhớ thương Hiền. Bộ phim được đánh giá cao ở phần diễn xuất của các diễn viên. Hình ảnh Thanh Tú trong vai diễn chàng trai miền biển với bắp thịt và bờ vai nam tính của mình, từng làm cho các cô gái thiếu nữ Sài Gòn chết mê, chết mệt một thời…Tuy chỉ là phim đen trắng nhưng nhà sản xuất đã đánh trúng tâm lý của khán giả nhiều giới nên đã thành công. Ðặc biệt khá đông học sinh và trí thức cũng dành thì giờ đi coi cuốn phim này.
Mãnh Lực Đồng Tiền (1971)
Bộ phim còn có lực lượng diễn viên hùng hậu như Thanh Nga, Hùng Cường và các tên tuổi khác như: Mai Lệ Huyền – một thần tượng của giới trẻ yêu nhạc rock, Bích Thuận, Việt Hùng, Tám Vân, Bà Năm Sa Ðéc, Lý Quốc Mậu, Vương Vũ, Mã Dũng, Việt Châu…, và một tài tử Mỹ chính cống tên Gardner có mặt trong phim cho nó… lạ.
Phim thực hiện theo tiểu thuyết xã hội Mãnh Lực Ðồng Tiền của nhà văn Anh Vũ – Lê Ngọc Lê, đang được đăng trên một tờ tuần báo có nhiều người đọc. Đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện.
Phim Mãnh Lực Ðồng Tiền ra mắt khán giả vào tháng 9/1971 tại Sài Gòn. Tuần lễ khai trương, 4 rạp lớn ở Ðô Thành: Rex, Ðại Nam, Văn Hoa (Sài Gòn) và Văn Hoa (ÐaKao) đông nghẹt người xem. Hãng thu lại tiền vốn khá nhanh chóng.
Ðầu thập niên 1970, vườn hoa điện ảnh nở rộ, phong trào sản xuất phim ảnh lên cao. Nhiều cuốn phim màu với màn ảnh rộng ra đời thu hút ngày một nhiều khán giả, khiến cho giới thương mại đã không bỏ lỡ cơ hội nhảy vào kinh doanh nghệ thuật điện ảnh. Một trong số những người có vốn bước vào làm ăn thật sự là bà Nguyễn Thị Thân. Bà đã nhanh chân đi xin giấy phép. Bà đã quan sát thị trường một cách thận trọng trước khi bỏ vốn làm ăn. Sau vài lần đi xem phim Loan Mắt Nhung, nhận thấy khán giả rất có cảm tình với Thanh Nga, mà phần lớn lại là khán giả cải lương, thành phần mà xưa giờ chẳng mấy khi coi hát bóng. Kế đó khi coi phim Chân Trời Tím, biết rõ Hùng Cường là mục tiêu mua vé của số khán giả vẫn thường đến rạp Quốc Thanh xem các tuồng hát của đoàn Dạ Lý Hương, do đó bà mới quyết định làm phim và nhắm ngay vào 2 nghệ sĩ cải lương đương thời nói trên để mời.
Hợp đồng của Hùng Cường và Thanh Nga cao gấp đôi lần đóng phim trước. Từ ngày bắt đầu việc thu hình, hãng Kim Thân đã nghĩ ngay đến vấn đề quảng cáo. Cho nên họ đã mời các ký giả kịch trường đến quan sát viết bài, và khi phim sắp sửa hoàn thành thì tung ra đợt quảng cáo mạnh mẽ với hình ảnh Hùng Cường, Thanh Nga, Mai Lệ Huyền trên nhiều tờ báo.
Một tuần lễ trước ngày chiếu ra mắt, hãng đã mời quan khách cùng rất đông ký giả kịch trường tham dự. Nhiều nhật báo, tuần báo đã cùng lúc viết bài nói về cuốn phim này. Cũng theo lời những người thân cận tiết lộ thêm thì hãng Kim Thân cũng nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để chọn thời điểm cho ra mắt cuốn phim. Trước tiên, phim được chiếu ở Sài Gòn vào tháng 9, tháng này hiếm khi mưa chiều và ban ngày, mà đến quá nửa đêm mới có mưa, do đó chẳng ảnh hưởng bao nhiêu đối với người đi coi hát. Hai tháng sau thì phim được đưa đi tỉnh chiếu đúng vào mùa lúa đang thu hoạch, nhà nông rảnh tay ra chợ mua sắm sẽ khó lòng bỏ qua việc coi phim, nếu như thấy những hình ảnh Thanh Nga, Hùng Cường được treo trước rạp. Rồi thì phim được chiếu ở những rạp từng đón tiếp các đoàn hát cải lương, và chiếu dài dài cho đến Tết Nguyên Ðán là thời gian các gánh cải lương đều hốt bạc. Ðây là một sự tính toán có kế hoạch hẳn hòi, và sự thành công của hãng Kim Thân đã lôi kéo theo sự thành công của số đào kép cải lương, gặp thời vừa tiếp tục làm nghệ thuật mà thu nhập lại còn nhiều hơn lúc còn phục vụ chỉ có sân khấu cải lương thôi.
Mãnh Lực Ðồng Tiền là một trong những phim có chi phí cao và cũng thành công về tài chính.
Gánh Hàng Hoa (1971)
Thái Dương Phim sản xuất năm 1971. Diễn viên: Mộng Tuyền vai Liên, Thanh Lan vai Nhung, La Thoại Tân, Huy Cường …Đạo diễn: Lê Mộng Hoàng. Phim trắng đen. Dựa theo tiểu thuyết “Gánh Hàng Hoa” của Khái Hưng và Nhất Linh.
Minh tốt nghiệp trường sư-phạm, được bổ nhiệm giáo học để có thể kiếm cơm nuôi thân và nuôi vợ. Mỗi lúc nghĩ đến cái đời lam lũ khó nhọc của vợ, Minh lại lấy làm áy náy và xấu hổ. Không phải chàng cho rằng cái nghề bán hoa của vợ là hèn hạ vì nghề ấy vẫn là nghề của ông bà, cha mẹ chàng khi xưa. Nhưng chính vì nhờ vào công việc của một người đàn bà mới có thể có tiền ăn học, chàng lấy đó làm một sự kiện đáng thẹn thùng, đáng bị khinh bỉ. Liên là người vợ đảm đang, tảo tần bán hoa nuôi chồng ăn học thành tài…Nhưng cuộc đời có biết bao sóng gió, mà họ phải đương đầu và vượt qua, vẫn có những tấm lòng thương yêu và giúp đỡ họ như Văn, Nhung…Cuối cùng một cuộc đời mới trong nếp nhà tranh đầy hoa và ánh sáng cũng đến với họ.
Bối cảnh khu vườn trồng hoa của vợ chồng Liên và Minh được thu hình tại vườn Bích Câu tại Đà Lạt.
Gánh Hàng Hoa là một trong những phim màu màn ảnh rộng, hình ảnh và chất lượng thuộc hàng tốt của Miền Nam Việt Nam. Gánh Hàng Hoa thực hiện in rửa cắt ráp đều tại Hồng kông. Phim được ra mắt khán giả Sài Gòn khoảng đầu năm 1971, và sau thời gian đi chiếu ở các tỉnh thì được gửi đi tham dự Đại Hội Điện Ảnh vào tháng 9-1971. Rất nhiều người hy vọng Gánh Hàng Hoa sẽ được giải này giải nọ, bởi trong số các phim tham dự Giải Điện Ảnh trong kỳ đại hội 1971 này có những phim kém xa Gánh Hàng Hoa nhiều mặt. Nhưng do chủ trương ủng hộ các phim hoàn toàn thực hiện mọi công đoạn trong nước nên bộ phim này đã bị loại khỏi vòng tranh giải.
Đây là một bộ phim ghi điểm son cho Mộng Tuyền trong nghề điện ảnh. Vai diễn trong bộ phim này đã giúp cô trở thành ứng cử viên nặng ký của giải Tượng Vàng trước năm 1975. Huy Cường diễn một vai phản diện rất ấn tượng. Vai Nhung của Thanh Lan cũng là một vai có nội tâm phức tạp và khó diễn, nhưng Thanh Lan diễn rất sống động và tự nhiên. Ấn tượng nhất của Thanh Lan trong phim này chính là nụ cười rất tươi của cô.
Ca khúc Cỏ Hồng của nhạc sĩ Phạm Duy là ca khúc chính trong bộ phim này, ca sĩ Lê Uyên Phương ghi âm ca khúc cho bộ phim. Bản mầu gốc phim này vẫn còn lưu tại Hồng Kông.
Vĩnh Biệt Tình Hè (1971)
Đây là sản phẩm đầu tay của hãng phim Ðại Á. Phim được dựng theo truyện của ký giả Huyền Anh do Lê Mộng Hoàng đạo diễn. Quay phim chính là Họa sĩ Nguyễn Ngọc Tùng. Phụ trách ánh sáng và Cameraman phụ là Lê Văn Ấn. Cố vấn võ thuật là võ sư Lý Huỳnh. Hóa trang điện ảnh do cô Tường Vy. Âm thanh và Edit Phim là Kỹ sư Trí. Viết truyện phim, Phân Cảnh Kỹ Thuật, Đối Thoại và nhạc Phim do Huyền Anh. Nhạc sĩ Ngọc Chánh hòa âm và ban nhạc Shotguns.
Diễn viên tham gia ngoài các tên tuổi của điện ảnh còn có thêm thành phần khác tham gia như đào kép cải lương, ca sĩ tân nhạc, hề sân khấu thoại kịch, gồm: Băng Châu, Túy Hoa, Kim Cúc, Bảy Nam, La Thoại Tân, Duy Phúc, Năm Châu, các danh hề Khả Năng, Thanh Việt, cùng nhiều khuôn mặt trẻ.
Câu chuyện Vĩnh Biệt Tình Hè không những chỉ là một câu chuyện lý tưởng cho giới học sinh mà còn là một chuyện tình thật thơ mộng, quyến rũ, hấp dẫn đối với mọi người, bởi lẽ đó mà phim “Vĩnh Biệt Tình Hè” đạt được thành công về tài chánh hơn những cuốn phim cùng thời.
Truyện phim kể về một cậu sinh viên nghèo (Nguyễn Chánh Tín), sau giờ học đã làm nghể chở vịt đi giao mối cho các nhà hàng để giúp mẹ già (nữ nghệ sĩ Bảy Nam). Khi đến giao vịt cho một nhà hàng nằm trên mõm núi đá nhìn ra biển cả, chàng sinh viên nghèo chợt quen được một tiểu thư con nhà giàu đang tổ chức tiệc sinh nhật (do nữ tài từ kiêm ca sĩ Băng Châu diễn xuất). Băng Châu bị cha là nghệ sĩ Năm Châu và mẹ là nữ nghệ sĩ Túy Hoa hứa hôn cho nam tài tử La Thoại Tân. Tiểu thư Băng Châu không yêu La Thoại Tân mà trao trọn trái tim cho chàng sinh viên nghèo Nguyễn Chánh Tín. Họ hẹn nhau trên bãi biển và đoạn kết là cậu sinh viên nnghèo đã bị chàng công tử nhà giàu giết chết và ném xác xuống gành đá. Cảnh phim quay ở Vũng Tàu và các xuất chiếu đầy nghẹt khán giả tuổi Teen Sàigòn cũng như khắp các tỉnh Miền Nam vào mùa Hè năm 1971.
Ðây là cuốn phim vai chính đầu tiên của nam diễn viên Nguyễn Chánh Tín, một giọng ca học trò đã được đa số giới trẻ cũng như giới học sinh ưa thích. Trong phim “Vĩnh Biệt Tình Hè” Nguyễn Chánh Tín được giao vai nam chánh và anh đã tạo thành công rực rỡ đến độ làm mọi người ngạc nhiên. Cũng chính nhờ cuốn phim này mà Nguyễn Chánh Tín đã được nhiều đạo diễn, nhiều hãng phim nhận ra được khả năng diễn xuất mà mời hợp tác.
Sau đó Nguyễn Chánh Tín đã một lần xuất hiện trước khán giả điện ảnh qua cuốn phim “Ðời Chưa Trang Ðiểm” của hãng Lam Sơn phim, do đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc thực hiện. Với cuốn phim này Nguyễn Chánh Tín đã đoạt giải thưởng Tổng Thống, nhưng chắc chắn vai trò của Nguyễn Chánh Tín trong “Ðời Chưa Trang Ðiểm” chưa phải là lý tưởng của anh, mà thích hợp với khả năng của Nguyễn Chánh Tín nhất phải kể là vai trò trong phim “Vĩnh Biệt Tình Hè.”. Với vai trò một chàng sinh viên si tình, Nguyễn Chánh Tín đã có nhiều cơ hội để thi thố hết khả năng diễn xuất. Một câu chuyện tình mang nhiều kỷ niệm của một mùa Hè được trình chiếu trong một mùa Hè, phượng rơi đầy đường, sân trường vắng bóng học trò. Còn gì thú vị hơn cho những người học sinh đang lúc nghỉ hè được chứng kiến một câu chuyện tình hè của người cùng giới, với nghệ thuật diễn xuất của các tài tử nổi danh và kỹ thuật tinh vi, hấp dẫn của điện ảnh.
Ly Rượu Mừng (1972)
Phim do Đồng Tính phim sản xuất. Đạo diễn Lê Mộng Hoàng. Diễn viên: Bạch Tuyết, Mai Lệ Huyền, La Thoại Tân…
Một Thoáng Đam Mê (1973)
Phim thuộc thể loại tâm lý, tình cảm, mang đậm phong cách của kịch Kim Cương do Kim Cương Điện Ảnh Công Ty sản xuất. Truyện phim của Thiếu Linh, Đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện.
Đây là bộ phim do nữ nghệ sĩ Kim Cương đóng chính qua hai vai diễn – một là cô gái nhà nghèo bán bánh dạo và cô còn lại là một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng.
Góp mặt trong phim cùng Kim Cương là các gương mặt nổi tiếng như: Nữ nghệ sỹ Thanh Nga, La Thoại Tân, Năm Châu, Thanh Việt, Thanh Tùng, bà Bảy Nam, Khả Năng…
Xin Đừng Bỏ Em (Phim Việt Nam – Năm 1973)
Một câu chuyện tình tay ba, tay tư thuần về giải trí. Câu chuyện bắt đầu từ Thanh một cô sinh viên xinh đẹp, ngoan hiền. Thanh thầm yêu Huy, một chàng sinh viên con nhà giàu nhưng thích ăn chơi. Huy lại đi yêu cô bạn học của Thanh là Phụng nhưng Phụng lại đi yêu Huỳnh, chàng sinh viên nghèo nhưng nhiều tham vọng. Sợ mất người yêu nên Thanh đã dâng hiến cho Huy sự trinh tiết của mình nhưng vẫn thất bại. Từ đó cô sống buông thả, trụy lạc như một thứ gái bao hạng sang. Trong khi đó Huỳnh và Phụng vượt qua rào cản gia đình để sống chung với nhau. Huy ăn chơi trác táng nên đâm vào nghiện ngập và bị gia đình từ bỏ thành kẻ bụi đời. Huỳnh thì ngoi lên từ túi tiền của cô vợ giàu, thành công và cũng bắt đầu thay đổi. Anh chàng ngã qua si mê Thanh phụ bạc Phụng và bắt đầu làm ăn phi pháp. Ngày sinh nhật của Phụng nhưng người chồng không thèm về lo hú hí với nhân tình và bị xã hội đen thanh toán bằng mấy phát súng. Thanh cùng chung số phận với Huỳnh chết vì đạn kẻ địch khi thanh toán nhau. Chờ đợi đau khổ để rồi nghe hung tin, cô gái đáng thương Phụng khóc lóc đi lang thang, toan tính mượn dòng nước quyên sinh nhưng được anh chàng nghiện Huy cứu.
Phim do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện.Kịch bản Trần Quốc Bình, dàn diễn viên gồm có: Bà Kiều Hạnh, Thẩm Thúy Hằng, Huỳnh Thanh Trà, Thanh Lan, Huy Cường…Việt Nam Film sản xuất.
Nắng Chiều (1973)
Là bộ phim màu do Hãng phim Lido sản xuất, đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện năm 1971, với sự tham gia của các diễn viên như:Thanh Nga, Hùng Cường, ca sĩ Phương Hồng Ngọc, Ngọc Phu…
Nội dung của Nắng Chiều nói về mối tình đầy trắc trở của một cô thôn nữ (Thanh Nga) và anh lính (Hùng Cường). Hai người yêu nhau, nhưng đã bị cô em họ (Phương Hồng Ngọc) ganh ghét, tìm cách chinh phục anh lính. Vì không được anh lính đoái hoài tới, cô đã thuê mướn bọn lưu manh chặn đường cô thôn nữ để hãm hiếp tập thể. Tủi nhục, cô thôn nữ bỏ vào chùa đi tu để quên đi nỗi thương đau. Nhiều lần người yêu của cô tìm tới chùa để thuyết phục cô trở về cuộc sống đời thường, song cô đều tránh mặt, không dám gặp lại người yêu vì thấy mình không còn xứng đáng nữa. Nhưng rồi cuối cùng bằng sự kiên nhẫn của anh lính, sự giúp đỡ của gia đình cô thôn nữ và sự hối hận của cô em họ hại người, cô thôn nữ xa rời cửa Phật để trở về với người yêu của mình, hạnh phúc bên nhau. Trong phim này, có cảnh anh lính chơi đàn ghita và hát bài “Nắng chiều” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, do chính nghệ sĩ Hùng Cường hát. Nghệ sĩ Hùng Cường đã mất vào năm 1996 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 60 tuổi, do bị bệnh về phổi, hài cốt đã được đưa về Việt Nam chôn cất ở quê nhà Bến Tre. Ca sĩ Phương Hồng Ngọc xuất cảnh sang Pháp cùng với chồng là nam diễn viên Ngọc Đức của đoàn kịch nói Kim Cương, nhưng hai người đã ly dị. Nam diễn viên Ngọc Phu (đóng vai bố của cô thôn nữ trong phim) hiện định cư tại Hoa Kỳ. Còn đạo diễn Lê Mộng Hoàng thì đã nghỉ hưu ở Sài Gòn. Bản mầu đẹp phim này vẫn còn, trung tâm Thúy Nga từng phát hành DVD.
Sau năm 1975, ông vẫn là một trong những đạo diễn sung sức qua các bộ phim như: Ngọn Lửa Thành Đồng,Tình Yêu Cho Em,Tình Khúc 68, Tráng Sĩ Bồ Đề, Tây Sơn Hiệp Khách…
Tổng kết các phim điện ảnh trong suốt thời gian ông làm đạo diễn trước và sau năm 1975, Lê Mộng Hoàng là người thực hiện được nhiều phim nhất.
Lê Mộng Hoàng là đạo diễn có đạo đức và có lương tâm với nhà sản xuất. Ông luôn chú ý đến hoàn cảnh hoặc quyền lợi cho người đầu tư làm phim nên có biệt tài là “liệu cơm gắp mắm” có nghĩa là có bao nhiêu làm bấy nhiêu. Chẳng hạn như ông lĩnh về 1 triệu, để dành cho gia đình 300 ngàn chi tiêu, phần 700.000 còn lại, ông an tâm lên đường phụng sự nghệ thuật. Là người được đào tạo bài bản, ngày càng có nhiều kinh nghiệm phim trường, nên Lê Mộng Hoàng đã nhận lời, nhà đầu tư chắc chắn yên tâm quá nửa phần thắng lợi. Đa số phim cùa ông thực hiện đều là những phim đạt doanh thu cao cho nhà sản xuất. Vừa có doanh thu cao vừa đoạt được những giải thưởng giá trị trong nghệ thuật như: Bụi Đời (1957), Vụ Án Tình (1959), Chiều Kỷ Niệm (1969), Nàng (1970), Gánh Hàng Hoa (1971), Mãnh Lực Đồng Tiền (1971), Vĩnh Biệt Tình Hè (1972), Nắng Chiều (1973), Một Thoáng Đam Mê (1973), Tình Yêu Cho Em (1984)…