Giới thiệu bài Tựa tập Gia Định tam gia thi và diện mạo bản khắc tập thơ


Ảnh: 艮齋詩集, ký hiệu A.1392

1. Gia Định tam gia thi 嘉定三家詩 là tên tập thơ chung của ba nhà thơ lớn đất Gia Định: Trịnh Hoài Đức 鄭懷德, Lê Quang Định 黎光定và Ngô Nhân Tĩnh 吳仁靜, được Trịnh Hoài Đức khắc in vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Sách Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập, Q.11, chép truyện của Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tĩnh có nhắc đến tập thơ này như sau:

鄭懷德曾集其詩與光定吳仁靜所作付梓名嘉定三家詩行世 “Trịnh Hoài Đức tằng tập kỳ thi dữ Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh sở tác phó tử, danh Gia Định tam gia thi hành thế” (Trịnh Hoài Đức từng tập hợp thơ của mình cùng các sáng tác của Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh cho khắc in, đặt tên là Gia Định tam gia thi, lưu hành ở đời).(1)

所著有嘉定通志艮齋詩集北使詩集嘉定三家詩集行世 “Sở trứ hữu Gia Định thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập hành thế” (Trứ tác của ông (Trịnh Hoài Đức - LQT chú) Gia Định thông chí, Cấn Trai thi tập, Bắc sứ thi tập, Gia Định tam gia thi tập lưu hành ở đời).(2)

靜文學該博好吟詠常與鄭懷德黎光定相唱和有嘉定三家詩集行世 “Tĩnh văn học cai bác, hiếu ngâm vịnh, thường dữ Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định tương xướng họa. Hữu Gia Định tam gia thi tậphành thế” (Tĩnh, văn học uyên bác, thích ngâm vịnh, thường cùng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định xướng họa với nhau. Có tập thơ Gia Định tam gia thi tập lưu hành ở đời).(3)

Đúng như Đại Nam chính biên liệt truyện ghi chép, Trịnh Hoài Đức có tập hợp thơ của ông cùng với hai người bạn ông và cho khắc in với tựa là Gia Định tam gia thi. Nhưng với tình hình tư liệu hiện nay, chúng ta chưa thể tìm thấy bản khắc in chính thức của tập thơ, vì vậy, phác thảo diện mạo của tập thơ này cũng là bước để xác định và có dịp sưu tầm tập thơ chung của ba nhà thơ đất Gia Định.

2. Các nhà biên khảo trước đây cũng đã quan tâm đến việc tìm hiểu tập thơ Gia Định tam gia thi. Tiêu biểu có:

Nguyễn Văn Sâm trong Văn học Nam Hà, khi trình bày về tư tưởng của Trịnh Hoài Đức có viết:

Gia Định tam gia tập: gồm những bài thơ của ông và của hai người bạn: Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh (cũng đều là người Minh Hương)(4)” và trong chú thích bên dưới ông nhắc lại lời đính chính của Ngạc Xuyên, Ca Văn Thỉnh, Đông Hồ về Minh Bột di ngư văn thảo:

“Sách nầy các tác giả Việt Nam sử lược, Văn đàn bảo giám, Hợp tuyển văn thơ đều cho là của Trịnh Hoài Đức, thật ra Trịnh Hoài Đức chỉ có công cho khắc in lại tác phẩm của Mạc Thiên Tích vốn từ lâu bị mai một mà thôi. Cũng như ông đã cho khắc in tập Gia Định tam gia thi 嘉定三家詩 (tác phẩm của ông và những người bạn).” (chúng tôi nhấn mạnh)(5).

Câu cuối cùng của lời chú thích này, tuy ít gắn đến sự trên, nhưng lại rất quan trọng đối với lai lịch của tập thơ Gia Định tam gia thi, nó cho ta biết, chính Trịnh Hoài Đức đã cho khắc in hai tập thơ của người bạn ông.

Nguyễn Khuê với bài Trịnh Hoài Đức và Cấn Trai thi tập đăng trên Tạp chí Lửa thiêng, số 2-1975, về sau tác giả tập hợp in lại trong Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ xuất bản, có đoạn:

Gia Định tam gia thi tập là tập thơ của ba tác giả Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh, nay đã thất lạc, không rõ nội dung thế nào. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tịnh có lập Bình Dương thi xã, vậy có lẽ đây là tập thơ xướng họa của ba ông.” (6)

Nguyễn Q. Thắng trong phần viết về Trịnh Hoài Đức có nhắc đến tập thơ Gia Định tam gia thi tập ở mục chú thích tác giả Trịnh Hoài Đức(7). Hoài Anh khi biên dịch Gia Định tam gia cũng có nhắc đến tập Gia Định tam gia thi tập khi viết về Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Lê Quang Định(8) nhưng cũng hoàn toàn không đề cập đến tình hình văn bản tập thơ này.

Như vậy, cho đến nay, vẫn chưa có ai giới thiệu bài Tựa tập thơ Gia Định tam gia thi của Trịnh Hoài Đức và phác thảo diện mạo của tập thơ. Vì chưa tìm được bản khắc in chính thức của tập thơ, nên khiến người ta suy đoán thơ ca của ba tác giả lớn đất Gia Định trong tác phẩm này có phần sai lệch, dẫn đến việc nhiều người lầm tưởng những bài thơ của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tĩnh trong Gia Định tam gia thi là thơ xướng hoạ của ba ông, khác với những bài thơ trong tập Cấn Trai thi tập, Hoa Nguyên thi thảoThập Anh thi tập.

Chúng tôi có được các bản sao chụp Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức, với các ký hiệu A.780, A.3139 và A.1392 đều được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong đó, các tập thơ trong bản A.780 (khắc in) và bản A.3139 (chép tay theo bản A.780) được sắp xếp đúng theo thứ tự mục lục Cấn Trai thi tập toàn biên mục lục mà chúng tôi trình bày ở dưới, nhưng không có bài Tự tự. Còn bản A.1392, qua so sánh, chúng tôi thấy cũng thuộc truyền bản của A.780, nhưng được gán ghép khá lộn xộn các tập thơ.

Trong tài liệu này (bản A.1392), đầu tiên là bìa Cấn Trai thi tập, tiếp đến là bài Tự tự, sau Tự tựCấn Trai quan quang tập, Cấn Trai khả dĩ tập, tiếp đến chúng tôi tìm thấy có tờ bìa của Thập Anh thi tập (không thấy tờ bìa của Hoa Nguyên thi thảo) và bìa Gia Định tam gia thi khắc in năm Minh Mệnh thứ 3.

Tiếp theo sau là mục lục ba tập thơ được sắp xếp như sau:

  1. Cấn Trai thi tập toàn biên mục lục, gồm:
    • Nguyễn hầu thi tự, nhất tắc (bài tựa của Nguyễn Địch Cát)
    • Ngô hầu thi bạt, nhất tắc (bài bạt của Ngô Thì Vị)
    • Cao bá thi bạt, nhất tắc (bài bạt của Cao Huy Diệu)
    • Thoái thực truy biên thi, bách nhị thập thất thủ (127 bài), trong đó: Ngũ ngôn tuyệt cú 3 bài, thất ngôn tuyệt cú 10 bài, thất ngôn luật thi 99 bài.
    • Quan quang tập thi, bách ngũ thập nhị thủ (152 bài), trong đó, ngũ ngôn tuyệt cú 7 bài, ngũ ngôn luật thi 12 bài, lục ngôn tuyệt cú 8 bài, thất ngôn tuyệt cú 3 bài, thất ngôn luật thi 122 bài.
    • Khả dĩ tập thi, tứ thập bát thủ (48 bài), trong đó, ngũ ngôn cổ 1 bài, ngũ ngôn tuyệt cú 10 bài, thất ngôn luật thi 37 bài.
    • Tự tự, nhất tắc (tự làm bài tựa của Trịnh Hoài Đức).
  1. Hoa Nguyên thi thảo mục lục:
    • Lê bá tự, nhất tắc (bài tựa của Lê Lương Thận)
    • Thi thảo, thất thập thất thủ (77 bài), trong đó, ngũ ngôn luật thi 7 bài, thất ngôn tuyệt cú 9 bài, thất ngôn luật thi 61 bài.

  2. Thập Anh đường thi tập mục lục:
    • Trần tự, nhất tắc (bài tựa của Trần Tuấn Viễn)
    • Nguyễn tự, nhất tắc (bài tựa của Nguyễn Địch Cát)
    • Bùi tự, nhất tắc (bài tựa của Bùi Dương Lịch)
    • Thi tập, bách bát thập thất thủ (187 bài), trong đó, ngũ ngôn luật thi 44 bài, thất ngôn tuyệt cú 27 bài, thất ngôn luật thi 116 bài.

Tiếp theo mục lục này là ba bài thi tự, thi bạt trong Cấn Trai thi tập, sau đó chúng tôi thấy có Gia Định tam gia thi tự do Trịnh Hoài Đức viết năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) theo lối chữ lệ. Sau bài Tựa này, lại là Cấn Trai thoái thực truy biên.

Như vậy, bản ký hiệu A.1392 này, chỉ riêng phần Cấn Trai thi tập cũng đã bị xếp không đúng trật tự so với mục lục của nó. Điều đó, chúng ta có quyền nghĩ rằng, đây là bản khắc in của Gia Định tam gia thi nhưng đã bị người đời sau tách ra và gộp lộn xộn.

Trước khi tái hiện diện mạo bản khắc in Gia Định tam gia thi, chúng tôi nghĩ nên bắt đầu bằng việc giới thiệu bài Tựa tập Gia Định tam gia thi của Trịnh Hoài Đức viết vào năm 1822.

3. Bài Tựa tập Gia Định tam gia thi do Trịnh Hoài Đức viết (khắc bằng lối chữ lệ) khắc in vào năm 1822. Bản chụp của chúng tôi chụp từ bản Cấn Trai thi tập ký hiệu A.1392 do Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội lưu trữ, đã nhòe mờ nhiều chữ, nhưng chúng tôi đã cố gắng tìm hiểu, phiên dịch, giới thiệu đến quý vị (có kèm bản chụp ở sau)(9). Qua bài tựa, có thể thấy được nhiều điều về bản khắc in tập thơ Gia Định tam gia thi, vì vậy chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn:

Phiên âm:

GIA ĐỊNH TAM GIA THI TỰ

Dư ư Canh Thìn hạ tự Gia Định thành khổn lai kinh bái lâm Quốc hiếu(10), nhưng phụng lưu kinh phục lý bộ vụ(11). Thích vong hữu Lê Hộ bộ thứ tử Quang Dao, Ngô Công bộ tam tử Quốc Khuê, giai lai tham kiến, các tương kỳ phụ thi tập trình thỉnh phó tử. Dư túc dữ nhị hữu xướng thù, nẫm tri kỳ thiên thập hãn sung(12), kim cận cấu thiên bách chi thập nhất, thậm uyển nhạ, nhi cùng khấu chi, câu dĩ tán dật tự tiền kinh tiên hữu khuông tương giản tồn chỉ thử vi đối. Dư tái tứ trầm tư viết: Ngô sài chi sự nghiệp tâm tích, tự hữu kỳ thường(13) giản sách(14), tại cố bất giả hồ thi văn dĩ huyễn diệu vu thế dã. Nhiên văn giả tâm chi hoa, kỳ tính tình chi chính thiên, sĩ học chi thuần tỳ, tu thử dĩ kiến kỳ ngạnh khái yên. Huống ngô sài chi tri thế giả sơ dĩ văn, tư nhân ủy nhi văn bất truyền, khủng tương lai hàn tảo phẩm bình vô phiến ngôn chích tự chi khả trưng, hà dĩ cấm tha kỳ hãnh tiến, hiêu hiêu chi thanh khẩu giả. Dục mưu vi phân thọ lê táo(15), các vi trấn gia vật, nại quyển trật vô đa, bất trang kỷ án. Hồi niệm, ngô sài sinh bình, ký huề thủ dĩ du tường, diệc liên liêm nhi đăng sĩ, xuất sứ nhập triều, vô vãng nhi bất chí đồng kiên tịnh, tắc kim thi chi khắc, ứng hợp nhi chi, thứ chung thuỷ khắc hài, tồn một vô gián, ư nghĩa vi đắc hĩ giả. Thời Cấn Trai tập nghiệp dĩ tử hành(16), toại xuyết tuyên Hoa Nguyên, Thập Anh nhị tập vu kỳ thứ, tổng nhan viết Gia Định tam gia thi. Bản ấn ký thành, chất chư thức giả, nãi phân cấp ngô tam gia tử các tàng kỳ bản. Trù ngô sài chi tử nhược tôn, thiết bất năng cá tam giai khoa táo(17) sung lư(18), khắc thằng bộ vũ(19), định thế thế trung tự bất thiểu nhất tầm thường thừa gia độc thư nhi tri tổ tiên chi thủ trạch(20) khả trân, vi thế thủ ái hộ nhi đồ tồn chi, tất bất chí ư phúc phủ hồ song chi khả ngu. Tư đỉnh túc thố huyệt(21) chi trường kế nhĩ. Duy nhị hữu minh trung chi linh hữu dĩ mặc hựu khải ốc ngã nhi tôn. Dư nhược hà cận phí đạn lao nhi bất tức thành toàn kỳ mỹ sự da?

Minh Mệnh tam niên trọng hạ nguyệt cốc đán.

Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh Lại bộ Thượng thư kiêm lĩnh Binh bộ Thượng thư sung Quốc sử quán Phó Tổng tài gia nhị cấp Ký lục nhất thứ An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức.

Hiệp biện Đại học sĩ (ấn chương)

Trịnh thị (ấn chương).

Dịch nghĩa:

BÀI TỰA TẬP THƠ GIA ĐỊNH TAM GIA

Vào mùa hạ năm Canh Thìn (1820), tôi từ thành Gia Định được chỉ vào kinh bái lễ Quốc hiếu, rồi phụng mệnh ở lại kinh nắm giữ việc ở bộ vụ. Vừa lúc ấy con thứ của người bạn đã mất Lê Hộ bộ (Lê Quang Định) là Quang Dao, con thứ ba của Ngô Công bộ (Ngô Nhân Tĩnh) là Quốc Khuê đều đến tham kiến, mỗi người đều dâng tập thơ của cha mình xin nhờ tôi khắc bản. Trước đây tôi cùng hai bạn xướng thù vịnh họa nên biết thơ của họ rất nhiều, nay chỉ còn độ một phần trăm, mười phần nghìn thì kinh ngạc xót xa, rồi gạn hỏi suy xét hết, thì đều nói vì mất mát, qua sự tìm tòi chọn nhặt trong hòm rương của hai bạn trước đây chỉ còn được bấy nhiêu. Tôi lại trầm tư nghĩ rằng: sự nghiệp vết tích của chúng tôi, hẳn có quốc sử ghi chép công trạng, ở đây vốn không có ý mượn thơ văn để huênh hoang với đời. Nhưng văn là tinh hoa của lòng, sự thẳng ngay hay tà vạy của tính tính, vết tích tốt xấu của bậc sĩ học, cũng nhờ đó mà thấy được đại khái. Huống khi bọn tôi có tiếng ở đời, ban đầu nhờ vào thơ văn, người như thế khi mất đi, mà văn chương không truyền lại, e tương lai phẩm bình văn chương chẳng có lấy một lời một chữ làm chứng, thì lấy gì mà ngăn chặn người đời điều tiếng bọn tôi thăng tiến bằng con đường khác? Muốn đem tác phẩm khắc in để truyền lâu dài, cũng để mỗi nhà làm vật trấn bảo, hiềm vì tác phẩm không nhiều, để chẳng được đẹp bàn đẹp án. Bao lần nghĩ lại, bọn chúng tôi bình sinh cùng dắt tay vào trường học, cùng một lúc ra làm quan, khi đi sứ lúc vào chầu, chẳng bao giờ chẳng cùng vai cùng chí. Vậy thì ngày nay, tập thơ được san khắc cũng nên hợp làm một, như vậy là trước sau hài hòa, kẻ sống người còn cũng không bị chia cách, thật hợp với điều nghĩa lắm vậy. Bấy giờ tập thơ Cấn Trai (của tôi) đã khắc xong lưu hành, bèn đem khắc thêm hai tập Hoa Nguyên, Thập Anh đưa vào phía sau, đặt tựa chung là Gia Định tam gia thi. Bản in khắc xong, trình cùng các bậc thức giả, rồi chia cho con của ba nhà, mỗi người giữ một bản. Nếu như con cháu chúng tôi, giả như không thể được tiếng con hơn cha làm rỡ ràng dòng họ, hay có thể nối bước cha ông, thì chắc hẳn trong những đời sau sẽ không thiếu có đứa con bình thường nối được nếp nhà mà học hành, để biết được sách vở bút tích (dấu vết) của tổ tiên là đáng quý, vì đời mà giữ gìn nâng niu lưu trữ chúng, ắt không đến nỗi phải đem chúng để úp nồi dán cửa thì cũng vui. Như thế (việc san khắc sách) là kế lâu dài bền vững sáng suốt vậy. Mong linh hồn hai bạn ở cõi trời ngầm phò giúp cho con cháu ta. Tôi đây cũng đâu nề hà sức già mệt nhọc mà không thành toàn ngay việc tốt đẹp này.

Ngày lành tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Hiệp biện Đại học sĩ lĩnh chức Lại bộ Thượng thư, kiêm lĩnh chức Binh bộ Thượng thư, sung chức Phó Tổng tài Quốc sử quán gia nhị cấp Ký lục nhất thứ, An Toàn hầu Trịnh Hoài Đức.

(Có hai con dấu: 1, Hiệp biện Đại học sĩ, 2, Trịnh thị)

4. Từ bài Tựa này và những trình bày trên, chúng ta có thể đi đến mấy kết luận:

Một là, có thể hình dung diện mạo chung của tập thơ Gia Định tam gia thi được khắc in năm Minh Mệnh thứ 3, tức 1822, như sau:

1.Bìa: (như hình 1)

Dòng trên cùng: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân cát nhật - Ngày lành tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822)

Cột giữa: Gia Định tam gia thi (tập thơ của ba nhà thơ đất Gia Định).

Cột ngoài bên trái: Trịnh, Lê, Ngô tam gia thi hợp tuyên - khắc chung thơ của ba nhà Trịnh, Lê, Ngô).

Cột ngoài bên phải: Cấn Trai tàng bản (Cấn Trai giữ bản in).

2.Nội dung:

● Sau tờ bìa là bài Tựa tập Gia Định tam gia thi tự của Trịnh Hoài Đức được khắc in theo lối chữ lệ, như chúng tôi đã dịch, giới thiệu ở trên.

Tiếp đến thứ tự ba tập thơ được xếp như sau: Cấn Trai thi tập, Hoa Nguyên thi thảo Thập Anh thi tập, đồng thời trước mỗi tập thơ có trang bìa, như sau:

- Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức (đã trình bày). Điều cần lưu ý là, do lấy lại bản in cũ nên tờ bìa vẫn mang năm khắc in là Gia Long thứ 18 (1819) (hình 2).

Dòng trên cùng: Gia Long thập bát niên trọng xuân tuyên (khắc in vào tháng hai năm Gia Long thứ 18 (1819).

Cột giữa: Cấn Trai thi tập (tập thơ Cấn Trai)

Cột ngoài phải: Trịnh (tức Trịnh Hoài Đức)

Cột ngoài trái: Bản trai tàng bản (Bổn trai giữ bản in)

- Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định (ký hiệu A.779, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (hình 3).

Dòng trên cùng: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân tuyên - Khắc in vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822)

Cột giữa: Hoa Nguyên thi thảo (tập thi thảo Hoa Nguyên).

Cột ngoài phải: (tức Lê Quang Định)

Cột ngoài trái: Cấn Trai tàng bản (Cấn Trai giữ bản in)

- Thập Anh thi tập của Ngô Nhân Tĩnh (bản ký hiệu A.779, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). (hình 4)

Dòng trên cùng: Minh Mệnh tam niên mạnh xuân tuyên (khắc in vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822).

Cột giữa: Thập Anh thi tập (tập thơ Thập Anh).

Cột ngoài phải: Ngô (Ngô Nhân Tĩnh).

Cột ngoài trái: Cấn Trai tàng bản (Cấn Trai giữ bản in).

● Số bài thơ, bài tựa, bạt trong ba tập thơ đều được sắp xếp theo mục lục khắc in đã trình bày ở mục 2 của bài viết.

Hai là, văn bản khắc in Thập Anh thi tậpHoa Nguyên thi thảo, được đóng chung thành một quyển, ký hiệu A.779 có bài là Thập Anh đường thi tập, được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm kia, chính là bản mà Trịnh Hoài Đức cho khắc in trong Gia Định tam gia thi tập.(22)

Ba là, nếu kể đến tác phẩm tập thơ chữ Hán của từng tác giả trong Gia Định tam gia thi tập hiện còn, thì Trịnh Hoài Đức có Cấn Trai thi tập, Lê Quang Định có Hoa Nguyên thi thảo, và Ngô Nhân Tĩnh có Thập Anh thi tập (còn gọi là Thập Anh đường thi tập. Sở dĩ có người gọi Thập Anh đường thi tập vì căn cứ theo cách gọi của các bài tựa trong tập thơ này mà gọi). Trong đó, Cấn Trai thi tậpđược khắc in và lưu hành vào năm 1819 và in lại vào năm 1822 cùng với Hoa Nguyên thi thảo Thập Anh thi tập.

Bốn là, Thập Anh thi tập chỉ được khắc in lần đầu tiên và duy nhất vào năm 1822 cùng với Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định, trước đó không có khắc in vào năm 1811 như một vài người đã nhận định.

_________________

Chú thích:

(1)(2)(3) 大南實錄,四,大南正編列傳初集,有隣堂出版,東京,1962. (Đại Nam thực lục; Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, Hữu Lân đường xuất bản, Đông Kinh, 1962, tr.1134, 1138-1139.

(4) Lê Quang Định không phải là người Minh Hương, cách ghi chú như vậy dễ dẫn đến hiểu lầm Lê Quang Định cũng là người Minh Hương.

(5) Nguyễn Văn Sâm: Văn học Nam Hà, Nxb. Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1972, tr. 399.

(6) Nguyễn Khuê: Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ, 2004, tr.342-343.

(7) Nguyễn Q. Thắng: Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb. Tiền Giang, 1990, tr.86-95.

(8) Hoài Anh: Gia Định tam gia, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2006, tr.40, 370, 520. Nhân đây cũng xin nói, trong phần giới thiệu về Ngô Nhân Tĩnh “(sđd., tr.370) của tác giả Hoài Anh, có ghi: “Sự nghiệp thơ văn của ông (Ngô Nhân Tĩnh - LQT) để lại có: Thập Anh đường thi tập (in khắc 1811) gồm 81 bài thơ chữ Hán (LQT nhấn mạnh), chủ yếu làm trong dịp đi sứ” và “Thập Anh văn tập, gồm 187 bài kinh nghĩa (LQT nhấn mạnh), v.v…” thì tôi ngờ là có sự nhầm lẫn, và không biết ông dựa theo bản nào để dịch thơ Ngô Nhân Tĩnh, vì không thấy ông ghi ký hiệu thư viện của bản in. Cả Hoa Nguyên thi thảo của Lê Quang Định (sđd., tr.520) mà ông sử dụng để thực hiện tập sách trên, chúng tôi cũng không thấy ông ghi ký hiệu thư viện.

(9) Trong quá trình tìm hiểu văn bản bài tựa này, chúng tôi có nhờ ông Dương Hưng, một người dạy tiếng Hán lâu năm, am hiểu về chữ lệ, giúp đỡ xác minh một vài chữ nhòe mờ khó nhận dạng. Nhân đây, chúng tôi xin một lần nữa gửi lời cảm ơn đến ông.

(10) Quốc hiếu: lễ tang nhà vua, ở đây chính là lễ tang vua Gia Long.

(11) Phục lý bộ vụ: lại giữ việc ở bộ, tức đảm nhiệm lại việc ở Lại bộ. Vì vào đầu năm 1814, Trịnh Hoài Đức chuyển từ Thượng thư Lễ bộ sang làm Thượng thư Lại bộ. Đến năm 1816, ông được mệnh làm Hiệp Tổng trấn thành Gia Định giúp cho Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức. Đầu năm 1820, Thượng thư Lại bộ hành Hiệp tổng trấn Trịnh Hoài Đức quyền lĩnh ấn vụ Tổng trấn Gia Định thay cho Nguyễn Văn Nhân. Sau đó đến tháng 6, triệu Thượng thư Lại bộ hành Hiệp tổng trấn Gia Định Trịnh Hoài Đức về kinh, lại cho lĩnh việc ở Lại bộ.

(12) Hãn sung: chữ xuất từ câu “hãn ngưu sung đống”. Lục Văn Thông tiên sinh mộ biểu của Liễu Tông Nguyên có câu: “Kỳ vi thư, xử tắc sung đống vũ, xuất tắc hãn ngưu mã” (Sách của ông, để thì chất cao đến xà nhà, chuyển ra ngoài thì trâu ngựa chở cũng đổ mồ hôi). Về sau người ta dùng từ này để chỉ sách vở nhiều.

(13) Kỳ thường: tên một loại cờ. Đời xưa, bậc vương dùng thái thường, chư hầu dùng cờ kỳ (cờ kỳ là một loại cờ xí, phía trên cờ có vẽ hình giao long, trên cán cờ có gắn chuông), để ghi công trạng của mình. Về sau, cờ kỳ thường dùng để chỉ công trạng chiến tích.

(14) Giản sách: ngày xưa viết chữ trên thẻ tre nên gọi là giản sách. Ở đây dùng chỉ sử sách ghi chép.

(15) Lê táo: cây lê và cây táo. Thời xưa người ta thường dùng gỗ cây lê và cây táo để khắc bản in sách, vì vậy về sau lê táo dùng để chỉ bản khắc sách.

(16) Thời Cấn Trai nghiệp dĩ tử hành: Bấy giờ tập thơ Cấn Trai đã khắc xong và lưu hành. Tập Cấn Trai thi tập được khắc in vào năm Gia Long thứ 18 (1819).

(17) Khoa táo: Mục Khoa táo trong sách Thiên lộc thức dư của Cao Sĩ Kỳ dẫn Hải khách nhàn đàm rằng: “Trên móng trước của ngựa có hai khoảng trống gọi là táo môn. Phàm những con ngựa hay có dấu chân sau vượt lên cả dấu chân trước, người ta gọi là vượt cả táo môn (khoa táo). Về sau dùng để chỉ con hơn cha. Có người cho rằng: Cha được ví như bếp, trên bếp thường đặt nồi, nên sinh con hơn cha được gọi là “khoa táo”.

(18) Sung lư: làm rạng rỡ tổ tiên. Sách Tấn thư, Giả Sung truyện chép: “Giả Sung tên tự là Công Lư,… cha ông là Quỳ, về già mới sinh được Sung, ý muốn sau này làm rạng rỡ tổ tiên nhà cửa nên đặt tên tự là Lư”. Về sau, chữ này dùng để chúc mừng việc sinh con hơn cha.

(19) Khắc thằng bộ vũ: Có thể nối được bước của cha ông. Khắc: có thể, thằng: nối, kế thừa; bộ vũ: chỉ cự li ngắn, xưa lấy 6 thước làm 1 bộ, nửa bộ gọi là vũ. Bộ vũ ở đây chỉ bước chân nói chung.

(20) Thủ trạch: cũng như nói thủ hãn (dấu mồ hôi tay), sau thường dùng để chỉ bút tích, hoặc di vật của tổ tiên để lại. Thiên Ngọc tảo trong Lễ ký có chép: “Cha mất mà con không thể đọc được sách của cha, ấy là vì dấu tay của người cha còn ở đó”. Khổng Dĩnh Đạt chú rằng: “Ý nói sách của cha còn lưu dấu tay của cha khi còn sống đã cầm, nên không nỡ đọc”.

(21) Đỉnh túc: chân vạc. Tục ngữ có câu: “Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Thố huyệt: hang thỏ. Thỏ làm hang thường làm nhiều hang để có đường chạy thoát. Ở đây ý chỉ vững chắc và khôn khéo.

(22) Trong văn bản ký hiệu A.779 này, Thập Anh thi tập được đóng trước tập Hoa Nguyên thi thảo, khác với mục lục đã nêu khi Trịnh Hoài Đức cho khắc in. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khẳng định như trên, vì tờ bìa của Thập Anh đường thi tập chỉ thấy trong bản Cấn Trai thi tập, ký hiệu A.1392, nhưng không thấy trong văn bản ký hiệu A.779; ngược lại, trong bản A.779 lại thấy có tờ bìa của Hoa Nguyên thi thảo, cùng kiểu khắc với tờ bìa Thập Anh thi tập. Chứng tỏ, sau này người ta đã tách tập thơ ra, rồi đóng riêng, nên dẫn đến trường hợp lẫn lộn trên.

__________________

Thư mục tham khảo

  1. Hoài Anh: Gia Định tam gia, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, 2006.

  2. Nguyễn Khuê: Ba mươi năm cầm bút, Nxb. Trẻ, 2004.

  3. Nguyễn Đình Phức: Về bài viết Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na, Tạp chí Hán Nôm, số 1 (86)-2008.

  4. Nguyễn Văn Sâm: Văn học Nam Hà, Nxb. Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1972.

  5. Nguyễn Q. Thắng: Tiến trình văn nghệ miền Nam, Nxb. Tiền Giang, 1990.

  6. 古代汉语词典,陈复华主编,商务印书馆出版,北京,2006.

  7. 大南實錄,四,大南正編列傳初集,有隣堂出版,東京,1962.

  8. 辭海,上海辭書出版社,上海, 2007.

  9. 辭源,台灣商務印書館出版, 1963.

  10. 漢語大詞典 (上中下),漢語大詞典出版社,上海, 2005.

  11. 康熙字典,上海書店出版社,第13印版,1998.

  12. 黎光定,華原詩草,艮齋藏版,明命三年孟春鎸,ký hiệu A.779b.

  13. 吴仁静,拾英堂詩集,艮齋藏版,明命三年孟春鎸,ký hiệu A.779.

  14. 鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸,ký hiệu A.3139.)

  15. 鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸, ký hiệu A.780.)

  16. 鄭懷德,艮齋詩集,本齋藏板,嘉隆十八年仲春鎸, ký hiệu A.1392.)