Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung đoạt giải Chuông Vàng Vọng Cổ 2016

TTO - Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung - cô gái
con nhà nòi nghệ sĩ đoạt danh hiệu Chuông vàng sau đêm chung kết tại TP.HCM 22-9-2016.


Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung trong giây phút đăng quang Chuông vàng cuộc thi trong đêm chung kết Chuông vàng vọng cổ tối 22-9 - Ảnh: Quang Định.


Ba thí sinh Trịnh Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Ngọc Châu và Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung bước vào đêm thi chung kết xếp hạng giành giải Chuông vàng vọng cổ 2016 với hai phần thi: diễn một trích đoạn dài không quá 12 phút, có sự hỗ trợ của nghệ sĩ chuyên nghiệp và rút thăm hát một bài vọng cổ có thời lượng không quá 8 phút (thời gian chuẩn bị chỉ 15 phút).

Kết quả Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung đăng quang danh hiệu Chuông vàng. Trịnh Thị Ngọc Huyền đoạt giải Chuông bạc và giải do hội đồng báo chí bình chọn.

Nguyễn Thị Ngọc Châu nhận giải ba và giải Thí sinh được yêu thích nhất.​


Trịnh Thị Ngọc Huyền đoạt giải do hội đồng báo chí bình chọn.


Trong đêm chung kết Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung trình diễn trích đoạn Cầu trăng ai lỗi hẹn và 3 câu vọng cổ trong bài Về mái nhà xưa.

Tuyết Nhung được xem là
con nhà nòi nghệ thuật vì ba của cô là NSND Ngân Vương của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai, còn mẹ là nghệ sĩ Hồ Như Thủy.

Do sống xa ba từ bé nên Tuyết Nhung chủ yếu chỉ học hát theo băng đĩa, nghe trên tivi. Lớn lên, thấy nghề hát cực khổ nên ba cô chỉ muốn cô đi học để có cái nghề và cô đã hoàn thành khóa trung cấp dược tại Trường Quân y 2 như mong muốn của gia đình.

Rồi Nhung rời quê nhà An Giang lên Sài Gòn phụ bán thuốc với người dì. Máu ca hát lại trỗi dậy. Nhung đi hát ở các show lẻ, mỗi tháng được mười mấy show, đủ nuôi sống bản thân, phụ giúp mẹ và còn xây được cái nhà nho nhỏ ở An Giang cho ông bà ngoại.​


Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung trình diễn trích đoạn Cầu trăng ai lỗi hẹn.


Đăng ký thi Chuông vàng đã 3 lần nhưng không đạt thành tích cao, Nhung quyết định ngưng một thời gian để rèn luyện thêm cho đủ tự tin bước vào cuộc đua năm nay. Ngoài 30 tuổi nên Nhung bảo nếu không thi, không cho mình thêm cơ hội thử thách, lúc quá tuổi sẽ lại tiếc hùi hụi vì không dám đi đến tận cùng ước mơ.

Nhận xét về Nhung, huấn luyện viên Lê Tứ chia sẻ: “Nhung có ưu điểm là giọng không chỉ khỏe mà còn rất truyền cảm. Nhịp của em tốt và chắc. Tuy nhiên, do em chưa được diễn bao giờ nên còn thiếu kinh nghiệm. Cũng may là em có gen nghệ thuật từ ba mẹ nên nắm bắt khá nhanh”.

Nhưng đó cũng là một áp lực, làm cô gái
có gen vướng víu.

“Tôi sợ bị so sánh, sợ ca diễn không tốt người ta nói con nghệ sĩ chắc quen biết mới được cho vô. Bởi vậy, phải ráng thi cho tốt để chứng tỏ hội đồng nghệ thuật chọn mình là xứng đáng!” - Tuyết Nhung nói.​


Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung diễn 3 câu vọng cổ trong bài Về mái nhà xưa..


Trịnh Thị Ngọc Huyền, cô gái nhỏ bé đến từ Trà Vinh, gây chú ý với giọng ca vang, khỏe, lanh lảnh. Trong đêm chung kết cô diễn trích đoạn Nàng tiên mẫu đơn và bài hát Đêm đồng bằng.

Là người huấn luyện Huyền 2 lần trong vòng chung kết, huấn luyện viên Kim Tử Long dành cảm tình đặc biệt cho cô: “Huyền có giọng ca tốt, có nội lực, có hồn. Em lại rất thông minh, tiếp thu tốt nên khá thuận lợi cho đạo diễn trong việc dàn dựng tiết mục. Em có triển vọng của một cô đào mùi, lẳng. Đào có mùi có lẳng sẽ dễ thể hiện được đa dạng nhân vật”.

Huyền đã vào Đoàn cải lương Ánh Hồng - Trà Vinh được gần ba năm nay, ban đầu toàn đóng vai nhỏ, tì nữ, múa nền…, vai lớn gần nhất của cô là cô gái mù trong vở Hoàng tử mặt nám.

Huyền cũng nhận được giấy báo nhập học Trường trung cấp Dược Trà Vinh.


Trịnh Thị Ngọc Huyền trình diễn trích đoạn Nàng tiên mẫu đơn trong đêm chung kết..


Nguyễn Thị Ngọc Châu trình diễn trích đoạn Bức ngôn đồ Đại Việt và 3 câu vọng cổ trong bài Hồn quê trong đêm chung kết. Từ quê nhà Đồng Tháp lên Sài Gòn được 5 năm, Nguyễn Thị Ngọc Châu gắn bó với nghề chăm sóc da mặt phụ nữ. Rồi một lần tình cờ theo bạn đến quán nghệ sĩ, nghe một nữ nghệ sĩ hát vậy là cô đâm mê cải lương luôn.

Huấn luyện viên Quế Trân nhìn nhận: “Giọng Châu sáng, ngân nga truyền cảm. Em có ưu thế sắc vóc đẹp, rất cần thiết cho một cô đào. Cái thiếu của em là không được học trường lớp, bài bản cải lương em cũng biết sơ sơ nên lúng túng. Tuy âm vực giọng hát khá rộng nhưng em còn nhát, không dám bung hơi
.​


Nguyễn Thị Ngọc Châu trình diễn trích đoạn Bức ngôn đồ Đại Việt trong đêm chung kết ..