Thành cổ Nam bộ: Thành Vĩnh Long - nỗi đau Phan Thanh Giản
Với Long Hồ dinh được thành lập dưới thời chúa Nguyễn 1732, Vĩnh Long được biết đến là thủ phủ, trung tâm quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa của miền Tây Nam bộ. Đặc biệt là hệ thống thành trì quân sự - chính trị, trong đó đáng chú ý là thành Vĩnh Long.
Bản vẽ chi tiết thành Vĩnh Long năm 1872 (ảnh: Tư liệu của tác giả).
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: “Tháng 2 năm Gia Long thứ 12 (1813) sắc cho trấn thủ Lưu Phước Tường đắp thành đất tọa ngồi kiềm hướng về tốn, nam bắc cách nhau 20 tầm, đông tây cũng thế. Bốn ngả đều có chỗ lõm vào ở giữa, mà ngoài bao thân, thành cửa cong ra, hình như đầu ngọc khuê. Bốn góc thành có góc nhọn thò ra như hình con rùa, lại như dáng hoa mai...”. Căn cứ vào bản vẽ thành Vĩnh Long năm 1864, 1867, 1872 của người Pháp cho thấy, kích thước thành Vĩnh Long đo được mỗi cạnh khoảng 600 m, chu vi toàn thành là 2.400 m.
Sau khi lần lượt chiếm thành Phụng, thành Biên Hòa, thành Mỹ Tho vào ngày 22.3.1862, liên quân Pháp - Tây Ban Nha với 10 chiến thuyền đến sông Long Hồ (còn gọi là rạch Long Hồ), đồng thời cho hơn 1.000 quân lập công sự trên bộ sát thành Vĩnh Long, đánh phá các đồn tiền tiêu, rồi đồng loạt tấn công bắn đại bác vào thành. Tổng đốc Trương Văn Uyển cùng quan binh biết không thể chống lại được bèn đốt hết dinh thự, kho tàng đạn dược trong thành rồi chạy về huyện lỵ Vĩnh Trị. Thành Vĩnh Long mất vào tay liên quân Pháp - Tây Ban Nha lần thứ nhất.
Thành Vĩnh Long bị chiếm, nguy cơ người Pháp chiếm toàn bộ Nam bộ là rất lớn. Triều đình Tự Đức khi đó có nhiều rối ren: phía Bắc thì nông dân nổi loạn, nội bộ triều đình bất an, 4 tỉnh Nam bộ đã bị liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm chiếm (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long). Nhận được thư của người Pháp ở Gia Định mang đến nghị hòa, vua Tự Đức đã bàn với quần thần thống nhất cử đại thần Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp đi Gia Định để thương lượng, hòng cứu vãn những gì còn có thể trong buổi suy tàn của chế độ.
Hòa ước Nhâm Tuất 1862 và nỗi đau Phan Thanh Giản.
Ngày 5.6.1862, Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết giữa nước Đại Nam do đại thần toàn quyền Phan Thanh Giản đại diện với Pháp - Tây Ban Nha. Theo thỏa thuận được ký kết, 3 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, quần đảo Côn Lôn (Côn Đảo) là thuộc địa của Pháp. Trong đó, đáng chú ý là khoản 11 của hòa ước với nội dung: “Thành Vĩnh Long sẽ được binh lính (Pháp) canh gác cho đến khi có lệnh mới mà không ngăn cản bằng bất cứ cách nào hoạt động của các quan Đại Nam. Thành này sẽ được trao trả cho hoàng đế nước Đại Nam ngay khi ngài đình chỉ cuộc chiến loạn do lệnh ngài tại các tỉnh Gia Định và Định Tường, và khi những người cầm đầu cuộc phiến loạn này ra đi và xứ sở được yên tĩnh và quy phục như trong một xứ bình yên”. Tuy nhiên, âm mưu gian xảo, quyết chiếm toàn bộ Nam bộ, Pháp đã phản bội, đi ngược lại nội dung của hòa ước sau khi có được những chiến lợi, chiến phí khủng từ triều Nguyễn.
Vì không hài lòng với bản hòa ước, vua Tự Đức đã cách chức Phan Thanh Giản, cho làm Tổng đốc Vĩnh Long khi triều đình tiếp nhận trở lại tỉnh thành Vĩnh Long. Năm 1863, vua triệu Tổng đốc Vĩnh Long Phan Thanh Giản trở về kinh, sung làm Chánh sứ đi Tây. Vua hỏi Phan Thanh Giản: “Về việc 3 tỉnh (vua Tự Đức muốn thương lượng chuộc lại 3 tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường - NV), quả là cân nhắc nhẹ nặng mà làm, hay là có ý riêng gì?”. Giản thưa rằng: “Thần xem kỹ thời thế, không thể không được. Thần nay phụng mệnh đi sứ, thành sự hay không thành, là ở 2 nước ấy (Pháp và Tây Ban Nha - NV). Thần chỉ biết hết tâm lực thôi”.
Sau khi đi sứ trở về, Phan Thanh Giản dần được khôi phục chức vụ, năm 1865 ông được cử trở lại làm Khâm sai đại thần, Tổng đốc Vĩnh Long. Mặc dù vậy, đúng như nhận định thời cuộc của ông trước đây về nguy cơ đe dọa dân tộc, nỗi lòng của một nhà nho yêu nước luôn dằn vặt, giày vò, năm 1866 ông đã xin được về hưu nhưng vua không cho.
Năm 1867, trước sức mạnh của quân đội Pháp, nhận thức được binh lực của triều đình và thời đại, không muốn nhìn thấy đồng bào và binh lính phải đổ máu xương, ông đã bỏ thành Vĩnh Long đầu hàng để tránh thương vong, từ đây Nam kỳ lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp. Ngày 22.6.1867, người Pháp chiếm thành Vĩnh Long lần thứ hai.
Sau khi tuyệt thực 17 ngày, ông đã uống thuốc độc tự tử và thi hài của ông được đưa về Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre) an táng. Triều đình truy luận tội xử trảm nhưng vì ông đã chết nên tha, đục bỏ tên trên bia tiến sĩ. Đến thời Đồng Khánh (1885) mới xóa bỏ án, truy phục chức tước và khắc lại tên trên bia.
Mặc dù phải gánh cái án lịch sử “Phan Lâm mãi quốc, triều đình thí dân” nhưng người dân Nam bộ nhiều nơi vẫn tôn nhớ và ghi nhận công lao của ông. Hiện nay, ngoài đền thờ ông trong khu mộ ở Bảo Thạnh, Ba Tri, Bến Tre, ông còn được thờ trong Văn thánh miếu Vĩnh Long; ở hữu ban trong đền thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (Bình Thạnh, TP.HCM); đình Ba Thê (TT.Óc Eo, H.Thoại Sơn, An Giang), đình Tương Bình Hiệp (Thủ Dầu Một, Bình Dương) và nhiều nơi khác. Trong những năm qua, giới sử học VN cũng đã tiến hành nhiều cuộc hội thảo khoa học, xuất bản nhiều ấn phẩm liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Phan Thanh Giản (1796 - 1867) đối với lịch sử dân tộc nhằm ghi nhận lại công lao của ông, trả lại cho lịch sử những gì thuộc về chân lý khi đánh giá nhân vật lịch sử ở góc độ đa chiều.