Cải lương và những bước cải lùi

Trong khi “thánh đường cải lương” phía Nam - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - vẫn nằm “đắp chiếu” thì một sân khấu dành riêng cho cải lương vừa được khai trương tại khách sạn 4 sao Oscar. Khán giả chưa kịp mừng vì lâu lắm mới có điểm diễn cải lương sáng đèn thường xuyên giữa trung tâm thành phố thì đã choáng váng với giá vé.

Ăn xổi bằng giá vé ngất ngưởng?

Sân khấu tầng 11 khách sạn Oscar có lẽ là nơi diễn cải lương duy nhất ở trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện nay. Khách sạn nằm ở đường Nguyễn Huệ, trung tâm quận 1. Chương trình cải lương do Đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp với Công ty Asia Media tổ chức đều đặn vào tối thứ năm cách tuần (tức 2 lần một tháng). Mỗi đêm diễn kéo dài 2 giờ đồng hồ theo hình thức tổng hợp các bài ca vọng cổ, trích đoạn cải lương, ca cảnh…

Ban tổ chức cho biết, đây là cách để họ đưa cải lương đến gần khán giả, giúp khán giả có nơi thoải mái, tiện nghi để thưởng thức loại hình nghệ thuật từng lên đỉnh hoàng kim ở thành phố này.

Tối 16-6, đêm diễn đầu tiên ra mắt với các tiết mục tưởng nhớ cố soạn giả Viễn Châu. Trích đoạn trong các vở tuồng nổi tiếng như “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”, “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”, “Ni cô và kiếm khách”, ca cảnh “Dương Quý Phi”, “Gọi đò”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”... đã được thể hiện lại.

Điều đáng tiếc là giá vé khá cao - từ 300 đến 500 ngàn đồng - khiến không ít khán giả e dè. Đêm khai trương, số lượng khách chưa đến một nửa khán phòng dù nơi đây chỉ có vỏn vẹn 200 ghế. Với một sân khấu diễn ra định kỳ mà lấy giá vé như vậy, theo nhiều người là không phù hợp với khán giả bình dân - tầng lớp đông đảo ái mộ cải lương.


Giá vé cao khiến khán giả trẻ càng thờ ơ với cải lương (Ảnh chỉ mang tính minh họa).


Sân khấu cải lương lâu lâu cũng nổi lên các liveshow, đêm diễn đình đám của nghệ sĩ này, ngôi sao kia. Nhưng giá vé bao giờ cũng khiến lớp khán giả bình dân như đứt từng khúc ruột. Nổi bật là các chương trình như: “Những năm tháng không phai” của nghệ sĩ Linh Huyền, “Chút tình gửi lại nhân gian” của nghệ sĩ Gia Bảo, “Thiên đường tôi yêu 2 - Bản sắc anh hùng” của Kim Tử Long, liveshow “Nửa thế kỷ con tằm vẫn nhả tơ” của nghệ sĩ Hồng Nga … Trong số chương trình này, có nơi giá vé lên đến một triệu đồng bởi tên tuổi của các ngôi sao.

Nếu giá vé cao nhưng được thưởng thức các tiết mục mới mẻ, chất lượng thì cũng đáng đồng tiền bát gạo. Đằng này, các chương trình đa số “ăn mày dĩ vãng” vì đơn thuần là phục dựng lại những trích đoạn cải lương kinh điển hoặc những vai diễn đã ghi dấu trong lòng khán giả (thông thường sẽ không hay bằng thời các ngôi sao ở đỉnh cao vì thanh sắc về già đều xuống).

Điểm diễn ở sân khấu Oscar không ngoại lệ. Do đó, khán giả chủ yếu của chương trình kiểu này thường là những người lớn tuổi, họ coi để ôn lại kỷ niệm một thời. Tất nhiên, họ cũng không thể thường xuyên bỏ nhiều tiền như thế để xem dài dài. Còn lớp trẻ thì có quá nhiều lựa chọn. Các loại hình nghệ thuật giải trí khác như điện ảnh, không gian hiện đại tiện nghi mà giá vé thông thường chỉ dưới 100 ngàn.

Ca nhạc không thiếu các chương trình miễn phí trừ những liveshow đình đám thì giá vé khá cao nhưng cũng có đủ phân khúc giá cả cho khán giả lựa chọn. Kịch nói khá đa dạng cũng chỉ có giá vé tầm 100-150 ngàn. Trong khi cải lương vốn đã khó khăn mọi bề, cần tìm mọi cách để níu chân khán giả (nhất là khán giả trẻ vốn thờ ơ, coi cải lương là lỗi thời) thì giá vé “sang chảnh” càng đẩy họ ra xa.

Trăm bề khốn khó

Tất nhiên, sân khấu cải lương cũng không thiếu chương trình kiểu “cho không biếu không”. Vậy mà khán giả vẫn thờ ơ. Ông Phạm Thái Bình, cán bộ Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh từng tổ chức cho nhiều chương trình cải lương phát sóng trực tiếp. Dù miễn phí nhưng sát giờ G vẫn còn hàng loạt ghế trống. Ông phải vận động anh em hậu đài, nhân viên của Trung tâm ra ngồi lấp vào mấy ghế đầu để tạm “chữa cháy” khi lên hình.

NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho hay, hàng năm Nhà hát đều có những chuyến đi lưu diễn miễn phí phục vụ bà con vùng sâu vùng xa. Nhưng lượng khán giả cũng rất ít ỏi. Nếu ở sân khấu có giá vé tiền triệu dù diễn vở cũ nhưng được đầu tư hoàng tráng, cảnh trí bắt mắt thì ở sân khấu miễn phí, không chỉ vở cũ mà sân khấu, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng sơ sài như hồi chiến tranh khiến khán giả chán ngán. Nguyên nhân cũng bởi chi phí dành cho các chương trình này vô cùng khiêm tốn.

Nhiều đợt liên hoan sân khấu cải lương, dù vở diễn dự thi đều mới mẻ, mở rộng cửa cho khán giả vào xem nhưng được nửa chừng là khán giả bỏ về gần hết. Người thì bảo xem qua đã biết đoạn kết như thế nào rồi, môtip không có gì mới. Người thì nói vở diễn buồn ngủ quá, cái nhìn không phù hợp với thời đại, nặng giáo lý, rao giảng. Diễn viên thì diễn thiếu lửa, thiếu hồn… Ai đời đóng vai thiếu nữ 17 tuổi, có đoàn phải trưng dụng cả nữ nghệ sĩ đã U50! Nỗi khổ của những đoàn cải lương này là lực lượng trẻ vô cùng hiếm hoi.


Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang được đầu tư hơn trăm tỉ nhưng xây xong lại “đắp chiếu”.


Lửa nghề của không ít nghệ sĩ trẻ bây giờ dần lụi tắt dù họ là những giọng ca tài năng bước ra từ các cuộc thi uy tín. Còn nhớ hồi cuối năm 2014, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF hồ hởi chuẩn bị một sân khấu cải lương mini tại Nhà hát dân tộc Nón Lá (quận 1). Ông muốn nơi đây sẽ trở thành điểm biểu diễn cải lương định kỳ hàng tuần, diễn những vở có chiều sâu, đầy hơi thở thời đại với dàn nhạc sống mộc mạc. Giá vé cũng chỉ lấy bằng giá xem kịch để thu hút người yêu cải lương.

Nghĩ rằng cứ ngỏ ý là các nghệ sĩ trẻ sẽ gật đầu ngay. Ai dè, ai nấy cũng hứa cho qua chuyện rồi lặn mất tăm. Hóa ra, họ dành thời gian chạy show đám cưới, tiệc tùng, tham gia gameshow… vì cát sê hấp dẫn.

Không chỉ diễn viên mà lực lượng tác giả, đạo diễn, soạn giả, nhạc sĩ… càng thiếu trầm trọng thế hệ kế cận. Khi mới nhận chức Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, NSND Trần Ngọc Giàu từng vạch ra kế hoạch: “Nhà hát sẽ mời các đạo diễn, biên kịch tài năng của kịch nói tham gia dàn dựng, thổi luồng gió mới cho cải lương. Những vở kịch nói thành công cũng được chúng tôi chuyển thể thành cải lương vì hứa hẹn ăn khách. Nhà hát cũng hợp tác với một số đơn vị để tìm kiếm nguồn diễn viên triển vọng rồi đào tạo theo kiểu truyền nghề”.

Không chỉ vậy, ông còn đặt ra mục tiêu ít nhất mỗi năm, nhà hát phải có một vở được đầu tư công phu, dàn dựng hoành tráng để tạo tiếng vang.

Tiếc thay, mục tiêu đó đến giờ vẫn khó trở thành hiện thực. Trung tâm Nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (sau đổi tên là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) - công trình hiện đại nằm ngay trung tâm quận 1 được nghệ sĩ kỳ vọng sẽ trở thành “thánh đường” của cải lương phía Nam, nơi để các nghệ sĩ của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thỏa thuê sáng tạo nghệ thuật - đáng lẽ đi vào hoạt động từ tháng 4 năm ngoái thì bây giờ vẫn nằm chờ… sửa.

Mang tiếng là có rạp hát nhưng các nghệ sĩ phải chạy đôn chạy đáo thuê mướn rạp khác để biểu diễn. Riêng các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thì đành tá túc tạm bợ tại rạp Thủ Đô, quận 5. “Khán giả đến xem rất ít vì rạp này đã xuống cấp, khán phòng ẩm mốc, đầy chuột, muỗi. Đã vậy, người ta phải gửi xe bên kia đường rồi cuốc bộ sang vì rạp gần như không có chỗ để xe. Chỗ gửi bên đó lại chặt chém, lấy của khách từ 10 đến 20 ngàn mỗi xe. Khách đến coi một lần là thấy sợ” - NSND Trần Ngọc Giàu than thở.

Sân khấu Oscar cũng không phải một sân khấu chuyên nghiệp dành cho cải lương. Lớp diễn nào có khoảng 3, 4 diễn viên là sàn diễn đã chật chội. Góc nhìn của khán giả cũng bị che khuất vì ghế ngồi từ trước ra sau đều xếp thẳng hàng. Âm thanh, ánh sáng của sân khấu cũng hạn chế. Nhưng đạo diễn Quốc Kiệt, Trưởng Đoàn 3 vẫn xuýt xoa: “Có được điểm biểu diễn sang trọng và định kỳ ngay trung tâm thành phố như thế này đã là rất tốt rồi”. Dễ đồng cảm cho niềm vui nho nhỏ ấy bởi một sàn diễn đàng hoàng dành riêng cho cải lương đang là giấc mơ xa ngái…