Thầy đờn Ba Tu - Đệ nhất nguyệt cầm trứ danh
Chấp nhận mọi cay nghiệt để học đờn, miệt mài nghiên cứu, với ông tiếng đờn kìm đã nâng bước chân mình đến với nghề, rồi lên bục giảng. Nhiều lúc nước mắt tràn dâng nhưng vẫn giữ cho tiếng đờn kìm da diết, không nhuốm một chút lợi danh
Nhạc sĩ, danh cầm Ba Tu được xem là báu vật hiếm hoi của nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và sân khấu cải lương. Gần tuổi 80 ông vẫn lên sàn diễn cùng con cháu hòa đờn, đặc biệt là vẫn dạy học trò theo ý nguyện, truyền thụ ngón đờn kìm độc nhất vô nhị để nâng bước thế hệ nhạc sĩ trẻ đến với nghề. Với ngón đờn tinh hoa bậc nhất, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu khóa học về ĐCTT Nam Bộ: độc tấu đờn kìm với bộ đĩa 20 bản tổ nhạc tài tử cho tỉnh Long An - quê hương ông - để bảo tồn nguồn gốc, sự sáng tạo của loại nhạc cụ này trong đời sống ĐCTT hôm nay.
Vị “tổ” hiền của làng cổ nhạc
Với các thế hệ học trò, những nhạc công cổ nhạc trẻ, danh cầm Ba Tu thật sự là một vị “tổ” hiền nhất. Ông lớn lên trong nghèo khó, từ nhỏ đã bộc lộ niềm đam mê cổ nhạc, nhất định chọn cây đờn kìm để học. “Do việc học đờn cực nhọc nên tôi dạy đờn bình thản hơn người ta. Làm sao đó để các em hiểu mà yêu từng ngón đờn, chứ không phải sợ bài khó, chọn bài dễ. Vì đờn kìm là loại nhạc cụ ít phím, hiếm dây, nên phải nâng niu nó như người tình” - Danh cầm Ba Tu ví von.
Ông kể khi đã nằm lòng 20 bài bản tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử, ông bắt đầu học qua nhiều loại nhạc cụ khác như: cò, tranh, sến, guitar phím lõm. Cho đến nay thì ngón đờn của ông vẫn giữ được nét trẻ trung, tươi mượt chinh phục người mộ điệu là bởi trong tiếng đờn có tâm tính hiền lành của ông. “Chuyến đi lưu diễn Pháp tháng 2 năm 1984 theo lời mời của UNESCO diễn tại các nước Châu Âu, tiếng đờn kìm của chú Ba Tu đã làm quặn thắt trái tim tôi khi tôi diễn vai bà Hai Hương trong vở Đời cô Lựu. Cũng trong chuyến đi đó, cuộc hội ngộ của danh cầm Ba Tu với ông vua vọng cổ Bảy Bá, GSTS Trần Văn Khê trên đất Pháp, đã khiến các hãng dĩa thu âm danh tiếng của tổ chức UNESCO phải tranh thủ mời cho bằng được các ông đến thu âm vào dĩa nhạc, để từ dĩa này làm bằng chứng danh dự cho việc xét duyệt hồ sơ trình tổ chức UNESCO công nhận nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” - Nghệ sĩ Ngọc Giàu kể lại. Với nhạc sĩ Thanh Hải, “chú Ba Tu đúng nghĩa là một nhạc sĩ tận tụy với nghề, hiền lành và sâu sắc trong cảm nhận, do vậy học trò của chú tâm tính cũng như thầy. Xem đạo đức là hàng đầu”.
Khơi những mạch ngầm cảm xúc
Danh cầm Ba Tu kể, cha của ông cũng là người biết ĐCTT, thấy con trai quá mê đờn nên có phần la rầy, phải học chữ, học văn hóa trước để có kiến thức rồi thì mới học sở trường và chọn nó làm cái nghề. Từ đó mỗi ngày buổi sáng học văn hóa, buổi tối học đờn. “Ba tôi quyết tìm thầy giỏi cho con theo học. Tôi đã làm quen với cây đờn kìm dưới sự hướng dẫn của thầy Chín Phàn, sau đó là hai thầy Hai Võ, Bảy Quế, đều là những người thầy xuất thân từ ĐCTT ở làng thôn. Nếu ông Hai Võ có ngón đờn cò độc đáo, thì thầy Bảy Quế đờn tranh rất ngọt. 11 năm tôi thọ giáo ba người thầy, đem đam mê đổi lấy kinh nghiệm, và trên những nẻo đường theo các gánh hát cải lương, tôi lại tích cóp thêm cho ngón đờn của mình những cảm xúc. Tôi dạy học trò vẫn thường dặn các em, phải biết khơi những mạch ngầm cảm xúc của người ca, để hòa quyện vào đó mà truyền tải đến người nghe”.
Và từ những thanh âm trầm bổng, réo rắt nhặt khoan từ cây đờn kìm (2 dây, 9 phím) của ông đã làm mê hoặc nhiều nghệ sĩ. “Tiếng đờn của chú Ba Tu nâng giọng ca của mình lên như con diều gặp gió” - nghệ sĩ Lệ Thủy nói. Bà kể tiếp: “Thời đi theo các gánh hát, biết các diễn viên trẻ còn hạn chế về nhịp, chú Ba Tu sau mỗi buổi diễn đều kêu đến chỉ dạy, rồi đệm đờn để giúp các bạn khắc phục hạn chế. Ông là người thầy có Tâm với nghề”.
Với soạn giả Viễn Châu, ông gọi đạo đức của người thầy đờn chính là Tâm Tấu. “Ba Tu cũng như thế hệ chúng tôi, được xem là thầy đờn chính vì đi theo kim chỉ nam làm sáng hơn tâm tấu. Xem nhẹ cái tâm trong việc đờn, việc dạy thì làm hư cả một thế hệ. Và từ khi tôi đau yếu rời xa sàn diễn, không còn nhận học trò. Các danh cầm khác như: Năm Cơ, Văn Vĩ, Hai Thơm, Chín Trích… đều đã qui tiên, chỉ còn mỗi Ba Tu là miệt mài rèn giũa tâm tấu” - ông vua vọng cổ nói.
Những năm kháng chiến chống Pháp, danh cầm Ba Tu đã lên Sài Gòn gia nhập Đoàn cải lương Tiếng Vang Thủ Đô đi lưu diễn ở khắp nơi. Chính thời gian này ông đã tích lũy biết bao kinh nghiệm để hình thành giáo trình giảng dạy nhạc cụ theo lối truyền ngón cho học trò. Những năm 60, ông là nhạc trưởng của ban cổ nhạc trên sân khấu các đoàn: Phước Thành, Minh Tơ. Sau năm 1975, ông vẫn giữ vị trí độc tôn với ngón đờn kìm trứ danh của Đoàn cải lương Sài Gòn 3 và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho đến lúc nghỉ hưu. “Thông thường, mỗi danh cầm có một sở trường diễn tấu, người theo thể điệu Bắc, Nam hoặc Oán, đằng này danh cầm Ba Tu đều giỏi các thể điệu trong âm nhạc tài tử, cải lương. Ông không chỉ thuộc lòng bản, mà còn thuộc cả cách thể hiện của người nghệ sĩ để nhấn nhá từng chữ nhạc một chuẩn xác. Tiếng đờn kìm của ông đã tạo được màu sắc rắn rỏi, nâng bài ca cổ và bài bản ĐCTT lên với cảm xúc chân thật”- danh ca Phương Quang nói.
Ngày xưa, dàn nhạc ngũ âm trong cung đình theo phong cách tứ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc) hay ngũ tuyệt (kìm, cò, tranh, độc, sáo), đờn kìm vẫn giữ vai trò lĩnh xướng. Trong nhạc tài tử cải lương, bài bản dựa vào chữ nhạc chính từ cung bậc của đờn kìm; người học ca, các loại nhạc cụ khác cũng dựa vào nền tảng âm nhạc của đờn kìm. Cây đờn kìm (nguyệt cầm) được tôn vinh là “thầy” của các loại nhạc cụ khác là vì vậy.
“Bây giờ cải lương dần mất khán giả một nguyên nhân lớn chính là đoàn hát xem nhẹ dàn cổ nhạc. Có đoàn chỉ lèo teo ba cây nhạc cụ: ghita, tranh, đờn organ điện tử. Và từ khi đưa ghi ta điện vào, thay thế vị trí số một của đờn kìm, đã làm giảm đi giá trị của dàn cổ nhạc. Khó khăn nhưng phải giữ lấy cái lề, thì nghệ thuật cải lương sẽ không chết. Ngày giỗ tổ năm nào cũng vậy, học trò quây quần bên tôi báo công, họ đi tứ tán khắp nơi để mưu sinh, nhưng vẫn giữ cái lề của nghề, đó là tâm tấu và cảm xúc chân thật. Hễ giả vờ yêu, giả vờ có cảm xúc để đờn lấy tiền thì xem như là phản thầy” - danh cầm Ba Tu nói.
Ông vẫn miệt mài với công việc đào tạo, truyền nghề tại nhà. Vừa xuất viện vài hôm thì lại điện thoại giục học trò đến để dạy. Bậc thầy đáng kính trong làng cổ nhạc có cái tâm hiền lành và luôn giữ nhân cách, đạo đức của một người thầy, phải nói như lời diễn nghĩa của soạn giả Viễn Châu: “Được mệnh danh là đệ nhất nguyệt cầm, tên tuổi của Ba Tu gắn với đờn kìm. Tư thế đĩnh đạc trong đờn, trong dạy của Ba Tu được ví như người quân tử, đúng với cách gọi của dân gian khi nói về cây đờn kìm là “quân tử cầm”. Ba Tu khổ luyện phong cách ấy để khẳng định sự bền bỉ của mệnh danh này”.
Và với GSTS Trần Văn Khê, khi còn sống, mỗi lần hội ngộ với danh cầm Ba Tu, ông đã nhận xét, ngón đờn Ba Tu nhấn chữ xang nức nở đến đổ hột như người có tâm sự kể về những trạng thái của mình bằng hơi thở, con tim. Ba Tu đờn bản vọng cổ có nhiều chữ nhạc rất mới, tạo nét duyên dáng. Các thể điệu Bắc hùng tráng, Nam - Oán của ngón đờn đó rất mùi mẫn. Kỹ thuật nhấn nhá, chạy chữ, chẻ, xốc nhịp vô cùng kịch tính.
Trong buổi ra mắt quyển sách “ĐCTT - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” và triển lãm ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Danh cầm Ba Tu đã đến dự và phát biểu: “Nghệ thuật ĐCTT Nam bộ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tôi hạnh phúc vì câu chuyện bảo tồn loại hình nghệ thuật này đến nay đã có hướng đi chính danh. Tuy nhiên, vẫn còn buân khuân chưa tìm được căn cơ giải tỏa, là tre như tôi đã già măng bắt đầu mọc, nhưng có nguy cơ không lớn khi mà thế hệ nghệ nhân đờn, nghệ nhân ca rất cần có chính sách tích cực hơn để nuôi sống bản thân, gia đình. Có như thế mới đổ hết tâm huyết mà bảo tồn, mà truyền thụ”.