Đọc “Giọt nước nghiêng mình”

Ngọc Bút

Tôi đưa quyển sách cho con trai, nói con đọc đi. Nó đọc một hai truyện gì đó, rồi nói, ngôn ngữ cũ mèm má ơi. Có vài chỗ khó hiểu nữa. Phải, ngôn ngữ “cũ mèm”, và có vài chỗ “khó hiểu” nữa, ngay cả với tôi. Con tôi thuộc thế hệ của Doraemon rồi Harry Potter. Tôi thuộc thế hệ của Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, của những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Hương Quê một thời xa lơ xa lắc có lẽ đã trên dưới 60 năm. Cho nên tôi đã miệt mài “ôm” quyển sách trong nhiều ngày liên tục, rảnh được lúc nào là đọc, không theo thói quen con-cà-con-kê của mình.

Quyển sách có gì hấp dẫn? Chẳng có gì hấp dẫn, nếu hiểu theo nghĩa là sách của những câu chuyện diễm tình, giật gân, hay thời sự nóng bỏng. Tôi thích nó chỉ là vì qua nó tôi thấy lại bầu không khí của Nam-kỳ ngày trước và ngôn ngữ cũng đặc sệt Nam-kỳ. Chẳng hạn trong truyện Hương Vị Đời:

“Chị coi, con nhỏ lớn sộ, thằng này có chút nhí mà tối ngày tò vè, xẩn quẩn. Muốn lắm nên kiếm chuyện tới lui hoài. Mà khổ, con nhỏ coi bộ chịu đèn mới chết một cửa tứ mấy thằng trang lứa lối xóm cùa nó.” (trang 37)

Bạn hữu thì ai chấp nhứt gì, nhưng xin đừng nói chơi, nó nhẹ thể con người mình đi. Hai đứa cúi đầu mạnh ai nấy ăn, không khí tuy không còn nặng chình chịch như hồi nãy...” (trang 41)

Hay như trong Người Con Gái Của Nước:

“Nước đồng minh mông san dã, mút mắt không biết đâu là bến bờ. Thỉnh thoảng rời rạc lơ thơ mấy ngọn dừa trồi lên mặt nước vài ba tàu trên đó đeo, đu năm sáu người ướt như chuột lột, té lên té xuống.” (trang 71)

Trong truyện Chiếc Ba Lô Để Lại:

Chết vì tài xế mua bằng nữa đó cha nội. Học ba xí ba tú, lái chưa rành, mót tiền quá chạy đi mua bằng, lên xe ngồi điều khiển mà không hiểu luật lại vụng về nên thường làm chết thiên hạ rồi bỏ xe lẫn trốn... chuyện này xảy ra hà rầm” (trang 187)

Có vô số những đoạn những câu như vậy từ đầu đến cuối quyển sách: “Ông già ngừng một lúc hèn lâu...” (trang 48); “Rốc, trẻ nhứt bọn, đương nằm, tay lót dưới ót làm gối, hơi ngóc đầu dậy, nói chõ vô ba người ngồi...” (trang 27); “Mười ba tuổi nó bự xộn, cao nhồng, xách hai tay hai thùng nước, loại thùng dầu hôi hiệu con gà, đi te te một hơi tới nhà ai đó mướn đổ nước tháng...” (trang162). Vân vân và vân vân.

Ngôn ngữ rặt Nam-kỳ xuất hiện suốt từ truyện đầu cho đến truyện cuối, nhưng không phải tất cả mười chín truyện trong tập Giọt Nước Nghiêng Mình đều là chuyện của quá khứ, mà còn có chuyện của hiện tại và chuyện của tương lai (được tưởng tượng), nếu lấy cái mốc từ năm 1975 về trước là quá khứ và hiện tại là từ 1975 trở về sau cho đến hôm nay.

Trong nhiều truyện có bối cảnh quá khứ, người đọc như thấy ngay trước mắt cảnh thật (và có lẽ người thật) cùa Nam kỳ và đất Sài Gòn xưa. Trong truyện Người Em Xóm Giếng, nhân vật ông Ba nói “kiểu lập đi lập lại của dân nhậu”:

“Đường Huỳnh Quang Tiên đó hả? Nói vầy cho dễ hiểu nè! Bắt đầu từ góc đường Nguyễn Cư Trinh với đường Trần Hưng Đạo nhe! Từ đó băng qua đường Trần Hưng Đạo thẳng xuống tới bờ sông Bến Chương Dương là đường Huỳnh Quang Tiên. Tôi nói là nói tên đường Việt Nam có sau thời Pháp chớ nói tên đường trước đó [...] thì anh em còn bù trất hơn nữa!” (trang 155)

Mấy con đường đó thuộc quận 1. Cũng trong truyện trên, nhân vật Tín nhắc tới một địa danh quen thuộc khác bây giờ thuộc quận 4 và quận 7:

“Tôi về thẳng bên Tân Qui Đông. Lúc qua bến đò Tôn Thất Thuyết, nhìn bóng mình trôi trôi trong dòng nước tôi tự an ủi rằng mình đúng , rồi má với bà em sẽ bắt em đi lấy chồng”. (trang 169)

Còn đây, trong Chiếc Ba Lô Để Lại, nhân vật như đang đứng thật ngoài đời ở quận 10 chứ không phải trong truyện.

“Nếu chừng mờ mờ sáng đi tới đây, góc Nhật Tảo và Nguyễn Kim nầy, dưới gốc cây dầu bự chảng bên tay trái, thì sẽ gặp một người đàn ông còm cõi đứng phụ vợ bán bánh giò. Đó là người bạn lính trước đây cùng đơn vị của tôi ở Pleiku”. (trang 187)

Trong số những truyện gọi là của Sài Gòn ngày xưa ấy, rất cảm động là truyện Bạn Thời Chơi Nhà Chòi. Én và nhân vật người lính cảnh sát trẻ là bạn hàng xóm lúc còn nhỏ ở khu Vườn Lài quận 10. Lớn lên, đời mỗi người phiêu dạt một hướng. Én trở thành gái điếm ở khu Cầu Hàn quận Nhà Bè (bây giờ là quận 7). Trong một lần bố ráp, người cảnh sát nhận ra Én qua thẻ-kiểm-tra (chắc là thẻ căn-cước). Anh gọi cô lên “thẩm vấn” (hỏi cung) và qua đó biết được tình hình cũng như số phận những người quen ở xóm cũ. Anh cứu Én khỏi cuộc bố ráp bằng cách nói với người bạn lính khác rằng cô bị “đau bụng-máu” và dẫn cô ra nhà xí... Én thoát, và nhờ sự lanh lợi của mình, cô còn xin cho một cô bé 17 tuổi “mới bị gạt bán vô động” cũng được thoát theo cô.

Các truyện có bối cảnh hiện tại cũng rất thời-sự. Chuyện vượt biên có truyện Có Khi Biển Lặng. Chuyện ông già Việt kiều già mê gặm-cỏ-non rồi bị lừa cướp hết tiền có truyện Ở Một Nơi Tình Người Quá Lạt. Chuyện chồng hà hiếp vợ đánh chửi vợ tục tắn có truyện Cái Vuốt Trán Vô Ngôn. Chuyện đường sá Sài Gòn ngập lụt và chuyện người lính cũ từ chối đi Mỹ theo diện HO có truyện Chiếc Ba Lô Để Lại. Chuyện một “doanh nhân thành đạt” kiểu mới, hãnh tiến và tự đắc một cách rẻ tiền có truyện Xâu Chuỗi Da Voi. Chuyện mê tín dị đoan có trong truyện Dấu Hoa Vun Cây. Chuyện tận diệt cá tôm hủy hoại môi trường có trong truyện Người Con Gái Của Nước. Chuyện lấy cát dưới lòng sông tạo ra những cái hàm ếch gây sụp lở bờ sông chết người ở miền Tây có trong truyện Giữ Tròn Lời Hứa. Tác giả sống ở Mỹ, nhưng hình như lòng vẫn lo nghĩ đau buồn vì những chuyện rất thời-sự như vậy ở quê nhà. Người đọc có thể thấy điều đó qua câu đề từ ngay trang đầu tiên của tập truyện:

“Những truyện ngắn viết trong khoảng thời gian mà những nỗi đau buồn của thời đại luôn làm trái tim chúng ta đau đớn khi phải bị bắt buộc chứng kiến hàng ngày”.

Một chuyện duy nhất thuộc thì tương lai, xảy ra năm 2048, là truyện Lão Hát Rong Trên Bờ Biển Cạnh Đặc Khu. Truyện giả tưởng, nhưng thật thú vị, với chi tiết người Việt Nam “vượt biên” từ đặc-khu Phú Quốc của Tàu trở về Việt Nam. Phú Quốc, hòn đảo đẹp bình dị, cùng với Hòn Khoai hoang sơ và Thổ Châu cô đơn man dại gợi nhớ chuyến du khảo năm 1973 của đoàn sinh viên đại học Văn Khoa Saigon và đại học Cao Đài Tây Ninh. Chuyến du khảo trên hạm y tế Hàn Giang 401 năm đó có tác giả tập truyện Giọt Nước Nghiêng Mình và học trò của Thầy, kẻ viết bài này.

Giọt Nước Nghiêng Mình có những truyện rất ngắn, nhưng chứa đầy sức nặng của tư tưởng. Như nhà văn Phạm Phú Minh có nói trong Lời Tựa, nhiều truyện của tác giả hầu hết đều mang tính luận đề: truyện được viết ra cốt là để nói lên một triết lý một tư tưởng gì đó. Trong truyện cuối cùng, Paris Vẫn Đứng Vững, những người bạn tụ họp nhau trong một bữa tiệc nhỏ khi đến thăm một người bạn của họ bị thương trong vụ thảm sát do khủng bố ở Paris ngày 13.10.2015 . Họ bàn về giây phút cận-tử, về cái sống cái chết và kết luận như sau:

“Chưởng trở về từ cõi khác trên hình thể. Chúng ta, những người không có mặt ở sáu địa điểm bi kịch kia phải trở về từ cõi khác trong tâm hồn nhân sự kiện kinh hoàng vừa rồi. Câu nói của Đức mấy năm trước, khi chúng tôi bắt đầu thân nhau ù ù trong tai tôi: ‘Cái chết của hồn nước trong tâm thức mới thiệt sự ghê rợn. Nó làm chết một số đông không thể đếm được.’ ” (trang 248). Đây là một sự liên tưởng rất đắt: cái chết trong tâm hồn một con người và những con người dẫn đến cái chết của một đất nước. Tôi nghĩ thêm: bản sắc của một con người và nhiều con người mà mất đi thì nước mất!

Trong truyện Khói Thuốc Cả!, nhân vật Ngoạn Nguyệt cũng triết lý:

“... em học được rằng ở đời phải biết việc gì quan trọng việc gì không. Nói chung tất cả mọi chuyện rồi sẽ tan biến như khói thuốc. Biến thành không. Nhưng cùng lúc đó mọi chuyện cũng quan trọng, nó làm cho con người mình trở nên có giá trị hay tồi tệ.” (trang 230)

Nhưng “luận đề” rõ nhất ở nhiều truyện trong tập này là những tư tưởng, triết lý, ý niệm trong Phật giáo. Người viết bài này chỉ biết lỏm-bỏm đôi ba điều về Phật pháp, nhưng cũng thấy rõ bầu không khí của từ-bi bao trùm trong truyện đầu tiên được lấy làm tựa chung cho cả tập truyện, Giọt Nước Nghiêng Mình. Ni sư trong truyện tâm sự:

“Ni ở trong chùa này một mình [...]. Quí khách thử tưởng tượng đêm vắng, không một tiếng động, chùa rộng hơn nhà thường, lại có phòng thờ các linh, nếu không đủ tinh tấn thì dễ buồn chán biết bao.” (trang 23)

[...]

“Tiểu bang này lắm mưa,nhiều khi một mình ngồi ngó mưa rơi, ni nghĩ rằng từng giọt mưa là từng linh hồn con người nghiêng mình rớt xuống để nhập làm một với Đại Ngã là sông, biển.Chết là giai đoạn hủy xác, hồn về lại nơi phát sinh. Chết sống chỉ là những giai đoạn du hành rong chơi của tiểu linh hồn.” (trang 25)

Truyện Có Khi Biển Lặng kể lại một chuyến vượt biên của nhiều người trên một con tàu thường khi chỉ để chạy trên sông. Hãy nghe một anh chàng trên tàu triết lý mang hơi hường Phật pháp, về ý niệm nghiệp:

“Sống chết cả tàu là do cộng nghiệp tất cả người trên tàu, không phải phước hay hung của một vài lời nói. Cộng nghiệp tức là tổng số phước trừ đi tổng số hung của từng người trên tàu. Trừ qua trừ lại còn nhiều phước thì cả đoàn thoát, còn nhiều hung thì họa tới cho cả đoàn...” (trang 29)

Ý niệm nghiệp cũng được nhận ra trong truyện Ông Đạo Chuối khi Ông Đạo nói với con chó tên Tuệ của mình:

“Thôi Tuệ à! Đừng buồn nữa con. Đó là cái nghiệp của Thầy. Nếu họ không đốt chùa, thì có thể Thầy cũng bỏ chùa mà đi thôi. Tuệ có thấy thầy chớm phạm tội không vậy?” (trang 97)

Chữ nghiệp còn trở đi trở lại vài lần trong suốt truyện từ đầu đến cuối:

“... Nhiều khi con muốn nhảy liều xuống giếng, xuống sông, nhưng nghĩ bỏ lại con thơ dại trên đời thì tạo thêm nghiệp nặng khác nên nuốt nước mắt mà sống qua ngày.” (trang 104)

“Tôi từ giã sư ra về mà trí như mông lung. Nắm tay con, tôi thầm nói: Sư giảng dạy nhiều nhưng đệ tử thu nhận không được bao nhiêu vì còn mang nặng nghiệp chướng.” (trang 108)

Một truyện khác, Tiếng Hát Người Tín Nữ Ni Sư, nhân vật chính cô Nguyện phải chịu khổ nạn cả đời mù lòa và gương mặt bị tàn phá thê thảm vì nghiệp cô quá nặng: cô bị đánh ghen vì lấy chồng người khác. Ông lão, mà trong mơ màng cô tin là Phật xuất hiện đã nói với cô:

“Con dao động vì xót xa đời con nhiều chướng nghiệp. Ta biết! Nhưng chướng nghiệp người đời ai mà không có đâu con. Chướng nghiệp tới không do con tạo kiếp này thì nên quên nó và tha thứ cho người gây hại; chướng nghiệp tới do con huấn tập kiếp này thì nên thành tâm sám hối.” (trang 121)

Tôi có cảm giác chữ “nghiệp” của Phật giáo bao trùm hầu hết tập truyện này, dù nó có xuất hiện hay không. “Văn dĩ tải đạo” có là khiên cưỡng lắm không khi tôi nói về quyển truyện này?

Nhà văn Sơn Nam, Ông Già Nam Bộ, xuất thân từ miền Tây, có hạt-bụi-nghiêng-mình; nhà văn Nguyễn Văn Sâm, xuất thân từ Sài Gòn, một kiểu ông già Nam Bộ khác (với tôi), có giọt-nước-nghiêng-mình. Bụi bay mông lung đâu đó rồi cuối cùng cũng nghiêng-mình rơi về đất, đất mẹ. Giọt nước nghiêng-mình trong gió bão rồi cuối cùng cũng rơi về sông, sông mẹ. Đại-ngã là đất, là sông, là biển, là quê nhà, là hồn cốt của dân tộc. Con người dù có đi trăm hướng ngàn phương nhưng nếu tận đáy lòng vẫn còn giữ được cái bản sắc cái hồn cốt ấy của mình thì chắc rằng quê hương không mất. Đây có lẽ là điều tinh túy nhất còn đọng lại trong tôi khi khép lại quyển sách.

Trên đây chỉ là một vài cảm nhận ban đầu khi tôi đọc tập truyện mới nhất của thầy cũ của mình. Tôi học thầy Nguyễn Văn Sâm suốt hai năm ở Đại học Văn Khoa Saigon: Văn Học Nam Hà năm thứ nhất, niên khóa 1972-1973, và Các Tôn Giáo Ở Miền Nam năm chứng chỉ Văn Minh Việt Nam, niên khóa 1973-1974. Tôi nhớ hồi đó thầy chưa viết văn, vì nếu có viết thì thầy chắc đã giới thiệu cho đám sinh viên chúng tôi đọc. Sau cuộc đổi đời năm 1975, có nhiều thứ đã rơi rớt khỏi trí nhớ của mình vì cơm áo gạo tiền, Văn Học Nam Hà chỉ còn lờ mờ trong tôi những cái tên Đào Duy Từ, Lũy Thầy, Ngọc Hân Công Chúa, Ai Tư Vãn..., còn nội dung thì không nhớ gì rõ ràng. Chữ của thầy trả hết cho thầy! Rồi tôi gặp lại Thầy sau đúng 50 năm, nhưng trước đó, năm ngoái, qua messenger tôi có nói chuyện với Thầy sau 49 năm không còn học và gặp thầy. Mừng thầy vẫn khỏe mạnh minh mẫn và bút lực vẫn dồi dào. Tôi muốn đọc thêm nữa những truyện với giọng văn rặt từ ngữ và cách nói Nam-kỳ của Thầy, không phải vì tôi phân biệt vùng miền, mà vì với riêng tôi, những gì thuộc về bản sắc Nam kỳ phải được trân trọng và gìn giữ.