“Luật sư” của Đờn Ca Tài Tử

Tôi bàng hoàng khi hay tin luật sư Nhì qua đời vào chiều 3/1/2018. Nghe kể ông đang ngồi ngắm cảnh tại nhà, chợt gục đầu xuống, rồi ra đi nhẹ nhàng không thể tưởng. Ông trả lại trần gian hơn 80 năm dâu biển, để trở về cõi sáng...

Lễ động quan vào 7g sáng chủ nhật 7/1/2018 tại nhà riêng (hẻm 935 đường Hưng Phú, quận 8, số nhà 4X), đưa đi chôn cất tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh.

Tôi biết yêu lấy cổ nhạc miền Nam, cách đây hơn hai mươi năm, là nhờ luật sư Nhì. Buổi đầu ngồi nghe một cuộc đờn ca giữa đêm khuya thanh vắng, tôi díu mắt ngáp từng chặp, luật sư Nhì nói, mày lạ nghen, nghe không nổi thì đi ngủ. Tôi không chịu, ngồi lì, nhạc không lọt vô lỗ tai thì vô ... tiềm thức, có sao đâu. Vậy đó, riết rồi thấy “Hành Vân”, “Tứ đại cảnh”, “Tứ đại oán”, “Liên Nam cổ khúc” ... sao nó hay thần sầu.

Đờn ca tài tử đất phương Nam, nó là lúa, là hoa nên giờ đây lại cất lên bên hoa, bên lúa. Dòng nhạc này đã và đang âm thầm tuôn chảy trong lòng bác Hai, anh Ba, chị Tư... khắp nơi khắp chốn ở miền Nam - khiến tôi liên tưởng đến câu nói của William Saroyan, đó là “những nghệ sĩ vô danh vĩ đại”.

Sẽ chẳng có nổi sự kiện đờn ca tài tử phương Nam bước ra ánh sáng quốc tế vào cuối năm 2013 (UNESCO chính thức công nhận đây là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại) nếu không có những nghệ sĩ dân dã vĩ đại của xứ Nam Kỳ âm thầm nuôi dưỡng! Những người sành điệu của bộ môn đờn ca tài tử đã từng nếm cảnh ngộ “vô thừa nhận”, mấy hội ngành nghề như hội âm nhạc, hội sân khấu không đón họ vào làm hội viên ...

Nghệ nhân Nhị Tấn (nghệ danh mà luật sư Nhì dùng khi đờn ca) ròng rã suốt mấy thập niên kiên tâm giữ gìn dòng nhạc này, để không bị lai tạp bởi lối biểu diễn phô trương chạy theo danh lợi.

Đờn ca tài tử là gốc của âm nhạc sân khấu cải lương, nên chữ đờn của tài tử tinh tế hơn so với lối đờn cải lương.

Không ít người trong giới đờn ca tài tử vẫn thích gọi nghệ nhân Tấn Nhì là “luật sư Nhì”, mặc dù ông đã thôi khoác áo luật sư cách đây hơn bốn mươi năm. Trước năm 1975, ông là luật sư Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Sau “cuộc đổi đời” tháng 4/75, quả nhiên ông “đổi đời” thật, ông chấm dứt hành nghề luật từ đó.

Ông chuyển qua làm “trạng sư” lên tiếng, bảo vệ cái hay cái đẹp của đờn ca tài tử đất phương Nam. Ông coi đờn ca tài tử vừa là cách tu dưỡng tinh thần, vừa là thú vui tao nhã.

Tôi có dịp đi Bình Dương, Tây Ninh của miền Đông, lặn lội xuống Bạc Liêu, Cà Mau của miền Tây, theo ông trong những cuộc đờn ca mà vai trò lớn nhất của tôi là... ngồi nghe. Khoái, nên đi, để nghe ông và khách bốn phương trọng nhau vì tài nghệ, mến nhau vi câu ca tiếng đờn.

Luật chơi của người tài tử nằm ở chữ “HÒA”. Hòa hợp với thiên nhiên và con người. Mặt khác, “hòa” nhưng không “đồng”, không giống nhau mà tôn trọng sự khác biệt, để quăng bắt, tung hứng nhịp nhàng trong chữ đờn ...

Tôi buồn, buồn lắm, khi luật sư Nhì không còn trên trần gian này nữa. Từ đây tôi không còn dịp ngồi trò chuyện với một người mang tình tự của lúa, của hoa.

Xin kèm theo đây một phim video về ông - do tôi thực hiện trong series “Ký ức phù sa” (gồm mấy chục nhân vật ở miền Nam). Ký ức này không bao giờ phai. Không bao giờ! (https://youtu.be/ts8vmWupUmQ)