Đàng Trong của chúng ta: Trở ngại gì trong việc tìm hiểu Đàng Trong?
* Ai đánh bại tàu chiến phương Tây ngay từ thế kỷ 17, bất ngờ lớn trong lịch sử châu Á? Công trạng to lớn ấy thuộc về Chúa Nguyễn của Đàng Trong!
* Trong khi đó, triều đình Thăng Long (Đàng Ngoài) vì mưu lợi cho thể chế đã sẵn sàng nhượng Quảng Nam cho ngoại bang.
Đối diện trước cuộc xâm lược của Pháp vào cuối thế kỷ 19, quan quân đời vua Tự Đức thua xiểng niểng, thua cấp tập. Nhiều người “triết lý” rằng đó là sự thất bại không tránh khỏi của “nền văn minh nông nghiệp” nước Việt...
Nhưng, không phải vậy, vì đã xảy ra một cuộc giật lùi trong lịch sử!
Hãy đọc kỹ lịch sử để biết rằng: trước đó khoảng 200 năm, ngay từ thế kỷ 17, chúa Nguyễn đã đánh tan tàu chiến phương Tây mon men đổ bộ lên Đàng Trong.
Vào năm 1642, Hòa Lan đưa 5 tàu chiến dưới sự chỉ huy của Van Liesvelt thẳng tiến đến Đà Nẵng. Cuộc chiến diễn ra cả trên biển lẫn trên bộ, Van Liesvelt cùng nhiều binh sĩ bị tử trận.
Năm sau, 1643, Hòa Lan lại đưa tàu chiến (lần này có sự toa rập với chúa Trịnh của Đàng Ngoài) để tấn công Đàng Trong. Tàu chiến của Hòa Lan được trang bị trọng pháo tối tân lúc bấy giờ, từng chinh phục Indonesia, dương dương tự đắc.
Nào dè, quân dân Đàng Trong dưới sự chỉ huy của Thế tử Nguyễn Phúc Tần (sau này trở thành Chúa Hiền) đã dùng nhiều chiến thuyền nhỏ áp sát vào đội tàu Hòa Lan khiến cho thuyền trưởng Pieter Baeck quýnh quáng. Đội tàu Hòa Lan vỡ trận, Pieter Baeck tử trận.
Sự kiện tàu chiến phương Tây, vào thế kỷ 17, bị một xứ sở ở châu Á đánh bại được xem là một BẤT NGỜ LỚN trong lịch sử!
Rất đáng để ý một chi tiết sau đây:
Nhà sử học Li Tana (Đại học Quốc gia Úc) đã tìm được bức thư của chúa Trịnh Tráng gửi cho Hòa Lan vào năm 1637 xin cầu viện với mục tiêu đánh chiếm Đàng Trong, trong đó có đoạn: “Sau khi chiến thắng chúng tôi sẽ ban tặng cho binh lính các ông 20.000 tới 30.000 lạng bạc. Về phần các ông, chúng tôi sẽ trao xứ Quảng Nam cho các ông cai trị.”
TRIỀU ĐÌNH THĂNG LONG, chỉ vì mưu lợi cho ngai vàng, đã sẵn sàng NHƯỢNG QUẢNG NAM CHO NGOẠI BANG, vâng, bất cứ ngoại bang nào miễn giúp họ đánh thắng Đàng Trong!
Có “lập luận” cho rằng: Quảng Nam bấy giờ thuộc thẩm quyền quản lý của triều đình Phú Xuân, đâu thuộc thẩm quyền của triều đình Thăng Long mà Thăng Long có quyền ký giấy nhượng đất? Văn thư của chúa Trịnh, do vậy, vô giá trị.
“Lập luận” như vậy, về thực chất, là chạy tội cho chúa Trịnh. Bởi vì văn thư nhượng đất có hiệu lực ràng buộc thi hành - nếu triều đình Thăng Long sau đó trở thành chủ nhân của Đàng Trong.
May thay, bấy giờ, âm mưu của triều đình Thăng Long bị phá sản.
Các Chúa Nguyễn vững mạnh, vì Đàng Trong không chỉ có “văn minh nông nghiệp” mà đã tiếp cận với văn minh thương nghiệp, giao dịch hàng hóa với nước ngoài.
Thế kỷ 17, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mở thương cảng Hội An, nổi tiếng sầm uất của cả khu vực Đông Nam Á, rộng hơn là Đông Á. Chúa Nguyễn đi theo chính sách, nói theo ngôn ngữ đời nay, là “hội nhập với thế giới”. Giới thương nhân Nhật Bản, thương nhân một số nước phương Tây đến làm ăn buôn bán với Đàng Trong.
Việc mở cửa đã giúp cho chúa Nguyễn tiếp cận thành tựu tiên tiến lúc bấy giờ, trong đó có quân sự. Một nhân vật được ghi lại trong sử là Jean De La Croix, người Bồ Đào Nha, giúp Chúa Nguyễn mở lò đúc đại bác.
Quân lực của Đàng Trong còn mạnh đến mức giúp cho Cao Miên đánh thắng quân Xiêm La (Thái Lan), từ đó được Cao Miên tạo thuận lợi cho việc mở đường di dân vào Nam (vùng Thủy Chân Lạp).
Theo phân tích của tiến sĩ Li Tana (Úc) về Đàng Trong, “Đây không đơn thuần là một sự mở rộng lãnh thổ về phương Nam của người Việt, mà đúng hơn, một xã hội mới đã phát triển với một nền tảng văn hóa khác và những hoàn cảnh kinh tế, chính trị khác.”
Đâu là những cái MỚI trong nền tảng chính trị, văn hóa Đàng Trong?
Trở ngại gì, e ngại gì mà hôm nay không chịu học những kinh nghiệm của tổ tiên?
-----------------------------------
- Tàu chiến Hà Lan vào năm 1643;
- Hội An nằm nhớ về một thời Đàng Trong rực rỡ: Hội An ngày ấy là thương cảng sầm uất của cả khu vực Đông Nam Á ...