Thượng đẳng đại thần Nguyễn Trung Trực
● Không thể hiểu Nam Kỳ tới nơi tới chốn, nếu chưa thấu hiểu “dưỡng chất tinh thần” của cư dân nơi đây!
Thường nghe bấy lâu, trong các danh nhân thuộc chính sử nước Việt chỉ duy nhứt có ngài Trần Hưng Đạo được tôn lên bậc thần thánh: “đức Thánh Trần Hưng Đạo” (ở đây không nói tới “huyền sử” như thánh Gióng chẳng hạn). Còn sót, còn phải kể tới vị anh hùng Nguyễn Trung Trực, được người dân miền nam tôn lên bậc Thần: “Thượng đẳng Đại Thần”!
Ở Nam Kỳ nào thiếu gì người can trường chống giặc xâm lược (như Trương Công Định, Võ Duy Dương, Thủ khoa Huân...), mà nói nào ngay, chẳng ai đem lòng yêu nước và chí khí của các bậc anh hùng ra so sánh cao thấp. Vậy, vì sao lễ hội ngài Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá trở thành lễ hội hàng năm lớn nhứt tại Nam Kỳ (ngoài Lễ vía Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc)?
Sẽ không tài nào giải thích thấu đáo về lễ hội ngài Nguyễn Trung Trực nếu chưa hiểu sắc thái tâm linh độc đáo - “Đạo” - tại Nam Kỳ. Dân gian kính cẩn gọi “Ông” (Ông Nguyễn). “Ông” đã hiển thánh, tức thành “Thần” nói theo kiểu người miền nam.
“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa / Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần” - thơ Huỳnh Mẫn Đạt ca tụng hai chiến công hiển hách của ngài Nguyễn Trung Trực.
Dùng hỏa công đốt chiến thuyền Espérance tại vàm sông Nhựt Tảo (Tân An, Long An) tiêu diệt toàn bộ địch quân. Chiến công Nhựt Tảo là một kỳ công hiếm có, lần đầu tiên người Nam chứng tỏ có thể tiêu diệt tàu chiến Pháp.
Rồi, trận đánh oai dũng của ngài Nguyễn Trung Trực sau đó là hạ thành Kiên Giang cho dù bố trí kiên cố, vậy mà quân của Ông Nguyễn vẫn leo tường đoạt thành giữa đêm khuya khoắt, hệt như “xuất quỷ nhập thần”.
Có câu chuyện tranh luận giữa Ông Nguyễn với Tổng đốc Phan Khắc Thân, như sau: Một đàng coi trọng cân đai phẩm trật của trào đình, triệt để bám sát quan điểm của trên, coi đó là đạo đức của quan chức (Phan Khắc Thân). Một đàng không chịu bị “trói” trong biên chế của trào đình, không nhân nhượng trước ngoại bang, mà biểu lộ khí phách của người dám vì dân trên hết (ngài Nguyễn Trung Trực).
Ông Nguyễn đang lúc dấy binh chống giặc, ông tu tập theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, thường mặc áo nâu sồng. Ông sống rất đạm bạc, mỗi bữa cơm chỉ ăn một con khô sặc.
Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (còn được gọi là đạo Lành) được thành lập vào năm 1849 bởi một người tục danh Đoàn Minh Huyên (1807-1856), được gọi tôn kính là “Phật Thầy Tây An”.
Đức Phật Thầy Tây An rất xem trọng việc khẩn hoang, làm ruộng để người hành đạo có thể tự túc lương thực, không phải sống nhờ vào người khác trong khi tu tập.
Người dân Nam Kỳ theo Phật Thầy Tây An rất đông, nhiều đoàn tín đồ đi khẩn hoang nơi các vùng hoang vu, lập trại ruộng ở Cần Lố (Đồng Tháp Mười), Láng Linh (Châu Phú), Thới Sơn (Tịnh Biên)..., biến những vùng đầm lầy, rừng rậm thành những vùng đất rộng lớn, màu mỡ.
Thực dân Pháp không tài nào triệt hạ nổi nghĩa binh của Ông Nguyễn, bèn nghĩ kế bẩn là bắt mẹ của Ông. Vì đạo hiếu, Ông Nguyễn chịu nạp mình để cứu mẹ già.
Người dân Nam Kỳ rúng động trước đức hạnh của ngài Nguyễn Trung Trực.
Bởi ở đời nhan nhản những kẻ mệnh danh “đại cuộc” tới mức bất chấp đạo hiếu, cư xử không ra gì đối với cha mẹ. Nếu “đại cuộc” có thành công đi nữa, rốt cuộc cũng chỉ gây hại nhân quần chớ không ích gì, vì cha mẹ họ mà họ còn không biết thương thì làm gì họ biết thương người khác, họ cư xử tàn tệ với dân là cái chắc.
Ngày Ông Nguyễn ra pháp trường (27/10/1868) tại Kiên Giang, đao phủ run tay trước thần khí oai nghiêm của Ông. Sợ đắc tội, đao phủ đã quỳ xuống vái lạy Ông, chỉ sau khi được Ông cho phép thì đao phủ mới dám giơ đao lên để chém.
Sau khi Ông Nguyễn tạ thế, các cơ sở thờ tự của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đều có bàn thờ trang trọng để thờ Ông.
Cũng vậy, bên Phật giáo Hòa Hảo, nơi tư gia của các tín đồ ngoài chân dung của đức Huỳnh giáo chủ, thường treo thêm di ảnh của ngài Nguyễn Trung Trực.
Trong bài nguyện quy y của Phật giáo Hòa Hảo, có đoạn: “Nam mô Phật tổ, Phật thầy, Quan Thượng đẳng đại thần, nay con quy y theo mấy ngài tu hiền theo Phật đạo”.
“Quan Thượng đẳng Đại Thần”, không ai khác, chính là vị anh hùng Nguyễn Trung Trực!
Không ở đâu trên toàn cõi nước Việt vào thế kỷ 19 & 20, ngoài Nam Kỳ có lập tôn giáo cho dân bản địa. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, rồi sau này đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo thảy đều liên can với nhau.
Thảy đều lấy nghĩa lý thiết thực làm trọng; tiết giảm kinh bổn, mà tránh đi những “cao đàm khoát luận” rồi vướng vô căn bệnh đa văn (lý luận vô tích sự).
Tiết giảm kinh bổn, thiếu điều gần như “kinh vô tự” luôn, như đạo Ông Trần ở Long Sơn (Bà Rịa), ngoài bộ truyện tranh in trên kiếng (bộ truyện “Hậu Lục Vân Tiên”), có câu rõ câu mờ, thỉnh thoảng mới lấy mấy câu thơ trong đó mà nói Đạo.
Không nhắm mắt bịt tai, thấy chuyện vi phạm đạo nghĩa là: “bất bình chẳng tha”.
Nói cách khác, hành động vì đạo nghĩa thì thân tâm mới an lạc (chớ không tìm “an lạc” bằng cách... không nói, không thấy, không nghe).
Cá tánh người dân Nam Kỳ ít nhiều đều được bồi đắp bởi những “dưỡng chất tinh thần” dẫn trên.
● Hình ảnh:
- Nếu không biết gì về sắc thái tâm linh chỉ có ở Nam Kỳ thì không tài nào hiểu được nền văn hóa Nam Kỳ.
- Nếu không biết gì về Bửu Sơn Kỳ Hương thì không tài nào hiểu đúng chân dung ngài Nguyễn Trung Trực.