VĨNH LONG (NV) – Nhân chuyến đi Vĩnh Long cùng nhóm thiện nguyện, tặng quà Trung Thu tại một trường tiểu học và mẫu giáo, chúng tôi tới Sa Đéc, cách Vĩnh Long chừng 30 cây số, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm từ trước 30 Tháng Tư, 1975; cũng để thưởng thức tô hủ tiếu Sa Đéc, thứ hủ tiếu đặc sắc “có một không hai” của miền-tây-sông-nước nói riêng, miền Nam nói chung.
Thị xã Sa Đéc, theo hệ thống hành chính hiện nay, là một thành phố thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Tiệm hủ tiếu Phú Thành chúng tôi tới ở số 75 đường Trần Hưng Đạo, gần khu vực chợ Sa Đéc. Tiệm hủ tiếu Phú Thành là một ngôi nhà cũ kỹ, rộng rãi, bàn ghế nhựa thấp, phong cách bình dân như các tiệm hủ tiếu khác tại thành phố Sa Đéc.
Hủ tiếu khô của hủ tiếu Sa Đéc được sắp đặt trên cái đĩa, không phải trong cái tô như hủ tiếu các nơi khác. Hủ tiếu khô có nước xốt vị ngọt rưới vào; khi ăn, thực khách trộn đều nước xốt trong đĩa hủ tiếu khô. Bên cạnh đĩa hủ tiếu khô, chén nước dùng trong trẻo, hai con tôm chín đỏ chìm nổi lơ lửng, tôm khô nhỏ vụn lắng ở đáy chén.
Tô hủ tiếu Sa Đéc chúng tôi thưởng thức hôm nay không khác tô hủ tiếu Sa Đéc cách đây trên bốn mươi năm. Vẫn nước dùng trong trẻo, những miếng ruột non, tim, gan, cật, thịt nạc, mực tươi… sắp đặt đầy đặn trên lớp bánh hủ tiếu, giữa nước dùng thơm ngọt của xương ống heo, mực và tôm khô, hầm kỹ và vớt bỏ lớp bọt liền tay, để giữ cho nước dùng được trong.
Hủ tiếu Sa Đéc ăn không ngán, do các thứ ăn kèm là nội tạng heo, mực tươi, chứ không chỉ có thịt nạc, hoặc thịt giò heo, ăn dễ ngán.
Ăn hủ tiếu khô của hủ tiếu Sa Đéc cũng ngon không kém hủ tiếu có chan nước dùng. Thứ nước xốt có vị ngọt, nhưng trộn đều với bánh hủ tiếu và các thứ gia vị, tương, chanh, ớt,… thực khách dùng hết phần nước xốt dưới đáy đĩa mà không ngán vị ngọt.
Qua thưởng thức hủ tiếu Sa Đéc từ những lần trước, chúng tôi được biết hủ tiếu Sa Đéc có mặt tại thị xã miền Tây Nam Bộ này đã hơn một thế kỷ, do những Hoa Kiều mở tiệm tại đây. Tiệm hủ tiếu Chí Ký của ông Lưu Chí, chúng tôi đã thưởng thức trước 30 Tháng Tư, 1975, là tiệm hủ tiếu Sa Đéc được xem là ngon nhất thị xã Sa Đéc lúc đó. Ông Lưu Chí nối nghiệp cha là ông Lưu Dầu, người mở tiệm hủ tiếu Dầu Ký sớm nhất tại thị xã Sa Đéc.
Những người trong gia đình ông Lưu Chí cho biết: “Chế biến thứ hủ tiếu này là nghề gia truyền của gia đình chúng tôi từ hồi ở Trung Hoa. Nhưng nói thiệt, cái chính yếu để hủ tiếu được đặc sắc, là do bột gạo để làm bánh hủ tiếu. Mà bánh hủ tiếu Sa Đéc thì do chính người Sa Đéc làm ra. Không ở đâu có thứ bột gạo như ở Sa Đéc. Chắc hẳn là do những cánh đồng lúa của Sa Đéc nằm bên cạnh dòng sông Tiền, nên có cái chất của nước sông Tiền, cho hạt gạo thơm ngon lý tưởng, xay ra thứ bột gạo làm sợi bánh hủ tiếu vừa mềm mại vừa không bị bở. Hủ tiếu Sa Đéc hơn hẳn mọi nơi có lẽ là như vậy. Ra khỏi địa phận Sa Đéc chừng mười cây số, không thể có thứ lúa gạo để xay ra bột gạo như vậy.”
Thuở đó chúng tôi cũng nghe nói tới lò sản xuất hủ tiếu tươi của dì Tư Muội ở Sa Đéc, được xem là nơi sản xuất sợi hủ tiếu tươi uy tín nhất tại thị xã Sa Đéc. Sợi hủ tiếu tươi của lò dì Tư Muội thơm mùi gạo và có độ dai vừa miệng ăn. Những thực khách sành điệu nhận xét: sợi bánh hủ tiếu phải do người Việt sản xuất mới ngon, người Hoa thì chuyên nghiệp sản xuất sợi mì. Với thứ hủ tiếu tươi như vậy, nước dùng gồm xương ống heo, tôm khô và mực khô hầm kỹ, giữ cho nước trong trẻo, thì nói rằng hủ tiếu Sa Đéc “có một không hai” chẳng phải là nói ngoa.