Những sử liệu về chùa Phù Dung Hà Tiên

Ai cũng biết đất Hà Tiên xưa của dòng họ Mạc Cửu khai phá và trị vì như một tiểu quốc.

Quyền lực và tài sản họ Mạc rất nhiều, cai quản và tác động trực tiếp lên vua Cao Miên, chúa Nguyễn phân công họ Mạc như vậy

Tôn Đức Hầu Mạc Thiên Tích - con trai Mạc Cửu có vợ chánh thất là người Vệt Nam tên là Hiếu Túc phu nhân Nguyễn Thị Thủ, bà chánh thất có 7 đứa con với ông Mạc Thiên Tích, trong đó có 6 trai và 1 gái.

Tuy nhiên cô gái tên Mạc Mi Cô sanh ra còn sơ sanh đã chết yểu, dù là con nít nhưng Mạc Thiên Tích vì thương con vẫn lập mộ như người lớn, mộ đề “Tiểu thư Mạc Mi Cô chi mộ”, dân gian gọi là mả Cô Năm Hà Tiên, tương truyền cô Năm linh nhứt xứ Hà Tiên.

Người ta đồn thổi nhiều giai thoại về Mạc Mi Cô và kho báu nhà họ Mạc, đồn rằng trước khi chết đứa bé mới sanh ra bổng đọc... sấm truyền rồi mới chết.

Bài thơ nói về kho báu:

Bờ tre xanh xanh
Hái lá nấu canh
Canh ăn hết canh
Vị cay thanh thanh
Trời tây bóng ngả chênh chênh
Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng.
Vàng trong lòng đá
Vàng chói sáng lòa
Vọng lên lầu các nguy nga
Ao sen nở trắng trước tòa khói hương.

Năm 1911 Chánh Tham Biện Pháp Roux Serret đã đào mả bà Hiếu Túc phu nhân Nguyễn Thị Thủ vì lời đồn kho báu.

Thực ra Pháp cạy quan tài bà chánh thất ra không có vàng bạc gì hết, chỉ có trâm cài đầu cùng tràng hạt của Phật tử, sau đó Pháp cải táng mộ bà lên cao hơn ở núi Bình San đến hôm nay.

Thực ra bài thơ sấm này là của bà Mộng Tuyết - vợ thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phác đặt ra trong cuốn truyện hơi hám “tiểu thuyết” “Nàng Ái Cơ trong chậu úp”, cuốn này viết và xuất bản ở Sài Gòn năm 1960.

Tích Mạc Mi Cô là một chương trong cuốn sách này, bài thơ nầy của bà Mộng Tuyết làm ra.

Nữ sĩ Mộng Tuyết viết bài thơ sấm đó như tổng kết lại lịch sử dòng họ Mạc. Một dòng họ từng lên vinh quanh chót vót rồi cũng lụi tàn.

Tôn Đức Hầu Mạc Thiên Tích bị Xiêm La bắt, Hà Tiên bị tàn phá, năm 1789 ông phải nuốt vàng lá tự tử chết bên Bangkok vì uất ức trước vua Xiêm La, vua Xiêm giết sạch 3 con trai lớn của ông là Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Dung và Mạc Tử Thương, chỉ chừa lại cậu con trai nhỏ xíu tên Mạc Tử Sanh.

Họ Mạc sau thời Minh Mạng đế không còn vai trò gì ở đất Hà Tiên, tới đời cháu thứ 7 thì bị tiệt dòng do không có con trai nối dõi.

Bài viết này nhắc lại một giai thoại của họ Mạc Hà Tiên.

Trong cuốn sách nầy cũng có tích chùa Phù Dung.

Và thực ra là tiểu thuyết nên cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” lấy từ sách này cũng không đúng bối cảnh lịch sử, chuyện ông Mạc Thiên Tích lấy “vợ người” và sư nữ chùa Phù Dung từng “yêu” ông cũng không hề có.

Chính xác là soạn giả Kiên Giang viết “Áo cưới trước cổng chùa” được thu thanh vào dĩa nhựa với Thanh Hương vai Xuân Tự và Sầu Nữ Út Bạch Lan vai Phương, sau 1975 là Lệ Thủy và Lương Tuấn.

Cái chuyện bà lớn Nguyễn Hiếu Túc giam Xuân Tự (Phù Cừ) trong cái lu hay cái chậu úp là xạo, và cải lương cũng xạo.

Trong thế phả nhà họ Mạc không có bà nào tên Phù Cừ là vợ lẽ của Mạc Thiên Tích.

Trong tạp bút “Cúi Vọng Người Xưa” của Nguyễn Ngọc Tư, cô Tư có mẹ là người họ Mạc ở Cà Mau, cô kể về những chuyện hành hương từ Cà Mau về Hà Tiên của các dì và mẹ cô, trong đó có câu:

“Tôi yêu Hà Tiên từ má, từ những cậu những dì trong họ, từ những chuyến đi như thế này. Những con người chân chất, bình dị. Ra biển không cần áo tắm cứ để nhảy ùm nguyên bộ bà ba. Những món đồi mồi ốc biển chạm trổ công phu bày đầy ở các quầy hàng lưu niệm chỉ là phù phiếm (một món bằng hai ba giạ lúa chớ có ít đâu).

Những người mê cải lương nhưng tẩy chay vở “Áo cưới trước cổng chùa” (còn làm đơn gởi đài truyền hình để phản đối) nói vở đã bêu xấu tổ tông mình, vì đã cho rằng Mạc Thiên Tích đoạt vợ người”.

Và những “sử liệu” mà một số người viết về chùa Phù Dung ở Hà Tiên cũng là bịa đặt.

Người ta nói rằng, chùa Phù Dung còn được gọi là chùa Phù Cừ, tọa lạc nơi chân núi Bình San, thành phố Hà Tiên là một ngôi chùa gắn liền với chuyện tình của bà Dì Tự tức thứ cơ Phù Cừ-Phù Dung, đồng thời cho đó là vị sư nữ đầu tiên trụ trì chùa.

Bà tu hồi trẻ tới năm bốn mươi mốt tuổi bà bịnh bà mất.

“Dân gian” đồn rằng:

Ông Mạc Thiên Tích có một bà thứ cơ sắc đẹp và hay chữ lắm.

Vì mê sắc đẹp, yêu tài thơ, mà ra thiên ái. Bà chánh thất Nguyễn phu nhân ghen giận, lập mưu hãm hại bà thứ cơ. Nàng thứ cơ thoát chết, trở nên chán chường sự thế, xin được đi tu. Mạc Thiên Tích đành chiều ý, cất một ngôi am tự cho thứ cơ tu hành.

Thực ra giai thoại trên là do dân gian kể theo tiểu thuyết lịch sử Nàng Ái Cơ trong chậu úp của bà Mộng Tuyết, xuất bản năm 1961.

Trước đó ở Hà Tiên chưa hề có câu chuyện này.

Trong bài “Áo cưới trước cổng chùa” đăng trên báo Thanh Niên ngày 21/01/2013 có ghi rõ ràng:

(Trích)

... “Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt phân tích Ái Cơ là cách tôn xưng do nữ sĩ Mộng Tuyết sáng tạo trong tiểu thuyết.

Trước khi tiểu thuyết Nàng Ái Cơ trong chậu úp ra đời, không người dân Hà Tiên nào tôn xưng bà bằng ngôi vị Ái cơ. Bởi vì gọi Dì Tự là người ta hiểu ngay vai vế của bà là vợ thứ. Trong câu chuyện, tác giả cho rằng người phụ nữ có ngôi vị “Ái cơ” đẹp mà phải đi tu, rồi lâm vào cảnh tuyệt tự.

Nhưng trên mộ bia của Dì Tự còn ghi rõ Từ Thành Thục nhân, họ Nguyễn, và người lập bia là con trai của bà: “Nam Chú lập thạch” (Con trai tên Chú lập bia), chứng tỏ khi bà qua đời, con trai bà đã lập mộ” (Hết trích).

Tức Dì Tự có con trai đàng hoàng, không phải treo áo cưới trước cổng chùa, chưa động phòng đã đi tu như tiểu thuyết, cải lương nói.

Bài báo ghi:

... “Theo phong tục, cấu trúc ngôi mộ hình chum này thuộc loại mộ cải táng và chữ nghĩa trên bia không thể hiện bà là người tu hành.

Căn cứ dòng lạc khoản này cho thấy mộ được lập vào năm Tân Tỵ (1761), lúc này Mạc Thiên Tích còn sống.

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt nói: Theo sách Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh chép: “Về sau, các bà thê thiếp sanh trai gái thật đông đảo, tựa hồ Chu Văn, số đến chín chục. Điều này chứng tỏ Mạc Thiên Tích có rất nhiều vợ. Theo tôi thì ít nhất là 7 bà, căn cứ vào 7 ngôi mộ được tìm thấy: vợ chánh và thứ thiếp, chưa kể những cung phi tỳ nữ thời ấy” (Hết trích).

Tất nhiên tiểu thuyết không cần phải ghi chép đúng theo sự thật.

Điều quan trọng là các sử quan về sau đừng căn cứ vào tiểu thuyết mà đưa vào chánh sử, coi đó là một phần trong lịch sử của chùa Phù Dung.

Ông Trương Minh Đạt kể lại: “Từ năm 1958 tôi đã đi dạy học. Khi nhà văn Sơn Nam từ Sài Gòn về, tìm tư liệu để viết bài về Hà Tiên, trong một đêm tá túc ở chùa Phù Dung, nhà văn đã gặp nhà sư trụ trì.

Sư vốn là người không rành lịch sử, nên nảy sinh ý tưởng sáng tác ra câu chuyện về ngôi mộ không theo hình dạng bình thường mà giống như cái ảng chụp lại.

Ông sư lại nghe Mạc Thiên Tích có 2 vợ. Và theo ông người vợ thứ hai là bà Dì Tự, khi bà qua đời được chôn ở gần chùa. Còn bà lớn chôn ở khu vực lăng Mạc Cửu. Ông nghĩ bà này bị ghen, hồi còn sống đã bị bà lớn chụp cái ảng lên đầu, nên khi chôn người ta làm mộ úp lên để làm kỷ niệm.

Cũng theo ông Đạt thì trước khi kể chuyện cho ông Sơn Nam nghe, nhà sư đã kể cho ông Trần Thiêm Trung viết trong bộ địa phương chí đánh máy. Theo đó: “Ông Mạc Thiên Tích vắng mặt nhiều ngày trong chiến trận, Mạc phu nhân chánh thất ghen tuông, cho nhốt bà Dì Tự vào một cái mái xưa úp lại.... Rồi “... bà Dì Tự chán chường kiếp sống, xin Mạc Công đi tu. Ngài chiều ý nên cất ngôi am tự cho bà tu hành. Đến khi bà mất, lại xây cất một ngôi mộ đẹp đẽ dưới ao có hoa sen trắng”.

Sai lầm lớn nhất của tác giả bộ địa phương chí là nói ngôi chùa được cất lại lần thứ ba, do ông Mạc Thiên Tích cất cho bà thứ thiếp là Dì Tự.

Ông Trung cũng đã gửi bản địa phương chí này cho nhà thơ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết, bấy giờ bà Mộng Tuyết ở Sài Gòn.

Khi nhà văn Sơn Nam về Hà Tiên đã phối kiểm với Trần Thiêm Trung rồi viết lại câu chuyện đăng trên báo Nhân Loại, với tiêu đề Hà Tiên đất Phương Thành, trong đó có kể câu chuyện vợ lớn ghen, úp bà vợ nhỏ trong chậu…

Ông Đạt kể tiếp: “Năm đó, Trần Thiêm Trung có gặp tôi và hỏi, em ở Hà Tiên có biết về lịch sử bà Dì Tự không? Rồi bà Mộng Tuyết cũng hỏi tương tự, nhưng tôi trả lời là chưa biết. Bà Mộng Tuyết bảo rồi mai mốt em sẽ hiểu rõ, cô Bảy (tức bà Mộng Tuyết) sẽ dựng lại câu chuyện này.

Như vậy, chính bà Mộng Tuyết là tác giả của câu chuyện Nàng Ái Cơ trong chậu úp.

Sau khi nhà thơ Đông Hồ qua đời, bạn bè thân hữu tổ chức họp mặt kỷ niệm một năm ngày mất của ông. Buổi đó có bà Mộng Tuyết, Kiên Giang Hà Huy Hà, Trương Minh Hiển, nhà văn Sơn Nam và tôi.

Dịp này, soạn giả Kiên Giang đã xin phép bà Mộng Tuyết chuyển thể tiểu thuyết lịch sử Nàng Ái Cơ trong chậu úp thành tuồng cải lương. Từ đó câu chuyện về bà Dì Tự có thêm nhiều tình tiết lâm ly, bi đát qua tuồng cải lương Áo cưới trước cổng chùa của nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà”.

“Từ tiểu thuyết rồi đến cải lương đã làm cho người ta biết lịch sử chùa Phù Dung chỉ qua nghệ thuật hư cấu, dàn dựng theo cảm hứng của các tác giả. Rồi chùa Phù Dung cũng theo đó lập bàn thờ mới, nói là bàn thờ bà Dì Tự.

Điều đáng buồn là những thông tin không xác đáng ấy lại được một số người trong giới học thuật theo hướng đó mà nghiên cứu, tiếp tục quảng bá sự sai lệch”, ông Đạt nói” (Hết trích).

Như vậy rất rõ Mạc Thiên Tích có nhiều vợ và gần chùa có một cái mộ úp như cái ảng cải táng đề chữ bia là Từ Thành Thục nhân, họ Nguyễn, và người lập bia là con trai của bà: “Nam Chú lập thạch” (Con trai tên Chú lập bia), dân gian kêu là bà Dì Tự.

Cái mả này không dính dáng gì tới chùa Phù Dung gần đó, chuyện bà dì Tự đi tu, là sư nữ đầu tiên của chùa là của bà Mộng Tuyết và ông Kiên Giang tưởng tượng ra.

Theo sách “Nghiên cứu Hà Tiên”, xưa người Xiêm gọi núi là “Pù”; người Xiêm, Khmer gọi người Việt là “Youn”.

Như vậy, Pù Youn, mà sau này đọc trại thành Phù Dung, có nghĩa là “vùng núi của người Việt”.

Hà Tiên có rất nhiều chùa Phù Dung hồi đó.

Năm 1846 sau khi khi đuổi quân Xiêm đi, Tổng đốc An Hà là Doãn Uẩn cho cất một ngôi tự ở bắc núi Bình San, trên nền Tao đàn Chiêu Anh Các, ông đặt tên ngôi chùa mới là Phù Anh (ghép từ hai chữ Phù Dung và Chiêu Anh Các).

Đại Nam nhất thống chí chép tên chùa là Phù Cừ vì cái tên “Dung” phạm úy tên của vua Thiệu Trị. (Theo Wiki).

Trích Đại Nam nhất thống chí:

“Chùa Phù Cừ ở chân núi Phù Cừ, xã Mỹ Đức huyện Hà Châu, do Mạc Thiên Tứ lập ra khi trước, năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), nhân dân tỉnh hạt xây sửa lợp ngói, trước sân đào giếng, theo núi dựng nhà…”

Ông Trương Minh Đạt nói người dịch đã dịch sai mấy chữ trong câu “Tích Mạc Thiên Tích cấu tạo”, lẽ ra dịch là “Công trình tạo dựng xưa của Mạc Thiên Tích” (ý nói cái nền cũ của Chiêu Anh Các). Và rất có thể từ câu truyện dịch sai ấy nên mới có chuyện Mạc Thiên Tứ lập chùa.

Nói chung truyền thuyết bà Dì Tự, sư nữ Phù Cừ là xạo hết.

Bên Phật giáo tự “đẻ” ra dòng lý dịch Dì Tự như sau:

“Sư nữ Phù Cừ (1720-1761).

Sư nữ Phù Cừ tục danh Nguyễn Thị Xuân sinh năm Canh Tuất (1720) tại tỉnh Thanh Hóa, con một vị di thần nhà Lê là cụ ông Nguyễn Đình Tú hiệu là Long Thu (Tựu ?) (Nguyễn Nghi Tiên sinh).

Sau cuộc chiến thảm khốc biên cương Ai Lao, do bọn giặc Sa Tốt đến cướp phá, tàn sát dân lành, mẫu thân Thị Xuân bị chung số phận chết thảm. Thế là Thị Xuân và người anh trai tên Nguyễn Đính phải chịu cảnh mồ côi mẹ hiền, còn Nguyễn Nghi tiên sinh phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Lúc bấy giờ Thị Xuân vừa lên 10 tuổi, phải cải trang nam nhi theo cha và người anh trai vào Nam lánh nạn” (Hết trích).

Dòng lý lịch này là bịa đặt trắng trợn.

Và càng dốt hơn khi ngày nay trong chùa Phù Dung người ta tự tạc một cái tượng “tổ sư” nữ ngồi trên bàn thờ.

Tạo ra giai thoại để làm gì?