Thương lắm Cải Lương ơi!

Nguyễn Gia Việt

Coi lại một đoạn phỏng vấn Sầu Nữ Út Bạch Lan hay quá xá hay. Bà Út kể từ hồi xưa, từ khi còn là con Út Lùn hát rong với ông Văn Vĩ tới khi được vô gánh hát làm quân sĩ, làm đào nhì, đào nhứt, ký công tra và có danh là Út Bạch Lan.

“Lan huệ sầu ai lan huệ héo
Lan huệ sầu đời trong héo ngoài tươi”
.

Làng đờn ca tài tử cải lương Nam Kỳ lục tỉnh có hai cô đào, tài tử nổi danh có giọng ca quỷ khốc thần sầu, một bông Huệ trắng và một bông Lan trắng. Đó là “Đệ nhứt nữ danh ca tài tử Nam Kỳ” Bạch Huệ và “Đệ nhứt đào thương” Út Bạch Lan, cả hai cô đều đã khuất bóng. Họ đều là “đệ nhứt”, mà đã là duy nhứt thì làm gì có cái thứ hai nữa.

Nhưng chắc cú một điều là các vị xưa đều có cái riêng hết, ai cũng có đặc điểm riêng, cất tiếng nói một câu, cất lời ca một chữ là bà con biết là ai liền. Cô Bạch Huệ chỉ ca tài tử, không có diễn bên cải lương. Út Bạch Lan có giọng ca thiên phú buồn rười rượi, giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, cách lấy hơi nhẹ nhàng như đang nói chuyện.

Út Lùn được đặt nghệ danh Bạch Lan, đài Pháp Á đặt Bạch Lan để đối chọi với cô Bạch Huệ lúc đó bên đài phát thanh quốc gia, bé Út xin giữ lại tên của mình, vậy là từ đó có Út Bạch Lan.

Út Bạch Lan lên đào chánh ở đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong tuồng cải lương “Khi hoa anh đào nở” đóng cặp kép chánh Thành Được. Út Bạch Lan có vô số biệt danh từ giọng hát tha thiết, u buồn, nên người ta gọi bà là “Sầu nữ”, “Sầu nữ liêu trai”, “Vương nữ sương chiều” vì giọng bà buồn như sợi đồng rung làm người ta phải rơi nước mắt.

“Chim nhạn kêu sương, thương xót thân loan nơi biển Bắc xa vời, mong đợi mỏi mòn phía trời Nam... ”

“Sầu nữ” Út Bạch Lan có giọng ca hơi đồng “quỷ khốc thần sầu” buồn rười rượi, nghe để biết mình còn có thể thổn thức.

Một cuộc đời buồn, một giọng ca buồn

Trong cuộc phỏng vấn chú ý một đoạn nhỏ, Bà Út “than” về cải lương ngày nay, rằng các bạn trẻ lạm dụng ca hơi dài, ca 100 chữ. Bà Út nói “Út không dám nói, nó sợ bị nói bả ca không được hơi dài bả chê”. Bà Út khắng định thời xưa ca hơi dài chỉ áp dụng cho đoạn “hành quyết” lúc xử tử, người “bị” sẽ ráng ngân lên lần chót. Ngày nay thì lạm dụng tràn lan, mà có ai đủ hơi 100 chữ đâu, tới gần 97 chữ là đuối hơi rồi, vậy là “lướt” qua làm khán giả không nghe được gì hết. Rồi Bà Út ngập ngừng kể về ngày nay “ước lệ” bị lạm dụng. Cái gì cũng ước lệ, cảnh phông màn, diễn ước lệ. Hậu quả khán giả vừa coi vừa căng đầu ra đoán nhức đầu. Coi clip xong ngẫm ngợi, thấy lòng tan nát. Cải lương ơi! còn đâu của ngày xưa!

“Hoa lan xác bướm mảnh tơ lòng
Đành vùi chôn
Kiếp bướm hoa lỡ làng rồi
Nhưng còn một vật đổi trao nhau
Càng thấy càng thêm nỗi khổ đau”
.

Hồi đó coi cải lương ai cũng hiểu, văn chương hay, mượt mà, cảnh màn đều dễ hiểu, khán giả coi là hiểu thầy tuồng muốn nói gì. Bên kịch cũng vậy, kịch kiểu Kim Cương là kịch Nam thiệt dễ hiểu. Khán giả nhìn bà Bảy Nam, nhìn cô Kim Cương khóc cái ào, cười thì cái rần.

Nhưng từ sau 1975, khi vào “chỉ đạo”, mọi thứ ước lệ tràng giang đại hải, khán giả vừa coi vừa vận dụng 12 phần công lực... đoán hiểu, như cuộc thi đố em vậy, nhức đầu, tụt hứng.

Người ta lấy năm 1918 khi thầy Năm Tú trương biển hiệu “Ban hát cải lương Châu Văn Tú”ở Mỹ Tho là năm khai sanh cải lương.

Cải lương ra đời và phát triển rực rỡ một thời

Theo cách nói của học giả Vương Hồng Sển trong “Hồi ký 50 năm mê hát”, cải lương là cách con người Nam Kỳ chôn giấu niềm yêu nước trong những năm tháng thuộc địa, nhưng cũng đồng thời là cách để thỏa hiệp và tìm niềm vui trong xã hội mới. Nhà giàu Nam Kỳ bỏ tiền của đầu tư, dân Nam Kỳ nuôi đào kép, đẩy cải lương lên tột đỉnh. Cải lương ra Bắc, dân Bắc Kỳ mê cải lương hơn chèo.

Đến những năm 1960 thì cải lương phát triển rực rỡ ở thời VNCH. Cũng có lúc bị phim chưởng Hong Kong lấn áp, nhưng cải lương vẫn sống khỏe và đi lên.

Cải lương là ngành công nghiệp giải trí bạc tỉ của Nam Kỳ

Thời kỳ này là thời kỳ hoàng kim thứ nhứt với các thầy tuồng Nguyễn Trọng Quyền, Trương Duy Toản là những Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở (Năm Nở), Huỳnh Thủ Trung (Tư Chơi), Duy Lân.

Cùng các đào kép: Tự Sạn Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nam, Sáu Ngọc Sương, Ba Hui, Năm Kim Thoa, Tư Thanh Tùng, Tư Hélène, Ba Thanh Loan, Sáu Nết, Năm Châu, Tám Danh, Bảy Nhiêu, Ba Du...

Thời kỳ hoàng kim thứ 2 là từ 1950 tới 1960.

Thời kỳ thứ 3 là sau 1975, những năm 1980 tới 1995.

Những năm 1960 thì lúc đó chiến tranh, phim chưởng Tàu nở rộ, cải lương cũng xấc bấc xang bang một phen, những cái ‘hồn’ của cải lương phải nói lúc đó là tuyệt đỉnh với thầy tuồng Hà Triều-Hoa Phượng, Viễn Châu, Thu An... và đào kép cái lứa mới cũng tuyệt đỉnh về ca ngâm.

Người ta có cái riêng và tạo ra trường phái giọng ca hết

Út Bạch Lan giọng thổ pha đồng cũng duy nhứt.

Ngọc Hương thì giọng mùi buồn cũng không có thứ hai.

Thanh Nga hơi thấp, buồn, nũng nịu không có giọng thứ 2 thay thế, Thanh Nga lại đẹp.

Bạch Tuyết thì giọng điệu điệu, ẻo ẻo, càng già càng thiu nhớt.

Kép thì đẹp và mùi như Thành Được, đẹp trai hùng như Hùng Cường, manly như Thanh Tú, mượt mà như Thanh Sang...

Có những trường phái như Mỹ Châu, giọng cô này u trầm hơn mức bình thường, buồn man mác, liêu trai tức có chút... giọng con trai. Có một dây riêng cho cô đào này hát, mà sau này chỉ có Thoại Miêu là hát tròn.

Lệ Thủy hát giọng ré, trong, trường phái của Thanh Hương. Nhưng nên nhớ Lệ Thủy chỉ nổi tiếng tột đỉnh là sau 1975, thời kỳ hoàng kim thứ 3, cùng với Ngọc Giàu, Minh Vương.

Phượng Liên có giọng chuông thanh rất lạ, nhưng cô này cũng chỉ vụt lên sau khi qua hải ngoại, giọng Phượng Liên càng già mới càng tột đỉnh, nhứt là ngân và nhả hơi kiểu è è hướt hướt phê hết biết.

Ngọc Giàu thì giọng buồn kiểu Huế.

Hát cải lương hay mà tân nhạc hay thì Hùng Cường, Hương Lan, Ngọc Đan Thanh.

Và bây giờ cải lương bị trùm mền

Theo cách nói của Vương Hồng cải lương là cách con người Nam chôn giấu niềm yêu nước trong những năm tháng thuộc địa. Cải lương lột tả con người Miền Nam trong tinh thần lập xứ của lưu dân.

“Ngoài xa trơ một đống đất đỏ
Hang hốc đùn lên đám cỏ gà
Người nằm dưới mả, ai ai đó?
Biết có quê đây hay vùng xa?”

Ông bà ta trực tiếp đổ máu tươi, bỏ mạng để khai phá, xây dựng bảo vệ mảnh đất Phương Nam này, rồi để lại đất đai nhà cửa ruộng vườn cho con cháu thì ta mang ơn họ.

Tinh thần không phân biệt đảng phái của người có trí thức

Chánh trị của người Quốc Gia xưa nay không phân biệt đảng phái trong cai trị, ai cũng như ai, tất cả là tổ quốc và dân tộc cùng nhân dân. Việc nước là việc chung của quốc dân, không ai có quyền là của hương hỏa riêng của đảng phái nào.

Nam Kỳ là tất cả những danh nhân như Đông Sơn Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Trương Công Định, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Huỳnh Phú Sổ, Hồ Văn Ngà… chứ không riêng chỉ có những “chiến sĩ cách mạng”, những anh cán bộ cộng sản nằm vùng.

Cải lương đã “bị”ép, bị lợi dụng mang trong nó hình ảnh chánh trị đảng phái quá thô bạo, thậm chí trước 1975, cải lương sau 1954 đã sớm bị người cộng sản lợi dụng. Vụ “Lấp sông Gianh”.

Đêm 19-12-1955, tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Sài Gòn, đoàn ca kịch Kim Thoa ra mắt tuồng cải lương “Lấp sông Gianh” của soạn giả Kinh Luân. Kim Thoa là gánh hát mới lập của cô đào Kim Thoa, Kim Thoa là vợ ông Tư Chơi người chồng đầu tiên của bà Phùng Há. Lấp sông Gianh có cốt truyện vào thời chúa Nguyễn Phước Chu với sông Gianh làm biên giới Nam Bắc.

Có một chàng trai Bắc yêu cô gái Nam, sau đó chàng vô Đàng Trong kêu gọi “đồng bào” quân lính bờ Nam đoàn kết với Đàng Ngoài thống nhứt xóa bỏ hận thù bằng cách khiêng đất… lấp sông Gianh để thống nhứt hai miền.

“Lấy tình thương xóa hận thù
Chim có tổ, người có tông
Thống Nhứt có lấp sông Gianh là tông tổ!”

Cuối tuồng, khi tuồng diễn màn lấp sông Gianh. Khi các diễn viên bằng động tác tượng trưng ùa ra giữa sân khấu nhảy múa làm động tác gánh đất lấp sông thì đèn chợt tắt tối thui, một trái lựu đạn quăng lên sân khấu nổ cái đùng.

Đó là đêm diễn đầu tiên của tuồng hát, đêm 19/ 12/1955. Ngày 19/12 tại Bắc Việt lại là ngày “Toàn quốc kháng chiến”.

Từ khi nào, cải lương lại là “thông điệp” chánh trị của riêng một đảng phái?

Sau 1975 thì các đoàn cải lương hoặc bị quốc hữu hóa thành đoàn quốc doanh, hoặc sẽ là đoàn “tập thể”. Lúc này những thầy tuồng, bà bầu, đào kép cải lương của Nam Kỳ cũ không có quyền. Có ba hệ thống tác động cải lương sau 1975.

  • Từ Bắc tập kết về.
  • Từ rừng ra.
  • Và tại chỗ tức người cũ.

Người cũ chỉ còn cái hào quang cũ và không có quyền nên tuồng tích bắt đầu bá láp, câu văn câu chữ “bình dân học vụ”, ”bổ túc văn hóa” dần dần. Tuy nhiên lúc này chánh quyền nhận ra cái “kênh tuyên truyền đại chúng” cải lương nên dùng cải lương làm tuyên giáo, thành ra lập gánh cải lương rất nhiều, các tỉnh Miền Tây và Miền Đông tỉnh nào cũng có đoàn cải lương.

Cải lương còn một giai đoạn 3, có thể gọi là “hồi quang phản chiếu” là những năm 90 vút lên rồi tắt lịm dần.

Vào 15 năm trở về đây cải lương bắt đầu xuống dốc, không còn ai coi nữa

Như đã nói ở trên cải lương sau 1975 gánh tuyên giáo, gánh chánh trị nhiều quá nên làm dân ngán, chán và... sợ.

Sau 1975 tuồng tích bắt đầu “bình dân học vụ”, “bổ túc văn hóa”, nịnh xám hồn. Cải lương phần đông có đề tài “chiến sĩ cách mạng”, “đấu tranh”, “đánh Mỹ”, “phá đồn Ngụy”, “diệt ác ôn” làm dân xa rời từ từ.

Có ai ngờ tuồng”Thái hậu Dương Vân Nga” là tuồng tuyên giáo?

Cái nữa là trình độ soạn giả, thầy tuồng toàn dân trong rừng chăn trâu đi ra, dân Bắc đi vô nên viết câu văn nhai không trôi, thành ra cải lương dở từ từ. Những đào kép xưa tuy hát hay đó, nhưng cứ quấn khăn rằn, đả đảo riết làm dân Nam Kỳ cũng ngán, thành ra dân không thèm coi cải lương nữa.

Rồi cách hát cải lương sau 1975 cũng khác, hát toàn những điệu dễ, hát gân cổ rống lên kiểu 100 chữ như mắc kinh phong, rồi chọn đào kép kiểu đại trà, luyện giọng kiểu Bắc Kỳ, thành ra sau này không tìm ra đào kép nào có cái riêng.

Một giọng ca hay trong cải lương là tự nhiên phát ra cái hay rồi từ từ rèn dũa hát cho trúng nhịp. Không phải hát hay là vô trường học luyện giọng và luyện... giọng cho giọng nào cũng na ná như nhau. Hát vậy mấy con hát đám ma hát hay hơn đào kép. Một trong những nguyên nhân suy tàn cải lương là không có giọng riêng. Ngày nay kêu các bạn trẻ đi coi cải lương hơi bị khó.

Còn nhiều nguyên nhân cải lương đi xuống, nhưng chính yếu tố chánh trị là nguyên nhân chánh làm cải lương muốn banh ta lông.

Về âm nhạc, cải lương sử dụng nguồn âm nhạc và ngôn ngữ thuần túy Nam Kỳ, nhẹ nhàng, nhởn nhơ, mùi mẫn và thong thả.

Nói như bà Út, sao lạm dụng hơi dài 100 chữ chi mà rống lên? Hát hay không phải là khoe hơi, khán giả không có ngồi nhìn anh chị khoe hơi.

Hoàng Như Mai, một học giả nhà nước có tiếng, bình luận trong bài viết “Sân khấu các tỉnh phía Nam trong mười năm qua”:

“Trong các vở cải lương, khán giả chỉ muốn nghe phần hát, vọng cổ. Nhiều nghệ sĩ phô trương độ dài của hơi thở bằng cách hát hàng trăm từ trong một hơi, nhưng không thể hiện được nội dung gì. Hành vi, cử chỉ của người diễn thường sáo rỗng hoặc theo thói quen, họ thậm chí còn không cố gắng thể hiện cảm xúc nhân vật hay bối cảnh thực tế.

Mặt khác, họ trưng bày sự xa hoa sặc sỡ của các bộ quần áo mới của đoàn hát, họ phô trương vẻ trẻ đẹp của dàn diễn viên, nhưng khi diễn thì không làm gì hơn là để lộ vài phần cơ thể để chọc cười rẻ tiền […]”

Những danh hiệu như “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân” không phải là con át chủ bài lôi khán giả Miền Nam tới rạp.

Nhớ “Sân Khấu Về Khuya” của soạn giả Nguyễn Thành Châu khi kép Lĩnh Nam vừa buông câu mắng “Mợ còn ngu lắm!” thì Giáng Hương đã lập tức sừng cồ lại “Vậy thì cậu hãy thừa dịp ấy mà khôn lên đi!”

Muốn bảo tồn và xiển dương cải lương thì:

  1. Tìm giọng ca lạ trong xã hội, rồi bốc các em vô trường rèn dũa, bao các em ăn học, dạy các em từ trường. Tốt nhứt mở trường vừa học văn hóa vừa rèn cải lương.

  2. Đào tạo thầy tuồng giỏi, văn hay, chữ tốt, có tinh thần quốc gia.
    • Viết đề tài mà mọi người đang quan tâm, đang thích.
    • Có chánh sách hỗ trợ mức sống thầy tuồng, ăn chỉ lo viết.

  3. Không quan niệm chánh quyền sẽ lo từ A tới Z. Cho đoàn cải lương đi diễn, nhưng không đặt nặng doanh thâu, đoàn nào doanh thâu cao thì cho nó ra riêng.
    • Diễn cho có kinh nghiệm.
    • Diễn trong những dịp đãi khách ngoại quốc, diễn trong những hội chợ lớn.
    • Diễn trong trường học, diễn trong doanh trại quân đội, trong các công ty lớn nhiều công nhân.
    • Có thể xài trích đoạn hay.
    • Mục đích lôi kéo và khuyếch trương, làm dân không quên cải lương.

  4. Đừng bao giờ cho chánh trị xen vô nội dung cải lương. Bỏ bớt những cái vô lý trong cải lương mà ngày nay bị nhận ra, thí dụ cố ca dài hơi, ca 100 chữ.

  5. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vô cải lương.

  6. Một vấn đề lớn trong quản lý.
    • Đừng bao giờ có “chi bộ đảng”, “ban lý luận” trong đoàn cải lương.
    • Chỉ lập chừng ba đoàn và thay nhau diễn từ Nam tới Bắc.

Nói thiệt, những cái trên, có lẽ trong xã hội giờ... không làm được.

Muốn cải lương sống và tồn tại mạnh thì phải là người có tâm, có tình yêu cải lương mãnh liệt và sự hà hơi sau lưng của chánh quyền không vụ lợi, sẽ làm được.

Nghệ thuật cải lương là dân Miền Nam, là của công chúng. Vậy mà từ lâu công chúng Miền Nam không có quyền gì.

Không có tự do sáng tác, trình độ thầy tuồng be bét nên không có tuồng hay. Nhìn qua ngó lại không có thầy tuồng nào ra hồn, toàn là nửa người nửa ngợm.

Cải lương tiêu diêu!