Xã Lới (Gò Công)

Lục lạo trong văn hóa Nam Kỳ thấy có nhiều từ đọc trại đi do kị húy, có nhiều từ là dân đọc.... cho vui, cho khác với vùng khác.

Thí dụ:

Bắc Kỳ kêu hạt, Nam Kỳ thay thay hột.

Bắc Kỳ đĩa, Nam Kỳ dĩa.

Nhặt thành lượm, thóc thành lúa, nhạt thành lạt, nhợt nhạt thay thành lợt lạt.

Bắc gửi thì Nam thành gởi, Bắc thư thì Nam thành thơ.

Chữ Đàm không kị húy ai, nhưng vô Nam thành Đờm.

Tùng vô Nam thành Tòng.

Quế cũng không kị ai nhưng vô Nam thành Qưới, quý nhân thành quới nhơn, Nguyệt Quế thành Nguyệt Quới.

“Đảm đang” thành “đởm đương” là kị húy, đan đệm thành đương đệm.

Vì vua Minh Mạng tên thực là Nguyễn Phúc Đảm, mẹ vua là bà Trần Thị Đang.

Hòa thành Huề là không kị húy, nhưng Tây Hòa sẽ thành Tây Huề, đề huề.

An thành Yên.

Thí dụ vua Minh Mạng đặt tên Gia Định là Phiên An, nhưng dân Nam Kỳ đọc thành Phan Yên (tức thành Gia Định), Lê Văn Khôi làm binh biến thành Phan Yên.

“Ông ấy phứt núi rồi” (khuất núi).

“Ở góa” thành ra “ở giá”, đàn bà góa thành đờn bà giá.

Rồi “ngắn” đọc thành “vắn”.

Thí dụ quần ngắn thành quần vắn, thành ngữ “Bàn tay có ngón ngắn ngón dài” vô Nam thành “Bàn tay có ngón vắn ngón dài”.

Mới đọc đoạn văn Hồ Biểu Chánh sau:

“... Cháu ngó thoáng qua, thì thấy người ấy da mặt sần sượng nám đen, đầu tóc cụt cụt xắp xải, áo đơm nút khít đeo, quần vắn nửa ống cẳng, tay mang một cái nón lá, cổ vấn một cái khăn rằn”.

Khuất thành Phứt là một dạng biến âm Nam Kỳ.

Khuất núi là chết, Nam Kỳ đọc thành phứt núi.

Rồi ‘phứt’ là trạng từ chỉ sự dứt khoát.

Thí dụ:

- Mày có gì thì nói phứt ra cho rồi

- Đâu em nói phứt nghe thử coi

“Bà tính phận nó đã xong, còn phận mầy bà tính như vậy cũng là hay lắm. Hương giáo Cân có mười mấy mẫu đất, mà có một đứa con gái mà thôi.

Bà muốn đứng làm mai cưới nó cho mầy, tao không hiểu tại sao mầy dục dặc không chịu phứt đi cho rồi. Mầy cưới con Hương giáo, ngày sau mầy nhờ lắm chớ. Sao mầy chê?”

Tui đó các bạn trong văn hóa Nam Kỳ chữ ‘lới’ có nghĩa gì nè?

Trong Hán văn chữ 伎巧 (kỹ xảo) và 手段 (thủ đoạn) có nghĩa là chiêu trò, mánh khóe.

Mánh khóe là chữ thuần Việt.

Nhưng Nam Kỳ đọc là “Mánh lới”.

Mánh lới là từ có dính líu tới những bạn ghe chèo, bạn hàng bán buôn bằng ghe đường sông thời xưa.

Ai cũng biết xưa Nam Kỳ là văn minh sông nước, kinh rạch, sông ngòi.

Thương lái là người bán buôn đường sông:

“Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm.
Bờ bụi tối tăm, anh quơ nhằm cái tộ bể
Cưới vợ có chửa về thổi lửa queo râu”

Bán buôn thì phải có thủ đoạn, có những cách ăn gian nói trớ mới bán buôn được.

Đó là mánh khóe bán buôn mà xưa kêu là “mánh lái”.

Lâu ngày thành mánh lới.

Nhiều người đặt tên con là “Lới”.

Nhưng đâu đó ta thấy không ai kêu “Lới buôn”, “Lới ghe”, “Lới xe”.

Nhưng “Mánh lới” cũng có nghĩa là người đó đang lái câu chuyện đi xa kiểu lòng vòng.

Thành ra chữ lới cũng không giải thích rõ ràng được.