Xứ sở của mình


Chúng tôi sanh ra và lớn lên ở xứ Nam Kỳ sau những ngày 30/4, thuộc thế hệ sau 1975.

Đất Nam Kỳ là đất rất kỳ lạ, mới nhưng quan trọng. Tất cả mọi khuynh hướng chánh trị cận đại đều phải vô đất Nam Kỳ làm “kinh tài”.

Tôn Trung Sơn từng lê lết qua Chợ Lớn, Mỹ Tho để tìm đường kiến tạo ra dân quốc Tàu. Các phong trào của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng gầy dựng gốc rể ở Nam Kỳ phần nhiều. Và cả hai cha con ông Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành cũng mang thân tha phương cầu thực vô Nam đấy thôi.

Nam Kỳ quan trọng đến độ năm 1945 HCM sai Nguyễn Bình vô Nam tìm cách giết sạch các đảng phái người Nam. Nhưng rốt cuộc CS không thể chiếm Nam Kỳ, vẫn còn cái nền để tạo ra VNCH sau này, và sau rốt vẫn có ngày 30/4 định mệnh.

Tuy nhiên 30/4 đó vẫn chưa hết, có 30 thì sẽ có ngày tháng sau, có đến thì có đi, có vô thì có ra.

Nam Kỳ có những Đông Sơn Đỗ Thành Nhơn, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Trung Trực, Trần Văn Thành, Trương Công Định, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Huỳnh Phú Sổ, Hồ Văn Ngà… không thua ai hết.

Chúng ta hiểu rằng đất Nam mới, nhưng không tự dưng trên trời rớt xuống cái chủm mà có, chẳng ai lót ổ sẳn mời ăn, mời đẻ đâu.

Phải giành, phải giựt, phải đấu tranh, khai phá và bảo vệ nó.

Phải tay cày tay búa.

Trong Trời Đất này minh mông lắm, để giành được một miếng đất như Nam Kỳ không phải dễ dàng gì. Cha ông chúng ta – những lưu dân nghèo đói rách nát hai tay không từ Đàng Trong đi theo đường núi, đường biển men theo cái bờ biển mà vô Nam kiếm đường sanh tồn để sống,

Cha ông chúng ta chỉ có cái phảng cỏ và cái túi vải trên lưng phải chống trả với hùm beo cọp dữ, cá sấu hung tợn, muỗi đĩa vắt dày đặc như bánh canh, rắn rít lềnh khềnh quanh xóm làng.

Phải ngâm mình xuống nước ao tù mà phảng cỏ vun đất thành ruộng, thành vườn. Việc này kéo dài hàng trăm năm với bao thế hệ. Xin hãy đọc Sơn Nam và Bình-nguyên Lộc sẽ biết rõ cái cảnh này.

Đất Nam Kỳ thực tế vô chủ, nhưng lý thuyết thuộc Chân Lạp, có người Miên bổn địa. Muốn vô Nam thì phải đi qua địa giới nước Chàm. Các chúa Nguyễn đã rất khổ cực để nối liền một dãy từ Linh Giang tới Cà Mau, Hà Tiên như ngày nay. Từ võ lực tới nhơn văn, hôn nhơn đồng hóa, xã hội biến đổi từ từ.

Phải bảo hộ Chân Lạp đánh Xiêm, phải rải quân dọc biên giới, phải chống trả cướp biển, chống trả người Xiêm hung tợn cũng giành đất Nam Kỳ, rồi Tây Sơn cũng coi Nam Kỳ là miếng mồi cướp bóc.

Bao máu xương, bao thây người Việt chồng chất trên đất Nam này.

“Đống xương vô định sương phau trắng
Vũng máu phi thường cỏ nhuộm thâm
Gió trốt dật dờ nơi chiến luỹ
Đèn trời leo lét dặm u lâm”
(Bùi Hữu Nghĩa)

Trên thế giới ngày xưa, chuyện tìm đất mở rộng lãnh thổ và lập quốc là chuyện thường. Dân tộc nào khôn thì còn tồn tại, ai yếu diệt vong.

Việt tộc chúng ta đã bị Hán Võ Đế nuốt mất Lưỡng Quảng thời Triệu. Người Anh chiếm đất thổ dân lập ra nước Mỹ, Úc và Tân Tây Lan. Người Bồ và Tây Ban Nha chia nhau vùng Caribe và Nam Mỹ để lập quốc và di dân. Người Tàu cũng chiếm đảo Hạ Châu để lập ra Singapore. Người Thái cũng xẻo đất của đế quốc Khmer Angkor mà lập ra nước Xiêm La…

Một chuyện vui vui, năm 1822 những nô lệ da đen ở Hoa Kỳ được tự do, gom tiền về Tây Phi mua đất lập quốc. Cộng hòa Liberia là “xứ tự do” đã ra đời như vậy, từ đất mua rồi lấn đất, chiếm đất từ từ mà có hình dạng Liberia như ngày nay.

Tổ tiên tay không nhưng để lại cho cháu con miếng đất để dung thân. Đất Nam Kỳ nuôi dưỡng bao cái miệng của người Nam và cả ngoài Bắc.

Con cháu có học là con cháu không bắt lỗi, hoạch họe, quay mặt lại chửi tổ tiên, phủ nhận, đạp đổ sạch trơn ơn của tổ tiên.

Tổ tiên hy sinh thân mình vì cháu con, cho cháu con ăn học thì cháu con có điều kiện hơn không thể nào quay qua chê tổ tiên ngu dốt.

“Ân Tổ Tiên phụng thờ kính ngưỡng
Ơn Mẹ Cha nuôi dưỡng chắt chiu
Trăm cay ngàn đắng đủ điều
Mồ hôi nước mắt sớm chiều nắng sương
Ân Tổ Tiên khai đường mở lối
Ơn Mẹ Cha bao nỗi nhọc nhằn
Uống cay nuốt đắng khó khăn
Không màng gian khổ ngày hằng liệu lo”

Đã nhận, đã sống trên miếng đất của tiền nhơn để lại mà quay qua phủi sạch trơn là thứ mất dạy, vô xuồng cuốc xuổng, thứ Trời đánh.

Nhưng than ôi! Bản chất người Nam vốn dễ dãi, thành ra có những kẻ “đàn con nay lớn khôn mang gươm đao về xóm làng”, suốt đời “đạp bàn thờ ông bà” từ đời cha tới đời con, những thứ rước sói vô nhà vẫn phảng phất đâu đây.

Thôi, nói nữa thêm buồn.

Chúng ta tự hào về xứ sở Nam Kỳ của chúng ta, chúng ta trọng cái ân tổ tiên của người đi trước.

Những hình bóng chỉ còn trong những góc rong rêu bia mộ cũ, góc đình xưa nhưng nó sẽ sống mãi nếu con cháu có tâm, vẫn nghĩ về cái chung của xứ sở mà ông bà xưa đã tốn máu xương để lại.

Chánh trị là quyền lợi.

Quyền lợi là chánh trị.

Mọi thứ đang diễn ra cũng từ quyền lợi mà tính.

Nếu không ý thức thì suốt đời cháu chắt vẫn là nô lệ.

Sống làm sao cho xứng đáng, để mà khi nhắm mắt gặp lại tổ tiên chúng ta còn có thể cao đầu.