Từ Ba Son đến Cao Thắng

Nguyễn Hoạt

Sau cuộc cách mạng kỹ thuật, các cường quốc Âu Châu tranh nhau đi tìm thuộc địa có thị trường tiêu thụ và nguyên liệu. Trước tiên là Tây ban nha, Bồ đào Nha, Hoà Lan, rồi đến Anh, Pháp. Về châu Á, hai nước này nhắm thị trường béo bở Trung hoa, đất rộng, dân đông nhưng triều đình hèn yếu, hủ lậu, tự mãn cho là trung tâm văn minh và không am hiểu tình hình của thế giới.

Các cường quốc dùng các tàu chiến có khả năng vượt biển đến thăm dò các nước nhược tiểu, theo sau các giáo sĩ, nhà ngoại giao rồi đến lượt bộ thuộc địa và bộ hải quân.

Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh Nha phiến (1839 - 1842), năm 1843 Chính phủ Pháp chỉ thị cho viên Đặc mệnh toàn quyền đang hoạt động tại Trung Quốc phải tìm cho được một vị trí thuận tiện để thiết lập một căn cứ hải quân, làm điểm tựa cho lực lượng hải quân và thương thuyền Pháp tại Viễn Đông với những tiêu chuẩn: Phải gần với đế quốc Trung Hoa; có cảng rộng để tàu tránh những cơn báo dữ dội thường có ở vùng Đông Nam Á; ở một vị trí phòng thủ trước sự tấn công của địch; có khí hậu tốt để binh lính, thủy thủ dưỡng sức sau hành trỉnh đi biển; có nguồn nước ngọt đồi dào để cung cấp cho nhu cầu của hạm đội. Có nhiều vị trí có điều kiện như trên ở Viễn Đông song phần lớn đã bị các nước thực dân Âu châu chiếm đóng, lúc này chỉ còn Việt Nam có khả năng có đủ các điều kiện trên mà các thực dân khác cũng đang dòm ngó.

Pháp hạ Đại Đồn Chí Hòa, chiếm Sài Gòn.

Mặc dù tình hình chưa ổn định, sau khi chiếm bắt đầu chiếm xứ Nam kỳ, thực dân Pháp đã quyết định thành lập hải cảng Sài Gòn từ năm 1860. Vị trí của cảng được xác định: nằm trên sông Sài Gòn. Ăn sâu 80 km vào đất liền, sông Sài Gòn vào năm 1628 là một điểm chính về thương mại, có thể thông thương với tất cả các vùng phía Nam với 2.000 km luồng lạch chảy qua tất cả các đồng bằng lớn. Về quân sự đây có thể là bàn đạp tấn công xuống cả vùng Đông Nam Á. Cảng Sài Gòn từ những ngày đầu dài 4km, tập trung bên phải của sông giới hạn thượng lưu là quân cảng có một bến đậu dài và một ụ để sửa chữa tàu là thương cảng. Đoạn này có Kinh Tàu Hủ (Arroyo Chinois) nối liền Sài Gòn với Chợ Lớn, một trung tâm kinh tế, và lúc bấy giờ, con kinh này là đường giao thông chính về hàng hóa nối liền hai trung tâm Sài Gòn - Chợ Lớn.

Cảng Sài Gòn là cảng thiên nhiên kín đáo ở trong sông nên tránh được những cơn bão thường xuyên ở Viễn Đông, Cảng nằm trong thành phố nên mọi sự vận chuyển hàng đều thuận lợi và ít tốn kém. Lòng sông rộng và sâu (trung bình 300m chiều rộng và từ 9 đến 12m sâu) tàu lớn 180m x 9m tránh nhau dễ dàng. Cảng được khai mạc năm 1860.

Năm 1862, dự án đô thị hoá Sài gòn của Coffyn được phê duyệt bao gồm cả vùng Chợ Lớn.

Ngày 25/8/1862, quy chế của thương cảng được ban hành. “Tất cả tàu biển, trừ tàu Pháp và Y Pha Nho, đều phải nộp thuế bỏ neo, tính 50 xu trên 1 tonneau hàng”. Sài Gòn được mở cửa, tàu bè các nước ra vào buôn bán, thương vụ mỗi ngày một tăng. Từ những thuận lợi trên đây, Sài Gòn dần dần trở thành một thương cảng quan trọng trên hải trình châu Âu - Viễn Đông.

Ngày 28/4/1863, Chính Phủ Pháp quyết định việc xây dựng một xưởng đóng và sửa chửa tàu đặt tên là Arsenal de Saigon theo dự án thiết kế của kỹ sư Antoine được ban hành, xưởng này trực thuộc Bộ Hải quân Pháp. Xưởng có mục đích sửa chữa các tàu dùng vào việc bảo vệ thuộc địa những tàu thuyền hoạt động trên vùng biển Thái Bình Dương, chủ yếu là Biển Đông. Thống đốc Nam kỳ De La Grandière đã chỉ định cho kỹ sư Antoine thực hiện chương trình xây dựng các công xưởng kéo dài đến năm 1899 mới hoàn tất.


Toàn cảnh công xưởng Arsenal. Nguồn: (https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/49951848901).

Arsenal đã trở thành một xưởng đóng tàu lớn, một công xưởng hiện đại của Hải quân Pháp tại vùng Viễn Đông, vừa đảm bảo được nhiệm vụ sửa chữa và đóng mới các tàu thuyền cho hạm đội hải quân và lược lượng hàng hải thương thuyền Pháp, vừa phục vụ được cho các hoạt động của nền kỹ nghệ tư nhân và của chính quyền thuôc địa mà lúc này đang được Pháp cho phát triển, đồng thời cũng giữ vai trò là một căn cứ hải quân chiến lược của Pháp tại vùng Viễn Đông phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Dân chúng thường gọi xưởng này là Ba son.

Trong sách “Sài Gòn năm xưa”, Vương Hồng Sến giải thích tên gọi Ba Son như sau:

“Ngang Thủ Thiêm bên này bờ sông là cơ xưởng Thủy quân, trước kia quen gọi với danh từ “Ba Son”. Nguồn gốc hai chữ “Ba Son” cũng ở trong vòng định chứng. Một thuyết cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Mare aux poissons” gọi tắt lại. Trước kia, giữa Arsenal (có từ năm 1864, là nhà của viên giám đốc sở Ba Son, góc đường Cường Để - Nguyễn Du. Dinh này xây từ năm 1877) có một con kinh đào tay, nhỏ, nhưng rất nhiều cá tôm, thuở ấy người Pháp thích đi câu cá ở đây, về sau xẻo nhỏ lấp đi nhưng danh vẫn còn. Theo thuyết khác lại đổ thừa hồi xưa đã có một anh thợ nguội tên “Son” thứ ba, vô làm sở này, rồi lấy đó đặt tên, thuyết này vô căn cứ. Thuyết thứ ba cho rằng “Ba Son” do danh từ Pháp “Bassin de radoub” mà có. “Bassin” = Ba Son. Theo quyển “Promenades dans Saigon” của Hilda Arnold ghi rằng buổi đầu người Pháp đã xuất ra trên 7 triệu quan thời ấy để lấp đất và xây cái “tàu” Bassin de radoub này để có thể sửa chữa các thứ tàu chiến, tàu buôn tại đây khỏi đem về Pháp. Thời ấy, cuộc chuyển vận đều do đường thủy nên cái bassin de radoub giúp họ nắm vận mạng xứ này trong tay”.

Trong dự án đưa ra trình Bộ Hải quân Pháp tháng 4 năm 1863, kỹ sư Antoine dự trù một cơ số công nhân khoảng từ 500 - 600 người để bảo đảm trong thời bình đủ lực lượng để sản xuất, sửa chữa thường xuyên, đồng thời khi cần có thể tập trung công nhân để giải quyết các hư hỏng của tàu thuyền để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến. Số thợ chuyên môn này nhà cầm quyền phải đưa từ chính quốc sang, một số khác thuê mướn số thợ người Trung Quốc từ các căn cứ Ma Cao, Hương Cảng, Thượng Hải và ở các nơi khác như Singapour, Batavia.


Cổng xưởng Arsenal. Nguồn: (https://www.ebay.com/itm/185589513979).

Khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, theo Niên giám Nam Kỳ 1910, Arsenal (Ba Son) là một cơ sở quan trọng nhất của thuộc địa Nam Kỳ. Với trang bị hoàn hảo, hiện đại, Arsenal Sài Gòn có thể chế tạo những công trình hàng hải hoàn bị cũng như những sửa chữa tinh tế nhất. Arsenal Sài Gòn có thể chế tạo tất cả các bộ phận của tàu phóng lôi với giá tiền thấp hơn và trong thời gian ngắn hơn, so với các xưởng chế tạo ở chính quốc. Xưởng có 2.000 thợ An Nam và người Hoa, dưới sự giám sát của một đốc công người Pháp.

Việc tuyển thợ An Nam vào làm việc trong Công xưởng hải quân Sài Gòn thời kỳ đầu rất khó khăn do thợ sửa chữa tàu của ngườiViệt lúc đó mới chỉ biết một số nghề như: mộc, rèn, sơn... Trước tình trạng đó, chính quyền Pháp với mục đích kinh tế đã tìm cách đào tạo và truyền đạt các nghề nghiệp mới cho công nhân An Nam để dùng họ thay thế cho những thợ nước ngoài như Pháp và Trung Quốc. Lúc đầu do chỉ có thợ người Việt trong công xưởng làm những công việc đơn giản. Sau thời gian làm việc, những người có khả năng kỹ thuật được chọn ra để dạy nghề theo lối vừa làm vừa học, từ dễ đến khó, từ những ngành nghề đơn giản đến những ngành nghề phức tạp đòi hỏi có kiến thức khoa học.

Có nhiều cách để đào tạo thợ như: chủ xưởng tuyển mộ, cho học bổ túc những kỹ thuật mới thường dùng trong kỹ thuật đóng và sửa tàu. Sau đó, người thợ chính thức làm việc và dạy nghề cho thế hệ mới. Hoặc chính quyền Pháp tuyển chọn con em sĩ quan, viên chức Pháp và nhân viên người Việt Nam làm ở xưởng đưa đi Pháp học nghề.

Đầu thế kỷ XX, khi công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp được đẩy mạnh và để giúp cho các công xưởng Hải Quân của Pháp ở các nơi tránh khỏi nạn thiếu nhân viên kỹ thuật và thợ chuyên môn, nhà cầm quyền Pháp cho mở trường đào tạo lính thủy, trường đào tạo thợ máy người bản xứ mang tên École des mécaniciens Asiatiques de Sai Gon (trường Bá Nghệ, trường kỹ thuặt Cao Thắng hiện nay)

Đại tá hải quân Emmanuel - Marius Rosel là người sáng lập và là Hiệu Trưởng đầu tiên trường kỹ thuật Cao Thắng. Ông sinh ra ở cảng Toulon ngày 31 tháng 1 năm 1866. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư công nghệ trường École Nationale des Arts et Métiers, ông tình nguyện vào cơ khí Hải Quân Pháp.

Sau đó ông tham dự chiến dịch Bắc Kỳ dưới lệnh của Đô Đốc Courbet. Ngày 8/8/1911, ông được phong làm Cơ Khí Trưởng, rồi làm Thanh Tra Cơ Khí năm 1921. Ông giải ngũ năm 1924 với chức Kỹ Sư Cơ Khí Trưởng - hạng nhì.

Tháng 2 năm 1906, ông được giao nhiệm vụ thành lập trường Cơ Khí Á Châu (École des Mécaniciens Asiatiques) do nghị định của thống đốc Nam Kỳ là Rodier trên khu đất của nhà ga Sài Gòn, trường có mục đích đào tạo nhân lực cho nhu cầu hàng hải thuộc địa và kỹ nghệ địa phương. Sau đó ông làm hiệu trưởng trường này (1903 - 1939).


Cổng trường Cơ Khí Á Châu. Nguồn: (https://caothang.edu.vn/bai_viet/5-Qua-trinh-xay-dung-truong-2.html).

Đầu tiên, trường được đặt ở trường École Professionnelle d’Industrie (đường Chasseloup Laubat, Hồng Thập Tự) sau đó vào năm 1908 thì dọn về đường Đổ Hữu Vị (nay là Huỳnh Thúc Kháng).

Lúc đầu, trường thường gọi là trường Bá nghệ, là trường dạy nghề thứ hai ở Ðông Dương (trường đầu tiên là Trường Cour d’Apprentissage, sau đổi thành trường Trung học kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, ở quận 1) và là một trung tâm duy nhất đào tạo lực lượng thợ máy hàng hải cho Pháp tại Đông Dương.

Ông Rosel được thưởng Bắc đẩu bội tinh hải quân năm 1909. Năm 1911, thống sứ Bắc kỳ là Simoni đến thăm trường và gặp hiệu trưởng Rosel cùng ban giám học gồm có các ông. Migadel et Teillard, giáo sư kỹ thuật ; Robillard, giáo sư điện học và ô tô, Fontano, trưởng xưỡng. Trường đào tạo nhân viên cơ khí và tài xế ô - tô.

Trong thế chiến 1914 - 1918, trường được trưng dụng bởi bộ quốc phòng Pháp. Năm 1916, các xưởng của trường mỗi ngày, tiện được 700 đại bác 75 ly. Sau đó còn gửi qua Pháp một đội gồm có 1600 tập sự tình nguyện, để giúp chính quốc.

Ngày 21/6/1918, ông Rosel được nhận chức Thanh Tra chương trình giáo dục chuyên nghiệp.

Sau khi chiến tranh, trường trở về nhiệm vụ ban đầu, và phát triễn thêm nhiều ngành mới trong chương trình giảng dạy: Điện khí, lái xe hơi, lớp tập sự chủ nhật, mở ra trường hàng hải.

Cơ sở của trường có 3 khu vực: Khu trường kỹ thuật, khu học nghề và một khu tập lái xe.

Trường kỹ thuật đào tạo những chuyên viên về máy hơi nước, máy nổ và máy điện. Việc giảng dạy thực hiện trong một giàng đường, trình diễn các mô hình được trình bày trong phòng mô hình, những bài thực hành được diễn ra trong những hành lang để các máy móc có không gian trống cạnh bờ sông trên những chiếc tàu của chính quyền Nam Kỳ, riêng về điện thì trong xưởng đặc biệt của trường ở nhà máy điện thành phố.

Khu học nghề gồm các nghề chính về sắt: tiện, gò, rèn, lò hơi. Những xưởng liên quan đến các nhiệm vụ khác nhau được thiết kế một cách hiện đại như các dụng cụ học rất tiên tiến.

Khu học lái xe tuyển những người trẻ tuổi trước tiên họ phải qua học tại xưởng máy trong một ga - ra của chính quyền để tại trường. Họ phải học từ 6 đến 8 tháng để có chứng chỉ. Khi họ ra trường, không những là người lái xe giỏi mà còn là người hiểu biết về máy móc và bảo trì xe. Khu học lái xe rất bận bịu, ngành vận tải có những tiến triển quan trọng ở thuộc địa (chuyên chở công cộng, du lịch, vận tải).

Việc thi tuyển của trường qua các kỳ thi kề cả đối với thí sinh mới 16 tuổi nếu có chứng chỉ học lực Pháp - bản xứ hay trình độ học lực tương đương. Những người học nghề và học lái xe đều được giáo dục cao, họ nhận chế độ thực tập miễn phí. Còn những học sinh ngoại trú phải trả 7 quan mỗi tháng và nội trú là 20 quan. Nhà trường cũng tiếp nhận các học sinh châu Âu.

Xưởng sửa chữa tàu Ba Son là xưởng tập thực hành học sinh của trường.

Các học sinh nhận chứng chỉ (brevet) tốt nghiệp kỹ thật hạng nhì. Họ bị bắt buộc một năm thực tập tại bộ hải quân thuộc địa, sau đó tốt nghiệp với cấp bậc và chuẩn bị cho kỳ thi chứng chỉ cơ điện trưởng. Từ đó họ có thể được làm việc tại cơ xưởng hải quân và kỹ nghệ.

Số học sinh lúc ấy rất ít, vì người Việt Nam chưa thích di học về các ngành kỹ nghệ theo quan niệm xã hội xưa trọng sĩ nông công thương, vả lại khi ra trường, phải di lính cho Hải quân Pháp, nên lớp học dầu tiên chỉ có vài ba chục học sinh.

Trường dược dặt dưới quyền diều khiển của Hải quân, mặc dù mọi chi phí dều do ngân sách chính phủ Nam Kỳ dài thọ. Dụng cụ, máy móc dều do Hải quân cung cấp. Giáo sư là những sĩ quan hay hạ sĩ quan cơ khí Hải quân tại căn cứ Sài Gòn.

Trườngcó 6 giáo sư kỹ thuật hay trưởng xưởng đa số từ hải quân ra, 15 đốc công hay huấn luyện viên bản xứ. Tháng 5/1930, trường có 175 học sinh: 85 học sinh kỹ thuật, học nghề 44 và học lái 46.

Trong Cẩm nang xứ An - Nam năm 1930 thì ban giám hiệu nhà trường gồm có các ông hiệu trưởng Rosel, Favier và Le Goff giám thị kỹ thuật, Noyé trưởng xưỡng rèn và nguội, Honnorat cơ khí trưởng công tác trưởng, Lagarde trưởng xưỡng, Leroux tưởng xưỡng vô tuyến điện.

Ông Rosel qua đời đột ngột ở Sàigòn ngày 24/ 10 / 1939. Ông Favier được chỉ định làm hiệu trưởng kế tiêp.

Toàn Quyền Đông Dương ký nghị định số 123 - N ngày 18 / 5 /1940 đổi tên trường École des Mécaniciens Asiatiques thành trường École des mécaniciens - École Rosel để tưởng nhớ công ơn người sáng lập. Ngày nay, tượng đồng bán thân của ông được để trong bảo tàng phòng truyền thống của trường Cao Thắng.

Từ 1906, chức vị hiệu trưởng trường do người Pháp đảm nhiệm, mãi đến năm 1950 mới có một người Việt Nam đầu tiên là ông Nguyễn Cao Khoan, kỹ sư điện trường Grenoble, kỹ sư sở Hoả xa làm Hiệu trưởng kiêm nhiệm. Cho đến năm 1954 trường đã đào tạo được khoảng 695 thợ cơ khí và điện theo nhu cầu ngành hải quân.

Thời tổng thống Ngô Đình Diệm, hãng Ba son trở thành Haỉ quân công xưởng, trường Cơ Khí Á Châu được đổi tên là Trường trung học Kỹ thuật Cao Thắng ngày 29/6/1956, chương trình học được hoàn toàn Việt hoá với 1.500 học sinh, và trở thành trường trung học kỹ thuật lớn nhất miền nam.

Ngày nay hãng Ba son không còn nữa vì đã nằm trong khu vực quy hoạch hóa đô thị Sàigòn.