Nguyễn Hồng Vĩnh
Phần trước, tôi có dịp trao đổi với quí vị những nội dung chính của nghệ thuật cầm chầu trong hát bội gồm Khai chầu, xây chầu, cầm chầu và hồi chầu. Nay xin trình bày cụ thể về ý nghĩa và cách thể hiện của 4 phương thức này.
Khai Chầu
Ngày xưa, muốn thông báo nội dung gì cho người dân thì các cấp có trách nhiệm phân công một hay nhiều người (có thể là lính lệ, lính làng, tráng đinh, hay sai nha của làng, xã) đi phát loa khắp nơi. Riêng việc thông báo hát bội người ta không làm như vậy mà đánh trống báo hiệu. Việc đánh trống báo hiệu ấy người ta gọi là khai chầu. Thông thường, người được chọn làm nhiệm vụ khai chầu là một chức sắc trong Ban Hội Tề, (sẽ trình bày phục vụ các bạn về thành phần “Hội Tề” ở một dịp khác) hoặc được những người ấy ủy quyền.
Cách đánh khai chầu khá đơn giản, trước tiên là đánh ba hồi trống, rồi sau đó một tiếng khoan, hai tiếng nhặt (tùng!……. tùng! tùng!) cứ thế lập lại 10 lần thì đánh 1 hồi dài (tùng.. tùng.. tùng.. tùng.. tùng… tùng). Thời gian khai chầu dài hay ngắn tùy thuộc vào mục đích và sự long trọng của suất hát phục vụ lễ hội lớn hay nhỏ. Nếu thực hiện gai đoạn khai chầu kéo dài thì có thể luân phiên thay người để đảm bảo tiếng trống chầu được liên tục, vừa hàm ý thông báo, vừa thúc giục mọi người thu xếp công việc nhanh chân đến xem.
Ngày xưa, suất hát bội không định ra cụ thể thời khắc nào, mà chỉ bắt đầu hát theo mệnh lệnh của Trưởng ban Tổ chức. Khi nhận thấy đủ thành phần, và khán giả đến đông đúc thì chức sắc cao nhất ra lệnh dừng việc khai chầu để chuẩn bị xây chầu. Thời gian khai chầu cũng không nhất thiết là bao lâu, và cũng không ai bắt lỗi “đến giờ rồi sao không chịu hát!” như một số loại hình ca kịch khác mà chúng ta thường thấy.
Ở nông thôn nhà cửa thưa thớt, nên tiếng trống chầu vang rất xa, từ làng trên, xóm dưới đều nghe, vì vậy nó thay cho việc thông báo bằng lời và cũng là hiệu lệnh thúc dục khán giả.
Trong số khán giả ấy, nô nức nhất là đám trẻ con, đầu trần, chân đất chạy theo bờ rào, bờ ruộng, té sấp, té ngữa, mục đích là để chiếm một chỗ thuận lợi bên hong vỏ ca hoặc phía sau chỗ đào kép sắm tuồng. Bản thân tôi cũng từng nhiều phen bị gai mắc cỡ cào chảy máu mặt, trầy sướt đầu, cổ, vì chân thấp, chân cao, cố chạy nhanh để dành chỗ mà bị té dọc bờ ruộng!
Hình thức và nội dung của khai chầu đơn giản như vậy, nên việc này không quá quan trọng khi chọn người thực hiện, miễn sao người ấy có sức khỏe, có thời gian để duy trì việc đánh trống liên tục như nêu trên.
Xây Chầu
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, ông bà, tổ tiên khi còn sinh thời hoặc những thần linh lúc còn tại thế cũng là con người, đã là con người thì không những có nhu cầu hưởng thụ vật chất mà còn có nhu cầu hưởng thụ về tinh thần. Từ quan niệm đó, nên những dịp cúng kiến long trọng ngoài phẩm vật, hương hoa, nhang đèn, còn dâng cúng đờn ca, xướng hát. Hát bội là một trong những loại hình đờn ca xướng hát đó, mục đích trước tiên là để dâng cúng thần linh, đồng thời cũng là hình thức qui tụ, tập hợp quần chúng. Vì vậy mà tất cả vỏ ca (tạm hiểu như sân khấu) của các đình, miễu, đều làm đối diện với bàn thờ thần, còn nếu diễn ở tại nhà thì cũng bố trí phía đối diện với bàn thờ tộc.
Như phần trước đã trình bày, là một hoạt động văn hóa, nên nội dung tuồng tích hát bội chủ yếu sân khấu hóa hiện thực xã hội của một giai đoạn lịch sử nhất định thông qua đó mà thêm thắt triết lý nhân sinh theo quan niệm chủ quan của thầy tuồng. Trên đà phát triển xã hội, từng bước hoạt động này nâng lên tầm nghệ thuật từ cách hát, cách ra bộ, nhịp nhàng, đồng bộ giữa người ca với dàn nhạc.
Khi cúng vật phẩm, viên chấp sự (thường là trong số những người đứng đầu chức sắc trong làng, xã, hoặc người đứng đầu trong dòng tộc) ăn mặc chỉnh tề, lần lượt thắp nhang, đèn xong mới khấn vái. Lời khấn vái phải kể rõ những thứ dâng lên, nêu rõ mục đích, ý nghĩa của việc tế lễ đó. Mỗi nơi có lối kể lể khác nhau, nhưng nội dung cũng chủ yếu là cầu xin thần linh hoặc các bậc tiền hiền ban cho “Quốc thái, dân an” “mưa thuận, gió hòa”, “ tiêu trừ dịch bệnh”, “ gia đạo bình an”, “làm ăn phát đạt”…..
Khi cúng bái đờn ca, xướng hát, viên chấp sự cũng ăn mặc như khi cúng phẩm vật. Nhưng nghi thức tiếp theo có khác, rườm rà và phức tạp hơn.
Nghi thức cúng bái này gọi là xây chầu.
Cũng vì nó rườm rà, phức tạp nên việc chọn viên chấp sự xây chầu ngoài các tiêu chí như chấp sự cúng vật phẩm còn phải là người rành rẽ việc đi, đứng, quì lạy, lời lẽ trình bày lưu loát. Mục đích là để thần linh, các bậc tiền hiền vui lòng chấp thuận, đồng thời cũng thể hiện sự uy nghiêm trong lễ nghi và tạo ấn tượng mạnh đối với người xem.
Nghi thức như sau:
Vị trí cái trống chầu được kê trên giá trước bàn thờ thần nếu hát ở đình, hoặc bàn thờ gia tiên nếu hát ở từ đường dòng tộc. Vị trí giá trống hơi chếch về bên phải nhìn từ ngoài vào. Độ cao của mặt trống vừa với tầm tay chầu (tay đánh trống) của viên chấp sự, mặt trống được phủ bằng tấm vải điều sạch sẽ. Điều tối kỵ là trống không được để vị trí giữa chính điện, bởi khi đánh roi chầu (dùi trống) sẽ hướng thẳng vào bàn thờ, như vậy là vô phép!. Vị trí trống chếch một bên là để viên chấp sự quì lạy chính giữa bàn thờ xong, khi đánh mũi roi chầu sẽ hướng ra phía ngoài.
Trước tiên, viên chấp sự với lễ phục chỉnh tề, đứng đối diện với bàn thờ cách chừng 20-25 bước chân. Hai bên viên chấp sự, thụt về phía sau một bước chân có hai quân sĩ trang phục như lính Việt ngày xưa khoanh tay, mặt cũng hướng về bàn thờ, đứng ngay phía sau viên chấp sự là một đôi đào kép đã hóa trang thành nhân vật trong tuồng hát (sắm tuồng xong). Viên chấp sự tiến từng bước một hướng về bàn thờ với nghi thức “tam bộ nhất bái” (ba bước lạy một lạy), hai quân sĩ và cặp đào kép theo sau. Khi viên chấp sự quì lạy (tổng cộng 3 lần) thì hai quân sĩ dạt sang hai bên khoanh tay, quay mặt đối diện nhìn nhau, cặp đào kép cũng làm như vậy. Nghi thức trên được tiến hành 3 lần thì viên chấp sự đã tiến đến gần trước bàn thờ, chếch về bên phải là cái trống chầu, mặt trống đang được phủ tấm vải điều. Đưa tay lấy dùi trống (gọi là roi chầu), rồi hai tay nâng dùi trống ngang mày xá ba xá, viên chấp sự bắt đấu khấn. Tùy theo từng vùng, miền, mỗi nơi có lối khấn khác nhau, nhưng nội dung phải nêu lên được những ý chính sau:
- Họ tên viên chấp sự
- Thay mặt cho chức sắc trong làng xóm, dòng tộc họ hàng hoặc là được sự ủy nhiệm của những người ấy.
- Đối tượng được cúng bái (thần linh, ông bà, tổ tiên dòng tộc họ hàng)
- Tên của thứ hát (tuồng hát), thời gian hát
- Nội dung câu khấn nguyện chủ yếu mong được ban phước lành (mưa thuận, gió hòa, gieo trồng tốt tươi, chăn nuôi hiệu quả, an cư lạc nghiệp, sức khỏe đủ đầy, quốc thái dân an…)
Kế đến, viên chấp sự từ từ mở tấm vải điều phủ mặt trống cuộn lại và khởi đầu đánh trống với các động tác sau:
Hai tay cầm roi chầu nâng lên ngang ngực hô lớn:
- Nhứt điểm cổ khai thông thái cực!
Vừa dứt tiếng hô, đánh một tiếng: tùng…..
Sau đó đánh một hồi dài
Khi dứt hồi trống, viên chấp sự lập lại động tác hai tay cầm roi chầu nâng lên ngang ngực hô:
- Nhị động cổ hòa hợp nhị nguyên!
Vừa dứt tiếng hô, đánh hai tiếng: tùng… tùng…
Sau đó đánh hai hồi dài.
Lần thứ ba viên chấp sự cũng lập lại động tác như hai lần trước và hô:
- Tam kích cổ sinh hóa tam tài!
Dứt tiếng hô đánh ba tiếng trống: tùng…. tùng…. tùng…
Sau ba tiếng tùng, đánh ba hồi dài.
Trong khi viên chấp sự đánh trống, hai quân sĩ đứng ở tư thế nghiêm, còn đào kép chấp hai tay trước ngực thể hiện sự thành kính.
Kết thúc hồi trống, lập tức dàn nhạc lễ sổ bát cấu, viên chấp sự cúi đầu từ từ đi thụt lùi, ba bước cúi xuống xá một xá, cứ vậy lập lại 3 lần mới được quay lưng. Những quân sĩ và đào kép cũng đi thụt lùi như viên chấp sự. Khi lùi, nhất thiết phải bước đúng 9 bước mới được quay lưng và kết thúc nghi thức xây chầu. Ý nghĩa của việc bước thụt lùi là tỏ lòng tôn kính thần linh hoặc các bậc tiền hiền, nếu vừa cúng bái xong quay lưng liền thì vô hình trung đưa mông về phía bàn thờ. Như vậy là hành động vô phép!.
Để xuất hát thêm phần hoành tráng, tùy từng nơi, theo yêu cầu của Ban tổ chức, sau nghi thức xây chầu còn bổ sung tiết mục: “Địa dâng liễn”.
Tiết mục này là phụ, có cũng được, mà không cũng chẳng sao!.
Nghi thức như sau:
Ban tổ chức chuẩn bị một cặp liễn nội dung thường là, thành kính, chúc tụng, cầu xin…..Cặp liễn viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm trên giấy điều, từ năm 1954 về sau được thay thế bằng chữ quốc ngữ viết theo lối thư pháp rất đẹp. Cặp liễn được cuộn tròn, cái cán được làm bằng tre, trúc.
Sắm vai Địa là một kép có nhiều kinh nghiệm trong đoàn hát do bầu gánh chọn ra, tiết mục này có thù lao riêng.
Nếu hát ở đình, chọn hai chức sắc cao nhất, nhì sở tại thay mặt thần dân, nếu hát ở từ đường chọn hai người có vai vế cao nhất, nhì của dòng tộc nhận liễn. Hai người này mặc lễ phục ngồi hai bên bàn thờ. Khi bắt đầu thực hiện nghi thức này, dàn trống chiến cùng dàn nhạc sổ bát cấu khoảng năm, ba phút cho xôm tụ. Rồi sau đó Địa từ phía ngoài ra bộ nhịp nhàng theo tiếng trống chiến của dàn nhạc lễ từ từ tiến vào đến trước mặt hai chức sắc quì xuống dâng liễn. Lúc tiếp nhận liễn xong, thông thường hai vị này móc túi lì xì cho Địa. Rồi các vị nắm cán liễn mở bung ra cho mọi người nhìn rõ câu chữ. Tiếp đến trao cho hai trai tráng bắt ghế treo lên cao ở cột nhà hai bên bàn thờ.
Kết thúc việc xây chầu xem như tiến hành xong phần thủ tục, chuyển qua nội dung chính của suất hát là cầm chầu.
Cầm Chầu
Theo nhận xét của những người ghiền hát bội, suất hát diễn ra mà không có người cầm chầu thì xem như thiếu phân nửa cái hấp dẫn của nó. Vậy ý nghĩa của việc cầm chầu là gì? Nghi thức ra sao? Cách thức cầm chầu như thế nào? Chúng ta lần lượt tìm hiểu và nghiên cứu sau đây.
Tiếng trống chầu trong hát bội có vai trò rất quan trọng ở cả 4 giai đoạn khai chầu, xây chầu, cầm chầu, hồi chầu. Nhưng quan trọng nhất là cầm chầu. Bởi vì không những nó có vai trò là hiệu lệnh khen, chê, điều hành trong quá trình hát, mà còn thể hiện tính nghệ thuật, góp phần quan trọng vào chất lượng của suất hát.
Sau khi tiến hành xong nghi thức xây chầu, cái trống được dời về vị trí đặt chếch bên trái (từ dưới nhìn lên) sát với vỏ ca. Mục đích để viên chấp sự khi ngồi vào ghế cầm chầu tiện quan sát diễn biến trong lúc đào kép ca diễn, nhưng đồng thời cũng không che khuất góc nhìn của các bậc trưởng thượng đang ngồi xem phía sau.
Người chọn cầm chầu ngoài các tiêu chí như viên chấp sự xây chầu còn phải là người có am hiểu về tuồng tích, lối ca diễn của nghệ thuật hát bội. Người cầm chầu thực hiện tốt chức năng của mình góp phần tăng thêm tính nghệ thuật của tuồng hát, tạo hưng phấn, cho đào kép ca, diễn, tăng thêm phần hấp dẫn cho người xem. Tất nhiên, làm không tốt thì tác dụng ngược lại.
Người cầm chầu có quyền quyết định khi nào khai màn (bắt đầu hát) khi nào cho đào kép khai khẩu (bắt đầu nói, ca) khen, thưởng, nhắc nhở, cảnh cáo đào kép hoặc không cho đào kép đó ra sân khấu nữa, ra hiệu lệnh cho dừng hát (dù vở tuồng mới diễn một phần hoặc hết phần I, II). Toàn bộ những quyền hạn đó biểu thị bằng hiệu lệnh thông qua tiếng trống.
Viên chấp sự thể hiện nghi thức và quyền hạn đó bằng những cử chỉ và nội dung sau:
Trước tiên, vào vị trí đứng thẳng người, hai tay nâng roi chầu hướng về bàn thờ (đối diện với sân khấu) xá ba xá, xong, quay lại xá sân khấu ba xá, rồi ngồi xuống ghế đánh một hồi dài. Kết thúc hồi trống đánh tiếp ba tiếng lớn dứt khoát.
Nghi thức ấy gọi là: chầu khai màn.
Như chúng ta biết, kịch nói hay cải lương, khán giả xem một lúc rồi mới biết những nhân vật là ai thông qua diễn biến của tuồng hát.
Còn hát bội thì không như vậy. Bất cứ một đào kép nào lần đầu xuất hiện trên sân khấu đều phải giới thiệu về mình là nhân vật nào trong tuồng hát thông qua lời tự thoại. Đào kép ấy phải thực hiện động tác vũ đạo một thời gian nhất định theo nhịp điệu diễn tấu của ban nhạc lễ. Xong phần vũ đạo, đứng chết bộ một chỗ nhìn xuống khán giả. Lúc bấy giờ viên chấp sự cầm chầu mới điểm một tiếng: tùng…. Dứt tiếng tùng…. đào kép ấy mới được lên tiếng tự giới thiệu mình là nhân vật nào thông qua lời tự thoại của trong tuồng hát.
Nghi thức ấy gọi là: chầu khai khẩu.
Chưa điểm chầu mà mở miệng ca hoặc thoại được xem như đào kép đó vô phép, viên chấp sự có thể cảnh cáo! (kể phần sau).
Khi hát đang ca, diễn, tiếng trống chầu có vai trò cầm chịch cho đào kép và cho cả ban nhạc để nâng tính nghệ thuật, hấp dẫn của suất hát, nhưng đồng thời nó cũng thay mặt khán giả khen, chê, đào kép, kể cả ban nhạc. Người điểm trống chầu phải chú tâm vào ca từ, diễn xuất của đào kép, cách diễn tấu của ban nhạc. Đây là nội dung chính của việc cầm chầu.
Về nguyên tắc, tiếng trống chầu được điểm sau những câu “cảm” và câu “cầu”, đôi khi nó còn điểm sau những câu hoặc những từ trong lời thoại mà viên chấp sự thấy cần tạo dấu ấn mạnh với khán giả. Thông thường nó được điểm sau những câu hay những từ thể hiện sự: bi, thương, ai, oán, hỉ, nộ, ái, ố, hoặc những danh từ chỉ người, sự vật.
Ví dụ điểm chầu vào cuối những câu, sau đây:
- Nói như vậy thì đau lòng em lắm… chàng ơi!...(tùng..)
- Nhà ngươi là đồ ác nhân, thất đức! (tùng…)
- Như ta đây!… vốn bần hàn cơ cực, khắp nẻo bôn ba, Giảo Kim danh tánh, gia tộc họ Trình! (tùng…)
Ví dụ 1 và 2 điểm chầu sau câu cảm, thể hiện sự đồng điệu cảm xúc của khán giả trước diễn biến của tuồng hát đang diễn ra.
Ví dụ 3, nhấn mạnh cho khán giả biết tên nhân vật này là Trình Giảo Kim.
Cả 3 ví dụ đều điểm tùng như nhau, nhưng cách đánh lại khác nhau. Ở ví dụ 1 điểm vừa phải, điểm tiếng trống nhẹ vào thời khắc mà viên chấp sự nhận thấy cô đào vừa dứt hơi. Tiếng trống tùng…làm cho khán giả có cảm giác như tiếng than của cô đào vẫn còn kéo dài… Mà tiếng than càng kéo dài thì… cảm xúc người xem càng cao!.
Ví dụ 2, tiếng trống điểm: tùng…. vừa phải và dứt khoát. Bởi đây là câu thoại biểu thị sự giận dữ. Điểm chầu như vậy cũng tạo cho khán giả cảm xúc giận dữ theo diễn biến của nhân vật.
Ví dụ 3 tiếng trống điểm lớn và dứt khoát, tạo cho khán giả ấn tượng mạnh về tên của nhân vật, sẽ nhớ ngay khi nhân vật ấy xuất hiện lần thứ hai và những lần tiếp theo trong tuồng hát.
Nếu dứt 3 câu thoại như ví dụ trên mà viên chấp sự đều “nện” một tiếng tùng…. như nhau thì... người ta truất phế, không cho cầm chầu nữa!
Thời điểm để điểm chầu cũng rất quan trọng. Chờ cho đào kép đã ca hoặc thoại xong, khán giả nghe rõ rồi mới điểm (ngày nay gọi là rõ chữ, rõ từ). Như ví dụ 3, ở câu: “gia tộc họ Trình!”, kép vừa thoại tới từ “họ” mà điểm tùng… trùng với từ “ Trình” thì khán giả không nghe rõ nhân vật ấy họ gì??!!. Hay như khi ca dứt câu, hơi của đào kép còn ngân một đoạn mà vội điểm chầu thì làm mất đi cái hay của sự ngân nga ấy!. Những tình huống này đào kép thường rất không hài lòng, làm mất đi sự hưng phấn. Dù không dám nói ra (vì thường viên chấp sự cầm chầu có vai vế lớn) nhưng họ lại kháu nhau: Ổng này điểm chầu gì mà “thốc vô bản họng người ta hà!”. Còn khán giả sẽ chê: “cầm chầu không thống!” (không biết điểm chầu).
Trái lại, trường hợp khi đào kép dứt câu ca mà còn 1, 2, 3 nhịp nữa mới kết thúc bản nhạc, buộc đào kép phải ngân nga cho đủ nhịp trong câu hát. Viên chấp sự theo dõi thấy đào kép muốn đứt hơi liền điểm một tiếng: tùng…khán giả có cảm giác như đào kép ấy vẫn ngân đến cuối câu (vì tiếng trống chầu đã át rồi). Người xem không phải là tay rành rẽ, ngỡ đâu viên chấp sự điểm chầu để khen đào kép ấy, chớ thật ra là cử chỉ “cứu bồ”. Lối điểm chầu này gọi là: chầu rước hơi. Tất nhiên, động thái này làm cho đào kép rất cảm kích, tạo sự hưng phấn cho những đoạn ca diễn tiếp theo, và sẽ hết lời khen viên chấp sự “cầm chầu quá điệu đà!”.
Phần trên là bàn về tiếng chầu mạnh, yếu và thời khắc để điểm trống cho phù hợp trong lúc đào kép ca, diễn. Người cầm chầu còn phải thể hiện sự chê, khen, thưởng thông qua hiệu lệnh của tiếng trống.
Như chúng ta đã biết, ở phương tây, (ngày nay cũng đã du nhập vào Việt Nam và có tác động nhất định) khán giả xem ca diễn tới đoạn hay thì vỗ tay, đoạn dở thì biểu thị lắc đầu, huýt sáo, thậm chí la ó om sòm. Đôi khi tiếng vỗ tay kéo dài quá làm át đi những đoạn ca diễn tiếp theo. Những tình huống này vô tình vì quá khen mà làm giảm bớt đi cái hay của nó.
Trong hát bội không như vậy. Khi đào kép ca, diễn, viên chấp sự cầm chầu thay mặt tập thể khán giả khen, chê, biểu thị bằng tiếng trống chầu chớ không vỗ tay hoặc huýt sáo, la ó om sòm.
Do đó, ngoài việc điểm sau những câu, từ, như đã nêu phần trên, trống chầu còn được điểm ở những lúc mà viên chấp sự cảm thấy cảm xúc dâng trào khi đào kép ca diễn quá hay, đáng được biểu dương, khen thưởng.
Về khen, diễn ra 3 mức độ: đánh một tiếng tùng… là biểu dương, đánh liền hai tiếng tùng…tùng…là khen, đánh liền ba tiếng tùng… tùng… tùng… là khen kèm theo thưởng.
Về chê, cũng diễn ra 3 mức độ: đánh một tiếng cạch…là nhắc nhở, đánh hai tiếng cạch.. cạch… là cảnh cáo, đánh ba tiếng cạch… cạch… cạch… là đuổi khỏi sân khấu (tức là đào kép ấy không được ra sân khấu nữa trong suốt suất hát) buộc phải thay người khác. Sở dĩ khen đánh tiếng “tùng”…, chê đánh tiếng “cạch”… là vì, khi khen đánh thẳng vào mặt trống, còn chê đánh vào tang trống (cạnh rìa của mặt cái trống). Cũng vì việc điểm chầu khen, chê như vậy mà có lần người viết bài này đang cầm chầu bị một khán giả sửa lưng tại chỗ là: “mặt trống không đánh mà sao đánh vào cái cạnh? kỳ vậy!”.
Người cầm chầu không chỉ khen đào kép, mà còn có thể khen ban nhạc lễ khi đang diễn tấu. Mức độ và hình thức biểu dương, khen thưởng cũng giống như khen đào kép.
Việc khen thì đã rõ, còn chê thì thường xảy ra những lỗi sau:
- Đào kép thủ vai hát lần đầu xuất hiện trong vở tuồng, chưa được điểm chầu khai khẩu mà mở miệng thoại.
- Có lối diễn không chuẩn mực hoặc hát “cương” trong ca từ hoặc là lời thoại không không chuẩn, không phù hợp với tuồng tích.
- Lời thoại tuồng hát có những từ kỵ húy, ông cả, ông chủ của làng xã, cao đường của dòng tộc, Ban tổ chức đã trao đổi trước với gánh hát mà đào kép không tránh né trong lúc ca hoặc khi thoại.
Cũng phải nói qua đôi nét về hình thức thưởng. Ban tổ chức giao quyền người cầm chầu thưởng nhiều hay ít, và thưởng cho ai. Trước kia người ta kẹp những tiền xu vào một miếng thẻ bằng gỗ hoặc tre với những mệnh giá khác nhau để thưởng đào kép trong lúc đang ca diễn bằng cách phóng ngay lên sân khấu. Gánh hát cử một quân sĩ ra sân khấu lượm, quay ra cúi đầu cám ơn khán giả rồi vào trong. Về sau, thấy bất tiện bởi hay thất thoát và phân công người thu giữ phức tạp, nên không thưởng tiền mặt mà chỉ phóng thưởng bằng thẻ bài với các loại mệnh giá theo qui ước. Sau suất hát, đại diện gánh hát đến Ban tổ chức đổi thẻ lấy tiền. Thông thường, mức thưởng cũng có 3 mệnh giá: Ưu, bình, thứ. Nếu bị nhắc nhở mỗi lần (cạch…) trừ một thẻ thứ, cảnh cáo (cạch.. cạch..) trừ một thẻ bình, đuổi không cho diễn (cạch.. cạch.. cạch…) trừ một thẻ ưu. Về nguyên tắc, Ban tổ chức sẽ trừ tiền thưởng khi có đào, kép bị phạt, nhưng thực ra, ca hát là nghề mưu sinh, nên chủ yếu là nhắc nhở, cảnh cáo là nặng lắm rồi, chớ ít khi trừ tiền thưởng.
Vì có khen, chê, thưởng, phạt như vậy, nên không những ra sức ca diễn cho thật hay mà đào kép còn phải diễn một cách nghiêm túc. Và tất nhiên, họ rất sợ cái uy của viên chấp sự cầm chầu. Theo tôi được biết, tuy rằng thưởng cho cá nhân đào kép nhưng tất cả tiền thưởng bầu gánh thu hết và chi dùng chung trong tập thể gánh hát. Bởi thông thường đào chính, kép chính mới được khen nhiều chớ các vai phản diện và các vai nhỏ khác ít khi được khen.
Hồi chầu
Thực ra, hồi chầu là một công đoạn của việc cầm chầu mà thôi. Nhưng vì tầm quan trọng của việc hồi chầu nên đưa ra thêm một tiêu đề nữa để quí vị dễ hình dung. Hồi chầu có nghĩa là hiệu lệnh tiếng trống kết thúc suất hát. Việc kết thúc này có thể là hết phần I, phần II, hoặc hết một suất hát (tuồng hát, thứ hát). Nhưng cũng có khi kết thúc giữa chừng với một lý do bất khả kháng nào đó (thiên tai, địch họa…) viên chấp sự quyết định dừng hát bằng hiệu lệnh tiếng trống chầu. Hiệu lệnh ấy người ta gọi là hồi chầu.
Vì hồi chầu trong những trường hợp khác nhau như đã nêu, nên tiếng trống cũng khác nhau. Bình thường, khi kết thúc suất hát viên chấp sự đánh ba hồi dài. Nếu ngày mai còn hát tiếp thì sau khi ba hồi trống dứt, đánh tiếp ba dùi (tùng… tùng… tùng…). Nếu ba hồi trống dứt mà không có kèm theo ba tiếng tùng… tùng… tùng… (ba dùi) xem như hôm sau không còn hát ở điểm đó nữa. Ban tổ chức không cần phải phát loa thông báo mà chỉ ra hiệu lệnh bằng tiếng trống chầu là mọi người hiểu. Còn hồi chầu ngang xương giữa chừng thì sau khi dứt ba hồi trống tiếp theo sẽ đánh thúc từng hồi ba tiếng, hai tiếng nhặt, một tiếng khoan (tùng,tùng… tùng). Cứ thế liên tục, khán giả nghe hiệu lệnh này sẽ ngầm hiểu là có tình trạng khẩn cấp, phải nhanh chóng giải tán. (Có câu chuyện tiếu lâm trong dân gian về việc hồi chầu… sẽ kể các bạn nghe chơi vào một dịp khác).
Có thể nói, nghệ thuật cầm chầu trong hát bội là một nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa dân tộc. Khi nó vang lên là biểu thị cho cái uy của chủ thể báo hiệu suất hát sắp diễn ra, đang diễn ra và lúc nào là kết thúc hát. Nó còn thay mặt tập thể khán giả khen, chê, thưởng, phạt, theo một phong cách riêng, đồng thời còn góp phần nâng cao cảm xúc cho nghệ sĩ lẫn người xem. Không chỉ có vậy, nó còn thay cho lời nói làm hiệu lệnh thông báo, điều hành, trước, trong và sau khi suất hát kết thúc. Với những nét đặc trưng như nêu trên, thiết nghĩ cần bảo tồn nghệ thuật độc đáo này của dân tộc.