Thương tiếc Phùng Nguyễn (1950-2015)
Nhà văn Phùng Nguyễn
Thế là trong số những người cùng viết blog trên VOA với tôi, có hai người đã vĩnh viễn ra đi: Nguyễn Xuân Hoàng (1940-2014) và Phùng Nguyễn (1950-2015).Tôi thân với Nguyễn Xuân Hoàng hơn với Phùng Nguyễn, tuy nhiên, sự ra đi của Phùng Nguyễn lại làm cho tôi bị sốc hơn là sự ra đi của Nguyễn Xuân Hoàng. Có thể là vì Nguyễn Xuân Hoàng dù sao cũng khá lớn tuổi, hơn nữa, anh bị bệnh hiểm nghèo từ lâu, cái chết của anh là điều đã được báo trước. Còn Phùng Nguyễn thì trẻ hơn. Tôi biết anh có vấn đề về tim và từng vào bệnh viện cấp cứu, nhưng tôi, với niềm tin vào tuổi tác của anh cũng như sự tiến bộ của y học, nghĩ là anh sẽ vượt qua cơn bệnh một cách dễ dàng. Nhà văn Võ Phiến từng bị mổ tim hai lần (vào năm 1985 và năm 1992) vậy mà cũng hưởng thọ đến năm 90 tuổi. Nghĩ đến Phùng Nguyễn, hình ảnh nổi bật nhất trong óc tôi là một người đầy sức sống và rất nhiệt tình. Do đó, tin anh mất khiến tôi bàng hoàng. Cả ngày cứ ngẩn ngơ.
Mà hình như cái chết của người cầm bút nào cũng khiến tôi bị sốc hơn cái chết của những người khác. Lý do chính là vì tôi đọc nhiều và đọc khá thường xuyên các nhà văn và nhà thơ, bởi vậy, cảm thấy họ gần gũi và thân thiết hơn hẳn những người bình thường chung quanh. Hơn nữa, văn chương - văn chương thực sự - bao giờ cũng, một mặt, gắn liền với sự già giặn và điêu luyện trong cách viết, nhưng mặt khác, lại gắn liền với sự mới mẻ trong cách nghĩ, sự tươi mát trong cách cảm và sự trẻ trung trong cách nhìn. Bởi vậy, đọc các nhà thơ và các nhà văn, đặc biệt các nhà văn thuộc giới sáng tác, bao giờ chúng ta cũng dễ có cảm tưởng là họ trẻ hơn hẳn tuổi tác thực sự của họ. Với ấn tượng như vậy, cái chết của họ bao giờ cũng là một điều bất ngờ.
Với Phùng Nguyễn, tôi lại càng bất ngờ. Chỉ mới đây thôi, vào ngày 11 tháng 7 năm 2015, anh còn gửi email cho tôi:
“Nguyễn Hưng Quốc thân mến;
Tôi vừa được giao một blog trên VOA, và hân hạnh được đứng chung một sân chơi cùng Quốc. Những năm sau này tôi không viết đều nên ngòi bút [có] phần rỉ sét, hy vọng sẽ khá lên sau một thời gian. Rất mong được một blogger kinh nghiệm như Quốc góp ý.
Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn có dự định Mỹ du năm nay không? Nếu có ghé miền Đông thì cho biết với nhé.
Thân mến”
Tôi vừa được giao một blog trên VOA, và hân hạnh được đứng chung một sân chơi cùng Quốc. Những năm sau này tôi không viết đều nên ngòi bút [có] phần rỉ sét, hy vọng sẽ khá lên sau một thời gian. Rất mong được một blogger kinh nghiệm như Quốc góp ý.
Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn có dự định Mỹ du năm nay không? Nếu có ghé miền Đông thì cho biết với nhé.
Thân mến”
Và cũng mới đây thôi, ngày 4 tháng 10, anh còn bay từ tiểu bang Maryland, miền Đông Hoa Kỳ, về California dự đám tang của nhà văn Võ Phiến, sau đó, viết bài tường thuật trên blog của anh. Mới hơn nữa, ngày 10 tháng 11, anh còn viết bài “Mệnh trời” nói về chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Đọc những bài viết nghiêm túc, lúc nào cũng thiết tha với văn học, đất nước và công lý như vậy, không ai có thể tưởng tượng là anh sẽ sớm vĩnh biệt chúng ta.
Tổng cộng, trên blog của anh, Phùng Nguyễn mới chỉ đăng được có 15 bài. Trước đó, anh cũng đã viết một số bài tạp ghi về các vấn đề chính trị, xã hội và văn học Việt Nam đăng rải rác trên các tạp chí hoặc báo mạng, chủ yếu là trên Damau.org mà anh là một trong những người sáng lập. Về sáng tác, anh đã xuất bản được hai tập truyện ngắn: “Tháp ký ức” (1998) và “Đêm Oakland và những truyện khác” (2001). Nói chung, Phùng Nguyễn viết không nhiều. Nhưng anh vẫn có một phong cách riêng: giản dị, chừng mực, cẩn thận và tinh tế. Với phong cách ấy, một mặt, anh có một vị trí nhất định trong sinh hoạt văn học hải ngoại; mặt khác, được khá nhiều người yêu mến.
Người ta càng dễ yêu mến Phùng Nguyễn hơn khi tiếp xúc với anh ngoài đời.
Thật ra, tôi gặp Phùng Nguyễn chỉ khoảng 4, 5 lần; và lần nào cũng có đông người khác. Dường như chưa có lần nào tôi có dịp ngồi riêng với anh để chuyện trò về văn chương nghệ thuật. Nhưng ấn tượng anh để lại trong tôi bao giờ cũng tốt đẹp. Nhớ nhất là vào những năm cuối thập niên 1990, lúc tôi làm tạp chí Việt (1998-2001), anh viết email cho biết anh sẵn sàng làm giùm trang web cho tờ báo để mọi người ở xa, không có báo giấy, có thể đọc được. Lúc ấy tôi chưa hề gặp Phùng Nguyễn. Chỉ liên lạc với anh qua thư từ. Tôi rất cảm kích trước lời đề nghị ấy. Và tôi cũng biết anh từng sốt sắng giúp thiết kế website cho một số tờ báo khác. Nhớ nữa, cách đây năm bảy năm gì đó, anh bàn với tôi một cách sôi nổi về dự án bán sách tiếng Việt dưới hình thức ebook. Anh lý luận cộng đồng người Việt, tuy đông, nhưng sống rất phân tán, thường xa các trung tâm thương mại, do đó, rất khó mua sách. Hơn nữa, với sự phát triển của internet, thói quen đọc sách điện tử càng lúc càng phổ biến. Kết luận: đây đúng là thời điểm tung ra một kệ sách chỉ toàn bằng ebook. Anh muốn những cuốn ebook đầu tiên là những tác phẩm văn học ít nhiều có tiếng vang trong nền văn học ở hải ngoại. Anh xin tôi mấy cuốn. Tôi hơi ngờ vực kết quả của một dự án như thế nhưng dĩ nhiên tôi không có lý do gì để từ chối.
Sau này, khi tôi tổ chức một số cuộc hội thảo về văn học Việt Nam tại Mỹ, bao giờ tôi cũng mời anh tham gia, và bao giờ anh cũng nhận lời một cách nồng nhiệt. Lần mới nhất là cuộc hội thảo về văn học miền Nam (1954-1975) được tổ chức tại hội trường hai nhật báo Người Việt và Việt Báo ở California vào đầu tháng 12 năm 2014, trong đó, anh trình bày về đề tài “Văn học Miền Nam 1954-75: đường về gian nan”. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp anh.
Bây giờ vẫn còn nhớ bài thuyết trình của anh. Khuôn mặt của anh. Điệu bộ của anh. Và giọng nói của anh.
Chú thích:
Nhà văn Phùng Nguyễn qua đời ngày 17 tháng 11 năm 2015 tại tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Dưới đây là bản tiểu sử do chính anh viết gửi tôi khi tham dự cuộc hội thảo về văn học Miền Nam được tổ chức tại Nam California vào cuối năm 2014:
Tên thật Nguyễn Đức Phùng. Sinh năm 1950.
Lính Cộng hòa từ năm 1968. Giải ngũ 1974 với cấp độ tàn phế 60%. Đến Hoa Kỳ năm 1984.
Tốt nghiệp Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh và Tin Học (California State University). Làm việc trong ngành tin học từ năm 1990.
Bắt đầu viết từ năm 1994, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Việt, Thế Kỷ 21, VHNT Liên Mạng, talawas.org, tienve.org, damau.org…
Chủ bút tạp chí Hợp Lưu (năm 2002).
Chủ trương tạp chí mạng Da Màu (năm 2006) cùng với Đặng Thơ Thơ & Đỗ Lê Anhdao.