Lời mở đầu ra mắt sách “Trần Văn Thạch (1905-1945) - Cây bút chống bạo quyền áp bức”

Thưa quí vị, quí bạn

Ban tổ chức chúng tôi xin chào mừng và cảm ơn sự hiện diện của tất cả quí vi và quí bạn đã bỏ thì giờ ngày cuối tuần đến tham dự buổi ra mắt sách của người bạn chúng ta, tác giả Trần Mỹ Châu, ngày hôm nay.

Trước hết, Ban Tổ Chức phải cảm ơn tác giả, chị Trần Mỹ Châu, đã ưu ái dành cho Toronto, mà nhà văn Trà Lũ gọi theo phát âm Việt ngữ là Tổ Rồng To, cái vinh hạnh đứng ra tổ chức buổi ra mắt tác phẩm đầu tay mà cũng là tác phẩm “để đời” của chị. Xin cảm ơn chị.

Chúng tôi ghi nhận sự hiện diện của một cơ quan truyền thông mới VO Media, anh Nguyễn Văn Tấn của Ủy Ban Nhân Quyền cho Việt Nam, giáo sư Đỗ Khánh Hoan, bác sĩ Nguyễn Di Sản, anh Vũ Hữu Doanh, anh Nguyễn Minh Tiết, cô Lê Lương – Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ của Hội Người Việt Toronto… và một số bạn bè thân thiết của tác giả và chúng tôi: các anh chị Nghiêm Phú Phúc, Phùng Quang Tuấn, Ngô Thế Hoành, Trần QuốcChí; các anh Nguyễn Phan Pha, Diệp Bảo Phát, và chị Nguyễn Phương Lan. Tôi chắc là còn nhiều người nữa mà chúng tôi thiếu sót không nêu tên, xin nệ tình bỏ qua cho.

Sau nữa, Ban Tổ Chức chân thành cảm ơn Hội Đồng Quản Trị Hội Người Việt Toronto đã sốt sắng nhận lời đứng ra đồng tổ chức, khi được biết tác giả trước đây cũng đã là thành viên Ban Chấp Hành của Hội (trong nhiệm kỳ 1982-84 với chúng tôi), và riêng anh Giám Đốc Điều Hành Nguyễn Văn Mạnh đã đích thân cộng tác chặt chẽ với chúng tôi ngay từ đầu nhờ đó mà buổi tổ chức được trôi chảy.

Chúng tôi cảm ơn giới truyền thông đã nhiệt tình ủng hộ phổ biến tin tức về buổi ra mắt trong tin cộng đồng, hay điểm sách, đặc biệt là các tuần báo Thời Báo, Saigon Canada và Thời Mới.

Tôi cũng xin nói thêm, như một lời cáo lỗi, là theo yêu cầu của tác giả, xin cho tôi gọi thân mật là chị Châu, với bản tính khiêm nhường mà chúng ta ai quen chị hay hoạt động với chị đều biết, chỉ muốn buổi ra mắt sách trong không khí “thân tình - ấm cúng”giữa bạn bè thân hữu, vì vậy mà chúng tôi đã chỉ liên lạc qua điện thoại, email, hay trực tiếp. Do đó mà không có thư mời như thủ tục thông thường. Mong quí vị và quí bạn thông cảm và bỏ qua cho. Cũng trong tinh thần đó, chị quyết định không bán mà chỉ tặng sách, và thay vì trả tiền sách, xin ủng hộ (donation), tất cả số tiền thu được chị tặng cho Hội Người Việt Toronto để sử dụng vào các dịch vụ cộng đồng hữu ích.

Riêng trong buổi ra mắt sách hôm nay, chúng tôi ghi nhận và chân thành cảm ơn ông Trần Gia Phụng đã nhận lời tham dự phần bình phẩm sách, và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, đã ưu ái gửi thư riêng cho tác giả, đồng thời thâu âm qua CD nội dung bức thư của anh, mặc dù bận rộn công tác không có mặt tại Toronto hôm nay để tới tham dự. Điều đáng quí là cả hai anh đều nhận lời, mặc dù thời gian được yêu cầu rất ngắn ngủi, nhất là anh Ngạn chúng tôi chỉ mới liên lạc được trong tuần này. Một lần nữa, xin thành thật cảm ơn hai anh.

Chúng tôi cũng đặc biệt cảm ơn anh Đỗ Tiết Nghi của Thời Báo, anh Thái Trung của Saigon Canada đã viết điểm sách. Riêng Thời Báo đã cho đăng nguyên chương đầu của cuốn sách”Tôi di tìm Cha” để độc giả theo dõi trong ấn bản tuần này.

Bây giờ, như anh Lương [Trần Trung Lương, bút hiệu Trà Lũ] nói, chắc có nhiều vị thắc mắc tại sao có buổi ra mắt sách ngày hôm nay?

Xin thưa rằng tác giả, mà từ đây chúng tôi gọi thân mật là chị Châu, như nhà văn Trà Lũ nói, gốc gác vốn ở thủ phủ của đại đa số dân tị nạn Tổ Rồng To chúng ta, nên chị muốn chính thức ra mắt cuốn sách chị vừa hoàn thành tại đây, trong không khí “thân tình, ấm cúng.” Bản chất khiêm nhường, chị không muốn tổ chức “rầm rộ”, như loan tin trong các tổ chức của cộng đồng chẳng hạn, nên ngay cả thư mời cũng không có. Tôn trọng yêu cầu của chị, Ban Tổ Chức chỉ liên lạc qua điện thoại hay email hay trực tiếp.

Do đó, nếu quí vị, đặc biệt là giới truyền thông và hội đoàn, không nhận được thư mời chính thức thi xin vị tình thông cảm với chị và Ban Tổ Chức.

Nhưng “thân tình, ấm cúng” không có nghĩa là không cần thiêt. Trái lại phải nói là rất cần thiết, vì tầm quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của cuốn sách, như ghi chú trong trang bìa chót của cuốn sách: “Chỗ đứng xứng đáng của ông cũng như nhiều người yêu nước bị giết vào thời kỳ cuối năm 1945 và sau đó, cần được xác định rõ lại trong lịch sử cận đại nước Việt Nam. Chúng tôi mong quyển sách này là một trong những bằng chứng trả lại sự thật cho lịch sử đã bị bóp méo từ lâu”.

Và lời bình của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: “Tôi xin cảm ơn chị đã để lại cho đời một tác phẩm thật giá trị, góp phần vào nguồn sử liệu quan trọng của đất nước”.

Thêm lời tâm sự của nhà văn Phan Thị Trong Tuyến, đồng tác giả, trong “Đôi dòng tâm sự”: “… Quyển sách này còn là bản cáo trạng và chứng cớ xác thực bác bỏ lời vu khống của kẻ sát nhân giấu mặt. Quyển sách này tự nó cũng là một đàn tràng giải oan cho cả một thế hệ…”

Đây là cuốn sách cần đọc và phải đọc vì những lý do nêu trên, và tầm quan trọng đó cũng chính là lý do của buổi ra mắt sách ngày hôm nay.

Riêng với chị Châu, khi kết thúc chương “Tôi đi tìm Cha” chị có viết, “Tôi cũng tự hào là đóng góp được phần nào để làm sáng tỏ một chương lịch sử Việt Nam bị mờ phai vì che giấu hay bị bóp méo vì luận thuyết một chiều của người thắng cuộc… Tôi hãnh diện có người cha tên Trần Văn Thạch”.

Chị quá khiêm nhường đấy thôi. Phải nói là chị đã đóng góp được một phần vô cùng quan trọng cho một giai đoạn lịch sử đầy tang tóc của dân tộc cho đến nay sẽ còn nằm trong bóng tối nếu không có tác phẩm của chị ra đời. Cuốn sách của chị là một lời cảnh tỉnh cho những kẻ ngoan cố lấy cứu cánh biện minh cho hành động, dù biết hành động đó là vô nhân, vô đạo.

Thật vậy, tất cả những ai yêu tự do, trọng sư thật cũng sẽ rất hãnh diện có một người như chị, đã cống hiến cho Việt Nam một trang sử mới, tôn vinh những nhân vật ái quốc chân chính như cha của chị và các người bạn đồng chí hướng với ông như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Sở… và nhóm La Lutte của các ông.

Từ nay, chị không cần tự giới thiệu, mà cũng chẳng cần ai giới thiệu là ái nữ của nhà cách mạng Trần Văn Thạch, vì chỉ nguyên sự hiện diện của chị đủ để mọi người biết chị là ai!

Xin cảm ơn quí vị.