Dạ Lan – Người em gái hậu phương

Hơn ba mươi năm qua rồi, Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt từ lâu rồi. Tất cả hồ sơ mật đều đã được giải mã để cho mọi người được rõ sự thật.

Dạ Lan đâu?
Cô còn ở Việt Nam? Hay đã định cư ở một quốc gia đệ tam nào đó?
Sao không thấy cô xuất hiện?


Chúng ta đồng ý, trong thời chiến, vì lý do an ninh, vì lý do bảo mật, Dạ Lan không thể xuất hiện trước công chúng.

Nhưng bây giờ, mọi hồ sơ, dù là tối mật, cũng đã được bật mí. Dạ Lan cũng nên xuất hiện để cho chúng ta được ngưỡng mộ cô như một chiến sĩ.

Chiến tranh tâm lý quan trọng cũng như chiến tranh nơi chiến trường.

Người lính chiến xông pha ngoài mặt trận, cũng cần phải được nâng đỡ về tinh thần. Tinh thần có vững chắc thì mới an tâm mà chiến đấu.

Đã có một vị Tướng tuyên bố:

“Một người cầm bút đứng đắn, có giá trị còn hơn là cả một Sư Đoàn lính trang bị đầy đủ”.

Tôi cũng có thể nói ké vào:

“Một người con gái hậu phương, với chiếc micro trong tay và giọng nói đi xâu vào lòng người, cũng sẽ có giá trị hơn là một Sư Đoàn lính trang bị đầy đủ”.

Dạ Lan cũng là một chiến sĩ vậy!

Ai có tội thì bị chê trách. Ai có công thì phải được tưởng thưởng, được ngưỡng mộ.

Dạ Lan có công đã giữ vững tinh thần, đã đem lại niềm vui cho chúng ta, những người chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Cô phải được ngưỡng mộ, phải được vinh danh trước quần chúng.

Có người nói, Dạ Lan có thể vì lý do gia đình nào đó, không muốn xuất hiện trước quần chúng.

Không đúng! Dạ Lan đã đi vào lịch sử. Ngoài gia đình, cô còn là người của quần chúng. Không thể vì lý do gia đình mà từ chối vai trò đối với quần chúng.

Cũng có người cho rằng, Dạ Lan có giọng nói thật hay, nhưng gương mặt lại . . . thật xấu, nên không muốn xuất hiện.

Lại càng không đúng!

Chúng ta ngưỡng mộ Dạ Lan vì việc làm của cô, vì công lao của cô, chứ không phải vì cô xấu hay đẹp.

Đại Tá Nguyễn Văn Nam và Trung Tá Phạm Huấn chắc chắn sẽ biết Dạ Lan hiện đang ở đâu?

Trung Tâm Thúy Nga, trong DVD số 88 với chủ đề”Đường Về Quê Hương”, đã mời được Đại Tá Nguyễn Văn Nam và Trung Tá Phạm Huấn, chắc chắn cũng sẽ mời được Dạ Lan xuất hiện trong chương trình của họ trong một tương lai gần đây.

Nếu chúng ta chỉ biết vinh danh những chiến sĩ ngoài tiền tuyến mà quên đi những chiến sĩ làm công việc tâm lý chiến, là không công bằng.

Nếu Dạ Lan, vì một lý do cá nhân nào đó, mà không xuất hiện trước công chúng để được vinh danh, đó là một điều đáng tiếc.

Riêng cá nhân tôi, anh Bãy, và những người người lính chiến khác, vẫn còn nhớ tới Chương TrìnhDạ Lan. Chúng tôi may mắn còn giữ được một CD ghi lại một trong những chương trình phát thanh của Dạ Lan.

HUYỀN THOẠI DẠ LAN – 30 09 2008

Vào khoảng tháng Năm 2008, nhân xem cuốn DVD của trung tâm văn nghệ Asia, với tựa đề”Lá thư từ chiến trường”, tôi đã ngẫu hứng viết một bài, đặt tên là”Lá thư chưa viết từ chiến trường” để nói về một lá thư không được băng nhạc này đề cập tới. Đó là trường hợp của một chiến hữu không quen nhưng cùng binh chủng Biệt Động Quân với tôi, là Cố Thiếu Úy Nguyễn Ngọc Lân. Lân ở chiến trường nhưng chưa kịp viết thư cho người yêu thì đã tử trận rồi. Thư chưa viết thì lấy đâu ra mà nhắc tới? Tôi đã tự biện hộ cho Asia như vậy.

Đang khi dòng suy tưởng của tôi trở về với quá khứ, nhớ lại những bạn bè đồng ngũ thủa xưa, tôi chợt nhớ tới một người bạn khác mà tôi cũng chưa từng quen biết, nhưng vẫn hằng đêm tâm sự với những người lính như chúng tôi. Một người bạn mà lâu quá chúng ta không có dịp nhắc tới:

Dạ Lan.

Đúng vậy! Từ ngày vượt biên tìm tự do cho tới nay, tôi chưa được nghe ai nhắc tới”Chương Trình Dạ Lan” của đài phát thanh”Quân Đội” ngày xưa cả! Có thể đã có nhiều người nói về người”Em gái hậu phương” đặc biệt này rồi, mà chỉ vì tôi ỏ Xứ Úc xa xôi, nên đã không được dịp biết tới hoặc đọc được. Hình như đã có một người bạn cho tôi một cuốn cassette tape thâu tiếng nói Dạ Lan và những bản nhạc lính. Tôi kiếm lòng vòng một hồi mới ra cuốn tape, bỏ vào máy nghe lại giọng nói Dạ Lan thủa nào. Thật là một sự trùng hợp: Dạ Lan trong chương trình này lại có nhắc tới Nguyễn Ngọc Lân bằng những lời giới thiệu thật là cảm động, thật là oai hùng, và rồi mời mọi người thưởng thức bài hát”Một người đi” do Mai Châu sáng tác, để tặng người lính đáng thương với đời lính đếm được trên đầu ngón tay, và cô em gái hậu phương đã hứa”Thương anh trọn đời”.

Vợ tôi đang đứng nghe ké, nhắc tuồng:

“Hình như trong cuốn DVD em vừa mới mua, có ai đó cũng nhắc tới chương trình Dạ Lan”

Hai vợ chồng lại hì hục lục chồng DVD để tìm cho ra . . . ai đó là ai mà nhắc tới Dạ Lan?

Thế là tôi viết”Huyền Thoại Dạ Lan” để nhắc tới một chiến hữu đã bị bỏ quên trong đời sống bận rộn của chúng ta.

Chiến tranh đã qua đi hơn ba mươi năm về trước, đa số anh em lính chiến chúng ta đã có cuộc đời phẳng lặng trở lại. Người thì vượt biên tìm tự do ở bất cứ quốc gia nào có tự do trên thế giới, kẻ được đưa qua Mỹ trong chương trình đoàn tụ gia đình hoặc bảo lãnh nhân đạo. Một số khác sau những năm dài bị bọn VC cầm tù, đã chọn con đường ở lại quê nhà. Nhưng anh em chúng ta đều đã có dịp gặp lại nhau hoặc biết tin tức của nhau bằng cách này hay cách khác.

Chỉ có một người mà chúng ta vẫn thấy vắng bóng: Dạ Lan.

Vắng bóng thì không đúng cho lắm, vì đa số anh em lính chiến chúng ta, không ai biết mặt và biết tên thật của Dạ Lan cả, do đó, nếu cô xuất hiện, đứng ngay trước mặt, chúng ta cũng chẳng biết cô là ai.

Chúng ta vắng tiếng nói của Dạ Lan thì đúng hơn. Hơn mười năm trời, từ 1964 cho tới 1975, Dạ Lan mỗi tối đều đến tâm sự đầy vơi với chúng ta qua”Chương Trình Dạ Lan” của Đài Phát Thanh Quân Đội.

Tôi đã đặt câu hỏi:

Dạ Lan đâu rồi? Sau 1975, cô có bị đi tù cải tạo như anh em chúng ta hay không? Hoặc là cô đã vượt biên tìm tự do và đang sống hạnh phúc ở một chân trời nào đó? Mặc dù cô ở đâu đi nữa, chẳng thấy ai nhắc tới cô cả!

Có ai biết Dạ Lan đang ở đâu hay không?

Hai bài viết này của tôi đã được Việt Luận đưa lên website”Vietluanonline” để mọi người cùng đọc.

Từ khắp nơi trên thế giới, bạn đọc đã viết thư, email và gọi điện thoại về cho tòa soạn, cho chính tôi, để xin copy của CD”Chương trình Dạ Lan” mà tôi hứa tặng cho bất cứ ai muốn nghe. Như vậy, tức là đã có rất nhiều người còn nhớ tới Dạ Lan, người xướng ngôn viên đặc biệt đã đi vào đời sống của đại đa số người Việt Nam chúng ta như một huyền thoại.

Anh Vũ Bảo, Không Quân, đã email cho tôi không biết bao nhiêu lần:

“Càng nghe, càng thấy hay! Nhớ đời lính của tôi quá!”

Những bạn đọc khác đã cho tôi biết rất nhiều về những tin tức mà tôi và các bạn đọc khác muốn biết, mong mỏi được biết.

Huynh trưởng Biệt Động Quân Vũ Mộng Long (Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân) cũng email cho tôi, nói rằng:

“Dạ Lan hiện đang ở Mỹ, chính Phạm Hậu đã nói cho tôi biết như vậy.”

Làm cho tôi cảm thấy ấm lòng, vì dẫu sao, Dạ Lan cũng đã và đang sống trong cộng đồng quân dân cá nước và chắc chắn là cô đang có một cuộc sống gọi là êm ả.

Cuối tháng Tám qua đầu tháng Chín, những tháng bận rộn nhất trong cuộc đời làm việc của tôi. Tôi kéo cầy tối tăm mặt mũi, nhưng vẫn ráng viết bài cho Việt Luận. Bất chợt nhận được một email của vợ chồng LT ở bên Mỹ, xin một copy của chương trình Dạ Lan.

Nhận được CD, nghe đã đời, hai vợ chồng lại email cho tôi:

“CD Dạ Lan của anh sao giống . . . CD của Ca Sĩ Hoàng Oanh, trong cuốn băng Hoàng Oanh số 2, chủ đề”Thương người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà” phát hành năm 1994, do chính Dạ Lan nói lời giới thiệu”.

Tôi ngạc nhiên quá! Dạ Lan đang có mặt và vẫn còn hoạt động trong cộng đồng người Việt Hải Ngoại? Tôi phải kiếm cho ra cuốn băng đó mới được.

Sau giờ làm việc, vợ chồng tôi hăm hở tới tiệm bán CD/DVD Khai Trí ở Footscray (Melbourne) để nhờ chủ tiệm tìm dùm cuốn băng nhạc. Trong computer thì thấy có, nhưng trên thực tế thì để đâu không biết, vì lâu quá rồi, mười bốn năm qua rồi, đem cho máy xay hết rồi không chừng! May quá, kiếm muốn banh cửa tiệm ra, chúng tôi cuối cùng cũng tìm thấy cuốn CD Hoàng Oanh”Thương người chiến sĩ VNCH”

Tôi về nhà mở máy nghe thử: Giống y như cuốn CD”Chương trình Dạ Lan” mà tôi đang có, chỉ khác là, cuốn CD của tôi thì không đầu không đuôi, còn CD của Hoàng Oanh thì có đủ cả đầu đuôi, in hình đường hoàng, lại còn ghi rõ: Mai Châu và Phạm Hậu viết lời giới thiệu, do Dạ Lan (Mỹ Linh) đọc.

Tôi thắc mắc quá, và nhận thấy LT quen biết nhiều, nên đã nhờ họ tìm Dạ Lan dùm. Mấy ngày sau, vợ chồng LT lại email qua, cho tôi biết tin tức thật là sốt dẻo:

“Trong website của nhà văn Hoàng Hải Thủy, có đề cập tới Dạ Lan”.

Tôi vội vàng dùng máy computer đi vào website để đọc tin tức của nhà văn này. Ông cho biết, Dạ Lan còn ở Việt Nam, và kèm theo tấm hình chụp vào năm Dạ Lan trong một bữa tiệc cưới. Ông hứa sẽ viết thêm về cô, mà ông gọi là”Một nghệ sĩ bị bỏ quên”

Mặc dầu tôi chưa từng biết mặt Dạ Lan, nhưng ông Hoàng Hải Thuỷ biết, và trưng hình ra đường hoàng, nên tôi tin là đúng.

Như vậy nghĩa là sao?

Dạ Lan nào đang ở bên Mỹ, đọc lời giói thiệu cho CD của ca sĩ Hoàng Oanh?

Dạ Lan nào đi dự tiệc cưới ở Việt Nam?

Tôi chưa kịp suy nghĩ lâu, thì vợ chồng LT lại email qua, cho biết chính xác như sau:

“Chúng em đã gọi điện thoại tới chị Hoàng Oanh để đặt mua một cuốn CD tặng cho anh. Nhân dịp này, chị Hoàng Oanh cho biết:

Có tới . . . hai Dạ Lan lận! Cả hai đều làm xướng ngôn viên cho”Chương Trình Dạ Lan” của đài Quân Đội.

Tôi xin trích đăng bản tìn sau đây mà nhà văn Hoàng Hải Thủy đã nhờ vợ chồng T & L chuyển cho tôi:


DẠ LAN, EM GÁI HẬU PHƯƠNG

Đây là Thư của một người đọc www.hoanghaithuy.com gửi tôi:

* Hôm trước cháu có gửi thư xin Chương Trình Dạ Lan của ông Nguyễn Khắp Nơi trong báo Việt Luận, liên lạc qua lại thì nay ông Nguyễn Khắp Nơi có thư nhờ cháu tìm giùm địa chỉ của cô Dạ Lan.*

Thư của ông Nguyễn Khắp Nơi:

* Tôi là lính, anh em tôi là lính, chúng tôi quý Dạ Lan lắm, vì cô đã cùng chiến đấu với chúng tôi, dù là cô ở hậu phương; do đó, chúng tôi muốn gặp cô, chúng tôi muốn mời cô qua Úc để gặp và nói chuyện với anh em nhà binh chúng tôi. Cuộc mời-gặp sẽ do báo Việt Luận tổ chức.

Chị có thể giúp chúng tôi tìm ra địa chỉ của cô Dạ Lan để chúng tôi được tiếp xúc với cô, hay không?

Tôi chắc anh em lính tráng ở khắp nơi trên thế giới đều muốn gặp mặt hàn huyên với Dạ Lan.*


Cháu nghe họ muốn gặp cô Dạ Lan cháu cảm động, nên nhờ bác, nếu bác có địa chỉ của cô Dạ Lan thì cho họ. Cháu cảm ơn bác nhiều lắm.*

Đọc đi đọc lại những dòng bác kể về cô Dạ Lan, cháu ngậm ngùi thương cảm, không biết nhan sắc cô DL thế nào mà cuộc đời cô truân chuyên quá thế.

Bạn bè cháu ai cũng mong chờ bài viết của bác về cô Dạ Lan.

Hôm nay cháu gọi phone đến cô Hoàng Oanh để hỏi mua CD nhạc. Nhân lúc nói chuyện, cháu hỏi cô Hoàng Oanh về cô Dạ Lan, người đọc lời giới thiệu những bài hát trong CD Hoàng Oanh”Thương người lính VNCH” phát hành năm 1994 tại Mỹ.

Cô Hoàng Oanh cho biết có 2 cô Dạ Lan. Cô Dạ Lan đầu tiên, cô Dạ Lan Số 1, làm việc trong Chương Trình Dạ Lan, Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH, hiện sống ở VN, cô Hoàng Oanh chưa liên lạc được. Còn cô Dạ Lan, tên là Mỹ Linh, người nói lời giới thiệu trong CD của Ca sĩ Hoàng Oanh là cô Dạ Lan Thứ 2 hiện đang ở Mỹ. *

Đây là Thư ông Nguyễn Khắp Nơi gửi Hoàng Hải Thủy:

* Kính gửi Ông Hoàng Hải Thủy,

Tôi (bút hiệu) là Nguyễn Khắp Nơi. Khoảng tháng 5/ 2008, tôi viết bài”Lá thư chưa viết từ chiến trường” và bài”Huyền thoại Dạ Lan” nhân xem hai cuốn DVD của Asia và Thúy Nga. Bài tôi viết đăng trên báo Việt Luận và vietluanonline.com.au

Hôm nay, có một độc giả gởi thư đến tôi, xin CD Dạ Lan mà tôi đang có, bạn này cho biết, trong website của ông cũng có bài viết về Dạ Lan, người bạn gửi website của ông cho tôi. Tôi đã vào website này đọc và rất lấy làm mừng vì đã có thêm tin tức về Dạ Lan.

Nhưng tin này lại làm cho tôi thắc mắc thêm. Một số huynh trưởng của tôi nói rằng cô Dạ Lan đang ở Mỹ, nhưng không có ai trưng ra bằng cớ. Còn website của ông có đưa hình cô Dạ Lan và viết cô Dạ Lan hiện ở Sài Gòn.

Tôi là môt trong những người còn nhớ Dạ Lan, tôi gởi bài viết của tôi về Dạ Lan để ông đọc, mong được đọc bài của ông viết rõ hơn về Dạ Lan.

Ngừng đăng Thư.


Công Tử Hà Đông:

Năm 1960 Dạ Lan sinh con gái. Cô nuôi con và sống một mình, không kết hôn với ai. Cô con của Dạ Lan có người bạn trai quốc tịch Pháp, Sau Tháng Tư 1975 anh này về Pháp, Khoảng năm 1985 anh trở lại Sài Gòn, cưới con gái cô Dạ Lan, mang vợ sang Pháp. Tôi chắc cô con của Dạ Lan không có điều kiện bảo lãnh bà mẹ cô sang Pháp.

Năm 1990 tôi đi tù về, gặp lại Dạ Lan. Cô sống với một người bạn của tôi. Năm 1995 bánh xe lãng tử đưa vợ chồng tôi sang Mỹ. Thỉnh thoảng vợ tôi gọi phone về nói chuyện ríu rít với Dạ Lan. Vợ chồng tôi, con gái tôi, rất mến Dạ Lan, cô sống với ông bạn tôi như vợ chồng đến 4, 5 năm, chúng tôi yên trí là cô sẽ có hạnh phúc suốt đời.

Con gái tôi là Kiều Giang, người có mặt trong bức hình đám cưới con trai Nhà Văn Uyên Thao đăng trong bài này, những năm ấy con gái tôi còn ở Sài Gòn. Khoảng năm 1997, 1998, qua phone con tôi cho chúng tôi biết cô Dạ Lan không còn sống với ông bạn tôi, cô đi đâu, ở đâu, con tôi không biết.

Dường như cô Dạ Lan không muốn gặp lại giới văn nghệ sĩ quen biết cô ngày xưa. Như vậy là cả chục năm chúng tôi không có tin tức gì về cô. Năm 2006, 2007, chúng tôi được tin cô sống bình yên trong một ngôi chùa ở ngoại thành Sài Gòn, cô không xuống tóc tu hành mà cô là nữ cư sĩ, cô cùng các ni sư nhà chùa làm những việc công quả, từ thiện, giúp người nghèo, các em mồ côi. Chúng tôi không biết cô đang ở chùa nào, chùa ở đâu.

Nếu con gái tôi còn ở Sài Gòn, tôi chắc cháu đi tìm cô Dạ Lan không khó lắm, nhưng nay cháu đã sang Mỹ với chúng tôi. Tôi sẽ nhờ người quen ở Sài Gòn tìm cô Dạ Lan.

Mong quí vị hiện ở Sài Gòn đọc điện thư này giúp chúng tôi tìm cô Dạ Lan, xin cho cô Dạ Lan biết chúng tôi ở hải ngoại đang tìm cô.

Cám ơn quí vị.

CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG.

Như vậy, bạn và tôi đã biết thêm rất nhiều về Dạ Lan rồi đó. Nhưng chưa hết đâu,

vì . . . Cụ Hoàng Hải Thủy (Cụ sinh năm 1933, hơn tôi 13 tuổi) đã hứa nhờ người quen tìm Dạ Lan dùm chúng ta kia mà! Hoàng Hải Thuỷ đã hứa thì chắc ăn như bắp. Chúng ta ráng chờ chút xíu, sẽ có tin của ông.

(xin đừng . . . Gọi Ông Bằng Cụ, nghe nó . . . không êm tai chút nào, nghe . . . dễ ghét lắm, cứ gọi ông là Hoàng Hải Thủy, nghe nói . . . trẻ trung . . . mãi mãi).

Theo số điện thoại L&T cho tôi, tôi đã nhịn ăn trưa mua một cái thẻ điện thoại gọi qua Mỹ cho Hoàng Oanh.

Một giọng . . . không phải của Hoàng Oanh trả lời điện thoại (vì đó là giọng đàn ông):

– “Dạ, tôi là Nguyễn Khắp Nơi, ở bên Úc, xin được nói chuyện với Ca Sĩ Hoàng Oanh”

Ngoài sức tưởng tượng của tôi, đầu dây bên kia, giọng đàn ông đó trả lởi tôi:

– “Anh An, tui nè!”

Tôi . . . hết hồn! Chắc hồi xưa tôi . . . có thiếu tiền ông này, nên ông nhớ giọng nói của tôi, nghe là biết liền, nói ra trúng phóc tên cúng cơm của tôi! Tôi . . . rét quá, tính . . . tẩu vi thượng sách:

“Sorry, wrong number” và cúp máy. May quá, ông đó nói tiếp:

– “Tôi . . . chồng của Hoàng Oanh nè! Tôi là . . . Mai Châu đó!”

– “Ôi trời đất ơi! Tôi và các độc giả của Việt Luận đang muốn gặp anh để hỏi thăm tin tức của Nguyễn Ngọc Lân và của Dạ Lan đó. May quá, tìm được anh rồi! Mà sao . . . tôi nói tôi tên là Nguyễn Khắp Nơi, sao anh lại . . . kêu tôi là . . . An?”

–”Tại vì tôi có đọc bài báo của anh viềt về bài thơ và nhạc của tôi rồi. Đọc thấy anh nói anh là lính Biệt Động Quân, mà anh em Biệt Động Quân bên Mỹ tôi quen nhiều lắm, nêu gọi điện thoại cho ông San, ông Đĩnh để hỏi thăm về anh, họ cho tôi biết về anh rồi, nên khi nghe anh xưng”Nguyễn Khắp Nơi”, tôi biết là anh liền! Tôi cũng là lính mà, giống như anh vậy đó.”

Lính mà em!


Nghe Mai Châu xưng mình là lính, tự nhiên tôi có cảm tình với anh nhiều lắm, nhiều hơn khi biết anh là nhạc sĩ lắm lắm, vì Lính, có nghĩa là . . . Phe Ta, có nghĩa là bạn của tôi, bạn của anh, bạn của tất cả những người Lính Việt Nam Cộng Hòa.

Thế là hai anh em (cứ nhận đại là như vậy đi, gặp người sang mà không bắt quàng làm họ thì uổng lắm.) nói chuyện lia chia không dứt. Có khi anh nói không cho tôi kịp chen vào, và cũng có khi tôi nói vung nước miếng (may là tôi không đứng trước mặt anh) không để cho anh một dịp may nào cả.

Mai Châu đã nói với tôi một câu như vầy:

“Nhiều người mời vợ chồng tụi tôi về Việt Nam lắm, anh ạ! Nhưng chúng tôi không về, vì tôi ghét tụi chúng nó lắm . . .

Khi nào chúng nó chết hết . . . thì chúng tôi sẽ về”

Tôi đã la lớn lên thích thú:

“Hay! Anh nói hay quá! Chí Lý! Chí Lý! Tôi phục anh! Tôi cũng có ý nghĩ như anh vậy đó!

Không biết anh là ai, nhưng nếu đi ngoài đường, nghe đuợc anh nói câu này, là tôi đã phục anh rồi, huống chi anh lại là Mai Châu!

Anh Mai Châu, tôi thích câu nói này của anh lắm, cho tôi . . . làm bạn với anh nhe!”

Thế là chúng tôi quen nhau, vì cùng là Lính, vì cùng một ý nghĩ.

Anh cho tôi biết thêm, vợ chồng anh mới có cháu nội, nên giờ này (khoảng hơn 6 giờ tối), nữ ca sĩ nhà ta lo đi trông cháu rồi, đừng mong gặp.

Ngày hôm qua, khi tôi đang viết bài này, thì L& T lại gởi cho tôi một email nữa, cho biết:

Hoàng Hải Thủy đã kiếm ra Dạ Lan rồi.

CHÀO CÔ DẠ LAN, CÔ VẪN MẠNH KHỎE CHỨ?
NGUYỄN KHẮP NƠI – 22 10 2008


Dạ Lan

Trở lại đề tài về Dạ Lan.

Không phải chỉ một mình tôi và anh em nhà binh ở Úc còn nhớ, còn nhắc nhở tới Dạ Lan, mà là rất nhiều anh em lính chiến ở khắp nơi trên thế giới cũng đều nhắc nhở tới cô. Điểm qua làng báo và websites trên toàn thế giới, từ khi tôi viết bài đầu tiên về Dạ Lan”Lá thư chưa viết từ chiến trường – Huyền thoại Dạ Lan”, đã có nhiều người nói tới Dạ Lan và chương trình Dạ Lan, mà tôi xin được tóm tắt như sau:

Cha đẻ của chương trình Dạ Lan là Đại Tá Trần Ngọc Huyến.

(Đại Tá Huyến di tản sang Hoa Kỳ vào năm 1975. Ông qua đời Vào ngày 15 Tháng Mười Một, 2004, tại Houston Texas, vì bệnh tim, hưởng thọ 80 tuổi.)

Sau năm 1963, Đại Tá Huyến đảm nhiệm chức vụ Thứ Trưởng Bộ Thông Tin, kiêm Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Ông có rất nhiều sáng kiến thay đổi cách thức tuyên truyền và nâng cao tinh thần binh sĩ. Từ đó, ông đã tìm hiểu, sưu tầm những chương trình tương tự của các quốc gia khác trên thế giới và đã đặt ra những chương trình phát thanh như sau:

Chương trình Gia Binh, nhắm vào gia đình của các chiến sĩ.

Chương trình Đồng Minh Vận, nhắm vào các chiến sĩ đồng minh và gia đình của họ.

Chương trình Dạ Lan, nhằm nâng cao tinh thần của các chiến sĩ.

Sau khi bàn bạc kỹ càng với Quản Đốc Ðài Phát Thanh Quân đội thời đó là Thiếu Tá Nguyễn Văn Văn Thúy, tức nhà văn Kỳ Văn Nguyên, chương trình Dạ Lan đã được ra đời (tên của chương trình phát thanh cho lính được đặt là Dạ Lan, trước khi tìm được xướng ngôn viên. Kế tục chức vụ quản đốc đài Quân Đội là Thiếu Tá Phạm Hậu, tức nhà thơ Nhất Tuấn. Cuối cùng, từ năm 1969 cho đến khi tan hàng, quản đốc đài là Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến tức là nhà văn Văn Quang).

Xướng ngôn viên đầu tiên của chương trình Dạ Lan, do một trùng hợp bất ngờ, lại có tên là Lan. Cô không phải họ Nguyễn như tôi, mà là họ Huỳnh, Huỳnh thị Xuân Lan (cũng có khi không phải họ Hoàng). Mặc dù giọng đọc của cô là giọng Bắc Kỳ thứ thiệt, nhưng cô lại sinh quán ở Quảng Nam. Thời đó, thời 1963, cô Lan đang làm xướng ngôn viên cho đài phát thanh Quân Đội ở Đông Hà, phát về phía bên kia chiến tuyến, do Nhất Tuấn và Hà Huyền Chi điều khiển. Nhờ giọng đọc (Bắc Kỳ) êm ấm ngọt ngào (do Hà Huyền Chi hướng dẫn phát âm), cô đã lọt vào mắt xanh của các quan to và được đưa từ Đông Hà về tới Sài Gòn để nói trong chương trình Dạ Lan:

“Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái Hậu Phương, gởi cho những người anh trai Tiền Tuyến”

Danh xưng”Em Gái Hậu Phương” và”Anh Trai Tiền Tuyến” cũng là từ chương trình Dạ Lan mà ra, để rồi sau đó đã đi xâu vào lòng người dân Việt, vào tâm khảm những người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Các nhạc sĩ chuyên viết nhạc Lính cũng theo đó mà lồng vào bài hát của mình những danh từ kể trên.

Chương trình Dạ Lan bắt đầu vào buổi tối, từ 7 giờ tới 9 giờ, mỗi ngày, gồm có những mục tin tức, thời sự, điểm báo, văn nghệ và thư tín.

Phần hấp dẫn nhất của chương trình Dạ lan là phần nhạc và thư tín, do Dạ Lan giới thiệu từng bản nhạc và trả lời từng bức thư của các anh trai tiền tuyến gởi về. Cho đến bây giờ, những lời nói ngọt ngào của Dạ Lan hầu như vẫn còn âm vang trong tiềm thức của các anh trai tiền tuyến.

Chương trình Dạ Lan đã được anh em quân nhân chúng ta đón nghe một cách say mê và ưa thích, nhất là những anh trai nào đóng quân ở xa nhà, những tiền đồn hẻo lánh. Những người lính viết thư về cho Dạ Lan nhiều tới nỗi đài Quân Đội phải tuyển thêm một số nữ nhân viên để phụ trách vấn đề trả lời thư của các”anh tiền tuyến” hằng đêm. Một số thiệp chúc tết, chụp hình cô Xuân Lan cũng được Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành để gởi tặng đến các chiến sĩ tiền đồn (bức hình Dạ Lan ở đầu bài là trích trong cuốn báo Xuân Cộng Hòa năm 1965) .

Tuy vậy, nhân vật”Em Gái Hậu Phương Dạ Lan” chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay ngoài đời, mà chỉ duy nhất qua làn sóng điện mà thôi. Cũng vì thế mà có người nói tấm hình trên chỉ là hình một cô gái . . . nào đó. Tấm hình Dạ Lan không rõ mặt, tóc thề ngang vai, mặc áo dài tím, mà tôi đã nhắc tới trong bài viết đầu tiên”Huyền Thoại Dạ Lan” cũng thuộc loại . . . cô gái nào đó mang tên Dạ Lan. Cũng chính vì thế mà Dạ Lan mới trở thành huyền thoại. Để tôn trọng cái huyền thoại này, mà đã có người không đồng ý khi tôi đăng hình Dạ Lan lên báo. Theo những anh em này, Dạ Lan nổi tiếng là vì cô hư hư thực thực, không ai biết cô là ai. Chứ khi biết rồi, thì cô chỉ là một người trần gian như chúng ta thôi, thì mất vui đi rồi.

Sau biến cố 30 tháng Tư, chương trình Dạ Lan không còn nữa, đa số nhân viên làm việc cho đài phát thanh Quân Đội đều đuợc di tản. Trong thời gian đầu tiên ở đất khách quê người, ai cũng phải lo cuộc sống gia đình trước hết. Đến khi cuộc sống tạm ổn định, mọi người mới bắt đầu tìm kiếm nhau.

Kiếm tới kiếm lui mới thấy thiêu thiếu một cái gì đó.

Cái gì đó là cái chương trình Dạ Lan mà hằng đêm chúng ta vẫn thường nghe, dù là ở tiền tuyến hay là ở hậu phương. Từ đó, anh em mới đặt câu hỏi: Dạ Lan đâu?

Sau khi bài viết”Lá thư chưa viết từ chiến trường – Huyền Thoại Dạ Lan” của tôi đuợc đăng trên Việt Luận và Vietluanonline, đã rất nhiều độc giả tiếp xúc với tôi để cùng nhau tìm Dạ Lan.

Một độc giả đã tìm ra trong website của nhà văn Hoàng Hải Thủy cũng có đề cập tới Dạ Lan. Ông HHT cho biết, Dạ Lan quen biết với gia đình ông từ trước 1975, cho tới khi gia đình ông qua Mỹ vào năm 1995, vợ ông vẫn thường gọi điện thoại về nói chuyện với Dạ Lan. Chỉ sau này, tức là vào khoảng 1998, Dạ Lan vì lý do gì đó, đã vắng bóng giang hồ. Ông hứa sẽ nhờ những bạn bè còn lại ở Sài Gòn ráng tìm cho ra Dạ Lan.

Đầu tháng Muời 2008, ông Hoàng Hải Thủy đã email cho tôi, báo tin:

“Một người quen đã tìm ra Dạ Lan và đã có địa chỉ điện thư cũng như số điện thoại của cô.”

Ông không biết đúng hay sai, nhưng nói cũng sẽ thử liên lạc, và nói tôi cũng thử như vậy, biết đâu sẽ đúng là người muốn tìm.

Tôi cũng thử gởi email cho Dạ Lan, kèm theo bài viết của tôi về cô và buổi tối hôm đó, vợ chồng tôi hồi hộp ngồi gọi điện thoại về Việt Nam. Tôi gọi hai ba lần mà vẫn không được. Tổng đài điện thoại cho biết, số điện thoại này đã bị cắt từ lâu rồi. Suy nghĩ mãi tôi mới nhớ rằng, gọi ra ngoại quốc, phải bỏ đi số 0 đầu tiên của số điện thoại muốn gọi. Tôi lại hì hục quay số theo cách thức này. Sau vài giây chờ đợi, đầu giây bên kia đã có người nhắc lên. Tôi lên tiếng ngay:

– “Dạ, tôi tên Nguyễn Khắp Nơi, ở bên Úc, muốn nói chuyện với Cô Dạ Lan . . .

– Thưa anh . . . Dạ Lan đang nghe đây.

– A! Dạ Lan đó hả?

Chào cô Dạ Lan, cô vẫn . . . mạnh khỏe chứ?

Cám ơn anh, Dạ Lan vẫn khỏe. Lan đã nhận được meo (email) của anh và của anh Hoàng Hải Thủy. . .

KHÔNG NGỜ RẰNG, CHO ĐẾN BÂY GIỜ, VẪN CÒN CÓ NGƯỜI NHỚ . . .

Nói đến đây thì Dạ Lan đã không kìm được nước mắt, cô bật lên tiếng khóc, nhưng vẫn cố gằng nói tiếp:

ĐẾN BÂY GIỜ MÀ VẪN CÒN CÓ NGƯỜI NHỚ TỚI DẠ LAN HAY SAO?

– Đúng vậy, anh em chúng tôi ở bên này vẫn luôn luôn nhớ tới Dạ Lan, người bạn năm xưa đã cùng tâm sự nói chuyện với chúng tôi hằng đêm.

Lan đã đọc được bài viết của anh, Lan cảm động quá . . .

Rồi cô lại rơm rớm nước mắt. Vợ tôi ngồi kế bên cũng . . . góp phần nước mắt.

– Hơn bốn mươi năm qua rồi, phải không anh?

Hơn bốn mươi năm rồi, nhưng giọng nói của Dạ Lan vẫn không có gì thay đổi, vẫn trong trẻo, vẫn . . . như xưa, không khác gì cả.

Cuộc sống của Dạ Lan hiện tại ra sao? Lý do nào mà cô vẫn còn ở Sài Gòn?

Dạ Lan đã cho tôi biết vắn tắt như sau:

Cô họ Huỳnh, làm việc với chương trình Dạ Lan từ ngày đầu tiên vào năm 1963-1964. Sau đó, vì lý do gia đình, cô đã đổi về làm ở đài phát thanh Đà Lạt. Tới năm 1968, cô trở lại Sài Gòn, làm cho đài phát thanh Sài Gòn về công việc hành chánh. Tới ngày 30 tháng Tư 1975, sau khi TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, cô là người phụ nữ cuối cùng còn ở lại đài phát thanh, để cùng những anh em khác đốt bỏ những tài liệu cần phải bỏ. Trước đó, cô cũng được mời di tản, nhưng không hiểu tại sao, cô không đi.

Cuộc sống của những người ở lại, bạn và tôi, cũng đều đã trải qua: Ai nấy đều lo cho mạng sống, lo cho miếng ăn hàng ngày, lo né tránh bắt bớ, rồi cuối cùng là tù đầy . . . chẳng ai còn có bụng dạ nào mà tìm ai, kiếm ai. Sau đó, người thì tiếp tục bị tù đầy, người thì vượt biên ra ngoại quốc, người thì bôn ba ngược xuôi tìm sống, cố gắng tìm đường vượt biên.

Cuộc sống của Dạ Lan đầy những điều mà cô cho là không được như mong ước. Cho đến bây giờ, cô cũng vẫn còn là một người đàn bà độc thân. Trước đó, cô có một đứa con gái, nay đứa con đã yên bề gia thất ở Pháp, còn cô thì vẫn độc thân, vẫn một mình một bóng, không nhà không cửa, không thân nhân.

Dạ Lan đang ở . . . chùa.

Chùa đây có đầy đủ ý nghĩa của nó: Cô ở trong một ngôi chùa ở vùng ngoại ô đèn vàng. Cô làm công việc từ thiện cho chùa, do đó, cô ăn ở ngay tại đây. . . không phải trả tiền, tức là . . . ăn ở chùa. Cô không mặc áo cà sa, và chưa có ý định mặc áo này, nhưng cô vui vẻ với cuộc sống hiện tại.

Dạ Lan ngày nay như vậy hay sao?

Người em gái ngày xưa đem tiếng nói của mình đi tâm sự, an ủi những anh trai tiền tuyến, những người vợ hiền đang chờ chồng trở về từ miền xa, bây giờ sống một cuộc sống cô độc như vậy hay sao?

Ngày xưa, cô an ủi mọi người đang ở những chốn cô đơn, mưa gió, đạn bay súng nổ.

Ngày nay, người em gái hậu phương sống cô đơn hiu quạnh, có ai biết tới cô để an ủi cô hay không?

Chúng ta thật sự còn nhớ đến cô hay không?


Dạ Lan cho biết, cô hàng ngày đi làm việc thiện nguyện. Nhà chùa quyên được cái màn, tấm chăn, miếng cơm, manh áo, thì cô và những người thiện nguyện khác chất đầy những món quà cần thiết này lên xe, lái tới tận nơi có những người cần dùng nó mà phát cho họ. Rừng nào cô cũng đi, suối nào cô cũng tới, làng xã xa xôi tới đâu, chiếc xe từ thiện của cô cũng lăn bánh tới. Đi như vậy, tuy cực nhưng mà vui, vì mình đã đem lại niềm vui cho họ.

Thì ra, tâm nguyện của Dạ Lan là như vậy! Ngày xưa, cô đem lại niềm vui cho mọi người, đối tượng của cô lúc đó là những chàng trai chiến tuyến, nay cô cũng làm công việc đó, chỉ khác đi cái đối tượng làm việc của cô mà thôi. Đối tượng ngày nay của cô là những người nghèo đói, nghèo hơn cô nữa, đói hơn cô nữa, mặc dù cô chỉ có mỗi manh áo mặc trên người, còn mọi thứ khác, đều . . . của chùa hết.

Tương lai của Dạ Lan ra sao?

– Lan cũng không biết nữa, anh ạ! Danh sách những nơi bị nạn hỏa hoạn, lụt lội, hạn hán . . . còn rất nhiều, chương trình của nhóm cứu trợ của Lan viết trên lịch kéo dài cả mấy tháng trời nữa. Lan chỉ mong trời cho có sức khỏe, để giúp đỡ mọi người.

Cũng có thể một ngày nào đó, Lan sẽ . . . mặc áo tu hành! Biết đâu được!

Cám ơn các anh đã còn nghĩ đến Dạ Lan,

Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của Dạ Lan, tôi sẽ làm gỉ?

Tôi cũng chẳng biết nữa!

Nếu bạn ở trong hoàn cảnh của Dạ Lan, bạn cũng sẽ làm sao?

Lặn lội đường xá xa xôi, công lao cực khổ để tìm ra người bạn quý năm xưa. Tìm ra rồi, bạn sẽ làm gì bây giờ?

Tôi cũng chẳng biết làm gì nữa? Chỉ biết rằng người bạn năm xưa của chúng ta đang ở tình trạng cô đơn, tứ cố vô thân, đang cần sự an ủi của những người mà năm xưa, cô đã từng an ủi họ.

– Chúng tôi, những người bạn của Dạ Lan, muốn tâm sự, muốn giúp đỡ Dạ Lan, thì . . . làm sao bây giờ?

– Thôi anh ạ! Nhớ tới nhau thì cứ nhắc nhở là được rồi! Lan cũng nhớ tới các anh lắm, đi đâu, nhìn thấy những gì còn lại năm xưa, cũng làm cho Lan nhớ lại thời gian đẹp của những ngày làm cho chương trình Dạ Lan. Có nhũng lúc buồn tủi, chỉ đứng khóc một mình.

Cuộc sống của Lan bây giờ rất là đơn giản, cứ như thế cũng được rồi.

Nói thế thì cũng không đúng, phải không anh? Phải nói như thế này:

Cần thì Dạ Lan cần nhiều thứ lắm, nhưng rồi lại chẳng biết mình cần gì!

Muốn nói chuyện với Lan, thì phải đợi khi nào Lan không đi cứu trợ, về lại nhà chùa. Lúc trước, Lan có một cái Laptop, thỉnh thoảng vào net liên lạc với mọi người, nhưng đi rừng đi núi hoài, cái máy rớt mất lúc nào không biết, Lan đang cố gắng dành dụm để mua lại cái khác, nhưng chắc là cũng phải còn lâu lắm. Hiện tại, mỗi lần muốn liên lạc với bạn bè, Lan phải ra phố, vào Internet cafe, nên cũng khá bất tiện.

Thôi thì, nếu ai có muốn liên lạc với Lan, xin anh cứ nhận rồi khi nào tiện thì chuyển dùm cho Lan. Còn, nếu anh bận... thì thôi.

Bạn và tôi, chúng ta có... “Thì Thôi” hay không?

Ở phân đầu, tôi có nói với bạn rằng, Dạ Lan chỉ làm với dài phát thanh Quân Đội tới năm 1966 thôi. Vậy thì ai tiếp tục mà chúng ta vẫn nghe chương trình Dạ Lan hằng đêm?

Người tiếp tục chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, lại vẫn có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Lúc đó, cô Mỹ Linh cũng vẫn đang làm việc cho đài phát thanh Quân Đội, ở chương trình nhạc ngoại quốc yêu cầu. Cô là người Bắc rặt, và vì cô có giọng nói giống hệt như Xuân Lan, nên đã được chọn thay thế để tiếp tục chương trình Dạ Lan mà không ai biết cả. Vì nhân viên đài phát thanh không nói ra ngoài, nên ai cũng tưởng chỉ có một Dạ Lan mà thôi.

Mỹ Linh tiếp tục chương trình Dạ Lan cho tới ngày 29 tháng Tư 1975 thì di tản sang Hoa Kỳ và định cư tại South Carolina. Cô có tham gia nhiều chương trình cộng đồng và đã giới thiệu nhạc cho băng nhạc Hoàng Oanh 2 “Thương Người Chiến Sĩ”

Dạ Lan Hồng Phương Lan, Mỹ Linh

Khi biết được là có tới hai Dạ Lan, có người đã trách các cấp chỉ huy cũ của đài phát thanh Quân Đội, là, tại sao không nói ra cho mọi người biết?

Tôi không phụ trách đài phát thanh Quân Đội, nên không biết điều này. Nhưng nếu tôi ở trong hoàn cảnh đó, chắc tôi cũng không nói gì cả. Lý do rất dễ hiểu: Không ai biết mặt, biết tên Dạ Lan cả, Dạ Lan là bất cứ người nào cơ mà! Bởi thế mới gọi là huyền thoại. Đối với tôi, Dạ Lan nào cũng là Dạ Lan.

Cũng đã có người nói với tôi: Đã là huyền thoại thì . . . chỉ nói thôi, chứ đừng hình ảnh làm chi cho mệt, cứ để ai muốn hiểu, muốn tưởng tượng Dạ Lan như thế nào cũng được.

Điều này cũng đúng!

Ai nói gì cũng đúng hết, Dạ Lan là Dạ Lan, là một hình ảnh đẹp của chúng ta ở quá khứ, đừng ai phiền trách ai cả.

Chỉ ước mong rằng, một ngày đẹp trời nào đó, chúng ta sẽ lại được nghe lại giọng nói của cả hai Dạ Lan.

________________


Tài liệu tham khảo:


* Tập San Biệt Động Quân số 3, Tổng Hội BĐQ, Hoa Kỳ,
* Asia DVD số 58,
* Thúy Nga DVD số 88,
* www.Take2Tango,
* www.Người Việtonline,
* www.Công Tử Hà Đôngonline.