Nguyễn Bá Thế - Nhà văn hóa bị bỏ quên

Nguyễn Kiến Thiết

Lời người viết: Tôi là người bạn văn vong niên của nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế, nên cũng như văn hữu Lê Cần Thơ, chúng tôi biết khá rõ về quá trình biên soạn hai bộ Từ điển đồ sộ của ông. Đặc biệt là bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam đã gây nhiều tranh cãi trong văn giới. Do vậy những nhận định trong bài nầy hoàn toàn vô tư, khách quan, tôn trọng sự thật, chân lý. Đôi khi vì muốn bảo vệ lập luận của mình, người viết phải trưng ra những dẫn chứng cụ thể, ngoài ý muốn. Đáng lý ra chuyện “lùm xùm” nầy đã khép lại từ lâu vì ái nữ của nhà sưu khảo- cô Nguyễn Thị Băng Trinh, không muốn nhắc lại quá khứ đau buồn, nhưng tôi thấy có bổn phận phải lên tiếng.

Nhà sưu khảo văn học Nguyễn Bá Thế
(1925-1996)

Trong quyển Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh, khi phân loại ba dòng văn học tại miền Nam (giai đoạn Văn Học Miền Nam 1954-1975), trong đó có một (dòng) thuần Nam, nhà biên khảo văn học Nguyễn Vy Khanh đã liệt kê 10 tác giả “từ Trương Vĩnh Ký qua Hồ Biểu Chánh đến Phi Vân, Bình-Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy, Lê Xuyên, Phương Triều, Thanh Việt Thanh”[1]. Vì không thấy bóng dáng một nhà sưu khảo văn học nổi tiếng thời bấy giờ trong “dòng thuần Nam”, nên chúng tôi viết bài nầy với nhan đề: NGUYỄN BÁ THẾ - NHÀ VĂN HÓA BỊ BỎ QUÊN.

Về Tiểu sử, Văn nghiệp của ông, chúng tôi đã giới thiệu tương đối đầy đủ trên Văn Học Mới số 18, tháng 6/2022 (tr.60-70). Trong bài nầy chỉ nhắc lại một số chi tiết quan trọng cùng vài nhận định mới.

1. Sơ lược cuộc đời.

Nguyễn Bá Thế sanh ngày 19/11/1925 tại làng Thường Thạnh, thị trấn Cái Răng, Cần Thơ. Ngoài tên họ thật, hầu hết tác phẩm của ông còn ký các bút danh: Thế Nguyên, Nhất Tâm, Nam Xuân Thọ. Ông bị lãng tai từ nhỏ. Sau cơn bạo bịnh, ông không còn khả năng nghe được nên phải tiếp xúc qua bút đàm. Thời niên thiếu, ông có cuộc sống nghèo khổ nhưng hiếu học- nhứt là tự học không ngừng. Là cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, vốn lưu loát chữ quốc ngữ, ông còn đọc thông, viết thạo tiếng Pháp và chữ Hán. Thừa hưởng tinh hoa của thân phụ- tức nhà thơ, nhà soạn kịch Nguyễn Bá Thọ (Nam Sơn), ông nung nấu ý chí trở thành một nhà văn hóa. Lúc còn mài ghế nhà trường, ông đã bắt đầu sáng tác thơ văn. Sau đó viết tiểu thuyết, dịch sách và miệt mài sưu tầm, biên soạn văn học- cụ thể là các tác gia miền Nam, cũng như danh nhân lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Từ đó về sau, ông đã thành danh nhà văn, nhà sưu khảo không riêng gì ở miền Tây mà còn lan rộng khắp cả nước.

Sau một thời gian dài chống chọi với bịnh tật, ông trút hơi thở cuối cùng vào ngày 02/03/1996 tại Cần Thơ, hưởng thọ 71 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn của người vợ hiền đảm đang và các con hiếu hạnh, cũng như của đông đảo bằng hữu, văn thi hữu từ Nam chí Bắc. Ông được an táng tại nghĩa trang Từ thiện, bót số 10, Châu Thành, Cần Thơ.

2. Con người suốt đời lo “Gìn Vàng Giữ Ngọc” với một văn nghiệp đáng trân trọng.

“Gìn Vàng Giữ Ngọc” là nhan đề một bộ phim tư liệu về văn nghiệp của nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế được trình chiếu trên Đài Truyền hình Cần Thơ do nhà văn Lê Cần Thơ giới thiệu vào khoảng năm 1991. Trong giai đoạn đầu cuộc đời cầm bút, ông Nguyễn Bá Thế làm thơ, viết báo, viết tiểu thuyết và dịch thuật. Về sau ông nghiêng hẳn về sưu khảo văn học và soạn Từ điển. Văn phong bình dị, trong sáng, không cầu kỳ trau chuốt. Văn nghị luận đanh thép, rạch ròi, tham khảo nhiều tư liệu- kể cả tư liệu sống, “nói có sách, mách có chứng” (Xin xem Văn Học Mới, báo đã dẫn). Người viết muốn nhắc lại công trình sưu khảo văn học của ông để “gìn vàng giữ ngọc”.

. Về sưu khảo văn học: Đây là phần trọng tâm trong văn nghiệp của Nguyễn Bá Thế tiên sinh. Họ Nguyễn đã soạn nhiều đầu sách về danh nhân Việt Nam- hầu hết ở Lục tỉnh, và giao cho nhà Tân Việt của ông Lê Văn Văng lo việc xuất bản. Đó là những bộ sách trong Tủ Sách NHỮNG MẢNH GƯƠNG dùng tham khảo trong chương trình bậc Trung học như: Sương Nguyệt Anh (1956), Huỳnh Thúc Kháng (ký Thế Nguyên, 1956), Phan Văn Trị (ký Nhất Tâm, 1956), Bùi Hữu Nghĩa (1956), Huỳnh Mẫn Đạt (ký Thế Nguyên, 1956), Võ Trường Toản (ký Nam Xuân Thọ), Nguyễn Đình Chiểu (1956), Nguyễn Văn Vĩnh (1957), Tôn Thọ Tường (1957), Phan Thanh Giản (ký Nam Xuân Thọ, 1957), Học Lạc(1958), Phan Bội Châu (1958), Phan Chu Trinh (ký Thế Nguyên, 1959). Ngoài ra, từ năm 1963, tuần báo Văn Đàn của Phạm Đình Tân đã giới thiệu nhiều bài biên khảo giá trị của ông như Nguyễn Trường Tộ, và loạt bài Khảo Về Tiếng Việt gây được tiếng vang trong văn giới, vân vân…

3. Nhà văn hóa bị bỏ quên.

Tưởng cũng nên biết, nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế có tới mấy Quyển sổ lưu niệm để “lưu giữ lại những suy nghĩ riêng tư, rất thật và cũng rất quí đối với riêng ông” của hàng trăm tao nhân mặc khách thuộc nhiều thế hệ từ Nam chí Bắc. Xin tạm kể ra dầu chưa đầy đủ: như các cụ Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Phạm Văn Diêu, Phạm Đình Tân (tuần báo Văn Đàn), Thái Văn Kiểm (Văn Hóa Nguyệt San), Đông Hồ (nxb Bốn Phương và Yễm Yễm Thư Trang), Trần Tấn Quốc (Buổi Sáng, Tiếng Dội, Đuốc Nhà Nam), Huỳnh Hoài Lạc (Chuông Mai, Thời Cuộc), Nguyễn Vỹ (Phổ Thông, Dân Ta, Thằng Bờm), Huỳnh Minh (nxb Cánh Bằng), Tương Phố, Vũ Anh Khanh, Thuần Phong Ngô Văn Phát, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Văn Hầu, Sơn Nam, Thanh Việt Thanh, Trúc Lan (Nguyễn Kiến Thiết), Nguyễn Tài Năng, Hà Thủy, Việt Chung Tử, Huyền Vân Thanh, Lê Trúc Khanh, Phương Giang, Nguyễn Bạch Dương, Lưu Quốc Bình, Trịnh Bửu Hoài, Khế Iêm, Nguyễn Q. Thắng, v.v…

Ông Nguyễn Bá Thế là người quá tốt bụng và dễ tin người, như nhận xét của Lê Văn Quới, giáo sư môn Quốc văn trường Phan Thanh Giản Cần Thơ: “Nói chung những sách vở, những bài sưu khảo, những sáng tác của anh, dù là bạn văn ở Nam, Trung, Bắc ở xa đến, hễ nói một vài lời là anh cho mượn. Cho mượn mà không cần biết có trả lại hay không. Cho nên từ đó mới thất thoát một số rất nhiều”. Oái oăm thay trong Quyển sổ lưu niệm đó có tới ba “nhà văn hóa” đã “mượn” và “sử dụng” tài liệu hoặc “hợp tác” với ông nhưng cuối cùng đã “bỏ quên” ông! Xin tạm dẫn một vài thí dụ:

  • Ông có tập Thơ Vịnh Kiều độ 200 trang viết tay trên giấy tập học trò, định có dịp sẽ xuất bản. Vì quá tốt bụng và tin người, ông cho một văn hữu ở Sài Gòn mượn để tham khảo, nhưng quên trả lại. Một thời gian sau, ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy tập thơ của mình đã được xuất bản, tác giả không phải ông, mà là một “nhà văn hóa” có chút tiếng tăm ở Sài Gòn (Tôi thuật lại việc “cầm nhầm” nầy với sự dè dặt, cẩn trọng dựa theo lời kể của chính ông và sự xác nhận của văn hữu Lê Cần Thơ).

  • Nhà sưu khảo Huỳnh Minh (nhà xuất bản Cánh Bằng ở Sài Gòn) còn “lợi dụng” ông trong việc hợp tác biên soạn một số sách loại sưu khảo “Xưa và Nay”, nhưng chỉ một mình ông Huỳnh Minh đứng tên và hưởng lợi từ tác quyền (!). Cụ thể là các quyển Cần Thơ Xưa Và Nay, Gia Định Xưa Và Nay. Theo nhà văn Lê Cần Thơ, để soạn cuốn Gia Định Xưa Và Nay, “ông Huỳnh Minh đã mời ông Nguyễn Bá Thế lên Sài Gòn, ở hẳn tại nhà ông trong một hẽm trên đường Phan Đình Phùng để viết liền một mạch trong mấy đêm, xong thì mang đi nhà in nên quyển nầy còn đúng với sự sắp xếp của ông Thế. Như vậy, việc xuất hiện những quyển sách trong tủ sách nhà xuất bản Cánh Bằng của ông Huỳnh Minh phần nhiều có sự biên soạn của ông Nguyễn Bá Thế, nhưng không có ông đứng tên”[2].

  • Truyện dịch Tế Điên Hòa Thượng của Nguyễn Bá Thế đã được xuất bản ngay tại Cần Thơ trước năm 1975. Báo The Viet Nam Post ở Houston đã in lại tác phẩm nầy rất nhiều kỳ, mang tựa Tế Công Hòa Thượng, nhưng chẳng ai thèm chi trả tiền nhuận bút cho người dịch![3].

  • Về hai bộ Từ điển đồ sộ: Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam và Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Trung Quốc. Điều đáng ghi nhận là hai bộ Từ điển nầy được soạn giả chép tay bằng mực tím, chữ nhỏ rõ nét nghiêng nghiêng đều đặn trên hàng ngàn trang giấy tập học trò, kể cả phần chữ Hán. Riêng về ảnh chân dung, phải nói là cả một kỳ công, cả niềm đam mê: nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế phải chi hết số tiền chắt mót để mua đầy đủ báo ngày, báo tháng, sách nghiên cứu văn học… rồi mày mò, sưu tập, cắt dán; ảnh nào còn thiếu thì hỏi xin người thân, bè bạn gần xa. Thời bấy giờ chưa có Internet nên việc sưu tầm, tra cứu tư liệu, hình ảnh minh họa là cả một kỳ công!

* Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam gồm 4500 nhân vật lịch sử, có người tốt lẫn kẻ xấu, cùng 300 ảnh chân dung. Tưởng cũng nên biết, bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam đã khởi đăng trên tạp chí Miền Tây Thăng Hoa số 3 tại Cần Thơ, 1974 (tr.53-93) với tựa đề Việt Sử Nhân Danh Từ Điển để “cầu chứng” (Giấy phép xuất bản số 473/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP ngày 27/8/1974, dầy 100 trang. Bản thảo được thai nghén suốt 20 năm (1955-1975) chưa kịp và không thể chào đời bởi biến cố tháng 4/1975. Tôi muốn nói rõ, bộ Từ điển nầy chỉ một mình ông Nguyễn Bá Thế biên soạn. Mãi đến năm 1980, nhờ một “duyên may”, ông được “nhà văn hóa” Nguyễn Q. Thắng- Giảng viên Đại học Cần Thơ, đến thăm và bàn việc “hợp tác” xuất bản sách. Nhờ “công lao” của ông Nguyễn Q. Thắng trong việc “chạy lo giấy phép, lo vốn in, v.v...”, nên đến năm 1991, bộ Từ điển được nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành lần đầu (1094 trang), sau đó tái bản tới 14 lần, tác giả theo thứ tự là Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (Ông Thắng đứng trước ông Thế, có nghĩa ông Thắng là người biên soạn chánh).

Để rộng đường dư luận, mời quý bạn theo dõi bài phỏng vấn ông Nguyễn Q. Thắng của nhà báo Nguyễn Giao Thủy (tức nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ) đăng trên tuần báo Thanh Niên (Sài Gòn) số 31 ra ngày 2 tháng 8 năm 1992[4]:

- TN: Xin ông vui lòng cho biết quá trình biên soạn và sự ra đời của bộ sách? [tức bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam- NKT].

- Ông Nguyễn Q. Thắng (N.Q.T.): Đây là công trình dài hơi và cũng là mối duyên hàn mặc của anh Nguyễn Bá Thế và tôi. Từ trước 1970, khi về giảng dạy ở Đại học Văn khoa Cần Thơ, tôi gặp anh Nguyễn Bá Thế, và chúng tôi nảy ra ý định cùng nhau hợp soạn bộ tự điển này.

Như đã dẫn trên, bộ Từ điển nầy chỉ một mình ông Nguyễn Bá Thế biên soạn khởi thảo từ năm 1955 trong khi ông Nguyễn Q. Thắng (theo lời ông kể) mới đến gặp ông Thế từ “trước năm 1970” để “nảy ra ý định cùng nhau hợp soạn bộ tự điển này”. Nhưng không hiểu sao trong Quyển Sổ lưu niệm của ông Nguyễn Bá Thế lại có những dòng chữ và chữ ký của ông Thắng ghi lại lần đầu gặp gỡ là ngày 31-1-84 (nghĩa là 14 năm sau):

Cần Thơ 31-1-84
Nguyễn Bá Thế tiên sinh kính mến!

Nghe tiếng ông từ lâu, nhưng chưa gặp mặt, hồi gần đây mới gặp nhau nên càng quí mến ông nhiều hơn. Tuy có trễ, vẫn hơn.

Với tấm lòng quí mến văn học, văn hoá… tôi tin sẽ có nhiều người trong chúng ta sẽ noi gương ông.

Kính
(ký tên)
Nguyễn Q. Thắng
(ĐH Cần Thơ).

Chính ông Nguyễn Bá Thế đã tâm sự: “Bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam đúng ra có tới hơn bốn ngàn năm trăm nhân vật, nhưng lúc đầu mới hợp tác với ông Nguyễn Q. Thắng, chỉ đưa ra khoảng 1/3 số lượng mà thôi. Bản in lần 2 có bổ sung một số nhân vật nhưng không phải ông đưa vô (mà do ông Thắng đưa vô các nhân vật cận đại của chế độ!). Hy vọng sau nầy sẽ phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc hơn!”. Ông đánh giá ngắn gọn: “Còn nhiều sai sót, sắp xếp lộn xộn, mẫu tự không tiện tra cứu; sai nhiều chi tiết so với bản thảo ban đầu; một số sai sót khác về kiến thức mà đúng lý ra không thể có đối với cuốn từ điển”.

1

Thủ bút của ông Nguyễn Bá Thế ký tặng sách ngày 04/I/1992 cho vợ chồng văn hữu Song Lê: Lê Hoàng Viện (Lê Cần Thơ, Huyền Vân Thanh) và Lê Thị Ngọc Nữ (Kiều Diễm Phượng).

*Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Trung Quốc gồm khoảng 10 ngàn nhân vật lịch sử từ cổ xưa đến cận đại, lưu phương (để lại tiếng thơm, tiếng tốt) lẫn lưu xú (để lại tiếng xấu) cùng vô số ảnh chân dung. Chúng tôi chưa biết đích xác bộ Từ điển nầy đã được xuất bản hay chưa, nếu đã ấn hành thì do nhà xuất bản nào và ai đứng tên tác giả. Cũng theo ông Nguyễn Q. Thắng, sau khi bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam ra đời được độc giả đón nhận nồng hậu, dù bịnh nặng (vừa bị liệt tai, vừa liệt thân phải ngồi hoặc nằm một chỗ), ông Thế vẫn thường viết thư đôn đốc ông Thắng cùng ông lo hoàn tất các đề tài đã làm, nhất là bộ Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Trung Quốc, “nhưng do tôi (tức ông Thắng) bận các công trình biên khảo riêng, nên tôi cứ lần lữa mãi và chỉ hứa với ông là tôi sẽ chỉ xin làm cái việc bổ sung, hiệu đính cho tác phẩm”.

Trước khi xuất ngoại, tôi có nghe ông Nguyễn Bá Thế nói nhiều “nhà văn hóa” muốn “hợp tác” để xuất bản; cũng có người muốn “mua đứt” quyển Từ điển nầy. Nhưng ông vẫn chưa quyết định.

Ở hải ngoại, chúng tôi thấy có bộ Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh & Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc (dầy 718 trang) của Bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh, do Hương Tuấn Hoa Kỳ xuất bản năm 2000. Tưởng cũng nên biết, BS Chỉnh cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ năm 1990. Ngay khi đến Mỹ, ông bắt tay vào việc biên soạn bộ Từ điển nầy và đã hoàn thành vào năm 1998. Tôi không biết bộ Từ điển của BS Hoàng Xuân Chỉnh có “liên hệ” gì tới bộ Từ điển của nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế hay không. Nếu đem ra so sánh: nhà văn hóa miệt mài soạn bộ Từ điển nầy phải mất 20 năm (1955-1975), còn bác sĩ Tây y chỉ mất 8 năm (1990-1998). Đó là “kỳ tích” của BS Chỉnh!

Tóm, Nguyễn Bá Thế với hơn 30 tác phẩm trong đó có hai bộ Từ điển đồ sộ, có nên xếp ông vào vị trí học giả hay không. Số phận dẫu có nghiệt ngã vẫn không dập tắt ngọn lửa nhiệt tình, tận tụy với nghiệp dĩ văn chương nơi ông- như con tằm vẫn cứ nhả tơ phục vụ cho đời liên tục trên 54 năm cầm bút, khởi đầu lúc 18 tuổi. Nhiều người quý mến ông về cách đối nhân xử thế, bởi sự tốt bụng và lạc quan yêu đời; nhưng cũng lấy làm tiếc vì ông quá tin người nên dễ bị thua thiệt trong cuộc sống. Tôi có thể nói: “Chính Nguyễn Bá Thế- nhà văn hóa bị bỏ quên đã làm đẹp mặt Tây đô, nói riêng và cả nước, nói chung”. Ông xứng đáng có một vị trí đặc biệt trong văn học sử Việt Nam. “Của César nên trả lại cho César”. Tôi nghĩ “Những gì của Nguyễn Bá Thế nên trả lại cho Nguyễn Bá Thế”. Nguyễn Bá Thế mãi mãi là nhà văn hóa bị bỏ quên nếu không được chánh quyền, văn giới nhắc nhở, tưởng thưởng. Đặc biệt đối với giới nghiên cứu văn học, các nhà viết văn học sử và biên soạn Từ điển Việt Nam, chúng tôi tha thiết đề nghị quý vị nên có cái nhìn khoa học, khách quan hầu đánh giá đúng mức sự cống hiến của nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế. Xin kết thúc bài viết với nhận định sắc sảo của nhà văn hóa:

“Trong lãnh vực sưu khảo, đòi hỏi phải tốn nhiều công phu nghiên cứu, đòi hỏi nhiều sách vở, và phải chịu khó nhọc dài hạn (...). Dân tộc nào cũng cần có một nền văn hóa. Di sản văn hóa dân tộc là điều đáng trân trọng. Do đó vấn đề sưu khảo tôi say mê hơn hết, nhằm cống hiến cho đời sau, để khỏi phải nhọc lòng đi tìm những cái di sản văn hóa còn rải rác nhiều nơi. Làm lãnh vực công tác khảo cứu văn học giúp ích cho người sau đỡ vất vả đi tìm, và di sản văn hóa dân tộc được bảo toàn” – Nguyễn Bá Thế

Kỷ niệm húy nhựt thứ 27 của nhà sưu khảo Nguyễn Bá Thế (tháng III.2023).

_______________

Chú thích:

[1] Nguyễn Vy Khanh: Văn Học Quốc Ngữ Thời Đầu & Miền Nam Lục Tỉnh. Nhân Ảnh Hoa Kỳ xuất bản năm 2021. tr.92. Thật ra trong điện thư gởi cho chúng tôi ngày 22/10/2022, nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh đã viết: “Tôi không bàn đến thời 1954-75, chỉ là nhắc qua loa ở phần đó, các trang 91+… Khi phân chia các khuynh hướng thì chỉ là gợi ý và thiên về văn-chương hơn là biên khảo. Nếu nhắc tên ông NB Thế thì phải dài dòng cả mấy chục danh xưng khác”.

[2], [3][4] Lê Cần Thơ: Những Bạn Văn Nghệ Ngang Qua Đời Tôi (Tâm Bút). Thư Ấn Quán – 2010 & 2016. Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo một số bài viết của Lê Cần Thơ đăng trên: BNS Dân Ta số 100 xuất bản tại Houston, Texas, Hoa Kỳ (Bộ mới, năm thứ 14 ra ngày 11/03/1995 – 24/03/1995); Vĩnh Biệt Nhà Sưu Khảo Văn Học NGUYỄN BÁ THẾ, Dân Ta số 128 (ra ngày 13/04/1996 – 26/04/1996). Một lần nữa xin thành thật cám ơn văn hữu Lê Cần Thơ, cháu Nguyễn Thị Băng Trinh và một môn sinh ở Đại học Cần Thơ- PGS TS NguyễnVăn Nở, rất nhiều.