Những kỷ niệm với bài Quốc Ca của VNCH

Ngày 30 tháng 4 năm 2005, Việt Nam Cộng Hòa đã mất 30 năm rồi. Nhưng mỗi khi chúng ta hội họp thì chúng ta vẫn thiết tha chào Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của VNCH và hát bài quốc ca “Này Công Dân Ơi, Quốc Gia Đến Ngày Giải Phóng” của VNCH. Trong tâm trí của mỗi nguời chúng ta thường hiện lên một số hình ảnh và sự việc trong quá khứ liên quan đến bài hát mà chúng ta đang hát.

Anh Chị nào tuổi duới 35, sanh đẻ bên này hoặc theo cha mẹ qua đây lúc còn quá bé, thì chắc sẽ nhớ đến những kỳ họp trước, ở đâu đó, trên đất Mỹ. Anh chị nào tuổi độ 40-45, khi qua đây đã 10-15 rồi, thì chắc sẽ nhớ đến những buổi chào cờ ngày Thứ Hai ở truờng nào đó mình đang học ở VN. Anh chị nào đã 50, 60, hoặc 70 tuổi thì chắc nhớ đến những buổi chào cờ ở công sở nào đó, hoặc ở đơn vị quân sự nào đó. Còn mấy “ông già” 80-90 tuổi, thì chắc còn nhớ đến nhiều chuyện khác nữa. Tôi, thuộc hạng “mấy ông già” đó, thì có rất nhiều kỷ niệm với bài ca ấy. Nên hôm nay tôi xin chia sẻ những kỷ niệm ấy với các bạn vì những kỷ niệm ấy dính liền với một giai đoạn lịch sử của nuớc Việt Nam mà chắc một số bạn đọc không có sống trong thời đó.

Hồi xưa, dưới thời Pháp thuộc, toàn cỏi Đông Dương gồm có Nam Kỳ, Trung Kỳ. Bắc Kỳ, Cao-Mên và Ai-Lao, chỉ có một Truờng Đại Học đặt tại Hà Nội . Cho nên thanh niên Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cao-Mên và Ai-Lao, sau khi đậu Tú Tài toàn phần mà muốn lên học Đại Học, và có phương tiện, thì phải ra Hà Nội học.

Hằng năm vào mùa Xuân, Tổng Hội Sinh Viên (Association générale des étudiants indochinois, viết tắc là A.G.E.I.) có tổ chức một ngày lễ của Tổng Hội, gọi là “Journée de l’A.G.E.I.” ban ngày thì tranh thể tháo và tranh giải bóng tròn, tối lại thì có đêm Văn-Nghệ ở Nhà Hát Lớn (Théâtre Municipal) của thành phố Hà Nội, thường đuợc “Quan Thống Sứ Bắc-Kỳ” (Le Résident Supérieur du Tonkin) hay, vinh dự hơn nữa,“Quan Toàn Quyền Đông-Dương” (Le Gouverneur Général de l’ Indochine) chủ tọa.

Năm ấy là năm 1945, ngày “Journée de l’ A.G.E.I.” được cho phép tổ chức vào cuối tuần (week-end) thứ bảy 3 và chúa nhựt 4 tháng 3. Đêm Văn-Nghệ là tối Thứ Bảy 3-3-1945 sẽ đuợc “Quan Tòan Quyến” Amiral Jean Decoux chủ tọa.

Để trình diễn trong đêm ấy anh em sinh viên Bắc-kỳ có chuẩn bị một vở kịch lịch sử tựa là “Thời Thế Thế Thời Phải Thế”, nói về Ngô Thời Nhiệm hồi đời Tây-Sơn Còn Anh em sinh-viên Nam-kỳ thì chuẩn bị một số đơn-ca và hợp-ca là những bài mà anh em đã trình diễn trong nội-bộ ở Hội Nam-Kỳ Tương Tế trong đêm Giao-Thừa Tết Ất Dậu năm ấy, như những bài “Chi Lăng”, “Hận Sông Gianh” ”Hồn Tử Sĩ”, “Tiếng Gọi Sinh viên” của anh sinh-viên Y-Khoa năm thứ tư Lưu Hữu Phuớc sáng tác.

Khi trình bày về chương trình của mỗi nhóm sinh-viên cho Ủy Ban Tổ Chức ngày lễ thì Anh Chủ Tịch của Tổng Hội có ý-kiến lấy bài “Tiếng Gọi Sinh Viên” làm thành một bài hành khúc của sinh viên cho tất cả mọi sinh viên hát. Nhưng vì lời trong bài, do hai anh sinh viên Y-Khoa Mai Văn Bộ và sinh viên Nha-Khoa Nguyễn Thành Nguyên viết, có tánh cách thuần túy VN , nên Anh Chủ Tịch Tổng Hội cho thành lập một tiểu ban có sinh viên Pháp và sinh viên Việt để viết lại lời bằng tiếng Pháp cho tất cả sinh viên Pháp,Việt, Mên, Lào đều có thể đồng ca.

Kết quả là bài “Tiếng Gọi Sinh Viên” trở thành bài “Sinh Viên Hành Khúc” “La Marche Des Étudiants” với hai bản lời ca như sau:

1 - Bằng tiếng Việt:

Này sinh viên ơi, đứng lên đáp lời sông núi,
Đồng lòng cùng đi, đi, đi mở đường khai lối,
Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên,
Nào anh em Bắc Nam, cùng nhau ta kết đoàn,
Hồn thanh xuân như gương trong sáng,
Dù kém sức kém tài xin rán,
Thời khó thế khó khó làm yếu ta,
Dù muôn chông gai vững lòng chi sá,
Đời mới kíp phóng mắt nhìn xa bốn phương,
Tung cánh hồng thiếu niên, ai đó can trường.

Điệp Khúc:

Sinh viên ơi, ta quyết đi đến cùng,
Sinh viên ơi, ta nguyền đem hết lòng,
Tiến lên đồng tiến, vẻ vang đời sống,
Chớ quên rằng ta là giống Lạc Hồng.

2 - Bằng tiếng Pháp:

Étudiants, du sol l’appel tenace,
Pressant et fort retentit dans l’espace,
Des côtes d’Annam, aux ruines d’Angkor,
À travers les monts du Sud jusqu’au Nord,
Une voix monte ravie: “Servir la chère patrie,
Toujours sans reproche et sans peur,
Pour rendre l’avenir meilleur,
La joie, la ferveur, la jeunesse, Sont pleines de fermes promesses”.

Refrain:

Te servir, chère Indochine,
Avec coeur et discipline,
C’est notre but, c’est notre loi,
Et rien n’ébranle notre foi.

Đến đêm 3-3-45 là đêm trình diễn Văn Nghệ ở Nhà Hát Lớn của thành phố Hà Nội, thì khi “Quan Tòan Quyền” Amiral Decoux đến, ban nhạc của Hải Quân (Orchestre de la Marine) đánh bài quốc thiều Pháp La Marseillaise thì mọi nguời đứng lên nghiêm trang chào. Rồi liền sau đó đánh luôn bài “La Marche des Étudiants” thì tất cả sinh viên Pháp, Việt, Mên, Lào, có mặt đều đứng lên và đồng loạt hát “Étudiants du sol l’appel tenace.....” thì mọi nguời kể cả Quan Toàn Quyền cũng đứng lên theo để chào. Sau đó mới tới phần diễn kịch, đơn ca và họp ca, đúng theo chương trình.

Ở đây tôi xin phép lưu ý bạn đọc về một cái trớ trêu của lịch sử là: Bản nhạc mà về sau sẽ đuợc dùng làm quốc thiều cho một nuớc VN độc lập lại duợc lần đầu tiên chính thức và công khai “đánh lên” truớc công chúng là do Ban Nhạc Orchestre de la Marine của Quan Toàn Quyền cuối cùng của Pháp đang cai trị một nuớc VN thuộc địa. Và vị đại diện chính thức của chính quyền, đầu tiên đứng lên chào bản nhạc ấy lại là Quan Tòan Quyền đại diện chính thức của Pháp đang cai trị VN thuộc địa (Đúng theo protocole thì vị đại diện chính thức của một chánh phủ đến chủ tọa một cuộc lể của một hội tư, chỉ phải đứng lên chào quốc thiều của nuớc mình và của nuớc bạn mà thôi, chớ không phải đứng lên chào bài ca của một hội tư.) Phải chăng đây là một “dấu hiệu báo truớc” rằng bản nhạc này sẽ là một quốc thiều?

Chưa đầy một tuần lể sau, đêm thứ Sáu 9-3-1945, quân đội Nhựt Bổn đảo chánh Pháp trên tòan cỏi Đông Dương. Truờng Đại Học đóng cửa. Vì ngoài Bắc đang có nạn đói hoành hành (chết cả triệu nguời) nên sinh viên Nam Kỳ phải mau mau chạy về Sài Gòn hoặc bằng xe lửa hoặc bằng xe đạp.

Vua Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, không còn là thuộc địa của Pháp nữa. và chỉ định Cụ Trần Trọng Kim thành lập Nội Các. Nội Các bổ nhiệm Ông Nguyễn Văn Sâm làm Khâm-sai (vice¬roi) Nam Kỳ. Trong Nam phong trào Thanh Niên Tiền Phong (TNTP) đựơc phát động hết sức mạnh mẽ và rầm rộ. Tất cả sinh viên Nam Kỳ của Đại Học Hà Nội đã về trong Nam thì tham gia tích cực và hết sức hăng hái, nên trở thành nòng cốt của phong trào, nhứt là trong công tác thu góp và chuyển vận lúa gạo để cứu giúp nạn đói ngoài Bắc. Bài caTiếng Gọi Sinh Viên đuợc chấp nhận làm bài ca chính thức của phong trào TNTP sau khi đuợc sửa lại là ’Tiếng Gọi Thanh Niên” trong đó tất cả các chữ “sinh viên” đều được thay thế bằng chữ “thanh niên” ( Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi Thanh niên ơi, ta quyết đi đến cùng, thanh nhiên ơi ta nguyền đem hết lòng....)

Đến tháng 8-1945, ở ngoài Bắc Khâm-sai Phan Kế Toại đầu hàng Việt Minh; ở Huế Thủ Tuớng Trần Trọng Kim từ chức, Vua Bảo Đại thoái vị; ở SàiGòn tên Cộng Sản Trần Văn Giàu đảo chánh, bắt rồi giết Khâm-sai Nguyễn Văn Sâm.

Đến tháng 9-1945, Nhựt Bổn đầu hàng Đồng Minh; ở HàNội Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập VN Dân Chủ Cộng Hòa. Quân Đội Trung Hao Quốc Dân Đảng kéo vào Bắc Việt, quân đội Anh kéo vào Nam Việt, đúng theo quyết định của Hội Nghị Yalta, để giải giáp quân đội Nhựt Bổn. Pháp núp sau lưng quân đội Anh để trở lại SàiGòn, cho nên ngày 21-9-1945 ở Saigon có sự đụng độ giữa Pháp, VN và “Nam Bộ Kháng Chiến” bắt đầu.Thanh niên trong phong trào Thanh Niên Tiền Phong đem theo khí giới gì mình có, cho nên tay cầm súng thì ít [mà súng là súng bắn chim hoặc súng sáu (pistolet) chớ làm gì có súng trận] còn cầm mã tấu với tầm vong vạc nhọn thì nhiều, tập hợp lại đồng ca bài “Tiếng Gọi Thanh Niên”, rồi được chia ra làm nhiều “ổ kháng chiến” ở những xóm Bàn Cờ, Tân Bình, Xóm Chiếu, Phú Nhuận, Cầu Muối, đêm đêm du kích hăng hái xông đánh vào những cơ quan Pháp, hoặc vào những khu gia-cư có nhiều Pháp kiều.

Ở ngoại ô, dân quân đuợc tập hợp thành lập gọi là 4 Sư-Đòan (Đệ Nhứt Sư Đoàn của Kiều Công Cung, Đệ Nhị Sư Đòan của Nguyễn Văn Đẩu, Đệ Tam Sư Đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp, Đệ Tứ Sư Đòan của Lý Huệ Vinh ) và Bộ Đội Bình Xuyên của Ba Dương, bao vây chung quanh thành phố, trấn giữ các ngõ ra vào. Nhưng không lâu, sau khi được viện thêm binh, thì quân Pháp đánh bung ra khỏi SàiGòn, và 4 Sư đoàn ấy, vì kém tổ chức, kém huấn luyện, kém vũ khí, nên lần luợt bị tan rả, còn Bộ Đội Bình Xuyên thì rút về Rừng Sát.

Nhưng Nam Bộ kháng chiến vẩn tiếp tục. Hội nghị ĐaLạt rồi Hội Nghị Fontaine-bleau không đi đến đâu. Ngày 19-12-1946, súng nổ ở HàNội và “Toàn Dân Kháng Chiến” bắt đầu. Chiến tranh kéo dài thành “trường kỳ kháng chiến”.

Ngày 8-6-1948 ở Vịnh Hạ Long, rồi ngày 8-3-1949 ở điện Élysée, Pháp nhìn nhận cho VN độc lập trong Liên Hiệp Pháp, với cựu Hoàng Bảo Đại làm Quốc Trưởng. Quốc Truởng Bảo Đại đứng ra thành lập chánh phủ. Trong Nội Các có nhiều vị Tổng. Bộ Truởng,(như B.S.Nguyễn Tôn Hòan: Bộ Thanh Niên; Cụ Trần Văn Ân: Bộ Thông Tin; Cụ Trần Văn Văn:Bộ Kinh Tế Tài Chánh) khi truớc có tham gia “Nam Bộ Kháng Chiến”, có chứng kiến cái cảnh thanh niên cầm “tầm vong vạc nhọn” tập hợp lại, hát bài “Tiếng Gọi Thanh Niên”, rồi được chia ra từng đoàn để hăng hái xung phong đánh quân Pháp, mở màn cho cuộc chiến tranh giành độc lập, nên đề nghị lấy bài “Tiếng Gọi Thanh Niên” làm bài quốc ca của Quốc gia VN. Nội các chấp thuận và giao cho Bộ Thông Tin của Cụ Trần Văn Ân sửa lại lời cho hợp với môt quốc ca như sau:

Tiếng Gọi Công Dân:

Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng,
Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống,
Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên,
Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền.
Dù cho thây phơi trên gươm giáo,
Thù nước lấy máu đào đem báo,
Nòi giống lúc biến phải cần giải nguy
Nguời công dân luôn vững bền tâm trí,
Hùng tráng quyết chiến đấu làm cho khắp nơi
Vang tiếng nguời nước Nam cho đến muôn đời.

Điệp khúc:

Công dân ơi, mau hiến thân dưới cờ,
Công dân ơi, mau làm cho cỏi bờ,
Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống,
Xứng danh nghìn năm dòng giống Lạc Hồng.

Đó là bài hát mà chúng ta đã hát khi còn ở VN là công dân của “Quốc Gia VN” với Quốc Trưởng Bảo Đại, công dân của “VN Đệ Nhứt Công Hòa” với Tổng Thống Ngô Đình Diệm, công dân của “VN Đệ Nhị Cộng Hòa ” với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và là bài hát mà chúng ta vẩn tiếp tục hát sau khi đã thành công dân của “Cộng Hòa Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ“ và sẽ còn hát mãi mãi.

Ghi chú: Bài Tiếng Gọi Sinh Viên còn có hai đọan ca (couplets) như sau:

II - Này sinh viên ơi, dấu xa vết còn chưa xóa,
Hùng cường trời Nam, ghi tên bảng vàng bia đá,
Lùa quân Chiêm nát tan, thành công Nam Tiến luôn,
Bình bao phen Tống Nguyên, từng ca câu khải hòan,
Hồ Tây tranh phong oai son phấn,
Lừng tiếng “Sát Đát” Trần Quốc Tuấn,
Mài kiếm cứu nước nhớ người núi Lam,
Trừ Thanh, Quang Trung giết hằng bao đám,
Nòi giống có khí phách từ xưa chớ quên,
Mong đến ngày vẻ vang ta thấp hương nguyền.

Điệp khúc:

Sinh Viên ơi, ta quyết đi đến cùng …v.v…

III - Này sinh viên ơi, muốn đi đến ngày tươi sáng,
Hành trình còn xa, chúng ta phải cùng nhau gắng,
Ngày xưa ai biết đem tài cao cho núi sông,
Ngày nay ta cũng đem lòng son cho giống dòng,
Là sinh viên vun cây văn hóa,
Từ trước sẵn có nhiều hoa lá,
Đời mới kiến thiết đáp lòng những ai,
Hằng mong ta ra vững cầm tay lái,
Bền chí quyết cố gắng làm cho khấp nơi,
Vang tiếng người nước Nam cho đến muôn đời.

Điệp khúc:

Sinh viên ơi, ta quyết đi đến cùng…..v.v.

Hai couplets sau có tánh cách hòan toàn Việt Nam nên không có lời bằng tiếng Pháp.