Sài Gòn xưa: Đồng Đô-la Đỏ
“Đồng đô-la đỏ” là thuật ngữ dưới thời VNCH để chỉ “Chứng chỉ Thanh toán trong Quân đội” (Military Payment Certificate – MPC) được sử dụng trong giới quân nhân và viên chức Hoa Kỳ đồn trú tại miền Nam.

Loại tiền “đô-la đỏ” có mệnh giá từ đồng 5 cents đến 20 đô-la với kỹ thuật in ấn tinh xảo, không khác gì tờ đô-la chính hay còn gọi là “đô-la xanh”. Thực ra, loại tiền giấy mang tên “đô-la đỏ” không chỉ in màu đỏ mà còn dùng các màu trang trí khác như xanh, nâu hoặc tím. Dưới đây là các đồng đô-la đỏ “Series 641” theo thứ tự mệnh giá từ thấp lên cao được sử dụng đầu tiên tại miền Nam trong thời gian từ 1965 đến 1968:



Đồng 5 cents


Đồng 10 cents


Đồng 25 cents


Đồng 50 cents


Đồng 1 đô-la


Đồng 5 đô-la


Đồng 10 đô-la


Trên mỗi đồng đô-la đỏ đều có ghi dòng chữ: “Military Payment Certificate - For use only in the United States military establishments – by United States authorized personnel in accordance with applicable rules and regulations” (tạm dịch: Chứng chỉ Thanh toán trong Quân đội: chỉ sử dụng tại các cơ sở của Quân đội Hoa Kỳ - qua các nhân viên có thẩm quyền thuộc Hoa Kỳ theo quy định và luật lệ phù phợp).

Mục đích chính của việc phát hành đồng MPC là để bảo vệ nền kinh tế - tài chính Hoa Kỳ, qua đó ngăn ngừa một lượng tiền lớn “đô-la xanh” xuất hiện tại các quốc gia và lãnh thổ có quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ hiện diện. Trong lịch sử của đồng MPC, Hoa Kỳ có tổng cộng 15 series nhưng trên thực tế chỉ có 13 Series được sử dụng tại nhiều quốc gia trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 1973. Trong số những Series được lưu hành có tổng cộng 94 loại tiền giấy MPC.

Sau thế chiến thứ hai, số lượng quân nhân Hoa Kỳ đồn trú tại các nước Châu Âu khá đông nên năm 1946 chính phủ Mỹ phải phát hành MPC vì nhiều lý do. Người dân tại các nước Châu Âu bị tàn phá bởi chiến tranh, nền kinh tế kiệt quệ nên có khuynh hướng giữ đồng đô-la Mỹ thay vì đồng tiền nội địa ngày càng mất giá. Sự hiện diện của các GIs (Government Issues – chỉ quân nhân Hoa Kỳ vì toàn bộ sinh hoạt của họ đều do chính phủ cấp phát) là nguồn cung cấp “đô-la xanh” cho thị trường chợ đen bản xứ nên để ngăn chặn phải thay thế bằng loại tiền MPC để họ tiêu dùng tại nước ngoài.

MPC khởi đầu là các loại tiền giấy có mệnh giá từ 5, 10, 25, 50 cents cho đến 1, 5, 10 đô-la và đến năm 1968 có thêm tờ 20 đô-la xuất hiện tại Việt Nam. Series 641 được sử dụng đầu tiên tại miền Nam trong thời gian từ 1965 đến 1968, tiếp đến là Series 661 (1968-1969), Series 681 (1969-1970) và Series 692 (1970-1973).


Series 661, đồng 5 cents


Series 661, đồng 10 cents


Series 661, đồng 25 cents


Series 661, đồng 50 cents


Series 661, đồng 1 đô-la


Series 661, đồng 5 đô-la


Series 661, đồng 10 đô-la


Trên nguyên tắc, khi rời khỏi khu vực được sử dụng đồng MPC để về nước, quân nhân và nhân viên Hoa Kỳ được đổi sang đồng đô-la xanh hoặc khi đi nghỉ phép tại một nơi khác được đổi đồng MPC sang nội tệ tại địa phương đó. Những người không phải là quân nhân, nhân viên dân sự Mỹ không được sở hữu MPC nhưng trên thực tế đã có một số người bản xứ và cả người Mỹ đã thực hiện việc giao dịch đồng MPC thông qua thị trường chợ đen.

Điển hình là tại Việt Nam, việc buôn bán đồng MPC diễn ra rầm rộ với những khoản chênh lệch về giá cả đem lại lợi nhuận rất cao. Để ngăn chặn hiện tượng này, quân đội Mỹ tại Việt Nam thường thực hiện những cuộc đổi tiền bất ngờ vào những thời điểm được gọi là “C-Day” (Conversion Day – Ngày đổi tiền).

Vào C-Day, toàn thể quân nhân Hoa Kỳ bị “cấm trại” để tránh những vụ áp-phe đổi tiền. Việc cấm trại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trong ngày đổi tiền cho thấy nhiều kẻ đầu cơ đã bị trắng tay. Nhiều nơi còn có các cuộc tấn công căn cứ Hoa Kỳ của những người có liên quan nhưng rồi người ta vẫn tiếp tục buôn bán đô-la đỏ vì mối lợi khổng lồ quá hấp dẫn.

Sau C-Day, những đồng đô-la đỏ thuộc Series cũ trở thành những mảnh giấy lộn và được thay thế bằng những đồng MPC thuộc Series mới. Nói “những đồng đô-la đỏ trở thành mảnh giấy lộn” chỉ là lý thuyết vì ngày nay trên E-bay và một số trang web về sưu tầm tiền xưa những đồng MPC này vẫn còn được giao dịch.

Người ta hoàn toàn bất ngờ về những thông tin giao dịch của đồng MPC: thấp nhất là đồng 5 và 10 cents (Series 472) được rao bán với giá 25 USD; đồng 5 đô-la (Series 661) có giá 90 USD; đồng 10 cents (Series 481R) lên đến 350 USD và cao chót vót là đồng 1 đô-la (Series 541) muốn sở hữu đồng MPC này bạn phải bỏ ra 400 USD. Thật là một nghịch lý, những “tờ giấy lộn” sau gần 40 năm đã vượt qua giá trị ban đầu của nó đến 400 lần!



Series 681, đồng 5 cents


Series 681, đồng 10 cents


Series 681, đồng 25 cents


Series 681, đồng 50 cents


Series 681, đồng 1 đô-la


Series 681, đồng 20 đô-la


Như đã nói, không phải chỉ người Việt Nam mới tham gia thị trường “buôn tiền” MPC mà ngay cả người Mỹ ở Sài Gòn cũng có liên quan đến cách làm ăn béo bở này. Thí dụ, một chú GI nhận được tờ 100 đô-la từ Mỹ gửi kèm trong thư theo hệ thống APO (Army Post Office – một hình thức quân bưu của quân đội Mỹ theo kiểu KBC (Khu bưu chính) trong quân lực VNCH), đem 100 đô-la xanh ra phố có thể đổi được thành 180 đồng đô-la đỏ. Bước kế tiếp đem tiền MPC đổi sang tiền đồng của VNCH, thường có giá gấp đôi giá chính thức.

Như vậy, với 100 đô xanh sau nhiều chặng chuyển đổi đã đem lại cho người lính Mỹ một khoản chênh lệch rất lớn khi dùng tiền Việt tiêu xài trong khi giá sinh hoạt tại Sài Gòn rất thấp so với Hoa Kỳ. Thường thì những kiểu “mánh mung đổi tiền” này đều do các “me Mỹ”, các cô gái bán bar, Mama-san, Papa-san hay những tay đầu cơ người Việt “truyền nghề” chứ bản thân GIs làm sao mà tự tìm tòi được.

Theo thí dụ ở trên, một trăm đồng đô-la xanh tiếp tục cuộc hành trình “chợ đen” đến tay các quan chức tham nhũng người Việt, họ sẽ gửi tiền vào các trương mục an toàn tại Bangkok, Đài Loan, Hồng Kông. Tệ hại hơn cả là số tiền sẽ lọt vào tài khoản kinh tài của miền Bắc mở tại Âu châu! “Dĩ độc trị độc” hay còn được gọi là… “Dùng tiền Mỹ để đánh Mỹ”!




Series 692, đồng 5 cents


Series 692, đồng 10 cents


Series 692, đồng 25 cents


Series 692, đồng 50 cents


Series 692, đồng 1 đô-la


Lương trung bình của một GI tại Việt Nam vào khoảng 600 USD mỗi tháng trong khi lương của một người lính VNCH chỉ vào khoảng 20 USD. Ngoài ra, người lính Mỹ còn được hưởng các tiện nghi “xa xỉ” khác như được tắm ngay trong rừng sau một cuộc hành quân, ăn thịt gà tây trong ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), ăn bánh ngọt trong dịp lễ Giáng Sinh. Họ còn có cả Đài phát thanh, Đài truyền hình riêng để giải trí và các buổi trình diễn văn nghệ của USO (United States Organization) do các tài tử từ Mỹ bay sang giúp vui như Bob Hope, John Wayne, Sammy Davis Jr., Joey Heatherton, Nancy Sinatra…

Nhưng quan trọng và thiết thực hơn cả là hệ thống PX (Post Exchange – một loại siêu thị của quân đội, gần giống như cửa hàng quân tiếp vụ của quân lực VNCH). PX được mở tại miền Nam để cung cấp các loại mặt hàng thiết yếu theo nhu cầu của quân nhân Hoa Kỳ với giá gốc và miễn tất cả loại thuế.

Tại PX, người ta có thể mua từ những món nhỏ nhặt như cục xà bông Dial, cắt móng tay Cooks, bao thuốc Salem, lon Coca Cola đến những món hàng xa xỉ như radio Zenith, máy ghi âm Akai, máy ảnh Olympus, TV Denon…

Dĩ nhiên quân nhân Mỹ dùng đồng MPC làm phương tiện thanh toán và không ít GIs mua hàng PX không phải để dùng mà để bán ra ngoài thị trường chợ đen nhằm hưởng chênh lệch. Đó cũng là lý do khiến thị trường buôn bán MPC nở rộ, con buôn người Việt mua MPC ngoài thị trường chợ đen để các “tay trong” mua hàng PX và bán lại trên thị trường trong nước.




Lính Mỹ tuồn hàng ra chợ trời


Trên lý thuyết, việc phát hành đồng “đô-la đỏ” mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ Hoa Kỳ khi ngăn chặn được một số lượng đô-la xanh tại nước ngoài nhưng ngược lại, MPC cũng có những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế cũng như xã hội của VNCH. Trong Câu chuyện đời tôi [1] tác giả Nguyễn Hữu Hanh, cựu Thống đốc Ngân hàng Việt Nam, kể lại:

“Tôi thường nói với những người đối tác bên phía Mỹ và bộ chỉ huy quân sự Mỹ rằng 500 ngàn du khách (đó là con số lính Mỹ tại Việt Nam) lương mỗi tháng 600 USD mỗi người, là một gánh quá nặng đối với một nền kinh tế bé nhỏ như Việt Nam nếu họ được phép tiêu xài thả cửa trên thị trường bản địa; điều đó sẽ tạo ra một áp lực khổng lồ trên mặt cung ứng sản phẩm và tỉ lệ lạm phát sẽ bùng nổ theo một chiều hướng tệ hại.

Tôi cực lực yêu cầu những người lính Mỹ chỉ được tiêu xài trong phạm vi căn cứ của họ, và phải được cách li khỏi nền kinh tế Việt Nam. Việc lính Mỹ xài quá nhiều tiền trong khi sống giữa một khối dân chúng nghèo khổ, cùng với việc họ công tác bên cạnh những người lính Việt Nam sống một đời cực nhọc nguy hiểm mà lương mỗi tháng chỉ 20 USD cho cả nhà gồm có tới chín, mười người sẽ gây nên một vấn đề xã hội, chính trị hết sức đáng quan ngại”.…

Quân đội Mỹ và những nhân viên dân sự làm việc cho họ nhận tiền lương bằng loại tiền MPC mà người Tàu và người Việt gọi là đô-la đỏ; họ được khuyến cáo để những đồng đô-la xanh ở nhà, chỉ dùng đồng MPC trong các căn cứ của họ. Việc lưu hành đồng đô-la đỏ được giới hạn trong các căn cứ Mỹ và tại các khu quân tiếp vụ, nơi cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho lính Mỹ; nhưng chúng tôi không thể ngăn chận được đồng đô-la đỏ tràn vào nền kinh tế Việt Nam qua những cô gái bán Bar và đám người làm ăn với Mỹ. Lẽ tự nhiên điều này tạo ra một khối lượng khổng lồ nạn chợ đen, đầu cơ và làm bạc giả”.

Sau Việt Nam, đồng MPC chỉ còn được sử dụng tại một quốc gia duy nhất là Nam Hàn (Hàn Quốc), nơi còn một số quân nhân Hoa Kỳ đồn trú. Đồng MPC vào năm 1973 cũng chấm dứt sự hiện hữu của nó tại Nam Hàn bằng một cuộc đổi tiền từ MPC sang đồng đô-la xanh. Như vậy, chuyện đồng đô-la đỏ cũng chính thức khép lại sau một thời gian hiện diện tại những nơi ngoài Hoa Kỳ kéo dài từ năm 1946 đến 1973.

***

Chú thích:

[1] Câu chuyện đời tôi của tác giả Nguyễn Hữu Hạnh, ấn bản lần 4, măm 2008. Bản gốc cuốn sách này viết bằng tiếng Anh và xuất bản ở Hoa Kỳ đầu năm 2004. Sau đó được chỉnh sửa đôi chút và được dịch giả Nguyễn Kiên Định chuyển ngữ sang tiếng Việt, xuất bản tại Hoa Kỳ vào tháng 4/2004.

Tham khảo:http://www.viet-studies.info/kinhte/HoiKy_NguyenHuuHanh.htm