Nguyễn Ngọc Luật
Trước năm 1975 ở Miền Nam đề ra ba nguyên tắc căn bản trong mục đích, tôn chỉ giáo dục là: Nhân bản, Dân tộc và Khai Phóng. Chính những nguyên tắc nầy đã giữ cho truyền thống dân tộc được bảo tồn và phát triển vững vàng nhưng không bảo thủ và từng bước theo kịp đà tiến triển của nhân loại. Vì vậy ở bậc Trung học, không có một bộ sách giáo khoa nào do cơ quan giáo dục chính thống biên soạn và phát hành để thầy và trò dạy và học theo. Giáo viên tự chọn sách giáo khoa để dạy miễn sao tôn trọng đúng nội dung chương trình giáo dục do Bộ Quốc gia Giáo dục soạn thảo. Trên thị trường cũng xuất hiện rất nhiều loại sách giáo khoa do các nhà giáo biên soạn.
Khi được học trong một môi trường giáo dục như thế chúng ta cảm thấy mọi việc đều bình thường, cho đến sau năm 1975 đất nước thống nhất rồi mới có dịp so sánh với hai đường lối giáo dục Nam-Bắc mới thấy có nhiều điều rất khác biệt. Cái khác rõ nét nhất là ở Miền Bắc đã đưa quan điểm về chính trị, chính kiến vào chương trình học nhằm mục đích tuyên truyền phục vụ cho chế độ, trong khi giáo dục ở Miền Nam thì chỉ tuân thủ ba tôn chỉ nêu trên mà không bị chi phối bởi áp lực chính trị nào cà.
Với hai đường lối giáo dục khác nhau nên các học sinh của hai miền cũng được trang bị kiến thức và nhận thức khác nhau, thế nên hành trang của họ mang vào đời cũng khác nhau.
Chỉ nói riêng về môn Văn, trong khi ở Miền Nam chúng tôi được học một chương trình Văn học rất thông thoáng và khách quan, không hề bị quan điểm về chính trị chi phối nên đều chọn lọc những tinh hoa văn học nước nhà qua các thời kỳ để học. Trong chương trình Văn Học Sử chỉ nói về văn học cận đại thôi, chương trình học cũng rất công tâm, bình đẳng, tất cả các tác giả có tác phẩm đóng góp công lao cho nền văn học nước nhà cho dù họ đang ở bên này hay bên kia chiến tuyến đều được đưa vào chương trình không hề phân biệt. Vì thế mà chúng tôi đã được học tác phẩm và tìm hiểu về những tác giả đang phục vụ tại Miền Bắc như Xuân Diệu với Thơ Thơ, Gửi Hương Cho Gió…, Huy Cận với Lửa Thiêng, Nguyễn Bính với Chân Quê, Lỡ Bước Sang Ngang, Thế Lữ với Nhớ rừng, Vàng Và Máu, Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu… Những nhà thơ có sự nghiệp muộn hơn như Quang Dũng, Hoàng Cầm… cũng đều có tác phẩm xuất bản trong Miền Nam để cho công chúng được tìm hiểu.
Về văn xuôi cũng vậy, những tác giả đang ở Miền Bắc cũng được đưa vào chương trình giáo khoa như Tô Hoài với Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, Nam Cao với Sống Mòn,Chí Phèo… Nguyễn Công Hoan với Tắt Lửa Lòng, Bước Đường Cùng… Vũ Trọng Phụng với Số Đỏ, Ngô Tất Tố với Tắt Đèn... Lược kê một vài tác giả với vài tác phẩm tiêu biểu như thế để chứng minh nền giáo dục mang tính nhân bản, dân tộc và khai phóng được thể hiện rất rõ nét trong chương trình học ở Miền Nam. Trong khi đó môn Ngữ Văn học sinh miền Bắc rất chú trọng văn học thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, còn các nền văn học khác thì xem nhẹ. Các tác giả sáng tác với mục đích phục vụ, tuyên truyền cho chế độ thì được vinh danh và đưa vào chương trình học mặc dù xét về văn chương những tác phẩm đó không có giá trị mấy. Trong khi những nhà văn, nhà thơ có tư tưởng thoáng đạt sáng tác trên tinh thần nghệ thuật vị nghệ thuật mà không có tư tưởng tuyên truyền cho chế độ hoặc có quan niệm, chính kiến khác thì sẽ bị chối bỏ và tác giả sẽ bị liên lụy như nhóm Nhân Văn Giai Phẩm chẳng hạn. Cái thiếu sót lớn nhất trong chương trình Ngữ Văn ở miền Bắc (và cả nước sau năm 1975) là chương trình Văn Học Sử cận đại đầu thế kỷ XX chỉ đưa vào sách giáo khoa những tác giả viết về hiện thực phê phán như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trong Phụng, Nguyên Hồng… mà đã cố tình bỏ qua những nhà văn, bút nhóm không đồng chính kiến khác.
Đầu thế kỷ XX nền văn học quốc ngữ nước ta rất non trẻ, trong giai đoạn chuyển tiếp từ nền Nho học qua Việt học đã có những nhà văn có công lớn trong sự phát triển văn học quốc ngữ đó là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của đã cho xuất bản tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên dó là tờ Gia Định Báo năm 1865 tại Sài Gòn. Tiếp theo là các bút nhóm như Nam Phong với Nam Phong Tạp Chí (1917-1934) do Phạm Quỳnh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, nhóm Đông Dương Tạp Chí (1913-1917) do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút. Đây là những người tiên phong trong việc truyền bá văn xuôi quốc ngữ trong thời kỳ phôi thai của nền văn học quốc ngữ nước nhà.
Văn Học Sử Miền Bắc hồi đó và cả nước bây giờ cũng không đề cập đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn (TLVĐ) gồm các nhà văn Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam, Khái Hưng-Trần Khánh Giư, Hoàng Đạo-Nguyễn Tường Long, Thạch Lam-Nguyễn Tường Lân, Thế Lữ-Nguyễn Thứ Lễ… trong khi đây là một bút nhóm có công rất lớn trong việc phát triển nền văn học cận đại. Tự Lực văn Đoàn đã đưa dòng văn học lãng mạn và những tiểu thuyết luận đề như Đoạn Tuyệt, Lạnh Lùng, Đôi Bạn… của Nhất Linh, Nửa Chừng Xuân, Hồn Bướm Mơ Tiên, Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Thoát Ly, Thừa Tự… của Khái Hưng, Gió Đầu Mùa, Nắng Trong Vườn của Thạch Lam, Con Đường Sáng của Hoàng Đạo… Với lối hành văn trong sáng, giản dị, văn phong hiện đại và phóng khoáng. Cơ quan ngôn luận của nhóm là báo Phong Hóa (1932-1936) và Ngày Nay (1936…) TLVĐ còn có nhà xuất bản Đời Nay để in ấn các tác phẩm của họ. Những tiểu thuyết trong nhóm TLVĐ đã đưa nền văn xuôi nước ta phát triển một bước tiến dài, lối viết của TLVĐ đã ảnh hưởng sâu rộng đến những nhà văn thuộc các thế hệ sau. Tác phẩm của TLVĐ thấm đượm tinh thần nhân văn, tinh thần chống lễ giáo phong kiến, chống các hủ tục và canh tân đất nước.
Dưới nhãn quan của những nhà biên soạn Văn Học Sử Miền Bắc thì Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh thì được cho là làm việc cho Pháp. Những nhà văn, nhà thơ trong TLVĐ tuy có công lớn trong giai đoạn phát triển nền văn học nước nhà đầu thế kỷ XX nhưng vì bất đồng chính kiến với chế độ. Nhóm TLVĐ đa số họ trước đây đều gia nhập Việt Minh (VM) nhưng sau này vì không đồng quan điểm, chính kiến nên đã rời bỏ VM và bị xem là phản động. nhà văn Nguyễn Tường Tam linh hồn của TLVĐ và những nhà văn chủ chốt trong nhóm đa phần là thành viên Việt Nam Quốc Dân đảng bị VM xem là thù địch, Khái Hưng bị VM thủ tiêu ở bến đò Cựa Gà. Tất cả những công lao của những người là lá cờ đầu cho một giai đoạn văn học quan trọng như thế nhưng lại không được đưa vào chương trình Văn Học Sử khiến cho nhiều thế hệ học sinh Miền Bắc và cả nước bây giờ không biết một tý gì khi nói về những nhà văn có công lớn trong giai đoạn văn học quan trọng này. Đây là một thiệt thòi lớn cho nhiều thế hệ học sinh tại miền Bắc trước năm 1975 và cả nước trong nửa thế kỷ qua.
Có câu chuyện cười ra nước mắt chứng minh sự “mịt mù” về TLVĐ của những người được đào tạo trong một nền giáo dục đầy thiên kiến như vậy là ngày 9 tháng 1 năm 2007, trong trò chơi “Ai là triệu phú” trên đài Truyền hình VTV3, người được mời lên chiếc “ghế nóng” tham dự chương trình là cô Nguyễn Thị Tâm, 27 tuổi, giảng viên trường Đại học Sư phạm thành phố Thái Bình.
Câu hỏi nguyên văn như sau: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng; ai là người không phải anh em ruột với ba người kia?” Cô giảng viên Đại học Sư phạm suy nghĩ một lát rồi nói:
– Tự Lực Văn Đoàn, tôi chưa nghe nói đến bao giờ cả. Hình như đó là một gánh cải lương. Còn Nhất Linh chắc chắn là một nghệ sĩ cải lương. – Riêng Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng… tôi không biết ba ông này có phải nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh không.
– Vậy chị kết luận ai không phải anh em ruột với ba người kia?
– Tôi đề nghị cho tôi được hưởng quyền trợ giúp, gọi điện thoại cho người thân.
– Chị muốn gọi cho ai?
– Cho anh Nam, một bạn đồng nghiệp cũng dạy trong trường. Anh Nam là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng, chắc chắn anh ấy biết.
Phòng máy liên lạc với người tên Nam đang chờ sẵn ở nhà để trợ giúp cho cô Tâm.
Cô Tâm lập lại câu hỏi như chương trình đã hỏi: “Trong tứ trụ của Tự Lực Văn Đoàn…”, “Anh cho em biết Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Khái Hưng, ai không phải là anh em ruột với ba người kia…” Đầu dây có tiếng trả lời rất lớn và dứt khoát, nghe rõ mồn một:
– Hoàng Đạo, Hoàng Đạo không phải là anh em ruột với Nhất Linh, Thạch Lam và Khái Hưng.
– Chắc chắn không anh?
– Chắc trăm phần trăm.
– Ba mươi giây của chị đã hết. Xin chị cho biết câu trả lời.
– Tôi tin vào kiến thức của người bạn đồng nghiệp của tôi. Tôi trả lời, Hoàng Đạo không phải anh em ruột với ba người kia.
– Chị quyết định như thế?
– Vâng, câu trả lời của tôi là phương án B, Hoàng Đạo.
– Sai. Giải đáp của chúng tôi là phương án D, Khái Hưng. Khái Hưng không phải anh em ruột với Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam. Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long, sinh năm 1906, em ruột nhà văn Nhất Linh, anh ruột nhà văn Thạch Lam…
Câu chuyện cười ra nước mắt này phản ảnh đúng thực chất là học sinh Miền Bắc trước đây và cả nước bây giờ là không hề được nghe đến TLVĐ chứ đừng nói chi đến công lao, văn nghiệp của họ. Có thể chúng ta không trách cô giáo nọ vì mấy chục năm học hành cô có nghe gì đến TLVĐ đâu (!) Có buồn chăng là khả năng suy luận của cô ấy cũng như anh bạn kia quá kém, dù sao trong cái tên nhóm cũng có hai chữ Văn Đoàn mà mà sao cô giáo không liên tưởng tới một hội đoàn văn chương mà lại nghĩ đến gánh hát cải lương?!. Còn anh bạn được giới thiệu là người đọc sách nhiều, kiến thức rộng kia không biết anh ta căn cứ vào đâu mà trả lời chắc như đinh đóng cột vậy? Cái chúng ta cảm thấy buồn vì một đường lối giáo dục đặt nặng tuyên truyền chính trị và đầy thành kiến, thiếu khách quan, thiếu công tâm với lịch sử đã gây ra nhiều hệ lụy xấu cho nhiều thế hệ học sinh nước ta.
Dạy Văn Học Sử cho học sinh mà chủ trương đưa quan điểm tuyên truyền và ý thức hệ chính trị vào trong đó, rồi loại ra những người có công lớn với nền văn học nước nhà nhưng bất đồng chính kiến là một sai lầm rất lớn. Chính cái lối giáo dục đó đã đào tạo ra hàng triệu học sinh mà ngày nay họ là những công dân, có những người đang giữ vai trò trọng trách đối với xã hội có những kiến thức lệch lạc về lịch sử, có những hiểu biết hết sức phiến diện về một giai đoạn văn học quan trọng cũng như thiếu hiểu biết về những người có công lớn trong việc phát triển nền văn học nước nhà đó thì thật là đáng tiếc.
Gần đây đã có nhưng công trình nghiên cứu, những hội thảo về TLVĐ, đã có đánh giá công nhận công lao của nhóm TLVĐ, dĩ nhiên vấn đề được nhìn nhận dưới nhãn quan của những nhà nghiên cứu CS. Việc nào ra việc đó, hãy đối xử công bằng, khách quan với những người đã đóng góp công sức và trí tuệ để xây dựng cho nền văn học nước nhà có được như ngày hôm nay. Đó cũng là tôn trọng lịch sử và văn hóa dân tộc.