Nguyễn Ngọc Luật
|
Năm 1971 tôi học sử địa với thầy Lê Ngọc Dinh, thầy là một thầy giáo dạy sử địa nhưng có tâm hồn và dáng dấp rất nghệ sỹ, nước da ngăm đen, mai tóc xoăn dài bềnh bồng và rất yêu thích văn chương nên trong giờ dạy sử địa nếu có dịp là thầy sẽ nói về thơ văn có liên quan đến bài học. Vì vậy giờ học của thầy rất sinh động, chúng tôi là dân ban C nên cũng bị cuốn hút theo những câu thơ thầy trích dẫn. Có một buổi học về vùng rừng núi Tây Bắc nói đến cảnh đẹp hùng vĩ của nó, thầy trích dẫn hai câu thơ của Quang Dũng:
“Nghìn thước lên cao, nghìn thước xuống
Nhà ai Pha luông mưa xa khơi…”
Thầy nói thơ Quang Dũng giàu hình ảnh và nhạc điệu, chỉ hai câu thơ thôi mà lột tả được vẻ đẹp hoang sơ của đỉnh Pha-luông hùng vĩ.
Với tôi thì hai câu thơ này quá hay, tôi nhắm mắt lại thầm đọc hai câu thơ đó thấy hiện ra cả một vùng đồi núi hiểm trở, cảnh đẹp hoang sơ như tranh vẽ, cách dùng chữ của Quang Dũng quá tài tình, cách ngắt câu ở câu đầu khiến ta hình dung cả một đường đèo cheo leo phải leo lên đỉnh rồi xuống dốc từ đó một thung lũng trải dài, thấp thoáng những ngôi nhà sàn ẩn mình trong sương khói mờ ảo dưới làn mưa, đẹp hoang sơ và hùng vĩ với một câu thơ chỉ dùng toàn vần bằng…
Trước đó thì tôi có biết đôi chút về Quang Dũng qua những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như Tây Tiến, Đôi Mắt Người Sơn Tây… và rất yêu thích một tâm hồn thơ thật lãng mạn của ông khi viết về một đề tài gai góc là chiến tranh và người lính.
Như một sự tình cờ tháng 4 năm đó tạp chí Văn Học số 140/1971 đặc biệt về Quang Dũng và trang bìa có đăng hình nhà thơ trong chiếc áo lính. Tôi mua về và càng đọc càng thấy thích thơ ông, Tôi thấy trong thơ ông vừa giàu hình ảnh, vừa giàu nhạc điệu, vừa giàu ý tưởng và rất sâu lắng, giàu cảm xúc. Ông viết về người lính ngày đêm đối diện với cái chết, với đói cơm rách áo, ghẻ lở và chấy rận, chiến trường bom đạn, những vùng quê vùng rừng núi Tây Bắc đang trong thời lửa đạn mà nhẹ tênh, mơ màng, lãng đãng như thực như mơ, như viết về nột chuyện tình đẹp. Ông là nhà thơ đi kháng chiến, hàng ngày phải đối diện với gian khổ, với cái chết nhưng thơ của ông thì không thấy sặc mùi bom đạn, chết chóc và căm hờn chất ngất như những nhà thơ bộ đội đương thời. Thơ ông dù viết về sự gian khổ của người lính hay sự tàn khốc của chiến tranh cũng luôn biểu hiện một tâm hồn thơ lãng mạn, phóng khoáng cùng sự rung cảm mang tính nhân văn.
Ta hãy bắt đầu với bài thơ nổi tiếng nhất của ông: TÂY TIẾN
Bài thơ viết về trung đoàn 52 Tây Tiến mà có lúc ông đã từng là Đại đội trưởng, đoàn quân kháng chiến hoạt động ở vùng rừng núi Tây Bắc giáp biên giới Lào-Việt, ông thường nhắc đến những địa danh như Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Mộc Châu, Pha Luông, Sầm Nứa, Mai Châu… một đoàn quân mà bệnh sốt rét rừng đã khiến cho binh lính đều xanh khướt, rụng tóc nhưng vẫn ẩn chứa nét hào hùng nhưng lại rất lãng mạn với “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm,
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Tây Tiến là một bài thơ khắc họa hình ảnh của những người bộ đội trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ, đói rét, bệnh tật nhưng vẫn toát lên vẻ hào hùng của người lính chiến, bên cạnh đó Tây Tiến cũng được tác giả miêu tả cảnh núi rừng hoang dã và vẻ đẹp hoang sơ rất ấn tượng:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,Heo hút cồn mây, súng ngửi trời,
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.
Cảnh núi rừng Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến được phác họa qua ngòi bút của Quang Dũng bổng trở nên bi tráng, hào hùng mà không kém phần lãng mạn và đẹp như một bức tranh vẽ.
Bài thơ thứ hai tôi muốn nhắc đến là: ĐÔI MẮT NGƯỜI SƠN TÂY
Đây là bài thơ mà trên đường hành quân tác giả gặp trong đoàn người chạy giặc có một người con gái với đôi mắt buồn u uẩn và đôi mắt ấy đã ám ảnh tác giả, nếu không có một sự rung cảm của một tâm hồn thơ như Quang Dũng thì sẽ không thể cảm nhận:
Đôi mắt người Sơn Tây,
U uẩn chiều lưu lạc,
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Nhưng mà trong cảnh loạn ly đó Quang Dũng không miêu tả về những khốc liệt hoang tàn của chiến tranh, cũng không miêu tả nỗi thống khổ của người dân chạy giặc mà từ đôi mắt u uẩn của cô gái từ thành Sơn chạy giặc về đó đã vẻ ra một viễn cảnh một ngày mai chiến thắng quân thù trở về với đồng lúa nương khoai:
Em mơ cùng ta nhé,
Bóng ngày mai quê hương,
Đường hoa khô ráo lệ,
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn,
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng.
Trong cảnh lọan ly, bom đạn đó mà Quang Dũng còn mơ được một ngày mai “về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng” thì đúng là một người lính mộng mơ quá đỗi!
Một bài thơ nổi tiếng khác: ĐÔI BỜ
Đây là một bài thơ rất hay mà Quang Dũng từ trong kháng chiến gian khổ đã viết với nỗi niềm của người lính trong cuộc chiến chinh trường kỳ, xa phố thị, xa gia đình và ngày về còn xa diệu vợi. Đọc Đôi Bờ tôi thấy một Quang Dũng đang ngồi trầm tư bên ly rượu mơ về những ngày tháng yên bình xưa cũ hoặc cũng mơ về một ngày hòa bình chưa biết bao giờ mới có được, bài thơ ngắn nhưng câu nào cũng hay nếu muốn trích dẫn e rằng phải đăng nguyên bài mới cùng đồng cảm với tác giả, cùng thấm thía nỗi buồn của người lính trên chiến trường mơ về một người con gái (có thể là người yêu, có thể là vợ). Những câu thơ trong Đôi Bờ chất chứa nỗi niềm của người lính trận, nhưng mà nó rất lãng mạn và sâu lắng!
Ta lại thấy một Quang Dũng đang mơ màng cùng khói thuốc và cúi mặt bên ly rượu đã cạn để rồi trong chếnh choáng hơi men, tác giả thấy:
Thoáng hiện em về trong đáy cốc,
Nói cười như chuyện một đêm mơ.
Nhưng qua hai câu kết ta thấy một tâm hồn thơ lãng mạn dù ở chiến trường gian khổ vẫn thương về người em gái hậu phương:
Em đi áo mỏng buông hờn tủi,
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Đọc hai câu thơ này ai nói là được viết bởi một anh bộ đội nhỉ?
Thơ Quang Dũng không nhiều nhưng bài nào cũng hay, và điều đặc biệt là ông có một lối đi riêng của mình không “đụng hàng” với bất kỳ ai. Trong cuộc kháng chiến chống pháp, giới văn nghệ sỹ cũng tham gia rất nhiều, có rất nhiều nhà thơ mà ta thường gọi là “nhà thơ tiền chiến” chuyên viết thơ tình nhưng khi vào cuộc chiến thì không còn dấu tích của một nhà thơ lãng mạn nữa mà chỉ còn những câu thơ tuyên truyền hoặc đề cập tới cuộc chiến với những ngôn từ sặc mùi khói lửa, bom đạn chết chóc, hận thù. Nhưng ở Quang Dũng thì không, ông đi vào cuộc chiến với cương vị của một người chỉ huy, ông đã từng là Đại đội trưởng, Trưởng ban Tuyên huấn của Trung đoàn 52 Tây Tiến, rồi làm Trưởng đoàn Văn nghệ Liên khu III, thế nhưng thơ ông vẫn đượm chất lãng mạn, phiêu bồng, một tâm hồn thơ dạt dào cảm xúc trước thế sự, cảnh vật và con người. Không có một bài thơ nào của ông mang hơi hướm tuyên truyền hoặc kích động hận thù.
Cũng vì cái tâm hồn lãng mạn, phóng khoáng đó mà thơ ông đã bị gán cho cái mác “lãng mạn tiểu tư sản”.
Quang Dũng sáng tác không nhiều, nhưng thơ ông để lại ấn tượng sâu sắc với những rung cảm sâu lắng trong tâm hồn người đọc. Thơ Quang Dũng hiện lên một “cái tôi” hào hoa, thanh lịch giàu chất lãng mạn, với khả năng cảm nhận một cách tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người, đồng thời lại rất mực hồn nhiên, bình dị, chân thật. Bài thơ Tây Tiến tiêu biểu cho hồn thơ ấy. Không lẩn tránh đề cập đến cái bi nhưng cảm hứng lãng mạn đã đem đến cho cái bi màu sắc và âm hưởng tráng lệ, hào hùng. Quang Dũng không những là một nhà thơ khoác áo lính mà ông còn là một nghệ sỹ đa tài về lãnh vực hội họa, âm nhạc…
|
Quang Dũng xuất ngũ năm 1951 và làm biên tập viên báo Văn Nghệ, sau đó là nhà xuất bản Văn Học, nhưng vì tham gia nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm ông bị đi chỉnh huấn. Từ đó một tâm hồn thơ lãng mạn, một nghệ sỹ đa tài Quang Dũng đã sống trong âm thầm lặng lẽ cho đến khi mất năm 1988 không có một bài thơ nào được viết lên nữa. Có một câu chuyện mà một người bạn của Quang Dũng là bác sĩ Phan Đăng Hoài kể lại, câu chuyện có một người bộ đội gốc Phi Châu sau chiến tranh đã ở lại và lập gia đình với một cô gái Việt Nam vì mến tài Quang Dũng nên từ Ba Vì lặn lội đạp xe chở quà cáp nào là gà, khoai sắn về Hà Nội thăm Quang Dũng, khi thấy anh Tây to lớn tìm thăm thì Quang Dũng vì sợ công an đến nhà gây khó dễ nên đã lánh mặt theo ống nước tụt từ tầng ba xuống đất và chạy đến nhà bác sĩ Hoài rồi lấy trong túi ra một tập bản thảo và bật diêm đốt. Bác sĩ Hoài đã dập tắt lửa lấy tập giấy bản thảo ra cứu được hai bài thơ đó là bài “cô gái tản cư” và “sabi”. Thế mới biết sau vụ chỉnh huấn Quang Dũng đã sống trong sự thom thóp lo sợ như thế nào.
Sau thời kỳ đổi mới, xét lại về công lao của những văn nghệ sỹ trong nhóm Nhân Văn-Giai Phẩm nhà nước đã phục hội tư cách nhà thơ nhà văn cho một số văn nghệ sỹ, xuất bản một số tác phẩm của họ và nhiều người còn được trao giải thường văn học nhà nước như Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Yến Lan, Phạm Kỳ Nam… Quang Dũng cũng được truy tặng giải thưởng văn học nhà nước vào năm 2001(mười ba năm sau khi ông mất).
Giờ đây sự nghiệp sáng tác, văn tài của Quang Dũng đã được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, nhà nước đã truy tặng giải thưởng văn học cho ông, tác phẩm của ông được đưa vào chương trình giáo khoa dạy cho học sinh trung học, có những buổi hội thảo khoa học để tôn vinh ông, một đoạn trong bài thơ Tây Tiến của ông được khắc trên một bia tưởng niệm đoàn quân Tây Tiến ở Hòa Bình. Thế nhưng những sự xét lại đó tuy đã phục hồi danh dự cho ông và tài năng của ông được đánh giá một cách khách quan và công bằng. Tuy nhiên vụ án Nhân Văn-Giai Phẩm đã gây khổ lụy cho hàng trăm văn nghệ sỹ, trí thức vì muốn được tự do tư tưởng, tự do sáng tác mà bị sa vào vòng lao lý, bị đưa đi chỉnh huấn, bị khủng bố tư tưởng, bị cấm sáng tác, tác phẩm của họ không được phổ biến là một sự thiệt thòi cho những văn nghệ sỹ tài năng không có gì bù đắp nổi! Bên cạnh đó sự mất mát lớn nhất là đất nước đã mất đi một thế hệ văn nghệ sỹ tài năng vì họ không còn cơ hội để cống hiến cho đời những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị trong đó có nhà thơ đa tài Quang Dũng. Thật là đáng tiếc biết bao!